Trang chủ

Trách nhiệm của thanh niên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta

Đăng ngày: 15-09-2023, 20:06 | Danh mục: Các tổ chức đoàn thể, Chi bộ

Công tác đối ngoại luôn là một trong những công tác và nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và nhà nước ta từ xưa đến nay. Phát huy mạnh mẽ tư duy đổi mới được khởi xướng từ Đại hội VI (năm 1986), đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đối ngoại thời kỳ đổi mới và được nhận thức ngày càng sâu sắc. Tuy nhiên, trước xu thế vận động không ngừng của xã hội, các quan điểm, luận điệu sai trái về đường lối, chính sách đối ngoại của nước ta ngày càng biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau, mức độ và tần suất cũng dày đặc hơn. Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước thường xuyên thực hiện những âm mưu, thủ đoạn chống phá đường lối phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước ta; và một trong những vấn đề họ tập trung xuyên tạc, chống phá là đường lối đối ngoại của Việt Nam. Các thế lực thù địch đã lợi dụng các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội để xuyên tạc, phủ nhận đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, tập trung chủ yếu vào những vấn đề sau:

Thứ nhất, các thế lực thù địch đã xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta, cho rằng đường lối, chính sách đó đã “lạc hậu, lỗi thời”, “không còn phù hợp”, nhất là trong tình hình hiện nay. Trên các trang mạng xã hội của các thế lực phản động, không ít cá nhân, nhóm người tự xưng là “người yêu nước”, “tâm huyết” với vận mệnh quốc gia dân tộc đã viết bài phát tán với những giọng điệu xuyên tạc, phủ nhận đường lối đối ngoại của Đảng ta. Họ lập luận rằng, thế giới hiện nay đang là thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, các quốc gia, dân tộc có mối quan hệ ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau, nên việc Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ là “bảo thủ”, “tự mình cô lập mình”, là “tự tách ra khỏi dòng chảy của thế giới bên ngoài”, chính sách đối ngoại đó đã thực sự “lạc hậu, lỗi thời”, “không còn phù hợp” và đã trở thành “lực cản” đối với sự phát triển đất nước[1].

Thứ hai, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng các vấn đề đối ngoại để xuyên tạc các lĩnh vực có liên quan, âm mưu “một mũi tên trúng nhiều đích”, nhất là xuyên tạc các vấn đề nhạy cảm về chủ quyền, kinh tế, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo… Đơn cử, các thế lực thù địch bóp méo thông tin liên quan các vấn đề đối ngoại về chủ quyền, nhất là trong mối quan hệ với các nước lớn của ta, lợi dụng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc để kích động người dân tạo nên các “phong trào” “bài”, “thoát” hay “thân”, “đồng minh”… với các nước lớn; trong quá trình đàm phán ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương của ta, các thế lực thù địch thường xuyên thông tin sai lệch tác động lên các đối tác của ta, gây sức ép để quá trình đàm phán bất lợi, hòng đan cài những vấn đề chính trị trong các nội dung kinh tế…[2]

Thứ ba, các thế lực thù địch đưa thông tin sai lệch việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Đảng, Nhà nước ta. Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, nền ngoại giao của Việt Nam còn lạc hậu, đường lối bị động, một mặt, hội nhập do thiếu bản sắc nên bị hòa tan, mặt khác, lại cục bộ, “chọn bên” nên chưa có sức ảnh hưởng, thiếu cả độ rộng lẫn chiều sâu, nên đối ngoại chưa đủ sức giữ vị trí tiên phong để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Ở nhiều diễn đàn trên mạng xã hội, các thế lực này còn lên tiếng bóp méo, xuyên tạc rằng chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, cân bằng quan hệ với các nước lớn của Việt Nam là “đường lối trung dung”, là “đi dây” trong quan hệ với các nước lớn, như thế là “tự cô lập” mình, “tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc[3].

Thứ tư, các thế lực thù địch tìm cách cản trở Việt Nam mở rộng quan hệ quốc tế, mặt khác, tác động, lôi kéo, mua chuộc các đối tác từ bên ngoài để gây sức ép, tác động vào bên trong đất nước; quốc tế hóa những vấn đề nội bộ của Việt Nam.

Thứ năm, trước, trong và sau các Hội nghị đối ngoại lớn do Việt Nam chủ trì hay tham gia, một số phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã tung các thông tin sai lệch về tình hình đất nước, về công tác chuẩn bị, về đường lối đối ngoại, về chính sách ngoại giao của ta; kêu gọi tẩy chay sự kiện, bôi nhọ, phủ định thành công của Hội nghị cũng như hạ thấp danh dự của các vị lãnh đạo nhà nước, hạ thấp vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Có thể thấy, nhận diện những vấn đề trên là một hoạt động khó khăn, phức tạp. Bởi lẽ, các thế lực thù địch, phản động thường sử dụng internet, mạng xã hội Facebook, YouTube, Twitter, Zalo... và các phương tiện truyền thông khác như các đài phát thanh, truyền hình VOA, RFA, BBC, RFI... để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, khó lường. Một trong những thủ đoạn nguy hiểm nhất mà họ thường sử dụng, đó là mượn các thông tin, sự kiện có thật đã xảy ra, được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng hay được phát tán thông qua mạng xã hội để lồng ghép, biên tập, sửa chữa và thêm thắt các tình tiết ngụy tạo, bóp méo rồi được tung ra như một dạng thông tin chính thống. Sau đó, thông qua các hình thức tán phát, như bình luận theo chuyên đề, kể chuyện lịch sử, hội luận, ý kiến chuyên gia, người trong cuộc, ngoài cuộc... để xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật. Cuối cùng, thông qua sự tương tác, bình luận, ý kiến người đọc, người xem để định hướng dư luận theo ý đồ của họ. Với những thủ đoạn tinh vi, dàn dựng khá bài bản, có thể họ đã làm lung lay tư tưởng được một số người còn thiếu thông tin, nhận thức hạn chế, phiến diện. Bởi vậy, làm thế nào để đấu tranh, chống lại những quan điểm, luận điệu sai trái đó là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.

Đối mặt với những luận điệu, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động về đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, hơn ai hết, thế hệ thanh niên, thế hệ trẻ ngày nay cần phải nêu cao trách nhiệm và vai trò của mình trong việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần vào việc bảo vệ lợi ích và chủ quyền của đất nước.

Một là, thanh niên cần phải nắm vững kiến thức về lịch sử, chính trị, về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Điều này giúp cho thanh nhiên hiểu rõ các quyết định và chính sách của đất nước, có cơ sở để phản biện, đối thoại và thuyết phục những người có quan điểm sai trái, thiếu lòng tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Nắm bắt kiến thức về chính sách đối ngoại, về quan hệ quốc tế, về những thành tựu mà ngành ngoại giao nước ta đã đạt được sẽ giúp chúng ta đưa ra các lập luận chính xác và có cơ sở. Muốn như vậy, thanh niên không những phải liên tục trau dồi kiến thức, tích cực học tập, nâng cao nhận thức của bản thân về lĩnh vực đối ngoại, về đường lối ngoại giao của nước ta, đồng thời năng động, sáng tạo tìm kiếm thêm những thông tin hữu ích trên báo chí, tài liệu, các trang mạng chính thống để củng cố thêm kiến thức, giúp nhận biết được chính xác nguồn tin đúng, chuẩn và loại bỏ những tin xấu độc, gây hại.

Hai là, thanh niên có thể tham gia các diễn đàn, hội thảo, các cuộc tranh luận công khai, hoặc các nhóm trao đổi ý kiến để đưa ra quan điểm và phản biện những quan điểm sai trái về đường lối đối ngoại. Bằng cách tham gia vào những cuộc trao đổi này, thanh niên có cơ hội chia sẻ thông tin, làm rõ các vấn đề và thuyết phục người khác hiểu quan điểm của mình, tạo ra những thay đổi tích cực trong cách nhìn nhận và hiểu biết về đường lối đối ngoại của Việt Nam. Hiện nay, sinh viên các trường đại học có chuyên ngành quan hệ quốc tế như Học viện Ngoại giao, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn… không chỉ được học các kiến thức chung về đối ngoại Việt Nam, về lịch sử quan hệ quốc tế mà các bạn sinh viên còn được trực tiếp tham gia vào các phiên họp giả định mô phỏng theo các cuộc họp của Liên Hợp Quốc, của ASEAN…, tham gia vào các chương trình nghị sự, diễn đàn lớn của đất nước với vai trò tình nguyện viên. Đó chính là những cơ hội quý báu để thanh niên thể hiện năng lực của bản thân, đóng góp tiếng nói của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Ba là, thanh niên có thể sử dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội để lan truyền thông tin, phản bác các quan điểm sai trái và tạo ra những cuộc trao đổi ý kiến công khai. Việc sử dụng mạng xã hội và các kênh truyền thông giúp đưa thông điệp của thanh niên đến với một số lượng lớn người dân, tạo ra tầm ảnh hưởng lớn hơn. Với các hình thức như viết tin bài, đăng bình luận công khai, chia sẻ thông tin chính xác trên các nền tảng xã hội của cá nhân như facebook, zalo… hay các trang mạng chính thống sẽ góp phần phản bác các thông tin sai lệch để nâng cao nhận thức của người khác. Thậm chí, những thanh niên giỏi ngoại ngữ, với khả năng của mình có thể viết các tin, bài, bình luận bằng các ngôn ngữ khác nhau, giúp cho bạn bè thế giới hiểu đúng, hiểu đủ về đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.

Bốn là, thanh niên cần đoàn kết và hợp tác với nhau. Tục ngữ Việt Nam đã có câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Nếu chỉ một cá nhân tích cực, cố gắng phản bác lại các luận điệu sai trái, đấu tranh chống lại các thế lực thù địch thì chắc chắn không thể thành công, đem lại hiệu quả như mong muốn. Để công tác đấu tranh, phản bác lại các quan điểm sai trái thực sự đạt kết quả tốt rất cần sự đoàn kết, tập hợp lực lượng của đội ngũ trí thức trẻ, của thế hệ thanh niên ngày nay. Thanh niên có thể tìm hiểu và tham gia các tổ chức, các nhóm hoạt động có quan điểm tương tự để có thêm sự hỗ trợ và góp ý trong việc phản bác các quan điểm sai trái. Bằng cách kết nối và làm việc cùng nhau, thanh niên có thể nâng cao tiếng nói và tầm ảnh hưởng của mình.

Năm là, thanh niên cần mạnh dạn và chủ động hơn trong việc gửi câu hỏi hoặc yêu cầu thông tin đến các cơ quan chính phủ có thẩm quyền để có những hiểu biết sâu rộng về chính sách đối ngoại, về những đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác nhất. Các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội vẫn thường xuyên tổ chức những buổi đối thoại trực tiếp và trực tuyến với các tầng lớp nhân dân, trong đó có thế hệ trẻ chúng ta. Trong những buổi đối thoại này, thanh niên cần phải là lực lượng xung kích đi đầu, sẵn sàng, chủ động đặt các câu hỏi, cũng như trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình. Nếu không nói thì không ai biết, nếu không làm thì không ai hay. Do đó, để thực sự nắm vững các quan điểm, đường lối của Đảng, để không đi chệch hướng thì thanh niên cần bỏ qua cái tôi của mình, bỏ qua những ngại ngùng, xấu hổ, cần mạnh dạn bày tỏ ý kiến, mạnh dạn đề xuất, nêu câu hỏi. Chính những buổi trao đổi, đối thoại thế này là cơ hội để thanh niên bổ sung thêm những kiến thức còn khuyết của mình, để có cái nhìn sâu rộng, đầy đủ và chính xác nhất về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm sâu sắc đối với thế hệ trẻ. Người đã nhấn mạnh “nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào”[4]. Những lời dạy của Người dành cho thanh niên mãi là ngọn đèn soi đường chỉ lối cho thế hệ trẻ Việt Nam tiến bước trên con đường xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Thấm nhuần lời Bác dạy, thế hệ trẻ ngày nay cần nêu cao hơn nữa tinh thần tuổi trẻ, cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, cố gắng phấn đấu học tập và rèn luyện để góp phần bảo vệ đường lối đối ngoại nói riêng cũng như chủ trương, chính sách phát triển đất nước nói chung, xây dựng và phát triển xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên” như Bác hằng mong.

 

Phan Thị Diễm Huyền

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á



[1] Nguyễn Mạnh Hưởng (2020), Không thể xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng, Nhà nước Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 9/2020.

[2] Đỗ Thị Hùng Thúy (2021),Phản bác những luận điệu xuyên tạc về đường lối ngoại giao và hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta qua tổ chức những sự kiện đối ngoại lớn tại Việt Nam

https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/824357/phan-bac-nhung-luan-dieu-xuyen-tac-ve-duong-loi-ngoai-giao-va-hoi-nhap-quoc-te-cua-dang%2C-nha-nuoc-ta-qua-to-chuc-nhung-su-kien-doi-ngoai-lon-tai-viet-nam.aspx

[3] Bùi Đình Bôn (2019), Cảnh giác với những luận điệu mới của các thế lực thù địch trên mạng xã hội, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 4/2019.

[4] Hội đồng xuất bản Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Hồ Chí Minh toàn tập: Tập 7 (1951 – 1952), NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, tr. 455.

 

0thảo luận