Trang chủ

GIÁO SƯ FURUTA MOTOO: NHÀ KHOA HỌC NHẬT BẢN LUÔN PHẤN ĐẤU VÌ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM

Đăng ngày: 3-08-2012, 10:01 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 12

Ngày 26/11/2007, trên trang nhất Báo Hà Nội mới có đăng bức ảnh của phóng viên TTXVN về cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với cộng đồng người Việt Nam và bạn bè Nhật Bản chiều ngày 25/11/2007 tại Tokyo. Bức ảnh đó đã khiến tôi xúc động, bồi hồi nhớ về một nhà khoa học Nhật Bản luôn phấn đấu vì sự phát triển bộ môn Nhật Bản học ở Việt Nam và là cầu nối tình hữu nghị Nhật - Việt.

Đó là Giáo sư, Tiến sĩ Furuta Motoo. Tôi đã được biết Giáo sư lần đầu tiên vào năm 1996, khi đó với tư cách là giáo sư thỉnh giảng về bộ môn Nhật Bản học và là nhà Việt Nam học của Nhật Bản, ông đã đến làm việc ở cơ quan chúng tôi bấy giờ – Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, nay thuộc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (Viện KHXH Việt Nam). Do bộ môn Nhật Bản học ở nước ta vừa mới chính thức ra đời được vài ba năm nên tôi và nhiều đồng nghiệp khác khi đó đều còn là những “nhà Nhật Bản học” rất non trẻ, mới chập chững bước vào nghề. Cùng với một số nhà khoa học khác đều là các giáo sư, tiến sĩ Việt Nam học nổi tiếng của Nhật Bản (như  Tsuboi Yoshiharu, Sakurai Yomio, Masaya Shiraishi... ), Giáo sư Furuta Motoo đã sang Việt Nam, đến cơ quan tôi để giảng dạy, hướng dẫn cho chúng tôi các kiến thức khoa học về Nhật Bản học, khu vực học, quốc tế học và phương pháp nghiên cứu khoa học về những bộ môn đó. Sau này, vào những năm 1998-1999 và 2001- 2002, tôi đã có cơ may được đến Nhật Bản để học tập, nghiên cứu khoa học ở Đại học Tokyo mà người hướng dẫn khoa học trực tiếp cho tôi chính là Giáo sư Furuta Motoo. Giáo sư Furuta Motoo từng là Chủ nhiệm Khoa Nghiên cứu khu vực, là Hiệu phó, Hiệu trưởng Đại học Đại cương Tokyo, Phó Giám đốc Đại học Tokyo.

Qua tiếp xúc, làm việc trực tiếp với Giáo sư Furuta Motoo, không chỉ riêng tôi mà nhiều đồng nghiệp khác nữa đều thấy ở ông một tư chất nhà giáo, nhà khoa học rất đáng kính nể, khâm phục nhưng lại rất bình dị, dễ gần.

Kính nể, khâm phục vì đó là một nhà giáo, nhà khoa học uyên thâm về nhiều lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn, trong đó có những bộ môn mà sự hiểu biết, kiến thức của ông rất chuyên sâu  như khu vực học, đặc biệt là Việt Nam học. Những ai đã có dịp đến phòng làm việc của ông, căn phòng số 502  nhà 14  khu Komaba thuộc Trường Đại học Tokyo, đều vô cùng sửng sốt vì thấy ở đó có rất nhiều sách báo, tài liệu về Việt Nam với đủ các thứ tiếng Nhật, Trung, Anh, Pháp và nhất là tiếng Việt. Tôi thấy có cả những cuốn sách tiếng Việt được xuất bản từ thời Pháp thuộc đầu thế kỷ XX, những cuốn được ấn hành bởi các nhà xuất bản dưới chế độ Mỹ-Ngụy Sài Gòn trước năm 1975, cho đến những sách báo, tài liệu về những năm đổi mới vừa qua của Việt Nam. Trong số đó, đa phần là các sách về các lĩnh vực, kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử và quan hệ đối ngoại. Cũng từ “kho tư liệu” này cùng với nhiều nguồn thông tin lý luận và thực tiễn do Giáo sư dầy công thu thập suốt nhiều chục năm qua đã là cơ sở để ông tâm huyết cho ra đời hàng chục đầu sách và hàng trăm bài viết đã đăng tải ở Nhật Bản và cả Việt Nam, ông cũng đã là người chủ trì hoặc là thành viên tham gia của nhiều cuộc hội thảo khoa học về Việt Nam, về Nhật Bản và quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã được tổ chức tại Nhật Bản và tại Việt Nam. Các công trình nghiên cứu tiêu biểu của Giáo sư Furuta về Việt Nam có thể kể ra là:  Trung Quốc nhìn từ Việt Nam (1979); Cuộc chiến tranh Việt Nam là lịch sử (xuất bản năm 1991);  Lịch sử chính sách dân tộc của những người cộng sản Việt Nam (1991); Lịch sử thế giới của Việt Nam (1995); Việt Nam hiện đại (1996); Hồ Chí Minh - Đổi mới và giải phóng dân tộc (1996);... Đáng lưu ý, trong đó có 2 cuốn đã dịch sang tiếng Việt và được Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội ấn hành là:  Việt Nam trong lịch sử thế giới (1998 -  dịch từ cuốn Lịch sử thế giới của Việt Nam); Hồ Chí Minh - Đổi mới và giải phóng dân tộc (2002).

Rất bình dị, dễ gần vì có lẽ phần chủ yếu do tính cách Nhật Bản vốn dĩ của ông đã là người hiền lành, chân chất, rất đôn hậu. Nhiều người Việt Nam quen biết ông dù chỉ thoáng qua một vài lần đều chung nhận xét đó là một nhà giáo, nhà khoa học của nhân dân và rất “tốt bụng’’, rất “dân dã” theo như cách nói của người Việt, và đương nhiên đã có người chưa thể hiểu hết thực chất nguyên nhân sâu xa vì sao ông lại rất “ thiện cảm” với người Việt Nam. Tuy nhiên, những người nghiên cứu về Nhật Bản như chúng tôi thì đều hiểu rõ rằng, Giáo sư Furuta Motoo  từ khi còn là chàng sinh viên khoa Sử của Đại học Tokyo vào những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước đã say sưa nhiệt huyết trong phong trào đấu tranh của nhân dân và các tổ chức hoà bình, tiến bộ Nhật Bản phản đối cuộc chiến tranh Mỹ xâm lược Việt Nam. Chính vì thế, nhiều năm sau khi trở thành giáo sư sử học, ông đã phấn đấu trở thành một trong những nhà khoa học và nhà giáo đầu tiên của nước Nhật hiện đại đặt nền móng cho sự phát triển không ngừng của bộ môn Việt Nam học ở Nhật Bản. Cũng chính vì thế, kể từ năm 1986, sau khi Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới, ông và nhiều nhà khoa học, nhà Việt Nam học khác của Nhật Bản đã có điều kiện nhiều lần đến Việt Nam để giảng dạy và nghiên cứu về Việt Nam, nhất là về công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Cùng với nhiều đồng nghiệp Nhật Bản khác, ông đã có công lao to lớn trong việc hợp tác giúp nhiều cở sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam trong công tác đào

tạo sinh viên, cán bộ khoa học ở các trình độ đại học và sau đại học về bộ môn Nhật Bản học như: Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội... Chính vì thế, tôi cũng đã có cơ may và vinh dự là một trong những “nhà Nhật Bản học” của Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam được Giáo sư Furuta Motoo nhận là “học trò” của thầy về bộ môn Nhật Bản học ở Khoa Nghiên cứu khu vực, Đại học Tokyo những năm 1998-1999 và 2001-2002. Không chỉ riêng tôi mà đến nay đã có hàng chục nhà khoa học khác của nước ta đều đã được thầy Furuta giúp đỡ thông qua nhiều hình thức khác nhau như hợp tác nghiên cứu, trao đổi khoa học, giảng dạy, đào tạo... và nhờ đó có không ít người hiện đã trở thành các nhà Nhật Bản học của Việt Nam được các cơ quan, tổ chức khoa học của Nhật Bản ghi nhận.

Sẽ là khiếm khuyết với Giáo sư Furuta Motoo nếu như không kể đến một công lao to lớn khác của ông trong công tác đào tạo về phía các sinh viên, các nhà khoa học trẻ ở Nhật Bản. Đến nay đã có hàng trăm sinh viên Nhật Bản theo học bộ môn Việt Nam học ở Khoa Khu vực học do giáo sư đã làm Chủ nhiệm khoa nhiều năm. Nhiều người trong số đó đã có có học hàm, học vị khoa học cao và tiếp bước thầy Furuta góp phần là cầu nối truyền tải, cùng hợp tác giảng dạy và nghiên cứu về Việt Nam học ở Nhật Bản và Nhật Bản học ở Việt Nam.

Và cũng sẽ là khiếm khuyết lớn khác nữa nếu như không kể đến một công lao khác cũng rất to lớn của Giáo sư, đó là nhờ uy tín khoa học cao và quan hệ xã hội rộng của ông đối với nhiều cơ quan, quan chức cao cấp của Chính phủ Nhật Bản cũng như thông qua vị trí, vai trò của ông nhiều năm trước đây trong cương vị Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật - Việt nên ông đã liên hệ giúp nhiều cơ quan và cá nhân nhà khoa học Việt Nam đã nhận được các tài trợ từ nguồn ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam để thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu hoặc phối hợp nghiên cứu khoa học và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bậc cao của Việt Nam.

Một chi tiết khác khiến cho chúng tôi cũng rất xúc động và không thể quên được, đó là mỗi khi đến Việt Nam công tác, Giáo sư đều đã đến thăm chúng tôi tại Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản và hàng năm vào dịp Lễ Noel 25/12, Tết Dương lịch, và nhất là Tết Nguyên đán, chúng tôi -  các “học trò” của giáo sư  đều nhận được Thiếp  của ông với những lời chúc mừng sâu đậm tình cảm và trân trọng nhất...

Chính vì những công lao to lớn chưa thể kể hết trên đây mà Giáo sư Furuta Motoo đã được Nhà nước ta cũng như nhiều cơ quan giảng dạy, đào tạo đại học, sau đại học; nhiều viện nghiên cứu ở Hà  Nội, TP. Hồ Chí Minh... khen tặng những danh hiệu cao quý ghi nhận sự phấn đấu đầy nhiệt huyết của ông đã góp phần tích cực vào tình đoàn kết hợp tác hữu nghị giữa hai nước Nhật Bản - Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, công tác nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.

 

TS TRẦN ANH PHƯƠNG

0thảo luận