Trang chủ

NGHIÊN CỨU ĐÔNG BẮC Á NĂM 2016 TẬP 1: CHÍNH TRỊ - AN NINH - KINH TẾ

Đăng ngày: 21-12-2017, 02:08 | Danh mục: Ấn Phẩm

Tác giả: TS. Trần Quang Minh, TS. Võ Hải Thanh chủ biên

Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017, 379 trang

Kí hiệu: Vv 2848

Bộ sách Nghiên cứu Đông Bắc Á năm 2016 gồm 2 tập. Tập 1 tập trung các công trình nghiên cứu về chính trị, an ninh và kinh tế. Tập 2 bao gồm các công trình nghiên cứu về chủ đề văn hóa, xã hội và môi trường. Đây là bộ sách do Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xuất bản thường niên kể từ năm 2014 đến nay trên cơ sở chọn lọc những đề tài cấp cơ sở đã được Hội đồng khoa học  Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á nghiệm thu đạt kết quả tốt.

Với chủ đề chính trị - an ninh - kinh tế, tập 1 gồm 7 chuyên đề nổi bật. Trong đó, chủ đề chính trị - an ninh có hai chuyên đề. Thứ nhất là Chủ nghĩa hòa bình tích cực của Nhật Bản và những tác động đối với an ninh Đông Á của tác giả Nguyễn Ngọc Nghiệp, trình bày khái quát về sự ra đời và nội dung của chủ nghĩa hòa bình tích cực của Nhật Bản, thực tiễn triển khai và đánh giá tác động của chủ nghĩa hòa bình tích cực của Nhật Bản. Thứ hai là Tác động của sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc đến an ninh khu vực Đông Bắc Á của tác giả Phan Thị Diễm Huyền, phân tích tổng quan sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc, tác động của sự trỗi dậy đối với một số vấn đề an ninh khu vực Đông Bắc Á và liên hệ với Việt Nam.

Chủ đề kinh tế gồm 5 chuyên đề, cụ thể là: (1) Tác động của quan hệ kinh tế hai bờ Eo biển Đài Loan đến Việt Nam và hàm ý chính sách cho Việt Nam của tác giả Phí Hồng Minh trình bày tổng quan mối quan hệ kinh tế giữa hai bờ Eo biển Đài Loan, tác động tới nền kinh tế Việt Nam và hàm ý chính sách đối với Việt Nam; (2) Thuận lợi và thách thức của Nhật Bản trong việc nâng cao vai trò đối với tiến trình hội nhập kinh tế khu vực Đông Á của tác giả Đỗ Thị Ánh bàn về vai trò của Nhật Bản trong liên kết kinh tế Đông Á, một số thuận lợi và khó khăn của Nhật Bản trong việc nâng cao vai trò trong liên kết kinh tế khu vực Đông Á trong giai đoạn hiện nay; (3) Điều chỉnh chính sách công nghiệp của Nhật Bản từ năm 2000 đến nay của tác giả Bùi Đông Hưng trình bày nguyên nhân dẫn đến những điều chỉnh và nội dung điều chỉnh trong chính sách công nghiệp của Nhật Bản từ năm 2000 đến nay; (4) Quản lý nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp Hàn Quốc từ sau khủng hoảng tài chính năm 1997 đến nay của tác giả Tống Thùy Linh phân tích những đặc điểm trong hoạt động quản lý nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp Hàn Quốc trước năm 1997, những nhân tố tác động tới sự thay đổi trong hoạt động quản lý nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp Hàn Quốc từ năm 1997 tới nay; (5) Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam từ năm 2000 đến nay - nghiên cứu trường hợp Công ty CS Wind Tower - Vũng Tàu của tác giả Nguyễn Ngọc Mai trình bày tổng quan lý luận về trách nhiệm xã hội, đặc điểm quá trình thực hiện trách nhiệm xã hội của các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam và khảo sát trường hợp Công ty CS Wind Tower - Vũng Tàu.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc!

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận