Trang chủ

Ito Hirobumi - nhà lãnh đạo xuất sắc của Minh Trị duy tân

Đăng ngày: 9-10-2023, 08:27 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 7

Nguyễn Tiến Lực1


Tóm tắt: Ito Hirobumi (伊藤博文/1841-1909) là nhà lãnh đạo nổi bật nhất trong giai đoạn thứ hai của Minh Trị duy tân. Sau khi “Duy tân tam kiệt” là Saigo Takamori, Okubo Toshimichi và Kido Takayoshi mất, Ito Hirobumi trở thành nhân vật trung tâm của nền chính trị Nhật Bản cận đại. Ông là kiến trúc sư trưởng của Hiến pháp Minh Trị, là người từng 4 lần giữ chức Thủ tướng, là nhà ngoại giao tài ba của Nhật Bản. Hội tụ nhiều công tích như vậy trong một con người, Ito Hirobumi là một hình mẫu chính trị gia chưa từng có trong lịch sử Nhật Bản. Khác với ở Nhật Bản, phương Tây và ngay cả Trung Quốc, sách báo viết về ông ở Việt Nam không nhiều. Trong bài viết này, tác giả muốn giới thiệu một cách đầy đủ về thân thế và sự nghiệp của ông và dựa trên phương pháp lịch sử, đánh giá một cách đầy đủ và khách quan về vai trò của ông trong lịch sử cận đại Nhật Bản.

Từ khóa: Ito Hirobumi, Minh Trị duy tân, Hiến pháp Minh Trị


1. Trở thành nhà lãnh đạo trẻ, xuất sắc của Minh Trị duy tân[1]

1.1. Xuất thân từ võ sĩ cấp thấp

Ito Hirobumi sinh ngày 2 tháng 9 năm 1841, tại Suo (nay thuộc tỉnh Yamaguchi) với cái tên ban đầu là Hayashi Toshisuke (林利助). Cha ông là Hayashi Juzo (林十蔵), một nông dân phá sản, phải đến làm gia nhân cho Ito Yaemon (伊藤弥右衛門), một võ sĩ cấp thấp ở Choshu  (nay thuộc tỉnh Yamaguchi). Sau đó, Toshisuke trở thành con nuôi của Ito Yaemon nên đã đổi tên thành Ito Naoemon伊藤直右衛門[2]. Nhờ Kurubara Ryozo(来原良蔵), một võ sĩ tài năng của Choshu giới thiệu, Ito được vào học trường Shokason-juku của nhà giáo dục nổi tiếng Nhật Bản Yoshida Shoin (吉田松陰/1830 -1859). Ở đây, ông được làm quen với Kido Takayoshi (木戸孝允),  anh vợ của Kurubara, một chí sĩ nổi tiếng của Choshu, và sau này trở thành một đại công thần của Minh Trị duy tân. Từ đó, Ito được Kido dìu dắt, bao bọc, che chở trên con đường trở thành nhân vật lãnh đạo xuất sắc trong lịch sử Nhật Bản[3].

Vào lúc đó, xã hội Nhật Bản đang có nhiều biến động. Tháng 7 năm 1853, Hoa Kỳ cử Đô đốc Matthew C. Perry (1794-1858) dẫn một hạm đội gồm 4 chiến thuyền, mang quốc thư của Tổng thống Millard Fillmore đến cảng Uraga (nay là vịnh Tokyo) đòi Nhật Bản mở cửa.

Năm sau (1854), chính quyền Mạc phủ Tokugawa (徳川幕府) quyết định nhượng bộ, ký Nhật - Mỹ hòa thân điều ước (日米和親条約) chính thức mở cửa Nhật Bản và sau đó, tháng 7/1858,  tiếp tục ký Nhật - Mỹ tu hiếu thông thương điều ước (日米修好通商条約 ) với những điều khoản bất bình đẳng nặng nề hơn.

Việc Mạc phủ Tokugawa ký kết các điều ước bất bình đẳng với phương Tây làm bùng lên phong trào phản đối chính quyền Mạc phủ và các nước phương Tây ở Nhật Bản mang tên Tôn Vương nhương Di (尊王攘夷/Ủng hộ Thiên hoàng, chống phương Tây). Một trong những người đi tiên phong trong phong trào Tôn Vương nhương Di là Yoshida Shoin, thầy của Ito Hirobumi ở trường Shokason-juku. Năm 1859, Yoshida Shoin bị bắt và bị tử hình khi ông mới 29 tuổi. Là một trong những học trò xuất sắc của Yoshida Shoin, Ito Hirobumi đã chịu ảnh hưởng sâu sắc tinh thần yêu nước và tư tưởng Tôn Vương nhương Di của thầy mình.

Vận may đã đến, tháng 5 năm 1863, phiên[4] Choshu quyết định cử 5 thanh niên ưu tú của mình sang Anh du học. Đó là Ito Hirobumi, Inoue Kaoru (井上馨), Endo Kinsuke (遠藤謹助), Yamao Yozo (山尾庸三), Inoue Masaru (井上勝). Việc đi du học Anh vào thời điểm này tránh cho Ito Hirobumi và các bạn bè khỏi những rắc rối của thời cuộc trong lúc phiên Choshu đang đối lập với Mạc phủ. Ở London, Ito được sống trong lâu đài của nhà hóa học Alexander William Williamson, được đi học, đi thăm quan bảo tàng, hải cảng, nhà máy, xí nghiệp, thấy được sự phát triển vượt bậc của văn minh công nghiệp phương Tây. Trong quá trình du học, tư tưởng ông chuyển biến dần từ “nhương Di” sang mở cửa. Ông nhận thức được rằng, mở cửa, học tập phương Tây, thực hiện duy tân là  con đường duy nhất để bảo vệ độc lập và xây dựng đất nước phồn vinh[5].

Sau một thời gian du học, tìm hiểu phương Tây, Ito Hirobumi trở về Nhật Bản lúc đất nước rơi vào tình trạng rối ren. Tháng 6 năm 1864, ông gặp Công sứ Anh tại Nhật Rutherford Alcock và phiên dịch viên Ernest Mason Satow bàn cách ngăn cản cuộc chiến tranh giữa Anh với phiên Choshu nhưng bất thành. Sau đó, ông làm phiên dịch cho Takasugi Shinsaku (高杉晋作), một lãnh tụ của chí sĩ Choshu để thương thuyết hòa bình với Đô đốc Augustus Leopold Kuper của Hải quân Anh. Do những hoạt động tích cực trợ giúp cho việc thương thuyết giữa Choshu-han với Anh và những thành tích nổi bật của ông sau đó là thương thuyết với Satsuma, một phiên có tư tưởng chống Mạc phủ nhưng lại là cừu địch với Choshu) để nhờ mua vũ khí hiện đại của phương Tây và sau đó là vận động Satsuma không tham gia quân đội Mạc phủ đánh Choshu. Việc làm của Ito góp phần to lớn vào việc thiết lập Đồng minh Satsuma – Choshu, lực lượng chủ yếu lật đổ Mạc phủ, thiết lập chính phủ Minh Trị sau này.

1.2. Nhà lãnh đạo trẻ xuất sắc

Trong những năm 1867-1868, ở Nhật Bản, các cuộc vận động Đại chính phụng hoàn (大政奉還) và Vương chính phục cổ (王政復古) đã chuyển giao chính quyền từ Mạc phủ Tokugawa sang Thiên hoàng Minh Trị. Nhờ thể hiện một cách xuất sắc vai trò của mình trong các phong trào đó và khả năng tiếng Anh tốt nên Ito Hirobumi được chính phủ Minh Trị hết sức trọng dụng. Năm 1868, lúc mới 27 tuổi, ông được bổ nhiệm chức Sanyo (cố vấn cao cấp), phụ trách các vấn đề liên quan đến lãnh sự nước ngoài. Như vậy, Ito Hirobumi đã trở thành quan chức cao cấp của chính phủ Minh Trị và là quan chức cao cấp trẻ tuổi nhất lúc bấy giờ.

Chính sách ngoại giao của Minh Trị là mở cửa, khác hẳn với chính sách nhương Di (chống phương Tây) của Mạc phủ trước đây. Là quan chức ngoại giao, Ito Hirobumi rất tích cực tiếp xúc, gặp gỡ với các đại diện ngoại giao phương Tây để truyền đạt và giải thích đường lối đối ngoại của chính phủ Minh Trị là tôn trọng các hiệp ước quốc tế, dựa vào luật pháp quốc tế (chữ dùng đương thời: công pháp quốc tế) để giải quyết mọi việc giao tế đối ngoại. Ông góp phần lớn vào việc thuyết phục các nước phương Tây có cái nhìn tích cực về chính quyền mới ở Nhật Bản. Mặt khác, trong chính phủ, ông tích cực chủ trương cải cách chế độ chính trị, phong tục, tập quán, giáo dục, sản nghiệp Nhật Bản theo các nước Âu - Mỹ.

Đầu năm 1869, Ito Hirobumi được bổ nhiệm làm Thống đốc đầu tiên của tỉnh Hyogo. Hyogo là một trong những tỉnh lớn và giàu có nhất Nhật Bản. Đặc biệt, tỉnh lỵ của Hyogo là Kobe, một thành phố cảng mở cửa rộng rãi nhất ở Nhật Bản. Làm Thống đốc tỉnh này phải thường xuyên tiếp các phái đoàn Công sứ và doanh nghiệp phương Tây. Với tài năng của mình, Ito đã giải quyết xuất sắc những vấn đề mới, còn nhiều vướng mắc trong quan hệ giữa tỉnh Hyogo nói riêng và Nhật Bản nói chung với các nước phương Tây. Trong thời gian ngắn làm việc ở tỉnh Hyogo, tiếp thu nhiều kiến nghị của các Công sứ phương Tây, kết hợp với sự hiểu biết của mình, ông đã soạn thảo và gửi lên chính phủ trung ương bản Quốc thị cương mục (国是綱目) gồm 6 điều, chủ trương đẩy mạnh giao thương với các nước phương Tây và học tập phương Tây để duy tân đất nước.

Chính phủ Minh Trị đã đánh giá cao công tích và những kiến nghị xuất sắc của ông nên quyết định điều động ông lên Tokyo, tham gia vào chính phủ trung ương để giải quyết các vấn đề mang tầm quốc gia trong quan hệ với các nước phương Tây.

Tháng 12 năm 1870, Ito Hirobumi được cử là trưởng đoàn chuyên gia trẻ tuổi gồm Yoshikawa Akimasa (芳川顕正), Fukuchi Genichiro (福地源一郎)… đi Mỹ để tìm hiểu hệ thống tiền tệ và cơ chế điều hành hệ thống tiền tệ mới, hiện đại. Ito Hirobumi và đoàn nghiên cứu đã nghiên cứu tường tận chế độ tiền tệ của Mỹ và đề xuất một kiến nghị cải cách tiền tệ cho Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã dựa vào kiến nghị của ông, ban bố điều lệ mới về tiền tệ và chương trình chế tạo tiền tệ mới, thúc đẩy chế độ tiền tệ của Nhật Bản tiến lên trình độ cận đại hóa.

Sau các chuyến đi khảo sát các nước Âu Mỹ riêng lẻ, ngày 8 tháng 10 năm 1871, Thiên hoàng đã ra Sắc chiếu cử một phái đoàn hùng hậu gồm 108 người đi thăm Âu Mỹ. Đoàn do Tả đại thần IwakuraTomomi   (岩倉具視) làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền; Kido Takayoshi, Okubo Toshimichi  (大久保利通), Ito Hirobumi và Yamaguchi Naoyoshi (山口直義) làm Phó sứ. Ito Hirobumi là Phó sứ trẻ tuổi nhất (30 tuổi) nhưng có lẽ là người hiểu biết nhất về tình hình các cường quốc Âu Mỹ. Nhờ thông thạo tiếng Anh, Ito đã có nhiều buổi diễn thuyết về đất nước Nhật Bản, về ý nghĩa quốc kỳ Nhật Bản… thu hút sự quan tâm của giới chính trị và truyền thông các nước Âu Mỹ đương thời[6].

Tuy mục tiêu hàng đầu của Sứ đoàn Nhật Bản là thuyết phục các nước Âu Mỹ sửa đổi hiệp ước bất bình đẳng ký dưới thời Mạc phủ, tuy nhiên, lúc bấy giờ Nhật Bản còn yếu, các luật lệ chưa tương thích với chuẩn mực quốc tế nên chưa có nước nào đồng ý sửa đổi hiệp ước với Nhật Bản. Tuy nhiên, thành quả quan trọng nhất của chuyến đi sứ Âu Mỹ của Nhật Bản lần này lại là việc khảo sát tìm hiểu các nước phương Tây từ luật lệ, thể chế, sự phát triển của công nghiệp, thương mại, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và giáo dục.

Trong 22 tháng sứ đoàn Iwakura đi thăm nước ngoài, chính phủ trong nước được giao cho Saigo Takamori (西郷隆盛), Okuma Shigenobu (大隈重信) và Itagaki Taisuke    (板垣退助) lãnh đạo. Về đối ngoại, Saigo có chủ trương đưa quân sang Triều Tiên, trước để thị uy vì cho rằng Triều Tiên vô lễ,  không công nhận chính phủ Minh Trị và không chịu thiết lập quan hệ ngoại giao với chính phủ mới. Chủ trương đó gọi là Chinh Hàn luận (征韓論). Trong khi chủ trương Chinh Hàn luận còn chưa thực hiện thì sứ đoàn Iwakura trở về Nhật Bản (9/1873). Các thành viên chủ chốt tham gia sứ đoàn như Iwakura, Kido, Okubo, Ito… đều cho rằng, lúc này cần ưu tiên cải cách trong nước, tăng cường sức mạnh quốc gia nên đã quyết định tạm dừng chủ trương Chinh Hàn luận. Bất mãn trước quyết định trên, tháng 10 năm 1873, Saigo và nhiều quan chức cao cấp khác đã từ quan, về quê.

Năm 1874, Ito Hirobumi được cử giữ chức Quốc vụ khanh Công nghiệp (tương đương với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp). Ông có công lao to lớn trong việc hoạch định chính sách phát triển công nghiệp: xây dựng đường sắt, hiện đại hóa ngành đóng tàu, thành lập công ty… đặt nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để đạt được bước tiến nhanh chóng trên con đường chính trị của Ito Hirobumi, ngoài tài năng và nỗ lực của ông như am hiểu tình hình phương Tây, có trình độ tiếng Anh tốt, có tư tưởng duy tân mạnh mẽ, ông còn có được một môi trường thuận lợi là xuất than từ phiên Choshu, một thế lực hùng mạnh trên trường chính trị Nhật Bản cuối thời Mạc phủ đầu thời Minh Trị.

2. Nhân vật trung tâm của chính trị Nhật Bản sau Duy tân tam kiệt

Trong 2 năm 1877 và 1878, ba nhà lãnh đạo kiệt xuất của Minh Trị duy tân giai đoạn đầu là Saigo Takamori, Okubo Toshimichi và Kido Takayoshi đã lần lượt qua đời. Ngày 14 tháng 5 năm 1878, Ito Hirobumi đảm nhận chức Sangi (Ủy viên Chính phủ) kiêm Quốc vụ khanh Nội vụ. Kể từ đó Ito Hirobumi trở thành nhân vật trung tâm của nền chính trị Nhật Bản cận đại.

2.1 Kiến trúc sư trưởng của Hiến pháp Minh Trị

Trước áp lực của phong trào tự do dân quyền, Chính phủ Nhật Bản phải tuyên bố sẽ ban hành hiến pháp và triệu tập quốc hội trước năm 1890. Đầu những năm 1880, chính phủ Minh Trị chính thức bắt đầu quy trình chuẩn bị soạn thảo và công bố hiến pháp.

Tháng 3 năm 1882, chính phủ cử Ito Hirobumi dẫn một phái đoàn sang Âu châu để nghiên cứu hiến pháp và tổ chức quốc hội của các nước phương Tây. Ito đã học về lý luận hiến pháp của Đức thông qua hai giáo sư Ruftvon Gneist (Đại học Berlin, 1816-1895) và Lorenz Von Stein (Đại học Vienna, 1815-1890). Hai vị học giả này đã đề cao tính hợp lý của hiến pháp quân chủ lập hiến, rất phù hợp với suy nghĩ của Ito Hirobumi. Ito Hirobumi so sánh hiến pháp của Anh, Pháp, Đức và cho rằng chỉ có hiến pháp của Đức đề cao vai trò của Hoàng đế trong thể chế quân chủ lập hiến là thích hợp với Nhật Bản.

Sau khi trở về nước, Ito được cử đứng đầu Ủy ban soạn thảo hiến pháp. Dưới sự cố vấn của Giáo sư Rossler Mosse và Hermann Roesler, Ito Hirobumi cùng ba người phụ tá là Ito Miyoji (伊藤巳代治/1844-1895), Inoue Kawashi  (井上毅/1857-1934), Kaneko Kentaro (金子健太郎/1853-1942) tập trung vào việc soạn thảo hiến pháp.

Quá trình soạn thảo và phê chuẩn diễn ra rất gay gắt và quyết liệt, cuối cùng bản thảo hiến pháp đã được hoàn thành năm 1888. Chính phủ thành lập một Ủy ban đặc biệt gồm những thành viên của chính phủ và một số trí thức danh tiếng khác, thảo luận và thông qua hiến pháp. Ngày 11 tháng 2 năm 1889[7], Thiên  hoàng Minh Trị long trọng công bố Hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản, dưới hình thức Khâm định Hiến pháp (tức là Hiến pháp do chính Thiên hoàng xem xét và ban bố). Tên chính thức của nó là Đại Nhật Bản đế quốc Hiến pháp nhưng thường được gọi là Hiến pháp Minh Trị.

Theo Hiến pháp Minh trị, hình thức thể chế của Nhật Bản là quân chủ - lập hiến. Thiên hoàng có quyền lực rất lớn: có quyền thế tập “chỉ một dòng Thiên Hoàng liên tục trị vì nước Nhật từ trước đến nay” (万世一系); có quyền thống soái, tức là quyền chỉ huy tối cao Lục quân và Hải quân, có quyền tuyên chiến, giảng hòa hay ký kết các hiệp ước. Thiên hoàng có quyền triệu tập và đình chỉ Quốc hội, giải tán và triệu tập Chúng nghị viện. Trong trường hợp khẩn cấp và Quốc hội không nhóm họp, Thiên hoàng có quyền ra những pháp lệnh có chức năng tạm thời thay thế luật. Thiên hoàng còn có quyền tu chỉnh Hiến pháp. Các bộ trưởng trong nội các chỉ có trách nhiệm đối với Thiên hoàng, không chịu trách nhiệm trước nội các. Ngân sách của Bộ Cung đình (宮内省) hoàn toàn không lệ thuộc vào Quốc hội.

Quốc hội được tổ chức theo chế độ lưỡng viện: Chúng nghị viện (衆議院) tương đương với Hạ nghị viện gồm những nghị viện do cử tri bầu ra, và Quý tộc viện (貴族院) tương đương với Thượng nghị viện, gồm các thành viên do Thiên hoàng chỉ định.

Hiến pháp cũng ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do nhóm họp, tổ chức hội đoàn… của nhân dân. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, các quyền này của nhân dân, vẫn còn bị hạn chế bởi những điều khoản khác cũng được ghi trong Hiến pháp.

Có thể nói, bản Hiến pháp Minh Trị là một bản hiến pháp vừa có yếu tố hiện đại, vừa có yếu tố truyền thống, vừa tiến bộ, vừa bảo thủ nhưng phù hợp với điều kiện Nhật Bản lúc bấy giờ. Đó là hiến pháp mang tính hiện đại đầu tiên ở châu Á[8], trong đó ghi nhận quyền tự do dân chủ của nhân dân, làm cơ sở pháp lý cho phong trào tự do dân quyền ở Nhật Bản từ đó về sau. Cái tài của Ito Hirobumi với tư cách là kiến trúc sư trưởng của Hiến pháp Minh Trị không phải soạn thảo được một hiến pháp dân chủ nhất, tiến bộ nhất mà là một hiện pháp phù hợp nhất với hoàn cảnh lịch sử của Nhật Bản lúc bấy giờ[9].

2.2. Nhà ngoại giao tài ba của Minh Trị duy tân

Trong cuốn “10 nhà ngoại giao lớn thế giới”, hai học giả người Trung Quốc Trần Triều và Hồ Lễ Trung đã xếp tên tuổi của Ito Hirobumi bên cạnh các nhà ngoại giao lừng danh thế giới như Charles Talleyrant của Pháp, Klemens Metternich của Áo, Woodrow Wilson của Mỹ hay Mikalovich Molotov của Liên Xô. Điều đáng nói hơn là Ito Hirobumi là nhà ngoại giao châu Á duy nhất có tên trong danh sách 10 nhà ngoại giao lừng danh này.

Tài năng ngoại giao của Ito Hirobumi được chú ý lần đầu tiên chính là từ sự kiện ông đàm phán vay được của Ngân hàng phương Đông của Anh số tiền là một triệu bảng Anh cho việc xây dựng đường sắt ở Nhật Bản. Từ đó, Ito Hirobumi thường có tên trong hàng loạt các cuộc thương thuyết ngoại giao quan trọng của Nhật Bản với các nước trên thế giới.

Thành công to lớn tiếp theo về mặt ngoại giao của Ito Hirobumi là cuộc thương thuyết với nhà Thanh xung quanh vấn đề Triều Tiên.

Triều Tiên vốn là nơi tranh chấp của Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 1876, Nhật dùng Hiệp ước Giang Hoa ( 江華条約 ) mở cửa Triều Tiên nhưng nhà Thanh không chấp nhận điều ước đó với lý do Triều Tiên là thuộc quốc của Thanh quốc, không được ký hiệp ước với bất cứ nước nào nếu không được sự chấp nhận của Thanh quốc.

Lúc bấy giờ, nhà Thanh ủng hộ phe bảo thủ trong Triều đình Triều Tiên do Tae Wongun (1820-1898) cầm đầu, chủ trương dựa vào nhà Thanh chống lại sự bành trướng thế lực của Nhật Bản. Còn Nhật Bản ủng hộ  phe cải cách do Kim Ok-kun (金玉均/1851-1894) đứng đầu, chủ trương cải cách, duy tân như Nhật Bản, thoát khỏi sự lệ thuộc vào nhà Thanh. Năm 1882, phe bảo thủ tổ chức biểu tình tấn công vào Sứ quán của Nhật Bản ở Seoul, Nhật Bản gửi quân sang Seoul bảo vệ Sứ quán, lập tức nhà Thanh cũng đưa quân sang Seoul để giúp phe bảo thủ. Năm 1884, phe cải cách tiến hành cuộc chính biến gọi là Giáp Thân chính biến (甲申政変) nhằm nắm quyền triều đình, thoát khỏi sự lệ thuộc vào nhà Thanh. Nhưng trước viện binh hùng hậu của nhà Thanh, cuộc chính biến nhanh chóng bị đàn áp. Nhiều lãnh tụ của cuộc chính biến, trong đó có Kim Ok-kun phải lưu vong sang Nhật Bản, được chính phủ Nhật Bản che chở, tiếp tục hoạt động đòi cải cách đất nước.

Trong tình hình vô cùng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản cử Ito Hirobumi làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền sang Thanh quốc, hội đàm với Lý Hồng Chương (李鴻章),  đại biểu của Chính phủ Mãn Thanh về vấn đề Triều Tiên và quan hệ Nhật - Thanh.

Ito Hirobumi muốn qua cuộc hội đàm lần này buộc nhà Thanh phải thừa nhận quyền lợi lớn hơn của Nhật Bản ở bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, là một nhà thương thuyết tài năng, ông hiểu rõ sức mạnh của Nhật Bản vào thời đó đang ở đâu, và cường quốc nào trên thế giới quan tâm đến vấn đề Triều Tiên. Vì thế, Ito Hirobumi muốn thỏa hiệp với Mãn Thanh, nhanh chóng ký kết hiệp ước, thừa nhận những quyền lợi của nhau ở Triều Tiên để đối phó với nhiều vấn đề quốc tế khác. Ngày 18 tháng 4 năm 1884, Ito Hirobumi thay mặt Chính phủ Nhật Bản đã ký với Lý Hồng Chương, thay mặt chính phủ Thanh Quốc Hiệp ước Thiên Tân (天津条 約). Hiệp ước này quy định: quân đội của Đại Thanh và Nhật Bản đều rút khỏi Triều Tiên, hai nước không phái sĩ quan huấn luyện quân sự đến Triều Tiên nữa; khi cần thiết phải đưa quân đội vào Triều Tiên thì đôi bên cần thông báo cho nhau biết trước. Từ đó hai nước Trung Quốc và Nhật Bản xác lập thế cân bằng lực lượng ở Triều Tiên[10]. Hiệp ước Thiên Tân góp phần xoa dịu một vấn đề nóng trong quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Bắc Á – vấn đề Triều Tiên. Nó giúp Nhật Bản có thời gian chuẩn bị khả năng đối phó, không chỉ nhà Thanh mà cả đế quốc Nga trong vấn đề Triều Tiên.

Năm 1885, khi thay đổi hình thức của chính phủ từ Thái chính quan sang Nội các thì Ito Hirobumi giữ chức Thủ tướng (Nội các Tổng lý Đại thần) đầu tiên của Nhật Bản. Trọng tâm ngoại giao của Nhật Bản lúc bấy giờ vẫn nhằm vào việc thương thuyết sửa đổi hòa ước bất bình đẳng mà Mạc phủ đã ký với các cường quốc phương Tây. Để biểu thị ý chí văn minh hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ và cũng nhằm gây cảm tình với các nhà ngoại giao phương Tây, Ito Hirobumi đã cho xây dựng tại công viên Hibiya ở Tokyo một tòa nhà kiến trúc huy hoàng tráng lệ, theo lối kiến trúc phương Tây, lấy tên là Rokumeikan (鹿鳴館). Tòa nhà này là nơi đón tiếp các vị khách phương Tây, nơi tổ chức các cuộc vũ hội, biểu diễn nghệ thuật hiện đại. Các hoạt động này của Ito Hirobumi là nhằm mục đích làm cho các nhà ngoại giao phương Tây nhận thức rằng Nhật Bản đã là một đất nước tiến bước trên con đường văn minh hóa, hiện đại hóa. Cách thức ngoại giao này của Ito Hirobumi được gọi là Ngoại giao Rokumeikan[11].

Đi theo phong cách ngoại giao này, Ito Hirobumi đẩy nhanh các cuộc thương thuyết với các nước phương Tây về việc sửa đổi các hiệp ước bất bình đẳng. Và ông tập trung mọi nỗ lực vào các cuộc thương thuyết với Anh. Kết quả là, sau một thời gian dài thương thuyết, tháng 7 năm 1894, Nhật Bản đã ký với Anh Hiệp ước thông thương và hàng hải (日英通商航海条約/Treaty of Commerce and Navigation between Great Britain and Japan), trong đó Anh đồng ý từ bỏ “trị ngoại pháp quyền” của người Anh trên lãnh thổ Nhật Bản và “quyền tối huệ quốc” trong hoạt động thương mại, thừa nhận một phần quyền tự chủ thuế quan của Nhật Bản. Đây cũng là hiệp ước bình đẳng đầu tiên mà cường quốc hàng đầu thế giới là Anh ký với Nhật Bản. Đây là một thắng lợi ngoại giao quan trọng của Nhật Bản và cá nhân Thủ tướng Ito Hirobumi. Chính Ngoại trưởng Anh John John Wodehouse, Earl of Kimberley sau khi ký kết hiệp ước, đã chúc mừng Nhật Bản: “Tính chất của hiệp ước này đối với Nhật Bản mà nói còn quan trọng hơn cả việc đánh bại quân đội Mãn Thanh”[12]. Hiệp ước này sẽ tạo ra hiệu ứng domino giúp Nhật Bản đẩy nhanh quá trình thương thuyết và ký các hiệp ước mới với các cường quốc khác. Một ý nghĩa còn to lớn hơn, đó là hiệp ước này cũng đảm bảo về mặt pháp lý sự ủng hộ của Anh đối với Nhật Bản nếu chiến tranh giữa Nhật Bản và Thanh quốc nổ ra.

Ngày 1 tháng 8 năm 1894, Nhật Bản phát động chiến tranh chống Thanh quốc. Quân đội Nhật được chuẩn bị chu đáo, được trang bị vũ khí hiện đại, có kế hạch tác chiến xuất sắc đã nhanh chóng đánh bại quân Thanh kể trên biển lẫn trên bộ. Sau khi chiếm được hầu hết bán đảo Triều Tiên, quân Nhật đánh chiếm các vị trí chiến lược quan trọng của Thanh quốc như bán đảo Liêu Đông (遼東), bán đảo Sơn Đông (山東) và Uy Hải Vệ (威海衛), tiến tới Thiên Tân (天津), uy hiếp Bắc Kinh (北京). Quân Thanh thất bại nhanh chóng, yêu cầu giảng hòa, Nhật Bản giành thắng lợi hoàn toàn.

Ito Hirobumi theo dõi chặt chẽ tình hình chiến sự, không ngây ngất vì thắng lợi, toan tính làm sao Nhật Bản bảo toàn được thành quả thắng lợi, tránh bị các cường quốc can thiệp vào chiến tranh này. Ito Hirobumi cũng mong muốn sớm kết thúc chiến tranh, lo sợ nếu chiến tranh kéo dài các cường quốc khác có thể can thiệp, gây bất lợi cho Nhật Bản. Vì thế, khi nhà Thanh cầu hòa, Nhật Bản nhanh chóng chấp nhận và tiến hành các cuộc hòa đàm với Thanh Quốc.

Ngày 20 tháng 3 năm 1895, cuộc hội đàm giữa Nhật Bản và Thanh quốc diễn ra ở Shimonoseki[13], Nhật Bản. Đoàn đại biểu Nhật Bản do Nội các Tổng lý Đại thần (Thủ tướng) Ito Hirobumi dẫn đầu, đoàn đại biểu của Thanh quốc do Bắc Dương Đại thần Lý Hồng Chương dẫn đầu. Ito Hirobumi đã chỉ đạo phía Nhật Bản soạn thảo sẵn văn bản hiệp định sẽ ký kết và thương thuyết trên cơ sở văn bản đó. Với vị thế đại diện của bên thắng cuộc, Ito Hirobumi buộc Lý Hồng Chương phải chấp nhận những yêu cầu của phía Nhật Bản nêu ra.  Vấn đề gay cấn nhất là số tiền bồi thường chiến tranh, Ito Hirobumi hầu như đã buộc Lý Hồng Chương phải chấp nhận số tiền nêu ra từ đầu. Trong quá trình thương thuyết, Ito Hirobumi thường xuyên gây áp lực lên Lý Hồng Chương, đe dọa đưa quân tiến về Bắc Kinh: “Nếu cuộc đàm phán này bị tan vỡ thì chỉ với một tiếng ra lệnh, sáu bảy chục chiến hạm vận tải của chúng tôi sẽ vận chuyển quân đội ra ngay chiến trường”[14]. Cuối cùng, nhà Thanh đành chấp nhận ký Hiệp ước Shimonoseki (下関条約)[15] với những điều khoản nặng nề như trong bản soạn thảo của phía Nhật Bản.

Hiệp ước Shimonoseki có những điểm chính sau đây: (1) Thanh quốc công nhận Triều Tiên là một nước độc lập tựu chủ, phế bỏ vĩnh viễn quan hệ sách phong, triều cống và các nghi lễ khác trong quan hệ giữa Thanh Quốc và Triều Tiên; (2) Thanh quốc đồng ý cắt nhường vĩnh viễn bán đảo Liêu Đông, đảo Đài Loan, đảo Bành Hồ  cho Nhật Bản; (3) Thanh quốc đồng ý bồi thường chiến phí cho Nhật Bản là 200 triệu lượng bạc[16]; (4) Thanh quốc công nhận Nhật Bản được hưởng quy chế “tối huệ quốc” trong buôn bán và (5) mở các cảng Sa Thị, Trùng Khánh, Tô Châu và Hàng Châu cho người Nhật Bản được tự do đi lại và kinh doanh.

Hiệp ước Shimonoseki xác nhận thắng lợi toàn diện, trọn vẹn của Nhật Bản đối với Thanh quốc. Thắng lợi của này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với Nhật Bản. Từ nay, Nhật Bản nghiễm nhiên được công nhận là một cường quốc ở châu Á, với vị thế đó, nước này có thể đẩy nhanh các cuộc thương thuyết với các nước phương Tây để sửa đổi điều ước bất bình đẳng dễ dàng hơn. Trên thực tế, sau khi Nhật Bản thắng trận, các nước phương Tây đều nhìn nước này với con mắt nể phục. Đó là chỗ dựa để Nhật Bản có thể triển khai các hoạt động ngoại giao nhằm  xác lập vị thế “minh chủ châu Á” và cường quốc tầm thế giới.

Ở Triều Tiên, sau khi Trung Quốc rút lui, Nga nhảy vào thay thế và sự xung đột giữa quyền lợi của Nga và Nhật Bản trên bán đảo này làm cho quan hệ Nga - Nhật vốn đã căng thẳng lại càng căng thẳng hơn và đây chính là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905).

Các cuộc thương thuyết với Thanh quốc và đặc biệt là cuộc hội đàm ở Shimonoseki (1895) là những chiến công hiển hách của nhà chính trị, nhà ngoại giao tài ba Ito Hirobumi. Có lẽ, chính những chiến công này đã làm cho các học giả liệt ông vào hàng ngũ những nhà ngoại giao lừng danh của thế giới.

Sau chiến tranh Nhật - Thanh, Ito Hirobumi vẫn tiếp tục giữ đỉnh cao quyền lực ở Nhật Bản. Ông còn hai lần được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản vào các năm 1898 và 1900. Ông cũng được biết đến là người chủ trương thương thuyết hòa bình trên thế mạnh với Nga xung quanh vấn đề Triều Tiên, Mãn Châu và Sakhalin, tuy nhiên không thành công và chiến tranh Nga - Nhật đã xảy ra. Ông cũng biết đến là vị Thống giám (統監/Toàn quyền) Nhật Bản đầu tiên ở Triều Tiên.  Nhưng chính điều đó dẫn đến ông bị ám sát ở Cáp Nhĩ Tân vào năm 1909.

Kết luận

Trong bối cảnh lịch sử của thời đại đế quốc chủ nghĩa vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khó có chính trị gia nào của Nhật Bản và thế giới được đánh giá là hoàn hảo cả. Ito Hirobumi cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Cũng có ý kiến cho rằng, sự thăng tiến nhanh chóng trên con đường chính trị của ông là do may mắn, Hiến pháp Minh Trị mà ông là Trưởng ban soạn thảo còn chứa đựng nhiều điều khoản phi dân chủ; những thành công trong thương thuyết ngoại giao của ông là do tính quyết liệt, đầy mưu mô của ông… Tuy nhiên, từ phương pháp lịch sử cụ thể, nếu chúng ta đặt ông vào bối cảnh lịch sử của Nhật Bản, của vùng Đông Bắc Á và của thế giới vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX để đánh giá, thì Ito Hirobumi chính trị gia xuất sắc của Minh Trị duy tân, nhà ngoại giao tài ba của Nhật Bản và thế giới.

Tôi cũng tán đồng với ý kiến của Nakamura Kikuo, Giáo sư danh dự Đại học Hosei, Nhật Bản khi ông viết: Nếu đặt vào bối cảnh lịch sử Nhật Bản cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mà xem xét thì Ito Hirobumi là chính trị gia lớn nhất của Nhật Bản cận đại (…) Có thể nói rằng lịch sử cận đại Nhật Bản đã sản sinh ra chính trị gia vĩ đại - Ito Hirobumi[17].

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Nguyễn Tiến Lực, (2010), Minh Trị duy tân và Việt Nam,  Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

2. Trần Triều - Hồ Lễ Trung (2002), 10 nhà ngoại giao lớn thế giới, Phong Đảo dịch, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

3. Vĩnh Sính (1991), Nhật Bản cận đại, Nxb TP Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.

4. 中村菊男『日本宰相列伝 伊藤博文』上、時事通信社、1985年 (Nakamura Kikuo, Nhật Bản Tể tướng liệt truyện - Ito Hirobumi, Tập 1, Jiji Tsushinsha, 1985).

5. 豊田穣『初代総理 伊藤博文』講談社、1987年(Toyota Minoru, Sơ đại Tổng lý - Ito Hirobumi, Kodansha, 1987).

 

 


[1] PGS.TS, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

[2] Hiện tượng cho - nhận con nuôi rất phổ biến trong xã hội Nhật Bản thời Edo (1603-1867).

[3] 豊田穣『初代総理 伊藤博文』、上、講談社、1987年(Toyota Minoru, Sơ đại Tổng lý - Ito Hirobumi, Tập 1, Kodansha, 1987), tr. 51-53.

[4] Tiếng Nhật là Han藩, tức là lãnh địa có tính tự trị ở địa phương.

[5] Toyota Minoru, Sđd, tr. 145-146.

[6] Nguyễn Tiến Lực, (2010), Minh Trị duy tân và Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr. 196.

[7] Hiện nay ngày 11 tháng 2 được lấy làm ngày kỷ niệm kiến quốc (Kenkoku Kinenbi). Theo truyền thuyết, Thần Vũ Thiên hoàng (Jimmu Tenno), vị Thiên hoàng đầu tiên của Nhật Bản lên ngôi vào ngày 11 tháng 2 năm 660 (trước Công nguyên).

[8] Đúng ra Hiến pháp đầu tiên ở châu Á là Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ bị phế bỏ ngay sau khi thông qua, không được thực thi trong thực tế.

[9] Nguyễn Tiến Lực, Sđd, tr. 109.

[10] Trần Triều - Hồ Lễ Trung (2002), 10 nhà ngoại giao lớn thế giới, Phong Đảo dịch, Nxb Văn hóa Thông tin, tr. 133-134.

[11] Xem Vĩnh Sính (1991), Nhật Bản cận đại, Nxb TP Hồ Chí Minh, tr. 132.

[12] Dẫn theo Trần Triều - Hồ Lễ Trung, Sđd, tr. 139-140.

[13] Shimonoseki (下関), đọc âm Hán - Việt là Hạ Quan, là thành phố cảng thuộc tỉnh Yamaguchi, phía Tây Nhật Bản. Cho đến thời Minh Trị, đây đã là một hải cảng thương mại sầm uất. Hải cảng này còn có tên gọi khác là Bakan (馬関), đọc âm Hán - Việt là Mã Quan.

[14] Dẫn theo Trần Triều - Hồ Lễ Trung, Sđd, tr. 141.

[15] Trong sử sách Trung Quốc hay gọi là Hòa ước Mã Quan.

[16] Khoảng 320 triệu yên thời bấy giờ.

[17] Toyota Minoru, Sđd, tr. 205.

 

0thảo luận