Trang chủ

TRUNG QUỐC NHÌN TỪ NHIỀU PHÍA

Đăng ngày: 14-06-2016, 03:50 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Nhiều tác giả

Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2015, 538 trang

Kí hiệu: Vv2714

Cuốn sách “Trung Quốc nhìn từ nhiều phía” tập hợp các bài viết của một số học giả và nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước, nội dung chủ yếu của cuốn sách tập trung chủ yếu vào sự trỗi dậy của Trung Quốc và những ảnh hưởng có thể có của nó trong các mối quan hệ quốc tế và khu vực hiện nay.

Cuốn sách gồm 23 bài viết, trong đó có 17 bài viết của tác giả trong nước và 6 bài viết của tác giả nước ngoài.

Bài viết “Vài suy ngẫm về Trung Quốc” trình bày một số điều nên lưu ý khi nghiên cứu Trung Quốc đương đại, phân tích chiến lược, sách lược, sức mạnh của Trung Quốc đến năm 2020, đưa ra vài nhận định căn bản về liên hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam, từ đó đề xuất kiến nghị về chính sách và đối sách có tính lâu dài.

Bài viết “Bá quyền với bản sắc Trung Quốc” trình bày ảnh hưởng của sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với Mỹ.

Bài viết “ ‘Tô-tem sói’ ngày nay là con sói ngày càng hung dữ” trình bày kịch bản leo thang mới trong quan hệ Việt – Trung, phân tích sự trỗi dậy hòa bình kiểu Trung Quốc và yếu kém của Việt Nam trong đối mặt với dã tâm Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, đưa ra suy nghĩ về cuộc đấu tranh sắp tới.

Bài viết “Trung Quốc với châu Phi: Dầu mỏ và kinh tế” trình bày những nét chính trong chính sách và mối quan hệ của Trung Quốc với các nước châu Phi, mối quan hệ mà ở đó Trung Quốc sử dụng uyển chuyển quyền lực của đồng tiền và ngoại giao mềm dẻo nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế và chính trị của mình.

Bài viết “Chính sách khai thác tài nguyên của Trung Quốc” phân tích quá trình lịch sử và các biểu hiện của chiến lược bành trướng toàn diện và toàn cầu với chính sách khai thác tài nguyên, đã làm nảy sinh những tranh chấp gay gắt và những quan ngại ngày càng đậm nét trong dư luận thế giới.

Bài viết “Trung Quốc sau bốn năm tham gia WTO: Đánh giá sơ khởi vài nét chính” điểm sơ lại quá trình gia nhập WTO của Trung Quốc, vị trí của Trung Quốc trong WTO và hệ thống thương mại quốc tế, sự tiến triển trong vài lĩnh vực điển hình và một số nét về chiến lược kinh tế và ngoại thương.

Bài viết “Sự trỗi dậy của cánh tả mới ở Trung Quốc” trình bày một số quan điểm của cánh tả mới ở Trung Quốc và sơ lược vẽ thêm ra khung cảnh mà các quan điểm này ra đời.

Bài viết “Kinh tế Việt Nam trước sự trỗi dậy của Trung Quốc” điểm qua các đặc trưng trong sản xuất và xuất khẩu hàng công nghiệp của Trung Quốc, phân tích quan hệ ngoại thương Việt Trung và nhìn từ một số lý thuyết về mậu dịch để rút ra vài hàm ý đối với vấn đề công nghiệp hóa của ta.

Bài viết “Trung Quốc và một số vấn đề an ninh đối với Việt Nam và khu vực” trình bày một số diễn biến trong năm 2010 đối với Việt Nam và khu vực về an ninh trên Biển Đông trong khu vực, và phân tích phản ứng của Trung Quốc.

Bài viết “Chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc” trình bày chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc.

Bài viết “Sức mạnh mềm của Việt Nam và ASEAN đối với Trung Quốc” tổng quan về sức mạnh mềm, phân tích sức mạnh mềm của Việt Nam và các ảnh hưởng tiêu cực đến sức mạnh mềm, trình bày sức mạnh mềm của ASEAN.

Bài viết “Trung Quốc và Nhật Bản trong trật tự mới ở Á châu” chọn tiêu điểm là các nước ASEAN, khu vực mà cả Nhật Bản và Trung Quốc đều đang tranh thủ, tập trung vào các mặt về kinh tế như cuộc khủng hoảng tài chánh ở Á châu, hợp tác Tiểu vùng lưu vực sông Mê Kông, quá trình chuẩn bị hình thành Cộng đồng Đông Á…, từ đó rút ra một vài hàm ý đối với Việt Nam.

Bài viết “Đàn áp để ổn định và phát triển: Mô hình Trung Quốc” trình bày một số kinh nghiệm của Trung Quốc về trách nhiệm xã hội, ổn định và phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh chiến tranh lạnh và toàn cầu hóa.

Bài viết “Ổn định và phát triển: Trí thức Trung Quốc đang nghĩ gì?” giới thiệu một số nhận định và phân tích của các học giả Trung Quốc về những vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường… của nước họ.

Bài viết “Đối phó với một Trung Quốc mâu thuẫn” trình bày và phân loại các thảo luận về nhân thân quốc tế của Trung Quốc, rút ra hàm ý cho chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, xem xét sự tương thích giữa Chủ nghĩa hiện thực Trung Quốc với Chủ nghĩa hiện thực Mỹ.

Bài viết “An ninh” bàn về an ninh trong quan hệ quốc tế.

Bài viết “Trung Quốc muốn gì?” trình bày những điều Trung Quốc theo đuổi.

Bài viết “Trung Quốc: Một dấu hỏi” trình bày bối cảnh chung của vấn đề an ninh ở Á Châu trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc.

Bài viết “Trung Quốc muốn gì?” thuật lại hai lối nhìn lý thuyết: từ bên ngoài, nhìn khả năng của sức mạnh, từ bên trong, nhìn cách Trung Quốc tự định nghĩa về mình.

Bài viết “Chủ nghĩa Lenin hợp doanh của Trung Quốc” trình bày chính trị là thống soái trong chính sách toàn cầu của Trung Quốc, những cột trụ của trật tự kinh tế tự do toàn cầu, hai giai đoạn cải cách khác biệt của Trung Quốc, phân tích chủ nghĩa hợp doanh Lenin và trật tự tự do.

Bài viết “Hồi kết cho chế độ chuyên chế dẻo dai của Đảng Cộng sản Trung Quốc? Một đánh giá ba phần về sự thay đổi quyền lực ở Trung Quốc” trình bày một cách tổng quan có phê phán các luạn điểm ủng hộ quan niệm chuyên quyền dẻo dai và dẫn giải vì sao chúng không đủ để hiểu rõ nền chính trị Trung Quốc hiện nay, nhận dạng ba xu hướng chuyển đổi ở nước Cộng hòa Dân chủ Trung Hoa.

Bài viết “Trung Quốc và hệ thống thương mại đa phương – Lợi thế và xung đột” trình bày những lợi thế và xung đột của Trung Quốc khi gia nhập WTO.

Bài viết “Kinh tế biên giới Việt - Trung trước sự trỗi dậy của Trung Quốc” bàn về kinh tế biên giới Việt – trung, khảo sát sự trỗi dậy của Trung Quốc tại các tỉnh gần biên giới để thấy rõ sự chênh lệch về quy mô và tốc độ phát triển của các tỉnh hai bên biên giới và từ lý thuyết về địa kinh tế thử nghĩ chiến lược đối phó của Việt Nam, bàn về vài khía cạnh ngoài kinh tế mà tác giả cảm nhận được qua ba chuyến khảo sát tại các tỉnh hai bên biên giới.

Thông qua 538 trang, cuốn sách đã trình bày các quan điểm, cách tiếp cận và lý giải riêng của các tác giả về các vấn để được đề cập trong cuốn sách. Cuốn sách là một tư liệu tham khảo hữu ích dành cho bạn đọc. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Trương Phan Thanh Thủy

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận