Trang chủ

VẤN ĐỀ QUY CHẾ HOÁ NGÔN NGỮ XOAY QUANH QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH “QUỐC NGỮ” CỦA NHẬT BẢN

Đăng ngày: 17-08-2012, 11:06 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2008 » Số 2

1. Hiện đại hóa và “quốc ngữ

Việc tạo ra khái niệm “quốc dân” nhất thiết không thể thiếu trong quá trình hình thành nhà nước hiện đại. Hơn nữa, khái niệm này còn giúp cho những người không quen biết nhau thấy được tính đồng nhất với tư cách là một “quốc dân”, và kết quả là (góp phần) đi đến việc tạo ra một nhà nước quốc dân.

Như chúng ta biết, một trong những công cụ làm cho mọi người hiểu được tính thống nhất là ngôn ngữ. Vì vậy, tầm quan trọng rất to lớn trong chính sách ngôn ngữ là nhà nước cần sử dụng ngôn ngữ như thế nào.

Tại những nhà nước quốc dân tiến tới hiện đại hoá thì việc lựa chọn một hoặc hai, ba ngôn ngữ quốc gia thông dụng là điều rất cần thiết. Những thành viên của nhà nước quốc dân cận-hiện đại đều có tư tưởng cho rằng họ phải có quan hệ với nhà nước. Cái mà mục tiêu của cận đại hoá được đặt vào việc thống nhất, đưa các cá nhân vào các chế độ khác nhau cũng là nhằm tới mục đích như vậy.(1)

Để đưa từng cá nhân vào các chế độ khác nhau như vậy thì cần phải xác định một kỹ thuật hiện đại nhằm tập hợp họ lại. Chẳng hạn phải chỉnh đốn, sửa sang hệ thống liên lạc đại chúng như hệ thống giao thông, truyền phát thông tin, báo chí xuất bản…. Thông qua những biện pháp nêu trên thì việc quản lí của nhà nước như: chế độ giáo dục, chế độ tham gia quân đội… sẽ được quán triệt. Thông qua các biện pháp như vậy, việc tạo ra một môi trường không gian và thời gian đồng nhất trong nhà nước quốc dân là một việc rất cần thiết.

Nhà nước quốc dân hướng tới cận đại hoá cho dù tạo ra quốc dân trong phạm vi không gian và thời gian đó, song để vận dụng có hiệu quả chế độ nhà nước, để tiếp tục nâng cao tính lưu động dân số trong việc quản lý nhà nước ấy thì đương nhiên là phải có ngôn ngữ đồng nhất. Chúng ta coi loại ngôn ngữ được đặt đúng vị trí như vậy ở đây gọi là “quốc ngữ”. Mặc dù vậy, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Edward trong cuốn sách “Ngôn ngữ” xuất bản năm 1921, nói: ‘đối với con người, ngôn ngữ là tự nhiên giống như việc đi bộ, chỉ có một điều tôi thấy nó không tự nhiên bằng sự hít thở mà thôi”.(2) Theo như Edward thì khó mà quan niệm rằng bản thân ngôn ngữ có chút ý chí lại có bạo lực về mặt cấu tạo, nhưng điều đó nó gắn kết với chế độ nhà nước sẽ chứa đựng nhiều hình thức bạo lực do nó trở thành “quốc ngữ”.

“Quốc ngữ” trở thành phương pháp quản lý hiện đại sẽ mất đi “sự tự nhiên”, bởi nó là phương pháp quản lý, nhưng mặc dù như vậy, “quốc ngữ” vẫn giành được “sự tự nhiên”, “sự tự nhiên vốn có” mới mẻ đối với nhà nước quốc dân, và được chú ý sử dụng làm đối tượng của chính sách làm vật cấu trúc nhân tạo. Nói cách, đó chính là quá trình cái gọi là “tục ngữ” được coi là “quốc ngữ”.

“Quốc ngữ” được nhận thức là tồn tại đồng đều, mọi người dân phải được học và nói như nhau. Song song với vấn đề đó, cần nhận thức ngôn ngữ đã trở thành “quốc ngữ” là văn minh, là tiến bộ, và tiếp tục tăng thêm sức ép đối với “phương ngôn”, các ngôn ngữ khác không được coi là “quốc ngữ”.

“Tục ngữ” vốn dĩ không có biên giới và là cái không có liên quan gì với biên giới. Có thể nói rằng việc cấu trúc “quốc ngữ”  cũng là thao tác kéo đường biên giới ngang với ngôn ngữ tự nhiên. Cứ một lần kéo đường biên giới vào ngôn ngữ thì ngành cơ học phát huy tác dụng làm cho “quốc ngữ” phải được nói như nhau trong nội bộ biên giới được gọi là đường biên giới ấy. Có nghĩa là, cùng với việc đưa “tục ngữ ” vào “quốc ngữ”, người ta sẽ tiến hành thao tác dựa theo ý đồ của chính sách riêng tiếp tục cấu trúc nên “quốc ngữ”.

Cụ thể là, phải bắt đầu từ việc tuyển định “tiêu chuẩn ngữ”, tiếp theo là biên soạn từ điển, sách ngữ pháp cách việt chính tả, chữ viết v.v... và đây là một sự nghiệp có tính quốc gia. Ví dụ, việc biên soạn từ điển về cơ bản được xây dựng trên cơ sở sự cố gắng của cá nhân, nhưng việc đó được coi là một kim tự tháp lớn của “nền văn hóa nhân dân” và tính chuẩn mực của từ điển (bỏ những từ không “tiêu chuẩn”) được xác lập.(3)

Từ vấn đề trên, nếu tập hợp những điều kiện cần có của “quốc ngữ” thì ta có thể thấy như sau:

- 1. (Yêu cầu trong ngôn ngữ) Phải được trang bị tương xứng với quy chuẩn (tuyển chọn loại chữ viết xác định tiếng phổ thông, ban hành cách viết chính tả, chuẩn hoá từ vựng v.v...)

- 2. (Yêu cầu ngoài ngôn ngữ) Có đủ đạo cụ động viên quần chũng.

3. Phải làm cho ngôn ngữ trở thành ký hiệu ngôn ngữ thống nhất mang tính lịch đại đồng đại.

4. Đảm nhiệm các chế độ nhà nước hiện đại như giáo dục, quân đội, pháp luật.

2. Về cấu trúc “quốc ngữ”  ở Nhật Bản vào thời Minh Trị

2.1. Cấu trúc đồng đại – Tính đồng đều về thời gian và không gian của nhà nước nhân dân

Tôi muốn vừa lưu ý tới những vấn đề này vừa suy nghĩ về quá trình cấu trúc của “quốc ngữ”  Nhật Bản hiện đại.

Nhật Bản sau thời Minh Trị duy tân đã tiến lên hiện đại hoá nhanh chóng với hai khẩu hiệu lớn là “Phú quốc cường binh” và “Chấn hưng sản nghiệp”. Có hai vấn đề lớn nhất do “quốc ngữ” yêu cầu: một là chức năng tiến hành có hiệu quả việc đưa các chế độ của phương tây vào Nhật Bản (hiệu quả hoá). Hai là để động viên quần chúng nhằm hiện đại hoá, cần làm cho mọi người hiểu được và nâng cao kiến thức (quần chúng hoá).

Từ năm đầu Minh Trị đã có nhiều bài viết về cách dùng ký tự như chuyên luận về Hiragana, chuyên luận về chữ cái la-tinh. Cùng với các chuyên khảo trên, vấn đề tổ chức cho quần chúng học chữ đều nhằm mục đích phổ cập kiến thức hiện đại của phương tây. Ví dụ: Trước hết phải nói tới tác phẩm “Bàn về sửa đổi quốc ngữ” của Nambu Yoshihisa năm 1869 (Bàn về việc sử dụng chữ La-tinh, kiến nghị lên Giám đốc đại học đầu tiên Yamauchi Yodo, kiến nghị lên Bộ giáo dục năm 1871-72); tiếp đến là tác phẩm của Maeshima Hisoka: “Kiến nghị về quy chế giáo dục quốc văn”, “Phương pháp thực thi giáo dục quốc văn”, “Ý kiến riêng về việc bỏ chữ Hán” (Bàn về cáhc sử dụng chữ Kana, đề nghị lân Hạ viện.) v.v... rồi tác phẩm “Bàn về cách sử dụng tiếng Anh dễ hiểu” của Mariari Nori (năm 1873), tác phẩm “Bàn về những hạn chế của chữ Hán trong cách dạy chữ” của Fukuyama Yikichi (năm 1873); các bài tham luận do “Tạp chí Minh Trị 6” triển khai tổ chức. Đồng thời, các tổ chức mới cũng được hình thành, ví dụ như việc thành lập Hội Kana (1883), Hội chữ La-tinh (1885).

Luận điểm chính của các bài tham luận vào thời điểm ấy là để “khai hoá văn minh” và “giác ngộ quần chúng” thì nên dùng loại chữ nào là hợp lý. Đó là luận điểm cho rằng chúng ta tiếp nhận như thế nào thật hiệu quả các thành tựu của văn minh phương Tây = văn minh “Thế giới” – nơi khởi nguồn “văn minh”, và truyền đạt những thành tựu văn minh ấy cho “quần chúng” như thế nào cho thật hiệu quả, vấn đề tổ chức dạy chữ có hiệu quả cho họ như thế nào?...

Ví dụ: Nhà tư tưởng khai sáng Nishi Amane (Năm 1829-1897) đã nêu 10 ưu điểm của chữ La-tinh đồng thời nhấn mạnh khía cạnh “khai sáng” rằng “cho đến cả máy móc, đồ vật không cần dịch nghĩa mà cứ sử dụng nguyên chữ, tên gọi của các thành quả văn minh phương Tây cũng không dịch nghĩa mà cứ để từ nguyên. Nói cách khác, “biết được 26 chữ cái ABC thì dù ít chữ nhưng nếu học được cách phiên âm và cách đọc thì con gái cũng đọc được sách của con trai, kẻ thô bỉ cũng đọc được sách của quân tử và tự mình có thể viết ra được ý kiến riên”(4). Đồng thời một học giả nghiên cứu thực vật Yatabe Ryokichi (1851-1899) đã coi việc phiên âm chữ  la-tinh là “những năm gần đây đã tránh được những việc khó như đã dịch được nhiều những thuật ngữ về học thuật từ phương Tây.”(5)

Thế nhưng về vấn đề văn tự viết thì không thể không quan tâm vấn đề hình thức câu, từ vựng. Nếu dùng chữ la-tinh hay chữ Kana mà không dùng chữ Hán và không sử lý được vấn đề từ Hán thì sẽ không có hiệu quả bằng cách dùng lẫn cả chữ Hán và Kana, vì cách dùng này phân biệt được từ đồng âm dị nghĩa. Cho dù có cho thêm “tính quần chúng” mà nếu không cố gắng tìm kiếm hình thức câu văn gần với ngôn ngữ nói (không phải loại câu văn cổ đọc Hán văn theo KUN) thì hiệu quả của nó cũng rất thấp. Hơn nữa, cho dù có bỏ cách dùng Hiragana truyền thống và thay bằng bằng chữ la-tinh hoặc chữ cái thì cũng không thể có được “tính quần chúng”. Thực tế, phải đợi đến khoảng trước sau năm 1900 – năm có được sự thúc đẩy bành trướng ra nước ngoài thì mới xuất hiện một cơ quan quản lý chính sách ngôn ngữ có ý chí và khả năng làm thay đổi hệ thống ký hiệu với quy mô lớn. Trong tình hình như vậy, Hội chữ la-tinh không thể hiện được rõ ràng xu thế tiến tới thể văn chữ viết thì nay đã kết thúc vì không phát huy được đầy đủ chức năng của nó. Có thể nói, nguyên nhân mang tính quyết định là các tổ chức trên đã không có được tầm nhìn vững chắc xem cần mở rộng tiếng Nhật với hình thức như thế nào trong nhân dân để thể hiện nội dung đó?(6).

Vấn đề thể văn được cụ thể hoá ở mức độ những ý kiến thống nhất giữa văn nói và văn viết đã rộ lên vào những năm trước và sau năm 1890. Mặt khác, còn do nhiều nguyên nhân như sự thay đổi về hình thức đọc sách (chuyển từ đọc ra tiếng sang đọc bằng mắt)(7), tỷ lệ học sinh lên lớp tăng, phương tiện truyền thông đại chúng vấn đề xây dựng luật v.v... được hoàn thiện bằng hình thức thể văn vừa việc bằng chữ Hán xen lẫn chữ Kana. Kết quả là hình thức ghi chép này đã được xác định. Nhưng cuộc vận động thống nhất giữa văn nói và văn viết không những phải chú ý vấn đề viết như nói mà còn phải chú ý tới ý nghĩa của thể văn mới được tạo ra. Trong tình hình như vậy, cần phải được gọt dũa với tư cách là một ngôn ngữ đảm trách vấn đề ngôn luận.(8)

Đến khoảng năm 1890, chế độ của nhà nước nhân dân hiện đại dần dần được hoàn chỉnh. Về pháp luật, năm 1880 có luật hình sự, năm 89 có Hiến pháp Đế quốc đại Nhật Bản và năm 90 công bố Luật dân sự. Về giáo dục, năm 1872 công bố chế độ học tập, năm 76 tuy chưa đầy đủ nhưng chế độ giáo dục bắt buộc (nghĩa vụ) đã được quy định theo pháp luật giáo dục. Nhưng đến năm 1886 thì chuyển sang pháp lệnh nhà trường mang đậm màu sắc chủ nghĩa dân tộc, tức là mang đậm màu sắc của chế độ nhà nước về giáo dục. Năm 1890, công bố chỉ dụ của Thiên hoàng về giáo dục nói rõ con đường của quân thần nho giáo. Về quân đội, năm 1873 có pháp lệnh binh dịch. Về bưu điện, bắt đầu từ năm 1871, ngay sau Duy tân, các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí đã bắt đầu hoạt động. Nói về báo chí, cùng với cao trào tự do dân quyền, báo chí chính luận, tuy không những không phát triển nhưng đến năm 1875 đã có được điều lệ về báo chí.

Cho dù thể văn dùng chữ Hán xen lẫn Kana ổn định đi chăng nữa, thì thực tế thể văn cổ – Thể Hán văn đọc nôm có từ trước vẫn chứng minh rằng: Thể văn dễ hiểu được coi là hình tượng cụ thể của “quốc ngữ” vẫn không được thiết lập. Về điểm này, từ sau những năm 1930, với hình thức gọi những thuật ngữ pháp luật, thuật ngữ y học, thuật ngữ giáo dục v.v... là phong trào “khẩu ngữ hoá” song song với cuộc bàn luận về cải tiến chữ viết, nhà nước triển khai những việc liên quan như phổ cập tiếng Nhật ở nước ngoài(9).

2.2. Cấu trúc lịch đại – Lịch sử hoá không gian và thời gian của nhà nước nhân dân.

Như vậy, “quốc ngữ” cần có tính nhất quán với chế độ nhà nước hiện tại là một tiền đề mang tính thống nhất của “quốc ngữ” trong hiện tại có tính đồng đại nhưng chỉ có thế thì cấu trúc của “quốc ngữ” có nghĩa là chưa thể thành chế độ được. Cần phải tạo ra các loại cấu trúc để có thể đi ngược dòng thời gian và không gian có tính lịch đại của nhà nước nhân dân hiện tại mang tính đồng đại. Lịch sử quốc ngữ cũng phải được chỉnh đốn như quốc sử, như lịch sử văn học trong nước đã được chỉnh đốn trong thời hiện đại.(10)

Ở đây xin nêu một văn kiện của Ueda Kazutoshi (1867-1937) một học giả quốc ngữ đã yêu cầu Giám đốc Đại học Teikoku thiết lập phòng nghiên cứu quốc ngữ vào năm 1895.

Nếu suy nghĩ thận trọng thì tôi thấy quốc ngữ của đế chế Đại Nhật Bản chúng ta là ngôn ngữ biểu lộ tư tưởng quốc dân ta từ thời Hoàng Tổ, Hoàng Tông đế nay. Đó là dòng máu tinh thần của dân tộc Yamato. Có được tính chất quốc dân nhờ sự kết hợp của nhân chứng, nhờ có tăng cường củng cố, và thực hành giảng dạy nên quốc ngữ cần được nghiên cứu lịch sử trước đây, khảo sát kỹ tình hình hiện tại. Đồng thời vấn đề đưa quốc ngữ đạt tới thịnh vượng trong tương lai phải coi là nghĩa vụ cần phải làm của nhà nước. Ngày nay, do chế độ lập hiến quốc ngữ đã được xác lập và ổn định về phương châm giáo dục, cho nên không cần thiết phải bàn cãi nữa. Tất nhiên, lãnh thổ của đế chế được mở rộng trong mùa thu chưa từng có mở ra ánh hào quang cho đất nước. Vấn đề quốc dân ta phải chuyên tâm học tập là biện pháp để quốc dân đem hết khả năng của mình làm tròn nghĩa vụ. Tôi tin tưởng rằng, việc lập ra phòng nghiên cứu quốc ngữ trong trường đại học văn khoa tập hợp các tư liệu nghiên cứu ở đây, đào tạo con em có trình độ ở đây, bước đầu tiến hành giải thích từng bước phù hợp với thời kỳ lịch sử bằng phương pháp và tri thức tỷ mỉ nhưng khoa học từ các phương diện giáo dục rộng lớn và sâu sắc này...(11).

“Lãnh thổ của đế chế được mở rộng” là chỉ lãnh thổ Đài Loan chiếm được trong chiến tranh Nhật – Thanh năm 1895. Theo năm kiện này thì “quốc ngữ” là “dòng máu tinh thần của dân tộc Yamato” có “tính lịch sử”, sự liên kết dựa vào “quốc ngữ” đã tăng cường, việc giáo dục quốc dân trở thành khả năng thực hiện, nên quốc ngữ “mang tính chất quốc dân”.

“Quốc ngữ” được mọi người hiểu là loại ngôn ngữ có từ lâu xuyên suốt lịch sử cùng với nhà nước cổ đại. Hơn nữa, tôi muốn lưu ý rằng, quốc ngữ được nêu lên cùng với hoàng tộc Thiên hoàng “vạn thế nhất hệ” là hệ tư tưởng chính thống của nhà nước Minh Trị. Và để nghiên cứu “quốc ngữ” có “lịch sử” và “hệ tư tưởng” như vậy, làm rõ “lịch sử trong quá khứ”  “tình hình trong hiện tại” “phồn vinh trong tương lai” bằng trí thức và phương pháp chặt chẽ khoa học thì chủ trương của Ueda là phải thiết lập phòng nghiên cứu quốc ngữ trong trường đại học Teikoku.

Xin nhắc lại rằng, một nhà nước nhân dân hiện đại đòi hỏi cần phải thiết lập một ngôn ngữ biến thể chung có thể bao trùm phạm vi cư trú của những người được coi là “nhân dân” ở trong hiện tại đồng đại. Như đã nói ở trên, đó là tình trạng không thể thiếu được để xoay chuyển có hiệu quả các chế độ nhằm duy trì điều hành tốt nhà nước nhân dân trước hết về pháp luật.

Thế nhưng, để tạo ra thể thống nhất là những thành viên của nhà nước nhân dân thì chỉ riêng thể thống nhất ấy trong hiện tại đồng đại là không đầy đủ, mà phải tạo ra thể thống nhất được bảo đảm trong “tính lịch sử” “tính truyền thống”. Ví dụ: để cách nói “quốc ngữ một ngàn năm trước”, “quốc ngữ một trăm năm trước”  không mất tự nhiên thì cần phải làm cho mọi người có ý thức rằng cách nói đó vừa chuyển sang “quốc ngữ” hiện nay vừa được tiếp tục kéo dài mãi mãi. Chẳng hạn, không thể nắm được ý nghĩa của những câu văn của tác phẩm “câu chuyện chặt tre” được sáng tác ở giữa thế kỷ thứ 9 nếu ta tìm hiểu chúng ở hai thời điểm: hiện tại và giữa thế kỷ 9, nhưng nếu sự chuyển biến trong thời gian ấy được làm rõ thì có thể gắn kết hai thời điểm ấy với nhau. Từ những thực tế ấy được nhân lên, con người dần dần có được ý thức có chung về lịch sử và “truyền thống”. Bằng những thực tế tích luỹ như vậy đã nảy sinh ý thức có chung “lịch sử” và “truyền thống”. Sở dĩ môn “cổ điển” được giảng dạy ở “Khoa quốc ngữ” trong chương trình giảng dạy nhà trường cũng là vì lý do như vậy.

Vấn đề này không phải chỉ đòi hỏi có hiệu quả tốt mà còn cần có tác dụng là tượng trưng của sự thống nhất quốc dân ngay trong “quốc ngữ” giống như quốc ca, quốc kỳ vậy. Hơn nữa còn phải được chấp nhận tính tinh thần, tính dân tộc quá độ.

2.3.“Tinh thần nhân dân chứa đựng trong quốc ngữ”.

Một ví dụ rõ rệt về tinh thần đó là chủ trương “giữa quốc ngữ và nhà nước”(12) trong bài nói chuyện của Ueda Kazutoshi nhân dịp về nước năm 1894, ông là một sinh viên được ông Kato Hiroyuki (1836-1916) hiệu trưởng trường đại học Teikoku Tokyo cử đi du học ở Đức (học ngôn ngữ) từ năm 1890. Trong bài này, Ueda có nêu ý kiến rằng: “quốc ngữ” là “ngôn ngữ của quốc gia”, phải coi “tiếng Nhật là ngôn ngữ của 40 triệu đồng bào chứ không thể chỉ là ngôn ngữ của 100 ngàn hay 200 ngàn xã hội thượng lưu hoặc là xã hội học giả.” Đồng thời phải  nhận thức được rằng: “Dù đến Chishima hay Okinawa” đều là lãnh thổ của nhà nước Nhật Bản, trong đó “một dân tộc” đã tạo ra một nhà nước trên cơ sở sự ra đời lịch sử chung, hơn nữa vấn đề một dân tộc, một nhà nước phải được coi là “một sự kiện vui mừng lớn của nhà nước”. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng: “nhân mùa thu có một sự kiện lớn, nhân dân Nhật Bản chúng ta tạo ra được phong trào cùng hợp tác điều đó chủ yếu dựa vào tinh thần Yamato trung quân ái quốc và ngôn ngữ chung của một nước, của một dân tộc Yamato”. Nhật Bản là một hình mẫu lý tưởng của nhà nước nhân dân “một nhà nước, một dân tộc, một ngôn ngữ”.

Đồng thời, Ueda còn coi tình yêu đối với “quốc ngữ” là không thể tự lựa chọn giống như tình yêu đối với người mẹ và khi giải thích tình yêu đối với “tiếng mẹ đẻ” thì cũng không có quyền lựa chọn. Điều đó nói lên rằng tình yêu đó cũng giống như tình yêu đối với nhà Thiên hoàng(13). Coi “quốc ngữ” là “dòng máu tinh thần” của Nhật Bản, “quốc ngữ” là ngôn ngữ thể hiện đồng bào về mặt tinh thần. Xin dẫn giải đoạn văn sau:

Ngôn ngữ đối với người dân sử dụng ngôn ngữ đúng như dòng máu thể hiện đồng bào trên cơ thể, thể hiện đồng bào về mặt tinh thần, nếu ví cái đó là quốc ngữ Nhật Bản thì phải coi tiếng Nhật là dòng máu tinh thần của người Nhật. Quốc thể của Nhật Bản phải được duy trì với dòng máu tinh thần ấy, người Nhật Bản phải được sống phân tán các nơi để tăng cường tinh thần đó thật mạnh mẽ, bảo tồn lâu dài mãi mãi, hơn nữa, một khi có đại hoạ thì chừng nào tiếng nói ấy còn vang lên, 40 triệu đồng bào bất cứ lúc nào vẫn lắng nghe, bất cứ nơi đâu cũng đi tới, giúp đỡ nhau đến cùng, dù phải chết cũng xả thân. Từ đó khi có tin vui thì dù là ở Chishima, ở Okinawa cũng đều cả nước cùng nhau chúc mừng Thiên hoàng hàng mấy ngàn năm còn mãi.

Để dấy lên “ý thức nhân dân” như vậy, “quốc ngữ” là yếu tố không thể thiếu được, cho nên có chủ trương cần phải “nghiên cứu quốc ngữ”, “sửa chữa bổ sung đối với quốc ngữ”.

Một điều tôi muốn lưu ý là bài diễn văn này được trình bày giữa lúc cuộc chiến tranh Nhật – Thanh nổ ra, đã lên tiếng đòi “độc lập” từ “China” về văn tự hoặc là về văn học như sau: Tuy coi “China” từ sớm đã là kẻ đã chết trong con mắt về phương diện vũ lực của Nhật Bản nhưng “Thế nhân vẫn không nhận ra cái hại của việc dùng chữ Hán của China, dùng nhiều từ Hán bằng chữ Hán, hơn nữa nhiều cụm từ của người China dùng cũng tự do đưa vào câu văn tiếng Nhật. Vì vậy buổi bình minh của tiếng Nhật, văn Nhật có thể trụ vững sẽ phải đợi đến bao giờ?” Đó là tiếng nói đồi “độc lập” từ “China” về văn tự hoặc về văn học. “Quốc ngữ” cần được sử dụng ngay cả trong quan hệ quốc tế. Mặc dầu vậy, tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề là tại thời điểm mà Ueda đã nói rằng “quốc ngữ là dòng máu tinh thần của nhân dân”  thì chức năng của “quốc ngữ” với tư cách là một chế độ xã hội sẽ bị đẩy lùi về phía sau, “quốc ngữ” cần được nêu lên với tư cách là một ngôn ngữ không gì có thể thay thế như ví dụ về nhân chứng, như dòng máu và là loại ngôn ngữ “tự nhiên” và “chân chính”. Và từ thời kỳ này sẽ hình thành lối nói “Tinh thần nhân dân nằm trong quốc ngữ”(14). Nhưng nhìn kỹ ta sẽ hiểu rằng, trong từ “quốc ngữ” vốn dĩ mang tính chế độ thì việc gắn kết một cách hoàn toàn tự nhiên những từ chỉ khái niệm mang tính phi chế độ như “tinh thần” là đặc trưng của khái niệm “quốc ngữ”. Do có sự suy nghĩ như vậy, chừng nào “tinh thần quốc dân” không phải là “phương ngôn” mà được coi là nằm trong “quốc ngữ” thì dù trong văn nói “quốc ngữ” cũng phải được yêu cầu nói, công việc “hiệu chỉnh phương ngôn” sẽ được tiến hành thông qua giảng dạy.

2.4. Việc xác định “tiếng phổ thông” và “phương ngôn”

Cấu trúc của “quốc ngữ” được thiết kế với hình thức như vậy. Hơn nữa, cần phải xác đinh “tiếng phổ thông” là để thực hiện cụ thể cấu trúc đó.

Tôi thấy bài “Bàn về tiếng phổ thông” của Ueda Kazuyoshi công bố năm 1895 (năm sau của bài thuyết trình về “Giữa quốc ngữ và quốc gia”) rất đơn giản(15). Ueda coi “tiếng phổ thông” phải là tiếng Tokyo của “người Tokyo có văn hoá”. Tiếng Tokyo lâu nay không được xác định rõ ràng thì nay được cụ thể hoá một bước. Đồng thời, “Tiếng phổ thông” chính xác hơn hẳn các phương ngôn, hơn nữa được tập hợp và lựa chọn các phần cốt yếu của tình hình thực tế cộng thêm sự nghiên cứu, vì vậy cần phải cố định sự thống nhất đã được dung hoà giữa các phương ngôn, trong đó phải là loại khác được nói theo tiêu chuẩn thực tế và loại bỏ những điều cần trong ngôn ngữ cổ đại. Có nghĩa là coi trọng điều “mọi người nói được” hơn “truyền thống”.

Để địa vị “tiếng phổ thông” trở thành ngôn ngữ vững chắc thì cần phải làm cho “tiếng phổ thông” “trở thành ngôn ngữ về mặt văn chương” và phải được tăng cường nghiên cứu, thực tiễn với tư cách là một ngôn ngữ về văn học như giảng dạy, nghị viện, toà án, rạp hát v.v. Cách suy nghĩ này về cơ bản có ảnh hưởng từ cuốn “Nguyên lý lịch sử ngôn ngữ” của học giả ngôn ngữ người Đức Hermann Paul (1846-1921). Ueda đã dùng tác phẩm này của Paul làm sách tham khảo trong việc luyện tập cho sinh viên trường Đại học Tokyo, nên ảnh hương của Paul rất lớn. Hơn nữa, Ueda còn có chủ trương riêng là coi trọng giáo dục “Làm cho số người đông nhất sử dụng tiếng phổ thông có hiệu quả là sức mạnh của giáo dục.”(16)

Giữa “tiếng phổ thông” nói như trên với “phương ngôn” có mối quan hệ như thế nào? Theo phương châm điều tra của Uỷ ban điều tra quốc ngữ Bộ giáo dục nêu ra năm 1902 là “Điều tra phương ngôn để xác định tiếng phổ thông” thì “phương ngôn” được nêu lên trong mối quan hệ với “tiếng phổ thông”. Có nghĩa là để tuyển chọn “tiếng phổ thông” thì “phương ngôn” phải được thu thập và nghiên cứu, nhưng trong thực tế “phương ngôn” được đưa vào là một trở ngại cho việc phổ cập tiếng phổ thông và được coi là đối tượng cần phải đả phá cách nói “cổ ngữ tồn tại trong phương ngôn”, “phương ngôn” được nói tới trong một véc tơ loại bỏ và bao hàm trong “quốc ngữ”(17) như đã được so sánh là một ngôn ngữ bảo đảm tính lịch đại của “quốc ngữ”.

Như vậy, trước và sau năm 1900, việc xác lập chức năng ngôn ngữ đảm nhiệm chế độ đối với quốc ngữ đã được xác lập, và để rèn dũa hơn nữa cần phải thực hiện tiêu chuẩn ngôn ngữ ở cấp độ quốc gia. Đồng thời, cần tăng giá trị “những điều tốt đẹp về chân thiện mỹ” cho “tiếng phổ thông”, coi đây là loại ngôn ngữ không thể thiếu để thăng tiến về mặt xã hội và cũng sẽ được nói vô điều kiện. Như vậy, phải xắp xếp thứ tự giữa “quốc ngữ” và “phương ngôn”. Hệ tư tưởng (ideology) của “tiếng phổ thông” được chốt lại thứ tự ấy một cách tuyệt đối bằng cách đưa “định thái quốc dân” vào “quốc ngữ” đã được tiến hành.(18)

2.5. Cấu trúc dựa vào nhà nước

Như bẳn văn kiện đề nghị thiết lập phòng nghiên cứu quỗc ngữ trong trường đại học Teikoku đã trình bày trên, năm 1897, phòng nghiên cứu quốc ngữ đã được thành lập ở trường đại học Teikoku Tokyo, ông Ueda Kazutoshi trở thành giáo sư đầu tiền, về sau ông đã đào tạo ra các nhà nghiên cứu về quốc ngữ học. Hơn nữa, một cơ quan chính sách ngôn ngữ đầu tiên được thực hiện theo chế độ nhà nước vào ngày 1 tháng 4 năm 1902 là uỷ ban điều tra quốc ngữ Bộ giáo dục được thành lập (Chủ tịch: Katô Hiroyuki, thư ký” Ueda Kazutoshi).

Căn cứ theo phương châm cơ bản do Uỷ ban điều tra công bố tháng 7, có những vấn đề đòi hỏi đối với “quốc ngữ” như sau:

1. Về văn tự thì sử dụng chữ phiên âm, điều tra vấn đề được và mất của loại chữ viêt kiểu La mã.

2. Về văn chương thì sử dụng thể thống nhất giữa văn nói và văn viết, điều tra về vấn đề đó:

3. Điều tra cơ cấu âm vị của quốc ngữ.

4. Điều tra phương ngôn để xác định tiếng phổ thông.

Sau đây xin nêu những vấn đề đã thu thập ý kiến rộng rãi sau khi Uỷ ban điều tra công bố trên tờ công báo về 4 phương châm nêu trên.

- Việc điều tra cánh dùng Kana.

- Việc điều tra thể văn.

- Việc điều tra phương ngôn.

- Việc điều tra phát âm.

- Việc điều tra cánh dạy quốc ngữ.

- Kết quả dạy thử quốc ngữ ở trường tiểu học.

Thực tế, việc điều tra về phương ngôn, phát âm bằng phương thức phát phiếu điều tra về 29 điều chất vấn về âm vị và 38 điều chất vấn về ngữ pháp khẩu ngữ vào năm 1903 thì có thể nói rằng cách điều tra đó không đầy đủ xét về cách làm hiện nay, nhưng đã được tiến hành thông qua các hội giáo dục, trường sư phạm của các tỉnh.

Kết quả là đã được thu thập trong “Báo cáo điều tra âm vị” (năm 1905) và “Báo cáo điều tra ngữ pháp khẩu ngữ” (năm 1906). (Mối báo cáo kèm theo) “Biểu đồ phân bố âm vị” (29 tờ) “Biểu đồ phân bố ngữ pháp khẩu ngữ” (37 tờ). Trên cơ sở các cuộc điều tra trên, từ năm 1904 đến năm 1906 đã tập hợp lại để xuất bản cuốn “ngữ pháp khẩu ngữ” vào năm 1916 và cuốn “Bổ sung ngữ pháp khẩu ngữ” đã được phát hành năm 1917. Như vậy có thể nói rằng với tư  cách là một tổ chức của nhà nước đã có thể điều tra với quy mô cả nước đó là điểm nổi bật của Uỷ ban điều tra quốc ngữ. Việc điều tra thông qua các Hội giáo dục, các trường sư phạm có thể làm được cũng là một việc thể hiện đã được phổ cập chế độ giáo dục.(19)

Trong việc điều tra kể trên, vấn đề “phương ngôn” đã được mọi người nhận thức như thế nào? Ví dụ,  trong phần giới thiệu (phàm lệ) của cuốn “ngữ pháp khẩu ngữ” đã xác định tiêu chuẩn “khẩu ngữ” là “lấy ngôn ngữ nói đang được sử dụng trong số những người có văn hoá ở Tokyo ngày nay và quan tâm đúng mức về vấn đề quy tắc của ngôn ngữ nói của các địa phương khác đang được sử dụng rộng rãi” qua tình hình trên ta có thể thấy ít nhiều sự quan tâm đối với “phương ngôn”. Nhưng thực tế trong “bổ sung ngữ pháp khẩu ngữ” đã giới thiệu có mức độ cách biểu hiện của địa phương cùng với cách dùng của cổ ngữ.

Không tách rời được với “tiếng phổ thông” nhưng dù “phương ngôn” thoáng nhìn không có duyên với tính nhân đạo nhưng vẫn xếp ngang hàng với các tên “quốc ngữ”. Qua các phiếu điều tra phương ngôn ta cũng thấy “phương ngôn” chỉ được sử dụng trong mối quan hệ giữa “quốc ngữ”, “tiếng phổ thông” như kết quả điều tra đã nêu phương ngôn chỉ được thu thập với hình thức từng đôi từng đôi tương ứng với “Tiêu thức ngữ” trong phiếu điều tra phương ngôn (thuật ngữ này tôi đã hỏi ở địa phương nghĩa là gì) chừng nào còn tồn tại trong phương ngôn ấy thì vẫn không được ghi chép.(20)

Có thể nói rằng, cấu trúc đồng đại của “tiếng phổ thông” với danh nghĩa ngang hàng với “phương ngôn” phải trải qua cấu trúc lịch đại thì  mới có được khái niệm “quốc ngữ” tức là phải nhìn lại những biến thiên lịch sử để thấy được tính dân tộc. Nói cách khác, “quốc ngữ” sẽ trở thành hạt nhân của sự cấu thành tính dân tộc “lịch sử”, tính dân tộc phải được chấp nhận, đồng thời tính cố hữu (vốn có) của “quốc ngữ” của Nhật Bản cần được nhấn mạnh. Tôi muốn xác nhận lại một điều rằng. Ở một đất nước Nhật Bản hiện đại, quốc ngữ đã tạo ra một niềm tin mãnh liệt: “một quốc gia, một dân tộc, một ngôn ngữ” và chính quốc ngữ đã tạo nên sự thống nhất giữa ba cái đó.

YASUDA TOSHIAKI

(Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đại học Hitotsubashi Nhật Bản)

Người dịch: TS Trần Sơn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ueda Kazutoshi, Về tiếng phổ thông, Văn học Teikoku số 1 quyển 1, tháng 1 năm 1895.

2. Edward. Sapia (Ando Teruo dịch) “Ngôn ngữ tổng luận nghiên cứu ngôn ngữ” Tủ sách IWANAMI năm 1998 .

3.Yatabe Ryokichi, “Dùng chữ la-tinh phiên âm tiếng Nhật”, “Tạp chí học thuật phương Đông” Số 7.8, tháng 4.5 năm 1882.

4.  Nishi Amne, “Bàn về vấn đề viết quốc ngữ bằng chữ nước ngoài” “Tạp chí Minh Trị 6” số 1 tháng 4 năm 1873 (Yamamuro Shinchi, Nakanome Toru hiệu đính và chú giải “Tạp chí Minh Trị 6 (Thượng)” Tủ sách IWANAMI, năm 1999).

6. Maeda Ai, “Sự xuất hiện những bạn đọc hiện đại” Tủ sách cùng thời đại nhà sách IWANAMI, năm 1993. NAGAMINE SHIGETOSHI “Tính hiện đại của tạp chí bạn đọc” Trường biên tập viên Nhật Bản xuất bản năm 1997.v.v...

7.Hirai Masao, “Lịch sủ những vấn đề quốc ngữ quốc tự” Nxb SHOSHINSHA năm 1948 (phiên bản, Nxb Sangensha năm 1998).

 



(1) Ví dụ: Takasaka Shiro “Sự thất bại cái gọi là hiện đại” Nxb Nakanisha, năm 1997 tr 102-103”.

(2) Edward. Sapia (Ando Teuro dịch) “Nghiên cứu ngôn ngữ tổng luận” Tủ sách IWANAMI năm 1998 tr. 13.

(3) Ví dụ: Yasuda Toshiaki “Chính trị học của từ điển – Thế nào là chuẩn mực cửa ngôn ngữ ?-” Heibonsha, năm 2006.

(4) Nishi Âmne, “Bàn về vấn đề viết quốc ngữ bằng chữ nước ngoài” “Tạp chí Minh Trị 6” số 1 tháng 4 năm 1873 Ymamuro Shinchi, Nakanome Toru hiệu đính và chú giải “Tạp chí Minh Trị 6 (Thượng)” Tủ sách IWANAMI, năm 1999).

(5) Yatabe Ryokichi “Dùng chữ la-tinh phiên âm tiếng Nhật”, “Tạp chí học thuật phương Đông” Số 7.8, tháng 4.5 năm 1882.

(6) Xem tư liệu: Hirai Masao, “Lịch sủ những vấn đề quốc ngữ quốc tự” Nxb SHOSHINSHA năm 1948 (phiên bản, Nxb Sangensha năm 1998).

(7)Maeda Ai “Sự xuất hiện những bạn đọc hiện đại” Tủ sách cùng thời đại nhà sách IWANAMI, năm 1993. Nâgmine Shigetoshi “Tính hiện đại của tạp chí bạn đọc” Trường biên tập viên Nhật Bản xuất bản năm 1997.v.v...

(8) Về vấn đề thể văn hiện đại ví dụ tham khảo: Yamamoto Masahide “Nghiên cứu về lịch sử phát sinh thể văn hiện đại” Nhà sách IWANAMI năm 1956

(9) Tham khảo các tạp chí “Ái mộ quốc ngữ” (4/1935 – 5/1937) “Phong trào quốc ngữ” (8/1937 – 5/1944) v.v...

(10) Về việc chấn chỉnh quốc văn học sử tham khảo Yasuda Toshiaki, “Không gian và thời gian của quốc văn hoạ Hisamatsu Senichi và bàn về văn hoá Nhật Bản” Nxb Tan nguyên, năm 2002.

(11) Ueda Kazutoshi, “Cuộc toạ đàm về việc phải thành lập phòng nghiên cứu quóc ngữ dại Đại học văn khoa Đại học Teikoku” (“Tủ sách tư liệu văn hoá Minh Trị tập 8” Nhà sách Kazama thu thập năm 1975).

(12) Ueda Kazutoshi, “Giữa quốc ngữ và quốc gia” “Triết học phương Đông” số 11, 12 quyển 1, tháng 1 và tháng 2 năm 1895.

(13) (Vì quốc ngữ) tác phẩm đầu tiên thu thập các luận văn thời kỳ đầu như “Giữa quốc ngữ và nhà nước” của Ueda. Nhà sách Toyama, lời ghi ở phía trong bìa năm 1895: “quốc ngữ là người bảo vệ nhà vua, quốc ngữ là từ mẫu” là câu nói mang tính tượng trưng.

(14) Học giả quốc ngữ, học trò của Ueda Kazutoshi là Hoshina Koichi (1872 -1955) nói như sau: từ vấn đề “quốc ngữ là loại ngôn ngữ có sức mạnh hơn cả trên cơ sở trau dồi tinh thần quóc dân, tôi luyện phẩm chất quốc dân” cần phải bồi dưỡng “lòng yêu quốc ngữ”, “Dù chúng ta có yêu quốc ngữ như thế nào đi nữa, quốc ngữ của chúng ta vẫn không đầy đủ, và việc giảng dạy quốc ngữ cũng không đến nơi đến chốn cuối cùng không thể đạt được mục đích lớn là bồi dưỡng tinh thần quốc dân” (Hoshina Koichi “hướng dẫn phương pháp giảng dạy quốc ngữ” Hoeikan, 1901, tr 1-6).

(15) Ueda Kazutoshi, “Về tiếng phổ thông” “Văn học Teikoku” số 1 quyển 1, tháng 1 năm 1895.

(16) Về ảnh hưởng của các bài tham luận về tiếng phổ thông của Ueda, của W.D Whitny, tham khảo Yasuda Toshiaki “Giữa “quốc ngữ” và “phương ngôn” – Chính trị học về – cấu trúc ngôn ngữ” Nxb. JINBÚNHOIN,1999, chương I.

(17) Xin tham khảo thêm sách đã dẫn của Yasuda Toshiaki.

(18) Hệ tư tưởng này cũng phù hợp với thuộc địa, nhưng cái đó lại là một véc-tơ ngược lại, thể nào cũng sẽ hướng vào “nội địa” Nhật Bản.

(19) Do việc điều tra này rất kbông đầy đủ, nên cuộc điều tra lần thứ hai có số câu hỏi nhiều gấp đôi đã được tiến hành vào năm 1908. Những tư liệu điều tra tập hợp được ở Tokyo, nhưng chưa được phát hành thì đã bị trận động đất lớn ở Kanto thiêu cháy. Nhưng học giả phương ngôn Tojo Misao (1884-1966) phân tích tư liệu này đã đề xứơng “Bàn về phân chia phương ngôn” từ sau nhưng năm 1920 coi “quốc ngữ” ở vị trí dưới, đặt mối tương quan mật thiết với “phương ngôn”. Trong đó, đổi loại ngôn ngữ có tên là “tiếng Lưu Cầu” gọi là “phương ngôn Lưu Cầu”, không coi đó là “ngôn ngữ” mà chỉ là “phương ngôn” (chi tiết xem: Yasuda, sách đã dẫn, chương 2).

 

(20) Trong những ví dụ tương đồng nghĩa với “tiếng phổ thông” (= tiếng tiêu chuẩn) đã được nêu trong “phương án cải tiến phương ngôn” phụ bản của “từ điển phương ngôn tỉnh Saga” (năm 1907), có thể phát hiện ra những từ không còn tồn tại trong “tiếng phổ thông” như những từ gần với “tiếng Ê-đê”, “Darera”v.v... hơn cả “tiếng phổ thông” như “Olottsuan, Okattsuan, Anisan, Anesan, Arera, Darera”v.v... Nhưng chỉ riêng trường hợp “Darera” tiếng Saga nghĩa tương đương với “Dare” (ai) là “Dai” và số nhiều là “Daidon” (những ai). Như vậy ta có thể suy ra được số nhiều của “Dare” là “Darera” còn “Ai” (anh ấy) tương ứng với “Are” và số nhiều sẽ là “Aidon”, cũng tương ứng như vậy đối với “Are” số nhiều là “Arera” (các anh ấy, họ). Có nghĩa là “tiêng phổ thông” không nhất thiết là có chức năng ngôn ngữ được chia nhỏ ra tron “phương ngôn”, vậy mà vẫn cho kết quả là từng đôi từng cặp đối xứng.

 

0thảo luận