Trang chủ

TRUNG QUỐC NĂM 2011-2012

Đăng ngày: 4-03-2013, 09:57 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: GS. TS. Đỗ Tiến Sâm, THS. Chu Thùy Liên đồng chủ biên

Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2012, 351 trang

Kí hiệu: Vv 2453

Năm 2011, năm mở đầu cho thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, thế giới đã phải chứng kiến nhiều diễn biến lớn, phức tạp về kinh tế, chính trị, có ảnh hưởng rộng khắp trên phạm vi toàn cầu: cuộc khủng hoảng chính trị ở Bắc Phi – Trung Đông; thảm họa kép động đất, sóng thần, rò rỉ hạt nhân ở Nhật Bản; thâm hụt ngân sách, khủng hoảng nợ công ở Châu Âu chưa được cải thiện nhiều; tình trạng lạm phát, thất nghiệp vẫn ở mức cao tại các nước phát triển… Khu vực Châu Á cũng có nhiều diễn biến mới, trước tiên được đánh dấu bằng sự trở lại của hai cường quốc Mỹ, Nga khi chính thức được tham dự vào các cuộc họp thường niên của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) kể từ năm 2011; phản ứng gay gắt của Trung Quốc trước những tuyên bố về “lợi ích” của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương làm cho tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng… Tất cả những điều này đều có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến sự phát triển của Trung Quốc trong năm 2011.

Đối với Trung Quốc, năm 2011 được coi là năm bản lề khá quan trọng. Đây là năm khởi đầu thực hiện Quy hoạch 5 năm lần thứ XII phát triển kinh tế xã hội, cũng là năm đầu tiên trong giai đoạn 2 thực hiện mục tiêu chiến lược đến năm 2020 cơ bản xây dựng xã hội khá giả toàn diện và xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa. Trong năm này, lần đầu tiên dân số thành thị đã vượt qua dân số nông thôn. Đây là kết quả của những quyết tâm và nỗ lực to lớn trong quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc, nhưng thực tế này cũng mang lại không ít những lo lắng, trăn trở.

Tuy nhiên, bằng những nỗ lực của biện pháp chính sách và hành động, Trung Quốc đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, từng bước giành được thành tựu đáng kể trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… Sau đằng sau những chỉ số tăng trưởng khả quan, Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức tiềm ẩn có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế cũng như ổn định chính trị, xã hội… như vấn đề lạm phát, bong bóng bất động sản, nợ xấu của chính quyền địa phương, bạo loạn trong nước, chênh lệch giàu nghèo, thất nghiệp, việc làm…

Trong tiến trình cải cách mở cửa, phát triển đất nước, đây cũng là một năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu tròn 10 năm Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc… Chính vì vậy, việc tìm hiểu, tổng kết tình hình Trung Quốc năm 2011 trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… cũng như những vấn đề nổi bật trong năm là một việc làm cần thiết, để Việt Nam có thể nhận diện một cách toàn diện về Trung Quốc và kịp thời đưa ra những chính sách phù hợp.

Cuốn sách “Trung Quốc năm 2011-2012” là sản phẩm của một nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Viện Khoa học xã hội Việt Nam, nội dung có kết cấu 3 chương.

Chương 1: Tình hình Trung Quốc năm 2011. Tác giả trình bày khái quát về những vấn đề nổi bật của Trung Quốc năm 2011 trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, ngoại giao, quốc phòng, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, tình hình Đài Loan và quan hệ hai bờ eo biển.

Chương 2: Tình hình phát triển kinh tế xã hội của một số tỉnh ở Trung Quốc và các vấn đề nổi bật khác. Trong chương này, tác giả trình bày và phân tích khá toàn diện về tình hình phát triển kinh tế xã hội của 4 tỉnh là Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam của Trung Quốc. Bên cạnh đó còn khái lược tiến trình 10 năm gia nhập WTO của Trung Quốc, thực trạng phát triển kinh tế đối ngoại của Trung Quốc từ sau khi gia nhập WTO và triển vọng trong thời gian tới. Đồng thời nhìn lại 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt – Trung với những thành tựu và hạn chế trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế thương mại, đầu tư trực tiếp và vấn đề biên giới lãnh thổ.

Chương 3: Triển vọng phát triển của Trung Quốc năm 2012 và một số kiến nghị. Trong đó tác giả nêu triển vọng trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, đối ngoại, an ninh quốc phòng và về quan hệ Việt – Trung cũng như tình hình Đài Loan và quan hệ hai bờ eo biển.

Với những nội dung nêu trên, có thể thấy cuốn sách đã tập trung trình bày, phân tích những thành tựu và khó khăn của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại, an ninh quốc phòng, quan hệ Việt – Trung và tình hình Đài Loan năm 2011, cũng như triển vọng phát triển trong năm 2012. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng tiến hành khái quát, phân tích tình hình phát triển kinh tế xã hội của 4 tỉnh biên giới giáp với Việt Nam là Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam, giúp cho các tỉnh biên giới phía bắc của Việt Nam nói riêng, Việt Nam nói chung hiểu biết được tình hình của “hàng xóm”, từ đó có thể thúc đẩy giao lưu, hợp tác phát triển giữa hai bên.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận