Trang chủ

FUKUZAWA YUKICHI VÀ NGUYỄN TRƯỜNG TỘ: TƯ TƯỞNG CẢI CÁCH GIÁO DỤC

Đăng ngày: 3-01-2014, 12:52 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: PGS. TS. Nguyễn Tiến Lực

Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, TP. HCM, 2013, 131 trang

Kí hiệu: Vv 2516

 

Fukuzawa Yukichi là nhà khai sáng và nhà giáo dục lừng danh của Nhật Bản vào nửa sau thế kỷ XIX. Ông là người đả phá mạnh mẽ lối hư học, chủ trương giáo dục thực học, cổ vũ việc học tập văn minh phương Tây, xây dựng nền giáo dục cận đại, tiên tiến của Nhật Bản. Chính phủ Minh Trị, đặc biệt là Bộ Giáo dục đã tiếp nhận và thực thi những tư tưởng giáo dục của ông, đem tới những thành tựu vô cùng to lớn trong sự nghiệp cận đại hóa đất nước.

Nguyễn Trường Tộ là nhà tư tưởng cải cách nổi tiếng của Việt Nam giữa thế kỷ XIX. Tư tưởng cải cách của ông được trình bày trong gần 60 điều trần mà ông liên tục gửi cho triều đình nhà Nguyễn trong gần 10 năm, từ năm 1963 đến năm 1871. Trong lĩnh vực giáo dục, những đề nghị cải cách của Nguyễn Trường Tộ đã được nhìn nhận và đánh giá cao.

Hiện nay nước ta đang trong quá trình đẩy nhanh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, sự nghiệp cải cách giáo dục đã và đang đặt ra một cách cấp bách. Chúng ta đã nhiều lần tiến hành cải cách giáo dục, có những thành tựu nhất định nhưng lại có nhiều vấp váp, sai lầm. Tìm hiểu và so sánh tư tưởng cải cách giáo dục của hai trí thức tiêu biểu của hai đất nước vào nửa sau thế kỷ XIX: Fukuzawa Yukichi của Nhật Bản và Nguyễn Trường Tộ của Việt Nam sẽ góp phần vào việc suy nghĩ tìm ra con đường cải cách giáo dục đúng hơn, có hiệu quả hơn của nước ta hiện nay.

Cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu ở Nhật Bản và Việt Nam đề cập đến những tư tưởng cải cách giáo dục của Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ. Tuy nhiên, cả trong nước lẫn ngoài nước chưa có công trình nào nghiên cứu so sánh về tư tưởng cải cách giáo dục của hai nhà trí thức này. Đây chính là nội dung mà cuốn sách “Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ: tư tưởng cải cách giáo dục” của PGS. TS. Nguyễn Tiến Lực đề cập đến. Nội dung cuốn sách gồm kết cấu 4 chương như sau:

Chương 1: Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ: cuộc đời và sự nghiệp. Trong chương này, tác giả đã trình bày khá chi tiết và đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp của nhà giáo dục Nhật Bản Fukuzawa Yukichi cũng như cuộc đời và sự nghiệp của nhà tư tưởng cải cách của Việt Nam Nguyễn Trường Tộ.

Chương 2: Tư tưởng cải cách giáo dục của Fukuzawa Yukichi. Tại đây tác giả đi sâu phân tích về tư tưởng cải cách của Fukuzawa Yukichi trong từng khía cạnh cụ thể như tư tưởng về văn minh; tư tưởng về tinh thần độc lập, tự tôn; khởi xướng nền chính trị dân quyền; tư tưởng “thương mại lập quốc”. Bên cạnh đó, tác giả cũng tập trung phân tích về tư tưởng cải cách giáo dục của Fukuzawa Yukichi như nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục; phê phán hư học; cổ vũ thực học; học tập nền giáo dục phương Tây; khởi xướng nguyên lý giáo dục mới.

Chương 3: Tư tưởng cải cách giáo dục của Nguyễn Trường Tộ. Cũng có kết cấu như chương 2, trong chương này trước hết tác giả phân tích về tư tưởng cải cách của Nguyễn Trường Tộ về cải cách kinh tế - tài chính; cải cách chính trị và hành chính; cải cách quân sự; về chính sách ngoại giao. Sau đó tác giả tập trung đi sâu phân tích về tư tưởng cải cách giáo dục của Nguyễn Trường Tộ ở khía cạnh phê phán hư học; chủ trương thực học; học tập nền giáo dục phương Tây.

Chương 4: So sánh tư tưởng cải cách giáo dục của Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ. Ở đây tác giả so sánh 3 điểm chính trong tư tưởng cải cách giáo dục của hai nhà tri thức này. Thứ nhất, về quá trình hình thành tư tưởng giáo dục, trong đó nêu nên những điểm giống và khác nhau. Thứ hai, về nội dung tư tưởng cải cách giáo dục thể hiện ở 3 khía cạnh cụ thể là phê phán hư học, chủ trương giáo dục thực học và học tập nền giáo dục phương Tây. Thứ ba, về tính thực tiễn trong tư tưởng cải cách giáo dục của Fukuzawa Yukichi và Nguyễn Trường Tộ.

Cuốn sách đã phân tích, so sánh những cơ sở chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội của hai nước vào thế kỷ XIX để bước đầu lý giải một câu hỏi lớn: tại sao tư tưởng cải cách của Fukuzawa Yukichi được thực hiện một cách triệt để ở Nhật Bản mà tư tưởng cải cách giáo dục của Nguyễn Trường Tộ không được thực hiện ở Việt Nam. Với những nội dung nêu trên, cuốn sách là nguồn tham khảo hữu ích dành cho bạn đọc. Xin giới thiệu cuốn sách tới bạn đọc.

Thực hiện: Hà Hậu

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận