Trang chủ

Quan hệ đối ngoại của Mông Cổ từ năm 2010 đến nay

Đăng ngày: 12-02-2024, 10:19 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 8

Trương Phan Thanh Thủy1

 

Tóm tắt: Nằm giữa hai cường quốc là Trung Quốc và Nga, Mông Cổ có sự lệ thuộc rất lớn vào hai nước lớn. Để giảm bớt sự lệ thuộc này, Mông Cổ luôn cố gắng mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường hợp tác với các nước lớn khác, đặc biệt là các nước láng giềng thứ ba. Bên cạnh đó, Mông Cổ nỗ lực duy trì quan hệ hữu hảo cân bằng với Trung Quốc và Nga. Đây là mục tiêu đối ngoại của Mông Cổ từ năm 2010 đến nay. Bài viết phân tích một số nhân tố tác động đến quan hệ đối ngoại của Mông Cổ từ năm 2010 đến nay, tập trung xem xét quan hệ của Mông Cổ với hai nước láng giềng liền kề và một số nước láng giềng thứ ba nổi bật, từ đó đưa ra một số kết luận và hàm ý cho Việt Nam.

Từ khóa: Mông Cổ, quan hệ đối ngoại, Trung Quốc, Nga, Mỹ

 

1. Một số nhân tố tác động đến quan hệ đối ngoại của Mông Cổ từ năm 2010 đến nay

1.1. Nhân tố bên trong[1]

Đầu tiên, Mông Cổ có vị trí địa chính trị quan trọng. Về góc độ địa lý, Mông Cổ là quốc gia nội lục nhỏ hoàn toàn bị kẹp giữa Trung Quốc và Nga. Là một nước không giáp biển, không thông ra biển, quan hệ đối ngoại của Mông Cổ hoàn toàn do các nước láng giềng kiểm soát, các hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại đối ngoại và giao thông chiến lược phải đi qua lãnh thổ và vùng trời của các nước láng giềng. Đây là một thế bị động trong quan hệ chiến lược. Trong quan hệ đối ngoại, Mông Cổ phải duy trì tình hữu nghị với các nước láng giềng và tìm kiếm con đường ra biển và ra thế giới bên ngoài sẽ là một trong những mục tiêu quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước này.

Thứ hai, Mông Cổ có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đặc biệt là uranium. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã chỉ ra rằng trữ lượng uranium của Mông Cổ có thể vượt quá 1,5 triệu tấn và nước này sẽ trở thành nhà cung cấp uranium lớn thứ ba thế giới sau khi phát triển. Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đều là các cường quốc hạt nhân, và Mỹ và Ấn Độ đều là các quốc gia có vũ khí hạt nhân, vì vậy các mỏ uranium của Mông Cổ đương nhiên cực kỳ hấp dẫn đối với họ[2]. Vì vậy, việc lấy được nguồn uranium từ Mông Cổ cũng là một lý do quan trọng để họ tích cực phát triển quan hệ với Mông Cổ.

Thứ ba, Mông Cổ lệ thuộc quá nhiều vào Nga và Trung Quốc. Về vị trí địa lý, Mông Cổ nằm lọt thỏm giữa Trung Quốc và Nga, vì thế điều kiện hợp tác thông thương với bên ngoài rất hạn chế, sự gắn bó chặt chẽ với hai nước láng giềng là điều tất nhiên. Về lịch sử, trước đây, Mông Cổ từng thuộc Trung Quốc và từng được coi là nước vệ tinh của Nga. Về kinh tế, Trung Quốc và Nga là những đối tác quan trọng nhất của Mông Cổ. Hơn nữa, hai quốc gia láng giềng này không chỉ là cường quốc địa lý, mà còn là cường quốc quân sự và chính trị, đóng vai trò quan trọng trong cục diện chính trị quốc tế. Vì vậy, mối quan hệ liền kề đặc biệt này khiến Mông Cổ phải cân nhắc kỹ lưỡng về thái độ của Trung Quốc và Nga khi xử lý quan hệ đối ngoại.

Thứ tư là sự thay đổi quyền lực trong chính phủ Mông Cổ. Tổng thống đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị Mông Cổ, đặc biệt là trong lĩnh vực chính sách đối ngoại. Định hướng đối ngoại của các tổng thống cũng có tác động đến quan hệ đối ngoại của Mông Cổ. Ví dụ, Tổng thống Ts. Elbegdorj (2009-2017) ủng hộ các nước phương Tây nên trong thời gian tại nhiệm, ông tăng cường phát triển quan hệ với các nước phương Tây, trong khi đó, Tổng thống Kh. Battulga (2017-2021) là người thân Nga và chống lại Trung Quốc nên lúc đầu ông có những luận điệu chống Trung Quốc, điều này cũng ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Mông Cổ.

Thứ năm là sự thay đổi về chính sách đối ngoại. Năm 2011, Mông Cổ tiến hành sửa đổi, bổ sung “Khái niệm chính sách đối ngoại của Mông Cổ”, chính thức đưa “nước láng giềng thứ ba” vào “Khái niệm chính sách đối ngoại của Mông Cổ”, từ đó, Mông Cổ tăng cường quan hệ với các nước phát triển phương Tây và các tổ chức quốc tế để cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Nga, tránh phụ thuộc quá nhiều vào hai nước này.

1.3.2. Nhân tố bên ngoài

Trước hết là Trung Quốc. Với sự trỗi dậy mạnh mẽ của mình, trong những thập niên gần đây, Trung Quốc được xem như là một nhân tố tác động mạnh đến quan hệ quốc tế nói chung, quan hệ quốc tế khu vực Đông Á nói riêng, trong đó có quan hệ đối ngoại của Mông Cổ. Đối với Trung Quốc, Mông Cổ có một vị trí chiến lược đặc biệt. Mông Cổ dễ dàng trở thành địa điểm xuất phát quan trọng để tiến thẳng vào Bắc Kinh vì Mông Cổ cách Bắc Kinh không xa[3]. Vì thế, Trung Quốc không thể để Mông Cổ ngả về phía các cường quốc khác, nhất là Nga và Mỹ. Quan hệ của Trung Quốc với các cường quốc trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Mông Cổ.

Thứ hai là Nga. Mông Cổ là một trong những nước láng giềng chính của Nga ở châu Á, và biên giới Mông Cổ - Nga dài 3.005 km nằm giữa Nga, Trung Quốc và Nhật Bản, phần lớn ngăn chặn ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc và Nhật Bản đối với Nga. Hơn nữa, các mục tiêu chiến lược như các thành phố công nghiệp quan trọng của Nga ở châu Á và “đường sắt Siberia”, một huyết mạch giao thông chính nối châu Âu và châu Á, chủ yếu nằm ở khu vực biên giới phía nam của Nga. Chính vì vậy, một Mông Cổ với diện tích rộng lớn và sức mạnh yếu kém đã trở thành hàng rào tự nhiên để Nga che chắn cho Trung Quốc và Nhật Bản[4]. Vì thế, Nga luôn tích cực tăng cường quan hệ ngoại giao với Mông Cổ. Quan hệ của Nga với các cường quốc trên thế giới cũng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Mông Cổ.

Thứ ba, các cường quốc khác luôn muốn kiềm chế Trung Quốc và Nga thông qua Mông Cổ. Từ khi Mỹ điều chỉnh lại chiến lược quay lại châu Á - Thái Bình Dương thì Mông Cổ là một mắt xích quan trọng mà Mỹ cố gắng lôi kéo và tranh thủ. Một mặt, Mông Cổ như là cái nêm chèn vào giữa Trung Quốc và Nga. Nếu Mỹ kiểm soát Mông Cổ, thì có thể tách hai nước lớn ra xa.[5] Mặt khác, Mỹ có các căn cứ quân sự riêng ở Trung Á và Đông Bắc Á, một khi kiểm soát được Mông Cổ thì sẽ thiết lập một đầu mối then chốt kết nối các căn cứ quân sự ở Trung Á và Đông Bắc Á, điều này giúp tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á và tạo nên sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với Trung Quốc, Nga và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)[6]. Hơn nữa, đối với Mông Cổ, Trung Quốc và Nga như là hai trái núi lớn nằm bên cạnh, vì vậy, Mông Cổ cố gắng tăng cường quan hệ với Mỹ để thực hiện chiến lược cân bằng với ba nước. Ngoài ra, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU), NATO cũng coi Mông Cổ như là con tốt để kiềm chế Trung Quốc và Nga nên cũng cố gắng củng cố và tăng cường quan hệ với Mông Cổ.

Thứ tư, những bất ổn về chính trị và kinh tế, cạnh tranh địa chính trị, nội chiến, khủng bố quốc tế, xung đột vũ trang, xung đột giữa các sắc tộc, tôn giáo trên thế giới ngày càng gia tăng. Có thể kể đến một số bất ổn, cạnh tranh địa chính trị như khủng hoảng Trung Đông, tranh chấp lãnh thổ ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, cuộc đối đầu địa chính trị giữa Nga và Mỹ với các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ và EU áp đặt đối với Nga, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung. Đặc biệt, chiến tranh giữa Nga và Ukraine năm 2022 càng làm gia tăng căng thẳng giữa các cường quốc. Điều này đã ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại với Mông Cổ.

Cuối cùng, sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 trên thế giới không những gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu mà còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế và gây ra căng thẳng ngoại giao. Ví dụ, Chính phủ Trung Quốc đã bị Mỹ chỉ trích vì đại dịch bắt đầu từ tỉnh Vũ Hán của Trung Quốc[7]. Mỹ bị cáo buộc chiếm đoạt các lô hàng mặt nạ và các nguồn cung cấp quan trọng bổ sung dành cho các quốc gia khác, bao gồm các đồng minh của Mỹ[8]. Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trở nên xấu đi, sau khi Nhật Bản thông báo sẽ cách ly tất cả những người đến từ Hàn Quốc[9]. Những căng thẳng ngoại giao này ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Mông Cổ.

2. Tình hình quan hệ đối ngoại của Mông Cổ từ năm 2010 đến nay

2.1. Quan hệ với hai nước láng giềng liền kề

Nằm giữa hai cường quốc Trung Quốc và Nga, Mông Cổ luôn phải chịu sự kiểm soát và ảnh hưởng của hai nước này. Trung Quốc và Nga đều muốn lôi kéo Mông Cổ về phía mình, vì thế bất cứ động thái nào của Mông Cổ đối với một trong hai nước sẽ phải cân nhắc đến phản ứng của nước còn lại. Để đảm bảo sự ổn định trong khu vực và sự độc lập tự chủ của mình, Mông Cổ luôn muốn đứng ở vị trí trung lập, cố gắng cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Nga. Mặt khác, Mông Cổ và hai cường quốc đều có quan hệ hợp tác lâu dài, nên sự phát triển của hai cường quốc cũng sẽ đem lại nhiều lợi ích đối với Mông Cổ. Vì thế, Mông Cổ sẽ không từ chối các cơ hội hợp tác với hai quốc gia này. Kể từ năm 2010 đến nay, quan hệ giữa Mông Cổ với hai nước láng giềng liền kề đã có những bước phát triển vượt bậc

Đối với Trung Quốc, trong chuyến thăm đến Mông Cổ vào tháng 6/2010, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và Tổng thống Mông Cổ Elbegdorj đã cam kết thúc đẩy hợp tác và quan hệ song phương. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng với Thủ tướng Mông Cổ Sukhbaataryn Batbold về việc duy trì trao đổi các chuyến thăm cấp cao nhất, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực như tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, cơ sở hạ tầng và nông nghiệp, và thúc đẩy trao đổi văn hóa[10]. Tháng 6/2011, khi Thủ tướng Mông Cổ Sükhbaataryn Batbold đến thăm Trung Quốc, hai nước đã ký tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Quan hệ giữa hai nước bước sang một giai đoạn phát triển mới. Ngày 7/6/2012, Tổng thống Mông Cổ Elbegdorj sang thăm Trung Quốc, khi gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, ông đã nói rằng hai bên quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược, đây là một dấu mốc mới và Mông Cổ cam kết vững chắc phát triển quan hệ láng giềng tốt đẹp và hợp tác hữu nghị lâu dài giữa Mông Cổ và Trung Quốc[11]. Trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Mông Cổ Norovyn Altankhuyag tới Trung Quốc vào tháng 10/2013, hai nước đã ký “Cương lĩnh phát triển trung và dài hạn trong quan hệ đối tác chiến lược Mông Cổ-Trung Quốc”, xác định các nguyên tắc và phương hướng cơ bản của quan hệ song phương trong những năm tới. Tháng 8/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mông Cổ. Ðây là chuyến thăm Mông Cổ đầu tiên của người đứng đầu nhà nước Trung Quốc trong vòng 11 năm qua. Trong chuyến thăm, nguyên thủ hai nước đã có cuộc hội đàm và ký Tuyên bố chung nâng tầm quan hệ hai nước lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đồng thời, hai bên đã ký 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, tài chính, văn hóa và các lĩnh vực khác. Quan hệ Mông Cổ - Trung Quốc đã đạt được bước phát triển chưa từng có[12].

Nga là đối tác chiến lược đầu tiên của Mông Cổ. Vào ngày 12/5/2013, chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Nga, Vladimir Yakunin đã đến thăm Mông Cổ để thảo luận về việc cải cách đường sắt điện khí hóa ở Mông Cổ. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Phái đoàn Duma Quốc gia cũng đã thăm Mông Cổ trong năm 2013 và thảo luận với nước này về hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế và quân sự. Ngày 3/9/2014, Tổng thống Putin đã thăm Mông Cổ theo lời mời, dự lễ kỷ niệm 75 năm chiến thắng Chiến dịch Khalkhyn Gol và ký gói văn kiện gồm 15 thỏa thuận hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và quân sự. Tại thời điểm này, Nga và Mông Cổ không ký bất kỳ chính sách chính trị nào để cải thiện quan hệ giữa hai nước, nhưng 15 thỏa thuận này quan trọng hơn nhiều so với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện[13]. Trong số này, nghị định thư miễn thị thực đi lại giữa hai nước cho công dân trong tối đa 30 ngày đánh dấu việc quan hệ ngoại giao trở lại thời kỳ quan hệ Mông Cổ -Nga trong Chiến tranh Lạnh. Đây là một bước phát triển đáng chú ý và mang tính biểu tượng trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược[14]. Để củng cố kế hoạch thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, tháng 4/2016, Mông Cổ và Nga đã ký một chương trình trung hạn về phát triển quan hệ đối tác chiến lược[15]. Tháng 9/2019, trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Mông Cổ, hai nước đã ký hiệp ước về quan hệ hữu nghị và hệ đối tác chiến lược toàn diện”, giúp nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới[16].

Mặt khác, Mông Cổ rất coi trọng việc hợp tác giữa Mông Cổ, Trung Quốc và Nga. Vì thế, Tổng thống Mông Cổ đề xuất Cơ chế đối thoại Trung Quốc, Nga và Mông Cổ khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Mông Cổ ngày 22/8/2014[17]. Mông Cổ, Trung Quốc và Nga lần đầu tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa ba nước bên lề cuộc họp thường niên của SCO vào ngày 11 và 12 tháng 9 năm 2014 tại Dushanbe, Tajikistan. Trong hội nghị, Tổng thống Mông Cổ Elbegdorj, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều nhất trí ủng hộ đề xuất thành lập một hành lang kinh tế nối liền ba nước láng giềng. Ngày 9/7/2015, trong hội nghị thượng đỉnh ba bên lần thứ hai ở Ufa, Nga bên lề cuộc họp BRICS và hội nghị thượng đỉnh SCO thường niên lần thứ 15, Tổng thống Elbegdorj đã thúc đẩy hợp tác ba bên về vận tải đường sắt, hậu cần, tạo thuận lợi cho thương mại nông sản và khoáng sản, xây dựng cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực khác. Tại cuộc họp này, ba nguyên thủ quốc gia đã thông qua một lộ trình hợp tác ba bên và chứng kiến ​​việc ký kết biên bản ghi nhớ về việc biên soạn hướng dẫn xây dựng hành lang kinh tế ba bên, hiệp định khung về tạo thuận lợi cho thương mại ba bên và hiệp định khung về hợp tác cảng nhập cảnh giữa ba nước. Trong hội nghị thượng đỉnh ba bên lần thứ ba được tổ chức bên lề cuộc họp thường niên lần thứ 16 của SCO tại Tashkent, Uzbekistan ngày 23/6/2016, ba nước đã ký Chương trình xây dựng Hành lang kinh tế Nga - Mông Cổ -Trung Quốc. Đây là bước đột phá trong sự hợp tác giữa ba nước, thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực[18].

2.2. Quan hệ với các nước láng giềng thứ ba

Từ năm 2010, bên cạnh việc cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Nga, Mông Cổ cũng cố gắng thúc đẩy quan hệ mật thiết với các nước láng giềng thứ ba. Hơn nữa, các nước láng giềng thứ ba đều là những khách hàng tiềm năng của Mông Cổ. Vì thế, tăng cường hợp tác với các nước láng giềng thứ ba không những có thể nâng cao vị thế và sức mạnh của Mông Cổ trên trường quốc tế, mà còn giúp Mông Cổ mượn tầm ảnh hưởng của những nước này để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc và Nga. Trong số các nước láng giềng thứ ba, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, EU, Hàn Quốc là những đối tác quan trọng nhất của Mông Cổ.

Kể từ năm 2010, các cuộc đối thoại cấp cao giữa Mông Cổ và Mỹ trở nên thường xuyên hơn, trao đổi chính trị ngày càng trở nên khăng khít, quan hệ với Mỹ đã được nâng lên ngang tầm với quan hệ Mông Cổ - Nga và Mông Cổ - Trung Quốc. Tháng 6/2011, Tổng thống Mông Cổ Elbegdorj thăm chính thức Mỹ và nhận được sự đón tiếp trọng thị của Washington. Vào tháng 8/2011, Phó Tổng thống Joe Biden đã đến thăm Mông Cổ, các chuyến thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo của hai bên đã tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị giữa Mông Cổ và Mỹ. Trong chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Mông Cổ Elbegdorj vào tháng 4/2012, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác năng lượng hạt nhân. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Elbegdorj đã cho biết Mỹ là bạn láng giềng lớn thứ ba của Mông Cổ. Mông Cổ cũng tuyên bố cho phép các công ty Mỹ đầu tư vào các ngành năng lượng, khai khoáng cũng như những ngành chiến lược của Mông Cổ[19]. Năm 2013, hai nước đã ký “Hiệp định giữa Mỹ và Mông Cổ về Minh bạch trong Đầu tư và Thương mại Quốc tế giữa Mỹ và Mông Cổ”, có hiệu lực vào năm 2017. Đây là lần đầu tiên Mỹ ký kết một thỏa thuận độc lập đề cập đến tính minh bạch trong các vấn đề liên quan đến thương mại và đầu tư quốc tế. Hiệp định là một bước quan trọng trong việc mở rộng quan hệ kinh tế giữa Mông Cổ và Mỹ[20]. Tháng 4/2014, hai nước đã ký Tuyên bố “tầm nhìn chung” về tăng cường hợp tác quân sự thông qua liên kết đào tạo và hỗ trợ giữa hai nước[21]. Trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Mông Cổ U. Khurelsukh đến Mỹ tháng 9/2018, hai nước đã nhất trí nâng cao quan hệ lên “Quan hệ đối tác toàn diện mở rộng”. Chưa đầy một năm sau, trong chuyến thăm của Tổng thống Mông Cổ Battulga đến Mỹ tháng 7/2019, với quyết định nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược, Mỹ trở thành nước thứ năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Mông Cổ[22].

Nhật Bản là cường quốc lân cận duy nhất có khả năng đóng vai trò là lực lượng cân bằng bên ngoài chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy và là một nguồn công nghệ, vốn và thị trường thay thế. Trong chuyến thăm của Tổng thống Mông Cổ Elbegdorj đến Nhật Bản tháng 11/2010, hai nước đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược[23]. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Altankhuyag tới Nhật Bản vào tháng 9/2013, hai nước đã ký Tuyên bố chung và “Kế hoạch hành động trung hạn”, đây cơ sở để hai nước nâng “quan hệ đối tác chiến lược” lên tầm cao hơn và tăng cường hơn nữa mối quan hệ cùng có lợi và bổ sung cho nhau[24]. Trong chuyến thăm của Tổng thống Elbegdorj tới Nhật Bản tháng 7/2014, Nhật Bản đã tổ chức Diễn đàn kinh doanh ở Tokyo với sự có mặt của khoảng 500 công ty hàng đầu của hai nước. Sự kiện này đánh dấu sự kết thúc tài trợ và viện trợ không hoàn lại từ phía Nhật Bản[25]. Hai nước đã ký “Tuyên bố chung về thỏa thuận về nguyên tắc trong các cuộc đàm phán của Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) Nhật Bản - Mông Cổ, và thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và Mông Cổ”[26]. Ngày 10/2/2015, Mông Cổ và Nhật Bản đã ký EPA nhằm mục đích tự do hóa và tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại và đầu tư giữa hai nước và tạo ra một khuôn khổ pháp lý để hợp tác trong việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung. Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên do Mông Cổ ký kết và cũng là hợp đồng kinh tế chiến lược đầu tiên giữa Mông Cổ và Nhật Bản, giúp đưa sự hợp tác của hai nước lên tầm cao mới[27].

Mông Cổ và Ấn Độ có một mối quan hệ lịch sử và văn hóa chặt chẽ lâu đời dựa trên di sản châu Á chung và văn hóa Phật giáo, vì thế Mông Cổ luôn coi Ấn Độ là “láng giềng tinh thần”[28]. Chuyến thăm lịch sử đầu tiên của Thủ tướng Shri Narendra Modi tới Mông Cổ từ ngày 16-18/5/2015 trong khuôn khổ chính sách “Hành động hướng Đông” là một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Mông Cổ - Ấn Độ. Trong chuyến thăm, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược. Ấn Độ đã mở rộng cho Mông Cổ hạn mức tín dụng 1 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng, hiện được sử dụng để xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên. Hai nước cũng ký 13 thỏa thuận trong các lĩnh vực như hàng không, sữa, y tế để tăng cường hợp tác giữa hai nước[29]. Tháng 9/2019, khi Tổng thống Mông Cổ Kh. Battulga đến thăm Ấn Độ, hai nước đã thừa nhận rằng có nhiều tiềm năng chưa được khai thác trong phát triển thương mại và đầu tư song phương, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản, sản phẩm sữa và chăn nuôi, khai khoáng, công nghệ thông tin, dược phẩm và du lịch... Bộ Nông nghiệp Mông Cổ và Bộ Thủy sản, Chăn nuôi và Sữa Ấn Độ đã ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực chăn nuôi và các sản phẩm từ sữa. Thỏa thuận đã giúp Mông Cổ mở ra khả năng xuất khẩu nguyên liệu động vật sang Ấn Độ và nhập khẩu thuốc thú y giá rẻ và chất lượng cao từ Ấn Độ, điều này có thể thúc đẩy đầu tư bên cạnh việc tăng kim ngạch thương mại[30].

Ngoài ra, quan hệ giữa Mông Cổ và Hàn Quốc, Mông Cổ và EU cũng có những bước phát triển mới. Mông Cổ và Hàn Quốc đã nâng cấp quan hệ hai nước từ “quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp” lên “quan hệ đối tác toàn diện” vào năm 2011[31] và nâng cấp lên “quan hệ đối tác chiến lược” vào năm 2019[32]. Hàn Quốc trở thành đối tác chiến lược thứ 6 của Mông Cổ. Mông Cổ và EU đã ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU - Mông Cổ (PCA) vào năm 2013 và có hiệu lực vào ngày 1/11/2017. Cũng trong năm 2017, EU đã thành lập một phái đoàn ở Ulaanbaatar. Vào ngày 29/5/2018, Đại sứ EU tại Mông Cổ, ông Traian Laurentiu Hristea đã trình quốc thư lên Tổng thống Mông Cổ Battulga Khaltmaa[33].

3. Kết luận và hàm ý cho Việt Nam

Kể từ năm 2010, với nỗi lo ngại về an ninh, dân chủ trước hai người hàng xóm khổng lồ là Trung Quốc và Nga, Mông Cổ đã sửa đổi chính sách đối ngoại. Ngoài việc ưu tiên cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Nga, thì phát triển quan hệ với các nước láng giềng thứ ba cũng là một mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của Mông Cổ từ năm 2010 đến nay. Đến nay, Mông Cổ đã nâng cấp quan hệ với Trung Quốc và Nga lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, và nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược với bốn nước láng giềng thứ ba là Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Mông Cổ luôn lo ngại bị Trung Quốc biến thành nước vệ tinh, mất đi nền độc lập, dân chủ của mình vì thế luôn cố gắng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt là về kinh tế. Tuy nhiên, điều này là rất khó thực hiện được. Trong sự kiện Đạt Lai Lạt Ma đến Mông Cổ vào năm 2016, Trung Quốc đã gây áp lực đối với Mông Cổ, buộc Mông Cổ không được mời Đạt Lai Lạt Ma đến Mông Cổ trong tương lai. Điều này cho thấy ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc đối với Mông Cổ. Đến nay, Mông Cổ vẫn lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về mặt kinh tế. Tính đến năm 2021, thương mại với Trung Quốc đạt 10,2 tỷ USD, chiếm 63,1% tổng kim ngạch thương mại của Mông Cổ, trong đó 82,7% là xuất khẩu sang Trung Quốc, 36,8% là nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặc dù Mông Cổ luôn cố gắng cân bằng quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, nhưng thương mại của Mông Cổ với Nga lại không sánh được với Trung Quốc, chỉ có 1,2% xuất khẩu sang Nga và 28,6% nhập khẩu từ Nga[34].

Mông Cổ luôn cố gắng tăng cường hợp tác thương mại với các nước láng giềng thứ ba để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng thực tế hợp tác thương mại giữa Mông Cổ với các nước này là không đáng kể. Kim ngạch thương mại giữa Mông Cổ với các nước này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng kim ngạch thương mại đối ngoại của Mông Cổ. 6,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mông Cổ năm 2021 là từ Nhật Bản, 4,5% là từ Hàn Quốc, 3,3% là từ Đức và 3,1% là từ Mỹ. Về xuất khẩu, chỉ có Hàn Quốc chiếm 2,4% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của Mông Cổ[35]. Có thể thấy, thương mại giữa Mông Cổ và các nước láng giềng thứ ba không phát triển.

Việt Nam và Mông Cổ đã có mối quan hệ truyền thống gắn bó lâu dài với bề dày gần 70 năm. Mông Cổ là một trong số rất ít những quốc gia đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Mông Cổ không ngừng được củng cố và phát triển. Hai bên duy trì thường xuyên hoạt động trao đổi đoàn cấp cao cũng như đoàn các cấp, các bộ, ngành, tổ chức hữu nghị. Hai nước cũng đã ký nhiều hiệp định hợp tác. Tuy nhiên, quan hệ thương mại và hợp tác đầu tư giữa hai nước chưa phát triển, chỉ duy trì ở mức khiêm tốn. Lãnh đạo hai nước đều quyết tâm thúc đẩy phát triển quan hệ Việt Nam – Mông Cổ, song những trở ngại về địa lý và những khó khăn khác khiến cho mối quan hệ này còn gặp nhiều hạn chế. Cả hai nước đều có những tiềm năng lớn cho quan hệ hợp tác song phương nhưng những thành tựu của quan hệ hợp tác giữa hai nước vẫn chưa thực sự tương xứng với bề dày gần 70 năm của quan hệ Việt Nam – Mông Cổ.

Để thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Mông Cổ phát triển, hai nước cần phối hợp tăng cường giao lưu, trao đổi giữa các đoàn cấp cao của hai nước; khắc phục những khó khăn về giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao hợp tác và xúc tiến đầu tư; thúc đẩy giao lưu nhân dân, qua đó tăng cường sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau; tìm ra biện pháp thích hợp để đưa quan hệ hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực hơn nữa. Có như vậy, quan hệ Việt Nam – Mông Cổ mới có thể được nâng lên tầm cao mới trong thời gian tới, đặc biệt là khi hai nước sắp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Xuân Trung (Chủ biên, 2017), Quan hệ giữa Trung Quốc với Pakistan, công hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Mông Cổ trong bối cảnh Trung Quốc điều chỉnh chiến lược phát triển, Nxb Khoa học xã hội.

2. Alicia Campi, “Mongolia and the Dilemmas of Deepening Eurasian Continentalism”, The Mongolian Journal of International Affairs, Vol. 20, 2018, pp. 3-25.

3. Lijun Fan (2016), “Chapter 5: Construction of Russia’s “Eurasian Union” and “Economic Corridor among China, Mongolia, and Russia”, China's Belt and Road Initiatives and Its Neighboring Diplomacy, World Scientific Publishing Company, pp. 83-107.

4. National Statistics Office of Mongolia, Socio-economic situation of Mongolia 12/2021, Ulaanbaatar, 12/2021.

5. Sharad K. Soni (2018), “The Geopolitical Dilemma of Small States in External Relations: Mongolia’s Tryst with ‘Immediate’ and ‘Third’ Neighbours””, The Mongolian Journal of International Affairs, Vol. 20, pp. 27-44.

6. Vaishali Krishna, “India and its Extended Neighbourhood: Engagements with Mongolia and Central Asia”, The Mongolian Journal of International Affairs, Vol. 21, 2020, pp. 101-115.

7. 陆俊元, “蒙古国地缘特性及其国际关系”, 《人文地理》, 第15卷, 第4期, 2000, 第38-41页 (Lục Tuấn Nguyên, “Các đặc điểm địa chính trị của Mông Cổ và các mối quan hệ quốc tế của nó”, Địa lý nhân văn, tập 15, số 4, 2000, tr. 38-41).

8. 申林 (2013), “蒙古 “第三邻国” 外交析论”, 《当代世界》, 第4期, 第45-48页 (Thân Lâm (2013), “Phân tích về ngoại giao “nước láng giềng thứ ba” của Mông Cổ”, Thế giới đương đại, số 4, tr. 45-48).

9. 马立国, 从地缘政治角度看冷战后中蒙关系, 《学探索》, 第9期, 2013, 第38-41页 (Mã Lập Quốc, “Từ quan điểm địa chính trị xem xét mối quan hệ Trung Quốc-Mông Cổ sau Chiến tranh Lạnh”, Khám phá học thuật, tr. 38-41).

10. Дашнямын Золбоо, “Энэтхэг-Номхон далайн бүс дэх АНУ-ын гадаад бодлого ба Монгол Улс, АНУ-ын стратегийн түншлэл”, Олон Улс Судлал, №1, 2020, 5-20 (Zolboo Dashnyam & Byambakhand Luguusharav, “The U.S. policy towards Indo-Pacific region and Mongolia-U.S. strategic partnership”, The Journal of International Studies, No. 1, 2020, pp. 5-20).

 

 

 


[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

[2] 申林, “蒙古“第三邻国”外交析论”, 《当代世界》, 第4期, 2013, 第47页 (Thân Lâm, “Phân tích về ngoại giao “nước láng giềng thứ ba” của Mông Cổ”, Thế giới đương đại, số 4, 2013, tr. 47).

[3] Nguyễn Xuân Trung (Chủ biên, 2017), Quan hệ giữa Trung Quốc với Pakistan, công hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Mông Cổ trong bối cảnh Trung Quốc điều chỉnh chiến lược phát triển, Nxb Khoa học xã hội, tr. 176.

[4] 陆俊元, “蒙古国地缘特性及其国际关系”, 《人文地理》, 第15卷, 第4期, 2000, 第39-40页 (Lục Tuấn Nguyên, “Các đặc điểm địa chính trị của Mông Cổ và các mối quan hệ quốc tế của nó”, Địa lý nhân văn, tập 15, số 4, 2000, tr. 39-40).

[5] Nguyễn Xuân Trung (Chủ biên, 2017), Sđd, tr. 176.

[6] Thân Lâm (2013), Tlđd, tr. 47.

[7] “Relations between China and America are infected with coronavirus”, The Economist, https://www.economist. com/united-states/2020/03/26/relations-between-china-and-america-are-infected-with-corona virus.

[8] Nahal Toosi, “‘Lord of the Flies: PPE Edition’: U.S. cast as culprit in global scrum over coronavirus supplies”, Politico, https://www.politico.com/news/2020/ 04/03/ppe-world-supplies-coronavirus-163955.

[9] Justin McCurry & Martin Farrer, “Coronavirus quarantine plans ignite row between South Korea and Japan”, The Guardian, 2020, https://www.theguardian. com/world/2020/mar/06/coronavirus-quarantine-plans-ignite-row-between-south-korea-and-japan.

[10] Chinese, Mongolian leaders agree to boost ties, cooperation, Global Times, 2010, https://www.Globa ltimes.cn/content/538139.shtml.

[11] 马立国, “从地缘政治角度看冷战后中蒙关系”, 《学探索》, 第9期, 2013, 第 35页 (Mã Lập Quốc, “Từ quan điểm địa chính trị xem xét mối quan hệ Trung Quốc-Mông Cổ sau Chiến tranh Lạnh”, Khám phá học thuật, tr. 35).

[12] Mongolia-China Relations, Ministry of Foreign Affairs of Mongolia, https://mfa.gov.mn/en/diplomatic/56803/.

[13] Lijun Fan (2016), “Chapter 5: Construction of Russia’s “Eurasian Union” and “Economic Corridor among China, Mongolia, and Russia””, China's Belt and Road Initiatives and Its Neighboring Diplomacy, World Scientific Publishing Company, pp. 90.

[14] “Sharad K. Soni, “The Geopolitical Dilemma of Small States in External Relations: Mongolia’s Tryst with ‘Immediate’ and ‘Third’ Neighbours””, The Mongolian Journal of International Affairs, Vol. 20, 2018, pp. 35.

[15] Sharad K. Soni, Tlđd, pp. 35.

[16] Sergey Radchenko & Mendee Jargalsaikhan, “Mongolia: Russia’s Best Friend in Asia?”, The Asan Forum, 2021, https://theasanforum.org/mongolia-russias-best-friend-in-asia/#5.

[17] Lijun Fan (2016), Sđd, pp. 98.

[18] Alicia Campi, “Mongolia and the Dilemmas of Deepening Eurasian Continentalism”, The Mongolian Journal of International Affairs, Vol.20, 2018, pp. 12-13.

[19] Nguyễn Xuân Trung (Chủ biên, 2017), Sđd, tr. 205-206.

[20] United States-Mongolia Transparency Agreement to Enter into Force, Office of the U.S. Trade Representative, https://ustr.gov/about-us/policy-offices/press-office/press-releases/archives/2017/january/united-states-mongolia.

[21] Nguyễn Xuân Trung (Chủ biên) (2017), Sđd, tr. 206.

[22] Дашнямын Золбоо, “Энэтхэг-Номхон далайн бүс дэх АНУ-ын гадаад бодлого ба Монгол Улс, АНУ-ын стратегийн түншлэл”, Олон Улс Судлал, №1, 2020, 13 (Zolboo Dashnyam & Byambakhand Luguusharav, “The U.S. policy towards Indo-Pacific region and Mongolia-U.S. strategic partnership”, The Journal of International Studies, No. 1, 2020, pp. 13).

[23] The Far East Affairs: Mongolia and Japan, Montsame, 2017, https://montsame.mn/en/read/129045.

[24] Japan-Mongolia Relations (Basic Data), Ministry of Foreign Affairs of Japan, 2014, https://www.mofa. go.jp/region/asia-paci/mongolia/data.html.

[25] Nguyễn Xuân Trung (Chủ biên, 2017), Sđd, tr. 202-203.

[26] Japan-Mongolia Relations (Basic Data), Ministry of Foreign Affairs of Japan, 2014, https://www.mofa. go.jp/region/asia-paci/mongolia/data.html.

[27] Japan – Mongolia Economic Partnership Agreement, Conventus Law, 2017, https://conventuslaw.com/ report/japan-mongolia-economic-partnership-agreement/.

[28] Vaishali Krishna (2020), “India and its Extended Neighbourhood: Engagements with Mongolia and Central Asia”, The Mongolian Journal of International Affairs, Vol. 21, pp. 103.

[29] Brief on India-Mongolia Bilateral Relations, Embassy of India, Ulaanbaatar, Mongolia, June 2022, pp 2-4, https://eoi.gov.in/ulaanbaatar/?pdf4346?000.

[30] Erdenejargal.E, State visit enhances Mongolia-India strategic partnership, Montsame, 2019, https://monts.ame. mn/en/read/202211.

[31] 娜琳, 蒙古国与朝鲜半岛的关系分析, 中国网, 2019 (Phân tích quan hệ giữa Mông Cổ và bán đảo Triều Tiên, Mạng Trung Quốc, 2019), http://news.china.com.cn/ world/2019-09/01/content_755 94597.htm.

[32] Mongolia, ROK agree to upgrade relations to strategic partnership, Montsame, 2021, https://montsame.mn/ en/read/274887.

[33] The European Union and Mongolia, The Delegation of the European Union to Mongolia, https://www.eeas. europa.eu/mongolia/european-union-and-mongolia_en? s=171.

[34] National statistics office of Mongolia, Socio-economic situation of Mongolia 12/2021, National statistics office of Mongolia, Ulaanbaatar, 12/2021, pp. 75-77.

[35] National statistics office of Mongolia, Socio-economic situation of Mongolia 12/2021, National statistics office of Mongolia, Ulaanbaatar, 12/2021, pp. 76-77.

 

0thảo luận