Trang chủ

Quan hệ chính trị giữa hai bờ eo biển Đài Loan trước thềm Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc

Đăng ngày: 19-02-2024, 10:21 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 8

Vũ Thùy Dương1


Tóm tắt: Năm 2022 là năm Trung Quốc tiến hành Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX, có khả năng ông Tập Cận Bình tiếp tục giữ cương vị Tổng Bí thư. Để củng cố vững chắc vai trò “hạt nhân lãnh đạo” trong việc xử lý “lợi ích cốt lõi”, ông Tập Cận Bình đã không ngừng gia tăng động thái mạnh mẽ với Đài Loan. Ngược lại, chính quyền Thái Anh Văn tiếp tục tỏ rõ lập trường ly khai, tách Đài Loan khỏi Trung Quốc. Điều này khiến quan hệ chính trị giữa hai bờ eo biển trước thềm Đại hội XX ngày càng căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ xung đột quân sự, đe dọa đến hòa bình, ổn định trong khu vực. Bài viết tập trung vào những vấn đề nổi bật trong quan hệ hai bờ 6 tháng đầu năm 2022, xu hướng phát triển và tác động của những vấn đề này đối với khu vực.

Từ khóa: Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, nguyên tắc “Một Trung Quốc”, “Nhận thức chung 92”

 


1. Một số nhân tố quốc tế, khu vực chủ yếu tác động đến quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan [1]

Tình hình chính trị thế giới trong những tháng đầu năm 2022 có sự chuyển biến nhanh, phức tạp, điều này không chỉ tác động đến việc phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19, mà còn tạo đà khiến cạnh tranh địa chính trị, xung đột lợi ích chiến lược… giữa các nước lớn ngày càng căng thẳng, quyết liệt. Về cơ bản, có một số nhân tố quốc tế, khu vực tác động đến mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan như sau:

Thứ nhất, quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng căng thẳng. Sau hơn 1 năm lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định rõ nét lập trường “cứng rắn, không nhượng bộ” của mình với Trung Quốc. Đặc biệt, mối quan hệ Mỹ - Trung năm 2022 nhiều khả năng sẽ căng thẳng hơn năm ngoái, bởi ông Biden đang cần khẳng định một cách tiếp cận mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh so với người tiền nhiệm để thu hút sự ủng hộ của các cử tri lưỡng đảng có quan điểm chống Trung Quốc trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới tại Mỹ. Những động thái quốc tế gần đây cho thấy, trong cuộc cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế sâu rộng đang đẩy quan hệ Mỹ - Trung ngày càng gia tăng trạng thái “nghi ngờ và đối kháng” như hiện nay, chắc chắn sự đối đầu trên hàng loạt lĩnh vực từ thương mại, quốc phòng đến ngoại giao sẽ leo thang trong nhiều năm tới.

Thứ hai, Trung – Nga xích lại gần nhau hơn sau cuộc chiến ở Ukraine. Trên thực tế, quan hệ Trung – Nga mang nhiều sắc thái của sự hợp tác tùy thuộc hoàn cảnh hơn là một mối quan hệ đồng minh chiến lược. Bởi giữa hai nước thiếu vắng lòng tin lẫn nhau, vẫn còn tồn tại nhiều mối lo ngại, nhất là từ phía Nga. Việc Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động thương mại, đầu tư, di dân sang vùng Viễn Đông, gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Trung Á thông qua “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa trên bộ” (SREB)… khiến Moscow phải thận trọng hơn với mục tiêu toàn cầu mà Bắc Kinh đang triển khai. Xung đột Nga – Ukraine là chất xúc tác quan trọng đẩy mối quan hệ đối tác Trung – Nga tiến lên tầm cao mới. Nga cần Trung Quốc để phá vỡ thế bao vây kinh tế của Mỹ và phương Tây; Trung Quốc cần năng lượng, vũ khí… của Nga. Trong cuộc điện đàm ngày 15/6/2022, Tập Cận Bình và Putin đều tuyên bố ủng hộ lẫn nhau đối với các vấn đề liên quan đến “lợi ích cốt lõi” và công việc nội bộ[2]. Song với những toan tính và lợi ích chiến lược riêng của mỗi nước, Bắc Kinh sẽ cân nhắc thận trọng việc hậu thuẫn Moscow trong cuộc chiến ở Ukraine, tập trung vào tích lũy kinh nghiệm, khả năng ứng phó linh hoạt khi mở rộng kế hoạch bành trướng ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hay sử dụng vũ lực thu hồi Đài Loan.

Thứ ba, các nước lớn gia tăng ảnh hưởng ở khu vực nhằm kiềm tỏa những tham vọng của Trung Quốc. Trước các tham vọng tham gia và chi phối quản trị toàn cầu ngày càng gia tăng của Trung Quốc đã khiến cuộc chiến cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn càng thêm gay gắt. Đối với Mỹ, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) tiếp tục được chính quyền Biden sử dụng để mở rộng phạm vi ảnh hưởng trong khu vực. Ngày 11/2/2022, chính quyền Joe Biden đã công bố rõ hơn về FOIP, theo đó Mỹ cam kết tăng cường vai trò của mình tại đây nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong hàng loạt lĩnh vực từ an ninh tới kinh tế[3]. Tiếp đó, trong chuyến thăm Nhật Bản (23/5/2022), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF)”, tập trung vào các vấn đề quan trọng như thương mại, chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu và chống tham nhũng. Sáng kiến mới này được kỳ vọng là sẽ tăng cường vị thế kinh tế của Mỹ gia tăng đối trọng với Trung Quốc. Đối với Nhật Bản, giống như hai người tiền nhiệm trước, Thủ tướng Fumio Kishida cũng đang nỗ lực trong việc nâng cao vai trò ảnh hưởng của Tokyo ở khu vực. Tại Đối thoại Shangri–La (10-12/6/2022), phát biểu tại phiên khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Fumio Kishida đã đưa ra chiến lược “Tầm nhìn Kishida về hòa bình” khẳng định vai trò của Nhật Bản trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với hai mục tiêu quan trọng là tăng cường sức mạnh ngoại giao và an ninh[4]. Đồng thời, ông Kishida cũng tuyên bố sẽ đưa Nhật Bản bước sang kỷ nguyên “ngoại giao hiện thực” với trọng tâm là tăng cường khả năng răn đe để Nhật Bản có thể tiếp tục là quốc gia gương mẫu mang lại hòa bình[5].

Có thể thấy, cục diện thế giới đang có nhiều biến chuyển nhanh, phức tạp…, điều này có tác động không nhỏ đến tình hình chính trị toàn cầu cũng như mối quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

2. Một số nét nổi bật trong quan hệ chính trị giữa hai bờ eo biển Đài Loan những tháng đầu năm 2022

2.1. Động thái và chính sách từ Trung Quốc

Quan sát những biến động thực tế trong những tháng đầu năm 2022, có thể thấy Chính phủ Trung Quốc không ngừng gia tăng sức ép với Đài Loan thông qua một số biện pháp chủ yếu như sau:

Tiếp tục gia tăng các tuyên bố cứng rắn đối với Đài Loan. Thực tế từ sau khi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn lên nắm quyền, với cách tiếp cận của mình đã đẩy quan hệ giữa hai bờ eo biển vào trạng thái luôn căng thẳng, đối đầu. Chính vì vậy, để răn đe và cảnh cáo Đài Bắc, Chính phủ Trung Quốc luôn truyền tải những thông điệp cứng rắn, kiên quyết với Đài Loan. Trong Báo cáo công tác Chính phủ năm 2022, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh, kiên trì nguyên tắc “một Trung Quốc”, “Nhận thức chung 92”, kiên quyết phản đối các hành động ly khai “Đài độc”, kiên quyết phản đối sự can thiệp của các thế lực bên ngoài[6]. Lập trường cứng rắn của Bắc Kinh tiếp tục được tái hiện thông qua phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa tại Đối thoại Shangri-La năm 2022, đó là, nếu ai dám chia cắt Đài Loan, Trung Quốc sẽ sẵn sàng chiến đấu đến cùng, không ai được đánh giá thấp quyết tâm, ý chí và năng lực hùng mạnh của quân đội Trung Quốc[7].

Tăng cường các hoạt động quân sự nhằm cảnh cáo thế lực “Đài độc”. Bên cạnh răn đe bằng lời nói, Trung Quốc còn thể hiện lập trường cứng rắn thông qua các hoạt động quân sự, thậm chí sẵn sàng sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề Đài Loan. Liên tiếp trong những tháng đầu năm 2022 Trung Quốc không ngừng gia tăng hoạt động gây sức ép lên hòn đảo thông qua việc điều hàng loạt máy bay chiến đấu bay qua Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Theo thông báo của Cơ quan Quốc phòng Đài Loan (MND) trong quý 1 và 2 năm 2022 đỉnh điểm có hai ngày số lượng máy bay Trung Quốc xâm nhập ADIZ của hòn đảo lên tới 30 chiếc/ngày như: ngày 23/1/2022 có 39 máy bay chiến đấu; ngày 30/5/2022, có 30 máy bay chiến đấu bay vào ADIZ phía tây nam hòn đảo[8]. Ngoài việc điều máy bay chiến đấu, tàu sân bay đi vào ADIZ của Đài Loan, Trung Quốc còn tiến hành thử tên lửa siêu vượt âm YJ-21 để diệt tàu chiến, loại tên lửa này được kỳ vọng có thể ngăn chặn và phá hủy các tàu chiến của Mỹ từ xa trong trường hợp xung đột nổ ra ở Đài Loan[9]. Mặt khác để tăng cường hiệu quả răn đe, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) còn tiến hành các cuộc tập trận quân sự nhằm nâng cao khả năng tác chiến. Theo giới quan sát quốc tế nhận định, có dấu hiệu đáng chú ý trong các cuộc tập trận gần đây của PLA, đó là PLA đang tích cực triển khai chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) nhằm phát hiện, làm trì hoãn và ngăn chặn các lực lượng bên ngoài chiếm đóng hoặc tiếp cận vào một khu vực trên bộ, trên biển hoặc trên không[10].

Đa dạng hóa biện pháp gây sức ép kinh tế lên hòn đảo. Nền kinh tế Đài Loan phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, trong đó xuất khẩu chíp điện tử là thế mạnh của hòn đảo (công ty bán dẫn TSMC chiếm đến 92% sản lượng các dòng chíp cao cấp thế giới[11]). Đại dịch Covid-19 bùng phát, chiến sự ở Ukraine… đã làm đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng chíp toàn cầu trong một thế giới ngày càng phụ thuộc vào công nghệ. Chính vì vậy, giảm sự phụ thuộc bên ngoài, tăng cường đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn là một lựa chọn của nhiều nước trong đó có Trung Quốc. Trên thực tế, mặc dù Bắc Kinh đang có nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, song với nguồn nhân tài chíp hạn chế, Bắc Kinh khó có thể đạt được mục tiêu đặt ra. Một phương thức mà Trung Quốc đang tiến hành là tìm cách thu hút nhân tài chíp Đài Loan. Giải pháp này, một mặt có thể giải quyết được nhu cầu trong nước, mặt khác có thể gây sức ép lên kinh tế Đài Loan. Một quan chức của Cục Điều tra - Bộ Tư pháp Đài Loan cho biết đã tiến hành điều tra khoảng 100 công ty Trung Quốc bị cáo buộc “săn trộm” nhân tài công nghệ của hòn đảo một cách bất hợp pháp[12].

2.2. Động thái và chính sách từ Đài Loan

Mặc dù, hiện Mỹ và các nước đồng minh phương Tây đang tập trung ở chiến sự Ukraine, việc Washington không “bỏ ngỏ” sự hiện diện sức mạnh của mình ở khu vực đã khiến chính quyền Thái Anh Văn “tự tin” hơn và chưa có dấu hiệu muốn hạ nhiệt căng thẳng, điều này thể hiện qua một số điểm nhấn chính như:

Đài Loan đưa ra nhiều thông điệp cứng rắn. Trong diễn văn chúc mừng năm mới 2022, lãnh đạo Đài Loan đã khẳng định rõ lập trường của hòn đảo: không khuất phục trước áp lực, nhà cầm quyền Bắc Kinh không được đánh giá sai tình hình và cần ngăn chặn sự bành trướng của “chủ nghĩa phiêu lưu quân sự” (military adventurism)[13]. Cách tiếp cận nguy hiểm chạm tới “lằn ranh đỏ” của Trung Quốc tiếp tục bị đẩy lên cao khi phát ngôn viên Ủy ban công tác Đại lục (MAC) - Khâu Thùy Chính lên tiếng phản đối Báo cáo công tác chính phủ năm 2022 của ông Lý Khắc Cường, trong đó có đề cập đến vấn đề Đài Loan. Theo đó, chính quyền Đài Loan không công nhận cũng như không chấp nhận nguyên tắc “một Trung Quốc” và “Nhận thức chung 92” của Bắc Kinh[14].

Tăng cường hiện đại hóa quân đội. Bên cạnh vũ khí mua từ Mỹ, để gia tăng khả năng phòng vệ đối phó với áp lực từ phía Trung Quốc, chính quyền hòn đảo đang nỗ lực hiện đại hóa quân sự với nhiều loại vũ khí chính xác như: tên lửa tấn công Hùng Phong, tên lửa đất đối không Thiên Cung III, máy bay không người lái (UAV)…, ngoài ra, các dự án đóng tàu chiến, tàu ngầm cũng được đẩy mạnh triển khai[15]. Chính quyền Thái Anh Văn đang thực thi chiến lược “chiến tranh phi đối xứng”, tập trung phát triển vũ khí công nghệ cao, cơ động cao, khó bị phá hủy và có thể tấn công chính xác mục tiêu nhằm trì hoãn hoặc tê liệt đà tấn công của đối phương, khiến đối phương khó tiến hành thành công một cuộc chiến tranh chớp nhoáng. Để triển khai hiện đại hóa quân đội, “chiến tranh phi đối xứng”, Đài Loan đã tăng ngân sách quốc phòng lên đến 17 tỷ USD năm 2022, tăng 5% so với năm 2021[16].

Tận dụng mọi cơ hội mở rộng không gian quốc tế. Để mở rộng không gian quốc tế đang ngày càng bị Bắc Kinh thu hẹp, một mặt Đài Bắc cố gắng “níu giữ” các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan; mặt khác, hòn đảo cũng tranh thủ tận dụng mọi cơ hội để củng cố “hình ảnh” trên trường quốc tế, điển hình như việc tuyên bố tham gia các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc chống lại Nga bao gồm: hạn chế xuất khẩu đối với chất bán dẫn trị giá 20 triệu USD, cũng như có các động thái ngăn chặn các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT…[17]. Đây cũng chính là nguyên nhân Nga đưa Đài Loan vào Danh sách các nước và vùng lãnh thổ “không thân thiện” do đã áp đặt hoặc tham gia trừng phạt Nga.

2.3. Nhân tố Mỹ trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan

Trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan luôn hiện hữu sự can dự của Mỹ, bởi nếu Trung Quốc sáp nhập được Đài Loan sẽ đặt cho Mỹ nhiều thách thức về địa chính trị- địa kinh tế với Bắc Kinh. Quan sát động thái của Washington những tháng đầu năm 2022, có một số nét nổi bật như sau:

Công khai ủng hộ Đài Bắc, bất chấp cảnh báo từ Bắc Kinh. Trong chuyến công du đầu tiên kể từ khi nhậm chức của Tổng thống Joe Biden đến Nhật Bản, Hàn Quốc (20-25/5/2022) và tham dự Hội nghị thượng đỉnh QUAD, chính sách “mơ hồ chiến lược” của Washington với Đài Bắc đã được ông Biden xác định rõ nét hơn khi khẳng định Washington sẽ can thiệp quân sự nếu Bắc Kinh tấn công Đài Loan. Mặc dù, sau đó để tránh chọc giận Bắc Kinh, Nhà Trắng đã “đính chính” lại rằng, chính sách “một Trung Quốc” của Mỹ không thay đổi, cũng như cam kết của Mỹ theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó Washington sẽ cung cấp khí tài quân sự để Đài Bắc tự phòng thủ[18], song trên thực tế phát biểu của ông Biden không đơn giản chỉ là “lỡ lời”, mà bao hàm một sự “mập mờ” răn đe đầy ẩn ý nếu Trung Quốc sáp nhập Đài Loan bằng vũ lực. Tại Đối thoại Shangri-La năm 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nhấn mạnh chính sách của Mỹ với Đài Loan vẫn là phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng. Duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan không chỉ vì lợi ích của Mỹ, đó là vấn đề được quốc tế quan tâm[19].

Tiếp tục bán vũ khí, tăng cường hợp tác với Đài Loan. Theo Thông tấn xã Đài Loan (CNA) ngày 8/2/2022, Chính phủ Mỹ đã thông báo chấp thuận bán cho Đài Loan các thiết bị và dịch vụ nhằm cải thiện hệ thống phòng thủ tên lửa của hòn đảo với chi phí ước tính khoảng 100 triệu USD[20]. Tiếp đó, tháng 4/2022 Mỹ đã cung cấp cho Đài Loan các thiết bị, khóa huấn luyện…, để nâng cấp lá chắn phòng thủ Patriot của hòn đảo với trị giá 95 triệu USD[21]. Một hợp đồng cung cấp linh kiện tàu chiến trị giá 120 triệu USD khác cho Đài Loan cũng đang chờ Quốc hội Mỹ thông qua để trình lên Tổng thống Biden ký phê duyệt[22].

Liên kết đồng minh để ứng phó trong trường hợp xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan. Với mục đích liên kết đồng minh ứng phó với nguy cơ xung đột quân sự giữa hai bờ eo biển Đài Loan, chính quyền Biden đã tích cực tìm kiếm sự hợp tác của các đồng minh thân cận. Đầu tháng 3 năm 2022, ông Kurt Campbell, điều phối viên Nhà Trắng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và bà Laura Rosenberger, quan chức đứng đầu chính sách Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đã họp bàn với các đại diện Anh về vấn đề Đài Loan. Đây là cuộc họp đầu tiên giữa Anh và Mỹ về vấn đề này. Trên thực tế, cuộc đối thoại với Anh là một phần của các cuộc thảo luận sâu hơn mà Mỹ đã, đang tổ chức với Nhật Bản, Australia trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan[23].

Như vậy, có thể thấy quan hệ chính trị giữa hai bờ eo biển trước thềm Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục có những diễn biến căng thẳng, khó lường, hai bên đều chưa có dấu hiệu muốn hạ nhiệt, nguy cơ xung đột quân sự trong 1, 2 năm tới ít có dấu hiệu xảy ra, song đang ngày càng hiện hữu đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định ở khu vực.

3. Xu hướng phát triển và những tác động đến khu vực

Hơn 70 năm qua, giải quyết vấn đề Đài Loan thực hiện thống nhất Tổ quốc là khát vọng lớn nhất của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc. Chính vì vậy, ngay sau khi lên nắm quyền năm 2012, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có những tính toán kĩ lưỡng cho tiến trình thu hồi Đài Loan khi đưa ra mốc thời gian rõ ràng, đó là: những bất đồng chính trị giữa hai bờ cần phải từng bước giải quyết, không thể để vấn đề tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác[24]. Với tuyên bố này, ông Tập Cận Bình ngầm khẳng định việc hoàn thành sự nghiệp vĩ đại thống nhất Tổ quốc sẽ được giải quyết trong nhiệm kỳ lãnh đạo của mình. Sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, chắc chắn Bắc Kinh sẽ tăng cường triển khai nhiều biện pháp để từng bước hiện thực hóa sáp nhập hòn đảo vào Trung Quốc.

Đài Loan có vị trí địa chính trị quan trọng ở khu vực, vì thế đây là “điểm nóng” trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Với việc đưa ra “Giấc mộng Trung Quốc” và phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại, Đài Loan chính là “mảnh ghép” còn thiếu trong các tham vọng toàn cầu đó của Tập Cận Bình. Chính vì vậy, để nâng cao và củng cố hơn nữa uy tín “hạt nhân lãnh đạo”, có công hoàn thành chặng đường cuối cùng “thu non sông về một mối” như những nhà lãnh đạo tiền nhiệm trước (Mao Trạch Đông sáp nhập Tây Tạng, Đặng Tiểu Bình thu hồi Hồng Kông, Ma Cao), thu hồi Đài Loan là mục tiêu mà Tập Cận Bình sẽ kiên quyết đạt được bằng mọi giá. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ nay cho đến năm 2025 giữ nguyên trạng, gia tăng sức ép mạnh mẽ lên Đài Loan là biện pháp mà Bắc Kinh sẽ triển khai một cách đa dạng. Nhận định này dựa trên một số nhân tố cơ bản như sau: thứ nhất, xung đột Nga – Ukraine đã khiến Mỹ và các nước trên thế giới cùng liên kết kìm hãm Nga đã tạo ra một “lý do” khiến Bắc Kinh chưa vội vàng “sử dụng sức mạnh quân sự” với Đài Loan. Bắc Kinh cần chuẩn bị những giải pháp, bước đi cần thiết để ứng phó linh hoạt với sự cô lập từ Mỹ và đồng minh; thứ hai, mặc dù Trung Quốc luôn tuyên bố sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan, song đây chỉ là biện pháp cuối cùng, bởi giả sử nếu cuộc chiến không diễn ra nhanh chóng bị kéo dài, tiêu hao nhiều nhân lực, vật lực… khi đó, không chỉ uy tín “hạt nhân lãnh đạo” bị ảnh hưởng, mà còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn chính trị nội bộ, cản trở việc hiện thực hóa các tham vọng của Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ ba; thứ ba, cuối năm 2022 sẽ diễn ra bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ và cuộc bầu cử địa phương các cấp “9 trong 1” ở Đài Loan, hai cuộc bầu cử này có vai trò quan trọng trong việc định hình xu hướng phát triển quan hệ giữa hai bờ eo biển sau năm 2024 (Mỹ tiến hành bầu cử tổng thống, Đài Loan bầu lãnh đạo mới). Do đó, Bắc Kinh sẽ chưa sử dụng vũ lực với hòn đảo mà chủ yếu tập trung gia tăng sức ép quân sự, răn đe thế lực “Đài độc”; thứ tư, trong “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” (2021-2025) của Trung Quốc, lần đầu tiên quốc phòng được đưa vào kế hoạch 5 năm với mục tiêu đưa quân đội nước này trở thành một lực lượng hiện đại toàn diện vào năm 2027[25]. Vì vậy, để đủ sức răn đe và ngăn chặn hiệu quả sự can dự của Washington xung quanh eo biển Đài Loan, Bắc Kinh sẽ tập trung mọi nỗ lực nhằm đưa PLA thành lực lượng tác chiến hiện đại hàng đầu thế giới, cạnh tranh với quân đội Mỹ trong trường hợp phải sử dụng vũ lực tái thống nhất. Trong ngắn hạn nguy cơ Đài Loan bị Trung Quốc sáp nhập bằng vũ lực ít có khả năng xảy ra, song Đài Bắc phải đối mặt với nhiều mối lo ngại đáng báo động trong khoảng thời gian 5-7 năm tới. Không loại trừ khả năng năm 2027, Trung Quốc sẽ sử dụng biện pháp phi hòa bình với Đài Loan, thậm chí bất chấp lãnh đạo mới của Đài Loan có cách tiếp cận ôn hòa hơn Thái Anh Văn. Bởi năm 2027 Trung Quốc sẽ kỉ niệm 100 năm ngày thành lập PLA và tiến hành Đại hội XXI, với sứ mệnh lịch sử của dân tộc trở thành sứ mệnh cá nhân, Tập Cận Bình chắc chắn không để vấn đề tồn tại truyền sang thế hệ khác mà sẽ bằng mọi giá đưa Đài Loan trở về Tổ quốc.

Để hiện thực hóa sứ mệnh cá nhân, Tập Cận Bình đang triển khai từng bước kế hoạch thu hồi của mình. Hiện ngoài chiến thuật vùng xám, Bắc Kinh đang mở rộng chiến thuật “lát cắt salami” thông qua việc coi eo biển Đài Loan thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trong cuộc họp báo ngày 13/6/2022, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân tuyên bố: Trung Quốc có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với eo biển Đài Loan. Không có cơ sở pháp lý về “vùng biển quốc tế” trong luật biển quốc tế. Việc một số nước liên quan cho rằng eo biển Đài Loan là “vùng biển quốc tế” là để tìm cớ thao túng các vấn đề liên quan đến Đài Loan, đe dọa chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, chúng tôi kiên quyết phản đối vấn đề này[26]. Hai ngày sau khi tuyên bố Đài Loan không phải là “vùng biển quốc tế”, ngày 15/6/2022 Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký tiếp “Đề cương về hành động quân sự phi chiến tranh của quân đội” (Military operations other than war – MOOTW). Đề cương với 6 chương, 59 điều tập trung vào việc phòng ngừa và hóa giải hiệu quả các nguy cơ, thách thức, ứng phó xử lý các tình huống khẩn cấp, bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của quốc gia, đổi mới phương thức vận dụng lực lượng quân sự, quy phạm việc tổ chức thực thi hành động quân sự phi chiến tranh[27]… Có thể thấy, việc coi eo biển Đài Loan không phải “vùng biển quốc tế”, sử dụng chiến thuật vùng xám, MOOTW… đã cho thấy rõ ý đồ chiến lược không chỉ đơn thuần chuẩn bị từng bước thu hồi Đài Loan của Tập Cận Bình, mà xa hơn là tham vọng độc chiếm Biển Đông, mở rộng lãnh hải ngày càng trở nên táo bạo với nhiều xảo thuật đa dạng. Trên thực tế, những căng thẳng trong quan hệ giữa hai bờ eo biển trong thời gian gần đây, cùng với việc Trung Quốc gia tăng các tuyên bố phi lý và hành động quyết đoán, hung hăng hơn ở Biển Đông đã, đang và sẽ đẩy cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực thêm quyết liệt (bảng 1).

Với mục tiêu hiện đại hóa quốc phòng, đưa quân đội thành một lực lượng hiện đại, nỗ lực tích hợp công nghệ dân sự và quân sự hướng đến các lĩnh vực công nghệ hàng hải, không gian, trí tuệ nhân tạo, Bắc Kinh đang nỗ lực biến “Giấc mộng Trung Quốc” thành hiện thực. Đặc biệt, đáng quan ngại hơn đối với Biển Đông khi Trung Quốc tăng cường phát triển máy bay chiến đấu và tàu sân bay… nhằm gia tăng sức mạnh hải quân, không quân phục vụ cho những tham vọng bá quyền của nước này trong khu vực. Hiện Bắc Kinh đang đẩy nhanh chương trình tàu sân bay để tăng cả về số lượng hàng không mẫu hạm lẫn năng lực tác chiến, dự kiến đến năm 2030 sẽ sở hữu 4 nhóm tác chiến tàu sân bay, trở thành cường quốc tàu sân bay lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ[28]. Cùng với Liêu Ninh, Sơn Đông, tàu sân bay Phúc Kiến mới được hạ thủy (17/6/2022) được trang bị hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) sẽ là mối lo tiềm tàng không chỉ với Đài Loan mà còn với các nước có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Ngoài tàu sân bay, hải quân Trung Quốc còn có các tàu ngầm diesel - điện Type 039A/B yên tĩnh khi di chuyển dưới biển, được trang bị tên lửa hành trình diệt hạm cùng ngư lôi dẫn đường; 6 tàu khu trục Type 055 với những vũ khí phù hợp cho nhiệm vụ chống tên lửa, chống hạm, chống ngầm lẫn tấn công đổ bộ. Tàu sân bay, tàu ngầm Type 039A/B, tàu khu trục Type 055 thực sự trở thành mối đe dọa với bất kỳ chiến hạm nào của nước ngoài khi xảy ra xung đột với Trung Quốc. Bên cạnh việc sở hữu số lượng tàu lớn nhất thế giới (355 chiếc, Mỹ là 297 chiếc), Bắc Kinh cũng đang sở hữu phi đội máy bay lớn nhất khu vực ước tính khoảng hơn 2.800 chiến đấu cơ (không bao gồm UAV và máy bay huấn luyện)[29].

 

Bảng 1: Chi tiêu quân sự/GDP của một số nước và vùng lãnh thổ trong khu vực (2017-2021) (%)

Nước

2017

2018

2019

2020

2021

Brunei

2,87

2,64

3,08

4,08

3,26

Indonesia

0,87

0,72

0,73

0,86

0,70

Malaysia

1,10

0,96

0,89

1,01

1,06

Philippines

1,25

0,82

0,92

1,01

1,04

Singapore

2,98

2,84

2,80

2,94

2,98

Đài Loan

1,82

1,74

1,82

1,88

1,74

Nguồn: SIPRI Military Expenditure Database, https://www.sipri.org/databases/milex

 

Có thể thấy, Bắc Kinh đang chuẩn bị từng bước nâng cao năng lực tác chiến của lực lượng không quân, hải quân đảm bảo đáp ứng khả năng phòng vệ, tấn công và chiến đấu tầm xa… ngăn chặn Mỹ can dự vào “lợi ích cốt lõi”, cũng như hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

4. Kết luận

Quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan thời gian gần đây xuất hiện nhiều động thái gia tăng căng thẳng, song để đưa đến nguy cơ xung đột quân sự có lẽ là điều cả Bắc Kinh và Đài Bắc đều không muốn xảy ra, bởi dù muốn hay không nó sẽ gây tổn thất cho cả hai bên. Vì vậy, cân nhắc cẩn trọng các bước đi phù hợp sẽ là lựa chọn hiệu quả nhất nhằm “hạ nhiệt” đối đầu trong quan hệ giữa hai bờ eo biển ở thời điểm hiện tại. Mặt khác, duy trì cục diện hòa bình, ổn định, thịnh vượng cũng là điều mà các nước trong khu vực đều mong muốn và ủng hộ./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Văn Mỹ (2020), Trung Quốc và Mỹ với an ninh Đông Bắc Á từ sau Đại hội XIX Đảng cộng sản Trung Quốc: tác động và dự báo, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 343 trang.

2. Viện Chiến lược, Bộ Công an (2021), ASEAN trong chiến lược nước lớn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 302 trang.

3. David Shambaugh (2021), Đông Nam Á- Hội tụ các siêu cường Mỹ - Trung, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 490 trang.

4. Graham Allison (2020), Định mệnh chiến tranh: Liệu Mỹ và Trung Quốc có tránh được bẫy Thucydides?, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 520 trang.

5. Corey Lee Bell, “Russian invasion of Ukraine prompts a defence rethink in Taiwan”, https://www.australiandefence.com.au/defence/budget-policy/russian-invasion-of-ukraine-prompts-a-defence-rethink-in-taiwan.

 

 

 



[1] TS., Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] 中华人民共和国外交部, “习近平同俄罗斯总统普京通电话” (Bộ Ngoại giao CHND Trung Hoa, “Tập Cận Bình nói chuyện điện thoại với Tổng thống Nga Putin”, https://www. fmprc.gov.cn/web/wjdt_674879/gjldrhd_674881/202206/t20220615_10703775.shtml.

[3] Phạm Ngọc Ánh, “Chính quyền Mỹ công bố Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, https://www. vietnamplus.vn/chinh-quyen-my-cong-bo-chien-luoc-an-do-duongthai-binh-duong/772661.vnp.

[4] Thanh Danh, “Thông điệp nhắm tới Trung Quốc của Nhật Bản tại Đối thoại Shangri-La”, https://vnexpress. net/thong-diep-nham-toi-trung-quoc-cua-nhat-tai-doi-thoai-shangri-la-4474893.html.

[5] Vũ Mạnh, “Thủ tướng Kishida: Nhật sẽ chuyển sang tăng cường khả năng răn đe”, https://thanhnien.vn/thu-tuong-kishida-nhat-se-chuyen-sang-tang-cuong-kha-nang-ran-de-post1467471.html.

[6] 新华网, “国台办:“台独”勾结外部势力妄图挑战一个中国原则的图谋必被碾碎” (Tân Hoa xã, Văn phòng các vấn đề Đài Loan, “Đài độc” nỗ lực cấu kết với các thế lực bên ngoài thách thức nguyên tắc một Trung Quốc sẽ bị đè bẹp”,  http://www.gwytb.gov.cn/xwdt/xwfb/wyly/2022 03/t20220302_12410892.htm, 2022.

[7] 人民网, “魏凤和在第19届香格里拉对话会上作大会发言” (Nhân dân nhật báo, “Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại Đối thoại Shangri – La lần thứ 19”), http://world. people.com.cn/n1/2022/0612/c1002-32444339.html.

[8] CNA, “30架共機擾西南ADIZ 數量排名今年第2” (CNA, “Số lượng 30 máy bay gây rối ADIZ tây nam, nhiều thứ hai trong năm nay”), https://www.cna.com. tw/news/aipl/ 202205300340.aspx.

[9] Chấn Phong, “SCMP: Trung Quốc thử vũ khí nghi là tên lửa siêu vượt âm dung để diệt tàu chiến”, https://tuoitre.vn/scmp-trung-quoc-thu-vu-khi-nghi-la-ten-lua-sieu-vuot-am-dung-de-diet-tau-chien-202204211457 31807.htm.

[10] Văn Khoa, “Trung Quốc kiểm tra chiến lược ngăn Mỹ hỗ trợ Đài Loan nếu xảy ra xung đột?”, https://thanh nien.vn/trung-quoc-kiem-tra-chien-luoc-ngan-my-ho-tro-dai-loan-neu-xay-ra-xung-dot-post1458744.html.

[11] Yimou Lee, Sarah Wu, “Tip of the iceberg”: Taiwan’s spy catchers hunt Chinese poachers of chip talent”, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/tip-iceberg-taiwans-spy-catchers-hunt-chinese-poachers-chip-talent-2022-04-08.

[12] 美國之音, “台灣突擊搜查十家大陸在台企業 阻止芯片技術人才流失” (VOA, “Đài Loan đột kích kiểm tra 10 công ty Đại lục ở Đài Loan để ngăn chặn chảy máu nhân tài công nghệ chíp”), https://www.voacantonese. com/a/taiwan-raids-chinese-firms-in-latest-crackdown-on-chip-engineer-poaching-052622/6590528.html+&cd=18 &hl=vi&ct=clnk&gl=vn.

[13] “Tsai calls on Beijing to renounce use of force against Taiwan in New Year address”, https://focustaiwan.tw/ cross-strait/202201010002.

[14]Shen Peng-ta and Teng Pei-ju, “MAC rejects China's statement on resolution of Taiwan issue”, https://focus taiwan.tw/politics/202203100022.

[15] Văn Khoa, “Kế hoạch phát triển tên lửa khủng của Đài Loan”, https://thanhnien.vn/ke-hoach-phat-trien-ten-lua-khung-cua-dai-loan-post1451234.html.

[16] Aljazeera, “Taiwan passes extra $8.6bn defence budget as China threat grows”, https://www.aljazeera.com/news/ 2022/1/11/taiwan-passes-extra-defence-budget-as-china-threat-grows.

[17] Viktor Buzna, “War in Ukraine and Taiwan’s Like-Minded Diplomacy’in Europe”, https://thediplomat. com/2022/03/war-in-ukraine-and-taiwans-like-minded-diplomacy-in-europe/.

[18] Vũ Anh, “Ông Biden: Mỹ sẽ can thiệp quân sự nếu Đài Loan bị tấn công”, https://vnexpress.net/ong-biden-my-se-can-thiep-quan-su-neu-dai-loan-bi-tan-cong-4466995.html.

[19]Lloyd J. Austin, “First plenary session: next steps for the United State’s Indo – Pacific strategy”, https://www.iiss. org/events/shangri-la-dialogue/shangri-la-dialogue-2022.

[20] CNA, “拜登政府第二次對台軍售 提供愛國者飛彈工程勤務” (CNA, “Chính quyền Biden lần thứ hai bán vũ khí cho Đài Loan, cung cấp dịch vụ kỹ thuật tên lửa Patriot” ),https://www.cna.com.tw/news/aipl/202202080010.aspx.

[21] Đức Hoàng, “Mỹ duyệt thương vụ 95 triệu USD nâng cấp lá chắn Patriot cho Đài Loan”, https://dantri. com.vn/the-gioi/my-duyet-thuong-vu-95-trieu-usd-nang-cap-la-chan-patriot-cho-dai-loan-20220406153846443. htm.

[22] Nguyễn Tiến, “Trung Quốc chỉ trích Mỹ bán phụ tùng tàu chiến cho Đài Loan”, https://vnexpress.net/trung-quoc-chi-trich-my-ban-phu-tung-tau-chien-cho-dai-loan-4474300.html.

[23] Thụy Miên, “Anh – Mỹ lần đầu họp cấp cao bàn về vấn đề Đài Loan”, https://thanhnien.vn/anh-my-lan-dau-hop-cap-cao-ban-ve-van-de-dai-loan-post1454270.html.

[24] 近平治国理政,中国外文出版社,北京 2014年, 230, 232页 (Tập Cận Bình (2014), “Bàn về lãnh đạo và quản trị đất nước”, Nxb Ngoại văn, Bắc Kinh, tr. 230, 232).

[25] 新华社, “中华人民共和国国民经济和社会发展第十四个五年规划和2035年远景目标纲要” (Tân Hoa xã, “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Phát triển kinh tế - xã hội quốc gia của CHND Trung Hoa và tầm nhìn đến năm 2035”) , http://www.gov.cn/xinwen/2021-03/13/content _5592681.htm.

[26] 中华人民共和国外交部, “2022年6月13日外交部发言人汪文斌主持例行记者会” (Bộ Ngoại giao nước CHND Trung Hoa, “Ngày 13/6/2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân chủ trì họp báo thường kỳ”), https://www.fmprc.gov.cn/fyrbt_673021/jzhsl_673025/202206/t20220613_10702387.shtml, 2022.

[27] Thu Thủy, “Báo Đức viết về ý đồ của ông Tập Cận Bình khi kí “Đề cương hành động quân sự phi chiến tranh”, https://vietbao.vn/bao-duc-viet-ve-y-do-cua-ong-tap-can-binh-khi-ky-de-cuong-hanh-dong-quan-su-phi-chien-tranh-362086.html.

[28] Hoàng Đình, “Trung Quốc thúc đẩy triển khai chiến đấu cơ tàng hình cho tàu sân bay”, https://thanhnien.vn/trung-quoc-thuc-day-trien-khai-chien-dau-co-tang-hinh-cho-tau-san-bay-post1454577.html.

[29] VTC News, “Những máy bay quân sự Trung Quốc tận dụng để đuổi kịp phương Tây”, https://vtc.vn/nhung-may-bay-quan-su-trung-quoc-tan-dung-de-duoi-kip-phuong-tay-ar652349.html.

 

0thảo luận