Trang chủ

Nhìn lại 20 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản (2002-2022)

Đăng ngày: 22-09-2023, 09:45 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 6

Nguyễn Văn Tuấn1


Tóm tắt: Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia gần nhau về địa lý, có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa… và có mối quan hệ từ rất sớm. Hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 21/9/1973 song từ năm 2002 đến nay, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản mới thực sự phát triển mạnh mẽ, thực chất và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trên cơ sở làm rõ những thành tựu đạt được trong quan hệ Việt - Nhật giai đoạn 2002-2022 trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế và an ninh - quốc phòng, bài viết chỉ ra một số khó khăn và vấn đề đặt ra, từ đó dự báo triển vọng của mối quan hệ này trong thời gian tới.

Từ khóa: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, Nhật Bản, Việt Nam


1. Những thành tựu đạt được[1]

1.1. Về chính trị - ngoại giao

Nhìn một cách tổng quát, có thể khẳng định rằng, giai đoạn 2002-2022 quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao không bị “ngắt quãng” như những giai đoạn trước đó, mà liên tục phát triển, mở rộng và đi vào chiều sâu, thực chất cả trên bình diện song phương và đa phương.

Về quan hệ song phương, trong 20 năm qua, lãnh đạo cấp cao hai nước đã thực hiện hơn 35 chuyến thăm và làm việc chính thức, bình quân mỗi năm có gần 2 chuyến thăm - đây là con số cao nhất trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước lớn, phát triển, điều này thể hiện tầm quan trọng của nhau trong chính sách đối ngoại của mỗi nước cũng như mối quan hệ Việt - Nhật. Có một điểm đặc biệt là hầu như các lãnh đạo của hai nước sau khi nhậm chức đều tiến hành các chuyến thăm cấp cao tới mỗi nước, trong đó có những thủ tướng có tới 4 lần thăm chính thức và làm việc tại Việt Nam và Nhật Bản như Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải, đặc biệt Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã có tới 6 lần tới thăm chính thức và làm việc tại Nhật Bản. Trong số các chuyến thăm và làm việc cấp cao giai đoạn này, điển hình có một số chuyến thăm và làm việc tiêu biểu, mạng lại những kết quả quan trọng, trở thành những điểm nhấn, dấu mốc lịch sử quan trọng đối với sự phát triển mối quan hệ giữa hai nước như: chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Koizumi (2002) với thành quả quan trọng là việc hai nước ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ “đối tác tin cậy”; chuyến thăm của Thủ tướng Abe Shinzo (2013) - chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản; và chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito cùng Hoàng hậu (2017) - đây là lần đầu tiên Nhật hoàng và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Việt Nam... Về phía Việt Nam là các chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2007) - nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Việt Nam thăm chính thức Nhật Bản; Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh (2009) với thành quả là hai nước ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược”; và chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2014) - hai nước đã nâng cấp và mở rộng nội hàm mối quan hệ lên thành “đối tác chiến lược sâu rộng”... Đây là thành quả của cả quá trình vận động và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, về chính trị - ngoại giao, hai nước luôn nhấn mạnh quan điểm chung trong việc duy trì, phát triển và mở rộng hơn nữa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước, dựa trên sự tôn trọng lợi ích, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị, mô hình nhà nước, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, nhất là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Về hợp tác đa phương, hai nước khẳng định tăng cường phối hợp và hợp tác sâu rộng tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc (UN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Á - Âu (ASEM), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), cơ chế hợp tác ASEAN+3, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)... góp phần tích cực duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới[2], ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, nhấn mạnh quan điểm chung và khẳng định hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích chung của cả hai nước cũng như cộng đồng quốc tế, tích cực phối hợp, tham vấn và ủng hộ nhau trong những vấn đề quốc tế, các vấn đề toàn cầu cấp bách…

Đối với những vấn đề cụ thể liên quan tới hai nước, Nhật Bản luôn có những ủng hộ tích cực, thực chất nhất đối với Việt Nam như: ủng hộ Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021, gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), là nước đầu tiên trong nhóm G7 công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (2011), mời Việt Nam tham gia Hội nghị cấp cao G7 mở rộng (2016), G20 (2019), đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN (2010 và 2020)... Ngược lại, Việt Nam luôn khẳng định: “Ủng hộ Nhật Bản trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”[3], trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2009-2010 và 2016-2017, sắp tới là nhiệm kỳ 2023- 2024, sẵn sàng làm “cầu nối” để Nhật Bản hội nhập sâu rộng vào khu vực Đông Nam Á và phát triển quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản - ASEAN...

1.2. Về kinh tế

* Về trao đổi thương mại, từ năm 2002, quan hệ thương mại Việt - Nhật liên tục phát triển, năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu năm 2002 mới chỉ đạt hơn 4.940 triệu USD thì đến năm 2008 đã tăng lên 16.700 triệu USD, vượt mốc thời gian mà hai nước đã đặt ra trước đó là 15.000 triệu USD vào năm 2010[4]. Đặc biệt, sau khi bị chững lại do bị ảnh hưởng và tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (2008-2009), thì đến năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều lại tăng lên nhanh chóng, đạt hơn 21.492 triệu USD[5] tăng lên gần 38.000 triệu USD năm 2018[6], đạt mốc 42.700 triệu USD vào năm 2021, tăng 7,8% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 20.100 triệu USD, tăng 4,4% và nhập khẩu đạt 22.600 triệu USD, tăng 11,3%[7]. Nhật Bản trở thành một trong bốn đối tác thương mại lớn và quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong một thời gian dài.

* Về hợp tác đầu tư, từ năm 2002 đến nay, nguồn vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam tăng rất nhanh, từ 48 dự án với 102 triệu USD năm 2002 đã tăng lên 105 dự án, với tổng vốn đăng ký kỷ lục gần 7.300 triệu USD vào năm 2008. Nếu tính chung cả giai đoạn 1988-2009, thì Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 1.247 dự án, với tổng số vốn đăng ký đạt 17.149,6 triệu USD, chiếm gần 10% tổng số dự án và hơn 8,8% tổng vốn FDI đăng ký, Nhật Bản trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba về số dự án và thứ tư về vốn đăng ký tại Việt Nam[8]. Còn tính lũy kế đến đầu năm 2021, Nhật Bản đã vươn lên vị trí thứ hai trong tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với 4.641 dự án, chiếm hơn 14% tổng số dự án và vốn đầu tư đăng ký đạt 60.577 triệu USD, chiếm gần 15,7% tổng vốn đầu tư đăng ký[9]. Ngược lại, trong giai đoạn này xu hướng các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường Nhật Bản, mở chi nhánh, lập các công ty con và văn phòng đại diện tại Nhật Bản cũng bắt đầu gia tăng dù lượng công ty Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Nhật Bản vẫn chưa nhiều và số vốn đầu tư không đáng kể. Tính đến đầu năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Nhật Bản với 90 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 22,6 triệu USD, chiếm hơn 6,4 % số dự án và hơn 1% tổng vốn FDI của Việt Nam ra nước ngoài, Nhật Bản đứng thứ 31 trong tổng số các quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam[10].

* Về viện trợ phát triển chính thức (ODA), Nhật Bản luôn là nước tài trợ và viện trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam thông qua hai kênh chính là viện trợ song phương và đa phương. Trong đó, nguồn vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam được thực hiện dưới ba hình thức chủ yếu là: vốn vay, viện trợ không hoàn lại và hợp tác kỹ thuật. Nếu xét về tổng số vốn vay ODA trên cơ sở giải ngân (theo năm dương lịch), thì Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc và Đức là những nhà tài trợ hàng đầu. Đặc biệt, ODA của Nhật Bản chiếm hơn 80% tổng số vốn vay của Việt Nam. Còn nếu xét về viện trợ không hoàn lại thì Nhật Bản, Australia và Mỹ là ba nhà tài trợ lớn nhất. Đối với hợp tác kỹ thuật thì Nhật Bản, Đức và Australia chiếm tỷ trọng lớn nhất[11]. Theo công bố hàng năm của Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Việt Nam luôn thuộc nhóm nhận viện trợ ODA lớn nhất của Nhật Bản, nhất là so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tính lũy kế đến đầu năm 2020, Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam 27.800 triệu USD, trong đó vốn vay là 26.000 triệu USD và vốn viện trợ không hoàn lại là 1.800 triệu USD[12], chiếm trên 30% tổng nguồn vốn ODA các nước cam kết dành cho Việt Nam, Nhật Bản trở thành nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và Việt Nam cũng là nước nhận ODA lớn nhất của Nhật Bản.

1.3. Về an ninh - quốc phòng

Từ tháng 11/2007, hai nước bắt đầu đề cập đến việc tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng song phương và tháng 10/2011, hợp tác về quốc phòng - an ninh giữa hai nước mới thực sự đi vào thực chất với việc ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi quốc phòng song phương. Đặc biệt, tháng 4/2018, hai nước đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về Hợp tác quốc phòng hướng tới thập niên tiếp theo... Đây là những cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để hai nước tăng cường và mở rộng hợp tác về an ninh - quốc phòng, nhất là trên các lĩnh vực cụ thể như an ninh biển, khủng bố, chuyển giao công nghệ, thiết bị phục vụ an ninh - quốc phòng...

Nhằm cụ thể hóa những nội dung đã ký kết, hai nước đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác. Từ năm 2012, hai nước tổ chức và duy trì Đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng hằng năm; duy trì cơ chế Đối thoại an ninh chiến lược cấp thứ trưởng từ năm 2013; lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Đảm bảo an ninh trên biển (5/2013) và duy trì tổ chức thường xuyên… Nhật Bản đã tuyên bố cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra đã qua sử dụng (7/2014), cung cấp xuồng cứu sinh và một số thiết bị hàng hải khác (11/2015), cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 200.000 triệu yên để đảm bảo an toàn hàng hải trong năm tài khóa 2015, từ năm 2009 đến năm 2018, hỗ trợ Việt Nam khoảng 5,5 triệu USD để thực hiện hai dự án rà phá bom mìn tại tỉnh Quảng Trị và Hà Tĩnh[13]... Hai nước còn tổ chức nhiều đoàn đại biểu của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản và Hải quân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam sang thăm và giao lưu với nhau nhằm nâng cao năng lực chấp pháp trên biển.

2. Một số hạn chế, khác biệt và vấn đề đặt ra

Thứ nhất, về chính trị - ngoại giao, một trong những trở ngại và vấn đề đặt ra trong quan hệ Việt - Nhật trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao là sự khác biệt về chế độ chính trị- tư tưởng, mô hình nhà nước, trình độ phát triển, về đường lối xây dựng và phát triển đất nước, về cơ chế quản lý, vận hành, thủ tục hành chính… đặc biệt là mục tiêu chiến lược và lợi ích quốc gia - dân tộc. Bên cạnh đó, vị trí mỗi nước trong chính sách đối ngoại của nước còn lại cũng chưa thực sự cao. Nhật Bản chủ trương tăng cường quan hệ với các đồng minh, các nước lớn, phát triển, trung tâm quyền lực như Mỹ, EU, Ấn Độ, Australia… trong đó, Mỹ vẫn là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản, liên minh Mỹ - Nhật là nền tảng cho hòa bình, tự do và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương[14]. Còn Việt Nam lại “chú trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng”[15], coi trọng quan hệ với các nước truyền thống, khu vực, cùng chế độ chính trị… nhất là chủ trương “cân bằng” quan hệ với các nước lớn. Những sự khác biệt này đòi hỏi cả Việt Nam và Nhật Bản phải có những chính sách và đối sách phù hợp để vượt qua vì sự phát triển chung của hai nước và mối quan hệ song phương. Hơn nữa, trong quan hệ Việt - Nhật giai đoạn này, nhân tố nước lớn, nhất là Mỹ và Trung Quốc luôn có những tác động nhất định. Bằng chứng là từ đầu thế kỷ XXI đến năm 2009, Nhật Bản luôn đưa ra những ngôn từ ngoại giao như “vươn tầm”, “hướng tới”… quan hệ đối tác chiến lược như một động thái giữ “dây cương” trong quan hệ với Việt Nam nhằm thăm dò phản ứng của Mỹ và Trung Quốc nên đã bỏ lỡ cơ hội nâng cấp và thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược” sớm với Việt Nam như Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ.

Thứ hai, về kinh tế, mặc dù trao đổi thương mại Việt - Nhật giai đoạn này tăng liên tục, trên 10%/năm song so với tốc độ tăng trưởng trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nền kinh tế lớn, phát triển khác thì vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và thực lực của hai nước. Ví như từ năm 2000 đến năm 2016, kim ngạch thương mại Việt - Mỹ tăng tới 43,5 lần, từ mức 1.080 triệu USD năm 2000 đã tăng lên 47.150 triệu USD năm 2016, tốc độ tăng xuất nhập khẩu bình quân mỗi năm trong giai đoạn này đạt 26,6%/năm[16], từ năm 2006 đến năm 2016, tốc độ tăng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước G7 đạt 17,1%/năm, trong khi đó cũng trong giai đoạn này, tốc độ tăng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản chỉ đạt 13,9%/năm[17], thấp hơn nhiều so với Mỹ và các nước G7 khác. Hơn nữa, xét trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản thì tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn này chỉ chiếm từ 1% - 2%, điều này cho thấy Nhật Bản không quá phụ thuộc vào thị trường Việt Nam, trong khi mức độ phụ thuộc của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản rất lớn, chiếm trên 10% và lớn hơn nhiều so với các nước ở khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia hay Indonesia. Vì vậy, nếu có bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách ngoại thương và chính sách tiền tệ hoặc thị trường Nhật Bản có biến động thì chắc chắn sẽ gây khó khăn lớn, thậm chí tạo “cú sốc” đối với nền kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, tỷ trọng kim ngạch thương mại Việt - Nhật trong tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam liên tục giảm, từ gần 17,5% năm 1995 xuống còn 12,16% năm 2005 và tương ứng năm 2008: 11,65%, năm 2010: 10,7%, năm 2015 xuống còn 8,4% và năm 2017, 2018 giảm xuống chỉ còn khoảng 7,9%. Trong khi đó vị trí của Mỹ và Trung Quốc lại ngày càng tăng lên, đây chính là hạn chế lớn nhất trong trao đổi thương mại giữa hai nước giai đoạn này.

Về đầu tư, có sự chênh lệch rất lớn, nguồn vốn FDI chủ yếu từ Nhật Bản vào Việt Nam, còn FDI từ Việt Nam vào Nhật Bản còn quá nhỏ bé. Đặc biệt, so với các nước ở khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia… thì số vốn FDI của Việt Nam còn khiêm tốn hơn nhiều. Ví như, từ năm 2009 đến năm 2013, không có số liệu FDI nào của Việt Nam vào Nhật Bản, chỉ sang năm 2014 và 2015, mỗi năm đầu tư khoảng 1 triệu USD và năm 2016 đạt khoảng 2 triệu USD, trong khi đó, số vốn FDI mà Singapore đầu tư sang Nhật Bản là 756 triệu USD/2009; 1.575 triệu USD/2010; 1.842 triệu USD/2015 và 3.046 triệu USD/2016. Tương ứng với Thái Lan lần lượt là: 24 triệu USD/2009; 336 triệu USD/2016 và 659 triệu USD/2016. Với Indonesia lần lượt là: 43 triệu USD/2010; 84 triệu USD/ 2015 và 19 triệu USD/2016[18]. Cho nên, “xét cả về số dự án, tổng vốn đầu tư, vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp Việt Nam ở Nhật Bản, thực chất quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nhật bản trong giai đoạn hiện nay chỉ là kênh một chiều”[19]. Đây là hạn chế lớn nhất trong hợp tác đầu tư giữa hai nước giai đoạn này. Không những thế, mặc dù tăng cả số dự án và số vốn, nhưng so với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Indonesia thì FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam vẫn còn thấp, không ổn định, từ năm 2010 đến năm 2018, FDI từ Nhật Bản vào Indonesia luôn duy trì ở mức trên 2.000 triệu USD/năm; vào Thái Lan luôn duy trì ở mức trên 1.500 triệu USD, trong khi đó Việt Nam có có những năm thu hút không được 1.000 triệu USD[20]. Hơn nữa, quy mô vốn trên dự án vẫn còn khá thấp, bình quân giai đoạn này khoảng 14,3 triệu USD/dự án. Đặc biệt, ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ logistics của Việt Nam còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Viện trợ ODA chủ yếu diễn ra một chiều từ phía Nhật Bản và những vấn đề xuất phát từ Việt Nam, đó là vấn đề quản lý và sử dụng các nguồn vốn ODA của Nhật Bản như việc đầu tư dàn trải, chưa thực hiệu quả; tình trạng chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư; tính hợp lý trong phân bổ nguồn vốn giữa các địa bàn còn bất cập... đặc biệt một số vụ án tham nhũng, đưa và nhận hối lộ liên quan đến nguồn vốn ODA của Nhật Bản như vụ Huỳnh Ngọc Sỹ ở Dự án Đại lộ Đông - Tây, vụ PMU18, dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội hay cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi… đã làm giảm sút lòng tin của Chính phủ, doanh nghiệp cũng như người dân Nhật Bản. Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam, ông Mori Mutsuya đã khuyến cáo: “Tôi mong rằng đây là vụ cuối cùng tại Việt Nam. Nếu còn xảy ra vụ thứ ba, tôi chắc chắn người dân Nhật Bản sẽ lên tiếng yêu cầu Chính phủ Nhật Bản chấm dứt ngay việc cung cấp ODA cho Việt Nam. Rút kinh nghiệm từ vụ việc này, tôi cho rằng hai bên cần làm việc một cách nghiêm túc để tránh xảy ra những vụ việc tương tự”[21].

Thứ ba, về an ninh - quốc phòng vẫn còn những hạn chế nhất định xuất phát từ nội tại cũng như thực lực chưa đáp ứng được nhu cầu hợp tác của hai nước. Thủ tướng Abe Shinzo cũng thừa nhận không thể cung cấp ngay lập tức cho Việt Nam tàu tuần tra đã qua sử dụng vì gánh nặng hoạt động giám sát của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đang tăng lên[22]. Và việc Nhật Bản bị hạn chế nghiêm ngặt về hoạt động quân sự ở nước ngoài nên mối quan hệ trực tiếp giữa Hải quân nhân dân Việt Nam với Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản là rất khó. Vì vậy, hợp tác có thể chỉ thực hiện được dưới hình thức là hoạt động ở mức độ cảnh vệ, phía Nhật Bản đang thực hiện các đối ứng trên cơ sở các trạm bảo an trên biển. Tất nhiên, mục đích của những hợp tác trên chỉ là để đảm bảo an toàn giao thông trên biển, không có hành động quân sự[23]. Đây là hạn chế lớn nhất trong quan hệ hợp tác Việt - Nhật trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng giai đoạn này.

3. Triển vọng trong thời gian tới

Quan hệ Việt - Nhật trong thời gian qua đã và đang gặp phải một số khó khăn, khác biệt và vấn đề đặt ra xuất phát từ những nguyên nhân bên trong cũng như bên ngoài. Mặc dù vậy, trong thời gian tới, triển vọng mối quan hệ hợp tác Việt - Nhật là rất sáng sủa dựa vào những cơ sở khoa học và thực tiễn sau:

(i) Những điều kiện, yếu tố thuận lợi và tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa... đã từng thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt - Nhật trong quá khứ và hiện tại vẫn tiếp tục là cơ sở vững chắc cho sự phát triển quan hệ hợp tác hai nước trong tương lai.

(ii) Bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi sẽ làm cho tính chất và nội dung trong quan hệ quốc tế cũng như phương thức tập hợp lực lượng cũng có sự thay đổi căn bản và bị chi phối chủ yếu từ yếu tố kinh tế - chính trị và lợi ích quốc gia - dân tộc của các quốc gia, “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” trong cùng tồn tại hòa bình. Đây sẽ là cơ hội để hai nước tăng cường và thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác, nhất là trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao và kinh tế.

(iii) Tầm quan trọng của mỗi nước trong chính sách đối ngoại của nhau. Việt Nam là nước hội tụ đầy đủ các yếu tố mà các nước khác trong khu vực không có được như bên cạnh vị trí địa - chiến lược và an ninh, Việt Nam còn có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế, con người, tài nguyên, chính trị ổn định, an ninh đảm bảo... Đối với Nhật Bản, tăng cường quan hệ, hợp tác toàn diện với Việt Nam sẽ là nhân tố quan trọng làm gia tăng hơn nữa mối quan hệ giữa Nhật Bản với các nước ASEAN, cũng như thực hiện thành công chủ trương “hướng về châu Á” và chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản.

(iv) Từ năm 2002 đến nay, quan hệ Nhật - Việt không có sự gián đoạn mà liên tục được củng cố, mở rộng và phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Thông qua các cuộc viếng thăm lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước, nhiều văn kiện hợp tác về nhiều lĩnh vực được ký kết đã, đang và sẽ mang lại hiệu quả, lợi ích tích cực và thiết thực đối với hai nước. Hiện là thời điểm thuận lợi để Nhật Bản và Việt Nam thúc đẩy quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa, bởi Nhật Bản đang đẩy mạnh hiện thực hóa chủ trương “hướng về châu Á”, trong đó coi trọng quan hệ với Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đang chủ trương “đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược”[24]. Đây chính là cơ sở lịch sử, chính trị và là “cú hích” quan trọng để hai nước tiếp tục tăng cường quan hệ và hợp tác với nhau.

(v) Cả Nhật Bản và Việt Nam đều có cùng lợi ích chiến lược là duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, nhất ở Đông Á và coi an ninh quốc gia là một bộ phận cấu thành và không thể tách rời khỏi an ninh khu vực và thế giới. Nhật Bản và Việt Nam đều có nhu cầu quan hệ hợp tác, đều thấy sự cần thiết phải thay đổi tư duy trong quan hệ quốc tế, phải tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt giữa hai nước và tìm ra những điểm tương đồng nhằm đáp ứng nhu cầu của mỗi nước.

(vi) Tại các hội nghị, diễn đàn, tổ chức và các cơ chế hợp tác đa phương quan trọng, cả Việt Nam và Nhật Bản đều có nhiều điểm tương đồng, thường song hành và tham vấn, ủng hộ và hợp tác với nhau, nhất là những vấn đề liên quan đến khu vực và hai nước. Đặc biệt, “với tiềm lực và những đóng góp của mình, Nhật Bản xứng đáng đóng một vai trò lớn hơn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Vì lẽ đó, Việt Nam ủng hộ Nhật Bản ngày càng phát triển và đóng góp ngày càng tích cực cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng chung, nhất quán ủng hộ Nhật Bản trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an UN khi cơ quan này được mở rộng”[25].

(vii) Quan hệ Việt - Nhật có một điểm rất đặc biệt - đó là sự “tin cậy” chính trị và sự ủng hộ rất cao của nhân dân và chính phủ, nhất là của lãnh đạo cấp cao hai nước. Bên cạnh những “lần đầu tiên” như đã trình bày, gần đây nhất, sau khi lên nhậm chức (10/2020), Thủ tướng Suga Yoshihide đã chọn Việt Nam là điểm công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính là vị Thủ tướng nước ngoài đầu tiên đã thăm Nhật Bản (11/2021) sau khi Nhật Bản có Chính phủ mới do ông Kishida Fumio làm Thủ tướng, điều này cho thấy vị trí và tầm quan trọng của mỗi nước trong chính sách đối ngoại của nhau và cũng là cơ sở chính trị quan trọng để quan hệ Việt - Nhật tiếp tục phát triển.

(viii) Bên cạnh sự phát triển liên tục, ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, thực chất trên chính trị - ngoại giao, kinh tế và an ninh - quốc phòng, thì quan hệ hợp tác hai nước trên các lĩnh vực khác như văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, du lịch… cũng ngày càng được tăng cường và mang lại nhiều kết quả nổi bật, trở thành chất xúc tác đối với quan hệ Việt - Nhật trong thời gian tới.

Tóm lại, có thể thấy rằng, mặc dù vẫn còn những vấn đề đặt ra, song xét một cách tổng quát, từ những cơ hội, thuận lợi và những nhân tố mới cùng những lợi ích song trùng của hai nước ở khu vực và quốc tế, các thế mạnh vượt trội của Nhật Bản, lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng của Việt Nam, đặc biệt là lịch sử quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc, cộng với những thành quả đã đạt được trong quan hệ giữa hai nước, mối quan hệ “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” sẽ có nhiều cơ hội và triển vọng tươi sáng trong thời gian tới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Hoàng Anh (2017), "Tác động của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản đến quan hệ kinh tế ASEAN - Nhật Bản", Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 9 (199), tr. 21 - 30.
  2. Ban Đối ngoại Trung ương, "Tầm nhìn về Phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á (Bài nói chuyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc gặp gỡ với đại diện các tầng lớp xã hội Nhật Bản)", Tokyo, ngày 17/9/2015.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 1.
  5. Trần Quang Minh (2019), Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: 45 năm nhìn lại và hướng tới tương lai, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.
  6. Tổng cục Thống kê (2019), Niên giám thống kê 2018, Nxb Thống kê, Hà Nội,.
  7. Ministry of Foreign Affairs of Japan (2006), "Japan - Vietnam Joint Statement Toward a Strategic Partnership for Peace and Prosperity in Asia", Tokyo, 19 October 2006, https://www.mofa.go.jp/region/asia-paci/ vietnam/joint0610.html.
  8. Ministry of Foreign Affairs Japan (2014), "Japan - Viet Nam Joint Statement on the Establishment of the Extensive Strategic Partnership for Peace and Prosperity in Asia", Tokyo, 18 March 2014, 15p, https://www. mofa.go.jp/files/000031617.pdf
  9. Ministry of Foreign Affairs of Japan (2015), "Third Party Evaluation Report 2015: Country Assistance Evaluation of Vietnam", February 2016, 32p, https://www.mofa.go.jp/ policy/oda/evaluation/FY2015/pdfs/vietnam.pdf.

 

 


[1] ThS., Học viện Chính trị khu vực III, NCS. Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

[2] Ministry of Foreign Affairs Japan (2014), "Japan - Viet Nam Joint Statement on the Establishment of the Extensive Strategic Partnership for Peace and Prosperity in Asia", Tokyo, 18 March 2014, pp. 12, https://www. mofa.go.jp/files/000031617.pdf.

[3] Ministry of Foreign Affairs of Japan (2006), "Japan - Vietnam Joint Statement Toward a Strategic Partnership for Peace and Prosperity in Asia", Tokyo, 19 October 2006, https://www.mofa.go.jp/region/asia-paci/vietnam/jo int0610.html.

[4] Tổng cục Thống kê (2011), Niên giám thống kê 2010, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr. 522; 529.

[5] Tổng cục Thống kê (2012), "Tình hình kinh tế - xã hội 12 tháng năm 2011", https://www.gso.gov.vn/ default.aspx?tabid=621&ItemID=12129.

[6] Tổng cục Thống kê (2019), Niên giám thống kê 2018, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr. 593 - 594.

[7] Đỗ Hương (2022), “Nhật Bản ‘rộng cửa’ đón nhận nông sản Việt Nam”, https://baochinhphu.vn/nhat-ban-rong-cua-don-nhan-nong-san-viet-nam-102220210171427714. htm#:~:text=N%C4%83m%202021%2C%20t%E1%BB%95ng%20kim%20ng%E1%BA%A1ch,%2C%20t%C4%83ng%2011%2C3%25.

[8] Tổng cục Thống kê (2010), Niên giám thống kê 2009, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr. 115.

[9] Trang Thông tin điện tử Tổng cục Thống kê (2021), “Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép phân theo đối tác đầu tư chủ yếu”, https://www.gso.gov. vn/px-web-2/?pxid=V0413&theme=%C4%90%E1% BA%A7u%20t%C6%B0.

[10] Tổng cục Thống kê (2021), Niêm giám thống kê 2020, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr. 293 - 295.

[11] Ministry of Foreign Affairs of Japan (2015), "Third Party Evaluation Report 2015: Country Assistance Evaluation of Vietnam", https://www.mofa.go.jp/policy/ oda/evaluation/FY2015/pdfs/vietnam.pdf.

[12] Bộ Ngoại giao Việt Nam (2020), Ngoại giao Việt Nam 2019, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr. 25.

 

[13] Hạnh Quỳnh (2019), "Đưa hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản đi vào chiều sâu, hiệu quả", http://www.dangcongsan.vn/quoc-phong-an-ninh/dua-hop-tac-quoc-phong-viet-nam-nhat-ban-di-vao-chieu-sau-hieu-qua-521049.html.

[14] Ministry of Foreign Affairs of Japane (2017), Joint Statement, Washington D.C, February 10, p. 01, https://www.mofa.go.jp/files/000227768.pdf

[15] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 154.

[16] Tổng cục Hải quan (2017), "Tổng quan tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam - Hoa Kỳ", https://www. customs. gov.vn/Lists/ThongKeHaiQuan/ViewDetails.aspx?ID =1150&Cat.

[17] Tổng cục Hải quan (2016), "Thương mại hàng hóa giữa Việt Nam - Nhật Bản và nhóm nước G7 những bước phát triển vượt bậc", https://www.customs.gov.vn/Lists/ ThongKeHaiQuan/ViewDetails.aspx?ID=958&Category=Ph%C3%A2n%20t%C3%ADch%20chuy%C3%AAn%20%C4%91%E1%BB%81&Group=Ph%C3%A2n%20t%C3%ADch.

[18] Lê Hoàng Anh (2017), "Tác động của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản đến quan hệ kinh tế ASEAN - Nhật Bản", Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 9 (199), tr. 26.

[19] Đinh Trung Thành (2010), Đầu tư trực tiếp của các công ty xuyên quốc gia Nhật Bản trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 149 - 150.

[20] The ASEAN Secretariat (2019), ASEAN STATISTICAL YEARBOOK 2019, Jakarta, December 2019, pp. 136; 142 - 143, https://www.aseanstats.org/wp-content/uploads/ 2020/10/ASYB_2019-rev20201031.pdf.

[21] PV/VOV.VN (2015), "Thêm một lần tham nhũng ODA, Việt Nam sẽ khó nhận tài trợ từ Nhật?", https:// vov.vn/ kinh-te/them-mot-lan-tham-nhung-oda-viet-nam-se-kho-nhan-tai-tro-tu-nhat-392220.vov.

[22] Thông tấn xã Việt Nam (2015), "Quan hệ an ninh hàng hải Nhật - Việt", Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 2/11/2015, tr. 5.

[23] Kumao Kaneko (2014), "Ba vấn đề trong quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản - Việt Nam", phần II, ngày 18/6/2014, http://cjs.inas.gov.vn/index.php?newsid=826.

[24] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tập 1, tr. 163.

[25] Ban Đối ngoại Trung ương (2015), "Tầm nhìn về Phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á (Bài nói chuyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc gặp gỡ với đại diện các tầng lớp xã hội Nhật Bản)", Tokyo, ngày 17/9/2015, tr. 8.

 

0thảo luận