Trang chủ

KHỦNG HOẢNG KINH TẾ MỸ VÀ TÁC ĐỘNG CỦA NÓ TỚI QUAN HỆ KINH TẾ VIỆT NAM - NHẬT BẢN

Đăng ngày: 23-04-2013, 03:21 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2009 » Số 2

Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ hiện nay đã chính thức lan ra thị trường thế giới từ Châu Âu sang Châu Á và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này đến nền kinh tế Nhật Bản và quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản là không tránh khỏi, đặc biệt là trong quan hệ thương mại, đầu tư và viện trợ,... Bài viết này sẽ tập trung tìm hiểu về thực trạng của cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ hiện nay và xem xét những tác động, ảnh hưởng của nó đối với hai nền kinh tế Nhật Bản, Việt Nam nói riêng và quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản nói chung.

1. Khủng hoảng kinh tế Mỹ: Nguyên nhân và diễn biến

Hệ thống tài chính ngân hàng của Mỹ cuối năm 2007 và năm 2008 đột nhiên lâm vào một trong những cuộc khủng hoảng chưa từng có, hàng trăm tỷ USD đã tiêu tan, sự lây lan vẫn chưa chấm dứt, hậu quả vẫn chưa lường hết. Tuy nhiên, không phải cuộc khủng hoảng xảy ra một cách ngẫu nhiên, khách quan từ những nguyên nhân bên ngoài mà nó bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ quan nội tại của nền kinh tế Mỹ. Hay nói chính xác hơn, nó xuất phát từ cơ chế cho vay quá dễ dãi (cho vay dưới chuẩn) của các tổ chức tín dụng, ngân hàng Mỹ.

Cơn sốt “dot.com” đã giúp nhiều người giàu to. Tiền bạc thừa thãi, họ đổ vào địa ốc khiến nhà cửa quanh những vùng công nghiệp cao như thung lũng Silicon tăng giá vùn vụt và làn sóng tăng giá dần dần lan rộng khắp nước Mỹ. Khi cái bong bóng “dot.com” đột ngột tan vỡ, nhiều công ty đóng cửa, số người mất việc gia tăng và mãi lực suy sụp. Để tránh viễn cảnh kinh tế suy thoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bèn liên tục hạ lãi suất. Thấy nhà cửa trước đó lên giá vùn vụt mà nay lãi suất lại hạ thấp, nhiều người bèn lao vào thị trường địa ốc. Số người mua nhà tăng, cầu vượt cung nên giá nhà cứ thế mà tiếp tục gia tăng. Trong 5 năm qua, giá nhà khắp nơi tăng, thấp nhất ở các bang hẻo lánh nhiều đất cũng tăng ít nhất 17%, và ở nơi có nhiều đầu cơ giá tăng hơn gấp đôi. Nếu kể từ năm 1980, giá nhà ở những bang như New York, California, Massachussets tăng 5 - 6 lần, trong khi lương danh nghĩa ở những vùng trên chỉ tăng gần 3 lần. Với giá nhà liên tục gia tăng và lãi suất cho vay thấp cùng với sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, nhiều công ty tài trợ địa ốc đã sẵn sàng cho vay không cần tiền đặt cọc, cũng chẳng đòi hỏi người đi vay phải chứng tỏ rõ ràng về khả năng trả nợ, và lại không hề quan tâm đến “điểm tín dụng”. Với cách cho vay quá dễ dàng này thì những người trước đây bị ngân hàng... chê là “không đạt tiêu chuẩn”, nay có thể vay trả góp thoải mái. Thế là vô số những khách hàng chưa hề có lý lịch vay mượn, hoặc có lý lịch yếu vì đã từng chậm trả nợ, hoặc không đủ khả năng trả góp hàng tháng cho đến những người đã bị phá sản... cũng nghiễm nhiên trở thành chủ nhân những ngôi nhà to lớn, khang trang. Tất cả những món nợ của các khách hàng này đều được xếp vào cái gọi là “nợ dưới chuẩn”.

Cơ chế lây lan: Các tổ chức cho vay còn “sáng chế” ra những hợp đồng bắt đầu với lãi suất rất thấp trong những năm đầu và sau đó điều chỉnh lại theo lãi suất thị trường. Hậu quả là một số lớn hợp đồng cho vay không đòi được nợ. Nguy hại hơn nữa là các tổ chức tài chính phố Wall đã gom góp các hợp đồng cho vay bất động sản này lại làm tài sản bảo đảm, để phát hành trái phiếu ra thị trường tài chính quốc tế. Các loại trái phiếu này được mệnh danh là “Mortgage backed securities - MBS”, một sản phẩm tài chính phái sinh được bảo đảm bằng những hợp đồng cho vay bất động sản có thế chấp. Các tổ chức giám định hệ số tín nhiệm (Credit rating agencies) đánh giá cao loại sản phẩm phái sinh này. Và nó được các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí trên toàn thế giới mua mà không biết rằng các hợp đồng cho vay bất động sản dùng để bảo đảm là không đủ tiêu chuẩn.([1])

Thị trường bất động sản liên tiếp hạ nhiệt, người đi vay đã không có khả năng trả được nợ lại cũng  rất khó bán bất động sản để trả nợ, và kể cả bán được thì giá trị của bất động sản cũng đã giảm thấp  tới mức không đủ để thanh toán các khoản còn vay nợ. Hậu quả là một số lớn hợp đồng cho vay bất động sản dùng để bảo đảm cho các trái phiếu MBS là nợ khó đòi, các trái phiếu MBS mất giá trên thị trường thứ cấp, thậm chí không còn mua bán được trên thị trường, khiến cho các ngân hàng, các nhà đầu tư nắm giữ những trái phiếu này không những bị lỗ nặng và mất cả khả năng thanh toán. Theo ước tính của nhiều chuyên gia trong 22.000 tỷ USD giá trị bất động sản tại Mỹ thì có tới hơn 12.000 tỷ USD là tiền đi vay, trong đó khoảng 4.000 tỷ USD là nợ xấu. Các nước khác cũng bắt chước Hoa Kỳ và bán ra loại trái phiếu phái sinh MBS này trong thị trường tài chính của họ. Vì vậy trên toàn thế giới tổng số nợ bất động sản khó đòi và tổng số MBS bị “nhiễm độc” chưa thể tính hết được. Cơn chấn động tài chính ở Hoa Kỳ chắc chắn sẽ khiến nhiều thị trường tài chính, nhiều ngân hàng trên khắp thế giới bị rung động theo, bởi hàng loạt ngân hàng lớn trên thế giới đã  đầu tư mua loại trái phiếu MBS này.([2])

Diễn biến khủng hoảng - mét sè dÊu mèc quan träng

Tháng 6/2007, hai quỹ phòng hộ (hedge fund - một loại quỹ có tính đại chúng thấp và không bị quản chế quá chặt) của Bear Stearns - ngân hàng đầu tư lớn thứ 5 của Mỹ  quỵ ngã sau khi đánh cược vào các chứng khoán được đảm bảo bằng các khoản cho vay bất động sản dưới chuẩn ở Mỹ. Ngày 15/10/2007, Citigroup - Tập đoàn ngân hàng hàng đầu nước Mỹ - công bố lợi nhuận Quý 3 bất ngờ giảm 57% do các khoản thua lỗ và trích lập dự phòng lên tới 6,5 tỷ USD. 17/2/2008, Anh quốc hữu hóa Ngân hàng Northern Rock. 28/2/2008, ngân hàng DZ Bank của Đức được đưa vào danh sách các nạn nhân của cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn với tổng giá trị tài sản mất giá là 1,36 tỷ euro. 16-17/3/2008, Bear Stearns được bán cho Ngân hàng Đầu tư Mỹ JP Morgan Chase với giá 2 đôla một cổ phiếu. 7/9/2008, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và Bộ Tài chính Mỹ đoạt quyền kiểm soát hai tập đoàn chuyên cho vay thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac nhằm hỗ trợ thị trường nhà đất Mỹ. 15/9/2008, ®ây là ngày tồi tệ nhất tại Phố Wall kể từ khi thị trường này mở cửa trở lại sau vụ khủng bố 2 toà tháp đôi tại Mỹ vào Tháng 9 năm 2001. Lehman Brothers sụp đổ đánh dấu vụ phá sản lớn nhất tại Mỹ; Merrill Lynch bị Bank of America Corp thâu tóm; American International Group - tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới mất khả năng thanh toán do những khoản thua lỗ liên quan tới nợ cầm cố. 20-21/9/2008, công bố các chi tiết bản kế hoạch giải cứu 700 tỷ USD. Hai ngân hàng Goldman Sachs và Morgan Stanley được chuyển đổi thành tập đoàn ngân hàng đa năng, đánh dấu sự kết thúc mô hình ngân hàng đầu tư tại Phố Wall. 25/9/2008, Washington Mutual Inc. (WaMu), một trong những ngân hàng lớn nhất Mỹ đã sụp đổ cũng do đã đánh cược rất lớn vào thị trường cho vay thế chấp. Trong khi đó tại Washington D.C., các thành viên chủ chốt trong quốc hội đã đồng ý về những điều khoản chính trong kế hoạch giải cứu 700 tỷ USD. Thượng viện Mỹ thông qua bản kế hoạch giải cứu 700 tỷ USD (tỷ lệ 74-25) với một số điểm đã được thay đổi, bao gồm: gia hạn đạo luật cắt giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp và cá nhân (tính sẽ làm ngân sách thất thu 149 tỷ USD); tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi tại Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang từ 100.000 USD lên 250.000 USD. 3/10/2008, sau 3 giờ thảo luận và thuyết phục nhau, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu lần thứ hai và thông qua dự luật giải cứu với tỷ lệ phiếu 262-171. Không đầy 2 giờ sau đó, Tổng thống Mỹ đặt bút ký để chính thức chuyển kế hoạch thành đạo luật. Ngày 8/10/2008, trong một nỗ lực phối hợp chưa từng có tiền lệ, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và 4 ngân hàng trung ương các nước khác đã đồng loạt cắt giảm lãi suất nhằm giảm ảnh hưởng nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1930.([3])

Cơn bão khủng hoảng kinh tế ở Mỹ đã lan sang châu Âu, khiến kinh tế Tây Ban Nha, Ailen và Đan Mạch bên bờ vực suy thoái; kinh tế Pháp suy yếu và các nền kinh tế đầu tàu khu vực như Đức, Anh, Italia... đều ảm đạm.

2. Những tác động, ảnh hưởng đối với nền kinh tế Nhật Bản và quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản

Cơn bão khủng hoảng tiếp tục lan sang Châu Á sau khi đã hạ gục những tên tuổi lừng lẫy của Mỹ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, thiệt hại của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ lên đến 1,3 nghìn tỷ USD. Tất cả các nền kinh tế lớn của thế giới như Nga, EU, Trung Quốc, và Nhật Bản đều đang trở thành nạn nhân của “cơn địa chấn tài chính” Mỹ.

2.1.Những tác động, ảnh hưởng đối với nền kinh tế Nhật Bản

Chứng khoán, bảo hiểm, tài chính là những khu vực chịu ảnh hưởng đầu tiên. Giá các loại cổ phiếu Nhật Bản đã tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm vào phiên giao dịch sáng 03/10 vì những lo lắng về kế hoạch giải cứu phố Wall của Mỹ đang đứng trước cuộc bỏ phiếu quyết định. Chỉ số Nikkei-225 giảm tới 126,26 điểm tương đương 1,13% xuống còn 11028,50 điểm tại cuối phiên giao dịch. Ông Kazuhiro Takahashi, Giám đốc chứng khoán tại công ty Daiwa Securities SMBC, nhận định rằng, cảm tính thị trường đang suy yếu do những tin xấu về nền kinh tế Mỹ. Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi lo lắng cho thống kê nhanh hàng tháng của thị trường việc làm Mỹ. Số người thất nghiệp của Mỹ đã lên tới 497.000 làm tăng thêm những lo lắng về tình hình kinh tế Mỹ. Trong khi đó, một báo cáo gần đây cũng chỉ ra rằng các đơn đặt hàng của các nhà máy ở Mỹ đã giảm đến 4% trong tháng 8.([4])

Nạn nhân đầu tiên là Yamato Life Insurance Co. Theo một số hãng tin quốc tế, tập đoàn bảo hiểm có lịch sử hoạt động 98 năm tại Nhật là Yamato Life Insurance Co. hôm 10/10 đã chính thức đệ đơn xin được bảo hộ phá sản do các khoản nợ đã vượt tài sản 11,5 tỷ yen (tương đương 116 triệu USD). Đây là trường hợp phá sản trong lĩnh vực bảo hiểm đầu tiên tại Nhật trong vòng 7 năm qua và là vụ sụp đổ thứ 8 trong ngành này của Nhật kể từ sau Đại chiến thế giới 2 tới nay. Vụ sụp đổ gần nhất của một công ty bảo hiểm tại Nhật là Tokyo Mutual Life Insurance Co. vào năm 2001. Nguyên nhân khiến Yamato Life thua lỗ và buộc phải nộp đơn xin phá sản là do số chứng khoán họ đang nắm giữ bị mất giá trầm trọng. Hiện tại, Yamato Life đang nợ tổng cộng 269,5 tỷ yen. Tính tới cuối tháng 9, Yamato Life đã dùng khoảng 30% tài sản của mình để đầu tư vào các kênh hấp dẫn khác để tăng lợi nhuận và khoản đầu tư này đã khiến công ty này lâm nguy trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới lao dốc. Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Tokyo, Bộ trưởng Tài chính Nhật Minister Shoichi Nakagawa cho biết “Sự sụp đổ của Yamato Life là một điều rất đáng tiếc” và cho biết “90% các hợp đồng bảo hiểm tại Yamato Life sẽ được bảo vệ bởi luật phá sản”. “Hiện tượng các công ty bảo hiểm đang bắt đầu phải vật lộn với các khoản đầu tư của mình là một dấu hiệu cho thấy ngay cả những quỹ hưu trí cũng có thể bị ảnh hưởng”, Tetsuo Inoue, Chiến lược gia trưởng của Proud Asset Management Japan Co. tại Tokyo nói và cho biết: “Đây là một thời kỳ rất khó khăn”.

Hiện tại, cổ đông lớn nhất của Yamato Life là Ngân hàng Shinsei Bank Ltd. Điều này đã khiến giới tài chính Nhật khá lo lắng là sự sụp đổ có thể ảnh hưởng tới các công ty tài chính khác. Mặc dù vậy, người phát ngôn của Ngân hàng Shinsei, Eiji Otaka cho biết Shinsei bị ảnh hưởng “rất rất nhỏ” bởi vụ phá sản Yamato Life. Eiji Otaka từ chối tiết lộ khoản thiệt hại của ngân hàng này.([5])

Tập đoàn tài chính lớn thứ 2 của Nhật Bản, Mizuho công bố lợi nhuận cả năm giảm 50% do thua lỗ trong thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn. Lợi nhuận ròng của Mizuho trong năm tài khóa kết thúc ngày 31/03 giảm xuống 310 tỷ Yên (3 tỷ USD). Năm trước lợi nhuận của ngân hàng đạt 621 tỷ USD. Trong ngành tài chính Nhật Bản, tập đoàn Mizuho chịu thua lỗ lớn nhất từ khủng hoảng trong thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn. Việc thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn sụp đổ cho đến nay đã gây ra thua lỗ trên toàn cầu tổng cộng 245 tỷ USD. Thời gian gần đây khi những lo ngại về thua lỗ trong thị trường tín dụng tăng cao, cổ phiếu ngân hàng Mizuho liên tục sụt giảm.

Một tập đoàn tài chính lớn khác của Nhật Bản là Mitsubishi UFJ, tập đoàn tài chính lớn nhất Nhật Bản tính theo giá trị thị trường, nhiều khả năng sẽ phải công bố lợi nhuận sụt giảm ít nhất khoảng 40%. Mức lãi suất chủ chốt của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hiện nay là 0,5%. Mức lãi suất này vẫn được giữ nguyên từ tháng 2/2007 khi thị trường lo ngại ngày một nhiều về khả năng suy thoái kinh tế. Lòng tin của các nhà sản xuất hiện đang ở mức thấp nhất trong 04 năm qua. Rất nhiều doanh nghiệp hiện có kế hoạch giảm đầu tư và cắt giảm chi phí. ([6])

Tác động đối với khu vực sản xuất: Khủng hoảng tài chính và sự ảm đạm của nền kinh tế thế giới đã khiến các công ty sản xuất ô tô của Nhật Bản phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất và kinh doanh tại nước ngoài. Trong lúc Mazda ngừng vô thời hạn kế hoạch xây dựng một nhà máy mới tại Bắc Mỹ, Mitsubishi dự kiến sẽ giảm 10% mục tiêu tiêu thụ xe tại thị trường Nga năm 2008. Sau khi chặn được đà thua lỗ vào năm 2006, Mazda đã tăng cường liên kết với Ford Motor, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và tiêu thụ tại nước ngoài. Năm 2007, Mazda bắt đầu sản xuất Mazda2, loại xe nhỏ tiết kiệm năng lượng, tại Nam Kinh (Trung Quốc). Dự kiến, năm 2009, Mazda sẽ đưa vào hoạt động nhà máy mới tại Thái Lan. Tuy nhiên, dự án xây dựng nhà máy mới do Ford và Mazda thực hiện tại Bắc Mỹ sẽ đối mặt với nhiều rủi ro vì thị trường tiêu thụ xe cỡ lớn tại Mỹ rất ảm đạm. Điều này khiến Mazda phải xem xét ngừng thực hiện kế hoạch này. Với 70% số xe sản xuất trong nước được dành cho xuất khẩu, Mazda hiện là công ty có tỷ lệ xuất khẩu xe sản xuất trong nước lớn nhất Nhật Bản. Tuy nhiên, để đối phó với rủi ro hối đoái, Mazda phải đẩy mạnh xu hướng chuyển sản xuất ra nước ngoài. Hiện Mazda đang tìm kiếm kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất xe tiết kiệm nhiên liệu, thay vì liên doanh sản xuất xe cỡ lớn tại Bắc Mỹ. Mitsubishi đang xem xét hạ mục tiêu bán hàng trong năm 2008 tại Nga, thị trường nước ngoài lớn nhất của Mitsubishi, từ 140.000 xe xuống còn 125.000 xe do mức tiêu thụ tại đây giảm mạnh, đặc biệt là từ sau cuộc xung đột Nga-Grudia. Mục tiêu tiêu thụ tại các thị trường nước ngoài khác cũng sẽ giảm mạnh so với con số dự kiến 3,9 triệu xe. Trong khi đó, Nissan cho biết theo kế hoạch, đến tháng 9/09, hãng này sẽ cắt giảm khoảng trên 1.600 nhân viên tại hai nhà máy liên doanh ở Tây Ban Nha, chiếm 26% tổng số nhân viên của hai nhà máy này. Đây là hai nhà máy sản xuất xe cỡ lớn không được ưa chuộng do giá thành nhiên liệu tăng. Honda cũng đang tìm kiếm các biện pháp nhằm đối phó với xu hướng giảm cầu đối với các dòng xe cỡ lớn tại thị trường Mỹ. Từ giữa năm 2009, Honda sẽ đầu tư 6 tỷ yên để nhà máy sản xuất xe cỡ lớn tại bang Alabama chuyển sang sản xuất xe Sedan Arccord. Trước đây, nhà máy này chuyên sản xuất xe Oddisey, song mức tiêu thụ rất thấp. Lợi nhuận quý 2/2008 của Toyota đã sụt giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái do doanh số ảm đạm tại thị trường Bắc Mỹ, đồng Yên mạnh và chi phí đầu vào tăng cao. Thông tin này được hãng sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản công bố ngày 7/8/2008. Tới nay, Toyota đã tránh được tình trạnh thua lỗ khổng lồ mà các đối thủ Mỹ như General Motors (GM) và Ford phải đương đầu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh số của hãng đã giảm xuống giữa bối cảnh kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái và giá dầu tăng cao.([7])

Tác động đối với khu vực nhập khẩu: Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) dẫn các nguồn tin của báo chí nước ngoài cho biết, xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ trong tháng 8/2008 giảm 22% , khiến cho cán cân thanh toán của nước này bị lâm vào tình trạng thâm hụt hiếm hoi và làm tăng quan điểm cho rằng kinh tế Nhật Bản có thể đã lâm vào một cuộc suy thoái. Xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ giảm sút, đồng thời với việc xuất khẩu của Nhật sang Châu Âu, Trung Quốc và các nước Châu Á khác cũng giảm. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Nhật Bản trong tháng 8/2008 chỉ tăng 0,3%, trong khi tổng khối lượng xuất khẩu giảm 3,1%.Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu tăng 17% do giá dầu cao, khiến cho cán cân thanh toán của nước này bị thâm hụt 324 tỷ yên (47,5 tỷ USD). Cán cân thanh toán của Nhật Bản thường bị thâm hụt vào tháng Giêng trong năm do kỳ nghỉ dài ngày trong dịp đầu năm mới nhưng các nhà kinh tế nói rằng mức thiếu hụt của tháng 8 là mức thâm hụt đầu tiên trong vòng 26 năm nay. Thủ tướng mới của Nhật Bản, Taro Aso, đã cam kết nhanh chóng thông qua ngân sách bổ sung 11.700 tỷ yên, trong đó có 1.800 tỷ yên chi tiêu mới, để giúp các công ty nhỏ và vực nền kinh tế. Nhưng các nhà kinh tế nói rằng, kế hoạch cả gói này là quá nhỏ để có tác động lớn vào nên kinh tế 500.000 tỷ yên (4.800 tỷ USD).([8])

Các nhà xuất khẩu nhỏ - được coi là xương sống của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này - đang cảm nhận “nỗi đau” từ sự bất ổn tài chính. Trong quý II/2008, kinh tế Nhật Bản đã suy giảm ở mức lớn nhất trong 7 năm qua. Tháng 8/2008, lượng đơn đặt hàng máy móc chủ chốt của Nhật Bản, thước đo hàng đầu về chi phí cho trang thiết bị, đã giảm 14,5%, gấp bốn lần so với mức giảm dự kiến. Trong khi đó, theo một hãng nghiên cứu, tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 9/2008, số vụ phá sản của Nhật Bản cũng tăng mạnh, ở mức 34,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1.408 vụ, tác động tiêu cực đến các công ty vận tải, xây dựng và bất động sản. Công ty chuyên xuất khẩu thiết bị văn phòng Hirosawa Kogyo Co Ltd - có trụ sở tại Tôkyô - là một trong những hãng bị ảnh hưởng nói trên, do nhu cầu ngày một giảm sút tại các thị trường phương Tây, trong khi hãng vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Phó chủ tịch Hirosawa, Seiichi Hatayama, cho biết công ty của ông xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ và Châu Âu, do đó một nửa lượng hàng xuất khẩu của công ty sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng tài chính toàn cầu, bắt nguồn từ Mỹ. Ông Hatayama nói thêm, trước tình hình này, Hirosawa có thể sẽ phải cắt giảm nhân công và chi phí sản xuất. Chỉ số Nikkei trung bình của Nhật Bản đã giảm 9,6% trong phiên giao dịch ngày 10/10, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1987, khiến thị trường trị giá 202 tỷ USD này lo ngại rằng khủng hoảng tài chính có thể sẽ dẫn đến suy thoái toàn cầu.

Tác động đối với khu vực bất động sản: Báo cáo mới đây của Bộ Giao thông và lãnh thổ Nhật Bản cho thấy số nơi bất động sản (BĐS) bị rớt giá tại khu trung tâm đô thị ngày càng nhiều, nổi bật nhất tại các khu thương mại sầm uất của Tokyo. Một toà nhà thương mại trước cửa ga Harajuku với mức tăng giá kỷ lục 36,8% trong năm 2007 đã giảm 1,1% trong năm 2008. Giá một toà nhà văn phòng gần ga Shibuya cũng đã giảm 2,3% trong năm nay so với mức tăng 36,5% trong năm 2007. Trước đó, giá nhà đất tại một số khu trung tâm của Tokyo từng tăng chóng mặt và được ví như một loại "phát triển bong bóng" quy mô nhỏ đang có xu hướng giảm mạnh. Có thể thấy rõ điều này qua khu phố Omotesando đẹp nổi tiếng của Tokyo với san sát các cửa hàng chuyên bán đồ hiệu và các toà nhà sang trọng. Tuy nhiên, ngay đằng sau mặt tiền con phố này vẫn còn những mảnh đất bỏ trống. Từ năm 2007 đến nay giá giao dịch đã giảm từ 20 - 30%. Mức rớt giá này nhanh hơn nhiều so với thời kỳ bong bóng của nền kinh tế Nhật bị vỡ. Một nguyên nhân quan trọng khiến giá BĐS đô thị của Nhật Bản giảm là do sự vắng mặt dần của các quỹ đầu tư BĐS đến từ Mỹ và Châu Âu. Những quỹ đầu tư này buộc phải rút đi do khó huy động vốn vì ảnh hưởng của “cơn bão khủng hoảng” tín dụng BĐS tại Mỹ. Thông báo của Bộ Giao thông và lãnh thổ Nhật Bản cho thấy giá BĐS 12/15 địa điểm trung tâm, 12/29 khu trung tâm thương mại tại 8 quận trung tâm Tokyo bị giảm. Chỉ số giá trị của Cơ cấu tín thác đầu tư BĐS đang niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo đã giảm hơn một nửa so với thời điểm cao nhất vào năm 2007. Ảnh hưởng của đợt sụt giá BĐS lần này đến các Cty trong lĩnh vực BĐS không nhỏ. Chỉ tính từ tháng 7 đến nay đã có một loạt Cty BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo bị phá sản. Các Cty này không thể bán được những khu BĐS đang sở hữu cho các quỹ đầu tư. Trong khi đó các cơ quan tài chính đang siết chặt các khoản vay đầu tư BĐS. Đầu vào và đầu ra đều bị khoá chặt khiến tình hình thị trường BĐS trở nên bế tắc.([9])

Số các doanh nghiệp bị đóng cửa liên tục tăng: Theo kết quả điều tra tháng 8/2008, do chịu ảnh hưởng của giá nhiên liệu tăng và tình hình kinh tế xấu đi, trong tháng 8 năm nay, Nhật Bản có khoảng 1254 công ty bị đóng cửa, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, và con số này không ngừng tăng trong 3 tháng qua. Các số liệu cũng cho thấy, trong tháng 8/2008, có 5 ngành kinh tế phải ngừng hoạt động. Do giá nhiên liệu tăng khiến phí ngành vận chuyển tăng, số doanh nghiệp trong ngành vận tải bị đóng cửa tăng lên 64,1%, là 64 doanh nghiệp. Số các doanh nghiệp bị đóng cửa trong ngành dịch vụ cũng tăng lên 20,7% là 244 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp trong ngành viễn thông tăng lên 16,2%, là 3 doanh nghiệp. Ngành bất động sản và xây dựng cũng có 42 và 403 doanh nghiệp bị đóng cửa, tăng 23,5 % và 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 8, có 2 doanh nghiệp vừa niêm yết trên sàn chứng khoán đã bị đóng cửa, tăng con số những doanh nghiệp bị đóng cửa khi niêm yết trên sàn chứng khoán là 12 doanh nghiệp, cao hơn so với con số 6 doanh nghiệp của năm ngoái. Các con số cũng nói lên, trong tháng 8, số nợ của các doanh nghiệp bị đóng cửa là 867,98 tỷ yên.([10])

Các biện pháp ứng phó của chính phủ: Để đối phó các khó khăn kinh tế, chống lạm phát và khôi phục lòng tin của công chúng, Thủ tướng Nhật Bản Fukuda vừa tiến hành cải tổ Chính phủ. Trong cuộc cải tổ đầu tháng 8 vừa qua, ông Fukuda đã chỉ định nhiều nhân vật có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính vào các vị trí kinh tế then chốt. Dù đang phải gánh một núi nợ nần (tương đương 150% GDP) do gói tài chính kích thích kinh tế trước đây để lại; đối phó suy thoái kinh tế, nhưng Chính phủ Nhật Bản vừa phải bơm gần 24 tỷ USD vào thị trường tài chính. Riêng vụ Ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ phá sản, ngành ngân hàng, bảo hiểm của Nhật có thể đã thua lỗ hơn 2,3 tỷ USD. Ngày 17/10, Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đã chỉ thị cho các bộ trưởng trong nội các và các quan chức chủ chốt trong liên minh cầm quyền soạn thảo chương trình kinh tế cả gói mới vào cuối tháng 10 nhằm giúp các doanh nghiệp và người dân tránh được những tác động tiêu cực nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chỉ thị trên được đưa ra ngay sau khi dự thảo ngân sách bổ sung tài khóa 2008 trị giá 1.800 tỷ yên (khoảng 17,85 tỷ USD) được thông qua. Đây là một phần trong khoản kích thích kinh tế cả gói trị giá 11.700 tỷ yên (110 tỷ USD) được công bố hồi tháng 8 nhằm giúp ngăn chặn những tác động do giá năng lượng và nguyên liệu thô tăng cao đối với nền kinh tế Nhật Bản. Theo Thủ tướng Aso, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay có thể xảy ra một lần trong vòng 100 năm và Nhật Bản khó có thể miễn nhiễm trước cơn bão tài chính này. Gói kích thích kinh tế mới có thể bao gồm các biện pháp khuyến khích thuế và các bước đi nhằm ổn định thị trường tài chính, trọng tâm là nhằm hỗ trợ cuộc sống của người dân, các doanh nghiệp nhỏ và các nền kinh tế trong khu vực. Ngoài ra, chính sách kinh tế mới cũng bao gồm đề cương của một chương trình trung hạn nhằm thiết lập một hệ thống an sinh xã hội bền vững ở Nhật Bản để hỗ trợ xã hội đang lão hóa với tốc độ nhanh chóng.

2.2. Những tác động, ảnh hưởng đối với nÒn kinh tế Việt Nam vµ quan hÖ kinh tÕ ViÖt Nam - Nhật Bản

- Tác động đối với Việt Nam

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ được cho là sẽ tác động trực tiếp tới tăng trưởng xuất khẩu và tính thanh khoản của nền kinh tế Việt Nam. Không thể đứng ngoài “cuộc chơi” toàn cầu, bởi vậy, những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đối với nền kinh tế Việt Nam là không thể tránh khỏi.

Cho dù còn có các ý kiến khác nhau về mức độ tác động đến nền kinh tế Việt Nam, song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ chịu tác động trực tiếp nhất và nhanh nhất. Đây là một trong những nội dung chính của bản báo cáo mới đây của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia về khủng hoảng kinh tế Mỹ và tác động tới Việt Nam. Thực ra ngay từ những tháng đầu năm, đã xuất hiện xu hướng giảm tốc xuất khẩu sang thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2007.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, do cầu tiêu dùng tại Mỹ đang trên đà suy giảm mạnh do tác động của khủng hoảng tài chính, trong 7 tháng đầu năm 2008, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chỉ đạt 19,2%, thấp hơn khá nhiều so với mức 28,6% của cả năm 2007. Không những vậy, tỷ trọng của thị trường Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã giảm, từ 20,7% của năm 2007 xuống còn 17,7% trong 9 tháng đầu năm 2008. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được cho là chịu nhiều ảnh hưởng nhất là hàng may mặc, giày da, cá basa, cà phê…

Trên một khía cạnh khác, theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ, mà cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ còn tác động gián tiếp đến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU và Nhật Bản - hai thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Phân tích của các chuyên gia kinh tế cho thấy, do bị tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng, người tiêu dùng tại các thị trường này cũng phải cắt giảm chi tiêu, nên nhu cầu nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ có xu hướng giảm. Tỷ trọng của thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng đã giảm, chỉ còn 16,5%, trong khi năm 2007 là 18%. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, thì kinh tế Mỹ có thể phải tới cuối năm 2010 mới phục hồi, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải cắt giảm chi tiêu, kéo theo cầu nhập khẩu hàng hóa sẽ giảm, vì vậy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ khó có thể đạt mức 30%/năm như trong thời gian qua, mà chỉ đạt khoảng 20% trong giai đoạn 2009 - 2010. Các thị trường EU và Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng của Mỹ.

Không chỉ xuất khẩu bị ảnh hưởng, mà theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ sẽ tác động không nhỏ tới thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường chứng khoán, bất động sản và cả vấn đề giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Tuy vậy, những tác động này được cho là sẽ có một độ trễ nhất định, do sự hội nhập quốc tế về tài chính, tiền tệ của Việt Nam chưa sâu và chưa toàn diện. Ở đây, chưa bàn tới những tác động tới thị trường tài chính - tiền tệ của Việt Nam, mà chỉ nói tới khả năng giải ngân vốn FDI và ODA. Những dự báo ban đầu cho thấy, số vốn ODA của Việt Nam dự kiến giải ngân 2,3 tỷ USD trong năm 2008 khó có thể thực hiện được, khi đầu tư toàn cầu bị cắt giảm, dự trữ cho vay của các nước phát triển được cân đối lại để bình ổn thị trường tài chính. Tương tự, giải ngân vốn FDI cũng có thể sẽ giảm, khi mà trong tình hình khó khăn hiện nay, không chỉ các công ty của Mỹ, mà còn của các nước khác, đặc biệt của các công ty con tại quốc gia thứ ba mà Mỹ thông qua để đầu tư vào Việt Nam sẽ thận trọng hơn trong kế hoạch tài chính và đầu tư. Ngay cả các dự án FDI đang triển khai cũng có thể bị chững lại, vì rất có thể, các công ty sẽ phải cân đối lại nguồn vốn, đảm bảo tài chính an toàn trong cuộc khủng hoảng này. Riêng các dự án mới cấp phép, nếu chủ đầu tư bị tổn thương lớn từ cuộc khủng hoảng này, thì có thể bị tạm dừng triển khai, thậm chí rút bỏ. Do vậy, năm 2009 - 2010, tốc độ giải ngân vốn FDI được dự báo là sẽ theo xu hướng chậm lại. Giải ngân ODA và FDI dự báo sẽ chậm lại sẽ ảnh hưởng lớn đến cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam, đến tính thanh khoản của nền kinh tế.([11])

- Tác động đối với quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản

Ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó đến nay, với sự nỗ lực của cả hai bên, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển rất nhanh chóng, đạt được nhiều kết quả tích cực và hiện tại đang ở trong một thời kỳ mới với triển vọng tốt đẹp chưa từng có. Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong 15 năm qua, Nhật Bản luôn đứng đầu về ODA với trên 13 tỉ USD, trong đó trên 1 tỉ không hoàn lại, chiếm hơn 30% tổng viện trợ của quốc tế cho Việt Nam. Nhật Bản là một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch hai chiều đạt 12,2 tỉ USD vào năm 2007. Tính đến 7/2008, Nhật Bản đã có gần 1.000 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký trên 16 tỉ USD, là thị trường quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác lao động và du lịch. Hợp tác giữa hai nước về văn hoá, giáo dục, khoa học và kỹ thuật cũng không ngừng mở rộng.

Về xuất khẩu, theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong tháng 8/2008 đạt 687,6 triệu USD, tính chung 8 tháng đạt 5,7 tỷ USD tăng 56,1% so với cùng kỳ năm 2007. Tám tháng đầu năm 2008 Việt Nam xuất khẩu sản phẩm dầu thô sang Nhật Bản đạt kim ngạch cao nhất với 1,6 tỉ USD, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước; kế đến là mặt hàng hải sản đạt kim ngạch 539,3 triệu USD tăng mạnh so với năm 2007....

Về nhập khẩu, 8 tháng đầu năm 2008, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Nhật Bản đạt 5,6 tỉ USD, trong đó mặt hàng xăng dầu đạt kim ngạch cao nhất với 296,7 triệu USD, kế đến là mặt hàng vải các loại với kim ngạch 237,5 triệu USD....

VÒ du lÞch, hơn thập niên qua, lượng khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam ngày càng tăng rất nhanh. Vào năm 1990, lượng khách Nhật du lịch Việt Nam mới có 1.390 lượt người, nhưng đến năm 2002 đã có 275 nghìn lượt khách Nhật Bản đi du lịch Việt Nam, tăng 34,2% so với năm 2001 và chiếm 10,5% tổng lượng du khách vào Việt Nam. Năm 2007, trong bảng TOP 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều khách du lịch đến Việt Nam, về cơ bản vẫn giữ nguyên thứ hạng, đó là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và Australia. Tuy nhiên, theo thông báo mới đây của Tổng cục Du lịch, mới có khoảng 169.640 lượt du khách Nhật đến Việt Nam trong  6 tháng đầu năm 2008, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là động thái trái ngược với 4 năm trước đó khi lượng du khách Nhật tăng đều đặn với tốc độ 27,5% trong năm 2004, 20% trong năm 2005, 13,4% trong năm 2006 và 9% trong 2007. Xu hướng này cũng cho thấy có sự tăng trưởng chậm dần trong thời kỳ 2004-2007. Nguyên nhân của tình hình trên chủ yếu do kinh tế Nhật Bản đang trong tình trạng suy thoái chung của toàn cầu nên nhiều người Nhật phải tiết kiệm chi tiêu song cũng có phần là do phía Việt Nam đã có những khiếm khuyết trong công tác tiếp thị, quảng bá du lịch và nhất là do chi phí cho các tour tại Việt Nam đã tiếp tục gia tăng vì giá thuê phòng khách sạn tăng mạnh, do vậy đã không khuyến khích họ đến Việt Nam.([12])

Nhìn lại tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 – 1998 tới quan hệ kinh tế Việt Nam – Nhật Bản chúng ta thấy rõ ràng rằng, khủng hoảng kinh tế thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng đều có ảnh hưởng đến Việt Nam ở một mức độ nào đó. Thực tế cho thấy, tại thời điểm diễn ra khủng hoảng 1997, quan hệ thương mại Việt - Nhật vẫn chưa bị ảnh hưởng trực tiếp ngay có lẽ là do vị trí, vai trò của mối quan hệ này còn rất nhỏ so với vị trí, vai trò của các mối quan hệ giữa Nhật Bản với các đối tác bạn hàng lớn hơn khác trên thế giới và nhất là trong cùng khu vực Đông Á. Tuy nhiên, như đã biết, năm 1998 đối với Nhật Bản đã là năm giảm sút nghiêm trọng về hoạt động thương mại quốc tế. Lần đầu tiên, kể từ năm 1992, cả xuất và nhập khẩu của Nhật Bản đều bị giảm sút. Xuất khẩu trong năm này chỉ đạt có 386,3 tỷ USD, giảm 8,7% so với năm 1997; nhập khẩu đạt 279,3 tỷ USD, giảm 17,9% so với năm 1997. Nguyên nhân chính dẫn đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Nhật Bản cũng bị giảm sút mạnh chính là thu nhập và cầu trong nước của người dân Nhật giảm sút, cùng với việc sụt giá dầu thô và nhiều loại nguyên liệu khác trên thế giới cùng thời gian này. Chính vì thế, bước sang năm 1999 và những năm tiếp theo, quan hệ thương mại Việt - Nhật đã bị ảnh hưởng lây lan chung dẫn đến quy mô KNXNK cũng như tốc độ tăng trưởng thương mại có sự tăng trưởng không đều.

Cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ hiện nay có qui mô, tác động, và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 nếu không được ngăn ngừa kịp thời. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực (như đã được đề cập ở trên) và chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng lâu dài, làm nền kinh tế Nhật Bản vốn trong tình trạng trì trệ nay lại càng trở nên xấu hơn và nguy cơ dẫn tới suy thoái. Điều này chắc chắn sẽ có tác động đến quan hệ kinh tế Việt Nam – Nhật Bản trong thời gian tới, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà hai bên có quan hệ hợp tác chặt chẽ như: ODA, FDI, đầu tư gián tiếp (FII), thương mại (xuất nhập khẩu), du lịch, xuất khẩu lao động, tài chính-ngân hàng,... Tuy nhiên, mức độ tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đâu và đến những lĩnh vực nào thì còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ quan hệ và nỗ lực hợp tác khắc phục, ngăn ngừa khủng hoảng của cả hai bên.

Quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản còn có một động lực mới rất quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên trong thời gian tới đó là, Việt Nam và Nhật Bản đã hoàn tất thoả thuận nguyên tắc về Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA Việt Nam - Nhật Bản). Đây là Hiệp định đối tác kinh tế đầu tiên của Việt Nam với một quốc gia. Hiệp định được ký kết vào cuối năm 2008 và được coi là sự kiện kinh tế - chính trị lớn trong lịch sử 35 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Hiệp định bao gồm các cam kết về tự do hoá thương mại hàng hoá, thương mại dịch vụ, đầu tư và các nội dung hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Một trong những trọng tâm của Hiệp định là tăng cường hợp tác kinh tế trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, môi trường, giao thông vận tải.

VÕ HẢI THANH

(Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. http://www.dddn.com.vn

2. http://www.vietnamnet.vn, Hà Linh tổng hợp từ Thomson Financial, Cbs3, Foxbusiness

3.http://vitinfo.com.vn/muctin/Kinhte/Chungkhoan/53523/default.aspx

4. http://www.VIETNEWS24.com, Theo Bloomberg, 11/4/2008

5. http://www.bloomberg.com

6. http://www.asset.vn, 12/08/2008

7.http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?CatId=17&NewsId=98777

8. http://www.DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN

9. http://www.asset.vn, 11/09/2008

10.http://www.vir.com.vn/Client/Dautu/dautu.asp?CatID=9&DocID=17412

11. http://www.dangcongsan.vn



([1]) http://www.dddn.com.vn

([2]) http://www.dddn.com.vn

([3]) vietnamnet.vn, Hà Linh tổng hợp từ Thomson Financial, Cbs3, Foxbusiness

([4]) http://vitinfo.com.vn/muctin/Kinhte/ Chungkhoan/ 53523/default.aspx

([5]) Hà Linh, Theo Bloomberg

([6]) VIETNEWS24.com, Theo Bloomberg, 11/4/2008

([7]) asset.vn, 12/08/2008

((9) www.DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN

([10]) asset.vn, 11/09/2008

([11]) http://www.vir.com.vn/Client/Dautu/dautu.asp? CatID =9&DocID=17412

([12]) dangcongsan.vn

0thảo luận