Trang chủ

Hợp tác an ninh - quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản qua một số chuyến thăm của lãnh đạo cao cấp hai nước

Đăng ngày: 18-10-2023, 11:22 | Danh mục: Các tổ chức đoàn thể, Chi bộ

Hiện nay, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đang trong giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử. Nhật Bản được coi là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam. Quan hệ hai nước hiện đang phát triển toàn diện trên các lĩnh vực: chính trị- ngoại giao, kinh tế, văn hóa - xã hội…Trong những năm gần đây, trước những biến đổi mới của tình hình thế giới và khu vực cùng với nhu cầu bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia khiến quan hệ hợp tác an ninh- quốc phòng Việt Nam và Nhật Bản ngày càng được thúc đẩy và đạt được nhiều bước tiến mới, Ngoài cơ chế đi thăm lẫn nhau giữa các nguyên thủ, hai bên đã xây dựng cơ chế đi thăm và đối thoại giữa lãnh đạo Bộ quốc phòng hai nước, nổi bật như:

Chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh vào tháng 10/2011, hai nước đã ký “Bản nghi nhớ về hợp tác quốc phòng”, khởi động thực sự tiến trình hợp tác an ninh song phương, xác định tăng cường hợp tác trên các phương diện như: đào tạo nhân viên, hàng không quân sự, chuyến thăm của tàu hải quân, tìm kiếm cứu nạn hàng hải và cứu trợ nhân đạo…. [1]

Tháng 9/2013, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ngài Itsunori Onodera cùng Đoàn đại biểu cao cấp Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã thăm hữu nghị chính thức Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera và Bộ trường Quốc phòng Phù Quang Thanh trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai quốc gia[2].

Trong chuyến thăm Nhật Bản của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 9/ 2015), việc hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc phòng đã được đưa vào “Tuyên bố chung”. Lãnh đạo hai bên chia sẻ mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thông qua thúc đẩy các chuyến thăm và giao lưu các cấp; nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại và tích cực phối hợp triển khai các thỏa thuận song phương đã ký giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực[3]. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh và an toàn trên biển như tìm kiếm cứu nạn và đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh mạng và phòng, chống tội phạm mạng, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển…[4] Hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai cơ quan cảnh sát biển. Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực của lực lượng thực thi pháp luật trên biển, khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Lãnh đạo Bộ quốc phòng hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc[5].

Bộ trưởng Quốc phòng Nakatani Gen Nhật Bản đã thăm hữu nghị chính thức Việt Nam từ ngày 4 – 7/11/2015. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường các chuyến thăm cấp cao và giao lưu các cấp giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Nhật Bản, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại, tham vấn, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, thực hiện có hiệu quả bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng trong tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, bảo đảm tự do, an toàn hàng hải, hàng không[6] Bên cạnh thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác tích cực trong các vấn đề an ninh khu vực, phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ các tổ chức và diễn đàn quốc tế, nhất là Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Phía Việt Nam đánh giá cao việc Nhật Bản chủ trì Hội nghị cấp Thứ trưởng quốc phòng ASEAN- Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác chung duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực[7].

Tháng 5/2018, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang thăm Nhật Bản, hợp tác an ninh biển giữa hai nước tiếp tục là một trong những vấn đề nổi bật. Tại buổi họp báo sau hội đàm, Thủ tướng Abe Sinzo cho biết sẽ cụ thể hóa việc thúc đẩy an ninh biển song phương với tầm nhìn “chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, Chủ tịch Trần Đại Quang bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến trên[8]…; Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác thực chất về an ninh quốc phòng, triển khai Tuyên bố tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng hai nước, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh mạng, trang thiết bị quốc phòng, quân y, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh thông qua rà phá bom mìn và hỗ trợ nạn nhân đi-ô-xin tại Việt Nam, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển và chia sẻ kinh nghiệm về chính sách biển[9].

Ngài Kishi Nobuo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam từ ngày 10 đến 12/9/2021. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên và cũng là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của ngài Kishi Nobuo trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Bộ trưởng Phan Văn Giang cũng đã nhất trí với Bộ trưởng Kishi Nobuo rằng hai bên cần sớm triển khai các nội dung hợp tác quốc phòng song phương và đa phương ngay sau khi dịch COVID-19 được khống chế, trong đó ưu tiên giao lưu, tiếp xúc các cấp, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; duy trì hiệu quả các cơ chế đối thoại, tham vấn sĩ quan tham mưu hải quân, lục quân và không quân; triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực...[10] Đại tướng Phan Văn Giang và ngài Kishi Nobuo cũng thống nhất trên cơ sở quan hệ hợp tác quốc phòng song phương trong giai đoạn phát triển mới, các cơ quan hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các chương trình trong các cơ chế hợp tác đa phương, khu vực, đặc biệt là Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) và hợp tác an ninh mạng giữa các cơ quan quốc phòng Nhật Bản và ASEAN mà Bộ trưởng Kishi Nobuo đã phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản - ASEAN lần thứ 6[11].

Nhận lời mời của Nhà nước Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 27 đến ngày 30-11-2023. Ngay sau cuộc hội đàm thành công, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã ra thông báo nâng cấp quan hệ hai quốc gia lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới”. Hai nhà lãnh đạo khẳng định tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng trên cơ sở Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản hướng tới thập kỷ tiếp theo ký tháng 4-2018, biên bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi quốc phòng song phương ký tháng 10-2011, cùng các thỏa thuận khác giữa hai Bộ Quốc phòng[12].

Những chuyến thăm thường xuyên lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao và Bộ Quốc phòng hai nước đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa chính phủ, quân đội và nhân dân hai nước, đồng thời thúc đẩy hợp tác an ninh - quốc phòng song phương Việt Nam  và Nhật Bản, đặc biệt là sự hợp tác an ninh tại Biển Đông. Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản hiện tại được phát triển trên một nền tảng vững chắc, vận hành bằng niềm tin rất lớn mà hai bên dành cho nhau. Trước những biến đổi khó lường của tình hình quốc tế và khu vực, xuất phát từ lợi ích chiến lược của mỗi quốc gia, cùng với sự nỗ lực của lãnh đạo cấp cao, hai bên quyết tâm thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Nhật Bản cho xứng tầm “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”. Đó chính cơ sở vững chắc cho quan hệ hợp tác an ninh- quốc phòng Việt Nam và Nhật Bản có những bước phát triển toàn diện và hiệu quả hơn nữa trong tương lai.

Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về chính sách Quốc phòng, là mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình; chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; thực hiện phương châm, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược[13]. Việt Nam kiên định thực hiện chính sách “4 không”. Đó là, không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc. Xuất phát từ ý nghĩa đó, chúng ta phải nâng cao nhận thức, sự hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản  là vì hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương và bảo vệ chủ quyền của mỗi quốc gia chứ không phải là liên minh quân sự để đe dọa, hoặc tấn công chủ quyền của quốc gia thứ ba,  bác bỏ các quan điểm sai trái  của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị nhằm chống phá đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng, độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta[14].

 

Nguyễn Thị Doan



[1] TTXVN, Tài liệu tham khảo đặc biệt số 051, ngày 01/03/2017, Sự phát triển mới trong quan hệ Việt - Nhật, tr 4

[2] Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera thăm Việt Nam, https://www.vietnamplus.vn/bo-truong-quoc-phong-nhat-ket-thuc-tham-viet-nam-post220923.vnp, truy cập ngày 12/11//2023,

[6] Đại tướng Phùng Quang Thanh chào mừng Bộ trưởng Nakatani Gen sang thăm và làm việc tại Việt Nam https://vnembassy-jp.org/vi/b%E1%BB%99-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng,nh%E1%BA%ADt-b%E1%BA%A3n-th%C4%83m-ch%C3%ADnh-th%E1%BB%A9c-vi%E1%BB%87t-nam, truy cập ngày 12/11/2023.

[8] . TTXVN, Tài liệu tham khảo đặc biệt số 139, ngày 06/06/2019, Hợp tác an ninh biển Việt Nam- Nhật Bản, tr 5

[9] Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, https://laodong.vn/thoi-su/chu-tich-nuoc-tran-dai-quang-hoi-dam-voi-thu-tuong-shinzo-abe-610298.ldo, truy cập này 11/11/2023.

[10] Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam

https://baochinhphu.vn/bo-truong-bo-quoc-phong-nhat-ban-tham-chinh-thuc-viet-nam-102300252.htm, truy cập ngày 10/11/2023.

[11]Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam

https://vtv.vn/chinh-tri/bo-truong-bo-quoc-phong-nhat-ban-tham-chinh-thuc-viet-nam-20210912104317848.htm, truy cập này 13/11/2023

[12]Tuyên bố chung Việt Nam, Nhật Bản về nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện

https://tuoitre.vn/tuyen-bo-chung-viet-nam-nhat-ban-ve-nang-cap-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-20231127223625395.htm, truy cập ngày 28/11/2023.

[13] Vì sao Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”?, https://vov.vn/chinh-tri/vi-sao-viet-nam-thuc-hien-chinh-sach-quoc-phong-4-khong-post1051598.vov, truy cập ngày 26/11/2023.

[14] Vì sao Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “4 không”?, https://vov.vn/chinh-tri/vi-sao-viet-nam-thuc-hien-chinh-sach-quoc-phong-4-khong-post1051598.vov, truy cập ngày 26/11/2023.

 

 

0thảo luận