Trang chủ

THẾ HỆ LÃNH ĐẠO THỨ NĂM CỦA TRUNG QUỐC NHỮNG ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH VỚI MỸ VÀ CÁC TÁC ĐỘNG TỚI KHU VỰC CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG

Đăng ngày: 18-08-2016, 11:19 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thái Yên Hương

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, 2015, 350 trang

Ký hiệu: Vv2729

Thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc -  là thế hệ nắm quyền từ sau Đại hội lần thứ XVIII (năm 2012) đến Đại hội lần thứ XX ( năm 2022), đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình – người luôn đặt Mỹ là một nhân tố hàng đầu cần phải tính đến khi đưa ra những điều chỉnh trong chiến lược đối ngoại của mình. Nhìn lại quan hệ Trung - Mỹ kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979 đến nay có thể thấy hai mặt hợp tác - kiềm chế luôn tồn tại và có sự điều chỉnh. Do đó việc theo dõi sát sao diễn biến của mối quan hệ này, đặc biệt là những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại với Mỹ của thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc, từ đó đề ra những đối sách thích hợp nhằm bảo vệ và nâng cao lợi ích quốc gia là một yêu cầu cấp thiết với tất cả các nước, đặc biệt là các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Để cung cấp thêm cho bạn đọc tài liệu về vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách: “Thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc: Những điều chỉnh chính sách với Mỹ và tác động tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. Cuốn sách gồm 10 chương.

Chương 1: Các nhân tố quốc tế tác động tới chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ. Trong chương này tác giả khái quát tình hình thế giới và khu vực đồng thời nêu ra tình hình cạnh tranh Trung-Mỹ tại các khu vực chiến lược.

Chương 2: Vị trí của Mỹ trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc: Phân tích chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ trong giai đoạn từ 1949-1972 và từ 1972 đến nay.

Chương 3: Những nhân tố nội bộ tác động tới chính sách đối với Mỹ của thế hệ lãnh đạo thứ năm: Phân tích các nhân tố tiềm lực, yêu cầu phát triển kinh tế và những đòi hỏi xây dựng vị thế mới cũng như cơ chế ban hành quyết sách đối ngoại của Trung Quốc tác động đến chính sách đối với Mỹ.

Chương 4: Những đặc điểm cơ bản của thế hệ lãnh đạo thứ năm: Đề cập đến một số đặc điểm đáng chú ý của thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc.

Chương 5: Những điều chỉnh cơ bản trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc từ sau đại hội lần thứ XVIII: Đề cập đến những điểm chính về mục tiêu, nguyên tắc chiến lược, phương châm hành động, cơ chế ban hành quyết sách và thực tế triển khai các chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Chương 6: Những điều chỉnh trong chính sách đối với Mỹ từ sau địa hội lần thứ XVIII: Đề cập đến những điều chỉnh về đánh giá vị trí của Mỹ, điều chỉnh về mục tiêu phương châm hành động, thay đổi về nhân sự làm công tác đối ngoại với Mỹ…

Chương 7:  Ứng phó về chính sách và hành động thực tiễn của Mỹ đối với Trung Quốc từ sau Đại hội lần thứ XVIII đến nay: Phân tích những hành động ứng phó của Mỹ với Trung Quốc qua mục tiêu, phương châm đối ngoại và qua những hành động thực tiễn.

Chương 8: Một số dự báo về chính sách đối với Mỹ của Trung Quốc và quan hệ Trung – Mỹ thời gian tới: Đưa ra dự báo các kịch bản về sự phát triển của Trung Quốc và dự báo về chính sách của Mỹ với Trung Quốc.

Chương 9: Một số tác động từ chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ tới khhu vực Châu Á - Thái Bình Dương: Phân tích các tác động chung và các tác động cụ thể đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chương 10: Việt Nam trước các điều chỉnh chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ: Đề xuất các chủ trương, chính sách của Việt Nam với các nước lớn, đặc biệt là với Trung Quốc và Mỹ.

Cuốn sách sẽ giúp làm sáng tỏ những định hướng chiến lược của Trung Quốc trong thời gian tới, tạo cơ sở tốt hơn cho việc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với Trung Quốc và Mỹ trong khi thực hiện chính sách hội nhập quốc tế.

Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Thực hiện: Kiều Dung

Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận