Trang chủ

NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG VĂN HÓA VIỆT NAM - NHẬT BẢN

Đăng ngày: 21-02-2013, 11:32 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 11

Trong những năm qua, cùng với sự tăng cường quan hệ Việt Nam -  Nhật Bản trên các mặt kinh tế, ngoại giao; quan hệ văn hóa giữa hai nước đã bước vào thời kỳ phát triển nhanh chóng chưa từng có. Thành tựu giao lưu văn hóa có được hôm nay không chỉ là kết quả của những nỗ lực giữa chính phủ và nhân dân hai nước mà còn bắt nguồn từ chiều sâu lịch sử lâu dài của hai dân tộc Việt - Nhật. Ngày nay, nhìn lại quá trình giao lưu đó để rút ra nhưng bài học kinh nghiệm là việc làm rất cần thiết góp phần củng cố mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước nói chung cũng như tăng cường hiệu quả giao lưu văn hóa nói riêng.

Chúng ta đều biết, Việt Nam và Nhật Bản là hai quốc gia có nền văn hóa truyền thống với nhiều nét tương đồng. Sự tương đồng đó chính là sản phẩm của cả quá trình phát triển lâu dài hàng ngàn năm trên cơ sở cùng chia sẻ những giá trị chung bắt nguồn từ hoàn cảnh kinh tế - xã hội và quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa có tính quốc tế. Có thể nói, cho đến tận cuối thời Cận thế (trước 1868), Nhật Bản vẫn là một quốc gia có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, nông dân chiếm tới 80% tổng dân số cả nước, một tình trạng cơ cấu dân số gần giống với cơ cấu dân số ở Việt Nam vào những năm của nửa cuối thế kỷ XX. Vậy là trải qua hàng ngàn năm, những cư dân ở cả hai miền đất ấy  đều lấy nông nghiệp làm nền tảng kinh tế chủ yếu. Qua bao đời, người Nhật và người Việt đều cùng lấy việc trồng lúa nước, đánh bắt cá làm kế sinh nhai chủ yếu; cùng lấy lúa gạo, rau cá làm thực phẩm chính trong bữa ăn. Vì vậy, cách nghĩ, lối sống và cả tín ngưỡng từ xa xưa của cư dân ở hai nước bên cạnh những khác biệt, có nhiều nét khá giống nhau. Dù mỗi nước có những sắc thái độc đáo riêng nhưng cách ứng xử với môi trường xung quanh, thái độ với thiên nhiên đều có những hằng số chung của cư dân nông nghiệp. Cả người dân Việt Nam và Nhật Bản từ xưa đều mang tâm thức tín ngưỡng đa thần, đều tôn thờ các lực lượng tự nhiên và tôn kính tổ tiên cũng như những vị anh hùng dân tộc. Tuy nhiên, sự tương đồng văn hóa mà chúng ta đang đề cập đến còn có một cơ sở vô cùng quan trọng khác được hình thành như một hệ quả của quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa có tính quốc tế của hai nước. Nếu như những quan hệ kinh tế giữa hai nước chỉ được thấy bắt đầu quãng từ thế kỷ XV(1) thì những mối liên hệ về văn hóa giữa hai nước đã xuất hiện từ rất sớm trước đó thông qua việc cùng tiếp nhận ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc cổ đại. Nhật Bản được coi là có tiếp nhận văn hóa Trung Quốc rõ nét từ khoảng thế kỷ thứ IV thông qua Bán đảo Triều Tiên; Việt Nam do địa thế liền kề với Trung Quốc nên những giá trị văn hóa của nền văn minh vĩ đại này đã ảnh hưởng đến còn sớm hơn nhiều. Điều quan trọng ở đây là ngay từ thuở xa xưa ấy, hai dân tộc Việt, Nhật đã cùng tiếp nhận những giá trị của Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo…để làm giàu và phát triển nền văn hóa cho riêng dân tộc của mình. Đặc biệt là ngay từ thời cổ đại, cả hai quốc gia đã cùng tiếp thu chữ Hán làm văn tự chính thống, cùng áp dụng những nguyên tắc của học thuyết Khổng giáo để xây dựng nền giáo dục, bồi dưỡng nhân tài và tổ chức bộ máy xã hội. Cho dù cách tiếp thu và phát triển những giá trị đó ở mỗi nước có những nét đặc thù, song không thể phủ nhận được rằng, chính những giá trị này đã hình thành nên những cơ sở tương đồng ban đầu vô cùng quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho những tiếp xúc văn hóa trực tiếp giữa hai nước trong những thời kỳ lịch sử về sau. Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ rất sớm người Việt Nam đã coi người Nhật Bản như những người anh em  "đồng văn, đồng chủng, đồng châu ”.

Trong một chừng mực nhất định, có thể coi quan hệ Nhật - Việt bắt đầu từ thế kỷ thứ XV(2) được đánh dấu bằng việc buôn bán giữa hai nước thông qua những thuyền buôn đến từ Nhật Bản. Tuy nhiên, sự có mặt của người Nhật ở Việt Nam và người Việt ở Nhật Bản thì sớm hơn rất nhiều. Được biết, người Nhật Bản đầu tiên có mặt ở Việt Nam là ông Nakamaro Abe - một người đã sang học tập tại Trung Quốc đời Đường. Sau khi đã thành tài ông trở về Nhật Bản. Trên đường hồi hương, thuyền của ông đã bị dạt vào An Nam (Việt Nam thời bấy giờ). Ông đã quyết định không trở về Nhật Bản nữa mà trở lại kinh đô Tràng An của Trung Quốc. Năm 753, ông được Triều đình Trung Quốc cử sang Việt Nam làm Tiết độ sứ và đã có công trong việc hòa giải những tranh chấp giữa các dân tộc thiểu số ở vùng  biên giới với Vân Nam. Một sự trùng hợp kỳ diệu là cũng ngay trong thế kỷ này, một người Việt Nam đầu tiên đã có mặt tại Nhật Bản, đó là một vị cao tăng đến dự lễ khánh thành bức tượng Phật tại chùa Todaiji của cố đô Nara vào năm 752. Còn được biết, vị cao tăng này đã trình tấu một bản nhã nhạc mà ngày nay vẫn còn được trân trọng lưu giữ bảo tồn trong Hoàng gia Nhật Bản(3). Thật đáng trân trọng khi những biểu hiện đầu tiên của sự giao lưu giữa hai dân tộc là những giao lưu văn hóa chứ không phải là những cuộc giáp chiến binh đao. Tuy nhiên, từ thế kỷ thứ XV, mối quan hệ hai nước Việt Nam và Nhật Bản được thấy rõ với những tiếp xúc thương mại và văn hóa có quy mô đáng kể. Giai đoạn này kéo dài đến năm 1635, đây là khoảng thời gian Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy buôn bán với nước ngoài, nhất là với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam trở thành một trong những bạn hàng lớn của Nhật Bản lúc bấy giờ và thuyền buôn của Nhật Bản đã đến nhiều địa điểm, nhất là những vùng ven biển khắp từ bắc chí nam. Kết quả của quá trình tiếp xúc đó đã hình thành nên những trung tâm buôn bán sầm uất như Hội An ở. Đàng Trong và Phố Hiến ở Đàng Ngoài. Nghiên cứu giai đoạn lịch sử này, các nhà nghiên cứu chú ý nhiều đến khía cạnh giao lưu kinh tế giữa hai nước, song rõ ràng về phương diện văn hóa, Nhật Bản đã để lại những dấu ấn nhất định mà biểu hiện là những công trình kiến trúc, đồ gốm sứ và nhiều giá trị văn hóa khác vẫn còn cũn được bảo tồn đến tận ngày nay tại khu vực phố cổ Hội An và một số nơi khác của Việt Nam. Rất đáng tiếc là quan hệ giao lưu giữa hai nước vào giai đoạn này diễn ra khá ngắn ngủi. Năm 1635, lo ngại trước nguy cơ đe dọa an ninh đất nước trước sự thâm nhập của Kitô giáo và người phương Tây, Chính quyền Mạc phủ Tokugawa đã ra lệnh đóng cửa đất nước. Cũng do vậy mà quan hệ mậu dịch giữa hai nước bị gián đoạn, những dấu ấn văn hóa vừa mới bắt đầu đã bị ngưng trệ.

Cho mãi đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, những ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản lại một lần nữa truyền đến Việt Nam. Sự tác động của Nhật Bản đối với đất nước Việt Nam lần này được khởi đầu bởi những âm vang về chính trị. Trong bối cảnh Việt Nam bị ách thống trị của thực dân Pháp, nhiều sĩ phu yêu nước Việt Nam đang dò tìm con đường cứu dân tộc khỏi ách ngoại xâm thì hình ảnh một nước Nhật "phú quốc cường binh" thật là có sức hấp dẫn. Đối với họ, Nhật Bản là dân tộc cũng có điều kiện giống với Việt Nam nhưng do tiến hành duy tân khai hóa, tiếp nhận văn minh kỹ thuật Âu Mỹ nên đã chẳng những không bị nạn ngoại xâm phương Tây mà còn trở thành một quốc gia hùng mạnh đánh bại cả đế quốc Nga "da trắng”. Nhiều người nuôi niềm hy vọng có thể dựa vào Nhật như dựa vào vị cứu tinh của các dân tộc "da vàng" để đánh đuổi thực dân Pháp(4).

Đất nước Nhật Bản duy tân đã mở ra trong nhận thức của các sỹ phu yêu nước tiến bộ Việt Nam thời bấy giờ một chân trời mới lạ. Ban đầu, các chí sỹ yêu nước Việt Nam mà tiêu biểu là Pham Bội Châu đã tìm đường đến Nhật Bản với niềm hy vọng có thể dựa vào Nhật Bản để đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng đất nước. Họ cho rằng, Nhật Bản là một nước “đồng văn, đồng chủng, đồng châu”, là “anh cả da vàng” và dự định “cầu viện” ở Chính phủ Nhật Bản “binh lính, vũ khí và tiền bạc” để đánh Pháp. Tuy nhiên, điều mà họ nhận thức được đầu tiên khi đến Nhật Bản lại là thấy được tầm quan trọng của vấn đề nâng cao dân trí đối với việc giải phóng dân tộc. Phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng và lãnh đạo đã diễn ra từ năm 1905 đã đưa nhiều thanh niên yêu nước Việt Nam sang Nhật Bản để học tập. Đông du của cụ Phan đã có sức ảnh hưởng mạnh mẽ với phong trào yêu nước lúc bấy giờ. Vào thời điểm cuối năm 1908, số lượng học sinh Việt Nam ở Nhật đã lên đến gần 200 người(5). Thông qua việc khảo sát “thăm các học đường và khảo sát các công việc chính trị giáo dục của Nhật Bản” mà các nhà cách mạng Phan Bội Châu cũng như Phan Châu Trinh đã thấy được tầm quan trọng của vấn đề mở mang dân trí đối với việc chấn hưng đất nước. Học tập Nhật Bản, các sĩ phu yêu nước ấy đã mô phỏng Nhật Bản để mở Đông Kinh Nghĩa Thục ở Việt Nam. Thông qua Đông Kinh Nghĩa Thục, hình ảnh một nước Nhật Bản, văn hóa Nhật Bản đã một lần nữa có dịp ảnh hưởng mạnh mẽ đến tầng lớp thanh niên yêu nước Việt Nam. Đông Kinh Nghĩa Thục quả là một nhịp cầu văn hóa đầy ấn tượng nối liền hai dân tộc Việt - Nhật trong giai đoạn đương thời.

Như vậy, có thể coi những năm đầu thế kỷ XX là một giai đoạn giao lưu văn hóa rất tốt đẹp giữa hai dân tộc Nhật – Việt. Với Đông Kinh Nghĩa thục của Phan Bội Châu, việc đề cao dân trí bằng giáo dục mà Nhật Bản là mẫu hình đã được chú ý tại Việt Nam.  Đáng tiếc là do sự cam kết tôn trọng đặc quyền của Pháp ở Đông Dương nên sau đó chính phủ Nhật Bản đã gây áp lực với cụ Phan Bội Châu và các học sinh Việt Nam, buộc họ phải rời Nhật Bản. Đến năm 1909, phong trào Đông Du coi như bị chấm dứt. Những năm sau đó quan hệ giữa hai nước trở nên rất mờ nhạt biểu hiện trên lĩnh vực thương mại với lượng kim ngạch ít ỏi, cho dù Chính phủ Nhật Bản có mở tòa lãnh sự tại Hải Phòng năm 1920 và tại Sài gòn vào năm 1921.

Trong những năm đầu của thế kỷ XX, đất nước Nhật Bản ngày một trở nên sự thịnh vượng. Chiến tranhh thế giới Thứ nhất đã đem lại cho nước Nhật quyền lợi to lớn về kinh tế và tài chính. Những năm sau đó, Nhật Bản càng khẳng định thêm vị trí kinh tế và chính trị của mình trên trường quốc tế. Dưới chèo lái đất nước của những người có tư tưởng quân phiệt, tham vọng thống trị Châu Á của Nhật Bản đã hình thành ngày một sâu sắc. Đến những năm 30 của thế kỷ XX, Nhật Bản phát động cuộc chiến tranh Đại Đông Á dưới danh nghĩa giải phóng các dân tộc Châu Á thoát khỏi ách thống trị của thực dân phương Tây nhưng thực chất là nhằm thôn tính những nước này. Sau khi xâm chiếm một lọat các nước Châu Á, tháng 9 năm 1040 Nhật Bản đã tiến vào Việt Nam, mở đầu một giai đoạn xấu nhất trong lịch sử quan hệ giữa hai nước. Trong những tháng năm có mặt tại Việt Nam, chính quyền phát xít Nhật cũng đã thực hiện chính sách truyền bá văn hóa Nhật Bản. Tại Hà Nội, Sài Gòn và các đô thị lớn, người ta bắt đầu được nghe các từ như “võ sỹ đạo”, “trà đạo”, “nghệ thuật cắm hoa”. Chính quyền thống trị Nhật Bản còn tài trợ cho nhiều tờ báo như Đông Dương tạp chí, Tạp chí Tây Á.. cùng với việc lôi kéo những nghệ sỹ người Việt làm bồi bút cho bọn phát xít quân phiệt. Bằng những việc làm như vậy bên cạnh những kết quả tuyên truyền có tính nô dịch, văn hóa Nhật Bản cũng đã hiện diện tại Việt Nam ở một mức độ nhất định.(6) Đáng chú ý là trong giai đoạn này đã có một số thanh niên Việt Nam (khoảng 20 người) được đưa sang Nhật để du học. Ngược lại cũng có một số thanh niên Nhật Bản được đưa sang học tiếng Việt tại Việt Nam. Phía Nhật Bản còn mở trường Nam Dương học viện (Nan’yo Gakuin) ở Sài gòn để đào tạo những thanh niên Nhật Bản hoạt động trên lĩnh vực thương mại và kinh doanh ở Đông Dương và Đông Nam Á. Có thể nói, việc giao lưu học tập này là để phục vụ mục đích thống trị lâu dài của chính quyền quân Phiệt Nhật Bản ở Việt Nam và Đông Dương nói chung. Tuy nhiên, tháng Tám năm 1945, phát xít Nhật đã bại trận phải tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện. Tại Việt Nam, cuộc Cách mạng tháng Tám do Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo đã dẫn tới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đem lại chính quyền về tay nhân dân lao động. Nhiều tri thức Việt Nam - sản phảm của quá trình đào tạo trong giai đoạn Nhật chiếm đóng đã trở thành những người có cống hiến to lớn cho sự nghiệp khôi phục và xây dựng kinh tế và văn hóa của đất nước, đóng góp rất tích cực cho việc hàn gắn, phát triển nhịp cầu hữu nghị giữa hai dân tộc trong thời kỳ sau đó như Tiến sỹ Lương Đình Của, Bác sỹ Đặng Văn Ngữ, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Oánh…

Năm 1945 đã khép lại một giai đoạn đen tối nhất trong quan hệ giữa hai nước để bước vào một thời kỳ mới với những giai đoạn phát triển quan hệ giữa hai nước mang những đặc thù khác nhau.

Như chúng ta biết,  tháng Tám năm 1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, sau đó không lâu Việt Nam bị chia cắt thành hai miền : miền Nam và miền Bắc. Miền Bắc với chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội; miền Nam thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hòa - chính quyền do Đế quốc Mỹ dựng lên và hậu thuẫn. Cả hai miền bước vào những tháng năm chiến tranh khốc liệt nhất như một trong những tâm điểm của vòng xoáy Chiến tranh Lạnh trên phạm vi toàn cầu giữa hai phe, một bên là Tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu và một bên là Xã hội chủ nghĩa do Liên xô làm trụ cột. Do bị ràng buộc với Mỹ, đặc biệt là bởi  “Hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ”, chính sách đối ngoại của Nhật Bản hoàn  toàn lệ thuộc vào chiến lược toàn cầu của Mỹ. Cũng vì vậy, Nhật Bản đã đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam, công nhận chính quyền Sài Gòn và chia sẻ trách nhiệm cùng với Mỹ giúp chính quyền Sài Gòn đứng vững. Quan hệ văn hóa Việt - Nhật trong thời kỳ này chủ yếu thể hiện ở quan hệ giữa Nhật Bản và Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tính cho đến ngày chính quyền bù nhìn này sụp đổ, Nhật Bản trở thành một trong những nước viện trợ ODA nhiều nhất. Trên cơ sở mối quan hệ kinh tế đó đó, văn hóa Nhật Bản đã có sự ảnh hưởng nhất định tại miền Nam Việt Nam trong giai đoạn này. Đáng chú là vào thời điểm cuộc chiến tranh ở miền Nam trở lên khốc liệt nhất (năm 1974-1975) đã có nhiều (khoảng 1000 người)(7) thanh niên tại nửa miền đất nước này sang Nhật Bản du học. Phần lớn trong số họ là những học sinh tự túc. Nhiều người trong đó đã tham gia phong trào sinh viên Việt Nam tại Nhật để đấu tranh đòi hòa bình và thống nhất đất nước. Sau khi chiến tranh kết thúc, một số đã trở về góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng tổ quốc, một số ở lại Nhật Bản làm việc đóng vai trò quan trọng cho nhịp cầu hữu nghị Nhật - Việt. Cũng trong thời gian nói trên đã có một số sách báo của Nhật như văn học, triết học, lịch sử, tôn giáo, văn hóa và một số lĩnh vực khác được dịch sang tiếng Việt và phổ biến với số lượng đáng kể tại nửa miền đất nước.

Quan hệ của Nhật Bản với chính quyền Bắc Việt Nam mãi tới những năm 1970 mới được khai thông mở đầu bằng cuộc gặp không  chính thức giữa hai bên vào năm 1971. Tuy nhiên, cho đến trước khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975, quan hệ này chỉ diễn ra chủ yếu trên lĩnh vực kinh tế; quan hệ văn hóa hầu như mờ nhạt. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, so với lượng khá đông sinh viên Việt Nam lưu học tại Nhật  thì chỉ có một số rất ít sinh viên người Nhật có trình độ đại học và sau đại học đến lưu học tại Việt Nam.

Sự thống nhất của Việt Nam năm 1975 đã mở sang một giai đoạn mới trong lịch sử quan hệ văn hoá Việt Nam – Nhật Bản. Tuy nhiên kể từ đó đến nay, cũng giống trong các lĩnh vực khác, quan hệ văn hóa giữa hai nước có những giai đoạn phát triển khác nhau với những bước thăng trầm nhất định.

Khoảng thời gian từ năm 1975 đến năm 1991 là giai đoạn mở đầu, song có những diễn biến không xuôi chiều do tác động của đời sống chính trị. Từ năm 1975 đến 1978, cùng với sự tăng cường viện trợ kinh tế từ phía Nhật Bản, quan hệ trao đổi văn hóa giữa hai nước trở nên khởi sắc. Tuy nhiên do “vấn đề Cămpuchia” xảy ra vào năm 1979 và Mỹ thực hiện chính sách “cấm vận” chống Việt Nam mà quan hệ mọi mặt giữa hai nước đã bị giảm đi. Nhất là trong trao đổi kinh tế, kim ngạch buôn bán hai chiều đạt 65,9 tỷ yên vào năm 1977, nhưng chỉ còn 32,1 tỷ yên vào năm 1982. Trong tình hình như vậy, quan hệ văn hóa giữa hai quốc gia cũng chỉ diễn ra ở những mức độ rất khiêm tốn.

Đáng chú ý là từ năm 1986, trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu tiến hành công cuộc "đổi mới", Việt Nam và Nhật Bản có những động thái gia tăng quan hệ trở lại. Các dự án viện trợ của Nhật Bản cho các hoạt động giao lưu văn hoá hai nước lúc này tuy chưa nhiều nhưng đã tạo ra những ấn tượng rất tốt đẹp về Nhật Bản trong nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên thực tế cho thấy, cho đến giai đoạn này sự hiểu biết về Nhật Bản nói chung và văn hóa Nhật Bản nói riêng ở Việt Nam còn rất hạn chế. Nhất là ở các tỉnh phía bắc, người dân chủ yếu biết đến Nhật Bản qua những chiếc ôtô Toyota, xe máy Honda đầy ma lực bắt đầu xuất hiện lác đác trên các đường phố của các thành phố lớn, những chiếc tủ lạnh Hitachi vừa đẹp, vừa bền trong một số rất ít gia đình được coi là khá giả. Còn văn hóa Nhật Bản đối với họ vẫn là cái gì đó huyền bí, xa xôi. Tình hình đó có nguyên nhân từ chỗ đông đảo người Việt Nam chưa có điều kiện giao lưu để hiểu biết rõ về văn hóa Nhật Bản.

Bắt đầu từ năm 1992, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản bước sang một giai đoạn phát triển mới. Một trong những nguyên nhân quan trọng của việc này xuất phát từ sự biến chuyển của cục diện chính trị thế giới, của khu vực và lợi ích phát triển của cả hai nước. Sự tan rã của Liên bang Xô Viết, rồi của phe Xã hội chủ nghĩa đã đánh dấu sự kết thúc Chiến tranh Lạnh trên phạm vi toàn cầu. Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đều ra sức tìm tòi những con đường phát triển phù hợp cho riêng mình để phù hợp với tình hình mới. Từ chính sách ngoại giao ảnh hưởng của Chiến tranh Lạnh, Việt Nam đã "đổi mới" mở rộng quan hệ với tất cả các nước theo phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” với tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Đối với Việt Nam, Nhật Bản là một đầu tầu kinh tế của khu vực Châu Á, là nước có tiềm năng dồi dào về vốn và công nghệ tiên tiến cũng như kinh nghiệm phát triển kinh tế. Đối với Nhật Bản thì Việt Nam là một thị trường có nhiều tiềm năng về đầu tư và thương mại. Nhật Bản rất coi trọng vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và nhìn ra xu thế hội nhập tất yếu của Việt Nam trong khu vực trọng yếu này. Chính vì vậy ngay từ năm 1990, cùng với diễn biến tích cực của tình hình Cămpuchia, quan hệ Việt - Nhật đã nhanh chóng thể hiện những diễn biến phát triển trở lại, nhưng phải đến 1992 sự thay đổi trong quan hệ hai nước mới diễn ra thực sự.  Có thể nói, quan hệ hợp tác văn hoá Việt Nam và Nhật Bản từ năm 1992 đến nay là giai đoạn diễn ra mạnh mẽ nhất và nhịp độ gia tăng nhanh nhất kể từ trước đến nay. Do khuôn khổ có hạn của một bài viết, chúng tôi chỉ điểm qua những nét chủ yếu nhất của một số lĩnh vực quan hệ văn hoá quan trọng.

Trước hết phải thấy rằng, giai đoạn giao lưu văn hóa mà chúng ta đang đề cập đến đây được phát triển trên cơ sở nền tảng của quan hệ kinh tế giữa hai nước gia tăng nhảy vọt. Ấn tượng rõ rệt nhất trong giai đoạn này là nguồn vốn ODA lớn mà Nhật Bản dành cho Việt Nam. Từ năm 1992 - 2003, viện trợ ODA của Nhật Bản cho Việt Nam đạt khoảng 8,7 tỉ USD chiếm khoảng 30% tổng ODA mà các nước dành cho Việt Nam. Từ năm 2001, Nhật Bản cắt giảm 10% ngân sách ODA cho các nước nhưng vẫn giữ và tăng kim ngạch ODA cho Việt Nam. Năm 2003, mặc dù Nhật tiếp tục cắt giảm 5,8% vốn ODA cho các nước nói chung, nhưng ODA cho Việt Nam vẫn là 91,7 tỉ Yen, giảm khoảng 1% so với năm 2002. Từ năm 2002 - 2006, tổng vốn viện trợ Nhật Bản cho Việt Nam vào khoảng 479 tỉ Yen, tương đương 4,1 tỉ USD.(8) Trong năm 2007, ODA của Nhật dành cho Việt Nam vào khoảng 1,1 tỷ USD, năm 2008 là 1,111 tỉ USD.

Trên cơ sở tăng cường quan hệ kinh tế và ngoại giao, quan hệ về văn hóa giữa hai nước cũng nhanh chóng đẩy mạnh và thể hiện những bước phát triển vượt bậc. Chúng ta có thể dễ dàng nhận rõ điều này qua một số mặt hợp tác và trao đổi văn hóa như sau:

Trước hết, Chính phủ Nhật Bản tăng cường viện trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật cho các hoạt động văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao. Về viện trợ cho các công trình xây dựng cơ sở vật chất, đã có hàng chục dự án tài trợ cho các cơ sở quan trọng như Tổng cục Thể dục thể thao, Đài truyền hình Việt Nam, các trường đại học, các học viện trên khắp các miền trên cả nước có giá trị hàng chục triệu yên mỗi dự án, có dự án trị giá lên đến 500 triệu yên như dự án dành cho Nhạc viện Hà Nội, 450 triệu yên dành cho Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh năm 1996.. Tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở vật chất cho ngành văn hóa giáo dục cũng là một lĩnh vực được chính phủ Nhật Bản đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua Việt Nam đã nhận được nhiều dự án tài trợ cho việc nâng cấp và xây mới các trường học, cung cấp trang thiết bị kỹ thuật và đồ dùng giảng dạy, học tập nhất là cho các trường tiểu học. Mỗi dự án trung bình trị giá khoảng 80.000 đến gần 90.000 USD để nâng cấp hoặc xây lại những ngôi trường mới khang trang hai tầng với những phòng học (8 đến 10 phòng) đủ tiêu chuẩn. Về đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, hiện nay hàng năm có hàng trăm sinh viên, nghiên cứu sinh sau đại học của Việt Nam đến Nhật Bản để học tập, nâng cao trình độ và được Chính phủ hoặc các tổ chức của Nhật Bản cấp học bổng. Từ năm 2000 đến 2007, Chính phủ Nhật Bản đã đào tạo giúp Việt Nam 242 thạc sĩ(9).  Năm 2008, Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý với đề nghị hỗ trợ đào tạo cho Việt Nam  1500 tiến sĩ trong những năm tới.(10)

Trong quan hệ văn hóa giữa hai nước thì các họat động giao lưu lẫn nhau có ý nghĩa rất quan trọng. Trong giai đoạn vừa qua Chính phủ Nhật Bản đã tăng cường hỗ trợ tài chính cho việc tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa giữa hai nước. Ngay từ đầu những năm 1990, đã có sự trao đổi biểu diễn của những đoàn nghệ thuật của hai nước, nhiều giáo viên tình nguyện Nhật Bản đã sang Việt Nam để dạy cắm hoa. Cùng với những hoạt động này là hàng loạt các cuộc hội thảo trao đổi thông tin về kinh tế, khoa học, lịch sử được tổ chức. Các năm tiếp theo những giao lưu văn hóa dưới hình thức trao đổi thông tin vẫn tiếp tục với mức độ cao hơn. Nhiều đoàn nghệ thuật Việt Nam, nhất là các đoàn nghệ thuật dân tộc đã sang Nhật Bản biểu diễn. Những tiết mục âm nhạc Việt Nam được biểu  diễn bằng những nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn tam thập lục ngay từ đầu đã thu hút được sự mến mộ của đông đảo khán giả Nhật Bản. Đồng thời những buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật dân tộc Nhật Bản cũng đã tạo nên sự hấp dẫn, ngưỡng mộ của người Việt Nam thông qua những loại hình độc đáo như kịch No, Kabuki…Hiện nay các họat động giao lưu văn hóa Nhật Bản diễn ra rất thường xuyên tại Việt nam. Tại thủ đô Hà Nội không kể những năm 2003, 2008 là năm kỷ niệm 30 năm, 35 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, có rất nhiều sự kiện văn hóa được tổ chức một cách rộng khắp và thường xuyên tại các thành phố và địa phương ở Việt Nam với quy mô chưa từng có; trong các năm khác hầu như tháng nào cũng có một sự kiện văn hóa như hòa nhạc, biểu diễn võ thuật, liên hoan phim, biểu diễn trà đạo, triển lãm du học hay thi hùng biện tiếng Nhật, thể hiện sự đa dạng của các hoạt động tuyên truyền văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam.

Phong trào học tiếng Nhật tại Việt Nam đang ngày một gia tăng. Nếu như tính từ năm 1986 trở về trước tại Việt Nam chỉ có một số ít các cơ sở đào tạo tiếng Nhật với quy mô hạn chế như Đại học Ngoại thương, Đại học Ngoại ngữ  Hà Nội thì sau khi quan hệ mới giữa hai nước được khai thông, việc học tiếng Nhật đã thực sự trở thành một trào lưu trong giới trẻ. Hiện nay ngoài các trường đào tạo tiếng Nhật thuộc các trường quốc lập như Đại học Ngoại thương, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học KHXH&NV Thành phố Hồ Chí Minh .v.v..còn có nhiều trường dân lập cũng tiến hành đào tạo tiếng Nhật ở những mức độ khác nhau như Đại học Dân lập Đông đô, Đại học Dân lập Thăng Long, Đại học Dân lập Phương Đông, Nhật ngữ Nangaku (Nam Học), Nhật ngữ Đông Du ...v..v. Đấy là chưa kể đến những trung tâm đào tạo tiếng Nhật cỡ vừa và nhỏ dành cho những người có quan tâm đến Nhật Bản như làm việc tại các công ty Nhật Bản, đi du lịch hay đi lao động tại Nhật Bản. Ngoài ra còn có những cơ sở đào tạo tiếng Nhật trực tiếp do người Nhật quản lý và điều hành. Hiện tại việc giảng dạy môn tiếng Nhật đang được xúc tiến triển khai tại một số trường phổ thông cơ sở của Việt Nam.

Về phía Nhật Bản, cùng với sự phát triển của quan hệ Nhật -Việt thì sự quan tâm đến Việt Nam trong những người Nhật cũng không ngừng tăng. Điều này được biểu hiện bằng ngày một gia tăng những người Nhật quan tâm đến tiếng Việt và học tập tiếng Việt tại Việt Nam hoặc tại những cơ sở dạy tiếng Việt ở Nhật Bản. Chỉ tính riêng tại Đại học KHXH & NV Thành phố Hồ Chí Minh tính từ năm 1990 đến 1993 có khoảng 1000 lượt sinh viên Nhật Bản đến học tập và nghiên cứu. Nửa đầu năm 1993 đã có khoảng 150 sinh viên Nhật Bản đến học ở khoa Việt Nam học của trường(11). Con số này tăng nhanh chóng trong những năm gần đây.

Hợp tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học xã hội cũng là một trong số các họat động sôi nổi của hoạt động giao lưu văn hóa. Năm 1991, trường Đại học Tokyo đã cử một đoàn các nhà khoa học sang Việt Nam cùng các nhà khảo cổ học Việt Nam hợp tác khai quật một số địa điểm tại Nghệ An. Các nhà khảo cổ học Nhật Bản cũng đã hợp tác với phía Việt Nam nghiên cứu đồ gốm thời Mạc…Một chương trình hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học hai nước trong những năm 1993-1995 trên quy mô khá lớn mang tên: “Chương trình nghiên cứu đồng bằng sông Hồng” được sự tài trợ của Bộ giáo dục Nhật Bản trong thời gian 3 năm. Các nhà khoa học đã tiến hành những nghiên cứu tổng thể các mặt của làng người Việt ở khu vực đồng bằng sông Hồng như các vấn đề kinh tế hộ gia đình, vấn đề thủy lợi, vấn đề môi trường, vấn đề dòng họ và lịch sử của làng. Những kết quả đạt được đã đem lại cho chúng ta những hiểu biết rất quan trọng về làng xã vùng châu thổ sông Hồng. Ngoài ra còn hàng loạt các dự án hợp tác nghiên cứu khác như “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những nhân chứng lịch sử”, “Ruộng đất, nông nghiệp và nông thông Việt Nam trong giai đoạn Cận thế”, “Nghiên cứu so sánh vai trò của nhà nước trong phát triển kinh tế ở Việt Nam và Nhật Bản”.v.v. Sự hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai nước đã làm mối quan tâm của các nhà khoa học Nhật Bản đối với Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Tính riêng Đại học Tokyo năm 2001 đã có 102 nhà nghiên cứu, giáo sư sang thăm và làm việc tại Việt Nam.(12) Các dự án hợp tác nghiên cứu của các nhà khoa học hai nước được thực hiện liên tục trong những năm qua với mọi quy mô và ngày một tăng về nhịp độ. Trong dịp kỷ niệm 30, 35 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phía Nhật Bản cũng đã tài trợ cho nhiều cuộc hội thảo khoa học và công trình nghiên cứu khoa học nhằm tổng kết, đánh giá, rút ra những kinh nghiệm để thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả hơn nữa mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đáng chú ý là những hoạt động khoa học đó có sự tham gia đông đảo của không chỉ các  nhà khoa học hai nước Việt Nam và Nhật Bản mà còn có các nhà khoa học của các nước tronng khu vực ASEAN, Trung Quốc.. Cũng thông qua những họat động đó đã thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác giữa các nhà khoa học hai nước nói riêng và trong khu vực nói chung.

Trong lĩnh vực văn học, từ những năm 90 trở lại, công chúng yêu văn học Việt Nam đã dần dần được tiếp xúc với nền văn học  nghệ thuật Nhật Bản với những tác phẩm đa dạng thuộc nhiều thể loại phản ánh cuộc sống và con người của đất nước này trên nhiều bình diện.  Điều đáng ghi nhận là các tác phẩm văn học Nhật Bản được giới thiệu rộng rãi với công chúng yêu văn học thông qua phần lớn các nhà xuất bản và các tờ báo lớn có uy tín như  Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Lao động, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Nhà xuất bản Hà Nội, Báo Văn nghệ, Tác phẩm mới, Văn học nước ngoài, Tạp chí văn học, Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á,... Bên cạnh những tác phẩm dịch người đọc còn được tiếp xúc với nhiều công trình nghiên cứu về văn học Nhật Bản, giới thiệu những gương mặt nhà văn tiêu biểu và những khuynh hướng văn học đa dạng của nền văn học nghệ thuật xứ anh đào. Thông qua mảng nghiên cứu và phê bình văn học Nhật Bản người ta được biết đến các gương mặt tiêu biểu của văn học đất nước này như Matsuo Basho, Natsume Soscki, Mori Ogai, Ykawabata Ysunari, A.Kobe, Kezaburo Oe, Haruki Murakami.. Tuy nhiên, trong lĩnh vực dịch thuật văn học Nhật Bản cũng cần nhận rõ điểm yếu hiện nay là các tác phẩm được dịch tuy đã nhiều hơn các giai đoạn trước đây, song vẫn chưa ngang tầm với tốc độ phát triển nhanh chóng của quan hệ giao lưu giữa hai nước hiện nay. Hơn thế nữa các tác phẩm văn học Nhật Bản cho đến ngày nay vẫn phần nhiều được dịch sang tiếng Việt từ một ngôn ngữ khác chứ không trực tiếp từ tiếng Nhật. Điều này không tránh khỏi những thiếu sót trong việc không chuyển tải hết nội dung và giá trị thẩm mỹ vốn có của văn học Nhật Bản với bản sắc riêng của nó.

Trong lĩnh vực văn hóa giải trí hiện nay ảnh hưởng của văn hóa của Nhật Bản ở Việt Nam khá rõ nét, trước hết phải kể đến Manga hay truyện tranh Nhật Bản. Từ những năm 1990 truyện tranh Nhật Bản đã ảnh hưởng đến Việt Nam và lập tức chiếm được sự mến mộ của các độc giả nhỏ tuổi. Cũng thông qua truyện tranh đã giúp trẻ em Việt Nam hiểu thêm về đất nước, con người, tập quán và xã hội Nhật Bản. Nói đến thâm nhập của văn hóa Nhật Bản trong lĩnh vực văn hóa giải trí tại Việt Nam không chỉ có có truyện tranh mà còn có nhiều loại hình hoạt động khác như hát karaoke. Bắt nguồn từ Nhật Bản, karaoke du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 90 và đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của nhiều lứa tuổi và tầng lớp trong xã hội Việt Nam. Được hỗ trợ bởi những thành tựu kỹ thuật âm thanh hiện đại và mức sống của người dân không ngừng được cải thiện, trong thời gian không lâu các bar karaoke đã trở thành một hiện tượng “bùng nổ” trong khắp các đô thị và lan truyền về tận các vùng nông thôn Việt Nam. Điểm độc đáo của loại hình văn hóa giải trí này là ở chỗ, nó có khả năng giúp tất cả mọi người tham gia trực tiếp vào hoạt động biểu diễn và cảm thụ âm nhạc. Cũng chính vì vậy mà tính thực dụng của nó rất cao. Loại hình hát giải trí này vẫn đang tiếp tục được thịnh hành, tuy hiện nay cũng có những biểu hiện lệch lạc do không thể hiện đúng tính chất giải trí thực sự của nó.

Trong lĩnh vực tham quan du lịch, hơn một thập niên vừa qua, khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam đã tăng nhanh và đạt số lượng đông chưa từng thấy so với thời kỳ trước đây. Nếu trong những năm của thập kỷ 90 của thế kỷ XX trở về trước, thành phần khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam chủ yếu là các thương gia, các chính khách …với số lượng hàng năm khiêm tốn thì giai đoạn sau này khác hẳn. Với sự cải thiện đáng kể những điều kiện trong lĩch vực du lịch, lượng du khách Nhật Bản đến Việt Nam ngày một đông và gồm nhiều thành phần, không chỉ còn là những thương gia, chính khách nữa mà có mặt hầu như tất cả các thành phần, lứa tuổi. Người Nhật đến Việt Nam không chỉ vì mục đích làm ăn, công cán mà còn vì mục đích thăm quan, nghỉ dưỡng. Từ năm 1995 đến nay, lượng khách du lịch đến từ Nhật Bản luôn luôn giữ con số hàng thứ 2 hoặc 3 trong số khách du lịch từ các nước trên thế giới đến Việt Nam.  Năm 2008, con số khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam dự tính đạt con số 411.557 lượt người(13). Theo một dự đoán lạc quan đến năm 2010 lượng khách Nhật Bản đến Việt Nam có thể đạt con số 1 triệu lượt khách. Điều này sẽ càng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự giao lưu văn hóa và tăng cường hiểu biết lẫn  nhau giữa nhân dân hai nước.

Đóng vai trò trong việc thúc đẩy mối quan hệ giao lưu văn hóa giữa hai nước phải kể đến vai trò của các tổ chức hữu nghị giữa hai nước mà trước hết là Hội hữu nghị Việt Nhật. Trong những thập niên gần đây Hội đã phát triển các chi nhánh rộng khắp tại các tỉnh thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Cần Thơ, v.v.. Để thúc đẩy hơn nữa mối giao lưu văn hóa giữa hai nước, tháng 5 năm 1991, Hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật thuộc Hội hữu nghị Nhật - Việt được thành lập. Thông qua các tổ hức hữu nghị này, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa được triển khai trên bình diện khắp đất nước với những hình thức giới thiệu văn hóa Nhật Bản rất phong phú từ nói chuyện về văn hóa Nhật Bản đến tổ chức giới thiệu về trà đạo, nghệ thuật cắm hoa, nghệ thuật Bonsai, trao đổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống của hai nước, tiến hành triển lãm sách báo, tổ chức cùng tham dự liên hoan phim.v.v.. Năm 2008, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam chính thức hoạt động đã tạo nên những động lực quan trọng thúc đẩy giao lưu văn hoá giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.

Như một đòi hỏi tất yếu của quá trình hợp tác phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa giữa hai nước, từ năm 1992 đến nay đã xuất hiện một loạt các cơ sở nghiên cứu và đào tạo về Nhật Bản hay nói cách khác ngành nghiên cứu Nhật Bản học tại Việt Nam đã ra đời và đang từng bước phát triển nhanh chóng. Năm 1994, Bộ giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã quyết định thành lập Khoa Đông phương học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh trong đó có Bộ môn Nhật Bản học. Cuối năm 1995, Khoa Đông phương học với cơ cấu tương tự như trên cũng đã được thành lập trong Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tại Hà Nội. Những năm tiếp sau đó, Khoa Đông phương học trong đó có môn Nhật Bản học cũng được thành lập tại một số cơ sở đào tạo tư thục bậc cao như Đại học Dân lập Phương Đông, Đại học Dân lập Đông Đô ở khu vực Hà Nội; Đại học Ngoại ngữ - Tin học (Huflit), Đại học Dân lập Hồng Bàng ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.v.v. Sinh viên tốt nghiệp các trường này đều được trang bị những kiến thức cơ bản về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ Nhật Bản bên cạnh những khả năng chuyên môn khác nhau. Hiện nay mỗi năm các cơ sở đào tạo này đã đem lại cho Việt Nam hàng ngàn người có khả năng để đảm nhận những công việc có liên quan đến Nhật Bản. Có thể nói đây là một họat động có đóng góp thật là to lớn cho quá trình phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung cũng như tăng cường củng cố mối quan hệ hợp tác Việt - Nhật nói riêng.

Một sự kiện đáng chú ý đánh dấu sự trưởng thành trong quan hệ Nhật Việt là Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) được thành lập ngay từ năm 1993. Sự ra đời của Trung tâm phản ánh tầm quan trọng của mối quan hệ Nhật - Việt và nhu cầu cấp thiết trong việc hiểu mọi mặt về Nhật Bản tại Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản có nhiệm vụ nghiên cứu Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực mà chủ yếu là kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử nhằm cung cấp những luận cứ cho việc hoạch định chính sách phát triển của đất nước và cung cấp thông tin để nâng cao hiểu biết về Nhật Bản tại Việt Nam. Hiện nay Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản đã mở rộng chức năng nghiên cứu và được đổi tên là Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á lấy việc nghiên cứu Nhật Bản là trụ cột chính, là cơ sở nghiên cứu về Nhật Bản duy nhất ở Việt Nam có đội ngũ các nhà nghiên cứu viên có trình độ, đông đảo và có khả năng bao quát mọi lĩnh vực nghiên cứu về Nhật Bản. Trung bình hàng năm Trung tâm cho ra mắt bạn đọc từ 4 đến 6 đầu sách, đem lại những tri thức mọi mặt về tình hình Nhật Bản. Ngay trong năm 2008 này, trong số đầu sách mà cơ quan công bố có nhiều tác phẩm rất đáng chú ý như “Tìm hiểu chế độ tam quyền phân lập của Nhật Bản”, “Tư tưởng Thần đạo và xã hội Nhật Bản cận-hiện đại”, “Quản lí nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp Nhật Bản”,..v.v. Đáng chú ý là Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản, nay là Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á với tư cách cơ quan ngôn luận của Trung tâm với số lượng phát hành 12 số một năm đã đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá những kiến thức về Nhật Bản, cung cấp những thông tin cập nhật và tập trung nhất về nghiên cứu Nhật Bản trong và ngoài nước cho các nhà nghiên cứu và những bạn đọc quan tâm đến Nhật Bản. Cũng trong phạm vi hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, được sự giúp đỡ của Sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, năm 2003 website Nghiên cứu Nhật Bản (http://www.ncnb.org.vn) đã chính thức đi vào hoạt động, tạo thêm một cơ sở dữ liệu cho việc tìm hiểu về đất nước và con người Nhật Bản tại Việt Nam.

Sự kiện đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là ngày 9/10/2006, trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam và Nhật Bản đã tiến hành hội đàm và ký kết tuyên bố chung Nhật-Việt về đối tác chiến lược(14). Điều này đã mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho việc tăng cường hơn nữa giao lưu văn hóa giữa hai nước trong tương lai.(15).

 

*

*  *

Nhìn lại lịch sử quan hệ văn hóa Việt Nam - Nhật Bản đã qua chúng ta thấy đó là một lịch sử lâu dài với những thăng trầm nhất định. Chặng đường 35 năm qua kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và đặc biệt là từ năm 1992 sau khi Nhật Bản nối lại viên trợ ODA cho Việt Nam (1991) là giai đoạn quan hệ giao lưu văn hóa phát triển nổi bật nhất từ trước tới nay. Hiện nay, sự giao lưu và hợp tác văn hoá giữa hai nước có rất nhiều lợi thế. Trước hết, Việt Nam và Nhật Bản là hai dân tộc gần gũi về địa lý, có nhiều nét tương đồng về văn hóa. Hàng nghìn năm cùng tồn tại trong điều kiện văn minh nông nghiệp lúa nước, cùng tiếp thu ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo đã tạo nên một cơ sở quan trọng để hai nước phát triển và củng cố mối quan hệ giao lưu và hợp tác văn  hóa lâu bền hiện nay và trong tương lai. Mặt khác, công cuộc “đổi mới” ở Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã mở ra một thời kỳ mới tốt đẹp và đầy triển vọng cho quan hệ hai nước trên nhiều mặt nói chung và trên lĩnh vực văn hóa nói riêng. Quan hệ giao lưu văn hóa Việt - Nhật trong thời gian vừa qua đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước và góp phần quan trọng không thể thiếu cho sự hợp tác phát triển trên lĩnh vực kinh tế và các lĩnh vực khác. Thông qua những hợp tác, trao đổi và giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt Nam đã tiếp thu được những kinh nghiệm nhất định từ Nhật Bản trong việc xây dựng nền văn hóa dân tộc trên cơ sở tiếp thu những thành tựu của văn hóa nước ngoài, trong việc bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống trong điều kiện mới. Nhiều giá trị của văn hóa Nhật Bản đã đi vào đời sống văn hóa hàng ngày của người Việt Nam góp phần làm phong phú và đa dạng thêm đời sống văn hóa Việt Nam đương đại.

Tuy nhiên, trong quá trình giao lưu văn hóa của Việt Nam với Nhật Bản nói riêng cũng như với các nước khác nói chung chúng ta không khỏi thấy một tình trạng hạn chế từ phía Việt Nam, đó là hiện tượng giao lưu văn hóa ít nhiều mang tính một chiều. Cụ thể là Việt Nam tiếp nhận ảnh hưởng từ bên ngoài là chủ yếu, sự ảnh hưởng theo chiều ngược lại còn rất mờ nhạt. Phải chăng đặc điểm giao lưu quốc tế của văn hóa Việt Nam hiện nay cũng có phần tương tự như giao lưu quốc tế của văn hóa Nhật Bản với nước ngoài, nhất là với các nước phương Tây trong thời gian của những thập kỷ sau kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Dù sao thì đây cũng là một tình trạng không tốt, song việc khắc phục nó quả là một vấn đề nan giải bởi phụ thuộc vào điều kiện phát triển của kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Mặc dù vậy, việc nhận thức rõ yếu điểm và tìm ra những cách khắc phục ngay từ bây giờ có lẽ cũng không phải là một việc làm quá sớm. Cùng với việc phát triển kinh tế Việt Nam cần tăng cường hơn nữa việc đầu tư phát triển văn hóa kết hợp với việc tăng cường giao lưu, học tập kinh nghiệm quốc tế trong đó có Nhật Bản để nhanh chóng khắc phục sự chênh lệnh trong sự hợp tác phát triển văn hóa giữa hai nước.

Hiện nay đang là lúc đã có đủ những yếu tố cần thiết để đẩy nhanh hơn nữa sự hợp tác toàn diện giữa hai nước. Với sự nỗ lực của hai chính phủ và nhân dân hai nước chúng ta có sơ sở để tin tưởng rằng mối quan hệ hợp tác Nhật - Việt trên mọi lĩnh vực, nhất là trong giao lưu và hợp tác văn hóa sẽ có những bước phát triển vững chắc và nhiều kết quả tốt đẹp trong những thập niên tới ngang tầm đối tác chiến lược trong thế kỷ XXI./.

 

PHẠM HỒNG THÁI

(TS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vũ Minh Giang, Đô thị cổ Hội An. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội, 1991.

2. Masaya Shiraishi: Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 1951-1987, Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội, 1994.

3. Nhật Bản, Nxb United Publishers. Xuất bản lần thứ nhất 1994-1995.

4. Bản tin sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, số 9/ tháng 3 năm 2004.

5. Dương Phú Hiệp - Ngô Xuân Bình - Trần Anh Phương (Chủ biên), 25 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản 1973-1998, Nxb KHXH, Hà Nội-1999.

6. Ngô Xuân Bình – Trần Quang Minh (Chủ biên), Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản: quá khứ, hiện tại và tương lai, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội – 2005.

7. Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản. Các số từ năm 2003 đến 2008.

8. Trường đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh-Khoa Đông phương học, Nhật Bản trong thế giới Đông Á và Đông Nam Á (Kỷ yếu hội thảo), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2003.

9. Đại học Quốc gia Hà Nội-Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Thúc đẩy nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam (Kỷ yếu hội thảo), Hà Nội – 9/2008.



(1) Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb,Tổng hợp Đồng Tháp, 1998, tr.78.

(2) Chương Thâu, Quan hệ Việt Nam- Nhật Bản trong  thời kỳ lịch sử Cổ-Trung đại. Trong cuốn “25 năm quan hệ ViệtNam – Nhật Bản 1973-1998”. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội – 1999, tr.70.

(3) Trịnh Tiến Thuận, Quan hệ văn hóa Nhật – Việt thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Thông tin khoa học Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh số 17, tháng 4/1997, tr.85.

(4) Phan Bội Châu, người sáng lập ra Duy Tân Hội và trực tiếp lãnh đạo phong trào Đông Du (1905-1909), về sau khi viết về sự kiện lịch sử đó, cụ đã nói rất rõ là: “Trong óc chúng tôi đến đây (tức là đến lúc nghe tin Nhật thắng Nga) đang có một thế giới mới mở ra” và phong trào Đông Du đưa người ViệtNam sang Nhật Bản đầu thế kỷ XX là xuất phát từ ảnh hưởng quan trọng đó.

(5) Shiraishi Masaya, “Quan hệ Nhật Bản – Việt Nam từ quan điểm học tập lẫn nhau,” Kỷ yếu hội nghị Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: quá khứ, hiện tại, tương lai. Hà Nội 2003.

(6) Hà Văn Lưỡng, Dịch thuật và văn học Nhật Bản ở Việt Nam, T/C Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 4/2003.

(7) Shiraishi Masaya, Quan hệ Nhật Bản – Việt Nam từ quan điểm  học tập lẫn nhau,  Kỷ yếu hội nghị “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: quá khứ, hiện tại, tương lai. Hà Nội 2003.

(8) http://vietbao.vn/Kinh-te/Von-ODA-Nhat-Ban-cho-Viet-Nam-Moi-ngay-mot-tang/45258015/87/

(9) http://www.tin247.com/nhat_ban_tiep_tuc_giup_ viet_ nam_dao_tao_nguon_nhan_luc-11-47768.html

(10) http://www.tin247.com/nhat_ban_luon_uu_tien_vien _tro oda_cho_viet_nam-3-79526.html

(11) Theo số liệu của Nguyễn Văn Lịch, Vài  nét về hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Nhật Bản (Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Trong kỷ yếu hội ghị “Quan hệ Việt Nam – Nhật Bản: Quá khứ, hiện tại và tương lai” Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Hà Nội, năm 2003.

(12) Furuta Motoo, Trường đại học Nhật Bản và lưu học sinh Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo “Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Quá khứ, hiện tại, tương lai, Hà Nội 2003.

0thảo luận