Trang chủ

Những dấu hiệu tích cực trong quan hệ liên Triều dưới thời Tổng thống Moon Jae-in

Đăng ngày: 29-03-2024, 21:29 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 9

Trần Thị Mỹ Hoa1


Tóm tắt: Quan hệ liên Triều cho đến nay tuy vẫn rơi vào trạng thái “nóng lạnh thất thường” song đã ấm lên một cách tích cực trong thời gian gần đây. Bài viết làm rõ dấu hiệu tích cực của mối quan hệ này dưới thời Tổng thống Moon Jae-in để thấy được thiện chí trên chặng đường cải thiện quan hệ cũng như tương lai của mối quan hệ liên Triều, đặc biệt kể từ sau các hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức vào năm 2018.

Từ khóa: Hàn Quốc, Triều Tiên, quan hệ liên Triều

 


1. Tình hình quan hệ liên Triều [1]

Quan hệ liên Triều là mối quan hệ chính trị, ngoại giao, quân sự giữa Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên) và Đại Hàn Dân quốc (Hàn Quốc) từ sự phân chia Triều Tiên vào năm 1945 sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Mối quan hệ này luôn có những căng thẳng về mặt ngoại giao, chính trị cũng như quân sự, đặc biệt là vấn đề phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Quan hệ liên Triều trở nên nồng ấm hơn sau cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào năm 2018 tại làng đình chiến Panmunjom. Cuộc gặp mở ra giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai miền, được đánh giá là một “bước đột phá lịch sử” với kết quả thành công ngoài mong đợi khi hai bên ký Tuyên bố chung Panmunjom vì Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên; trong đó khẳng định các cam kết hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tạo dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy hợp tác giữa hai miền. Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều thỏa thuận nêu trong bản tuyên bố trên vẫn chưa có tiến triển đáng kể do bế tắc từ các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên, song có thể thấy việc hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí chung tay cùng nỗ lực vì một nền hòa bình trên bán đảo đang bị chia cắt là một điểm đáng được ghi nhận và cũng có thể coi là bước tiến mới hướng tới sự hòa giải và hòa hợp giữa hai miền trong tương lai[2]. Những nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng và thiết lập nền tảng hòa bình lâu dài được tiếp tục với hai cuộc hội ngộ của lãnh đạo hai nước vào tháng 5/2018 và tháng 9/2018. Như vậy có thể thấy, dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, những hy vọng về tiến trình hòa bình, thống nhất hai miền Triều Tiên đã tiếp tục bừng lên khi chỉ một thời gian ngắn liên tiếp ba hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức.

Mặc dù quan hệ liên Triều có những bước tiến nhất định, song các cuộc đàm phán giữa hai miền bị đình trệ kể từ năm 2019 và cho đến nay mục tiêu thiết lập hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên vẫn gặp nhiều trắc trở, tiến trình đàm phán hạt nhân rơi vào bế tắc trong khi Triều Tiên vẫn tiếp tục có các động thái quân sự; mối quan hệ cũng dần trở nên lạnh nhạt hơn khi Bình Nhưỡng liên tiếp từ chối đối thoại và dùng thuốc nổ phá hủy hoàn toàn tòa nhà Văn phòng liên lạc liên Triều ở khu công nghiệp chung Kaesong vào tháng 6/2020. Tuy nhiên, sự bùng phát đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu phần nào đã tác động đến thái độ và phản ứng của Triều Tiên. Lúc này, Triều Tiên không chỉ chống chọi với dịch bệnh mà còn phải vật lộn với các lệnh trừng phạt quốc tế kéo dài. Quan hệ giữa Triều Tiên với Trung Quốc - quốc gia đồng minh của Triều Tiên không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái kể từ đầu năm 2020, thời điểm Trung Quốc đóng cửa biên giới để chống dịch; đồng thời giai đoạn này Triều Tiên cũng phải đóng cửa biên giới với Trung Quốc để ngăn chặn COVID-19 xâm nhập. Những rủi ro không lường trước của đại dịch là một thách thức không hề nhỏ đối với Triều Tiên. Bởỉ vậy, chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un lúc này không thể tiếp tục thờ ơ với mối quan hệ liên Triều; Hàn Quốc trở thành lối thoát duy nhất cho Triều Tiên. Trong khi đó, phía Hàn Quốc liên tục gửi tín hiệu tích cực; chủ trương ưu tiên nối lại các chương trình hợp tác liên Triều. Trước bối cảnh mới, cục diện phần nào được xoay chuyển, mang đến những kết quả bước đầu trong việc “hâm nóng” mối quan hệ liên Triều.

2. Những tín hiệu mới trong quan hệ liên Triều

2.1. Khôi phục đường dây liên lạc liên Triều

Đường dây liên lạc liên Triều là một trong các kênh liên lạc quan trọng của hai miền Nam - Bắc, gồm Văn phòng liên lạc liên Triều, đường dây liên lạc quân sự trên biển Đông và biển Tây và đường dây nóng thượng đỉnh kết nối giữa Phủ Tổng thống Hàn Quốc và Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên. Tuy nhiên như đã nói ở trên, Triều Tiên đã cắt đứt tất cả các đường dây liên lạc với Hàn Quốc từ ngày 9/6/2020, nhằm phản đối việc các nhà hoạt động dân sự phía Hàn Quốc tổ chức cho người tị nạn miền Bắc rải truyền đơn chống phá Triều Tiên. Đỉnh điểm là ngày 16/6, Triều Tiên cho nổ tung Văn phòng liên lạc chung liên Triều tại Kaesong. Nhân dịp kỷ niệm ngày ký kết Hiệp định đình chiến chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), ngày 27/7 Hàn Quốc và Triều Tiên đã khôi phục các đường dây liên lạc liên Triều sau 13 tháng gián đoạn. Trước khi các cuộc điện đàm được nối lại, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae -in nhiều lần trao đổi thư từ kể từ tháng 4/2021 - nhân kỷ niệm 3 năm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên năm 2018; hai bên quyết định cải thiện quan hệ song phương, bắt đầu bằng việc khôi phục các đường dây liên lạc.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng Triều Tiên cắt đứt việc liên lạc bằng cách không trả lời các cuộc điện thoại hoặc fax của Hàn Quốc vào những thời điểm xảy ra căng thẳng với Seoul và Washington; minh chứng là sau khi khôi phục chưa được bao lâu, đường dây nóng liên hệ trực tiếp với Hàn Quốc tiếp tục bị gián đoạn vào đầu tháng 8/2021 nhằm phản đối các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn. Ngày 4/10, Hàn Quốc và Triều Tiên khôi phục đường dây liên lạc sau khoảng hai tháng bị đình chỉ.

Việc khôi phục đường dây nóng liên lạc giữ vai trò tích cực trong việc cải thiện quan hệ liên Triều, làm giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên; đồng thời làm dấy lên hy vọng nối lại đối thoại liên Triều đang bị đình trệ, là tín hiệu quan trọng góp phần vào việc xoay chuyển tình hình ngoại giao tổng thể.

Đối với Triều Tiên, việc khôi phục đường dây nóng liên lạc dường như là phao cứu sinh giúp nước này vượt qua những khó khăn đang gặp phải khi đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng và nền kinh tế tăng trưởng - 4,5% so với năm 2020. Bởi vậy, Triều Tiên cần viện trợ lương thực và thuốc men để đối phó với tác động của thiên tai và đại dịch COVID-19 và xa hơn là cần được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Trong khi đó, Hàn Quốc luôn hy vọng thúc đẩy các vòng đàm phán. Sự kiện lần này có ý nghĩa lớn đối với Seoul, góp phần thúc đẩy mối quan hệ và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và tiếp tục hé ra những tia hy vọng xa hơn nữa về đối thoại Mỹ-Triều trong tương lai. Tựu trung đây là những động thái mới mang tín hiệu tích cực, nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hoan nghênh việc Triều Tiên và Hàn Quốc mở lại các kênh liên lạc, cũng như nối lại đường dây nóng quân sự. Tổng Thư ký hoàn toàn ủng hộ nỗ lực không ngừng của các bên hướng tới việc cải thiện mối quan hệ vì hòa bình bền vững, phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, bà Jalina Porter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Mỹ cũng bày tỏ sự hoan nghênh việc nối lại đường dây liên lạc trực tiếp này và cho rằng đây là bước đi tích cực, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối thoại cũng như tiếp xúc liên Triều.

2.2. Khả năng về tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953)

Tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên được coi là một biện pháp hữu ích và quan trọng trong việc làm giảm ý định chiến tranh và thù địch, thúc đẩy sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Là cánh cửa mở ra thế giới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng như là chất xúc tác cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa. Trong bài phát biểu tại khóa họp lần thứ 76 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra tại New York, Mỹ ngày 21/9/2021; Tổng thống Moon Jae-in đưa ra đề xuất về việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) và nhấn mạnh việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh là xuất phát điểm quan trọng để thiết lập trật tự mới cho hòa giải và hợp tác trên bán đảo. Ông đề xuất ba bên Hàn - Triều - Mỹ, hoặc bốn bên Hàn - Triều - Mỹ - Trung cùng tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên[3]. Đây không phải là lần đầu tiên ông Moon Jae-in đưa ra đề xuất, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào năm 2020, Tổng thống Moon cũng đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh, nhưng khi đó chỉ nói rằng đây sẽ là cánh cửa mở ra phi hạt nhân hóa, hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Hàn. Tuy nhiên, trong bài phát biểu lần này, ông đã nêu rõ chủ thể các bên liên quan trong chiến tranh Triều Tiên, đó là Hàn - Triều - Mỹ hoặc Hàn - Triều - Mỹ - Trung. Việc hối thúc ký một hiệp định hòa bình nhằm chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên của Hàn Quốc nhằm tạo động lực mới cho quan hệ với Bình Nhưỡng và khởi động lại sáng kiến vì hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên vốn đang bị đình trệ.

Sau tuyên bố của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng, cần phải có những điều kiện đúng đắn trước khi tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, ví dụ như: dỡ bỏ chính sách thù địch và các tiêu chuẩn kép không công bằng đối với Bình Nhưỡng. Triều Tiên có thể tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh như đề xuất của Hàn Quốc và thậm chí tổ chức một hội nghị thượng đỉnh liên Triều nếu như “sự công bằng và tôn trọng lẫn nhau được bảo đảm”[4]. Tuy nhiên, bà Kim Yo-jong cũng lưu ý rằng những phát biểu của bà chỉ là quan điểm cá nhân. Trái ngược với quan điểm bà Kim Yo-jong, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Thae Song cho rằng lời kêu gọi của Tổng thống Moon Jae-in là quá vội vàng. Theo ông sẽ không có gì thay đổi nếu tình hình chính trị xung quanh Triều Tiên vẫn không thay đổi và chính sách thù địch của Mỹ không được thay đổi, dù có tuyên bố kết thúc chiến tranh hàng trăm lần đi nữa. Việc Mỹ rút lại các tiêu chuẩn kép và chính sách thù địch là ưu tiên hàng đầu trong việc ổn định hóa tình hình bán đảo Triều Tiên và đảm bảo hòa bình trên bán đảo này[5]. Có thể thấy, Triều Tiên coi việc Mỹ chấm dứt chính sách thù địch chính là điều kiện tiên quyết để đàm phán, bởi vậy nên các bên vẫn chưa thể gặp nhau. Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn đang nỗ lực, phối hợp với các bên nhằm thúc đẩy Tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Ngày 13/12/2021 Tổng thống Moon Jae-in cho biết Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ đồng ý về nguyên tắc tuyên bố chấm dứt chiến tranh. Ngày 10/2/2022, ông Moon Jae- in đưa ra thông báo cả Hàn Quốc và Mỹ đều đã đồng ý về nội dung trong Tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên.

Cho đến nay, tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên vẫn đang bỏ ngỏ. Hai miền về hình thức vẫn trong tình trạng chiến tranh, Hiệp định đình chiến vẫn chưa được thay thế bằng một hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên, đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên là một điểm khởi đầu tốt để hai miền xây dựng lòng tin, từ đó mở đường cho việc tái khởi động các cuộc đàm phán đang bị đình trệ về phi hạt nhân hóa và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

2.3. Quan hệ gắn bó giữa hai nhà lãnh đạo

Quan hệ liên Triều trở thành một trong những trọng tâm đối ngoại trong sự nghiệp chính trị Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nỗ lực theo đuổi khi đương nhiệm. Không thể phủ nhận những nỗ lực và thành tựu mà ông Moon Jae-in đã đạt được trong quan hệ với Triều Tiên, minh chứng là ba hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức liên tiếp trong một thời gian ngắn (ngày 27/4/2018, 26/5/2018 và 18-19/9/2018) như đã nói ở trên, ông Moon Jae-in chính là người có công lớn trong việc thúc đẩy các cuộc hội đàm giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore và Việt Nam.

Trước khi Tổng thống Moon Jae-in rời nhiệm sở, ông Kim Jong-un và ông Moon Jae-in đã trao đổi thư riêng. Ngày 20/4, ông Moon gửi thư cho nhà lãnh đạo Triều Tiên và hứa sẽ cố gắng xây dựng nền tảng thống nhất bán đảo dựa trên những tuyên bố chung đạt được năm 2018 dù tình hình đang khó khăn. Ông Moon nhấn mạnh thời đại của sự đối đầu nên được vượt qua bằng đối thoại và đưa việc hai miền xích lại gần nhau là nhiệm vụ của chính quyền tiếp theo. Ông cũng bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên sớm được nối lại. Trong thư hồi đáp gửi đi ngày 21/4, Chủ tịch Kim Jong-un đánh giá cao nỗ lực của ông Moon Jae-in vì sự nghiệp vĩ đại của đất nước cho đến những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ. Ông Kim khẳng định các cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử đã mang đến hy vọng cho nhân dân hai nước, và rằng quan hệ này sẽ phát triển nếu cả hai bên cùng nỗ lực không ngừng trong niềm hy vọng[6].

Hoạt động trao đổi thư giữa hai lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương suy giảm suốt ba năm qua, các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ và Triều Tiên đẩy mạnh phát triển vũ khí. Mặc dù việc trao đổi thư từ giữa hai nhà lãnh đạo không phải là hiếm hoi nhưng phần nào cho thấy dấu hiệu tích cực trong quan hệ liên Triều sau một thời gian căng thẳng. Trước đây, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Hàn Quốc, ngày 5/3/2020, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng đã gửi thư cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, bày tỏ sự lo lắng cho sức khỏe của ông Moon Jae-in và hy vọng Hàn Quốc sẽ vượt qua đại dịch COVID-19; đồng thời thảo luận quan điểm về tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Moon Jae-in cũng đã gửi lại một bức thư tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để bày tỏ lòng biết ơn.

Việc hai nhà lãnh đạo cấp cao của hai miền Triều Tiên trao đổi thư riêng thể hiện sự tin cậy lẫn nhau. Dù quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang giậm chân tại chỗ nhưng với cách tiếp cận có phần mềm mỏng của Tổng thống Moon Jae-in, quan hệ liên Triều đã phần nào khởi sắc. Đây chắc chắn sẽ trở thành một “cái bóng” mà người kế nhiệm của ông Moon Jae-in cần vượt qua để ghi điểm trong sự nghiệp chính trị của mình.

3. Kết luận

Có thể thấy, quan hệ liên Triều có những tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn chưa có đột phá, về cơ bản không đạt được nhiều tiến bộ, mặc dù hai bên vẫn tìm cơ hội hợp tác và giảm thiểu căng thẳng. Trên thực tế mối quan hệ giữa hai miền Nam - Bắc vẫn ở trong tình trạng chiến tranh nên vẫn xuất hiện những xung đột, căng thẳng, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên có xu hướng gia tăng khi các vụ thử hạt nhân liên tục được thực hiện. Theo giới chuyên gia, tình hình giữa hai miền bán đảo sẽ trở nên căng thẳng hơn so với những năm trước do các thay đổi đến chính sách của tân tổng thống Hàn Quốc.

Trước khi nhậm chức, Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeok gửi tín hiệu thể hiện lập trường cứng rắn với Triều Tiên, cảnh báo tình huống có thể sẽ tấn công phủ đầu nếu thấy dấu hiệu sắp bị tấn công. Ông Yoon Suk-yeol đã cực lực chỉ trích chính sách thiên về đối thoại hơn là đối đầu với Bình Nhưỡng của người tiền nhiệm. Trong một bài đăng trên Facebook của mình trước cuộc bầu cử, ông Yoon cho rằng đó là cách tiếp cận thất bại và khiến cả hai bên thất vọng. Ông Yoon xác định Bình Nhưỡng là “kẻ thù chính” của Hàn Quốc[7]. Tuy vậy, trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Yoon Suk-yeok bày tỏ sẵn sàng mở lại tiến trình đối thoại phi hạt nhân đang bế tắc với Triều Tiên. Theo ông Yoon, dù chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa không chỉ với an ninh của Hàn Quốc mà cả Đông Bắc Á, nhưng cánh cửa đối thoại vẫn sẽ mở để có thể giải quyết mối đe dọa này một cách hòa bình. Và rằng nếu Triều Tiên thực sự bắt tay vào quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, Hàn Quốc sẵn sàng làm việc với cộng đồng quốc tế để đưa ra một kế hoạch táo bạo nhằm cải thiện mạnh mẽ nền kinh tế Triều tiên và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân[8].

Tuy nhiên ngày 23/5/2022, trả lời phỏng vấn CNN sau khi nhậm chức hai tuần, Tổng thống Yoon Suk-yeol tiếp tục nhấn mạnh lập trường cứng rắn hơn đối với Triều Tiên và mong muốn tăng cường sức mạnh quân đội của Hàn Quốc. Theo Tổng thống Yoon, thời kỳ xoa dịu Triều Tiên đã chấm dứt và bất cứ cuộc đàm phán nào giữa Seoul với Bình Nhưỡng cần phải được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khởi xướng. Quả bóng đang ở trong sân của Triều Tiên và đó sẽ là lựa chọn của ông Kim để bắt đầu đối thoại với Hàn Quốc. Nếu chỉ để tránh sự khiêu khích hoặc xung đột tạm thời của Triều Tiên, đây không phải là điều mà Hàn Quốc nên làm. Cách tiếp cận này trong 5 năm qua đã được chứng minh là thất bại[9]. Có thể thấy, mặc dù theo đuổi lập trường cứng rắn, nhưng tân tổng thống Hàn Quốc cho biết ông luôn mong muốn một sự thịnh vượng chung trên bán đảo Triều Tiên và khẳng định rằng việc Bình Nhưỡng tăng cường năng lực hạt nhân không có lợi cho việc duy trì hòa bình quốc tế.

Ngay trong chuyến thăm Bộ Quốc phòng và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc ngày 30/5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhận định tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên “ngày càng nghiêm trọng”, đồng thời kêu gọi phản ứng cứng rắn với những hành động khiêu khích của Triều Tiên. Tại cuộc họp đầu tiên với các chỉ huy quân sự hàng đầu vào ngày 6/7/2022, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã chỉ đạo quân đội sẵn sàng đối phó nếu Triều Tiên khiêu khích. Ông Yoon nhấn mạnh rằng bất kỳ hành động khiêu khích nào từ phía Triều Tiên cũng sẽ phải hứng chịu phản ứng mạnh mẽ từ Hàn Quốc và Mỹ, đồng thời ông vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với Bình Nhưỡng.

Có thể thấy, vấn đề Triều Tiên luôn khó đối với bất cứ tổng thống Hàn Quốc nào. Dưới thời Tổng thống Moon Jae-in, các cuộc đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân được diễn ra nhưng rồi sau vẫn lâm vào bế tắc. Bởi vậy, thật dễ hiểu khi Tổng thống Yoon đưa ra quan điểm cứng rắn hơn với Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh Triều Tiên không ngừng thử các vụ phóng tên lửa, tính từ đầu năm 2022 đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 18 vụ thử tên lửa. Các chuyên gia cho rằng, các vụ thử tên lửa dồn dập của Triều Tiên trong thời gian qua là để buộc Mỹ chấp nhận ý tưởng Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân, nhằm đạt được những ưu thế trong đàm phán về kinh tế và an ninh. Trong lễ duyệt binh tối 25/4, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã khẳng định quyết tâm tăng cường và phát triển năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng với tốc độ nhanh nhất. Đồng thời nhấn mạnh lực lượng hạt nhân Triều Tiên phải luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt và thể hiện năng lực răn đe độc nhất vào mọi thời điểm. Ông Kim Jong-un đưa ra cảnh báo rằng mọi lực lượng tìm cách đối đầu quân sự với Triều Tiên sẽ bị xóa sổ[10].

Nhìn chung, với lí do là gì đi chăng nữa thì hành động gia tăng các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là bất hợp pháp, vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an, gây mất ổn định khu vực và đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế. Dù dưới chính quyền nào đi chăng nữa thì mối quan hệ liên Triều chỉ trở nên tốt đẹp khi cả hai bên cùng xích lại gần nhau và có những bước đi tích cực.

Lịch sử cho thấy, việc tiến tới hòa bình và an ninh lâu dài trên bán đảo Triều Tiên rất phức tạp do vấn đề này không chỉ phụ thuộc vào quyết tâm của chính quyền hai miền Triều Tiên mà còn liên quan tới rất nhiều bên khác. Ngày hai miền Triều Tiên “chung tay” được hiện thực hóa như thế nào vẫn còn ở phía trước. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng “hòa bình hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” chính là khát vọng chung của người dân Hàn Quốc và Triều Tiên. Hàn Quốc sẽ theo đuổi đến cùng mục tiêu bình thường hóa quan hệ liên Triều và vẫn còn một chặng đường dài phía trước để hiện thực hóa nó. Các nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ song phương sẽ chỉ đạt kết quả khi hai bên cùng nỗ lực dựa trên cơ sở hợp tác giữa người dân hai miền. Thiện chí tăng cường quan hệ liên Triều cần được ủng hộ không chỉ bằng lời nói mà phải bằng các hành động thực tế, nhằm thúc đẩy tinh thần hòa giải và đoàn kết liên Triều, cũng như tái thống nhất. Bởi vậy, việc viết nên trang sử mới trong mối quan hệ liên Triều vẫn chỉ là một câu hỏi bỏ ngỏ. Tuy nhiên, chúng ta vẫn luôn hy vọng về tương lai tươi sáng khi mối quan hệ liên Triều được khôi phục về đúng quỹ đạo, cũng như đối thoại Mỹ - Triều sớm được thực hiện.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hyonhee Shin (2020), “North Korea's Kim sends 'get well soon' wishes for South's coronavirus battle”, https://www.reuters.com/ article/us-northkorea-southkorea-letter- bnnm’pp/idCAKBN20S0OW.

2. “S. Korea, US agree on wording of declaration ending Korean War: Moon”, Korea Herald, http://www.koreaherald.com/view.php? ud=20220210000337.

3. Kim Minji (2021), “Int'l media report restored inter-Korean communication as breaking news”, https://www.korea.net/News Focus/policies/view?articleId=201632&pageIndex=1.

4. Lee Haye-ah (2022), “Yoon orders military to swiftly punish N. Korea in case of provocations”, https://en.yna.co.kr/view/AEN20 220706004100315.

5. Sangmi Cha and Hyonhee Shin (2021), “North Korea says open to talks if South drops double standards”, https://www.reuters.com/ world/asia-pacific/north-korea-says-suggestion-declare-end-korean-war-is-premature-kcna-2021 -09-23/.

6. “South Korean leader repeats call for declaration to end Korean War”, Reuters, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/ south-korean-leader-repeats-call-declaration-end-korean-war-2021-09-21/.

7. “Yoon calls for firm response to North Korean provocations”, The Korea Times, https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2022/06/205_330075.html?RD.

8. Vũ Anh Tuấn (2021), “Quốc tế hoan nghênh Triều Tiên và Hàn Quốc nối lại đường dây liên lạc”, https://vov.vn/the-gioi/quoc-te-hoan-nghenh-trieu-tien-va-han-quoc-noi-lai-duong-day-lien-lac-877701.vov.

9. Jessie Yeung, Paula Hancocks and Yoonjung Seo (2022), “Exclusive: South Korea's new leader says age of appeasing North Korea is over”, https://edition.cnn.com/2022/ 05/23/asia/south-korea-president-exclusive-inter view-intl-hnk/index.html.

 

 

 


[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Minh Tuệ (2020), “Quan hệ Liên Triều liệu có tiếng nói chung vì hòa hợp dân tộc”, https://vietnam.vn/the-gioi-ngay-nay/quan-he-lien-trieu-lieu-co-tieng-noi-chung-vi-hoa-hop-dan-toc-1607432.html.

[3] Bài phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, http://world.kbs.co.kr/service/contents_ view.htm?lang=v&board_seq=410860.

[4] “N. Korea proposes talks if South Korea lifts ‘hostility’”, The Asahi Shimbun (2021), https://www.asahi.com/ ajw/articles/14446963.

[5] “North Korea says South Korea's call to declare end of Korean War is premature”, CNN (2021), https:// edition.cnn.com/2021/09/24/asia/north-korea-kcna-end-of-korean-war-intl-hnk/index.html.

[6] Hyonhee Shin (2022), “North Korea's Kim offers rare praise for South's departing Moon”, https://www. reuters.com/world/asia-pacific/nkoreas-kim-thanked-skoreas-moon-letter-efforts-improve-ties-kcna-2022-04-21/.

[7] Lê Ngọc - Mạnh Quốc (2022), “Quan hệ liên Triều sẽ đi về đâu từ “làn gió mới” của Tân Tổng thống Hàn Quốc?”, https://www.nguoiduatin.vn/quan-he-lien-trieu-se-di-ve-dau-tu-lan-gio-moi-cua-tan-tong-thong-a552919.html.

[8] Hyonhee Shin (2022), “South Korea's Yoon suggests 'audacious' economic plan if North Korea abandons nukes”, https://www.reuters.com/world/china/new-south-korean-president-seen-facing-early-north-korea-inflation-tests-2022-05-10/.

[9] Jessie Yeung, Paula Hancocks and Yoonjung Seo (2022), “Exclusive: South Korea's new leader says age of appeasing North Korea is over”; https://edition. cnn.com/2022/05/23/asia/south-korea-president-exclusive-interview-intl-hnk/index.html.

[10] “N. Korea's Kim vows to bolster nuke capability during parade”, https://www.asahi.com/ajw/articles/14608400.

 

0thảo luận