Trang chủ

VÀI NÉT VỀ NỀN GIÁO DỤC TRÊN BÁN ĐẢO HÀN THỜI TAM QUỐC

Đăng ngày: 1-10-2014, 04:55 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 9

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện những di chỉ khảo cổ học cho thấy dấu hiệu có con người sống trên Bán đảo Hàn và những khu vực lân cận vào thời kỳ đá cũ cách ngày nay khoảng 70 vạn năm. Những bộ lạc sinh sống trên khu vực này đã trải qua nhiều thời kỳ khác nhau từ thời kỳ đồ đá mới đến thời kỳ đồ đồng và đến thời kỳ hình thành quốc gia cổ trên bán đảo với tên gọi nhà nước Gojoseon (Cổ Choson). Giáo dục thời ấy, tuy còn rất thuần phác, song cũng là yếu tố căn bản của nền văn hóa. Người dân sống theo lối tập quần đã tự nghĩ ra cách dạy thế hệ trẻ săn bắn và đánh bắt cá, cách chiến đấu bảo vệ lẫn nhau trước quân thù và cùng chung sống hòa thuận với nhau. Khoảng thế kỷ thứ XII trước CN, để duy trì một xã hội trật tự, các đạo luật xã hội bước đầu được thiết lập. Các đạo luật này ngăn cấm giết người, trộm cắp, hay ám hại kẻ khác. Người dân bộ lạc đã thiết lập ra cái có thể coi như một nguyên lý giáo dục dựa trên quan điểm gọi là Hongik ingan phục vụ lợi ích cho mọi người.

Tuy nhiên, lịch sử ghi nhận rằng, nền giáo dục của người Hàn được bắt đầu từ sau sự hình thành ba vương quốc trên Bán đảo. Theo Hàn Quốc sử niên biểu, thời kỳ Tam quốc trên Bán đảo Hàn kéo dài 733 năm được tính từ năm  57 trước CN đến năm 676 (năm Silla thống nhất Tam quốc)(1). Các quốc gia cổ hình thành và tồn tại trong thời kỳ này là nhà nước Silla (Tân La) hình thành vào năm 57 trước CN, nhà nước Goguryeo (Cao Câu Ly) được thành lập năm 37 trước CN và sau cùng là nhà nước  Baekje (Bách Tế) thành lập vào năm 18 trước CN.

Nền giáo dục trên Bán đảo Hàn thời Tam quốc – đầu CN được xem là giai đoạn hình thành trật tự giáo dục. Vậy nó có những đặc điểm như thế nào? Chúng ta sẽ đi tìm hiểu ở phần nội dung chính sau đây.

1. Đôi nét về bối cảnh lịch sử sự hình thành Tam quốc

Goguryeo là quốc gia nằm ở phía Bắc của Bán đảo, do những di dân đến từ Buyeo hợp sức với những người thổ dân trong vùng lập ra quanh hai lưu vực sông Hungang(2) (sông Hồn) và một nhánh của con sông Amnok (Áp Lục). Từ khoảng thế kỷ I đến II sau CN, Goguryeo có bước phát triển tạo thành nhà nước trung ương tập quyền. Sau đó, cuối thế kỷ II, vua Gogukcheon (Cố Quốc Xuyên vương, 179-197) đã đổi 5 bộ tộc(3) mang đặc tính truyền thống thành 5 bộ: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung để tăng thêm sức mạnh cho thể chế tập quyền trung ương, thực hiện chế độ vương vị cha truyền con nối.

Đến thời Vua Sosurim, ông đã tiếp nhận Phật giáo, lấy Phật giáo làm trung tâm để thống nhất các tín ngưỡng cũ và đề cao uy quyền của vương thất, cho xây dựng Thaehak (Thái học), nuôi dưỡng nhân tài, ban bố luật lệnh, củng cố bộ máy chính quyền quốc gia. Khu vực hành chính, có kinh đô và 5 bộ trên khắp cả nước, quan lại được chia thành 10 cấp.

Silla hình thành từ khu vực đồng bằng Gyeongju bởi ba dòng họ lớn là họ Bak, Seok, Gim. Đến khoảng nửa cuối thế kỷ IV, đời vua Naemul (Nại Vật, 356-402),  bộ máy quốc gia tập quyền trung ương hình thành và chế độ thân phận đặc biệt (được gọi là chế độ cốt phẩm) được đặt ra để củng cố bộ máy cai trị. Nhà nước Silla đã tiến hành phong cấp cho các tộc trưởng ở các địa phương tùy theo dòng họ lớn hay nhỏ và sự ảnh hưởng của họ đối với nhân dân địa phương như thế nào rồi liệt họ vào tầng lớp quý tộc trung ương. Hệ thống cốt phẩm được lập ra, vương tộc thì thuộc vào hàng Seonggol (thánh cốt), quý tộc bình thường thì thuộc vào các đầu phẩm trong 6 đầu phẩm dưới. Những quý tộc này cùng những người trong hoàng tộc cai quản 6 bộ ở thủ đô và 5 châu ở địa phương.

Baekje là do những người di cư tới từ phương Bắc lập ra ở thành Wirye (Úy Lễ) thuộc lưu vực sông Hàn. Baekje phát triển toàn thịnh vào nửa sau thế kỷ thứ IV, đời vua  Geunchogo (Cận Tiếu Cổ vương, 346-375). Lúc này đã hình thành triều đình và ngai vàng được truyền theo chế độ cha truyền con nối. Lãnh đạo chính trị của Baekje gồm vương tộc họ Buyeo liên hợp với 8 dòng họ quý tộc khác. Dưới vua có 16 cấp quan đảm trách các công việc nhà nước.

 

2. Giáo dục trên bán đảo Hàn thời Tam quốc

Nói đến nền giáo dục, trước hết phải kể đến các cơ sở trường học. Bên cạnh đó, đối tượng dạy và học, nội dung giảng dạy cũng như tư tưởng giáo dục và mục tiêu như thế nào cũng là những vấn đề cần phải khảo sát. Vậy vào thời Tam quốc, tại những quốc gia này, những vấn đề nêu trên ra sao? Người viết xin khảo sát từng quốc gia.

2.1. Goguryeo

Về mặt địa lý là quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc nên Goguryeo đã có sự giao lưu với nước này rất sớm, từ đó nền giáo dục trường học đã chịu ảnh hưởng nhất định. Theo những ghi chép còn lại thì Thaehak chính là cơ quan giáo dục trường học công lập xuất hiện sớm nhất trong lịch sử giáo dục trên Bán đảo Hàn vào thời vua Sosurim (Tiểu Thú lâm, 371-384) năm thứ 2 sau CN. Ngày nay, theo những ghi chép còn lại, các nhà nghiên cứu của Hàn Quốc cho rằng Thaehak được sáng lập ra vào năm 372, đây là trường quốc học đầu tiên xuất hiện trên bán đảo. Ngoài ra, thời Goguryeo còn có cơ quan giáo dục tư thục đáng chú ý nữa  là Kyongdang (Kinh đường). Đây là kiểu trường tư thục được xây dựng ở nhiều nơi sau khi kinh đô được dời từ thành Gungnae về thành Pyongyang (Bình Nhưỡng) vào năm 427.

Lý do để nhà nước xây dựng Thaehak  là sau khi lập nước cần phải đào tạo ra những quan lại quản lý đất nước. Lúc mới lập nước, nhà vua đã cho tuyển chọn người hiền tài trong nhân dân, nhưng khi bộ máy nhà nước đã phát triển hơn, đồng thời, những yêu cầu quản lý cũng như chỉ đạo của các vị tướng trên chiến trường cao hơn thì cần phải có đội ngũ những người được đào tạo tốt hơn. Đặc biệt, để bảo vệ bộ máy chính quyền nhà nước phong kiến trung ương tập quyền thì việc tuyển chọn người vào trường để đào tạo lại càng được xem xét kỹ hơn.

Trong Tam quốc di sự có viết: “Vua Yong Yang (Anh Dương) năm thứ 11(600) đã phong Lee Mun Jin (Lý Văn Chân) làm “thái học bác sĩ”… (trong thể chế quan lại của Goguryeo).  Người học và sau này sẽ làm trưởng, thứ quan thì được gọi là  “tạo y tiên nhân (皁衣仙人)” còn người giám sát, dạy học cho họ thì có chức quan gọi là “tạo y đầu (皁衣頭)”… Như vậy có thể thấy trong trường Thaehak, người dạy là là bác sĩ đồng thời là một vị quan có chức tạo y đầu, còn học sinh được gọi là tạo y tiên nhân. Đối tượng học sinh được gọi là tạo y tiên nhân này chủ yếu là con em quý tộc.

Nội dung học trong trường là những môn học về lịch sử, văn học Hán cổ như Ngũ kinh, Tam sử, Tam quốc chí, v.v… Hệ thống chữ viết được dùng trong nhà trường chính là chữ Hán. Nếu như Thaehak được xem là trường học công lập đầu tiên dành cho con em quý tộc thì thì Kyongdang được xem là trường tư thục đầu tiên được lập ra dành cho con em tầng lớp dân thường. Kyongdang dạy con em bình dân từ sơ cấp đến trung cấp những nội dung như đọc sách, một số môn võ thuật và bắn cung… Những sách được dùng trong giảng dạy chủ yếu có Ngũ kinh, Tam sử, Tam quốc chí, Hán thư, v.v....,

2.2. Silla

Silla do địa hình nằm về phía Đông Nam của Bán đảo, bị Goguryeo và Baekje chặn giữa trên con đường giao lưu với văn hóa lục địa Trung Quốc, do vậy việc tiếp thu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc cũng chậm hơn. Cũng chính lý do này đã biến Silla trở thành quốc gia có thể nói là mang đậm chất văn hóa bản địa, ít có sự giao lưu ảnh hưởng văn hóa ngoại lai nhất trong ba nước thời kỳ đó. Một trong những dấu hiệu thể hiện rõ điều ấy chính là tổ chức giáo dục mang tên gọi Hwarangdo (Hoa lang đạo).

So với Goguryeo và Baekje, mặc dù việc giao lưu với bên ngoài của Silla chậm hơn và Silla không có những trường như Thaehak hay Kyongdang nhưng từ thời vua Naemun thứ 17, nước này đã có sự giao lưu qua lại với Trung Quốc, đến thời vua Jijeung (Trí Chứng vương, 500-514) đã tiếp nhận chế độ quan lại của Trung Quốc, nhận vương hiệu, đến thời vua Beopheung (Pháp Hưng vương, 514-520) thì công bố pháp lệnh, tiếp nhận Phật giáo, bắt đầu xây dựng niên hiệu. Thêm vào đó, từ thời vua BeopHeung thì có ban bố việc ghi chép quốc sử.

Từ dữ liệu lịch sử trên đây có thể đặt ra câu hỏi rằng liệu có phải từ trước khi Hwarangdo được thành lập, phải chăng đã có một cơ quan giáo dục? Một giả thuyết khác cho rằng khi có sự truyền bá và phát triển Phật giáo trên đất Silla phải chăng trước đó xã hội Silla đã có sự tiếp thu Nho giáo. Bởi vì khi kinh phật từ Trung Quốc được truyền vào thì đây sẽ là những bộ kinh bằng chữ Hán. Nếu trước đó chưa có việc học tiếng Hán thì liệu người Silla có thể hiểu được những nội dung kinh Phật được ghi bằng chữ Hán hay không?

Trên đây là một vài lập luận về khả năng có một cơ quan giáo dục khác ngoài Hwarangdo. Sau đây chúng ta sẽ khảo sát về  Hwarangdo – cơ quan giáo dục thời Silla.

Trong triều đại vua Jinheung (540-576) của Shilla, một tổ chức giáo dục với tên gọi Hwarangdo được hình thành và phát triển. Đây là tổ chức đào tạo và giáo dục cho các thanh niên quý tộc về văn hóa và binh pháp. Nguồn gốc của Hwarangdo ta có thể tìm thấy trong Vu giáo (hình thức tín ngưỡng của người Hàn thời cổ đại) hình thành từ xã hội thị tộc cổ đại Silla.

Người lãnh đạo chính của Hwarangdo được gọi với tên gọi là quốc tiên (國仙). Dưới người này có trên dưới 3 hoặc 8 hwarang là  thanh thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi, đức độ và dũng nghĩa. Dưới họ là môn hộ gắn với hàng trăm, hàng nghìn lang đồ. Ở đây, quốc tiên hay hwarang là thầy dạy cho rất nhiều những lang đồ - những người tôn họ làm thầy. Những lang đồ này trong thời gian học, họ học hỏi và tu luyện cho nhân cách ngay ngắn, đẹp đẽ hơn.

Những hwarang này sẽ được đào tạo để lãnh đạo đất nước, cho nên, có một nguyên tắc là hwarang trưởng nhất định phải là người được lựa chọn từ những người tiêu biểu của tầng lớp quý tộc. Còn đối với lang đồ, nếu ai không phải là người có xuất thân từ tầng lớp quý tộc cũng sẽ không được theo học ở đây. Hwarang do hình thành  từ tư tưởng truyền thống cố hữu của Silla như vậy nên nó đã trở thành cơ quan giáo dục nuôi dưỡng nhân tài cho quốc gia.

Hwarangdo chính là nơi đào tạo ra những quan lại lãnh đạo đất nước nhưng khi cần thiết những quan lại này có thể trở thành các vị tướng chỉ đạo binh sĩ. Những người được đào tạo ở Hwarangdo không chỉ được học về văn mà họ còn được đào tạo về cả võ thuật, tinh thần yêu nước, tinh thần chiến đấu để bất cứ khi nào cần, họ có thể trở thành các vị tướng trên chiến trường. Ngoài ra, tại Hwarangdo, những lang đồ còn được học về tôn giáo, đạo đức chủ yếu theo triết lý nhà Phật.

Trong quá trình giáo dục, những lang đồ được giáo dục hành động nhiều hơn là lý thuyết. Theo đó, những việc huấn luyện quân sự, rèn luyện thể lực, tư tưởng, đạo đức được đề cao. Không chỉ thế, tại đây họ còn được dạy về thơ và cách cảm thụ âm nhạc. Như đã đề cập ở trên, nguồn gốc của Hwarangdo xuất phát từ Vu giáo nên nó vẫn mang trong mình những dấu ấn của tín ngưỡng này. Thể hiện rõ nét nhất đó là các lang đồ của Hwarangdo có một thú vui hay nói cách khác, một cách tu luyện là trong thời gian học có hàng trăm, hàng nghìn lang đồ tụ tập lại cùng nhau đi lên núi hay vào rừng sâu để tu luyện cùng với thiên nhiên. Họ cho rằng, đó là một sự phong lưu, thoát tục và nếu làm như vậy thì có thể tu luyện được tâm thuật, rèn luyện được trực quan.

2.3. Baekje

Cũng giống Goguryeo, Baekje từ rất sớm đã có những giao lưu, tiếp xúc văn hóa với Trung Quốc, tiếp nhận ảnh hưởng từ văn hóa Hán và phát triển văn hóa bản địa. Tuy nhiên, đến nay không còn một tài liệu nào ghi chép về việc lập trường học ở nước Baekje thời Tam quốc.  Mặc dù vậy, cũng có giả thuyết cho rằng thế lực chủ yếu xây dựng nên Baekje là những người đến từ Goguryeo... Nếu giả thuyết này là đúng thì có thể Baekje cũng tiếp thu ảnh hưởng từ Goguryeo trong việc xây dựng trường học để đào tạo quan lại phục vụ cho bộ máy chính quyền.

Nhìn vào lịch sử của Baekje ta thấy, nước này phát triển toàn thịnh vào khoảng nửa sau thế kỷ thứ IV, thời vua Geunchogo. Lập quan hệ với Wae (Oa - Nhật Bản), Dongjin (Đông Tấn) ở Trung Quốc, tiếp nhận Phật giáo từ Dongjin để đề cao vương quyền, và với một bộ máy thống trị dưới vua có 16 cấp quan đảm trách thì chắc hẳn Baekje cũng đã có một hệ thống các trường để đào tạo quan lại như Goguryeo.

3. Một vài cứ liệu trên bình diện văn học

Trải qua khoảng thời gian dài gần hai mươi thế kỷ, với nhiều triều đại khác nhau và những cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược, những dấu tích và các tài liệu ghi chép về văn hóa, lịch sử, nền giáo dục thời kỳ Tam quốc nay còn lại không nhiều. Như đã nói ở trên, ngày nay những tài liệu ghi chép cụ thể về nền giáo dục thời kỳ Tam quốc không còn, người ta chỉ có thể dựa vào những cứ liệu rất ít còn sót lại trong những tài liệu sử học như Tam quốc di sự, Tam quốc sử ký v.v… Mặc dù không phải là những tài liệu ghi lại một cách trực tiếp, cụ thể về giáo dục thời kỳ Tam quốc nhưng những tác phẩm văn học thời kỳ đó còn sót lại được tìm thấy cũng có thể được xem như những tài liệu góp phần phản ánh một cách gián tiếp về sự phát triển, diện mạo của nền giáo dục khi ấy.

Đối với trường hợp của Goguryeo, tài liệu văn bia ký và những bài thơ còn sót lại cho ta thấy được trình độ Hán văn của người học chữ Hán thời đó khá cao. Các nhà nghiên cứu tìm thấy tấm văn bia “Quảng Khai Thổ đại vương bi” cao 6,39m, được dựng vào năm thứ hai đời vua Changsu (414). Toàn bộ bài văn bia hơn 1800 chữ, nói về lịch sử dựng nước và những thành tựu từ thời Quảng Khai Thổ đại vương và cả những lời răn dạy cho hậu thế. Văn chương ngắn gọn, súc tích, phong nhã, thể chữ viết trong văn bia được xem là rất đẹp, có khí, có hồn. Về thơ, cho đến nay, những tác phẩm còn lưu lại không nhiều. Có thể thấy bài Hoàng điểu ca của vua Yury. Các nhà nghiên cứu cho rằng, dù bài thơ này có thể bốn câu nhưng vốn là bài hát bằng tiếng Hàn được chuyển sang chữ Hán. Bài thơ Dữ Tùy tướng Vu Trọng Văn (Gửi tướng Tùy Vu Trọng Văn) của tướng quân Ất Chi Văn Đức viết năm 612 được xem là bài thơ chữ Hán cổ nhất. Tác giả có cách viết thơ rất đối, chỉnh và biết sử dụng cả những câu có ý nghĩa sâu xa trong  sách Đạo đức kinh. Ngoài ra, còn một số bài thơ, chí khác như bài thơ Vịnh cô thạch của Định Pháp Sư – một tăng lữ của Goguryeo, bài thơ Nhân sâm tán theo thể thơ bốn câu chưa rõ tác gi, bài chí Đông thọ mộ chí của Kimseokmun (Kim Thạch Văn). Tuy nhiên, những bài thơ này về mặt văn phong không được đánh giá cao.

Đối với trường hợp của Silla, có một số bài văn bia cho thấy thời kỳ đầu tiếp nhận tiếng Hán của Silla như: Nam San tân thành bi (Bia thành mới Nam San), Nhâm Thân thệ ký thạch (Đá ghi lời thề năm Nhâm Thân). Những bài văn bia này được viết bằng chữ Hán nhưng thứ tự trong câu lại theo tiếng nước Silla. Điều này cho thấy, có thể đây là những bài văn bia được viết vào thời kỳ đầu tiếp nhận tiếng Hán. Cũng là văn bia nhưng khi các nhà nghiên cứu khảo sát bốn tấm bia tuần thú được dựng ở biên giới (tuần thú bi) lại thấy trình độ văn chương chữ Hán của họ phát triển cao. Về văn vần, có bài thơ Chí Đường thái bình tụng viết trên vải lụa để gửi sang nhà Đường thiết lập mối quan hệ sau khi Shilla đánh thắng Baekje thời vua Chinteokyowang (Chân Đức nữ vương) năm 650. Bài thơ được đánh giá xuất sắc, chẳng kém gì thơ Trung Quốc. Về văn xuôi, cuốn Sách dâng Trấn Bình vương (Thượng Trấn Bình vương thư) của Kimhujik và Bài Tựa Niết Bàn Kinh tông yếu (Niết bàn Kinh tông yếu tự) của Wonhyo (Nguyên Hiểu) đã đạt tới trình độ văn chương rất cao.

Người Silla còn mượn âm và nghĩa của chữ Hán để tạo ra một thứ chữ riêng của mình đó là chữ Hương Trát (tức chữ Y Du). Chữ này còn thấy trong các bài ca dân gian (Hương ca) còn sót lại cho đến ngày nay. Chữ Hương Trát của Shilla được tạo ra dành cho tầng lớp dân thường không giỏi tiếng Hán, cũng như chữ Nôm của người Việt Nam vậy.

Đối với trường hợp của Baekje, đây là một đất nước có nền văn hóa rực rỡ, tuy nhiên những tư liệu văn học để lại rất ít.

Về bia ký, thấy có tấm bia ghi công tích lấy cát làm nhà (Sa trạch chí tích bi) được phát hiện ở Puyo. Mặc dù chưa biết được tác giả nhưng dựa vào nội dung viết trên đó các nhà nghiên cứu cho rằng đây là tấm bia thời mạt kỳ Baekje. Tấm bia có lối văn biền ngẫu rất tinh tế cho thấy trình độ văn học thời đó không thể nói là kém. Về văn vần, chỉ có bài Minh (Minh văn) trên chiếc gương đồng khai quật được ở lăng vua Vũ Ninh; còn về văn xuôi, có bài Biểu dâng Ngụy Hiếu Văn đế xin chinh phạt Goguryeo (Thượng Ngụy Hiếu Văn đế thỉnh phạt Cao Câu Ly biểu) và bức thư của trung thần Seongjung (Thành Trung) dâng vua Uicha (Ngục trung thượng Nghĩa Từ Vương thư) là được truyền lại đến ngày nay.

Như vậy, mặc dù những tài liệu sử học ghi chép cụ thể về hệ thống giáo dục thời Tam quốc nay không còn nhưng thông qua những tác phẩm văn học cũng như những bài văn bia được khắc trên đá còn sót lại, ta có thể khẳng định, thời Tam quốc trên Bán đảo Hàn là thời kỳ tiếp nhận tiếng Hán và đây cũng là thời kỳ đặt nền móng cho một nền giáo dục Nho học trên Bán đảo Hàn. Cuối thời kỳ Tam quốc, ở mỗi nước đều xuất hiện những tác phẩm văn thơ, văn bia đạt đến trình độ Hán học được đánh giá là khá cao, điều đó cho phép ta phỏng đoán rằng thời kỳ đó, ở cả ba nước có thể đã tồn tại hệ thống các trường, lớp dạy Nho học một cách khá bài bản.

*

*   *

Qua tìm hiểu một vài nét về giáo dục thời kỳ Tam quốc trên Bán đảo Hàn có thể rút ra một số kết luận về đặc điểm, tình hình giáo dục thời kỳ này như sau:

Thứ nhất, thời kỳ Tam quốc là giai đoạn sơ khai của thể chế chính trị nhà nước phong kiến trung ương tập quyền. Thời kỳ này, những tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, thể chế chính trị, văn hóa Trung Quốc mà ba quốc gia đã tiếp thu bắt đầu phát huy những ảnh hưởng lớn của nó. Đây là thời kỳ đặt nền móng cho việc hình thành nền giáo dục trường học trên bán đảo.

Thứ hai, mặc dù xuất hiện giáo dục trường học nhưng nó chưa hoàn thiện mà mới chỉ là thời kỳ bước đệm ban đầu mà thôi. Theo đó, đối tượng và mục đích giáo dục có tính giai cấp. Đối tượng chủ yếu hướng vào con em quý tộc và đào tạo ra giai cấp thống trị phục vụ cho nhà nước phong kiến. Chữ viết dùng trong nhà trường là chữ Hán, sách dùng để học là các sách Ngũ kinh, Tam sử, Tam quốc chí, v.v... Chưa có khoa cử và trong trường thì ngoài dạy văn còn dạy võ nghệ nhằm tạo ra những học sinh văn võ song toàn.

Thứ ba, hệ thống trường học đã ra đời. Ở Goguryeo  có Thaehak, Kyongdang, ở Silla có Hwarangdo nhưng ở Baekje thì không biết chính xác vì những tài liệu ghi chép không còn. Tuy nhiên, theo phỏng đoán, với sự giao lưu qua lại với các quốc gia như Dongjin, Wae, và sự tác động qua lại với hai quốc gia láng giềng là Goguryeo và Silla, cùng với những tác phẩm văn học, văn bia còn sót lại đến ngày nay thì nhiều khả năng ở Baekje cũng đã tồn tại trường học.

 

NGUYỄN NGỌC QUẾ

(ThS, Đại học Đà Lạt)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Viện nghiên cứu giáo dục Hàn Quốc, (1997), Lịch sử giáo dục Hàn Quốc, Nxb Pulbit.

2. Đại học Seoul, (2005), Lịch sử Hàn Quốc, Nxb Đại học Seoul.

3. Kimisook, Jungmin, Jungbyungsul (biên soạn), Jeonhyekyung, Lý Xuân Chung (dịch), (2005), Văn học sử Hàn Quốc, Nxb ĐHQG Hà Nội.

4. Mai Ngọc Chừ (Chủ biên), (2001), Các ngôn ngữ phương Đông, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

5. C.J. Eckert, K.Lee.Y.I.Lew, (2001), Korea xưa và nay (Mai Đặng Mỹ Hiền dịch). Nxb TP. Hồ Chí Minh.

6. Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục, (1999), Cải cách giáo dục ở Hàn Quốc, Nxb Giáo dục.

7. Lê Quang Thiêm, (1998), Văn hóa văn minh và yếu tố văn hóa truyền thống, Nxb Văn học, Hà Nội.

8. Cơ quan thông tin hải ngoại Hàn Quốc, (2003), Hàn Quốc đất nước – con người, Nxb Thế giới, Hà Nội.



(1)Huh Nam-Jin (chủ biên), (2005), Lịch sử Hàn Quốc, NXB Đại học Quốc gia Seoul, tr. 32.

(2)Nay là sông Hunchiang thuộc tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc.

(3)Năm bộ tộc thời Goguryeo là Tiêu nô bộ (消奴部), Tuyệt nô bộ (絶奴部), Thuận nô bộ (順奴部), Quán nô bộ (灌奴部), Quế lâu bộ (桂婁部).

0thảo luận