Trang chủ

TRUYỀN GIÁO TIN LÀNH VÀ SỰ XUNG ĐỘT VỚI HỆ THỐNG TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM THỜI GIAN QUA VÀ HIỆN NAY

Đăng ngày: 2-01-2013, 10:45 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 9

Ngay từ buổi đầu du nhập vào Việt Nam, đạo Tin Lành- một tôn giáo đặc trưng của xã hội tư sản phương Tây đã phải đối mặt và cạnh tranh hết sức gay gắt với hệ thống tín ngưỡng dân gian đa dạng của cư dân bản địa tại đây. Quá trình truyền giáo, cải đạo và chiêu mộ tín đồ của đạo Tin Lành đã gây ra một sự xung đột dù ngấm  ngầm  nhưng vô cùng quyết liệt đối với tín ngưỡng bản địa nói riêng và văn hoá truyền thống của người Việt nói chung từ thời kỳ đầu truyền giáo cho đến tận ngày nay. Tìm hiểu về vấn đề xã hội- tín ngưỡng tôn giáo - văn hoá đặc biệt này với những tác động đa chiều phức tạp của nó để rút ra những bài học cần thiết… là chủ đề khoa học lí thú và bổ ích, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hoá,  hội nhập văn hoá, sự du nhập của nhiều phong trào, tổ chức tôn giáo từ bên ngoài vào Việt Nam hiện nay.

1. Truyền giáo Tin Lành và sự va chạm với hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng cổ truyền của người Việt qua các thời kỳ

1.1. Bối cảnh tôn giáo, tín ngưỡng của người Việt và lập trường của các giáo sĩ Tin Lành trong thời kỳ đầu truyền giáo

Đầu thế kỷ XX, vào năm 1911, có 3 giáo sĩ đầu tiên của Hội Truyền giáo Tin Lành C.M.A([1]) đặt chân đến Đà Nẵng, lập trụ sở truyền giáo. Đây có thể coi là mốc khởi điểm của việc du nhập và truyền bá tôn giáo này tại Việt Nam.

Các giáo sĩ đầu tiên của Hội C.M.A sau một thời gian học tiếng bản địa, dịch Kinh Thánh ra tiếng Việt, đã bắt đầu công việc truyền giáo của mình bằng việc lập các cơ sở phòng giảng tại nhiều địa phương để chiêu mộ tín đồ.

Chẳng bao lâu, các giáo sĩ đã phải đối mặt với những khó khăn nan giải, đó là :

- Sự hiện diện lâu đời và bám rễ sâu xa của các tôn giáo hay hệ tư tưởng mang tính tôn giáo cổ truyền của người Việt mà đặc trưng là Tam giáo (Phật, Đạo, Nho) là vật cản trở rất lớn đối với việc truyền bá Tin Lành.

- Sự phổ biến tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thành hoàng và những người có công với làng, với nước của người Việt (phát xuất từ trong nghi lễ ảnh hưởng của Nho giáo), được coi là hình thức tôn giáo chính thống của người Việt và đã trở thành tiêu chí hàng đầu về khía cạnh đạo đức của mỗi thành viên trong gia đình, họ tộc, làng xóm.

- Ngoài ra, người Việt còn có một hệ thống tín ngưỡng dân gian vô cùng phong phú và phức tạp và được quảng đại dân chúng thực hành và tin theo. Ví dụ như : tín ngưỡng Tứ Phủ (thờ Bà Liễu Hạnh, Bà Chúa Ngọc), thờ các Sơn Thần, Thuỷ Thần, thờ Cá Ông, các lễ hội dân gian, và nhiều hình thức khác rất phổ biến như thuật coi địa lí, chọn ngày, định hướng, coi tuổi, bói toán, xem tướng..v.v.v.

Đây thực sự là một trở ngại đối với việc thu phục tín đồ của các nhà truyền giáo Tin Lành. Vậy, họ đã ứng phó thế nào trước thực trạng trên ?

- Trước hết, với đặc trưng của một tôn giáo độc thần, các giáo sĩ Tin Lành luôn nhấn mạnh đến nguyên tắc bất di bất dịch: chỉ thờ phụng một Đức Chúa Trời là Đấng Tối cao duy nhất, không có sự thoả hiệp với những “tà thần” của các tôn giáo khác. Bởi vậy, họ coi tất cả các tôn giáo, tín ngưỡng bản địa của người Việt đều là “mê tín, dị đoan, lầm lạc và tội lỗi của kẻ ngoại” và nhiệm vụ thiêng liêng của họ là phải “chiến đấu”(đánh trận thuộc linh) không khoan nhượng để "chinh phục dân ngoại, mở mang nước Chúa” để “cứu vớt những linh hồn tội lỗi " về cho Chúa!

- Ở một khía cạnh khác, cho dù luôn lí giải là tuân theo Kinh Thánh, duy Kinh Thánh nhưng thực ra là bắt nguồn từ truyền thống cải cách, chống lại Giáo hội Công giáo từ trong lịch sử nên đạo Tin Lành chủ trương triệt để đả phá việc thờ tranh ảnh, tượng thánh và chống lại việc thờ hình tượng (ngẫu tượng) nói chung. Khi đến Việt Nam, nhận thấy các tín ngưỡng tôn giáo tại đây rất phổ biến việc tôn thờ các tượng thần, hoặc nhiều biểu tượng tôn giáo, tín ngưỡng đa dạng khác nhau, các giáo sĩ Tin Lành Mỹ đã rất dị ứng và chống đối quyết liệt.

- Thái độ chống đối quyết liệt, không khoan nhượng của các giáo sĩ Tin Lành tại Việt Nam còn có nguyên nhân khác nữa từ đặc trưng thần học giáo phái khá bảo thủ của Hội Truyền giáo C.M.A- một tổ chức truyền giáo đa giáo phái theo chủ thuyết Can-vanh. Thêm nữa, trong lực lượng truyền giáo của mình, tổ chức này quy tập cả các tín đồ thường và các chức sắc trẻ vốn không có kiến thức hiểu biết gì về văn hoá và tôn giáo phương Đông nên phản ứng của họ tỏ ra khá cực đoan.

1.2. Diễn biến của sự xung đột tôn giáo tín ngưỡng

* Hoạt động của giới chức Tin Lành

Trước hết là sự phổ biến các ấn phẩm thần học, sách báo, truyền đạo đơn có nội dung trực tiếp hay gián tiếp đả phá, bài xích đối với các tôn giáo, tín ngưỡng bản địa hiện diện tại đây.

Trong một tài liệu xuất hiện khá sớm thời kì đầu truyền giáo với nhan đề “Chân, Giả, Luận”([2]) đã trình bày những lí lẽ mà giới chức Tin Lành nhằm hạ uy tín các tôn giáo tín ngưỡng bản địa và cổ động cho tôn giáo của họ, cụ thể như sau :

Trong điều 20 nhan đề "không thờ lạy tổ tông" các soạn giả Tin Lành bắt bẻ : "Các ông thờ lạy tổ tông được mấy đời? Thờ trong nhà chẳng qua được hai,  ba đời,  thờ  trong  họ  chẳng qua được đôi mươi đời, trước đôi mươi đời đó, há không có tổ tông xa nữa hay sao?... Cho nên chúng tôi chỉ thờ một mình Đức Chúa Trời là tổ tông của tổ tông chúng ta…”([3]).

Về mộc chủ, bài vị, sách viết: "Chúng tôi là người có đạo thật thấy những vật đó chỉ coi là khúc gỗ, còn các ông nhận mộc chủ, bài vị là nơi vong linh tổ tiên mình nương tựa... há chẳng thương tâm lắm sao? Tổ tông vẫn nên nhớ, nên kính, song điều đó nên kỉ niệm trong lòng mình, chớ không nên lập mộc chủ, bài vị mà thờ..."([4])

Đối với việc thờ thành hoàng làng, sách viết: "Không biết tại sao người ta dễ tin sự dị đoan quái gở như vậy, còn đến Đấng Chơn Thần Thượng Đế hay ban ơn xuống phước thì họ không chịu tin kính thờ phượng, thật đáng thương thay !"([5])

Về tín ngưỡng Tứ phủ, thờ Bà Liễu Hạnh và Bà Chúa Ngọc, các tác giả đả phá: "sự tích của hai bà này rất là hoang đường... chẳng qua là điều đồng bóng mơ màng của chốn thôn quê... thế mà phụ nữ miền Bắc phần nhiều tin bà là chúa tiên độ mạng, phụ nữ miền Nam nhận Bà Chúa Ngọc làm mẹ sanh, thật là lầm to! Sao không thờ Đức Chúa Trời là Đấng cầm quyền sanh, tử, nhờ Ngài độ mạng sống và cứu linh hồn cho các bà?”([6])

Ngoài ra là những lập luận đả phá về Phật giáo, Đạo giáo, Khổng giáo cùng những hình thức tín ngưỡng bình dân khác mà vì khuôn khổ có hạn của một bản tham luận khoa học chúng tôi không dẫn ra đây.

Không chỉ tuyên chiến qua việc tranh biện về lí lẽ, thần học qua phương tiện sách báo truyền giáo, các giáo sĩ Tin Lành đã đưa sự xung đột văn hoá, tôn giáo tín ngưỡng tới mức độ cao hơn khi áp dụng các phương pháp truyền giáo trực tiếp, trực diện, như: diễn thuyết ở nơi công cộng, phát sách báo, đi đến từng nhà dân để "làm chứng đạo",  tranh biện, bắt bẻ, đả phá các tôn giáo, tín ngưỡng khác ngay tại các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo của người dân bản địa.

Tình hình được ghi nhận như sau: "Khắp nơi, những nhà truyền giáo tìm cách chinh phục những người buôn bán vàng mã, làm nghề phù thủy, đoán tử vi, thầy địa lí, coi tướng, coi giò, bắt bùa, làm thuốc bằng mẹo. Họ cũng muốn biến đổi những người coi đình chùa, tin theo bóng giàn ma rọi, thờ hình tượng, thờ Quan Công, Bà Chúa Ngọc cùng rất nhiều hình thức tín ngưỡng bình dân khác trong các làng thôn Việt Nam..."([7]).

Với những tín đồ Tin Lành bản xứ đầu tiên, các giáo sĩ cũng đã đưa ra những quy định rất chặt chẽ buộc họ phải đoạn tuyệt dứt khoát với những ảnh hưởng của văn hoá truyền thống, tín ngưỡng tôn giáo bản địa tại đây.

"Tín đồ chánh thức phải là người ăn năn tội, tin nhận Đức Chúa Jêsus Christ làm cứu chúa của mình, chịu phép Báptêm ...

Không dự vào các việc hương hỏa, cúng cấp cùng các sự dị đoan. Không nên dùng hoặc buôn bán những vật không hiệp với tôn chỉ của đạo Tin Lành như là: thuốc phiện, rượu, thuốc lá, các phẩm vật thờ cúng hình tượng…”([8]). Trong mười tội mà nếu tín đồ nào mắc phải sẽ bị dứt phép thông công thì tội thờ cúng hình tượng là tội thứ nhất. Bởi vậy, những cảnh thường xảy ra là : người tin nhận đạo bỏ thờ cúng tổ tiên (hay nói đúng hơn họ không thực hiện các nghi thức thờ cúng cổ truyền), một số người, để thể hiện sự xác tín của mình đối với tôn giáo mới theo, đã phá bỏ bàn thờ, mang hương án, bài vị ra chẻ đốt. Thậm chí có tín đồ còn cực đoan mang tro, than đổ vào nơi dơ bẩn, v.v...

* Phản ứng từ dân chúng

Vì những hoạt động trên của các giáo sĩ Tin Lành, thời kì đầu, trong dân gian đạo của họ được đặt tên là "Đạo bỏ Ông, bỏ Bà", "Đạo Huê Kỳ”([9])

Đáp lại sự quá khích của các nhà truyền giáo, trong dân chúng, nhiều nơi đã diễn ra cảnh ném đá, xua đuổi, miệt thị, bài xích sự  xuất hiện của họ.

Sự va chạm giữa truyền giáo Tin Lành với các tập tục gia đình và xã hội, hệ thống tôn giáo tín ngưỡng bản địa đã gây ra những hệ quả nặng nề cho các tín đồ mới tin nhận đạo. Đáp lại sự cực đoan quá khích trong khi thể hiện đức tin mới của những người này (như đã nêu ở phần trên), gia đình, họ tộc, làng xóm những người đó đã phản ứng quyết liệt. Nhẹ là đuổi khỏi gia đình, tước bỏ quyền thừa kế, nặng hơn nữa là trói, đánh và  chặt, đốt quần áo, v.v...

Kết quả là đa số lớp tín đồ Tin lành đầu tiên đều bị gia đình, cộng đồng từ bỏ, khai trừ ra khỏi cộng đồng, phải tìm nơi khác sinh sống và làm ăn.

Đối với xã hội và con người Việt Nam, với truyền thống và tính cách dung hoà, bao dung tôn giáo, văn hoá thì đây là một hiện tượng khá đặc biệt.

1.3. Tình hình hiện nay

Cho đến nay, sau gần 100 năm truyền giáo, mặc dù xã hội cổ truyền đã có nhiều biến đổi, những người mới tin nhận đạo Tin Lành vẫn chịu một áp lực rất lớn từ phía gia đình, họ tộc và cộng đồng.

Những nghiên cứu của chúng tôi tại các chi hội Tin Lành từ Bắc vào Nam từ 2001 đến 2005 cho thấy rõ nhận định trên. Ngoại trừ số tín đồ phát triển tự nhiên từ gia đình những người theo đạo trước đây, đa phần số tân tín đồ đều thừa nhận gặp những nan đề đối với người thân, gia đình, họ tộc vì lí do cải đạo của mình.

Điều này ảnh hưởng rõ rệt lên kết quả truyền giáo của giới chức Tin Lành. Theo một thống kê của họ, tỉ lệ số người chịu Báptêm (nghi thức để trở thành tín đồ chính thức) trên tổng số người nghe truyền đạo chỉ được 1/60, chưa kể đã Báptêm rồi sau một thời gian lại bỏ đạo (chỉ còn được hơn 10%)!

Xã hội cổ truyền, và nhiều hình thức tín ngưỡng tôn giáo của người Việt đã có nhiều biến đổi theo thời gian nhưng cách thức và quan niệm truyền giáo của giới chức Tin lành thì hầu như vẫn không thay đổi.

Giới chức Tin Lành, như là sự bảo lưu truyền thống từ thời các giáo sĩ ngoại quốc luôn khẳng định “sự chân chính duy nhất” của tôn giáo mình, những vấn đề về tín lí, nguyên tắc, theo họ là không thể thoả hiệp được.

Bởi vậy, cho dù trong môi trường xã hội mới không còn chỗ cho sự đả phá, bài xích công khai các tôn giáo tín ngưỡng khác (về mặt tài liệu, sách báo) nhưng trong thực tiễn truyền giáo, những phương thức cũ vẫn được các giới chức Tin Lành duy trì.

Tại các vùng dân tộc thiểu số, việc truyền đạo, theo đạo những năm qua kéo theo sự phá bỏ tận gốc những tập tục tín ngưỡng cổ truyền, liền theo đó là những nét đặc trưng văn hoá( vật thể và phi vật thể) cổ truyền của các dân tộc. Nhiều nơi, việc truyền đạo, theo đạo, cải đạo là nguyên nhân gây ra sự mâu thuẫn trong nội bộ từng gia đình và rộng hơn là trong buôn làng, cộng đồng người dân tộc thiểu số. Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi sự mâu thuẫn văn hoá- tín ngưỡng này được các thế lực thù địch từ bên ngoài  lợi dụng vào mục tiêu chính trị, gây li khai, chia rẽ, làm mất ổn định tình hình.

2. Bàn thêm về nguyên nhân và tính chất của sự xung đột văn hoá- tín ngưỡng tôn giáo qua quá trình truyền giáo Tin Lành tại Việt Nam

2.1. Về nguyên nhân

Sự khác biệt văn hoá Đông - Tây, hay sự va chạm về tư tưởng văn hoá - tôn giáo, lễ nghi và lối sống, về nhân sinh quan và thế giới quan do Ki Tô giáo (vốn ra đời từ Trung Cận Đông nhưng mang đặc trưng văn hoá phương Tây) gây ra với các xã hội Á Đông đã được nhiều công trình và nhiều học giả bàn tới. Giờ đây, với độ lùi thời gian và với sự nhìn nhận toàn diện hơn, khoan dung hơn, nhiều vấn đề đã được lí giải.

Dưới đây, chúng tôi cũng sẽ tiếp cận dưới góc độ như vậy để bàn về vấn đề va chạm văn hoá tại Việt Nam qua trường hợp truyền giáo Tin Lành.

- Trước hết, việc tranh biện giữa các tôn giáo, tín ngưỡng và khẳng định tính “đúng”, tính “chân lí” thuộc về mình để quảng bá và phát triển tín đồ là những sự kiện thường thấy trong quá trình bành trướng của các hệ tư tưởng tôn giáo, tín ngưỡng. Việc đạo Tin Lành tại Việt Nam thời kỳ đầu truyền giáo phải nêu ra tuyên ngôn của mình, đả phá các tôn giáo,tín ngưỡng khác để thu hút và cạnh tranh tín đồ tuy có điểm hơi khác so với truyền thống phương Đông nhưng cũng là việc có thể hiểu được, tuy nhiên đây không phải là nguyên nhân chính.

- Qua sự trình bày ở phần trên, ta thấy sự va chạm nặng nề nhất của các nhà truyền giáo Tin Lành đối với hệ thống tín ngưỡng cổ truyền tại đây chính là trong sự xung đột với tục thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Thực ra thì Tin Lành không phải là nhân tố đầu tiên khơi mào cho sự xung đột này. Trước họ, các giáo sĩ Công giáo từ mấy thế kỷ trước đã gây ra mâu thuẫn và chịu nhiều hệ quả. Khởi đầu từ Trung Hoa với các giáo sĩ dòng Tên và vụ án “Nghi thức Trung Hoa” từ thế kỷ XVII, cho đến lịch sử truyền đạo Công giáo tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều sự va chạm dữ dội đối với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Trung Hoa và Việt Nam.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, nếu đạo Công giáo truyền đạo theo cách thức ồ ạt, quy gom tín đồ vào các cộng đồng biệt lập (các xứ, họ đạo) để giữ đạo, phát triển cộng đồng theo đường lối “cha truyền con nối”, răn dạy và gìn giữ tín đồ trong một môi trường tôn giáo- xã hội - cộng đồng khép kín thì đối với đạo Tin Lành, tình hình hoàn toàn ngược lại.

Vốn là tôn giáo đặc trưng của xã hội tư bản phương Tây, Tin Lành đề cao nguyên tắc cá nhân trong lĩnh vực nhận thức và thực hành tôn giáo. Các giáo sĩ luôn đề cao nguyên tắc “Đức tin không có tính di truyền”, kể cả con cái  của các giáo sĩ nếu chưa đủ 14 tuổi trở lên, chưa được học giáo lí và chưa tự mình tuyên xưng đức tin thì chưa được công nhận là tín đồ chính thức. Bởi vậy, truyền giáo theo phương thức cá nhân, tin nhận Chúa và cải đạo theo nhận thức của từng cá nhân, sống theo cách cá nhân (tín đồ Tin Lành không thích sự quy tụ vào một cộng đồng riêng biệt) là nguyên tắc và lối sống truyền thống của giới Tin Lành.

Điều này là phù hợp với môi trường xã hội và đời sống đương đại tại Âu-Mỹ nhưng khi các giáo sĩ áp dụng nguyên tắc này trong công cuộc truyền giáo vào một xã hội nông nghiệp Á Châu với đặc trưng văn hoá làng xã của người Việt thì tỏ ra bất cập và gây nên sự xung đột.

Cộng đồng làng xã của người Việt vốn có truyền thống kết cấu bền vững nhiều thế kỷ, trong đó, tín ngưỡng thờ tổ tiên và đa dạng các hình thức tín ngưỡng bình dân khác đã gắn bó chặt chẽ với thiết chế làng xã và các mối quan hệ gia đình, họ tộc, làng xóm...chi phối đời sống vật chất và tâm linh của mọi thành viên của nó. Dĩ nhiên, trong môi trường đó không có chỗ cho những con người - cá nhân,  nổi loạn, chống lại cộng đồng đó được.

Bởi vậy, dễ hiểu là vì sao khi các giáo sĩ Tin Lành áp dụng cách thức truyền đạo cá nhân, lôi kéo từng cá nhân từ trong cộng đồng đó theo đạo, đồng thời bắt buộc họ phải thể hiện sự xác tín với tôn giáo mới một cách cực đoan (chống thờ cúng tổ tiên và các hình thức tín ngưỡng khác, đập phá bát hương, bàn thờ , đốt bài vị, hương án v.v...) đã gặp phải sự chống đối quyết liệt đến như vậy từ cộng đồng dân chúng.

Do vậy, những tín đồ Tin Lành đầu tiên phần nhiều có thành phần xuất thân là công chức, nhà buôn, thị dân…những người đã rời bỏ hay không còn gắn bó với cộng đồng làng xã truyền thống và đã chịu ảnh hưởng của văn hoá văn minh phương Tây.

Ngoài nguyên nhân cốt lõi đó ra, phương pháp và cách thức truyền giáo trực diện mang tính khiêu khích của các giáo sĩ, cộng với sự thiếu hiểu biết về con người, về xã hội, về đời sống văn hoá tôn giáo tín ngưỡng của cư dân bản địa từ phía các nhà truyền giáo đã góp phần cho sự xung đột và va chạm thêm nặng nề hơn.

2.2. Tính chất và quy mô của sự xung đột văn hoá- tín ngưỡng tôn giáo

Một so sánh có tính tương đối giữa việc truyền giáo của đạo Tin Lành tại Trung Quốc và Việt Nam:

- Nếu như tại Trung Quốc, trong khoảng thời gian từ sau "chiến tranh nha phiến" đến trước phong trào Nghĩa Hoà Đoàn đã xảy ra hơn 400 vụ án tôn giáo, trong đó có nhiều vụ việc liên quan đến các Hội Truyền giáo Tin Lành mà nguyên nhân trọng yếu là do việc truyền giáo quan hệ chặt chẽ với quân xâm lược nên nhân dân thù ghét.([10])

- Đối với đạo Tin Lành tại Việt Nam, thời kỳ đầu truyền giáo, tôn giáo này không có sự dính líu trực tiếp với vấn đề chính trị - xã hội nêu trên. Lý do là khi các giáo sĩ Tin Lành Mỹ đến Đông Dương thì xứ này đã là thuộc địa của Pháp. Chính quyền thực dân Pháp vốn ưu đãi và gắn bó với giáo hội Công giáo tại đây, lo sợ ảnh hưởng từ nước Mỹ nên tìm đủ mọi phương cách hạn chế hoạt động của các giáo sĩ đến từ nước Mỹ.

Bởi vậy có thể nói rằng, sự xung đột, va chạm do các giáo sĩ Tin lành gây ra chỉ thuần tuý nằm trong lĩnh vực văn hoá - tín ngưỡng tôn giáo mà thôi.

- Về quy mô của sự xung đột văn hóa- tôn giáo tín ngưỡng:

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt cùng với đa dạng các hình thức tín ngưỡng dân gian khác tuy rất phổ biến và gắn bó với từng cá nhân trong cộng đồng nhưng lại có đặc tính là không quy tụ, hợp thành các tổ chức có quy định chặt chẽ. Thêm nữa, sự truyền đạo Tin Lành lại phần nhiều mang tính cá nhân, đơn lẻ. Bởi vậy, sự xung đột văn hoá- tôn giáo tín ngưỡng mà Tin Lành gây ra chỉ xảy ra một cách ngấm ngầm trong gia đình, họ tộc những người tin đạo và cải đạo. Sau khi theo đạo, những tân tín đồ chính là những người gây ra sự xung đột, chống đối từ phía gia đình, dòng họ, cộng đồng bằng những hành động biểu lộ niềm tin quá khích của mình. Tiếp đến, cũng chính họ lại trở thành nạn nhân của sự xung đột văn hoá - tôn giáo tín ngưỡng tuy ngấm ngầm nhưng không kém phần quyết liệt này.

3. Những vấn đề khoa học đặt ra

Trong thời gian vừa qua, trước sự phục hồi và phát triển sôi động của các tôn giáo, tín ngưỡng trong đó đặc biệt là đạo Tin Lành đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều ngành, nhiều giới, nhiều học giả.

Đã có sự tranh luận về định nghĩa Tín ngưỡngTôn giáo, nhiều ý kiến tán đồng luận điểm cho rằng tôn giáo là hình thức phát triển cao hơn của tín ngưỡng, rằng con đường tiến hoá của hình thái ý thức xã hội đặc biệt này (tôn giáo), là từ tín ngưỡng đa thần đến tôn giáo độc thần. Trong trường hợp đạo Tin Lành thì nhiều ý kiến cho rằng đây là tôn giáo tương lai của xã hội công nghiệp, hệ quả tất yếu của quá trình công nghiệp hoá, toàn cầu hoá.

Đối với hệ thống tín ngưỡng dân gian đa dạng của người Việt, nhiều ý kiến ca ngợi sự phong phú, đa dạng nhưng cũng vạch ra nhiều khiếm khuyết, nhiều yếu tố mê tín, dị đoan  ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sự phát triển của văn hoá, xã hội ….

Theo chúng tôi, đây là những vấn đề văn hoá, tín ngưỡng tôn giáo vô cùng phức tạp, cần phải tiếp cận, nghiên cứu và lí giải một cách thận trọng.

- Một điều dễ nhận ra là tín ngưỡng thờ tổ tiên, thành hoàng cùng với đa dạng các hình thức tín ngưỡng dân gian khác của người Việt bắt nguồn từ nếp sống của cư dân nông nghiệp - làng xã truyền thống đang chịu nhiều ảnh hưởng từ sự thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội. Hơn thế nữa, những hình thức tín ngưỡng cổ truyền của người Việt giờ đây đang còn phải chịu sự cạnh tranh, xâm nhập của các hệ tư tưởng tôn giáo tín ngưỡng từ bên ngoài trong bối cảnh giao lưu văn hoá, toàn cầu hoá.

- Tuy nhiên với đặc tính riêng của tư tưởng tín ngưỡng, tôn giáo là mang tính truyền thống, bảo thủ và biến đổi chậm so với hiện thực xã hội nên hệ thống tín ngưỡng dân gian cổ truyền của người Việt đã và đang diễn ra những điều chỉnh tự nhiên để phù hợp và tồn tại trong môi trường văn hoá - xã hội hiện tại.

- Sự tác động của những người làm công tác văn hoá, quản lí xã hội phải chăng phù hợp nhất là mang tính định hướng, tạo dư luận xã hội để “gạn đục khơi trong”, đề cao việc giữ gìn những truyền thống tốt đẹp, phê phán những tàn dư lạc hậu hay các yếu tố mê tín dị đoan còn tồn tại ảnh hưởng đến việc xây dựng một đời sống văn hoá lành mạnh trong nhân dân.

- Đối với đạo Tin Lành, không thể phủ nhận là với nghi lễ đơn giản, tổ chức giáo hội dân chủ, đáp ứng sự tự do cá nhân về lĩnh vực tâm linh, tôn giáo của con người trong một xã hội công nghiệp chịu nhiều áp lực… nên đang thu hút được một lực lượng tín đồ ngày càng đông.

Tuy nhiên, Tin Lành cũng không phải là cứu cánh, là “con đường cứu rỗi duy nhất” như các nhà thần học từng giao giảng. Trong lịch sử phát triển của tôn giáo này, các tín đồ luôn luôn bị đổ vỡ đức tin vì các giáo phái, giáo hội không thể “cứu rỗi” được họ. Càng đi tìm sự cứu rỗi, săn tìm và đi theo sự ra đời của nhiều giáo phái, giáo hội mới thì đa phần những tín đồ của của tôn giáo này càng cảm thấy bất lực và vô vọng. Sự khủng hoảng thần học Tin Lành ngay tại quê hương Âu- Mỹ của nó đã đẻ ra những giáo phái, những phong trào giáo phái tìm đến sự cực đoan trong nghi lễ và tổ chức, thậm chí khuyến dụ tín đồ đi đến tự sát, tự tử hàng loạt. Ngay cả các giáo phái, giáo hội được coi là chính thống cũng không hiếm sự tuyên truyền và  thực hành những giáo lí, nghi thức tôn giáo mang tính dị đoan, quá khích.

Ở khía cạnh này thì Tin Lành cũng không có tư cách gì mà bài bác và lớn tiếng đả phá “sự dị đoan, mê tín, tội lỗi” trong hệ thống tín ngưỡng dân gian của người Việt được.

Thoát ra khỏi sự tranh biện không bao giờ có hồi kết giữa các quan điểm tôn giáo tín ngưỡng, việc làm cần thiết của chúng ta là sự điều tiết các mối quan hệ xã hội (trong đó có việc truyền giáo và thực hành tôn giáo) cho sự phát triển hài hoà và đồng thuận, tránh sảy ra những mâu thuẫn, xung đột không đáng có trong xã hội.

Với mục đích đó thì mọi sự truyền giáo quá khích, gây hấn với các tôn giáo khác, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng, làm mất trật tự trị an…như phương cách mà các nhà truyền giáo Tin Lành áp dụng từ trước đến nay cần phải có các chế tài luật pháp để điều tiết./.

 

NGUYỄN XUÂN HÙNG

(Viện Nghiên cứu Tôn giáo)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chân, Giả Luận, Nhà in Tin Lành, Hà Nội năm 1932

2. Điều lệ của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (1936 - Tu chỉnh và tái ấn 1952 - 1957 - 1958),. Nhà in Tin Lành, Sài Gòn, 1958

3.  Lê Văn Thái, Bốn mươi sáu năm trong chức vụ, Cơ quan xuất bản Tin Lành, Sài Gòn, 1971.

4. Trác Tân Bình, Tôn giáo lí giải , xuất bản 9/1999, Giáo sư Nguyễn Duy Hinh lược dịch.

5. Nguyễn Xuân Hùng, Tìm hiểu những hệ quả của việc truyền giáo Tin Lành với văn hoá truyền thống và tín ngưỡng tôn giáo tại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 01 năm 2000.



([1]). C.M.A - Viết đầy đủ : The Christian and Missionary Alliance, thường được sách báo Tin Lành Việt Nam dịch là Hội Truyền giáo Phúc Âm Liên Hiệp hay gọi tắt là Hội Truyền giáo.

 

([2]) Chân, Giả, Luận, Nhà in Tin Lành, Hà Nội năm 1932. Cuốn sách này theo giới chức Tin Lành thực ra là biên soạn lại nội dung một cuốn sách của các nhà truyền giáo Tin Lành tại Trung Quốc với nhan đề : “ Tịch tà quy chính”, có bổ sung thêm những nghiên cứu, bài xích những tôn giáo và tín ngưỡng dân gian tại Việt Nam theo tác giả.

 

([3]). Chân, Giả Luận…Sdd, tr.17.

([4]).Chân, Giả Luận …Sdd, tr.9.

([5]). Chân, Giả Luận…Sdd, tr.10.

([6]).Chân, Giả Luận …Sdd, tr14.

([7]) Nguyễn Xuân Hùng, Tìm hiểu những hệ quả của việc truyền giáo Tin Lành với văn hoá truyền thống và tín ngưỡng tôn giáo tại Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 01 năm 2000, (05), tr.47-53.

([8]) Điều lệ của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (1936 - tu chỉnh và tái ấn 1952 - 1957 - 1958). Nhà in Tin Lành, Sài Gòn, 1958, tr. 8.

([9]) Lê Văn Thái, Bốn mươi sáu năm trong chức vụ, Cơ quan xuất bản Tin Lành, Sài Gòn, 1971, tr. 19.

 

([10])Tham khảo từ cuốn: Tôn giáo lí giải của Trác Tân Bình, xuất bản 9/1999, Giáo sư Nguyễn Duy Hinh lược dịch chương 9 (từ trang 620- 651).

 

 

0thảo luận