Trang chủ

Diễn ngôn nữ quyền trong tiểu thuyết của Shin Kyung Sook

Đăng ngày: 22-09-2023, 09:52 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 6

Tạ Thanh Loan1


Tóm tắt: Diễn ngôn nữ quyền ra đời như một hệ quả tất yếu từ quá trình đấu tranh của lịch sử thể hiện sự chi phối bởi các cơ chế quyền lực nhất định trong xã hội. Mục đích của bài viết là thông qua nghiên cứu lý thuyết về diễn ngôn nữ quyền trong văn học tiến tới định hình những đặc điểm diễn ngôn nữ quyền thể hiện trong tiểu thuyết của Shin Kyung Sook (Cô gái viết nỗi cô đơn, Hãy chăm sóc mẹ) để từ đó khám phá ra những yếu tố góp phần hình thành nên phong cách sáng tác của nữ nhà văn cũng như tiếng nói của họ về xã hội đương thời. Qua việc định hình vấn đề diễn ngôn nữ quyền, bài viết mong muốn có thể mở ra một cách thức tiếp cận mới cho tiểu thuyết của Shin Kyung Sook dựa trên những kiếm tìm nét độc đáo, mới mẻ của lối viết từ chủ thể sáng tạo nữ trong việc thể hiện tiếng nói của người phụ nữ về chính họ và thế giới của họ.

Từ khoá: Shin Kyung Sook, diễn ngôn nữ quyền, tiểu thuyết

 


1. Nét riêng của tiểu thuyết Shin Kyung Sook [1]

Shin Kyung Sook sinh năm 1963 trong một gia đình nông dân nghèo sống tại ngôi làng nhỏ tỉnh Jeolla, miền Nam Hàn Quốc. Vì không có điều kiện vào trường trung học, năm 16 tuổi bà lên Seoul lao động kiếm sống, làm việc trong một nhà máy điện tử và theo học lớp ban đêm. Sau khi tốt nghiệp Viện Nghệ thuật Seoul, bà cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay Ngụ ngôn mùa đông vào năm 1985 và đoạt giải thưởng danh giá Munye Joongang dành cho tác giả trẻ. Shin Kyung Sook nổi lên như một tiếng nói mới của thế hệ mình khi xuất bản tuyển tập thứ hai – Nơi chiếc đàn Harmonium từng đứng, vào năm 1993. Không chỉ nổi tiếng với nhiều giải thưởng trong nước mà sau khi tác phẩm mới được dịch ở nước ngoài bà còn vinh dự đạt giải Prix de l'Inaperçu - giải thưởng do giới phê bình và các nhà báo chuyên về văn học của Pháp bình chọn cho tác phẩm Cô gái viết nỗi cô đơn viết năm 1995.

Tiểu thuyết là câu chuyện về hành trình kiếm tìm câu trả lời cho những nỗi niềm trăn trở đầy ưu tư nơi nhà văn về gia đình, về những người phụ nữ, về cuộc sống thường nhật cùng sự nghiệp văn chương của mình. Nhân vật “tôi” – nhà văn, sau mười sáu năm đã lựa chọn đặt bút viết về những vụn vỡ bắt đầu từ “tôi của tuổi mười sáu”. Một đứa trẻ sinh ra và lớn lên nơi vùng thôn quê nghèo khó, vì nỗi lo mưu sinh mà lần đầu tiên đi chuyến tàu đêm lên thành phố, bước qua cánh cổng dẫn vào khu công nghiệp với lô nhô ống khói nhà máy, vùi mình vào dây chuyền sản xuất chạy như không ngừng nghỉ. Nhưng ám ảnh hơn là cuộc sống chốn căn phòng quạnh hiu thuộc ngôi nhà trọ ba mươi bảy phòng lắt léo như một mê cung kéo dài đến vô tận trong con ngõ nhỏ. Nơi ấy trở thành nhân chứng đặc biệt cho những tháng ngày cô cùng anh chị mình, những người đại diện cho lớp trẻ thoát li khỏi quê hương hay rộng hơn là tầng lớp lao động nghèo, lăn lộn tìm cách sinh tồn trong bước chuyển giao kinh tế - chính trị đầy biến động của Hàn Quốc vào cuối những năm 1970 đầu những năm 1980. Cũng từ nơi ấy, cô gái nhỏ được gặp gỡ với nhiều kiểu người, nếm trải đủ dư vị của cuộc sống, đồng thời cũng chứng kiến những câu chuyện khiến cô khắc cốt ghi tâm với tổn thương tâm lý nặng nề. Từ trong những tháng ngày cơ cực và đau thương ấy đã nhen nhóm trong tâm trí cô ước mơ được dùng ngòi bút để tái hiện bức tranh xã hội đương thời và bản đồ tâm hồn của mỗi người. Viết dường như trở thành hành động duy nhất giúp cô xác tín sự tồn tại của chính mình trong cuộc đời này: “Có lẽ lý do khiến tôi gắn bó với việc viết lách đến thế chính là bởi nghĩ đó là thứ duy nhất cho phép tôi thoát khỏi cái cảm giác bị ghẻ lạnh, cảm giác rằng mình, sự tồn tại của mình, chỉ là số không”[2]. Những câu chuyện với trung tâm là tình cảm gia đình, cùng mối liên hệ giữa người với người, đặc biệt là nỗi cô đơn cùng ám ảnh không dễ gì khoả lấp về những tháng năm trưởng thành thời chớm đôi mươi đầy nhọc nhằn trở thành những mắt xích liên kết nội dung chặt chẽ được tác giả khéo léo triển khai trong từng chương đoạn của tiểu thuyết.

Từ đầu những năm 1990 đến nay, Shin Kyung Sook là một trong những nhà văn đáng chú ý nhất trên văn đàn Hàn Quốc. Là một trong số những nhà văn mang theo đặc điểm văn học của thế hệ nữ tiểu thuyết gia mới, những người nổi lên như một xu hướng chính của văn học Hàn Quốc vào những năm 1990, nhưng bà vẫn thể hiện một tiếng nói khác biệt đầy nữ tính thông qua việc khám phá thế giới nội tâm của con người và cách miêu tả tinh tế để biểu lộ kết cấu của cuộc sống trong những trang văn nhẹ nhàng và bình dị. Chính vì lẽ đó, trái ngược với đánh giá có phần tiêu cực về bộ phận nhà văn nữ đương thời, Shin Kyung Sook vẫn trở thành một trong số ít những nhà văn được cả công chúng lẫn giới phê bình ủng hộ. Điểm mốc đánh giá Shin Kyung Sook trở thành một hiện tượng của văn học xứ Hàn là khi tiểu thuyết Hãy chăm sóc mẹ được phát hành, tạo nên “cơn sốt văn học” không chỉ tại xứ sở kim chi mà còn lan tỏa sức ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác.

Tiểu thuyết được mở đầu bằng tình huống người mẹ bị lạc ở ga tàu điện ngầm giữa thủ đô Seoul. Trong quá trình tìm kiếm mẹ, những hồi ức về mẹ được đánh thức. Bởi vậy cuộc kiếm tìm ấy cũng chính là cuộc kiếm tìm về những nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc đang dần bị quên lãng trước vòng quay khắc nghiệt của thời gian. Mọi người chỉ nhớ về mẹ sau khi mẹ đi lạc mất. Họ cũng chẳng thể tìm được tấm ảnh nào của mẹ để đăng tìm kiếm, vì trong các bức ảnh, mẹ đều chỉ đứng ở một góc nào đó mờ nhạt. Cứ liên tục các câu hỏi bỏ ngỏ được mở ra mà chẳng có lời hồi đáp. Họ đã làm gì, ở đâu khi mẹ đi lạc giữa khu nhà ga tàu điện ngầm Seoul náo nhiệt? Bà là một người phụ nữ đã dùng cả cuộc đời mình để chăm lo, hy sinh cho gia đình, mặc cho bản thân cũng có biết bao đắng cay, khổ cực lại chỉ có thể một mình chống chọi với bệnh tật mà chẳng ai hay biết, bị bỏ rơi và bị quên lãng ngay trong chính gia đình của mình. Và câu hỏi: “Tại sao em chưa từng mảy may nghĩ tới những ước mơ của mẹ?”[3] không chỉ là câu hỏi của riêng nhân vật mà đã trở thành câu hỏi chung cho toàn xã hội. Bao nhiêu câu hỏi được đưa ra cũng chính là bấy nhiêu nỗi ăn năn, day dứt. Nó trở thành hồi chuông làm thức tỉnh con người vốn bấy lâu nay luôn chìm trong sự thờ ơ, lạnh lùng, vô tâm với chính người thân thương của mình. Shin Kyung Sook đã sáng tác nên một tác phẩm vô cùng ý nghĩa trong xã hội đang chạy theo đồng tiền mà quên đi những giá trị đích thực của cuộc sống gia đình. Hãy chăm sóc mẹ đã đưa nữ nhà văn trở thành một ngôi sao văn học, thậm chí còn phát sinh “hội chứng Shin Kyung Sook”, sáng tác những tác phẩm ăn theo tác phẩm này. Giải thưởng Man Asian – giải thưởng văn học hàng đầu châu Á, được trao cho Shin Kyung Sook đã khẳng định lại một lần nữa tài năng cũng như vị thế vững chắc của bà trên con đường sáng tác văn chương đương đại.

2. Diễn ngôn nữ quyền trong tiểu thuyết Shin Kyung Sook từ góc nhìn chủ thể nữ

2.1. Diễn ngôn tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ từ truyền thống đến hiện đại

Bản năng tự nhiên mang tính truyền thống của người phụ nữ được Shin Kyung Sook chú tâm thể hiện trong sáng tác của mình trước hết chính là sự chăm sóc, chở che, sẵn sàng hy sinh tất cả vì tương lai của những người thân yêu, đặc biệt trong tư cách người mẹ. Mẹ lúc nào cũng có cả núi công việc đang chờ sẵn ở phía trước: là hạt tía tô đến mùa cần gieo trồng, là các buổi giỗ chạp cần chuẩn bị tươm tất, là đám cỏ cần nhổ, hay bát canh cần nấu cho các anh trai, và còn có cả sàn nhà cần lau dọn. Hầu hết mọi thứ mẹ đều tự tay làm lấy, vậy nên chẳng lúc nào thấy mẹ yên lặng ở một nơi, cứ luôn chân luôn tay. Mẹ đan lát, khâu vá và làm cả việc đồng áng, nhưng cũng chẳng bỏ trống ruộng vườn bao giờ. Vào các dịp lễ, mẹ luôn lấy ra các bộ quần áo mới đã chuẩn bị sẵn cho bọn trẻ. Trong khi rất nhiều đứa trẻ không được sắm quần áo mới vào dịp lễ tết thì mẹ vẫn luôn cố gắng chu toàn, không để cho những đứa con phải chịu thiệt thòi. Không chỉ trong dịp lễ, mà trong đời sống thường nhật, mẹ vẫn luôn dành tất cả sự ưu ái cho con. Trong khi nhiều bà mẹ khác trong làng đôi khi vẫn bảo mẹ là người hoang tàn một cách phi lý, cho rằng mẹ không biết thân biết phận. “Thế nhưng, ngọn nguồn hạnh phúc của mẹ chính là nỗ lực chu cấp cho chúng tôi những thứ đó và mẹ không dễ gì từ bỏ nó”[4]. Hình ảnh người phụ nữ trong tình yêu, đặc biệt là tình yêu thương với gia đình, vừa tiếp nối những nét đẹp truyền thống, đồng thời mang hơi thở mới của thời đại, làm nên hồn cốt mới mẻ và riêng biệt.

Diễn ngôn nữ quyền của Shin Kyung Sook còn đem đến bức thông điệp đầy tính nhân văn và đáng suy ngẫm về nỗ lực lưu giữ những nét đẹp văn hóa cổ truyền trong bối cảnh xu hướng li khai khỏi cội nguồn bản quán của con người hiện đại đang ngày càng trở nên sâu sắc. Những ngày Tết Nguyên đán, Trung thu, Phụ mẫu đều có hình bóng của mẹ. Bởi vậy mẹ không chỉ là hình ảnh biểu trưng cho người giữ lửa ấm trong gia đình, mà còn là người lưu giữ những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Song với cuộc sống nơi thành phố đông đúc với những tòa nhà cao tầng phủ kín không gian, giờ đây chẳng còn ai đón mùa thu mà dán lá thích trên khung cửa, nhà kho cũng không và gác xép cho trẻ con chơi trốn tìm cũng chẳng còn nữa. Vào những ngày lễ truyền thống, “khi mới bắt đầu tình trạng tổ chức ngày lễ tết ở khách sạn trong thời gian du lịch, mọi người lo lắng không biết linh hồn các cụ có tìm được họ không, nhưng giờ ai nấy đều vô tư lự nhảy lên máy bay”[5] đi du lịch nước ngoài. “Người nhà quê”, “những thứ quê mùa” là những từ mẹ nghe được nhiều hơn từ ngày những người con sống nơi phố thị. Một nghịch lý đắng cay là khi đất nước bước lên con đường phát triển công nghiệp hiện đại hóa, con cái cũng đạt được những thành công trong sự nghiệp của riêng mình thì sợi dây gắn kết giữa các thành viên rạn nứt và tan vỡ. Như vậy bên cạnh bức thông điệp về tình yêu và lẽ sống, nhà văn còn đưa ra lời cảnh báo về những hiện trạng đáng lo ngại trong xã hội hiện đại ngày nay. Khi cuộc sống con người bị cuốn theo những vòng quay hối hả, mối quan hệ giữa con người với con người cũng dần trở nên nhạt nhòa, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình cũng dễ dàng bị đứt gãy. Sự tăng trưởng kinh thế thần kỳ của Hàn Quốc từ những năm 1960-1990 đã từng bước tạo nên sự chia tách sâu sắc giữa nông thôn và thành thị cũng như khoảng cách giữa các thế hệ dần trở nên rõ nét hơn. Thế hệ tổn thương đã đi qua, một thế hệ mới được ra đời. Họ dễ dàng bị thu hút bởi ánh sáng lấp lánh của ánh đèn đô thị mà dần dần có khuynh hướng quay lưng, li khai với cội nguồn gốc rễ, với những nét đẹp bản quán của quê hương. Hiện thực này đã được các nhà văn đương đại phản ánh chân thực và sâu sắc trên những trang văn của mình, vậy nên nhìn chung “văn học và thơ ca hiện đại ở Hàn Quốc chủ yếu là u buồn do sự chia cắt đất nước bi thảm sau chiến tranh Hàn Quốc. Các tiểu thuyết viết về sự chia ly, sự thất vọng, về các ảnh hưởng mất nhân tính của quá trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa”[6]. Nằm trong dòng chảy ấy, Shin Kyung Sook đã tái hiện lại trường hợp mang tính điển hình cho xu hướng có tính phổ quát của toàn nhân loại. Đau đớn thay, một trong những xu hướng có tính phổ quát ấy, dù cho ở nền tảng văn hóa và truyền thống xã hội khác nhau, lại là sự lãng quên về mẹ, về gia đình, về sự đánh mất cội nguồn gốc rễ, về sự mai một của những nét đẹp truyền thống xa xưa.

2.2. Diễn ngôn đấu tranh cho quyền bình đẳng của người phụ nữ

Trong diễn ngôn nữ quyền từ góc nhìn chủ thể nữ, Shin Kyung Sook không chỉ đi sâu vào khai ý thức nữ quyền của các nhân vật nữ trong thế giới nội tâm đầy phức tạp, đồng thời thể hiện sự nhận thức của giới nữ về nhiều vấn đề xung quanh. Điều này tạo cơ sở cho việc hình thành diễn ngôn nữ quyền mang tính đa chiều hơn, trong đó có vấn đề nhận thức lại những định kiến nam quyền về giới nữ. Dấu ấn định kiến nam quyền được thể hiện rất rõ nét trong đời sống gia đình. Bà Park So-nyo lấy chồng khi chỉ mới 17 tuổi, nhưng mãi đến năm 19 tuổi mới mang bầu. Suốt thời gian đó bà luôn phải chịu đựng những lời mỉa mai cay nghiệt từ bà bác. Khi sinh con đầu lòng, bà buồn và lo sợ đến mức lần đầu tiên nhìn thấy đứa bé chào đời, ngay cả việc chạm vào những ngón tay nhỏ xíu đang cuộn tròn kia bà cũng không dám. Sau đó là về chuyện cúng lễ. Chồng bà khi muốn lên đường nhập ngũ, ngay lập tức bị ông chú, dù chỉ hơn 5 tuổi, đuổi về nhà vì vấn đề lo giỗ chạp cúng lễ và duy trì mồ mả tổ tiên. Dù cho dòng họ có tàn lụi thế nào đi chăng nữa thì người trưởng tộc vẫn phải sống để lo hương hỏa gia tiên. Nhưng sự thật là “việc chăm sóc mồ mả tổ tiên và chuẩn bị cúng tế mỗi năm đều do một tay vợ ông làm cả”[7]. Sự đàn áp phụ nữ từ trong gia đình là kết quả của một hệ thống vốn đã được bắt rễ và nuôi dưỡng trong suốt chiều dài lịch sử, thâm căn cố đế được duy trì bởi chế độ gia trưởng. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất khi hình tượng của mẹ được kiến tạo dưới góc nhìn của người chồng. Sự thống trị hàng trăm, nghìn năm của giới nam đã biến người phụ nữ trở thành nô lệ ngay trong chính tổ ấm gia đình của mình. Sự hiện diện của người phụ nữ bởi vậy trở nên nhỏ bé, mờ đục tựa cái bóng có tri giác. Họ quên đi mất rằng phụ nữ vốn cũng có vai trò chủ thể sáng tạo của riêng mình.

Những định kiến nam quyền cũng tồn tại trong đời sống nơi công xưởng nhà máy hiện đại. Vì những hạn chế về xuất thân và điều kiện kinh tế, những người phụ nữ rời quê lên chốn thành thị chỉ có thể tham gia vào lớp học ban đêm để bồi dưỡng kiến thức. Vì vậy họ bị gọi với cái tên chung là “gái công xưởng”. Họ luôn phải nhận lấy những ánh nhìn thiếu thiện cảm cùng lời bàn tán mang đầy sự coi thường. “Còn nếu có bạn trai, tốt hơn hết hãy cứ nói mình ở nhà chơi không làm gì. Người ta vốn coi vô công  rồi nghề còn hơn là làm gái công xưởng…”[8]. Học sinh chính quy thậm chí còn dùng những lời lẽ cay nghiệt hơn nữa. “Toàn ‘con nọ, con kia’ rồi thì những câu như, cái loại con gái công xưởng muốn đi học thì ít nhất cũng phải dọn sạch mớ giấy lộn của bọn mày đi, hay thậm chí, nếu tao mà là mày, tao thà chết còn hơn là làm gái công xưởng”[9]. Những định kiến ràng buộc người phụ nữ không chỉ xuất phát từ sự khác biệt định mệnh về giới tính, mà nó còn là kết quả do quá trình bị “nô lệ hóa” trong tư tưởng quá lâu. Để rồi những định kiến ấy, theo dòng chảy biến thiên của thời gian, dần trở thành sợi dây trói buộc thân phận những kiếp người nhỏ bé ấy.

Theo quan điểm của Foucault, “sự giải phóng con người khỏi những hình thức quyền lực độc tài, bản thân sự kiện hình thành tính chủ thể của con người là một hình thức độc đáo của “nô lệ tinh thần”, bởi tính dục “tự nhiên” của con người được hình thành dưới tác động của hiện tượng “quyền lực có kỷ luật”[10]. Đứng trước những định kiến đã trói buộc thân phận người phụ nữ, trước đau thương tạo nên từ những biến động lịch sử, diễn ngôn nữ quyền của Shin Kyung Sook trở nên thiết tha và mạnh mẽ khi thể hiện tinh thần dám đấu tranh cho tự do, hạnh phúc của những kiếp người nhỏ bé ấy. Người phụ nữ, với vai trò là người vợ, người mẹ, đã luôn tận hiến hết sức mình cho con cái, cam chịu và nhẫn nhịn trước những cay nghiệt mà cuộc đời dành cho mình, nhưng trái tim họ vẫn tràn đầy yêu thương đối với gia đình. Bởi vậy người mẹ trong tiểu thuyết trở thành biểu tượng cho “tình” (청/Jeong) và “hận” (한/Han), một trong những đặc trưng văn hóa của người Hàn Quốc. Song dù cho có cam chịu và tủi nhục đến đâu, khi người phụ nữ khác “xâm nhập” vào căn bếp của mẹ, đó là lúc ranh giới an toàn bị xâm phạm, khiến cho bà quyết định phải quay trở lại ngôi nhà, chiến đấu để giành lại chốn tự do của mình. Hay các cuộc nổi dậy của đội nữ công nhân trong công xưởng để đòi quyền lợi chính đáng cho sức lao động của mình như yêu cầu tăng 50% lương, triển khai vận động gây quỹ giúp đỡ các công nhân bị sa thải hay đấu tranh chấm dứt sự phận biệt giữa nhân viên quản lý và công nhân là những minh chứng rõ nét cho hành động đấu tranh có ý thức. Đây là nét rất mới trong diễn ngôn nữ quyền của Shin Kyung Sook về người phụ nữ Hàn Quốc – những người vốn chỉ âm thầm chịu đựng nỗi đau. Tác giả đã bộc lộ ý thức nữ quyền thông qua thể hiện quá trình phản kháng mạnh mẽ của phái nữ trước những bất công đã luôn đè nặng trên đôi vai của họ, từ đó lên tiếng đấu tranh phá vỡ những quan niệm thiên kiến mang tính chất nam trị.

Có thể thấy rằng, thông qua diễn ngôn nữ quyền Shin Kyung Sook đã thể hiện sự hình thành và phát triển của nội quan, nói cách khác, chính là năng lực của nhân vật nữ từ sự tự ý thức giá trị của chính mình đến hành động phản kháng mang tính tư duy có chủ đích. Điều này giúp nâng cao tiếng nói cùng vị thế của chủ thể, bổ sung và dần hoàn thiện diện mạo lịch sử của cá nhân với tư cách là con người hiện đại trong việc phá vỡ trạng thái vô thức xã hội cùng nền tảng của tư duy cổ điển từng muốn xóa nhòa gương mặt của người phụ nữ. Có thể nói, với sứ mệnh đấu tranh phủ nhận trạng thái vô thức xã hội để tiến tới ý thức tự giác từ tư duy đến hành động, diễn ngôn nữ quyền của Shin Kyung Sook đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng tiếng nói bình đẳng cho người phụ nữ, tiến tới xây dựng một xã hội công bằng và tiến bộ hơn.

3. Diễn ngôn nữ quyền trong tiểu thuyết Shin Kyung Sook từ góc nhìn trần thuật học

3.1. Diễn ngôn nữ quyền qua điểm nhìn trần thuật

Điểm độc đáo trong cách thể hiện diễn ngôn nữ quyền của Shin Kyung Sook còn được thể hiện thông qua sự chuyển đổi điểm nhìn trần thuật. Đó là sự dụng công của nữ nhà văn trong việc kiến tạo nên hệ thống nhân vật người kể chuyện và thay đổi linh hoạt cách thức “diễn vai” của từng nhân vật trong quá trình phát triển nội dung tác phẩm. Tác giả đã vô cùng khéo léo khi lựa chọn những hình thức trần thuật phù hợp nhất để có thể phát huy tối đa khả năng truyền tải thông điệp diễn ngôn nữ quyền một cách hiệu quả mà vẫn thể hiện được “chất” riêng của mình. Trong tiểu thuyết Cô gái viết nỗi cô đơn, Shin Kyung Sook lựa chọn sử dụng một cách thuần túy ngôi thứ nhất là người kể chuyện xưng “tôi”. Tuy nhiên, trong ngôi thứ nhất này lại có sự phân tách thành những ngôi thứ nhất khác nhỏ hơn nữa. Không hề dễ dàng trong việc nắm bắt dòng chảy câu chuyện bởi sự đan xen, đồng hiện giữa các ngôi kể “tôi của tuổi mười sáu”, “tôi của tuổi mười bảy”, “tôi của tuổi mười tám”, “tôi của tuổi mười chín” kéo dài đến “tôi của tuổi hai mươi”, “tôi của tuổi ba mươi hai”. Nó cho thấy một sự hỗn loạn có chủ đích của nhà văn trong việc tái hiện quá trình trưởng thành của nhân vật đầy biến động với muôn vàn những ám ảnh tâm lý. Ngôi kể này đồng thời được nhà văn lồng ghép cùng nghệ thuật độc thoại nội tâm dàn trải theo dòng ý thức – cũng là phương thức giao tiếp chủ yếu trong tác phẩm. Khi các nhân vật được tự mình nói lên tiếng nói của mình, những dòng tiểu thuyết trở nên tràn đầy cảm xúc lắng đọng lại cùng bao tâm tư tình cảm mà có lẽ nếu chỉ đơn thuần sử dụng điểm nhìn của người ngoài cuộc thì sẽ chẳng thể nào thấu tỏ được. Đến tiểu thuyết Hãy chăm sóc mẹ, Shin Kyung Sook một lần nữa thể hiện tài năng thiên phú về khả năng sáng tạo của mình khi kết hợp một cách hài hoà cả ba ngôi trần thuật.

 

 

Chương 1

Chương 2

Chương 3

Chương 4

Phần kết

Tiêu đề chương

Không ai biết

Xin lỗi con, Hyong-chol

Tôi đã về đây!

Và người phụ nữ khác

Chuỗi tràng hạt hoa hồng

Điểm nhìn trần thuật

Con gái cả Chi-hon

Con trai cả Hyong-chol

Người chồng

Mẹ - Park So-nyo

Con gái cả Chi-hon

Ngôi trần thuật chủ đạo

Ngôi thứ 2

Ngôi thứ 3

Ngôi thứ 2

Ngôi thứ 1

Ngôi thứ 2

 

 

 

 

 

 

Tuy nhiên trong mỗi chương thường xuất hiện người kể chuyện đồng hiện bên cạnh người kể chuyện chủ đạo, điều này dẫn đến sự hiện diện của nhiều ngôi kể khác nhau đan xen trong toàn bộ diễn tiến cốt truyện. Ví dụ, ngôi thứ ba được sử dụng trong các chương 2, 3. Người kể chuyện toàn năng lúc này có thể đi vào thế giới nội tâm của nhân vật hồi tưởng, đồng thời có thể bổ sung những lát cắt về cuộc đời của nhân vật người mẹ theo dòng ký ức của những người xung quanh. Ngôi thứ hai xuất hiện trong chương 1, 2 và phần kết. Đặc biệt, ngôi thứ nhất giữ vai trò chủ đạo trong chương 4. Người kể chuyện xưng “tôi”, hiện diện trong lời đối thoại một chiều giữa mẹ cùng những thành viên trong gia đình với những lời mở đầu: “Con gái à,…”, “A, ông đây rồi…”, “A! Bà bác,…”, “Mẹ biết không…”. Gọi tất cả là cuộc đối thoại một chiều do trong cuộc đối thoại này, người nghe không thể nghe và đáp lại được bất cứ điều gì. Bởi chương 4 người kể chuyện xưng “tôi” kể lại câu chuyện bằng “giọng ma” (ghost voice). Nhờ sử dụng đa hình thức trần thuật, Shin Kyung Sook đã tạo nên kiểu tự sự đa chủ thể cho tác phẩm, vang lên đồng thời nhiều giọng kể (voice) cùng nhiều giọng điệu (tone), góp phần quan trọng trong quá trình hoàn thiện bức chân dung về nhân vật người phụ nữ, về hiện thực cùng đời sống tâm hồn của những con người đương thời. Từ đó những sự thật liên tục được nhìn nhận lại, các phép biện chứng được tái thiết lập như một cách tác giả đang từng bước đối chứng lại tất cả với bạn đọc về thế giới đang được bày ra bằng ngôn từ của mình. Sự đa dạng của các dạng thức trần thuật với sự hiện diện của trần thuật ngôi thứ nhất bên cạnh trần thuật ngôi thứ hai và ngôi thứ ba, hay sự linh hoạt lựa chọn giọng kể cũng như sự thế tục hóa ngôn ngữ trần thuật với sự thâm nhập của đa dạng điểm nhìn từ đời sống vào trong sáng tác tiểu thuyết thể hiện sự nỗ lực không ngừng của Shin Kyung Sook trong quá trình kiến tạo phong cách diễn ngôn nữ quyền đầy cá tính của mình.

3.2. Diễn ngôn nữ quyền qua ngôn ngữ sáng tác

Nghiên cứu về ngôn ngữ sáng tác là một trong những thao tác cần thiết khi tìm hiểu về vấn đề diễn ngôn nữ quyền của Shin Kyung Sook, trước hết được thể hiện thông qua ngôn ngữ đối thoại mang màu sắc nữ tính của nhà văn. Có thể thấy phần lớn chủ thể phát ngôn trong sáng tác là giới nữ và được tác giả tập trung khắc hoạ theo dòng tâm lý, suy tư của nhân vật, đặc biệt là đoạn đối thoại giữa nhân vật “tôi” và chị Hee Jae trong phần cuối của Cô gái viết nỗi cô đơn. Đoạn hội thoại ấy cũng đánh dấu sự giải thoát cho quá khứ của nhân vật “tôi”: “Gương mặt chị bồng bềnh dưới lòng giếng yên ả như một lời nói. Vẻ mặt rụt rè quen thuộc của chị mỗi khi chị thực sự muốn nói điều gì đó.

Không cần phải thương tiếc cho chị. Chị đã sống trong trái tim em rất lâu rồi.

Hãy mở lòng ra mà nghĩ đến những người đang sống đi. Chìa khóa của câu chuyện quá khứ nằm trong tay em, không phải trong tay chị. Hãy trải lòng với người đang sống về nỗi buồn và niềm vui của những người em đã gặp gỡ đi. Sự chân thành của họ sẽ thay đổi em.

“Chị đang tìm gì đấy?”

“Cái cào em đã ném xuống đây”.

“Để làm gì?”

“Chị sẽ lôi nó ra… rồi chân em sẽ không còn đau nữa”. […]

“Tạm biệt… Em sẽ trân trọng giữ gìn những quan tâm chăm sóc chị dành cho em”[11].

Nhà văn khắc họa nhân vật nhỏ bé trong những khủng hoảng của chính họ, rồi vỡ tan vào hư vô. Mỗi người tự mang trong mình một sự thật, và những sự thật ấy buộc phải đối chất với nhau trong những cuộc đối thoại, để tự họ có thể làm nên bức tranh của cuộc đời mình, ngay cả khi nó chỉ tồn tại bên trong trang sách. Nhân vật được trao cho khả năng tự khám phá, tự phân tích những sự thật – sự thật của ý thức. Đó cũng là khi nhân vật đập vỡ những trói buộc tư tưởng mà thế giới vốn áp đặt lên họ, tự tạo nên một đời sống trong văn bản và cả ngoài văn bản, trong hiện tại và cả tương lai. Shin Kyung Sook thiết lập nên một tương quan đối thoại giữa các nhân vật, nơi các nhân vật ở thế trực diện và đối chất lẫn nhau, và nhà văn chỉ là người có vai trò đứng ra điều động chương trình của các cuộc đối thoại đó. Tác giả đã tạo dựng nên một thứ đối thoại có khả năng đào sâu đến tận cùng của những sự thật đang tồn tại xung quanh văn bản. Chính điều này đã góp phần quan trọng vào xác định sự tự do, tự chủ của nhân vật. Tuy nhiên, nhìn một cách bao quát trên toàn bộ diễn ngôn nữ quyền trong tiểu thuyết của Shin Kyung Sook, cách nhà văn lựa chọn xây dựng các đối thoại giàu giá trị biểu đạt không chỉ đơn thuần thể hiện kĩ thuật trong nghệ thuật sáng tác của mình, mà đó như một sự sắp xếp có chủ ý nhằm tạo nên một cấu trúc biểu nghĩa làm nên một hệ thống biểu nghĩa khác, thể hiện quan điểm giá trị và tầm nhìn rất riêng của tác giả.

Bên cạnh đó, những độc thoại nội tâm được xây dựng trong diễn ngôn nữ quyền qua trang tiểu thuyết của Shin Kyung Sook là một ví dụ cho văn phong mang tính chất vi thoại. Như vậy, vi thoại được tạo nên từ ngay trong lòng của một cuộc độc thoại dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn. Những độc thoại nội tâm phức tạp theo kiểu dòng tâm lý được nhà văn tái hiện trên những trang sách, kiến tạo nên những chiếc “rương nội tâm” đa chiều. Việc miêu tả tâm lý nhân vật thường được thể hiện một cách trực tiếp, thông qua những từ biểu hiện trạng thái rõ ràng trong tự sự truyền thống thì bước sang giai đoạn văn học hiện đại, đặc biệt là sự ảnh hưởng của phương Tây, kỹ thuật tái hiện thế giới nội tâm trong sáng tác văn xuôi, đặc biệt là đối với thể loại tiểu thuyết, đã có những bước thay đổi căn bản. Shin Kyung Sook cũng không ngoại lệ. Với tư cách là một nhà văn, nhân vật “tôi” luôn chìm trong những suy tư, trăn trở về việc viết văn, không chỉ viết cho chính mình mà còn cho cả những người không tên: “Chỉ đến giờ tôi mới gọi họ là bạn, những con người phải liên tục cử động mười ngón tay để duy trì công việc sản xuất, không tên và cũng hoàn toàn tách biệt với sự đầy đủ của cải vật chất. Tôi sẽ không quên ý chí xã hội đã được họ lan tỏa trong tôi. Không quên rằng họ, những người bạn vô danh của tôi, những người đã khai sinh cho một phần thế giới nội tâm của tôi, y như mẹ đã sinh ra con người tôi… Và rằng, về phần mình, thông qua ngôn ngữ của mình, phải khai sinh cho họ chốn xứng đáng trong thế giới này”[12].

Mặt khác, trong quy luật kể chuyện truyền thống của Bắc Âu có đề cập đến quy luật về sự lặp (répétition) khi thể hiện mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật. Trong tiểu thuyết của Shin Kyung Sook, chi tiết về trùng lặp các cụm từ đặc biệt theo cấp độ tăng tiến theo dòng hồi ức của nhân vật như: “tôi, mười sáu tuổi” (tần suất lặp: 67 lần), “tôi, mười bảy tuổi” (tần suất lặp: 61 lần), “tôi, mười tám tuổi” (tần suất lặp: 68 lần), “tôi, mười chín tuổi” (tần suất lặp: 62 lần). Những chi tiết này xuất hiện với mật độ đan cài dày đặc, tạo ra cách biểu đạt của ngôn ngữ thể hiện sự khủng hoảng tinh thần ở nhân vật “tôi”. Một cái “tôi” đi từ non nớt đến trưởng thành. Một cái “tôi” luôn đắm chìm trong những ám ảnh đau thương của quá khứ. Một cái “tôi” khao khát kiếm tìm bản thể của chính mình trong vòng xoáy cuộc đời. Điều này giúp tạo nên sức nặng tâm lý cho câu chuyện, kéo căng sự căng thẳng và lấp đầy cốt truyện tiểu thuyết. Nếu không có sự xuất hiện của sự lặp lại ấy thì sẽ không diễn đạt được tới hình thức viên mãn và trọn vẹn nhất. Sức rung cảm của văn chương Shin Kyung Sook không chỉ đến từ nghệ thuật con chữ, mà còn đến từ sự nhạy cảm trong khả năng nắm bắt dòng chảy của thế giới xung quanh, kể cả những rung động dù là nhỏ nhất, thẳm sâu trong tâm thức con người. Bởi suy cho cùng thì “cái gọi là vẻ đẹp văn chương chính là vẻ đẹp ở nội dung bức tranh cuộc sống rung động lòng người, ở tình cảm dễ lan truyền ký trú trong đó”[13].

4. Kết luận

Diễn ngôn nữ quyền của Shin Kyung Sook được thể hiện qua sáng tác Cô gái viết nỗi cô đơnHãy chăm sóc mẹ ẩn chứa sức mạnh của câu chuyện thường nhật, gần gũi và cảm động đồng thời đậm chất ký thác, đa nghĩa, vừa trầm lắng suy tư vừa chân thực giản dị. Tiểu thuyết mang đậm màu sắc phương Đông truyền thống nhưng đồng thời thể hiện sự năng động, hiện đại, và tính đối thoại quốc tế. Thông qua diễn ngôn nữ quyền của mình, Shin Kyung Sook nêu lên những vấn đề mang tính đối thoại cùng thời đại trong công cuộc tạo nên thế giới bình đẳng cho người phụ nữ, nơi bức tranh đời sống ồn ào tấp nập, đôi mắt, trái tim và ngòi bút của nhà văn đều hướng đến những dáng hình nhỏ bé của người phụ nữ, nằm ở vùng “ngoại biên” của xã hội nam quyền. Viết về họ cũng chính là cách Shin Kyung Sook đã trao cho những người phụ nữ quyền được phát ngôn về chính mình trong thế giới đầy ngột ngạt, giúp họ tìm được một vị trí xứng đáng được tôn vinh. Họ được phản ánh trong tiểu thuyết qua dáng hình riêng biệt và tất cả đều được khắc họa một cách sinh động, với đường nét rõ ràng của những con người mang nỗi niềm tâm tư tình cảm và cá tính độc đáo. Cùng với đó tài năng của nữ nhà văn được thể hiện thông qua khả năng khái quát bức tranh của đời sống hiện thực, góp phần làm nên tầm vóc của tác phẩm văn chương trong đời sống nghệ thuật không chỉ trên diễn đàn văn chương trong nước mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ. Shin Kyung Sook thật sự trở thành “nhà ngoại giao không hộ chiếu” trong khả năng lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc, bắc nên nhịp cầu kết nối tình hữu nghị với hàng triệu độc giả trên toàn thế giới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. I.P.Ilin và E.A. Tzurganova (2003), Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20 (Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Lê Xuân Mậu (2016), Vẻ đẹp ngôn ngữ - Vẻ đẹp văn chương, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
  3. Nhiều tác giả (1995), Hàn Quốc - lịch sử và văn hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  4. Shin Kyung Sook (2016), Cô gái viết nỗi cô đơn (Huyền Vũ dịch), Nxb Hà Nội.
  5. Shin Kyung Sook (2018), Hãy chăm sóc mẹ (Lê Hiệp Lâm và Lê Nguyễn Lê dịch), Nxb Hà Nội.



[1] Học viên cao học K64, chuyên ngành Văn học nước ngoài, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

[2] Shin Kyung Sook (2016), Cô gái viết nỗi cô đơn (Huyền Vũ dịch), Nxb Hà Nội, tr. 13.

[3] Shin Kyung Sook (2018), Hãy chăm sóc mẹ (Lê Hiệp Lâm và Lê Nguyễn Lê dịch), Nxb Hà Nội, tr. 297.

[4] Shin Kyung Sook (2016), d, tr. 55.

[5] Shin Kyung Sook (2018), Sđd, tr. 125.

[6] Nhiều tác giả (1995), Hàn Quốc - lịch sử và văn hóa, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 32.

[7] Shin Kyung Sook (2018), Sđd, tr. 170.

[8] Shin Kyung Sook (2016), Sđd, tr. 313.

[9] Shin Kyung Sook (2016), Sđd, tr. 314.

[10] I.P.Ilin và E.A. Tzurganova (2003), Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20 (Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân dịch), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 453.

[11] Shin Kyung Sook (2016), Sđd, tr. 450-456.

[12] Shin Kyung Sook (2016), Sđd, tr. 468.

[13] Lê Xuân Mậu (2016), Vẻ đẹp ngôn ngữ - Vẻ đẹp văn chương, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr. 186.

0thảo luận