Trang chủ

Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hàn Quốc từ năm 2000 đến nay

Đăng ngày: 14-03-2024, 03:05 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 9

Nguyễn Ngọc Mai1, Lê Minh Hiếu2

 

 

Tóm tắt: Bài viết* nêu một số khái niệm về doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc và các tổ chức quốc tế, đưa ra nội dung khái quát về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hàn Quốc. Nhóm tác giả đi sâu vào phân tích thực trạng phát triển của các doanh nghiệp này trên các khía cạnh như khu vực hoạt động, quy mô sản xuất trong ngành chế tạo, giá trị gia tăng, tỷ lệ lợi nhuận tính trên doanh thu bán hàng, lương tháng và giờ làm việc của các nhân viên cũng như số lượng nhân viên thiếu hụt, từ đó đưa ra một số nhận xét và đánh giá.

Từ khóa: Hàn Quốc, doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực trạng phát triển

 


Đặt vấn đề [1][2]

Ngày nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò rất lớn trong quá trình tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế từ sản xuất, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ… đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng, phong phú của người tiêu dùng. Chính vì thế, nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ đã nghiên cứu và đưa ra các định nghĩa khác nhau về mô hình này. Do doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể chia thành ba loại căn cứ vào quy mô là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa nên Ngân hàng Thế giới đã định nghĩa rằng, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 10 người, doanh nghiệp nhỏ có số lượng lao động từ 10 đến dưới 200 người và nguồn vốn 20 tỷ trở xuống, còn doanh nghiệp vừa có từ 200 đến 300 lao động nguồn vốn 20 đến 100 tỷ. Đồng thời, theo quy định tại điều 3 Nghị định 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001, Chính phủ Việt Nam cũng đưa ra định nghĩa về doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau: doanh nghiệp nhỏ và vừa là cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập, đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành, có vốn đăng ký không quá 10 tỷ đồng hoặc số lao động trung bình hàng năm không quá 300 người. Gần đây, Chính phủ ban hàn Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26-8-2021 quy định chi tiết, cụ thể những tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tại Hàn Quốc, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò hết sức quan trọng với số lượng tăng từ 99,2% vào năm 2000 lên 99,9% tổng số các doanh nghiệp vào năm 2019, tạo ra việc làm cho 82,7% tổng số lao động và doanh thu đạt hơn 27 triệu 320 nghìn won[3]. Vì thế, chính phủ nước này đã thiết lập hành lang pháp lý, đưa ra một số luật có liên quan và đề cập đến khái niệm cụ thể và chi tiết về doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điển hình như là, điều 3 pháp lệnh thi hành Luật cơ bản về doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa ra định nghĩa rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa là một công ty hay tổ chức hoạt động độc lập có doanh thu bình quân và doanh thu theo năm ứng với từng ngành nghề như quy định trong bảng 1 đính kèm theo pháp lệnh, có tổng giá trị tài sản dưới 500 tỷ won. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đưa ra quy định cụ thể về số nhân viên làm việc trong doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng với từng lĩnh vực.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này hoạt động ngày càng hiệu quả hơn và có sức cạnh tranh quốc tế, Hàn Quốc đã ban hành một số chính sách hỗ trợ. Đó là chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng; ưu đãi thuế; hỗ trợ hoạt động thương mại và giao dịch hàng hóa; phát triển nguồn nhân lực; đổi mới công nghệ; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ khởi nghiệp. Trong đó có một số nội dung nổi bật như: tùy theo điều kiện hoạt động kinh doanh, quy mô và loại hình kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được khấu trừ thuế dao động từ 5% đến 30% với mức giới hạn trần 100 triệu won[4], ban hành Đạo luật về Hỗ trợ mua bán - Sản xuất hàng hóa và hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cấp kinh phí hỗ trợ các chương trình liên kết giữa trường đại học, cao đẳng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc cung cấp thông tin, trợ cấp cho giảng viên, người hướng dẫn và sinh viên. Qua đó, sinh viên sẽ có cơ hội được thực tập tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có cơ hội thực hành với môi trường làm việc thực tế, chuyên nghiệp. Ngoài ra, họ còn khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển lĩnh vực tăng trưởng xanh và các công nghệ tiên tiến để đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng trong môi trường công nghệ toàn cầu, tạo ra một nền kinh tế sáng tạo, áp dụng chính sách giảm 50% phí đăng ký bằng sáng chế đối với các doanh nghiệp nhỏ và miễn 70% phí đối với doanh nghiệp siêu nhỏ[5], phát triển 67 trung tâm ươm mầm doanh nghiệp vào năm 2016[6] cũng như hỗ trợ tư vấn về khởi nghiệp và tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

1. Thực trạng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 2000 đến nay

Hàn Quốc là đất nước phát triển với trụ cột của nền kinh tế là các tập đoàn kinh tế (gọi là chaebol) hoạt động trong và ngoài lãnh thổ. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đóng vai trò quan trọng và được coi là lực lượng không thể thay thế trong các ngành nghề, dịch vụ. Theo số liệu thống kê của Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp Hàn Quốc, vào năm 2019, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ là 6.888.435 công ty và có tổng cộng 17.439.595 nhân viên. Ngoài ra, số lượng nhân viên hoạt động trong doanh nghiệp này từ năm 2000 đến năm 2019 cũng được thể hiện cụ thể như trong bảng 1.

 

Bảng 1: Tình hình các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hàn Quốc (2000-2019)

Đơn vị: công ty, người, %

Năm

Toàn ngành công nghiệp (A)

Doanh nghiệp vừa và nhỏ (B)

Tỷ lệ B/A

Số lượng doanh nghiệp

Số lượng nhân viên

Số lượng doanh nghiệp

Số lượng nhân viên

Số lượng doanh nghiệp

Số lượng nhân viên

2000

2.729.957

10.768.597

2.707.805

8.680.694

99,2

80,6

2001

2.658.860

10.876.418

2.649.691

9.176.237

99,7

84,4

2002

2.861.830

11.737.640

2.856.913

10.154.095

99,8

86,5

2003

2.939.661

11.870.358

2.934.897

10.308.574

99,8

86,8

2004

2.927.436

11.824.074

2.922.533

10.210.629

99,8

86,4

2005

2.867.749

11.902.400

2.863.583

10,449,182

99,9

87,8

2006

2.940.345

12.234.160

2.936.114

10,677,789

99,9

87,3

2007

2.976.646

12.612.692

2.974.185

11,149,134

99,9

88,4

2008

3.046.958

13.070.424

3.044.169

11,467,713

99,9

87,7

2009

3.069.400

13.398.497

3.066.484

11,751,022

99,9

87,7

2010

3.125.457

14.135.234

3.122.332

12,262,535

99,9

86,8

2011

3.234.687

14.534.230

3.231.634

12,626,746

99,9

86,9

2012

3.354.320

14.891.162

3.351.404

13,059,372

99,9

87,7

2013

3.418.993

15.344.860

3.415.863

13,421,594

99,9

87,5

2014

3.545.473

15.962.745

3.542.350

14,027,636

99,9

87,9

2015

5.893.802

19.259.827

5.889.611

16,032,404

99,9

83,2

2016

6.085.434

19.635.071

6.080.914

16,361,595

99,9

83,3

2017

6.301.013

20.094.913

6.296.210

16,689,525

99,9

83,1

2018

6.643.756

20.591.641

6.638.694

17.103,938

99,9

83,1

2019

6.893.706

21.076.582

6.888.435

17.439.595

99,9

82,7

Nguồn: Số liệu thống kê của Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp Hàn Quốc năm 2022 (https://www.mss.go.kr/site/eng/02/20204000000002019110624.jsp).

 

Đồng thời, trong cùng năm, số lượng công ty vừa và nhỏ phát triển tập trung ở một số ngành như nông lâm ngư nghiệp, dịch vụ giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội, dịch vụ liên quan đến nghệ thuật, thể thao và giải trí, sửa chữa và dịch vụ cá nhân khác. Điều này được thể hiện cụ thể như trong bảng 2 dưới đây.


Bảng 2: Số lượng doanh nghiệp nhỏ và số lượng nhân viên trong các lĩnh vực kinh doanh trong năm 2019

STT

Lĩnh vực kinh doanh

Tổng số doanh nghiệp (A)

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (B)

Tỷ lệ (B/A)

Số doanh nghiệp

Số lượng nhân viên

Số doanh nghiệp

Số lượng nhân viên

Số doanh nghiệp

Số lượng nhân viên

Tổng

6.893.706

21.076.582

6.888.435

17.439.595

99,9

82,7

A

Nông lâm ngư nghiệp

88.476

147.866

88.457

146.205

100

98,9

B

Khai thác mỏ

2.656

12.194

2.654

11.483

99,9

94,2

C

Chế tạo

579.002

4.759.709

577.345

3.394.029

99,7

71,3

D

Điện, gas, hơi nước & nước

94.307

137.224

94.195

99.673

99,9

72,6

E

Hệ thống thoát nước/xử lý chất thải, tái sản xuất nguyên liệu thô, phục hồi môi trường

11.344

93.737

11.313

85.237

99,7

90,9

F

Xây dựng

484.611

1.990.943

484.238

1.750.219

99,9

87,9

G

Bán sỉ bán lẻ

1.661.831

3.674.757

1.661.006

3.286.936

100

89,4

H

Vận chuyển & kho bãi

614.188

1.218.409

613.985

1.060.969

100

87,1

I

Khách sạn & nhà hàng

815.269

1.995.255

815.162

1.830.894

100

91,8

J

Công nghệ thông tin - truyền thông

125.741

731.167

125.427

504.916

99,8

69,1

K

Tài chính & bảo hiểm

54.135

663.524

53.711

142.164

99,2

21,4

L

Địa ốc

1.167.248

1.471.192

1.166.553

1.409.412

99,2

95,8

M

Dịch vụ chuyên ngành, khoa học và kỹ thuật

222.342

889.207

222.144

794.824

99,9

89,4

N

Quản lý cơ sở kinh doanh & hỗ trợ kinh doanh & dịch vụ cho thuê

150.520

1.396.581

150.315

1.078.748

99,9

77,2

P

Dịch vụ giáo dục

223.489

368.358

223.458

353.241

100

95,9

Q

Y tế & phúc lợi xã hội

77.711

650.656

77.704

646.595

100

99,4

R

Dịch vụ liên quan đến nghệ thuật, thể thao & giải trí

145.295

268.142

145.239

249.110

100

92,9

S

Sửa chữa & dịch vụ cá nhân khác

375.541

607.661

375.529

594.940

100

97,9

Nguồn: Số liệu thống kê của Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp Hàn Quốc năm 2022 (https://www.mss.go.kr/site/eng/02/20204000000002019110624.jsp)

Hình 1: Quy mô sản xuất của các công ty trong ngành sản xuất (2008-2013)

Đơn vị: nghìn tỷ won, %

Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hàn Quốc từ năm 2000 đến nay
Nguồn: 중소기업중앙회 (2015) 2015 중소기업 위상지표, 중소기업중앙회, 한국(Hiệp hội trung ương doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (2015) Báo cáo chỉ số phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa 2015, Hiệp hội trung ương doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc, Hàn Quốc), tr.9

 

 

Về khu vực hoạt động, trong năm 2019, các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và các khu vực đông dân cư như Seoul (21,4%) hay tỉnh Gyeonggi (24,8%)[7] do những địa điểm này có đầy đủ điều kiện để phát triển sản xuất và kinh doanh. Đồng thời, doanh thu của các công ty nhỏ và vừa hoạt động ở Seoul và Gyeongi cũng đạt tỷ lệ cao so với các khu vực khác ở Hàn Quốc với tỷ lệ lần lượt là 26% và 27,1%[8].

Về quy mô sản xuất trong ngành chế tạo, một ngành có số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 99,7% từ năm 2008 đến năm 2013, các công ty này có sản lượng gần tương đương với các công ty lớn cho dù quy mô hoạt động và số lượng nhân viên ít hơn.

Trong cùng thời điểm, giá trị gia tăng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành chế tạo cũng gần tương đương với công ty lớn nhưng tỷ lệ đóng góp cho nền kinh tế của hai doanh nghiệp này cũng có sự chênh lệch.

Tỷ lệ lợi nhuận tính trên doanh thu bán hàng của các tập đoàn trong ngành chế tạo từ năm 2007 đến năm 2019 đa số đều lớn hơn doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, do tình hình biến động của nền kinh tế trong nước và thế giới cùng với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lợi nhuận của công ty lớn vào năm 2014 và 2019 bị sụt giảm và thấp hơn so với các doanh nghiệp này.


Hình 2: Giá trị gia tăng của các công ty trong ngành sản xuất (2008-2013)

Đơn vị: nghìn tỷ won, %

 

Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hàn Quốc từ năm 2000 đến nay

Nguồn: 중소기업중앙회 (2015), 2015 중소기업 위상지표, 중소기업중앙회, 한국 (Hiệp hội trung ương doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (2015), Báo cáo chỉ số phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa 2015, Hiệp hội trung ương doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc, Hàn Quốc), tr. 10.

 

 

Hình 3: Tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu bán hàng (2007-2019)

Đơn vị: %

 

Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hàn Quốc từ năm 2000 đến nay

 

Nguồn: 중소기업중앙회 (2015) 2015 중소기업 위상지표, 중소기업중앙회, 한국 (Hiệp hội trung ương doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (2015), Báo cáo chỉ số phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa 2015, Hiệp hội trung ương doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc, Hàn Quốc), tr. 37; 중소기업중앙회 (2021) 2021 중소기업 위상지표 , 중소기업중앙회, 한국 (Hiệp hội trung ương doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (2021) Báo cáo chỉ số phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa 2021, Hiệp hội trung ương doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc, Hàn Quốc), tr. 27.

 

Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ trả lương ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa  thấp hơn các doanh nghiệp lớn và khoảng cách này không ngừng gia tăng từ năm 2007 đến năm 2020. Trong Hình 4 dưới đây, ta có thể thấy mức lương cho nhân viên ở các tập đoàn cao gấp khoảng 1,5 lần so với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hình 4: Lương tháng của các nhân viên trong công ty nhỏ và vừa (2007-2020)

Đơn vị: nghìn won

Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hàn Quốc từ năm 2000 đến nay

Nguồn: 중소기업중앙회 (2015) 2015 중소기업 위상지표, 중소기업중앙회, 한국 (Hiệp hội trung ương doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (2015), Báo cáo chỉ số phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa 2015, Hiệp hội trung ương doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc, Hàn Quốc), tr. 33; 중소기업중앙회 (2021) 2021 중소기업 위상지표 , 중소기업중앙회, 한국 (Hiệp hội trung ương doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (2021) Báo cáo chỉ số phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa 2021, Hiệp hội trung ương doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc, Hàn Quốc), tr. 25.

 

 

Giờ làm việc là một khía cạnh quan trọng khác của điều kiện làm việc. Mặc dù thời gian làm việc đã giảm trong những năm gần đây ở Hàn Quốc, nhưng vào năm 2018 thời gian làm việc vẫn đứng thứ ba trong khối OECD với mức 1993 giờ mỗi năm[9]. Thời gian này lại dài hơn ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, trong năm 2019, lao động của các doanh nghiệp có quy mô từ 30 đến 99 người là 169,6 giờ 1 tháng cao hơn 5 giờ so với doanh nghiệp lớn[10].

Có thể nói, do điều kiện làm việc kém như lương thấp hơn, thời gian làm việc dài hơn và ít cơ hội thăng tiến hơn trong nghề nghiệp đã khiến cho nhiều nhân viên nghỉ việc và gây thiếu hụt về lực lượng lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở ngành chế tạo.

Một cuộc khảo sát dành cho sinh viên đại học do Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc tiến hành vào năm 2016 cho biết 32% sinh viên muốn làm việc cho một công ty lớn, 25% trong số đó thích cơ quan nhà nước, chỉ 5% cho biết họ muốn làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa[11].

Hình 5: Số lượng nhân viên thiếu hụt trong doanh nghiệp nhỏ và vừa

(2013-2019)

Đơn vị: nghìn người

 

Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hàn Quốc từ năm 2000 đến nay

 

Nguồn: 중소기업중앙회 (2021) 2021 중소기업 위상지표 , 중소기업중앙회, 한국 (Hiệp hội trung ương doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (2021) Báo cáo chỉ số phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa 2021, Hiệp hội trung ương doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc, Hàn Quốc), tr.31.

2. Nhận xét, đánh giá

Mặc dù giá trị gia tăng và tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu tương đối cao nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc lại có nhược điểm là ít kết nối và chưa tham gia sâu rộng vào mạng lưới sản suất toàn cầu. Điều này là do họ phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nội địa trong khi số lượng xuất khẩu chỉ chiếm lượng ít trong doanh thu bán hàng. Tỷ trọng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm từ 21% năm 2009 xuống còn 18% vào năm 2015[12]. Do đó, các doanh nghiệp này không được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi và sự gia tăng của các hiệp định thương mại tự do. Tỷ trọng của các doanh nghiệp nhỏ Hàn Quốc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là thấp nhất trong khối OECD. Điều này là do các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu tập trung vào nhu cầu trong nước, đồng thời, xuất khẩu chỉ chiếm 8,7% doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp này trong năm 2015.

Thêm vào đó, tỷ trọng doanh thu bán lẻ giảm trong khi doanh số bán hàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác và các doanh nghiệp lớn tăng lên. Việc này cũng phản ánh vai trò ngày càng tăng của hợp đồng thầu phụ. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nhân lực có năng lực sản xuất và trình độ kỹ thuật cao cũng làm giảm sức cạnh tranh và gây khó khăn cho việc nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó để giải quyết vấn đề này, các công ty cần liên kết với các khoa có liên quan tại các trường đại học để trao học bổng làm việc tại các công ty nhỏ và vừa sau khi làm việc. Đồng thời, Chính phủ Hàn Quốc cũng cần ban hành chính sách giúp mở rộng hệ thống giáo dục chuyên môn có liên kết với thực tiễn nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ học sinh theo học tại các trường dạy nghề để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các công ty nhỏ và vừa.


Bảng 3: Tỷ lệ phần trăm doanh thu bán hàng của doanh nghiệp nhỏ và vừa

ở Hàn Quốc (2004-2015)

 

Xuất khẩu

Doanh số bán hàng trong nước

Tổng

Doanh số bán hàng cho các công ty lớn

Doanh số bán hàng cho các DNNVV khác

Doanh số bán hàng cho các viện nghiên cứu công

Doanh số bán lẻ

Tổng doanh thu từ hợp đồng thầu phụ

2004

8,4%

29,8%

46,1%

3,6%

12,1%

91,6%

100%

2015

8.7%

29,9%

47,6%

4,9%

8,9%

91,3%

100%

Độ chênh lệch

0,3%

0,1%

1,5%

1,3%

-3,2%

-0,3%

0

Nguồn: Randall S.Jones and Jae Wan Lee (5/10/2018) Enhancing Dynasim in SMES and entrepreneurship in Korea, Economics Department working paper No.1510, tr.21

 

Ngoài ra, theo kết quả của một cuộc khảo sát do Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc tiến hành về hoạt động đầu tư cơ sở vật chất dành cho 3.700 công ty trong nước vào tháng 5 năm 2020, quy mô đầu tư trang thiết bị của các công ty đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ giảm mạnh xuống khoảng 19,5%[13] vào năm 2020 so với năm 2019 do hậu quả của đại dịch COVID-19, tranh chấp thương mại Mỹ - Trung và suy thoái kinh tế trong nước. Điều này đã khiến cho họ khó tiếp thu và phát triển công nghệ mới.

Thêm vào đó, tỷ lệ các công ty ở Hàn Quốc có từ 50 đến 249 nhân viên sử dụng điện toán đám mây, một trong những công cụ giúp họ cải tiến quy trình sản xuất, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng trong năm 2016 là 10% bằng một phần ba mức trung bình của OECD[14]. Đồng thời, 62,5% doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ và vừa của nước này chưa tự động hóa quy trình sản xuất của họ. Mức độ tự động hóa của họ khá đơn giản bao gồm mã vạch (17%) và nhận dạng tần số vô tuyến (14%)[15]. Vì thế, để khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ hỗ trợ cho 20.000 doanh nghiệp này thành lập các nhà máy thông minh, tích hợp phần mềm và Internet vạn vật vào năm 2022[16].

Như vậy, từ năm 2000 đến nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc đã phát triển không ngừng với quy mô sản xuất và giá trị gia tăng ngày càng cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn còn tồn tại những hạn chế như: phụ thuộc nhiều vào thị trường trong nước, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, mức độ tự động hóa chưa cao, khả năng phát triển và sử dụng công nghệ mới còn hạn chế. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc cần phải ban hành chính sách và chiến lược phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của các doanh nghiệp này để hỗ trợ họ khắc phục những khó khăn và tham gia sâu rộng hơn nữa vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 조덕희, “중소기업경영성과의 장기부진의 원인과 대책”, KIET 산업경제, (2006) (Jo Deok Hee, “Nguyên nhân và biện pháp đối phó với kết quả kinh doanh trì trệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Báo Kinh tế công nghiệp KIET (2006)).
  2. 중소기업중앙회 (2015) 2015 중소기업 위상지표, 중소기업중앙회, 한국 (Hiệp hội trung ương doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (2015), Báo cáo chỉ số phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa 2015, Hiệp hội trung ương doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc, Hàn Quốc).
  3. Brassell, M. and K. Boschmans, “Fostering the Use of Intangibles to Strengthen SME Access to Finance”, OECD SME and Entrepreneurship Papers, No. 8/2018.
  4. Randall S.Jones and Jae Wan Lee, “Enhancing Dynasim in SMES and entrepreneurship in Korea”, Economics Department working paper No. 1510, (5/10/2018).
  5. 한상목 연구위원 (2020) 2020설비투자전망, KDB 미래전략연구소 미래전략개발부, 한국 (Nghiên cứu viên Han Sang Mok (2020), Triển vọng đầu tư trang thiết bị, Viện nghiên cứu chiến lược tương lai KDB, Bộ Phát triển chiến lược tương lai, Hàn Quốc).
  6. 중소기업중앙회 (2021) 2021 중소기업 위상지표, 중소기업중앙회, 한국 (Hiệp hội trung ương doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (2021) Báo cáo chỉ số phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa 2021, Hiệp hội trung ương doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc, Hàn Quốc).

 



[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] TS., Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

* Bài viết là một phần kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ “Chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hàn Quốc, Đài Loan và hàm ý cho Việt Nam” do TS. Ngô Văn Vũ làm chủ nhiệm, thời gian thực hiện năm 2022-2023.

[3] Số liệu thống kê của Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp Hàn Quốc năm 2022, https://www.mss.go.kr/ site/eng/02/20204000000002019110624.jsp.

[4] PwC, “A Summary of Korean Corporate and Individual Income Taxes 2018”, Samil PricewaterhouseCoopers, (2018), https://www.pwc.com/kr/en/publications/sami lpwc_tax-summary-2018_en.pdf.

[5] WIPO “KIPO Activities Targeted at the SMEs Sector (Republic of Korea)”, (2001), https://www.wipo.int/ sme/en/best_ practices/kipo.htm.

[6] Brassell, M. and K. Boschmans, “Fostering the Use of Intangibles to Strengthen SMEAccesstoFinance”, OECD SME and Entrepreneurship Papers, No. 8/2018.

[7] Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (2021), Báo cáo chỉ số về doanh nghiệp nhỏ và vừa 2021, tr.12.

[8] Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc (2021) Báo cáo chỉ số về Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2021, tr.17.

[9] Số liệu thống kê về thời gian làm việc của các quốc gia trên thế giới của tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD, https://stats.oecd.org/Index.aspx?DataSetCode= ANHRS.

[10] Số liệu của Cục thống kê lao động và tuyển dụng Hàn Quốc năm 2019, http://laborstat.moel.go.kr/hmp/tblInfo/ TblInfoList.do?menuId=0010001100101102&leftMenuId=0010001100101&vwCdVal=MT_PTITLE&upListVal=118_32.

[11] Randall S.Jones and Jae Wan Lee “Enhancing Dynasim in SMES and entrepreneurship in Korea”, Economics Department working paper No.1510 (5/10/2018), tr. 19.

[12] Randall S.Jones and Jae Wan Lee “Enhancing Dynasim in SMES and entrepreneurship in Korea”, Economics Department working paper No.1510, (5/10/2018), tr. 20.

[13] 박종서기자, 윤희은 기자 “코로나 충격에…올해 기업 설비투자 계획 7.4% 줄였다” (Nhà báo Lee Jeong Hyeon, nhà báo Park Jong Seo, nhà báo Yoon Hee Eun, “Giảm 7,4% kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất doanh nghiệp trong năm nay do ảnh hưởng của virus Corona, https://www.hankyung.com/,https://www.hankyung.com/econ omy/article/2020070545101.

[14] Randall S.Jones and Jae Wan Lee, Tlđd, tr. 12.

[15] Randall S.Jones and Jae Wan Lee, Tlđd, tr. 14.

[16] Randall S.Jones and Jae Wan Lee, Tlđd, tr. 14.

0thảo luận