Trang chủ

MỐI QUAN HỆ GIỮA BA BỘ PHẬN CẤU THÀNH NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN HÀN QUỐC

Đăng ngày: 25-05-2012, 15:08 | Danh mục: Bài viết tạp chí » Năm 2007 » Số 8

Nhà nước pháp quyền hiện đại nào cũng có hai mối quan hệ cơ bản đó là quan hệ giữa ba nhánh quyền lực chủ yếu và quan hệ giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương. Thông qua xem xét hai mối quan hệ cơ bản này người ta có thể thấy được tính phổ biến cũng như đặc thù nhà nước đó. Chính vì vậy, chúng tôi xin dành bài viết nhỏ này để đề cập đến một trong hai mối quan hệ đó của Nhà nước pháp quyền Hàn Quốc.

Trong nhà nước pháp quyền cũng như bất cứ nhà nước nào khác, về bản chất quyền lực nhà nước là thống nhất xét cả về phương diện tính giai cấp cũng như tính xã hội của nó. Vì vậy, quan hệ giữa ba nhánh quyền lực của nó luôn là mối quan hệ của ba bộ phận của một thực thể toàn vẹn. Mối quan hệ đó được xác định trên hai phương diện cơ bản: một là tương tác trực tiếp và hai là gián tiếp. Ở phương diện gián tiếp có thể nhìn nhận ở hai khía cạnh: một là sự ràng buộc, khống chế lẫn nhau thông qua việc thực hiện những chức năng cơ bản được giao cho từng cơ quan trên cơ sở quy định rõ ràng của Hiến pháp và pháp luật; hai là sự chi phối của các nhánh đối với các tổ chức hoặc chức năng có tính trung gian hay là ở những mảng ráp nối quyền lực. Ở khía cạnh thứ nhất thường dễ nhìn nhận vì nó được quy định tương đối rõ ràng nên không có mấy sự khác biệt giữa lý thuyết và thực tiễn chính trị. Tuy nhiên, ở khía cạnh thứ hai, sự khác biệt đó là tương đối đáng kể do nó bị quy định bởi nhiều biến

số trong đời sống chính trị thực tiễn phong phú. Chính từ khía cạnh thứ hai này mà khi nghiên cứu về đời sống chính trị của các quốc gia nói chung và Hàn Quốc nói riêng người ta hay nói tới Tổng thống này có quyền lực lớn hơn Tổng thống trước đó hoặc ngược lại cho dù các quy định về mặt luật pháp không có gì thay đổi. Sau đây, chúng ta sẽ xem xét quan hệ giữa ba nhánh quyền lực của Nhà nước pháp quyền Hàn Quốc trên cả hai phương diện căn cứ vào những quy định trong các đạo luật  kết hợp với thực tiễn chính trị sống động.

1. Quan hệ trong việc hình thành tổ chức

Quá trình hình thành Quốc hội ở Hàn Quốc chỉ phụ thuộc vào một chủ thể duy nhất là nhân dân. Nhân dân bầu nên tổ chức này và chỉ có nhân dân mới có quyền loại bỏ nó. Cũng tương tự như vậy, Tổng thống, với tư cách là người đứng đầu nhánh hành pháp cũng do nhân dân trực tiếp bầu nên. Tuy nhiên, Thủ tướng, các Bộ trưởng và thành viên của Hội đồng Nhà nước, những người dưới quyền của Tổng thống không phải chỉ do ông ta bổ nhiệm và miễn nhiệm mà đều phải có ý kiến chấp thuận của Quốc hội. Ngoài ra, Quốc hội Hàn Quốc chẳng những có quyền bãi miễn các chức vụ cao cấp trong Chính phủ khi có yêu cầu của Tổng thống mà còn có quyền tước bỏ quyền lực  của Tổng thống khi ông ta vi phạm pháp luật. Những điều đó nói lên rằng trong việc hình thành nhánh hành pháp, Quốc hội Hàn Quốc đã có quyền lực hay có sự can thiệp nhất định. Nếu so sánh với Mỹ thì ở khía cạnh này, Tổng thống, hay nhánh hành pháp Hàn Quốc hiện nay bị Quốc hội chi phối nhiều hơn, cho dù cả hai cùng xây dựng nhà nước theo hình thức Cộng hòa Tổng thống. Ở Mỹ, Tổng thống và Phó tổng thống cùng trong liên danh ứng cử và khi đã được cử tri bầu ra thì Tổng thống có toàn quyền quyết định bổ nhiệm và bãi miễn đội ngũ quan chức giúp việc của mình. Nhưng nếu so sánh với Nhật Bản, nước láng giềng và có quan hệ lịch sử sâu đậm với Hàn Quốc thì ở khía cạnh này nhánh hành pháp có vẻ yếu hơn.  Điều đó là do mặc dù Thủ tướng Nhật Bản có toàn quyền bổ nhiệm và bãi miễn các quan chức dưới quyền song bản thân ông ta lại không phải do nhân dân trực tiếp bầu nên mà do Quốc hội bầu. Sở dĩ như vậy là do Nhật Bản xây dựng nhà nước theo mô hình đại nghị.

Nhìn nhận sự hình thành của các nhánh quyền lực ở Hàn Quốc hiện nay dưới góc độ tương tác giữa chúng thì nhánh tư pháp quả là đáng để chúng ta xem xét kỹ hơn.

Theo Hiến pháp và Luật tổ chức Toà án của Hàn Quốc thì hiện nay hệ thống Tư pháp của nước này bao gồm hai nhánh là Tòa án Hiến pháp và Toà án Tối cao cùng các tòa án cấp dưới của nó([1]). Dưới Tòa án Tối cao có Toà án Cấp cao, Toà án Khu vực, Toà án Hành chính, Toà án Gia đình, Toà án Phát minh sáng chế, Toà án Quân sự  và các toà khác. Tư pháp là chức năng riêng của chính quyền trung ương, không một chính quyền địa phương nào có thể thành lập Toà án hay cơ quan tư pháp của riêng mình.

Ở đây xin nhấn mạnh đến Tòa án Tối cao và Tòa án Hiến pháp do tính chính trị quan trọng của chúng. Nhìn nhận đặc điểm và sự hình thành của hai tòa án này ta thấy có một số nét đáng lưu tâm sau:

Thứ nhất, hai tòa án này có tính chất độc lập tương đối nhưng lại hợp thành nhánh tư pháp trong đối trọng với hai nhánh quyền lực kia([2]). Có thể nói, đây là nét tương đối đặc biệt của thể chế nhà nước Hàn Quốc hiện nay. Nó thể hiện tính phân quyền rất rõ nét trong nền chính trị Hàn Quốc khi hình thành nhà nước pháp quyền của mình. Đó dường như là sự đề phòng quá mức đối với một nền độc tài Tổng thống đã tồn tại trong một thời gian tương đối dài ở nước này. Tương tự như vậy, nét đặc trưng này cũng thể hiện trong nhánh hành pháp khi người ta thiết kế một chính thể mà ở đó vừa có Tổng thống lại vừa có Thủ tướng và cả hai nhân vật này đều có thực quyền. Nói một cách khác, đặc điểm này của Nhà nước pháp quyền Hàn Quốc được thể hiện qua việc phân quyền trong cả hai nhánh quyền lực là Hành pháp và Tư pháp. Nếu so sánh với trường hợp của Mỹ và Nhật Bản ta thấy, Mỹ thì chỉ có Tổng thống mà không có Thủ tướng còn Nhật Bản chỉ có Thủ tướng mà không có Tổng thống và cả hai nước này đều không có Tòa án Hiến pháp. Chức năng bảo vệ Hiến pháp của hai nước này được trao luôn cho hệ thống tòa án mà Tòa án Tối cao thực chất là cơ quan có tiếng nói cuối cùng.

Thứ hai, Tòa án Tối cao là tòa án có tiếng nói cuối cùng đối với các hành động vi luật và chịu trách nhiệm về quản lý hành chính các tòa án cấp dưới kể cả việc toàn quyền bổ nhiệm thẩm phán của tòa án đó. Trong khi Tòa án Hiến pháp lại được trao những nhiệm vụ có tính chính trị nhiều hơn khi có chức năng xem xét tính hợp hiến của các quyết định do các cơ quan quyền lực khác đưa ra.

Thứ ba, cả Tòa án Tối cao và Tòa án Hiến pháp đều được hình thành trên cơ sở quyết định của các cơ quan quyền lực khác. Các Thẩm phán của Tòa án Tối cao do Tổng thống bổ nhiệm nhưng lại phải nhận được sự nhất trí của Quốc hội còn các Thẩm phán của Tòa án Hiến pháp thì 1/3 do Quốc hội lựa chọn, 1/3 do Tổng thống giới thiệu và 1/3 do Chánh án Tòa án Tối cao tiến cử.

Nói như vậy không có nghĩa là ở khía cạnh hình thành tổ chức nhánh tư pháp không có bất cứ một chút quyền lực nào đối trọng đối với hai nhánh kia. Với tư cách là cơ quan bảo vệ pháp luật, tòa án có thể hủy bỏ các kết quả bầu cử khi nó bị xem là vi phạm pháp luật. Ngoài ra, tòa án Hàn Quốc đảm đương vai trò tư pháp có thể xét xử và buộc tội bất cứ cơ quan hay quan chức nào một khi chúng vi phạm luật pháp. Rất nhiều Tổng thống Hàn Quốc đã phải đứng trước vành móng ngựa trong đó Tổng thống Kim Yong San bị tình nghi tham nhũng còn Tổng thống Kim Đê Jung bị nghi ngờ sử dụng tiền tranh cử trái luật.

Những vấn đề đã đề cập đến ở trên cho phép ta nói rằng, xét từ khi phương thức hình thành tổ chức thì rõ ràng nhánh tư pháp bị lép vế hơn hai nhánh quyền lực kia. Cũng chính từ phương thức hình thành như vậy mà người ta không thể có được niềm tin tuyệt đối rằng các quyết định của Tòa án không chịu những sự chi phối nhất định của hai nhánh quyền lực kia. Nếu đứng từ khía cạnh này mà sắp xếp thứ tự sức mạnh quyền lực thì, thứ nhất là Lập pháp, thứ hai là Hành pháp và cuối cùng là Tư pháp.

2. Quan hệ trong việc lập pháp

Chức năng lập pháp là chức năng chủ yếu của Quốc hội nhưng điều đó không có nghĩa là chỉ một mình Quốc hội thực hiện công việc đó.

Trước hết, thực tế cho thấy, việc soạn thảo các dự luật phần lớn được xuất phát từ nhánh hành pháp và thực tế chỉ có như vậy nó mới mang hơi thở của cuộc sống. Không ai hiểu cần ban hành những đạo luật nào và khi nào hơn chính những người có trách nhiệm trực tiếp thực thi quản lý xã hội.

Hơn nữa, như Hiến pháp quy định thì mỗi dự án luật khi đã được Quốc hội thông qua thì phải chuyển sang Hội đồng Hành pháp và Tổng thống để công bố trong vòng 15 ngày. Lúc này cũng là lúc ta thấy sự can thiệp trực tiếp của nhánh hành pháp vào quá trình làm luật một cách rõ nhất. Đó là:

Mặc dù Tổng thống không được quyền yêu cầu Quốc hội xem xét lại một phần của dự luật hay kiến nghị sửa đổi nhưng ông có thể phản đối dự luật đó bằng cách gửi trả lại quốc hội kèm theo lý do và yêu cầu xem xét lại kể cả lúc đó là kỳ nghỉ của Quốc hội.

Trong trường hợp Tổng thống yêu cầu xem xét lại dự luật thì Quốc hội buộc phải thực hiện điều đó. Tuy nhiên, nếu như Quốc hội vẫn tái thông qua bản gốc của dự luật với sự có mặt của hơn 1/2  tổng số thành viên, và với số phiếu tán thành của hơn 2/3 số đại biểu có mặt thì nó được trở thành luật.

Như vậy có nghĩa rằng, nếu Tổng thống có 1/3 số Nghị sĩ trong Quốc hội ủng hộ thì Quốc hội không bao giờ có thể thông qua được một dự luật không theo ý đồ của ông ta. Cũng như Tổng thống Mỹ, nếu như quyết định phản đối dự luật của Tổng thống Hàn Quốc rơi đúng vào kỳ nghỉ của Quốc hội thì nghiễm nhiên lúc đó dự luật không thể trở thành luật chính thức.

Tương tự như Tổng thống Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc còn có quyền ban bố những mệnh lệnh có sức mạnh tương tự như các đạo luật trong những thời gian và điều kiện xác định. Đó là, trong trường hợp khủng hoảng trong nước, hiểm hoạ bên ngoài, thiên tai, khủng hoảng kinh tế, thâm hụt tài chính, Tổng thống có thể áp dụng các biện pháp kinh tế, tài chính. Trong trường hợp các thế lực thù địch có hành động ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, Tổng thống có thể ban hành lệnh bảo vệ chủ quyền quốc gia, khi không có thời gian đợi triệu tập Quốc hội. Trong những điều kiện nhất định Tổng thống có thể ban hành lệnh động viên quân sự, cấm hội họp hay hoạt động của báo chí.v.v. Tất nhiên, những quyết định đó của Tổng thống phải được thông báo ngay cho Quốc hội. Nếu sau đó các mệnh lệnh và biện pháp của Tổng thống không đạt được sự chấp thuận của Quốc hội thì chúng sẽ bị mất hiệu lực([3]).

Đối với ngân sách hàng năm luôn được Quốc hội thông qua như một dự luật quan trọng thì nhánh hành pháp cũng có quyền lực không nhỏ.

Hàng năm, nhánh hành pháp soạn thảo dự trù ngân sách và đệ trình lên Quốc hội trước khi kết thúc năm tài chính đó 90 ngày. Trong dự trù đó bao gồm cả ngân sách dành cho hoạt động nhánh Tư pháp và của bản thân Quốc hội. Về phần mình Quốc hội xem xét và quyết định trước khi bắt đầu năm tài chính mới 30 ngày. Có thể nói đây là dự luật chỉ có hiệu lực trong vòng một năm nhưng nó thể hiện sức mạnh đáng kể nhất của nhánh lập pháp đối với nhánh hành pháp. Tuy nhiên, việc soạn thảo cũng như bổ sung các mục chi đều do nhánh hành pháp quyết định kể cả những mục Quốc hội muốn đưa vào. Hơn nữa, nếu Quốc hội không thông qua dự thảo theo đúng lịch trình thì nhánh hành pháp có thể sử dụng mức ngân sách như đã cấp cho năm tài khoá trước cho một số hoạt động của mình. Thực chất thì trước, sau Quốc hội cũng phải thông qua ngân sách cho dù có sửa đổi hay cắt giảm ở khoản này hay khoản khác với một tỉ lệ nhất định. Về vấn đề này, nếu so sánh với Quốc hội Nhật Bản thì Quốc hội Hàn Quốc có quyền quyết định nhỏ hơn. Khi Quốc hội Nhật Bản không thông qua ngân sách thì nhánh hành pháp của đất nước này không được phép chi bất cứ một khoản nào và lúc đó cũng có nghĩa là Thủ tướng và Nội các của ông ta sắp phải ra đi.

Về phía nhánh tư pháp, ở khía cạnh này, mặc dù có những sức mạnh nhất định nhưng rõ ràng quyền lực không lớn. Tòa án Hiến pháp chỉ xem xét và bác bỏ các đạo luật do Quốc hội ban hành trái với Hiến pháp cũng như Tòa án Tối cao chỉ xem xét và bác bỏ các quy định, quyết định của nhánh hành pháp đưa ra khi nó trái với pháp luật nhưng những hành động đó thường mang tính thụ động. Nghĩa là, cũng giống như hệ thống tư pháp của Nhật Bản, nó chỉ xem xét các văn bản vi hiến và vi luật khi có các vụ việc xét xử liên quan chứ không phải như ở Mỹ, Tòa án tối cao có quyền xem xét chúng một cách chủ động. Đối với ngân sách dành cho nhánh tư pháp Hàn Quốc được cấp hàng năm thì cũng giống như hệ thống tư pháp của các nước, nó đều phải dự trù và chuyển cho nhánh hành pháp soạn thảo và trình Quốc hội thông qua.

Các hiệp ước quốc tế cũng được triển khai tương tự như các đạo luật trong nước. Nhánh hành pháp soạn thảo là chính nhưng Quốc hội có quyền chấp thuận việc kí kết và phê chuẩn hiệp ước liên quan đến an ninh và sự hỗ trợ giữa Hàn Quốc với các nước khác. Đó là:

- Các hiệp ước liên quan đến các tổ chức quốc tế quan trọng;

- Các hiệp ước hữu nghị, thương mại và hải phận;

- Các hiệp ước liên quan đến chủ quyền và biên giới

-  Các hiệp ước hoà bình;

- Các hiệp ước gắn Nhà nước hay nhân dân vào trách nhiệm tài chính quan trọng ; và các hiệp ước liên quan đến vấn đề lập pháp.

Như vậy, rõ ràng là dù có sự can thiệp đáng kể song trong lĩnh vực lập pháp quyền lực của nhánh hành pháp vẫn đứng sau Quốc hội còn nhánh tư pháp lại một lần nữa thể hiện quyền lực hạn chế của mình.

3. Quan hệ trong lĩnh vực tư pháp

Lĩnh vực tư pháp được giao cho Tòa án các cấp đứng đầu là Tòa án Tối cao. Tòa án là thành trì cuối cùng bảo vệ nhân quyền cơ bản. Có thể nói từ khi Nhà nước pháp quyền Hàn Quốc được hình thành cùng với sự ra đời của Hiến pháp 1988 thì hệ thống tòa án ở nước này đã phát huy tốt vai trò của mình. Tòa án thực sự có quyền độc lập trong xét xử các vụ án từ dân sự đến hình sự. Yếu tố quan trọng nhất ở đây là quân đội không còn nắm chính quyền, không còn can thiệp vào các hoạt động xét xử. Tòa án Quân sự có nhưng khi xét xử chỉ được phép tuân theo pháp luật chứ không phải căn cứ vào mệnh lệnh cấp trên và nó cũng phải chịu sự lãnh đạo của Tòa án Tối cao. Có thể nói, tòa án Hàn Quốc là thành trì cuối cùng để bảo vệ nhân quyền cơ bản trong Nhà nước pháp quyền Hàn Quốc. Thậm chí, hiện nay, Hàn Quốc còn quy định: Tự do và quyền lợi của công dân được bảo vệ ngay cả khi những điều đó không được ghi ở trong Hiến pháp. Công dân Hàn Quốc khi cảm thấy các quyền cơ bản của mình bị các cá nhân hay các tổ chức khác kể cả các cơ quan nhà nước vi phạm thì có thể gửi đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp. Tính đến 31 tháng 12 năm 2005, Tòa án Hiến pháp đã xét xử 12.240 trường hợp liên quan đến việc vi phạm Hiến pháp và quyền cơ bản của công dân từ phía các tổ chức và cá nhân([4]).

Tuy nhiên, xét xử là một quá trình trong đó điều tra, công tố là dấu gạch nối giữa tư pháp với nhánh quyền lực khác. Chính tại điểm gạch nối này là sự thể hiện rõ nhất sức mạnh của tòa án đến đâu.

Ở điểm ráp nối này, Quốc hội Hàn Quốc cũng có những quyền lực đáng kể. Cụ thể là: trong trường hợp Tổng thống, Thủ tướng, Uỷ viên Hội đồng nhà nước, các Bộ trưởng và tương đương, Chánh án Toà án tối cao, Thẩm phán, Uỷ viên hội đồng bầu cử trung ương, Uỷ viên Hội đồng thanh kiểm tra, và một số quan chức nhà nước cao cấp khác theo luật định mà vi phạm Hiến pháp hay luật pháp trong khi thực thi nhiệm vụ thì Quốc hội có thể thông qua kiến nghị tố cáo. Nếu ai bị thông qua kiến nghị tố cáo thì buộc phải rời bỏ vị trí đang nắm giữ quyền lực cho tới khi được giải quyết xong. Thực tế, Tổng thống Kim Đê Chung đã phải rời bỏ cương vị Tổng thống của mình trong một thời gian vào năm 2002 do liên quan đến việc sử dụng tiền vận động tranh cử sai quy định. Mức độ can thiệp trong lĩnh vực này của Quốc hội Hàn Quốc tương tự như Quốc hội Mỹ nhưng kém hơn Quốc hội Nhật Bản. Ở Nhật Bản, Quốc hội còn có quyền lập tòa án để xét xử chính các Thẩm phán khi họ vi phạm pháp luật.

Nhánh Hành pháp can thiệp vào lĩnh vực này chủ yếu ở việc chi phối đến cơ quan công tố và bộ máy điều tra. Cơ quan Công tố Hàn Quốc cũng như cảnh sát điều tra nằm trong nhánh Hành pháp cho dù khi thực thi nhiệm vụ nó nằm dưới sự quản lý của tòa án. Ngoài ra, còn phải kể đến hệ thống công chức làm việc ở các tòa án vừa chịu sự quản lý của tòa án lại vừa chịu sự chi phối nhất định của nhánh hành pháp. Và một khi có sự tranh chấp quyền lực giữa hai nhánh này xảy ra thì chưa thể nói chắc chắn những con người này sẽ bênh vực cho bên nào. Nói như vậy là do pháp luật không thể bao quát hết được tất cả các khía cạnh da dạng của thực tế cuộc sống và hơn nữa nó lại phải được thực hiện bởi những con người cụ thể.

Như vậy, có thể nói trong lĩnh vực này nhánh tư pháp với đúng tên gọi của nó đã thể hiện ưu thế nổi trội. Sự can thiệp của hai nhánh còn lại vào địa bàn này tương đối khác biệt. Nếu như tác động vào đây của nhánh Lập pháp đựơc quy định khá rõ trong các văn bản pháp luật thì ảnh hưởng của nhánh Hành pháp có được trên cơ sở của đời sống chính trị thực tiễn.

4. Quan hệ trong lĩnh vực hành pháp

Quyền hành pháp Hàn Quốc được giao cho Chính phủ đứng đầu là Tổng thống. Tuy nhiên, trên thực tế không phải hai nhánh quyền lực lập pháp và tư pháp không có một sự chi phối nào.

Bằng quyền thông qua quyết định bổ nhiệm và bãi miễn những thành viên cao cấp của Chính phủ, trừ Tổng thống, Quốc hội đã thể hiện sự can thiệp mạnh mẽ vào công việc của nhánh Hành pháp.

Quốc hội còn có quyền thanh, kiểm tra các công việc của Chính phủ. Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội có thể điều tra các hoạt động của Nhà nước. Khi thực hiện chức năng này, Quốc hội có quyền yêu cầu các cơ quan và các cá nhân có trách nhiệm phải trình các tài liệu, nhân chứng có liên quan. Thủ tướng, các thành viên của Hội đồng nhà nước, các thành viên Chính phủ có thể được yêu cầu tham dự các phiên họp  của các ủy ban và toàn thể của Quốc hội. Ở các phiên họp đó họ có nghĩa vụ báo cáo về hoạt động quản lý nhà nước và trả lời chất vấn([5]). Ngoài ra, Quốc hội cũng có quyền chấp thuận phát động chiến tranh, điều động lực lượng vũ trang tới các quốc gia khác, cho phép quân đội nước ngoài đồn trú trong lãnh thổ Hàn Quốc. Việc đại xá, ân xá, trao tặng huân huy chương của Hàn Quốc, Quốc hội cũng có những quyền lực nhất định.

Tuy nhiên, một lĩnh vực quan trọng khác là đối với các chương trình, chính sách lớn nhằm phát triển đất nước của Hàn Quốc thì Chính phủ đứng đầu là Tổng thống lại có toàn quyền quyết định. Điều này khẳng định vai trò to lớn của nhánh hành pháp Hàn Quốc nếu so sánh với nhiều quốc gia khác kể cả Mỹ. Chính tại điểm này nói lên quyền lực thực tế của Chính phủ Hàn Quốc là rất lớn. Nhưng cũng chính tại đây, nhánh Tư pháp lại nổi lên với vai trò kiềm chế mạnh của nhánh Hành pháp. Tòa án có quyền đưa ra các phán quyết làm vô hiệu hóa các quyết định của Chính phủ một khi những quyết định đó vượt quá quyền hạn được pháp luật cho phép hoặc vi phạm pháp luật cũng như quyền cơ bản của công dân.

Quan hệ giữa ba nhánh quyền lực chủ yếu của Hàn Quốc còn thể hiện qua sự chi phối đối với Viện Kiểm toán và Hội đồng bầu cử. Một cơ quan có quyền lực liên quan đến sức mạnh của đồng tiền và một cơ quan liên quan đến sức mạnh chính trị.

Đối với Viện Kiểm toán, có tổi thiểu là 5 và tối đa là 11 thành viên bao gồm cả Viện trưởng. Viện trưởng Viện Kiểm toán được Tổng thống bổ nhiệm với sự chấp thuận của Quốc hội. Nhiệm kỳ chính thức của Viện trưởng là 4 năm và có thể được tái bổ nhiệm. Viện có nhệm vụ thanh tra kiểm toán, kiểm tra việc thanh toán thu chi, sổ sách kế toán của Chính phủ trong năm và báo cáo lại kết quả kiểm tra với Tổng thống và Quốc hội vào năm tiếp sau.

Đối với Ủy ban Bầu cử trung ương, gồm 3 người do Tổng thống chỉ định, 3 người do Quốc hội lựa chọn và 3 người do Chánh án Tòa án Tối cao chỉ định. Chủ tịch Uỷ ban được lựa chọn từ các thành viên trong Uỷ ban, nhiệm kỳ chính thức của các thành viên trong Uỷ ban là 6 năm. Các thành viên trong Uỷ ban không được tham gia bất cứ đảng phái hay hoạt động chính trị nào. Thành viên Uỷ ban Bầu cử không bị bãi chức ngoại trừ trường hợp vi phạm pháp luật. Uỷ ban bầu cử được quyền đưa ra các quy định liên quan đến hoạt động bầu cử, trưng cầu dân ý, các công việc hành chính liên quan đến các đảng phái chính trị.

5. Thay cho lời kết

Có thể nói, quan hệ của ba nhánh quyền lực Hàn Quốc vừa mang tính hợp tác ở chỗ nó chỉ là ba bộ phận hợp thành một chỉnh thể duy nhất là nhà nước nhưng vừa mang tính đối trọng khống chế lẫn nhau. Quyền lực của ba nhánh không đồng đều trong đó nhánh Tư pháp được xem là yếu nhất do tính chất công việc có tính thụ động và Nhánh Hành pháp được xem là mạnh hơn cả do chỗ nó thực thi những công việc hàng ngày cũng như những quyền mà Hiến pháp đã giao cho nó.

Mặc dù vậy vẫn phải nhấn mạnh rằng, ba quyền là lập pháp, hành pháp và tư pháp của Hàn Quốc đã có sự độc lập thực sự trong nhà nước pháp quyền ở đây. Các chức năng được phân chia đảm nhiệm là rõ ràng, nhánh quyền lực có ưu thế dù nổi trội  nhất như hành pháp cũng không có khả năng bước qua ranh giới của luật pháp để nuốt những nhánh quyền lực khác cho dù đó là nhánh tư pháp, nhánh quyền lực yếu nhất trong bộ máy nhà nước. Sự đối trọng đó buộc các nhánh quyền lực phải luôn nhìn nhận lại mình trong các hành động nếu không muốn quyết định của mình trở thành vô hiệu lực. Đó cũng chính là điểm đáng nhấn mạnh hơn cả khi nghiên cứu về nhà nước pháp quyền Hàn Quốc. Và đó cũng có thể là điểm có tính phổ biến đối với Nhà nước pháp quyền nói chung cho dù nó tồn tại ở quốc gia nào.

 

TS. HỒ VIỆT HẠNH

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ngô Xuân Bình (Chủ biên), Tìm hiểu nền hành chính Hàn Quốc và Việt Nam, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2001.

2. Byung-Nak Song, Kinh tế Hàn Quốc đang trỗi dậy (sách dịch), Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2002.

3. Trần Quang Minh - Ngô Xuân Bình (Chủ biên), Tái cơ cấu hệ thống tài chính Hàn Quốc sau khủng hoảng tài chính 1997-1998: Những kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004

4.http://korea.assembly.go.kr/history_html/history_06/gor_01.jsp .

5. Hàn Quốc – Lịch sử và văn hoá, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995.

6. Nguyễn Văn Ánh, Đỗ Đình Hãng, Lê Đình Chỉnh, Hàn Quốc Lịch sử - văn hoá, Nxb. Văn hoá 1996.

7. Ki Bai Lee, Korea xưa và nay (sách dịch); Nxb Thành phố Hồ Chí Minh - 2002.

8. Nguyễn Long Châu, Tìm hiểu văn hoá Hàn Quốc; Nxb. Giáo dục  2000.

9. Lê Quang Thiêm, Văn hoá, văn minh và yếu tố văn hoá truyền thống Hàn, Nxb. Văn học  Hà Nội 1998.

10. Hàn Quốc Đất nước con người, Trung tâm Dịch vụ Thông tin hải ngoại Hàn Quốc xuất bản năm 1998.

11. Woo Keun H, The history of  Korea, Seoul, The Eul – Yoo publishing company, 1970.



([1]) Xem: South Korea-Wikipedia, the free encyclopedia.htm, p4 , 24/11/2006

([2]) Xem thêm: South Korea-Wikipedia, the free encyclopedia.htm, P4,  24/11/2006

([3]) Điều 76,77 Hiến pháp Hàn Quốc

([4]) The Constitution Court, About Korea.htm, p1, 24/11/2006

([5]) Điều 62 Hiến pháp Hàn Quốc

0thảo luận