Trang chủ

CHÍNH SÁCH "MỞ CỬA" CỦA HÀN QUỐC ĐỐI VỚI VĂN HÓA ĐẠI CHÚNG NHẬT BẢN

Đăng ngày: 12-08-2014, 10:44 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2010 » Số 3

Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia gần nhau về địa lý và có quan hệ chặt chẽ với nhau về văn hóa và lịch sử ngoại giao từ thời cổ đại. Trong những thế kỷ gần đây, hai quốc gia đã trải qua những giai đoạn lịch sử không mấy êm đềm, nhất là từ sau khi Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc (1910-1945). Từ năm 1965, quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã được nối lại. Các chương trình tăng cường trao đổi du lịch song phương, trao đổi hàng hóa giữa hai nước đã góp phần tăng cường hiểu biết và quan hệ hợp tác giữa nhân dân hai nước. Mỗi năm, có 3 triệu người Nhật Bản và Hàn Quốc qua lại giữa hai nước, đồng thời kim ngạch thương mại hai chiều hàng năm đạt hơn 53 tỉ USD(1). Những con số này là minh chứng rõ ràng về mức độ quan hệ ngày càng sâu sắc giữa hai nước.

Cùng với sự thăng trầm của quan hệ ngoại giao, quan hệ văn hóa của hai nước cũng có không ít những biến cố. Chính sách đối với văn hóa Nhật Bản – “tàn dư” của những năm tháng bị phát xít Nhật chiếm đóng luôn được coi là một mảng quan trọng trong chính sách văn hóa của chính phủ Hàn Quốc từ sau khi giành lại độc lập.

1. Khái quát về chính sách văn hóa của Hàn Quốc từ sau giải phóng

Từ sau khi giải phóng đất nước, Hàn Quốc đã trải qua nhiều đời tổng thống. Mỗi một đời tổng thống đều có những sách lược, chiến lược riêng dành cho văn hóa của đất nước. Nhưng, các chính sách văn hóa của Hàn Quốc đều được xây dựng trên một nền tảng xuyên suốt và đồng nhất đó là phục hồi lại bản sắc văn hóa dân tộc Hàn. Có thể nói, ngay từ sau khi giải phóng đất nước Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều nỗ lực trong việc tái tạo, đề cao nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Trong một thời gian dài, mục tiêu phục hồi và xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc được duy trì cùng chính sách đóng cửa đối với văn hóa và nghệ thuật của Nhật Bản và chính sách văn hóa chống lại Chủ nghĩa Cộng sản. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng cần phải xỏa bỏ mọi tàn tích của Chủ nghĩa thực dân Nhật, đề cao văn hóa dân tộc, nhằm khẳng định lại hình ảnh về một đất nước Hàn Quốc độc lập, có nền văn hóa lâu đời, phong phú và bền vững. Có thể nói, mỗi một vị tổng thống đã để lại những dấu ấn riêng của mình trong lịch sử phát triển của văn hóa Hàn Quốc thông qua các chính sách văn hóa của họ.

Sau giải phóng đất nước, nền kinh tế Hàn Quốc còn có nhiều khó khăn, kinh phí dành cho văn hóa còn nhiều hạn hẹp. Nhưng, chính phủ do Tổng thống Rhee Syngman lãnh đạo đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của văn hóa, coi phát triển văn hóa là thiết yếu, song song với việc phát triển nền kinh tế đất nước.

Giai đoạn 1961- 1979, giai đoạn coi trọng sự phát triển kinh tế. Tổng Thống Park Chung Hee đã công bố một loạt các thể chế, chính sách, xây dựng các tổ chức và quỹ công cộng liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Như, năm 1973 chính phủ đã công bố kế hoạch 5 năm về phát triển văn hóa (1974 ~1979) – đây là kế hoạch toàn diện lâu dài đầu tiên của Chính phủ Hàn Quốc về chính sách văn hóa. Mục tiêu của kế hoạch này là đề cao văn hóa truyền thống. Chính vì vậy mà trong thời kỳ 1974~1978, 70% ngân sách văn hóa được dành cho nghệ thuật dân gian và văn hóa truyền thống.

Giai đoạn 1980 ~ 1988, giai đoạn mà văn hóa nghệ thuật ở Hàn Quốc được đánh giá là nhận được sự tài trợ và quan tâm của nhà nước nhiều nhất từ sau giải phóng. Chính phủ của Tổng thống Chun Doo Hwan đã coi việc xây dựng bản sắc văn hóa là trọng tâm chính của chính sách văn hóa trong thời kỳ này. Viện trợ của chính phủ dành cho văn hóa ở thời kỳ này không chỉ dừng lại ở các di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống…mà cả với nghệ thuật đương đại và đời sống tinh thần của người dân. Chính phủ đã công bố 2 kế hoạch mang tính toàn diện về chính sách văn hóa, đó là: “ Kế hoạch mới về phát triển văn hóa” (1981) và “Kế hoạch văn hóa trong kế hoạch 5 năm lần thứ 6 phát triển kinh tế xã hội (1986). Mục tiêu của chính sách phát triển văn hóa trong thời kỳ này được xác định là: Xây dựng bản sắc văn hóa, củng cố sự phát triển của nghệ thuật, tăng cường trợ cấp văn hóa, thúc đẩy văn hóa khu vực, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước khác

Giai đoạn 1988 ~ 1993, đây là giai đoạn Chính phủ do Tổng thống Roh Tae Woo lãnh đạo. Chính phủ đã công bố “ Kế hoạch 10 năm phát triển văn hóa”, nhấn mạnh chú trọng đến: “Văn hóa cho mọi người dân”. Mục tiêu chính của kế hoạch này cũng không thay đổi mấy so với mục tiêu phát triển văn hóa ở các giai đoạn trước, như: xây dựng bản sắc văn hóa; củng cố phát triển nghệ thuật; tăng cường trợ cấp văn hóa; thúc đẩy văn hóa khu vực; mở rộng giao lưu văn hóa. Ngoài ra, có nhấn mạnh đến việc phát triển tuyên truyền văn hóa và thống nhất dân tộc.

Giai đoạn 1993 ~ 1998, trên nền tảng những chính sách phát triển văn hóa của chính phủ ở giai đoạn trước, chính phủ của Tổng thống Kim Young Sam với chủ trương “Tạo ra một Hàn Quốc mới”, nên nội dung bản “Kế hoạch mới 5 năm thúc đẩy phát triển văn hóa” (1993); “Kế hoạch hỗ trợ văn hóa” (1996); “Tầm nhìn văn hóa 2000” (1997)… đều coi dân chủ văn hóa, sự sáng tạo của cá nhân, văn hóa khu vực, công nghiệp văn hóa, văn hóa du lịch, toàn cầu hóa văn hóa là những mục tiêu chính của chính sách văn hóa giai đoạn này. Đặc biệt, ở giai đoạn này chính phủ đã nhấn mạnh đến ý nghĩa kinh tế của văn hóa và nghệ thuật

Giai đoạn 1998 ~ nay, năm 1998 là năm do Tổng thống Kim Dea Jung lên cầm quyền. Về cơ bản những chính sách văn hóa trong thời kỳ này không có mấy thay đổi so với chính sách văn hóa ở thời kỳ trước. Nhưng, chính phủ của ông Kim Dea Jung đã nhấn mạnh đến tăng cường phát triển ngành công nghiệp văn hóa và giao lưu văn hóa với Bắc Triều Tiên. Chính sách “Ánh Dương” hướng về Bắc Triều Tiên của thời kỳ này đã tập trung xây dựng những chính sách văn hóa chủ động vì sự thống nhất của 2 miền Triều Tiên. Bên cạnh đó, giao lưu văn hóa, hay bản sắc văn hóa đã trở thành nền tảng quan trọng cho viện trợ của chính phủ để tăng cường phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Như vậy, cùng với sự phát triển của chính sách văn hóa, việc xác định bản sắc văn hóa được coi là một ưu tiên trong chính sách văn hóa của Hàn Quốc. Mối quan tâm hàng đầu của chính phủ tập trung vào các vấn đề sau:

- Cần có biện pháp để phục hồi lại bản sắc văn hóa đã bị mai một trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng và sự chia cắt dân tộc.

- Cần có chính sách phù hợp để xây dựng bản sắc văn hóa bằng cách giảm bớt những mặt tiêu cực của văn hóa nước ngoài. Đặc biệt là văn hóa phương Tây.

- Cần có chính sách phù hợp với quá trình toàn cầu hóa văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ.

2. Chính sách “mở cửa” đối với văn hóa đại chúng  Nhật Bản  của Chính phủ Hàn Quốc

2.1. Bối cảnh ra đời của chính sách “mở cửa” đối với văn hóa đại chúng của Nhật Bản

Như đã trình bày ở trên, ngay từ sau giải phóng Chính phủ Hàn Quốc đã có chiến lược xây dựng một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Hàn; chống lại văn hóa của Chủ nghĩa Cộng sản và văn hóa Nhật. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hay bảo hộ nền văn hóa trong nước. Ví dụ, như đối với nền điện ảnh, thông qua quản lý việc phân phối các sản phẩm văn hóa của nước ngoài bởi hệ thống hạn ngạch, Chính phủ đã hạn chế bớt những ảnh hưởng của điện ảnh nước ngoài, đặc biệt là điện ảnh Hollywood đối với ngành công nghiệp điện ảnh trong nước. Hệ thống này được duy trì từ năm 1966, qui định các rạp phim phải chiếu phim nội địa ít nhất 106 ngày/năm, hơn 25% tổng số giờ quảng cáo phải được dành cho phim nội địa, 50% số giờ quảng cáo phim hoạt hình dành cho phim hoạt hình trong nước. Tổng thị phần phim nội địa trên thị trường Hàn Quốc năm 1999, chiếm khoảng 36,1% lượng khán giả, 35,8% số lượng vé bán ra([2]).  Chính phủ vẫn duy trì những chính sách “cấm” đối với văn hóa Nhật Bản, nhưng thực tế, một lượng xuất bản phẩm “lậu” của văn hóa đại chúng Nhật Bản vẫn được lưu hành ở Hàn Quốc. Như truyện tranh, game… những xuất bản phẩm này thường bị đánh giá là những sản phẩm không lành mạnh, mang tính bạo lực và tình dục… không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Hàn.

Bên cạnh đó, từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhờ khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin phát triển, nên các sản phẩm văn hóa càng được quảng bá rộng khắp trên phạm vi toàn cầu. Đây là thời kỳ mà các thuật ngữ “dịch chuyển văn hóa”, “ toàn cầu hóa văn hóa”…được nhắc đến nhiều. Nền văn hóa Hàn quốc cũng đứng trước những thách thức của toàn cầu hóa văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ. Chính phủ Hàn Quốc cần có những chính sách văn hóa cho phù hợp với bối cảnh quốc tế lúc này, và để tránh việc du nhập văn hóa nước ngoài một cách bừa bãi. Bên cạnh ngành công nghiệp văn hóa của Nhật Bản phát triển mạnh mẽ. Đứng về mặt lợi ích kinh tế thì nền công nghiệp văn hóa Nhật Bản đã và đang mang lại những đóng góp không nhỏ trong việc phát triển nền kinh tế đất nước. Đây đáng là bài học kinh nghiệm cho Hàn Quốc phát triển nền công nghiệp văn hóa của nước mình. Việc “đóng cửa” hay “bảo hộ” văn hóa không còn phù hợp nữa, cần phải “mở cửa” để thúc đẩy cạnh tranh và phát triển nền công nghiệp văn hóa trong nước là yêu cầu cấp thiết đối với chính phủ Hàn Quốc ở những năm cuối của thế kỷ XX.

2.2. Chính sách “mở cửa”  đối với văn hóa đại chúng của Nhật Bản

2.2.1 Khái niệm về “văn hóa đại chúng” và văn hóa đại chúng Nhật Bản .

Văn hóa đại chúng – Tiếng Nhật là “大衆文化” (taishuubunka), ポピュラーカルチャー(popular culture)、ポップカルチャー(pop culture)、hayマスカルチャー(mass culture). Văn hóa đại chúng là các loại hình văn hóa được số đông dân chúng yêu thích. Trong thời kỳ phong kiến, văn hóa đại chúng là loại hình văn hóa dành cho tầng lớp lao động bình dân, không chú trọng đến tính giáo dục, tính thẩm mỹ, mà chỉ mang tính vui vẻ. Là loại hình văn hóa ngược lại với ハイカルチャー(high culture) - văn hóa bác học, nền văn hóa mang tính uyên bác, tính hàn lâm, tính giáo dục và giá trị thẩm mỹ cao. Hay nói cách khác, đây là nền văn hóa dành cho tầng lớp quí tộc, thượng lưu. Nhưng từ những năm giữa của thế kỷ XX, một mặt do đời sống của tầng lớp lao động trong xã hội được nâng cao, một mặt khi khoa học kỹ thuật phát triển thì bất kỳ người dân nào cũng đều có thể thông qua hệ thống các bảo tàng mỹ thuật, đĩa CD, ti vi, đài phát thanh…tiếp cận với loại hình văn hóa bác học.  Bởi vậy, ngày nay đang có xu thế đại chúng hóa văn hóa bác học.

Trong những năm gần đây các loại hình văn hóa được số đông người dân Nhật Bản ưa chộng đó là: điện ảnh, nhạc pop, truyện tranh manga, phim hoạt hình, trò chơi game, và các kênh giải trí trên truyền hình…Và vì vậy, chúng được gọi là văn hóa đại chúng.

2.2.2, Những nét chính trong chính sách “mở cửa” đối với văn hóa đại chúng của Nhật Bản

Ở Hàn Quốc, với mục tiêu phát triển “văn hóa dân tộc” và “cận đại hóa”, nên văn hóa đại chúng nước ngoài đặc biệt là văn hóa đại chúng Nhật Bản bị phản đối, cự tuyệt dữ dội. Vào đầu những năm 1960 ở Hàn Quốc, 159 ca khúc dân ca được cho là “mang đậm màu sắc dân ca Nhật” đã bị cấm lưu hành. Ngoài âm nhạc, thì các loại hình văn hóa đại chúng khác của Nhật, như: phim điện ảnh, phim hoạt hình, sách văn học, truyện tranh, băng viedeo, trò chơi game…cũng bị cấm nhập khẩu, lưu hành ở Hàn Quốc cho đến suốt những năm của thập niên 70, 80 của thế kỷ trước.

Nhưng ngay sau khi đắc cử, Tổng thống Kim Dea jung đã có những động thái tích cực với chính sách mở cửa đối với văn hóa đại chúng của Nhật Bản. Ngày 20 tháng 10 năm 1998, Ông đã chính thức tuyên bố xóa bỏ lệnh “ đóng cửa” đối với văn hóa đại chúng Nhật Bản. Quá trình dỡ bỏ lệnh “cấm” này được diễn ra làm 3 đợt.

- Đợt 1 (Ngày 20 tháng 10 năm 1998)

+ Đối với điện ảnh và băng video:

- Cho phép các bộ phim được trình chiếu và nhận giải thưởng ở liên hoan phim quốc tế lớn, như: Canes, Berlin, Viện hàn lâm..)

- Cho phép lưu hành phim do Nhật – Hàn đồng sản xuất.

- Mở tuần lễ phim Nhật - Hàn và cho phép diễn viên Nhật Bản đến Hàn Quốc.

- Kể từ khi tuyên bố “mở cửa” đối với văn hóa Nhật Bản, thì những cuộn băng video về phim đã được lưu hành trong nước Nhật, cũng được lưu hành tại Hàn Quốc.

+ Đối với xuất bản phẩm: Cho phép lưu hành truyện tranh và tạp chí truyện tranh manga tiếng Nhật.

* Những lĩnh vực chưa được tháo bỏ “cấm vận” ở lần 1 đó là: Phim hoạt hình (gồm cả phim và băng video), Biểu diễn nghệ thuật đại chúng của Nhật Bản, âm nhạc (bao gồm cả đĩa nhạc), game, phát thanh truyền hình.

- Đợt 2 (Ngày 10 tháng 9 năm 1999)

+ Đối với điện ảnh và băng video phim: “mở cửa” đối với tất cả phim đã đạt giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế ( khoảng hơn 70 phim), trừ phim hoạt hình.

+ Đối với lĩnh vực biểu diễn: Cho phép biểu diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian của Nhật Bản, nhưng giới hạn trong qui mô của một hội trường có sức chứa khoảng 2000 người trở xuống (nhưng không được phép bán băng đĩa nhạc, quảng bá về việc công diễn, ..)

- Đợt 3 ( Ngày 27 tháng 6 năm 2000)

+ Đối với điện ảnh: Cho phép phim trên 12 tuổi và phim dành cho trên 15 tuổi, nhưng vẫn cấm phim dưới 18 tuổi

+ Đối với phim hoạt hình: được phép chiếu những phim hoạt hình đạt giải thưởng ở các liên hoan phim hoạt hình.

+ Video: Cho phép lưu hành tất cả băng viedo phim của Nhật Bản, bao gồm cả phim hoạt hình đã được phép lưu hành ở Nhật Bản.

+ Đối với biểu diễn: Cho phép được biểu diễn tất cả các loại hình nghệ thuật của Nhật Bản trong rạp hoặc ngoài trời.

+ Đối với các sản phẩm âm nhạc (bao gồm thu âm và CD): Cho phép lưu hành các bài hát bằng tiếng Nhật.

+ Đối với game: Băng video game, game online, computer game…đều được phép lưu hành, nhưng vẫn cấm một số trò chơi điện tử, như Playstations; Dreamcastle; Tennindo…

+ Tuyên truyền, quảng bá: Cho phép các chương trình phát thanh, truyền hình về tin tức, phim tài liệu và thể thao của Nhật. Cho phép phát các kênh truyền hình vệ tinh của Nhật.

- Nhưng, phải đến tháng 1 năm 2004 thì lệnh cấm mua bán CD âm nhạc tiếng Nhật, phần mềm trò chơi, phim hoạt hình mới được tháo bỏ hoàn toàn. Các nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn gọi đây là “Đợt dỡ bỏ lệnh “cấm” đối với văn hóa đại chúng Nhật Bản lần thứ 4”.

In recent years, South Korean pop culture experienced major popularity in Japan, a phenomenon dubbed the " Korean wave " (韓流? ) in Japan. Winter Sonata was "the first of many hot Korean television dramas to hit Japan," according to the Washington Post in 2004. [14] The female K-pop artist BoA is one of the most popular singers in Japan with six consecutive albums topping the billboard charts. [ citation needed ] However, according to the Fuji Television and Bloomberg have reported the Korean boom in Japan began declining in 2007.Sau khi lệnh “cấm” được dỡ bỏ, đã tạo nên một “cơn sốt” các sản phẩm công nghiệp văn hóa  Nhật Bản tại Hàn Quốc, như: âm nhạc, truyện tranh manga, phim hoạt hình, video game, phim truyền hình và tiểu thuyết… Tiểu thuyết của các nhà văn: Haruki Marakami, Banana Yoshimoto, Kaori Ekuni…đã trở nên quen thuộc với độc giả Hàn Quốc. Văn học Nhật Bản chiếm 32% thị phần văn học nước ngoài được dịch ở Hàn Quốc, và là lượng sách văn học nước ngoài được dịch nhiều nhất. Rất nhiều bộ phim ăn khách của Hàn Quốc sản xuất được dựa trên các tác phẩm văn học, truyện tranh của Nhật, Như Oldboy; 200 Pounds Beauty và gần đây nhất là phim Boy’s flower. Bên cạnh đó, các phim của Nhật như: Phim hoạt hình Hows moving Castle đã thu hút 3.000.000 người xem tại thị trường Hàn Quốc.

Có thể nói quá trình “mở cửa” của Hàn Quốc đối với văn hóa đại chúng Nhật Bản là quá trình: “Thẩm thấu” và “lan tỏa”. Hàn Quốc từ chỗ du nhập, chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa đại chúng Nhật Bản, thì đến những năm gần đây người Hàn Quốc cũng đã tạo được một ‘làn sóng Hàn Quốc” ở Nhật Bản. Như ở lĩnh vực âm nhạc, năm 2004, nữ ca sĩ BoA là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất tại Nhật Bản với 6 album liên tục đứng đầu bảng xếp hạng billboard charts. Bộ phim “Fuyu Sonata” (Bản tình ca mùa đông) được chiếu trên kênh truyền hình NHK đã tạo nên một cơn sốt “phim Hàn” năm 2003…. Bên cạnh việc tuyên truyền, quảng bá và giao lưu văn hóa giữa hai nước, thì chính sách tháo bỏ lệnh “cấm” đối văn hóa đại chúng Nhật Bản cũng đem lại những lợi ích kinh tế không nhỏ cho nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc.

 

HẠ THỊ LAN PHI

(ThS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. 本裕一橋, 韓国の日本文化開放の進展と韓国でのJ-POPの浸透, Andrew大学,1999.

2.http://wapedia.mobi/en/Japan-Korea relation.

3. “Mục tiêu của chính sách văn hóa Hàn Quốc: Xây dựng bản sắc văn hóa”.- http://www.cinet.vn

4. “Quan hệ với các nước láng giềng”.- http://hanquocngaynay.com/

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



(1) “Quan hệ với các nước láng giềng”.- http://hanquocngaynay.com/

[2] “Mục tiêu của chính sách văn hóa Hàn Quốc: Xây dựng bản sắc văn hóa”.- http://www.cinet.vn

0thảo luận