Trang chủ

Kinh nghiệm phát triển cộng đồng nông thôn Hàn Quốc và hàm ý chính sách cho Việt Nam

Đăng ngày: 15-09-2023, 09:39 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 6

Nguyễn Đức Chiện1

 

Tóm tắt: Được khởi xướng vào thập niên 70 của thế kỷ XX, chỉ sau vài thập kỷ phong trào “Làng mới” của Hàn Quốc đã tạo thay đổi toàn diện đời sống cộng đồng nông thôn. Việc đề ra hệ giá trị phù hợp đã phát huy vai trò của các chủ thể, nhất là phẩm chất cần cù, tự chủ, đồng thuận của nông dân trong cộng đồng. Thành công trong xây dựng làng mới không chỉ là nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất mà còn giúp quốc gia này công nghiệp hóa, hiện đại hóa cộng đồng nông thôn, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn. Dựa vào nguồn tài liệu thứ cấp, bài viết phân tích kinh nghiệm phát triển cộng đồng nông thôn của Hàn Quốc và đưa ra hàm ý chính sách phát triển tam nông ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Từ khóa: Cộng đồng, phát triển cộng đồng nông thôn, Hàn Quốc

1. Mở đầu [1]

Fichter (1976) cho rằng cộng đồng được hình thành dựa trên các yếu tố[2]: (1) sự tương tác giữa cá nhân với các thành viên khác; (2) có sự liên hệ về tình cảm và tâm lý ở nơi cá nhân có hoạt động xã hội mang tính tập thể; (3) có sự đóng góp (về tinh thần, vật chất) cho những giá trị được mọi người cho là cao cả và có ý nghĩa; (4) ý thức đoàn kết của cá nhân với mọi người trong tập thể. Theo Marshall (2010), cộng đồng là các mối quan hệ được thiết lập một cách đặc thù dựa trên những cái mà thành viên cùng có chung - một cảm quan chung về bản sắc[3]. Đó là một tập hợp dân cư sinh sống trên cùng một lãnh thổ, họ có ý thức/tình cảm về sự thống nhất trong một địa phương và khả năng tham gia những hoạt động mang tính tập thể vì quyền lợi của địa phương đó[4]. Phát triển cộng đồng phản ánh sự thay đổi về cơ sở hạ tầng, nhà ở, tiện nghi, việc làm, sinh kế, thu nhập, giáo dục, đời sống tinh thần, chăm sóc sức khỏe… của người dân sống ở cộng đồng nông thôn theo hướng công nghiệp và hiện đại hóa nhưng vẫn giữ gìn bản sắc riêng của mỗi cộng đồng[5].

Sự thành công trong phát triển cộng đồng nông thôn ở một số quốc gia Đông Bắc Á, nhất là phong trào “Làng mới” của Hàn Quốc được khởi xướng vào những năm 1970 gợi mở những bài học về phát triển cộng đồng nông thôn đối với các quốc gia đang phát triển. Để đưa các cộng đồng nông thôn thoát khỏi lạc hậu và đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật nhằm hiện đại hóa cuộc sống cộng đồng, Hàn Quốc đã thực hiện hàng loạt chính sách khai thác triệt để các nguồn lực tài nguyên và phát huy tối đa vai trò của các chủ thể, doanh nghiệp, cộng đồng, đặc biệt là ý thức của người nông dân vào thực tiễn phát triển. Điều lý thú là thành công trong phát triển nông thôn của nước này gợi mở một số hàm ý chính sách tham khảo đối với phát triển cộng đồng và hiện thực hóa chương trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay.

Phát triển cộng đồng nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm từ khi đất nước thống nhất (1975), trong những thập niên vừa qua Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách quan trọng (Luật đất đai 2013, Luật Hợp tác xã, Luật Doanh nghiệp, Chương trình Xây dựng nông thôn mới 2010…) nhằm chuyển đổi cơ cấu ngành nghề nông thôn theo hướng công nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, và thích ứng với biến đổi khí hậu… Tạo cơ hội để mọi chủ thể trong cộng đồng, nhất là người nông dân thấy được vai trò, trách nhiệm trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Những điều chỉnh chính sách thời gian qua đã mang đến nhiều thay đổi trong sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Mặc dù đạt được những thành công trong phát triển nông thôn như chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống và tiếp cận các dịch vụ xã hội, nhưng khu vực nông thôn nước ta trong hơn 35 năm đổi mới và hội nhập sâu vẫn là khu vực chịu nhiều thiệt thòi bởi lý do nền nông nghiệp sản xuất manh mún, năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập thấp, tỷ lệ nghèo đa chiều vẫn chưa được giải quyết triệt để, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đặc biệt là miền núi vùng sâu xa chậm phát triển so với khu vực đô thị và vùng đồng bằng. Thực tiễn này cho thấy phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa được đáp ứng mong đợi của Đảng và Nhà nước, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng và phát huy tối đa năng lực của cộng đồng và người dân vào quá trình phát triển. Thực tiễn phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam theo hướng công nghiệp hiện đại vẫn đặt ra nhiều câu hỏi cần nghiên cứu làm rõ.

2. Kinh nghiệm Hàn Quốc về phát triển cộng đồng nông thôn

Vào những năm cuối 1950, Hàn Quốc là một nước chậm phát triển do trải qua Chiến tranh thế giới lần thứ hai và chiến tranh hai miền Nam và Bắc. Thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc năm 1962 là 87 USD/người, khoảng thời gian này nông nghiệp là hoạt động kinh tế chính của đất nước, hơn 75% dân số sống ở nông thôn. Hàn Quốc là nước nghèo tài nguyên và khoáng sản, khí hậu lạnh, ít mưa không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đất nông nghiệp có hơn 2 triệu ha, chiếm 22% diện tích tự nhiên, 60% diện tích trồng lúa, còn lại trồng rau màu. Vốn đầu tư tái thiết và phát triển chủ yếu vay nước ngoài[6].

Hàn Quốc bắt đầu quan tâm thực hiện công nghiệp hóa từ đầu những năm 1960. Từ năm 1962 đến 1971, sau 2 kế hoạch 5 năm chủ trương tập trung ưu tiên phát triển công nghiệp, nền sản xuất hướng vào xuất khẩu để tăng trưởng kinh tế, GNP đã tăng bình quân 9,3% /năm[7]. Đáng quan tâm là công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh dẫn đến khoảng cách phát triển nông thôn và đô thị. Thực trạng này nảy sinh nhiều hệ quả xã hội, dòng người từ nông thôn đổ ra thành thị kiếm việc làm, cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội quá tải, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tệ nạn xã hội gia tăng, ô nhiễm môi trường… không chỉ làm gia tăng khoảng cách giữa nông thôn và đô thị mà còn để lại nhiều bất cập trong phát triển.

Các nhà lãnh đạo đứng đầu Chính phủ Hàn Quốc đã nhận thấy rằng nếu nông thôn nghèo nàn, nông dân không có niềm tin vào tương lai thì tất cả mọi nỗ lực và cố gắng của Chính phủ đều vô ích. Do vậy, vào cuối những năm 1960 Chính phủ Hàn Quốc đã mạnh dạn điều chỉnh chính sách nhằm “tăng trưởng cân đối giữa khu vực công nghiệp và nông nghiệp”. Đầu những năm 1970 (kế hoạch 5 năm lần thứ ba 1971-1976) Chính phủ Hàn Quốc đề ra 3 mục tiêu cho nền kinh tế: tăng cường xuất khẩu; phát triển công nghiệp nặng; phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hàn Quốc đưa ra chủ trương phát triển nông thôn bằng “Saemaul Undong” - phong trào Làng mới do Tổng thống Park Chung-hee phát động vào ngày 22/4/1970. Trong thời kỳ này, bình quân mỗi làng của Hàn Quốc có 170 hộ gia đình với khoảng 500 người[8].

Để triển khai phong trào Làng mới, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra quan điểm, mục tiêu, chủ trương triển khai rất cụ thể để bảo đảm sự thành công. Bởi thực tế, Hàn Quốc cũng như các quốc gia nghèo trong giai đoạn phát triển ban đầu đều phải đối diện với rất nhiều khó khăn liên quan đến hệ thống cơ sở hạ tầng thấp kém, trang thiết bị sản xuất và điều kiện sinh hoạt lạc hậu, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, nguồn vốn của ngân sách chính phủ eo hẹp. Đặc biệt, người dân nông thôn trình độ học vấn, chuyên môn tay nghề thấp, hơn nữa do nhiều năm chịu đựng nghèo khổ đã tạo nên tâm lý sống cam chịu, trông đợi sự giúp đỡ và đầu tư của Nhà nước. Nguồn lực nhỏ bé của Nhà nước và tinh thần yếu kém của nông dân làm cho công cuộc phát triển nông thôn trở thành thách thức lớn, kể cả những nơi quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa giai đoạn đầu diễn ra khá thành công. Một kinh nghiệm đáng chú ý của Hàn Quốc khi bắt đầu thực hiện phong trào Làng mới là chính phủ và các nhà hoạch định chính sách rất quan tâm phân tích hiện trạng nhằm đáp ứng tâm lý của nông dân ở nông thôn, phù hợp với tiềm lực của cộng đồng, bối cảnh kinh tế xã hội đất nước.

Về quan điểm tiếp cận phát triển nông thôn, Hàn Quốc quan tâm đến đơn vị làng, bởi mỗi làng đều là nơi gắn kết cộng đồng lâu đời trong sản xuất và sinh hoạt thường ngày của người dân, làng đã từng huy động các nguồn lực của cộng đồng làng để xây dựng đê đập, đường làng, kênh dẫn nước tưới, đền chùa làng… Đây là một giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển nông thôn gắn với phát triển cộng đồng vể mọi mặt từ tinh thần và ý thức đoàn kết cộng đồng, năng lực tổ chức cộng đồng đến trình độ quản lý cộng đồng cho sự phát triển kinh tế và xã hội nông thôn. Để huy động được các nguồn lực từ người dân cần xác định đúng mục tiêu, động lực và cách làm phù hợp với đặc điểm, tâm lý của người dân, trao quyền cho cộng đồng làng.

Về mục tiêu, mục tiêu của mô hình Làng mới[9] là nhằm làm thay đổi nếp nghĩ thụ động và ỷ lại của người dân nông thôn. Động lực cho phong trào Làng mới là: phát triển tinh thần của nông dân, lấy hỗ trợ bằng vật chất nhỏ để kích thích tinh thần và phát huy nội lực tiềm năng của mọi người dân. Xác định mục tiêu, chủ trương và động lực đúng đắn trong phong trào Làng mới đã giúp cho việc huy động có hiệu quả nội lực trong cộng đồng người dân nông thôn đưa phong trào đi đến đích thắng lợi.

Về phương thức, người dân làm chủ trong chương trình Làng mới[10]. Tại mỗi làng người dân tự bầu những người có uy tín và có tinh thần trách nhiệm trong cộng đồng làng vào “Ban phát triển làng mới” gồm 5-10 người để tổ chức và triển khai các dự án phát triển của làng. Trong đó bầu một nam, một nữ có quyền hạn ngang nhau làm trưởng ban để lãnh đạo phong trào của làng. Ban phát triển làng mới độc lập với hệ thống chính quyền hành chính ở cơ sở nhằm tạo điều kiện cho hoạt động mang tính tự chủ của tổ chức cộng đồng trong phát triển nông thôn mà không bị hành chính hóa. Chính quyền cơ sở không đứng ngoài cuộc mà phải luôn sát cách để định hướng, hỗ trợ các ban phát triển làng mới. Những người được bầu vào Ban phát triển làng mới hoạt động trên tinh thần tự nguyện và sự tín nhiệm của nhân dân, không có bất cứ một trợ cấp, thù lao nào bằng tiền hoặc vật chất. Động lực làm việc của họ là sự tôn trọng của nhân dân và sự động viên của chính phủ. Hoạt động của Ban phát triển làng mới là theo tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch. Các thành viên Ban phát triển làng mới được tham dự tập huấn ngắn hạn để trang bị kiến thức về thiết kế, lập dự án, cách vận động nhân dân, cách quản lý, điều hành các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất của làng, cách tổ chức các hoạt động trong phát triển nông thôn. Tập huấn được tiến hành hai đợt theo hai giai đoạn của chương trình Làng mới: giai đoạn một là xây dựng cơ sở hạ tầng (đường, nước sạch, hội trường, thủy lợi, sân chơi…), giai đoạn hai là phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho nhân dân. Định kỳ Ban phát triển làng mới được mời lên dự họp với Chính phủ để nghe phổ biến chính sách, cách làm, trao đổi với các làng khác và trực tiếp báo cáo kết quả xây dựng làng mới với Chính phủ. Ban phát triển làng mới là những hạt nhân vận động nhân dân, gương mẫu trong công việc, công khai, minh bạch trong huy động và sử dụng nguồn lực đóng góp của cộng đồng. Đây là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tham gia của người dân các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các làng. Bên cạnh Ban phát triển làng mới, từ năm 1977 các làng đã thành lập Hội nông dân Saemaul, Hội phụ nữ Saemaul, Hội thanh niên Saemaul để hỗ trợ động viên nông dân, phụ nữ, thanh niên trong sản xuất, tương trợ lẫn nhau. Bên cạnh đó là đổi mới các hợp tác xã nhằm cung ứng đầu vào, phổ biến kỹ thuật và cầu nối tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nông dân.

Phát huy tính tự chủ của người dân và sức mạnh của cộng đồng[11]. Trong bối cảnh nguồn lực tài chính của chính phủ hạn hẹp, Chính phủ Hàn Quốc nhận thấy rằng người dân tuy nghèo nhưng nếu biết huy động nguồn lực từ số đông người dân và huy động dần từng bước vẫn có thể huy động được một lượng vốn không nhỏ. Để huy động nguồn lực từ người dân cần thực hiện phương thức dân chủ, xác định đúng vai trò chủ thể của người dân, tạo động lực cho người dân tích cực tham gia xây dựng làng mới. Người dân tự giác đóng góp tiền của và tự làm là chính, cộng đồng làng là nơi vận động và tổ chức người dân trong các hoạt động phát triển nông thôn. Chính phủ chỉ hỗ trợ mang tính khởi đầu bằng hiện vật (xi măng, sắt) mà không phải bằng tiền, đồng thời động viên khen thưởng các làng và cá nhân làm tốt. Chính quyền địa phương sát cánh để hỗ trợ và phối hợp hành động giữa các làng, Hội nông dân Saemaul và các tổ chức đóng vai trò vận động kết nối nông dân. Chính quyền Hàn Quốc cho rằng viện trợ của chính phủ sẽ là vô nghĩa nếu người dân không quyết tâm, tự lực thực hiện. Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng đã làm cho người dân hiểu rõ họ là chủ thể của xây dựng làng mới, chính họ được hưởng lợi từ thành quả của phong trào, họ có nghĩa vụ và trách nhiệm cùng chung tay, chung sức xây dựng làng mới, mà không ỷ lại, trông chờ vào chính phủ hoặc một sự chu cấp nào từ bên ngoài, với tinh thần cốt lõi là chăm chỉ - tự lực - hợp tác. “Chăm chỉ” là động cơ tự nguyện của người dân, không ngừng vượt qua khó khăn để tiến tới thành công, “tự lực” là ý chí của bản thân mỗi người dân, tinh thần làm chủ, chịu trách nhiệm về cuộc sống và vận mệnh của bản thân và “hợp tác” là nhận thức và mong muốn phát triển phải trên cơ sở nỗ lực của cả cộng đồng. Thái độ ỷ lại, tự ti bị loại bỏ ngay từ cách tiến hành chương trình, cộng đồng nào cũng muốn vươn lên thành điển hình tốt, tự hào về sự đổi thay và giàu có của làng mình.

Phát huy vai trò của người dân và nâng cao năng lực của cộng đồng thể hiện trên các khía cạnh: trao quyền ra quyết định cho cộng đồng, cán bộ do cơ quan nhà nước địa phương cử về chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn cách làm để người dân các làng tự làm, tự ra quyết định mà không làm thay. Ban đầu chưa biết làm dần dần cộng đồng đã tự làm và làm thành thạo mọi việc từ xây dựng dự án đến điều hành, quản lý các dự án. Phát triển nông thôn trong phong trào Làng mới đã thực sự đem đến sự phát triển bền vững cho chính cộng đồng. Người dân tham gia đóng góp tiền của và công sức: với chủ trương giai đoạn đầu nhà nước chỉ hỗ trợ 20-25% giá trị các công trình của mỗi làng bằng vật tư (xi măng, sắt thép), người dân đóng góp 75-80% giá trị các công trình bằng tiền và công lao động. Người dân tham gia bàn bạc và cùng quyết định cách quản lý, sử dụng tiền đóng góp qua đó họ tự nhận thấy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng làng mới. Họp dân để cùng bàn bạc và ra quyết định tập thể: họp dân để bàn bạc cùng xây dựng các quy định của làng về mức đóng góp tiền và công lao động của mỗi gia đình, bàn bạc giải pháp xây dựng công trình, cách quản lý giám sát nghiệm thu công trình, cách quản lý và sử dụng công trình hoàn thành, việc duy tu, bảo dưỡng công trình… Ban xây dựng làng mới của làng quyết toán công trình và thông báo công khai cho toàn dân. Cộng đồng làng thực sự làm chủ và trưởng thành trong xây dựng và quản lý các dự án của làng, làm nền tảng cho bước sau về xây dựng và triển khai các dự án phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Hội nông dân Saemaul, Hội phụ nữ Saemaul, Hội thanh niên Saemaul tham gia tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân và cộng đồng. Thực hiện động viên, thưởng phạt công minh để kích thích lòng tự hào, tự tin, tự tổ chức các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, tăng thu nhập của cộng đồng làng. Điều đó đã đem lại sự tin tưởng, hưởng ứng nhiệt tình có trách nhiệm của mọi người dân, huy động được tiền của, công sức, đất đai… xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, làm kinh tế của làng.

Tinh thần Saemaul: cần mẫn, tự lực và hiệp đồng; thực hiện cải tạo nông thôn Hàn Quốc trên cơ sở sự tham gia của nông dân; thay đổi tư duy thất bại, lười biếng vốn đã tồn tại từ lâu trong nông dân Hàn Quốc thành tư duy chủ động, nỗ lực, dám làm và tin vào khả năng của mình. Trong quá trình đó, vai trò của giáo dục Saemaul, của các lãnh đạo phong trào và những người tình nguyện vì sự phát triển của làng là hết sức quan trọng. Thành công của phong trào Saemaul là do phong trào xuất phát từ nông dân, do nông dân thực hiện, giám sát và đem lại lợi ích cho chính nông dân. Chính phủ chỉ đóng vai trò người định hướng, hỗ trợ tài chính, đào tạo và khích lệ những cá nhân, địa phương làm tốt bằng phần thưởng vật chất và tinh thần. Trên cơ sở thành công, niềm tin của người dân được củng cố, biến phong trào xây dựng làng mới thành phong trào cải tạo con người, xây dựng con người mới Hàn Quốc trong mọi lĩnh vực. Chỉ sau 10 năm thực hiện phong trào, nông thôn Hàn Quốc trở thành một xã hội hiện đại với 70% dân số ở nông thôn có thu nhập cao bằng đô thị, không phải do cơ sở hạ tầng tốt mà chính là cộng đồng nông thôn trở nên đoàn kết, sáng tạo, cần cù, có tác phong kỷ luật và nghiêm túc, có tinh thần tự cường, tự chủ[12].

“Saemaul Undong” từ một phong trào ở nông thôn đã lan ra thành một phong trào đổi mới toàn xã hội Hàn Quốc từng bước thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn. Chất lượng cuộc sống ở nông thôn đã từng bước bắt kịp với đô thị. Đi kèm với việc phát triển hạ tầng và tăng cường các cơ sở đào tạo nghề nông, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, các loại giống mới vào sản xuất như nấm, cây thuốc lá... Đời sống nông thôn được nâng cao rõ rệt.

Có thể nói chỉ sau vài thập kỷ thực hiện quyết liệt, phong trào Làng mới ở Hàn Quốc đã đạt kết quả theo các mục tiêu đề ra, kinh tế phát triển vững chắc, sản xuất nông nghiệp mang tính thương mại, thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn ngang bằng và có nơi cao hơn người dân thành phố. Đời sống tinh thần, vật chất của người dân nông thôn được nâng cao, môi trường được cải thiện. Người dân trở nên tự tin vào cuộc sống ở cộng đồng, nông thôn trở thành xã hội năng động, sản xuất phát triển, có tích lũy, tự đầu tư, tự phát triển. Đây cũng là một trong những thành quả phát triển, Hàn Quốc hoàn thành mục tiêu xây dựng Làng mới sau 30 năm và mục tiêu công nghiệp hóa sau 40 năm, trở thành nước công nghiệp mới trên thế giới.

3. Bàn luận và hàm ý chính sách phát triển nông thôn Việt Nam

Phong trào Làng mới của Hàn Quốc để lại một số bài học kinh nghiệm về huy động nội lực từ người dân và sức mạnh của cộng đồng vào phát triển nông thôn. Tiếp cận theo cộng đồng làng để huy động sức mạnh cộng đồng, trao quyền cho cộng đồng tự làm, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm từ chính các chủ thể trong cộng đồng là cách làm độc đáo của Hàn Quốc. Chính phủ hỗ trợ vật chất ban đầu ở mức tối thiểu mang tính kích thích, chỉ hỗ trợ tiếp tục khi làng đã huy động được nguồn lực của nhân dân để hoàn thành từng dự án do làng xây dựng. Khi người dân đã tự tin, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình và tự nguyện đóng góp nguồn lực, cộng đồng tự triển khai và quản lý các hoạt động, Chính phủ chuyển sang cho các làng vay vốn để làm các công trình. Khi tính chủ động, tính trách nhiệm và năng lực cộng đồng đạt mức độ cao, nông thôn trở nên giàu có, Chính phủ đã đủ nguồn lực tài chính đã hỗ trợ tiền để các làng nâng cấp các công trình và hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế.

Nhận thức và tham gia tự giác với trách nhiệm chủ thể của người dân trong cộng đồng là yếu tố không thể thiếu và rất quan trọng của chương trình. Buổi đầu người dân nông thôn tuy nghèo, chưa nhận thức hết vai trò và trách nhiệm của mình trong xây dựng Làng mới nhưng chính quyền biết đặt lòng tin vào dân, trao quyền cho cộng đồng làng, biết cách phối hợp với tổ chức nông dân và tổ chức xã hội để tuyên truyền vận động thì sẽ làm được tất cả. Cách huy động nguồn nội lực từ người dân dần dần, từng bước để có đủ thời gian chuyển đổi tâm lý nông dân, nâng cao dần ý thức của người dân; nông dân có đủ thời gian tích lũy để tái sản xuất và đóng góp nguồn lực với cộng đồng.

Ban phát triển làng mới được đào tạo để có đủ năng lực lãnh đạo phong trào. Phía chính phủ có đủ nguồn lực hỗ trợ các địa phương. Qua thời gian Hàn Quốc đã xếp các làng theo 3 mức độ về năng lực tự phát triển kể từ giai đoạn mới tham gia: làng cơ bản - là làng bắt đầu tham gia, đang tạo dựng nền móng cho phong trào Làng mới; làng tự lực - là làng đã nắm được cách làm có thể tự lực triển khai các hoạt động phát triển; làng tự lập - là làng đã tự lập trong xây dựng và triển khai các dự án phát triển và làm giàu. Việc xếp mức độ năng lực của các làng theo tiêu chí rõ ràng, công khai theo từng mức độ phát triển nhằm đánh giá sự phát triển bền vững của cộng đồng làng trong quản lý các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội.

Thành quả từ phong trào làng mới đã góp phần nâng cao đời sống nông thôn, giảm sự chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn ở Hàn Quốc. Cần cù, tự lực và đoàn kết được xem là những giá trị cốt lõi tạo nên thành công của phong trào, góp phần đưa đất nước Hàn Quốc trở thành quốc gia phát triển như ngày nay. Trong bối cảnh phát triển hiện nay, những giá trị cốt lõi này vẫn là công cụ hữu ích và hiệu quả để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường mà đất nước Hàn Quốc đang phải đối mặt. Việt Nam và Hàn Quốc có những nét tương đồng về văn hóa, hệ giá trị, lối sống và cách suy nghĩ là cơ sở để tham khảo kinh nghiệm phát triển nông thôn giữa hai nước, góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng xã nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay.

Thực tế, phát triển nông nghiệp, nông thôn là chủ trương đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện ở Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ban hành ngày 5/8/2008. Chương trình xây dựng nông thôn mới ban hành từ 2010 theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020[13]. Nghị quyết 26/NQ-TW, Quyết định 1600/QĐ-TTg về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và Quyết định 490/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020. Đảng và chính phủ rất quan tâm phát huy tính dân chủ và huy động nội lực của người dân nông thôn. Phát triển nông nghiệp, nông thôn được coi là vấn đề then chốt, ảnh hưởng đến sự thành công của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của toàn dân đã đem đến những thắng lợi to lớn của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 6 năm 2021 cả nước đã có 5.298 xã (62% số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 193 huyện đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện, cả nước bình quân đạt 16,38 tiêu chí/xã[14]. Năm 2020, cả nước huy động được khoảng 459.975 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện chương trình. Có 3 tỉnh là Nam Định, Đồng Nai và Hưng Yên có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngày 19/1/2022, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tổ chức Hội nghị toàn quốc góp ý kiến Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn[15].

Mặc dù đã đạt được thành quả phát triển trong xây dựng nông thôn mới, song ở các địa phương vẫn còn tồn tại hạn chế, bất cập, chẳng hạn như nhận thức, trình độ và năng lực cán bộ quản lý chưa thích ứng tốt với bối cảnh mới. Nhận thức và tính tự chủ vươn lên của một bộ phận người dân về nông thôn mới chưa cao, còn thụ động, ỷ lại vào nguồn lực của nhà nước dẫn đến hạn chế trong huy động nguồn lực, đặc biệt là các nguồn vốn tại chỗ vào phát triển cộng đồng. Cơ chế quản lý đất đai, vốn, phát triển khoa học công nghệ cho nông nghiệp còn bất cập. Điều này dẫn đến cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; công nghiệp và dịch vụ phát triển chưa đủ mạnh để “hút” khu vực nông nghiệp chuyển dịch nhanh hơn. Vấn để khai thác tài nguyên chưa hiệu quả, ô nhiễm môi trường sinh thái nông thôn, không gian cảnh quan và hệ giá trị văn hóa truyền thống nông thôn bị mai một,...  Hệ vấn đề này là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả chưa cao trong xây dựng nông thôn mới và ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân về xây dựng nông thôn mới.

Để công cuộc xây dựng nông thôn mới nước ta đi đến đích thắng lợi toàn diện như mong muốn của Đảng và chính phủ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị, nông thôn và mang đến niềm tin cho người dân nông thôn cần tiếp tục quan tâm đến các hướng giải pháp sau:

- Tiếp tục tuyên truyền nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức về tự lực, tự chủ của người nông dân, phát huy tốt vai trò, nội lực của mỗi cộng đồng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tổ chức xã hội, và phát huy tốt hơn nữa vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là năng lực cán bộ cơ sở trong quản lý phát triển cộng đồng nông thôn.

- Thực thi triệt để thể chế, pháp luật hiện hành; đồng thời hoàn thiện thể chế, pháp luật (đất đai, kinh doanh, ngân hàng, thuế…) thích ứng với bối cảnh mới (hội nhập, biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19…); đồng thời tối ưu hóa các nguồn lực phát triển nông thôn (tài nguyên, đất đai, tài chính, con người, văn hóa...).

- Tối ưu hóa hiệu quả giáo dục, đào tạo nghề, hình thành nguồn nhân lực thích ứng với sự phát triển của địa phương, vùng miền và quốc tế. Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp; ứng dụng nhanh và triệt để tiến bộ khoa học, công nghệ số trong quản trị, sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh nông sản phẩm thương hiệu và các thế mạnh phát triển của mỗi địa phương.

- Bảo tồn, phát huy có hiệu quả không gian sinh tồn và các giá trị văn hóa tốt đẹp của mỗi cộng đồng dân tộc, kết hợp hài hòa các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc với các giá trị hiện đại trong thực tiễn phát triển và chuyển hóa thành sức mạnh phát triển của mỗi địa phương. Không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng an sinh xã hội ở cộng đồng nông thôn trong bối cảnh mới.

- Tiếp tục nghiên cứu làm rõ quan điểm phát triển bền vững để khai thác dư địa cho tăng trưởng kinh tế, tối ưu hóa mối quan hệ tăng trưởng kinh tế nhưng đảm bảo hài hòa đời sống cảnh quan, môi trường sinh thái, không gian xã hội, sắc thái văn hóa con người cộng đồng nông thôn.

Những định hướng này là cơ sở phát triển hài hòa, đảm bảo mục tiêu “tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội”, hướng đến hoàn thành mục tiêu “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chính phủ (2010), Quyết định phê duyệt chương trình xây dựng nông thôn mới 2010 – 2020, https://chinhphu.vn/?pageid=27160& docid=95073&tagid=4&type=1
  2. Nguyễn Đức Chiện (2019), Xung đột cộng đồng và hướng giải pháp quản lý phát triển bền vững (Chủ biên), Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội.
  3. 3. Nguyễn Đức Chiện (2022), “Bàn về tăng trưởng kinh tế và phát triển đời sống cộng đồng nông thôn Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Xã hội học, số 1
  4. 4. Phạm Xuân Liêm  (2014), “Phong trào nông thôn mới Saemaul Undong ở Hàn Quốc”, Viện Khoa học Nông Nghiệp Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 5/2014, https://ashui. com/mag/tuongtac/nhin-ra-the-gioi/10413-phong-trao-saemaulundong-va-mo-hinh-lang-moi-o-han-quoc.html
  5. Đặng Kim Sơn (2015), “Bài học từ phong trào làng mới “Saemaul Undong””, https://tiasang.com.vn/doi-moi-sang-tao/bai-hoc-tu-phong-trao-lang-moi-saemaul-undong-9299/
  6. Kang Moon Kyu (1999), Saemaul Undong in Korea, The National Council of Saemaul Undong Movement in Korea.
  7. Jin-Hwan Park (1999), “The History of Saemaul Undong”, Saemaul Undong Training, Saemaul Undong Central Training Institute.

 


[1] PGS.TS., Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] J. H. Fichters (1996), Contributions to Feminision Sociology of Religion, Vol.57, No.4, Published by Oxford University Press.

[3] Marshall: Từ điển xã hội học Oxford (Bùi Thế Cường và cộng sự dịch) (2010), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

[4] Nguyễn Đức Chiện (2019), Xung đột cộng đồng và hướng giải pháp quản lý phát triển bền vững (Chủ biên), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[5] Nguyễn Đức Chiện (2022), “Bàn về tăng trưởng kinh tế và phát triển đời sống cộng đồng nông thôn Việt Nam hiện nay”. Tạp chí Xã hội học, số 1.

[6] Phạm Xuân Liêm (2014), “Phong trào nông thôn mới Saemaul Undong ở Hàn Quốc”, Viện Khoa học Nông Nghiệp Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, số 5/2014, https://ashui.com/mag/tuongtac/nhin-ra-the-gioi/10413-phong-trao-saemaulundong-va-mo-hinh-lang-moi-o-han-quoc.html.

[7] Kang Moon Kyu (1999), Saemaul Undong in Korea, The National Council of Saemaul Undong Movement in Korea.

[8] Jin-Hwan Park (1999), “The History of Saemaul Undong”, Saemaul Undong Training, Saemaul Undong Central Training Institute.

[9] Phạm Xuân Liêm (2014), “Phong trào nông thôn mới Saemaul Undong ở Hàn Quốc”, Tlđd.

[10] Phạm Xuân Liêm (2014), “Phong trào nông thôn mới Saemaul Undong ở Hàn Quốc”, Tlđd.

[11] Phạm Xuân Liêm (2014), “Phong trào nông thôn mới Saemaul Undong ở Hàn Quốc, Tlđd.

[12] Đặng Kim Sơn (2015), “Bài học từ phong trào làng mới “Saemaul Undong””, https://tiasang.com.vn/doi-moi-sang-tao/bai-hoc-tu-phong-trao-lang-moi-saemaul-undong-9299/.

[13] Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, https://chinhphu.vn/ ?pageid=27160&docid=95073& tagid=4&type=1.

[14] Ban chỉ đạo quốc gia xây dựng nông thôn mới, tháng 6/2021.

[15] https://baochinhphu.vn/can-co-nghi-quyet-moi-ve-nong-nghiep-nong-dan-nong-thon-phu-hop-tinh-hinh-moi-1022201191530434

 

0thảo luận