Trang chủ

VIỆC LÀM CỦA THANH NIÊN HÀN QUỐC SAU KHỦNG HOẢNG KINH TẾ 1997

Đăng ngày: 20-09-2012, 11:00 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 5

Hàn Quốc là một quốc gia có nền kinh tế phát triển, song bên cạnh những thành tựu về kinh tế, Hàn Quốc cũng phải đương đầu với nhiều vấn đề xã hội. Đặc biệt, kể từ sau khủng hoảng kinh tế 1997, thị trường lao động không ổn định, tình trạng thất nghiệp luôn là một trong những nỗi lo của chính phủ và vấn đề việc làm của thanh niên cũng không phải ngoại lệ. Bài viết này sẽ tìm hiểu thực trạng, những thay đổi trong vấn đề việc làm của thanh niên(1) và các giải pháp của chính phủ Hàn Quốc.

1. Thực trạng việc làm của thanh niên Hàn Quốc

Tình hình việc làm của thanh niên Hàn Quốc chịu tác động mạnh mẽ bởi cuộc khủng hoảng tài chính do thiếu hụt ngoại hối năm 1997. Sau cuộc khủng hoảng này thị trường lao động suy giảm nhanh chóng kể từ năm 1998. Bảng 1 cho thấy trước cuộc khủng hoảng tài chính, số lượng thanh niên không có việc làm là tương đối ít. Năm 1996, tỷ lệ thất nghiệp chung là 2% và chỉ riêng giới trẻ là 4,6%. Năm 1997, con số tương ứng là 2,6% và 5,7%. Tuy nhiên, sau khủng hoảng tài chính, nhiều lao động trở thành người thất nghiệp do các công ty buộc phải cơ cấu lại cũng như môi trường kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Kết quả là tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 7%, trong đó thất nghiệp của giới trẻ tăng đến 12,2% năm 1998. Năm 2002, thất nghiệp của giới trẻ giảm xuống 6,6% nhưng lại tăng trở lại 7,7% năm 2003 do nhu cầu trong nước bị suy giảm. Con số này cao gấp hai lần so với tỉ lệ thất nghiệp chung của Hàn Quốc (3,4%), và số lượng thanh niên thất nghiệp lên tới 383.000, chiếm 49,3% trên tổng số người thất nghiệp (777.000). Tỷ lệ thanh niên tham gia lao động (số lượng thanh niên có việc làm / tổng số thanh niên) giảm từ 46,2% năm 1996 xuống 44,4% năm 2003. Điều này phản ánh tình hình việc làm không thuận lợi cho thanh niên do các công ty cắt giảm tuyển dụng sau khủng hoảng tài chính năm 1997.


Bảng 1: Thực trạng việc làm của thanh niên Hàn Quốc

(Đơn vị: nghìn, %)

 

1996

1997

1998

1999

2000

2001

2002

2003

Tổng số thanh niên

11.743

11.724

11.651

11.461

11.243

10.952

10.651

10.368

Số lượng lao động thanh niên

5.685

5.671

5.387

5.264

5.281

5.203

5.140

4.989

Tỷ lệ lao động thanh niên

48,4

48,4

46,2

45,9

47,0

47,5

48,3

48,1

Số lượng thanh niên có việc làm

5.420

5.349

4.733

4.691

4.879

4.815

4.799

4.606

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp

4,6

5,7

12,2

10,9

7,6

7,5

6,6

7,7

Số lượng thanh niên thất nghiệp

264

322

655

574

402

388

341

383

Tỷ lệ thất nghiệp chung

2,0

2,6

7,0

6,3

4,1

3,8

3,1

3,4

Số người thất nghiệp

435

568

1.490

1.374

913

845

708

777

Nguồn: Economically Active Population Survey (National Statistic Office). National Report for ILO/Japan Youth Employment Symposium.

 

Theo một thống kê khác tại Hàn Quốc, trong số những sinh viên vừa tốt nghiệp năm 2007, chỉ có 48,7% có được công việc chính thức tại các công ty.(2) Điều này cũng đồng nghĩa với việc hơn một nửa sinh viên mới ra trường ở trong tình trạng không có việc làm hoặc phải làm những công việc không chính thức trên thị trường lao động. Những người lao động dạng này thường có thu nhập trung bình khoảng 880.000 won một tháng. Nhiều người trong số họ lúc ra trường mang đầy những hoài bão và ước mơ, nhưng khi ra ngoài xã hội bắt đầu cảm nhận thấy những khó khăn vất vả như đi trong đường hầm tối mà vẫn chưa tìm thấy lối ra.

Bên cạnh đó, cũng phải nhận thấy rằng sinh viên mới ra trường hiện nay ngày càng gặp nhiều khó khăn khi đi tìm kiếm việc làm. Nếu những năm 70, tỉ lệ khi tuyển dụng những người có bằng đại học là 1/3,2 thì bước vào thế kỷ 21 con số này tăng lên 1/13,9(3). Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay, chỉ với bằng đại học thì chưa đủ để có việc làm, cần phải có thêm những tiêu chí như có kinh nghiệm làm trợ lý, từng làm thêm, bằng cấp, nhận học bổng, tham gia các hoạt động tình nguyện,… và gần đây một tiêu chí đang rất được chú trọng là học tại nước ngoài.

Trước thực trạng này, người ta đang kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc cần phải có những đường lối đúng đắn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho thanh niên hiện nay.

2. Thay đổi về mặt cơ cấu trong thị trường lao động trẻ

Biến đổi rõ nét nhất trong thị trường lao động trẻ là sự suy giảm cơ hội việc làm cho thanh niên. Bảng 2 cho thấy tăng trưởng GDP 7% trong những năm 90 đã giảm xuống 3,1% năm 2003. Hơn nữa, hệ số tương quan việc làm (số lao động trên 1 tỷ won GDP) cho thấy mức độ gia tăng số lượng công việc trên một đơn vị GDP đạt 41,9 người năm 2002, giảm so với 68,7 người năm 1990. Sự giảm sút này được lý giải bởi lao động công nghiệp ngày càng chuyên môn hóa với việc áp dụng tự động hóa, công nghệ thông tin,… Khó khăn trong qúa trình tạo nhiều việc làm mới dẫn tới sự suy giảm trong tuyển dụng, điều này tác động mạnh đến giới trẻ, những người lần đầu tiên tham gia vào thị trường lao động.



Bảng 2: Tỷ lệ tăng trưởng GDP Hàn Quốc

(Đơn vị: %)

Năm

1963-2000

2001

2002

2003

Tỷ lệ tăng trưởng GDP

7,81

3,8

7,0

3,1

Nguồn: Korea’s GDP Growth Rate (Bank of Korea). National Report for ILO/Japan YouthEmploymentSymposium.


Những thay đổi chủ yếu liên quan đến vấn đề cung cấp lao động bao gồm  việc gia tăng mạnh số lượng sinh viên tốt nghiệp bắt nguồn từ tỉ lệ tuyển sinh của các trường đại học và cao đẳng tăng cao. Hệ quả của việc nguồn lao động dư thừa là nhiều thanh niên miễn cưỡng làm việc cho các công ty vừa và nhỏ. Số liệu trong bảng 3 dưới đây cho thấy tỉ lệ tuyển học sinh tốt nghiệp trung học của các trường đại học và cao đẳng tăng từ 33,2% năm 1990 lên 81,3% năm 2004. Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng tăng 180.000 người trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến 2003.


Bảng 3: Tỉ lệ tuyển sinh và số lượng sinh viên tốt nghiệp

(Đơn vị: nghìn, %)

Năm

1980

1990

1995

2000

2002

2003

2004

Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng

 

99

 

253

 

324

 

438

 

484

 

505

 

494

Tỷ lệ tuyển sinh

27,2

33,2

51,4

68,0

74,2

79,7

81,3

Nguồn: Education Statistics Report (Ministry of Education and Human Resources). National Report for ILO/Japan Youth Employment Symposium.

 

Mặc dù nguồn cung sinh viên tốt nghiệp tăng, nhưng số lượng công việc tốt mà họ muốn làm ở trong các công ty lớn, cơ quan tài chính, cơ quan nhà nước thì lại giảm. Do sự mất cân bằng giữa cung và cầu nên các công ty lớn không tuyển dụng hết nguồn lao động trong khi các công ty vừa và nhỏ lại thiếu (xem bảng 4). Tình trạng này kéo dài cho đến tận bây giờ với tỷ lệ thất nghiệp là khá cao.


Bảng 4: Thiếu hụt lao động ở các công ty vừa và nhỏ

(Đơn vị: người)

Năm

2000

2001

2002

2003

Mức độ thiếu lao động

9.049

14.495

204.951

138.947

Nguồn: Labor status at Small and Medium Enterprises (Small and Medium Business Administration). National Report for ILO/Japan Youth Employment Symposium.

 

Một vấn đề không thể không đề cập đó là sự suy giảm chất lượng cơ hội nghề nghiệp. Những năm trở lại đây, số lao động không chính thức, bao gồm công nhân lao động ban ngày và lao động tạm thời đã tăng thêm đáng kể. Năm 1999, chỉ có dưới 30% công nhân có việc làm chính thức (hợp đồng lâu dài). Trên thực tế, Hàn Quốc là nước có tỷ lệ công nhân có việc làm chính thức thấp nhất trong số các quốc gia thuộc OECD. Theo Cục Thống kê Quốc gia Hàn Quốc, tháng 1 năm 2000, các công nhân không chính thức chiếm khoảng 52,3% trên tổng số lao động, trong khi số công nhân tạm thời là 4,18 triệu và các công nhân ban ngày là 2,23 triệu.(4) Hơn nữa, các công nhân không chính thức này lại không được bảo vệ bởi các quyền lao động cơ bản, thậm chí còn không được hưởng các lợi ích khác như thưởng, phụ cấp giáo dục, lương hưu và nghỉ phép,…

Số liệu của một nghiên cứu gần đây cũng phản ánh thực trạng này trong thị trường lao động của thanh niên Hàn Quốc hiện nay. Trong số 278000 sinh viên mới ra trường năm 2007, không tính những người học tiếp lên cao học và tham gia nghĩa vụ quân sự còn khoảng 247000 người được chọn làm đối tượng điều tra thực trạng việc làm của Bộ giáo dục Hàn Quốc. Kết quả cho thấy, tính cả những người lao động không chính thức, tỉ lệ có việc làm là 68% cao hơn không đáng kể so với năm 2006 là 67,3%. Nhưng tỉ lệ người lao động với tư cách là nhân viên chính thức của công ty thấp nhất từ trước đến nay là 48,7% (năm 2006 con số này là 49,2%). Tương ứng với đó, tỉ lệ lao động không chính thức tăng từ 16,7% lên 17,9%.(5) Những con số này phần nào cho thấy thực trạng là nền kinh tế Hàn Quốc hiện nay không tạo thêm cơ hội việc làm cho người lao động.

Trên thực tế, vài năm trở lại đây, có hiện tượng lao động trẻ dù đã tốt nghiệp đại học nhưng vẫn muốn vào làm việc tại khu sản xuất của các công ty, nơi chỉ cần lao động tốt nghiệp cao đẳng hoặc trường nghề. Hiện tượng này đã từng xảy ra trong những năm 70-80 và nó gắn liền với sự di động lao động trong xã hội, nhưng hiện nay dường như đó là sự lấp những chỗ còn trống trong thị trường lao động. Không ít trường hợp vào làm việc trong công ty và sau khi bị phát hiện việc tốt nghiệp đại học đã buộc phải thôi việc. Cũng cần thấy rằng, nếu năm 1986 trong số những người đỗ kỳ thi tuyển công chức, tỉ lệ những người tốt nghiệp đại học chỉ là 46% thì hiện nay là 100%. Hiện nay, trong số những người lao động chính thức cũng có nhiều người có việc làm dưới hình thức lấy mất chỗ của những người có bằng cấp thấp hơn đại học. Như vậy, có thể thấy cơ cấu việc làm trên thị trường lao động Hàn Quốc nói chung, lao động trẻ nói riêng thay đổi theo xu hướng tăng tỷ trọng lực lượng lao động tạm thời, không chính thức và giảm tỷ lệ lao động có hợp đồng dài hạn hoặc hợp đồng suốt đời. Sự thay đổi cơ cấu này có tác động không đồng đều giữa các đối tượng tham gia lao động. Sự gia tăng diễn ra mạnh hơn trong nhóm các đối tượng lao động nữ so với nhóm lao động nam giới.(6)

Ngoài ra, cơ sở hỗ trợ lao động còn yếu kém như dịch vụ bảo đảm lao động về chỗ làm, hướng dẫn công việc,… cũng như hệ thống thông tin lao động, nhu cầu lao động trong các ngành công nghiệp cụ thể,…. còn thiếu hụt, chưa được cung cấp một cách hiệu quả cho thanh niên. Đó là những lý do góp phần tạo nên tình trạng thất nghiệp của thanh niên Hàn Quốc hiện nay. Vậy Hàn Quốc đã có những biện pháp gì giải quyết việc làm cho thanh niên.

3. Các biện pháp giải quyết việc làm cho thanh niên Hàn Quốc

Giải pháp cơ bản cho tình trạng thất nghiệp của giới trẻ  là tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới với một phương thức bền vững bằng cách củng cố tiềm năng phát triển nền kinh tế. Bên cạnh đó, một công việc đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu về nhân lực của ngành công nghiệp là đào tạo lao động thông qua hợp tác ngành công nghiệp trong các học viện, xây dựng một hệ thống đảm bảo quá trình chuyển từ học tập sang lao động một cách hiệu quả và nâng cao chất lượng cơ sở vật chất của thị trường lao động.

Tuy nhiên, phải mất một thời gian dài trước khi các giải pháp dài hạn này có thể mang lại những kết quả rõ ràng. Vì thế, các giải pháp tạm thời đang được thực hiện cùng lúc cho giới trẻ để họ không mất đi khả năng và động lực làm việc của mình. Các giải pháp tạm thời nhằm giảm thiểu các nhân tố cản trở nghề nghiệp của giới trẻ đang được xúc tiến, ví dụ như tạo ra những công việc năng động trong ngành kinh tế nhà nước bên cạnh đó hỗ trợ tạo công ăn việc làm trong các ngành kinh tế tư nhân, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho giới trẻ để có kinh nghiệm làm việc và tăng cường củng cố các dịch vụ giới thiệu việc làm và đào tạo hướng nghiệp.

3-1. Các giải pháp tạm thời

Chương trình về kinh nghiệm làm việc trong giới trẻ là một trong những giải pháp chủ yếu về việc làm cho thanh niên. Đây là chương trình nhằm cung cấp nhiều hơn nữa kinh nghiệm làm việc và nâng cao hiểu biết về nghề nghiệp cũng như lao động cho giới trẻ. Chương trình này gồm có hai phần, một là hệ thống hỗ trợ kinh nghiệm làm việc và hai là hệ thống hỗ trợ việc làm. Về hệ thống hỗ trợ kinh nghiệm làm việc, sinh viên các trường đại học, cao đẳng hoặc sinh viên đã tốt nghiệp được làm việc như những thực tập sinh cho các cơ quan nhà nước hoặc các công ty tư nhân để có kinh nghiệm làm việc cũng như nhận được sự giúp đỡ trong lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Hơn thế nữa, học bổng trao cho các thực tập sinh xuất sắc giúp hoàn thiện hơn quá trình thực hiện chương trình này. Còn về hệ thống hỗ trợ việc làm, các công ty thuê các sinh viên thực tập và những sinh viên này sẽ nhận được tiền trợ cấp trong 3 tháng và sau đó những sinh viên này sẽ vào biên chế và lại nhận được tiền lương trong 3 tháng tiếp theo. Cũng theo phương thức này các công ty đang được khuyến khích tiếp tục thuê thêm nhiều sinh viên thực tập.

Phát triển sâu hơn nữa khả năng hướng nghiệp cho giới trẻ “Đào tạo hướng nghiệp theo kiểu may đo”, tập trung vào kiến thức dựa trên ngành  công nghệ IT, i.e, ICT cho các sinh viên đang tìm kiếm việc làm, trong khi đó đào tạo dạy nghề chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất như đóng tàu, xe ô tô…cho học sinh cấp 3 chưa có việc làm. Trong khi đó, một giải pháp cho tình trạng thiếu nguồn nhân lực trong SMEs (các công ty vừa và nhỏ) và nạn thất nghiệp trong giới trẻ, dự án trọn gói về thất nghiệp trong giới trẻ đang được tiến hành. Mục đích của dự án là củng cố liên kết giữa đào tạo hướng nghiệp theo yêu cầu với các dịch vụ việc làm cho SMEs về cơ sở ngành nghề cụ thể.

Hệ thống dịch vụ tại một điểm duy nhất hiện đang được xây dựng để cung cấp các dịch vụ chuyển nghề, tư vấn và hướng dẫn nghề nghiệp thông qua phòng hỗ trợ nghề nghiệp cho giới trẻ tại trung tâm bảo đảm việc làm trên toàn quốc. Hơn nữa, nhờ các “chương trình tìm kiếm việc làm” nhiều công việc tạm thời được thông tin cho giới trẻ, những người thường là chưa được tuyển dụng. Qua đó giúp những thanh niên thất nghiệp có thể tìm kiếm được công việc thích hợp.

3-2 Các giải pháp trung và dài hạn

Tại Hàn Quốc chương trình làm việc khoảng 40 giờ một tuần bắt đầu triển khai ở ngành kinh tế nhà nước và các doanh nghiệp lớn có từ 1000 công nhân trở lên từ tháng 7 năm 2004. Chương trình này sẽ được áp dụng cho các doanh nghiệp có từ 300 công nhân trở lên, bắt đầu thực hiện từ tháng 7 năm 2005. Chính phủ Hàn Quốc hy vọng chương trình giảm giờ làm có thể nâng cao chất lượng lao động nhờ sự phân công lao động. Thêm vào đó để thực hiện tốt phân công lao động, chính phủ sẽ trợ cấp cho các công ty áp dụng giảm giờ làm sớm hơn ngày bắt buộc và đồng thời thuê thêm nhiều công nhân.

Lương thấp và điều kiện làm việc không thuận lợi là nguyên nhân chính khiến giới trẻ không muốn làm việc cho SMEs. Đó là lý do tại sao dự án minh bạch đang được triển khai. Dự án hỗ trợ về tài chính cho các công ty đang cố gắng xoá bỏ các điều kiện làm việc không thuận lợi này. Các dự án khác nhằm loại bỏ những nguyên nhân mà giới trẻ không muốn làm việc cho SMEs cũng đang được tiến hành. Trong đó có các dự án như cung cấp trang thiết bị cho SMEs để tránh nhiệt quá cao, mùi và bụi bặm trong môi trường làm việc. Các giải pháp khác nhằm khuyến công nhân làm việc cho SMEs lâu dài hơn và tạo ra động lực như những điều kiện phúc lợi xã hội, đào tạo trong và ngoài nước, ưu tiên công nhân của SMEs trong việc mua nhà ở.

Đào tạo hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp cho giới trẻ đang được mở rộng. Bài kiểm tra năng khiếu và mối quan tâm tới nghề nghiệp thường được áp dụng cho giới trẻ hiện đang được tiến hành đối với học sinh cấp cơ sở,  các chương trình tư vấn các loại nghề nghiệp khác nhau cho giới trẻ được triển khai và phân bổ. Các chương trình như du lịch việc làm, game việc làm, tìm kiếm việc trên mạng… đang được xúc tiến và các thông tin đa dạng về việc làm được gửi đến giới trẻ qua thư điện tử.

Cụ thể hoá các dự án trung và dài hạn về cung và cầu lao động sẽ được tiến hành và kết qủa được đánh giá trong chương trình giảng dạy, qui mô của từng tầng lớp, sự lựa chọn nghề nghiệp, đào tạo hướng nghiệp để tránh mất cân bằng giữa cung và cầu về lao động. Bên cạnh đó, xây dựng một hệ thống có thể lồng ghép các thông tin về thị trường lao động rải rác hàng loạt được lên kế hoạch để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực bằng một phương pháp tổng thể.

3-3 Các chính sách trong tương lai

Chính phủ Hàn Quốc cho biết năm 2008 sẽ là bước ngoặt cho tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ, mức độ thất nghiệp sẽ giảm do số lượng thanh niên giảm bắt nguồn từ vấn đề tỷ lệ sinh thấp. Vì thế, Hàn Quốc sẽ  tập trung vào giải quyết nạn thất nghiệp trong năm 2008. Năm 2004, chính phủ đã ban hành đạo luật đặc biệt để giảm tỷ lệ thất nghiệp và sẽ có hiệu lực trên cơ sở tạm thời trước năm 2008. Uỷ ban đặc biệt về thất nghiệp trong giới trẻ cũng sẽ được thành lập cùng với các cá nhân và nhà nước trong việc giám sát và cải tiến các phương pháp đang được thực thi nhằm giảm nạn thất nghiệp.

Hơn nữa, một chương trình mà giới trẻ sẽ được đào tạo hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp theo giai đoạn phát triển của mình, được thành lập làm cho giới trẻ có một cái nhìn đúng đắn về nghề nghiệp và nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm. Khi mà thế giới việc làm hoàn toàn được tạo dựng, người ta hy vọng sẽ đóng một phần không nhỏ tới tầm nhìn đúng đắn và khả năng tìm kiếm việc làm cho giới trẻ. Đồng thời tập trung vào mở rộng cơ sở hạ tầng cho các dịch vụ bảo đảm nghề nghiệp.

 

Tóm lại, có thể nhận thấy những thay đổi rõ nét trong thị trường lao động của thanh niên Hàn Quốc kể từ sau khủng hoảng kinh tế 1997. Đó là sự suy giảm cơ hội việc làm, sự thay đổi về mặt cơ cấu theo xu hướng tăng tỷ lệ lực lượng lao động tạm thời, giảm tỷ lệ lao động có hợp đồng dài hạn. Bên cạnh đó là vấn đề mất cân bằng giữa cung và cầu nên các công ty lớn không tuyển dụng hết nguồn lao động trong khi các công ty vừa và nhỏ lại thiếu. Hàn Quốc đã nhận thức rõ vấn đề này và đưa ra nhiều giải pháp khác nhau nhằm tạo nhiều cơ hội việc làm cho thanh niên, ổn định thị trường lao động.

 

PHAN CAO NHẬT ANH

(ThS, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. National Report for ILO/Japan Youth EmploymentSymposium, www.mhlw.go.jp/topics/2005/05/dl/tp0512-1b09.pdf

2. 低迷する大卒者の就職率, http://www.chosunonline.com/article/20071119000029

3. PGS.TS. Ngô Xuân Bình, Những vấn đề xã hội của Hàn Quốc. Nhà xuất bản Lao động Xã hội, 2007.

4. Hàn Quốc đất nước con người, Cơ quan Thông tin Hải ngoại Hàn Quốc, 2006.

5. TS. Lê Thị Ái Lâm, Cải cách và điều chỉnh thị trường lao động sau khủng hoảng kinh tế ở Hàn Quốc, Niên giám nghiên cứu Hàn Quốc 2004. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2005.

 

 

 



(1) Trong phần này, khái niệm thanh niên sử dụng trong các bảng số liệu được xác định trong độ tuổi 15-29, rộng hơn so với các nước OECD do thanh niên Hàn Quốc phải tham gia nghĩa vụ quân sự 2-3 năm.

(2) 低迷する大卒者の就職率, http://www.chosunonline.com/article/20071119000029

(4) PGS.TS. Ngô Xuân Bình, Những vấn đề xã hội của Hàn Quốc. Nhà xuất bản Lao động Xã hội, 2007, tr 44

(5) 低迷する大卒者の就職率, http://www.chosunonline.com/article/20071119000029

(6) TS. Lê Thị Ái Lâm, Cải cách và điều chỉnh thị trường lao động sau khủng hoảng kinh tế ở Hàn Quốc. Niên giám nghiên cứu Hàn Quốc 2004, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2005, tr 68.

0thảo luận