Trang chủ

Hợp tác an ninh của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á từ năm 2012 đến nay

Đăng ngày: 6-10-2023, 10:14 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 7

Nguyễn Đức Tâm1
Tóm tắt: Bài viết giới thiệu khái quát về tình hình khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng từ năm 2012 đến nay, qua đó phân tích những điều chỉnh mang tính chiến lược của Nhật Bản nhằm tăng cường hợp tác an ninh với các nước Đông Nam Á. Trong đó, đi sâu phân tích hợp tác an ninh của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á trên cả hai phương diện đa phương và song phương. Cuối cùng, bài viết trình bày những tác động của sự hợp tác này đến tình hình an ninh trong khu vực.
Từ khóa: Hợp tác an ninh, Nhật  Bản, Đông Nam Á

 

1. Tình hình khu vực từ năm 2012 đến nay[1]

Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một khái niệm được mở rộng từ khái niệm khu vực châu Á – Thái Bình Dương trước đây, bao gồm toàn bộ các quốc gia xung quanh và nằm trong vùng biển thuộc Thái Bình Dương, khu vực phía Bắc của Ấn Độ Dương và toàn bộ Biển Đông[2]. Khu vực này đang chứng kiến nhiều thay đổi nhanh chóng và phức tạp trên nhiều khía cạnh từ kinh tế, chính trị đến an ninh, quốc phòng, đặc biệt là từ năm 2012 đến nay. Trong đó, Trung Quốc hiện nay đã trở thành một thành tố quan trọng, có tầm ảnh hưởng và có tác động lớn đến cục diện khu vực trên nhiều phương diện. Quốc gia này thông qua việc thúc đẩy Sáng kiến Vành đai con đường (BRI) vào năm 2013, thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và nhiều chiến lược khác, nhằm tăng cường ảnh hưởng, từng bước cạnh tranh và thay thế Mỹ trong định hình cục diện khu vực và thế giới. Đặc biệt trên khía cạnh an ninh, Trung Quốc không ngừng phát triển sức mạnh quân sự, đặc biệt là lực lượng Hải quân, không ngừng có những động thái gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, đe dọa trực tiếp đến an ninh của các quốc gia trong khu vực bao gồm Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á có liên quan đến tranh chấp Biển Đông[3]. Ngược lại, Mỹ thực hiện nhiều chính sách mang tính bước ngoặt nhằm chuyển dịch trọng tâm chiến lược sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, duy trì và củng cố ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, trong đó bao gồm chính sách tái cân bằng dưới thời Tổng thống Obama và chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) dưới thời Tổng thống Donald Trump[4]. Đồng thời, Mỹ cùng các nước trong bộ Tứ (QUAD) khẳng định duy trì trật tự mở và tự do trong khu vực dựa trên luật pháp quốc tế, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, củng cố an ninh và đảm bảo thịnh vượng trong khu vực. Ngoài ra, Mỹ, Anh và Australia cùng đưa ra tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên (AUKUS), qua đó tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng nhằm kiềm chế việc Trung Quốc kiểm soát các tuyến hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Trên cơ sở những động thái này, Nhật Bản với vai trò là đồng minh quan trọng của Mỹ, sẽ chủ động và đóng vai trò tích cực hơn trong việc tăng cường hợp tác an ninh với các nước khác, qua đó duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Đông Nam Á nằm ở vị trí trung tâm, là nơi kết nối và giao thoa của hai đại dương Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Khu vực này có những tuyến đường hàng hải huyết mạch, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại quốc tế. Đồng thời, khu vực này có lực lượng lao động dồi dào, sức mua lớn và mức tăng trưởng kinh tế cao. Một số quốc gia Đông Nam Á là những thành viên quan trọng của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ngoài ra, vị thế và vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không ngừng được nâng cao, trở thành một thành tố quan trọng trong quản trị toàn cầu[5]. Vì vậy, khu vực Đông Nam Á có vai trò quan trọng, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, chính trị, đặc biệt là an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trung Quốc nhìn nhận Đông Nam Á có vị trí chiến lược, quan trọng trong chính sách của nước này. Nhìn một cách tổng thể, Trung Quốc tuy là một cường quốc trong khu vực nhưng hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài. Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này là các nước láng giềng của Trung Quốc đa phần là các nước lớn như Nga, Ấn Độ và Nhật Bản. Vì vậy, việc tăng cường ảnh hưởng xuống phía Nam, cụ thể là khu vực Đông Nam Á là phương án hợp lý, giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Đồng thời, Trung Quốc mong muốn thông qua chiến lược này từng bước thoát khỏi sự kiềm chế và bao vây của Mỹ cùng các nước đồng minh. Để hiện thực hóa chiến lược này, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư, thương mại và hợp tác kinh tế với các quốc gia Đông Nam Á thông qua BRI, qua đó tăng cường ảnh hưởng ở các quốc gia trong khu vực này. Đồng thời, thông qua hợp tác kinh tế và ngoại giao bẫy nợ từng bước chi phối chính sách của một số nước trong khu vực, chia rẽ nội bộ ASEAN, nhằm đạt được những mục tiêu chiến lược trong khu vực[6]. Ngoài ra, Trung Quốc đang nỗ lực để từng bước kiểm soát hoàn toàn Biển Đông. Nước này kiên quyết phản đối việc đưa tranh chấp Biển Đông ra các cơ chế phán quyết quốc tế, đồng thời yêu cầu đàm phán song phương với từng nước có yêu sách với Biển Đông, trong khi không ngừng triển khai nhiều phương án để củng cố cơ sở pháp lý, đẩy mạnh những hoạt động tuyên truyền về chủ quyền hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Đặc biệt, Trung Quốc tăng cường các hoạt động bồi đắp các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông, hạ đặt giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa của Việt Nam vào năm 2014. Gần đây nhất, Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh, cho phép lực lượng Hải cảnh nước này được quyền sử dụng vũ khí đối với tàu thuyền nước ngoài vi phạm quyền tài phán của Trung Quốc. Đây là nội dung vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Đồng thời, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn và tự do hàng hải trong khu vực[7]. Đối với Nhật Bản, Đông Nam Á có một vị trí vô cùng quan trọng trong chiến lược của quốc gia này[8]. Hoạt động thương mại quốc tế của Nhật Bản chủ yếu thông qua các tuyến hàng hải trên Biển Đông. Vì vậy, những hoạt động gia tăng căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng đến an ninh hàng hải và lợi ích về kinh tế, an ninh của Nhật Bản. Đồng thời, Nhật Bản là quốc gia có tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Nếu Trung Quốc thuận lợi trong việc từng bước kiểm soát Biển Đông, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với những động thái ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên biển Hoa Đông[9]. Ngoài ra, Nhật Bản còn phải đối mặt với các điểm nóng về an ninh như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan, những điểm nóng này có vai trò liên quan trực tiếp của Trung Quốc. Đồng thời, cướp biển, cướp có vũ trang và những vấn đề an ninh khác là mối quan ngại lớn của Nhật Bản trong an ninh khu vực, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh hàng hải ở Đông Nam Á. Những thay đổi trên của tình hình khu vực đã đem đến nhiều thách thức cho các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á có liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Xuất phát từ những khó khăn trong nước về tình trạng đình trệ kinh tế kéo dài, sự già hóa dân số nhanh chóng và tỷ lệ nợ công cao, Nhật Bản với vai trò là một đồng minh lâu năm của Mỹ trong khu vực, đồng thời là một quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, đã tiến hành nhiều điều chỉnh mang tính chiến lược, nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, duy trì và phát triển kinh tế cũng như không gian phát triển, ảnh hưởng của Nhật Bản trong khu vực. Đặc biệt, Nhật Bản chú trọng tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng với các nước Đông Nam Á có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, nhằm đối phó với những động thái của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông, qua đó duy trì và củng cố an ninh, ổn định trong khu vực.

2. Hợp tác an ninh của Nhật Bản ở Đông Nam Á từ năm 2012 đến nay

Những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Thủ tướng Abe Shinzo lên nắm quyền lần thứ hai vào năm 2012 đến nay, Nhật Bản không chỉ đóng vai trò ủng hộ chiến lược tái cân bằng và chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ ở khu vực, quốc gia này còn có những điều chỉnh chiến lược đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, chủ động hơn trong đối phó với những thách thức an ninh không ngừng gia tăng trong khu vực và những động thái ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Cụ thể: Đối với chủ nghĩa hòa bình tích cực, ý tưởng được Thủ tướng Abe Shinzo đưa ra vào tháng 9 năm 2013, mục đích chính của ý tưởng này là từng bước tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý cản trở vai trò của lực lượng quân sự nước này, đồng thời đưa nền quốc phòng của Nhật Bản từ bị động phòng thủ sang chủ động phòng thủ, qua đó tăng cường hợp tác quân sự với các nước khác nhằm mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng quốc phòng Nhật Bản. Vì vậy, Nhật Bản tiến hành điều chỉnh Ba nguyên tắc về xuất khẩu vũ khí, diễn giải lại Hiến pháp, qua đó cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tiến hành quyền phòng vệ tập thể, mở rộng phạm vi hoạt động và hiện đại hóa quân đội, gia tăng sức mạnh quân sự của Nhật Bản trong khu vực[10]. Đối với Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do rộng mở của Nhật Bản, tầm nhìn được Thủ tướng Abe Shinzo nhắc đến lần đầu tiên vào năm 2016, nội dung chính của tầm nhìn này là thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương phát triển theo hướng tự do và toàn diện trên cơ sở của luật pháp quốc tế. Trong đó, tầm nhìn này đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN trong đảm bảo an ninh và thịnh vượng trong khu vực. Đồng thời, Nhật Bản thông qua tầm nhìn này tăng cường hợp tác kinh tế và đầu tư cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á nhằm mục đích cạnh tranh với BRI của Trung Quốc. Qua đó, gia tăng ảnh hưởng của Nhật Bản trong khu vực, kìm hãm sự gia tăng ảnh hưởng và những âm mưu nhằm thôn tính Biển Đông của Trung Quốc. Tầm nhìn này cũng góp phần không nhỏ trong hợp tác an ninh và an toàn hàng hải với một số quốc gia Đông Nam Á bao gồm Indonesia và Việt Nam[11]. Không những vậy, Nhật Bản còn tăng cường các hoạt động hợp tác an ninh trên phương diện song phương với từng nước ASEAN, nhằm hiện thực hóa chiến lược này. Tiếp theo, Nhật Bản có những bước đi chiến lược trong việc điều chỉnh mục đích sử dụng nguồn vốn ODA cho các sáng kiến an ninh và hỗ trợ các lực lượng quân sự các nước trong khu vực. Nội dung này nằm trong Chiến lược An ninh quốc gia, được nội các Nhật Bản thông qua vào tháng 12 năm 2013. Trong đó, Nhật Bản sẽ sử dụng vốn vay ODA để hỗ trợ một số quốc gia trong khu vực các trang thiết bị hàng hải bao gồm tàu tuần tra, máy bay tuần tra và các trang bị kỹ thuật trên biển khác. Đồng thời, Nhật Bản cũng cam kết thông qua vốn vay ODA, hỗ trợ các nước trong khu vực các hoạt động về đào tạo, huấn luyện và tập trận chung[12]. Ngoài ra, Thủ tướng Abe Shinzo sau khi lên nắm quyền lần hai đã đưa ra năm nguyên tắc trong chính sách đối ngoại với ASEAN. Trong đó, Nhật Bản chú trọng hợp tác với các nước ASEAN trong việc duy trì các vùng biển mở và tự do dựa trên luật pháp quốc tế và hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương[13]. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng, cho phép Nhật Bản tăng cường hợp tác an ninh với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung, khu vực Đông Nam Á nói riêng. Trong đó, Nhật Bản chú trọng hợp tác an ninh với các nước Đông Nam Á trên cả hai phương diện song phương và đa phương. Trên phương diện đa phương, Nhật Bản tích cực tham gia vào các cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương do ASEAN dẫn dắt, bao gồm Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn Đông Á (EAS). Ngoài ra, Nhật Bản và ASEAN còn tham gia các cơ chế và đối thoại đa phương khác như Đối thoại Shangrila. Thông qua những diễn đàn và đối thoại này, Nhật Bản ủng hộ quan điểm của các nước ASEAN có liên quan đến tranh chấp Biển Đông bao gồm Việt Nam, Philippines và một số nước khác. Trong đó, Nhật Bản nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc thực thi luật pháp quốc tế đặc biệt là UNCLOS trong giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. Quốc gia này thể hiện sự ủng hộ với tự do hàng hải và hàng không, kiên quyết phản đối hành động của Trung Quốc trong việc đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, bồi đắp đảo nhân tạo thành các căn cứ quân sự. Tiếp theo, Nhật Bản tích cực ủng hộ việc thiết lập Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Mục đích chính của Nhật Bản thông qua những động thái này là hạn chế sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên Biển Đông, qua đó gián tiếp kiềm chế Trung Quốc trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Ngoài nội dung trên, Nhật Bản cùng các nước ASEAN còn tích cực hợp tác trong việc hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và nâng cao năng lực an ninh mạng cho các nước ASEAN thông qua chương trình hợp tác Nhật Bản – ASEAN. Hai bên còn phối hợp chủ trì nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trong khuôn khổ ADMM+ trong giai đoạn 2021-2023[14]. Đối với các thách thức an ninh phi truyền thống bao gồm cướp biển và cướp có vũ trang, Nhật Bản hợp tác với ASEAN thông qua các cơ chế của ARF và Hiệp định hợp tác khu vực chống cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu thuyền ở châu Á (ReCAAP)[15]. Trên phương diện song phương, Nhật Bản tăng cường hợp tác an ninh với một số nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là những nước có tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc, bao gồm: Việt Nam và Philippines. Đối với Việt Nam, hợp tác an ninh, quốc phòng song phương giữa Nhật Bản và Việt Nam được phát triển trên cơ sở của Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng được ký kết vào năm 2018 và Bản ghi nhớ được ký kết năm 2011. Nhật Bản đồng thời cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực chấp pháp trên biển trong nội dung của Hiệp định Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, được lãnh đạo hai nước ký kết năm 2014. Thông qua những cơ sở pháp lý này, hai nước thống nhất thành lập cơ chế đối thoại chính thức về các chính sách an ninh, quốc phòng và các nội dung liên quan đến trao đổi đoàn trên nhiều cấp độ từ cấp bộ trưởng, thứ trưởng đến tư lệnh các quân binh chủng. Đồng thời, Nhật Bản và Việt Nam đã tích cực hợp tác trong nhiều lĩnh vực bao gồm: đào tạo nhân sự, nâng cao năng lực an ninh hàng hải và công nghiệp quốc phòng. Trong nội dung hợp tác về nâng cao năng lực an ninh hàng hải, hai nước nhìn nhận nội dung này là nội dung quan trọng nhất trong hợp tác an ninh song phương Nhật Bản – Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2021, Nhật Bản đã tiến hành nhiều chuyến thăm của các tàu quân sự đến các cảng biển của Việt Nam. Thông qua những hoạt động này, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực chấp pháp trên biển dựa trên thỏa thuận đã ký kết giữa lãnh đạo hai nước. Trong đó, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã có nhiều hoạt động tập trận chung với Hải quân Việt Nam tại Đà Nẵng vào tháng 6 năm 2017[16]. Đặc biệt, Nhật Bản đã sử dụng vốn vay ODA để cung cấp cho phía Cảnh sát biển Việt Nam 6 tàu tuần tra, với giá trị 347 triệu USD vào năm 2020, qua đó tăng cường khả năng tuần tra trên biển của lực lượng chấp pháp trên biển phía Việt Nam[17]. Gần đây nhất, Nhật Bản cam kết hỗ trợ Việt Nam các trang thiết bị phòng thủ trên biển, máy bay tuần tra và rada trinh sát trên biển trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đến Việt Nam vào tháng 9 năm 2021. Những động thái này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và kịp thời đối với phía Việt Nam, tạo điều kiện cho lực lượng Cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam chủ động trong các tình huống tranh chấp trên biển. Trong nội dung hợp tác về công nghiệp quốc phòng, Nhật Bản thông qua việc điều chỉnh “3 nguyên tắc về chuyển giao trang thiết bị quốc phòng” vào năm 2014. Đây là nền tảng quan trọng cho phép Nhật Bản chuyển giao công nghệ đóng tàu, đào tạo các chuyên gia về công nghiệp quốc phòng cho phía Việt Nam. Nội dung này tiếp tục được chú trọng trong chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản vào tháng 9 năm 2021. Trong nội dung hợp tác về đào tạo nhân sự, Nhật Bản cung cấp nhiều khóa đào tạo cho các học viên và sỹ quan phía Việt Nam, nâng cao kỹ năng chuyên môn về các chuyên ngành công nghệ cao, tiếng Nhật, y tế dưới nước, tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo. Trong đó, Nhật Bản đã mở các khóa học ngắn hạn về y tế dưới nước cho phía Việt Nam, tạo tiền đề cho phía Việt Nam vận hành các tàu ngầm Kilo vào năm 2013[18]. Đối với Philippines, Nhật Bản và Philippines đã thống nhất nội dung về trao đổi và hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước trong khuôn khổ Tuyên bố chung của Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2011. Hai quốc gia này tiếp tục ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng vào năm 2015. Trong đó, nhấn mạnh việc tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng, bao gồm các hoạt động diễn tập chung giữa quân đội hai nước. Dựa trên những nội dung này, Nhật Bản và Philippines tiến hành xúc tiến các cơ chế đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng, đối thoại chính sách cấp bộ trưởng và thứ trưởng thường xuyên, đối thoại cấp làm việc về các vấn đề hàng hải và đại dương, qua đó thảo luận và giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh hàng hải và hợp tác giữa hải quân hai nước[19]. Đồng thời, Nhật Bản và Philippines nhấn mạnh hợp tác trên một số lĩnh vực bao gồm: nâng cao năng lực an ninh hàng hải, công nghiệp quốc phòng, đào tạo nhân sự và tập trận chung. Trong nội dung hợp tác về nâng cao năng lực an ninh hàng hải, Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ phía Philippines củng cố và tăng cường khả năng chấp pháp trên biển, đặc biệt là sau sự kiện Trung Quốc chiếm bãi Scarborough của Philippines vào năm 2012. Cụ thể, Nhật Bản thông qua hình thức vốn vay ODA đã trang bị cho phía Philippines 10 tàu tuần tra, nhằm hỗ trợ lực lượng Cảnh sát biển của Philippines vào năm 2013[20]. Gần đây nhất, Nhật Bản đã tiến hành hạ thủy tàu tuần tra phản ứng đa năng (MRRV) dài 94 m vào tháng 7 năm 2021. Đây là một trong hai con tàu được tài trợ bởi Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với chi phí 16,5 tỷ yên, nhằm hỗ trợ Cảnh sát biển Philippines nâng cao khả năng thực thi pháp luật và hỗ trợ cứu hộ trên biển. Qua đó thắt chặt hơn nữa hợp tác an ninh hàng hải và quan hệ đối tác chiến lược giữa Nhật Bản và Philippines trong bối cảnh bất ổn của an ninh khu vực[21]. Trong nội dung hợp tác về công nghiệp quốc phòng, Nhật Bản và Philippines đã ký kết Hiệp định về chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng vào năm 2016. Nhật Bản và Philippines đã lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Công nghiệp quốc phòng vào tháng 10 năm 2019. Trong đó, hai nước đã thảo luận về các lĩnh vực hợp tác tiềm năng về công nghiệp quốc phòng bao gồm nghiên cứu, phát triển và chuyển giao trang thiết bị, trong đó chú trọng những nội dung liên quan đến an ninh hàng hải, hệ thống thông tin liên lạc, radar và thiết bị giám sát[22]. Trong nội dung hợp tác về đào tạo nhân sự và tập trận chung, Nhật Bản trong những năm qua đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ đào tạo sĩ quan thực thi nhiệm vụ trên biển cho phía Philippines thông qua các cuộc tập trận chung. Cụ thể, Nhật Bản đã phối hợp với Philippines và Mỹ tiến hành tập trận ba bên ở khu vực quần đảo Palawan với mục đích tăng cường khả năng phối hợp tác chiến giữa hải quân ba nước vào tháng 6 năm 2016[23]. Đặc biệt, lực lượng không quân của hai nước này đã tổ chức tập trận không đối không lần đầu tiên vào năm 2021, với mục đích nâng cao năng lực cứu trợ nhân đạo và thảm họa. Hoạt động này được đánh giá là một cột mốc quan trọng bởi nó diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các nước đồng minh tăng cường các hoạt động tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, kiềm chế sự quyết đoán gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông[24]. Qua đây có thể thấy, Nhật Bản đã nỗ lực tăng cường và củng cố hợp tác an ninh với các nước Đông Nam Á từ năm 2012 đến nay. Trong đó, thông qua cách thức và nội dung triển khai hợp tác trên phương diện đa phương cũng như song phương với một số nước bao gồm Việt Nam và Philippines, có thể thấy hợp tác an ninh giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, sát với thực tế và phù hợp với những điều chỉnh chiến lược của Nhật Bản trong khu vực.

3. Tác động đến an ninh khu vực

Hợp tác an ninh của Nhật Bản ở Đông Nam Á là một thành tố quan trọng trong tổng thể chiến lược tăng cường ảnh hưởng của Nhật Bản đối với khu vực này. Dựa trên nền tảng về hợp tác an ninh, Nhật Bản tiếp tục củng cố mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với các nước Đông Nam Á trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, giáo dục, qua đó, tăng cường vị thế và ảnh hưởng của Nhật Bản trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời gián tiếp khiến Trung Quốc tích cực hơn nữa trong việc tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các nước ASEAN, duy trì và cân bằng ảnh hưởng với Nhật Bản trong khu vực, giảm bớt các hành vi quyết đoán trên Biển Đông. Đây là nền tảng quan trọng thúc đẩy Trung Quốc, Nhật Bản và các nước lớn khác tham gia tích cực và toàn diện hơn vào các cơ chế và diễn đàn khu vực do ASEAN dẫn dắt, góp phần nâng cao vai trò và vị thế của ASEAN trong giải quyết các vấn đề phát sinh trong khu vực. Tiếp theo, việc Nhật Bản củng cố hợp tác an ninh trên phương diện đa phương với các nước ASEAN thông qua các cơ chế và diễn đàn đa phương, đặc biệt là việc Nhật Bản tích cực ủng hộ quan điểm quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và giải quyết tranh chấp Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế thông qua các cơ chế đa phương, ủng hộ tự do hàng hải và phán quyết của Tòa trọng tài về vấn đề Biển Đông năm 2016, đã đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Qua đó tạo ra được áp lực nhất định khiến Trung Quốc hạn chế và thận trọng hơn trong các động thái liên quan đến tranh chấp trên biển Đông. Ngoài ra, việc Nhật Bản tăng cường hợp tác an ninh trên phương diện song phương với một số nước cụ thể trong Đông Nam Á đã tạo điều kiện cho những nước này nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị quân sự, khả năng tác chiến và năng lực chấp pháp trên biển. Cho phép những nước này đặc biệt là Việt Nam và Philippines chủ động hơn trong đối phó và giải quyết những vấn đề tranh chấp phát sinh, kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông, duy trì và củng cố an ninh trong khu vực. Điều này cũng tạo thuận lợi cho phía Nhật Bản trong nỗ lực kiềm chế sự quyết đoán của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, đồng thời duy trì lợi ích ảnh hưởng của Nhật Bản trong khu vực Đông Nam Á nói riêng, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung. Nhìn nhận một cách tổng thể, nội dung này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Mỹ, mong muốn Nhật Bản chủ động và đóng góp nhiều hơn trong duy trì an ninh khu vực, kiềm chế Trung Quốc và ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ. Đây cũng đồng thời là nền tảng quan trọng cho phép các nước Đông Nam Á mở rộng hợp tác an ninh với các nước khác ngoài khu vực, bao gồm các quốc gia thuộc bộ Tứ. Ngược lại, sự tăng cường hợp tác an ninh của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á đã gia tăng sự chia rẽ trong nội khối ASEAN, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Nguyên nhân chính của vấn đề này là trong ASEAN tồn tại một số quốc gia là một bên trong tranh chấp Biển Đông bao gồm Việt Nam và Philippines, trong khi một số quốc gia như Lào và Campuchia không có lợi ích trực tiếp trong vấn đề này. Đồng thời, những nỗ lực của Nhật Bản trong việc tăng cường hợp tác an ninh với các nước Đông Nam Á có thể sẽ khiến các quốc gia khác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tăng cường ngân sách quốc phòng, qua đó thúc đẩy quá trình chạy đua vũ trang và tập hợp lực lượng trong khu vực. Điều này có thể khiến tình hình khu vực Đông Nam Á nói riêng, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung thêm bất ổn, tiềm tàng nguy cơ phát sinh xung đột.

4.   Kết luận

Hợp tác an ninh của Nhật Bản ở khu vực Đông Nam Á là một phần quan trọng trong tổng thể chiến lược tăng cường ảnh hưởng của Nhật Bản ở khu vực này. Những nội dung hợp tác về an ninh của Nhật Bản ở Đông Nam Á từ năm 2012 đến nay phù hợp với lợi ích quốc gia và những điều chỉnh chiến lược của Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Nhật Bản đã nỗ lực củng cố hợp tác an ninh với các nước Đông Nam Á trên cả hai khía cạnh song phương và đa phương, góp phần không nhỏ trong giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống phát sinh trong khu vực, đồng thời kiềm chế những hành vi quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông và ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua các diễn đàn đa phương theo luật pháp quốc tế. Ngược lại, việc Nhật Bản củng cố hợp tác an ninh ở Đông Nam Á cũng gia tăng sự chia rẽ trong nội bộ ASEAN, thúc đẩy chạy đua vũ trang và tập hợp lực lượng, qua đó ảnh hưởng đến sự ổn định và an ninh của khu vực./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn Bình (2015), “Chủ nghĩa hòa bình tích cực và tác động đến cục diện khu vực,” Nghiên cứu quốc tế, số 100.
  2. Nguyễn Thái Giang (2017), “Chính sách của Nhật Bản đối với biển Đông: Tác động và triển vọng hợp tác cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 4.
  3. Lê Hồng Hiệp, “Tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Việt-Nhật”, Nghiên cứu quốc tế, http://nghiencuuquocte.org/2017/05/18/tam-quan-trong-chien-luoc-cua-quan-viet-nhat/.
  4. Nguyễn Huy Hoàng (2021), Đông Nam Á trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  5. Bjørn Elias Mikalsen Grønning, “Japan’s Security Cooperation with the Philippines and Vietnam”, The Pacific Review 31, 4 (2018).
  6. Ian Storey, “Japan’s Maritime Security Interests in Southeast Asia and the South China Sea Dispute”, Political Science 65, 2 (2013).
  7. Mahar Nirmala, “Japan’s New ASEAN Diplomacy: Strategic Goals, Patterns, and Potential Limitations under the Abe Administration”, International Journal of Social Science and Humanity, 12 (2016).

[1]ThS., Học viện Ngoại giao
[2] Nguyễn Huy Hoàng (2021), Đông Nam Á trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[3] Trần Việt Khoa, “Chiến lược của một số cường quốc tác động đến quốc phòng, an ninh khu vực và Việt Nam”, Tạp chí quốc phòng toàn dân, http://tapchiqptd.vn/vi/bao-ve-to-quoc/chien-luoc-cua-mot-so-cuong-quoc-tac-dong-den-quoc-phong-an-ninh-khu-vuc-va-viet-nam/17107.html.
[4] Phạm Thị Thanh Bình, Vũ Nhật Quang, “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ: Vai trò và cách thức triển khai”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/816028/%E2%80%9Cchien-luoc-an-do-duong---thai-binh-duong-tu-do-va-rong-mo%E2%80%9D-cua-my--vai-tro-va-cach-thuc-trien-khai.aspx.
[5] Chí Thành, “Đông Nam Á trong chiến lược của Ấn Độ”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/ web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5Ajy FzY/content/dong-nam-a-trong-chien-luoc-cua-an-do.
[6] Kearrin Sims, “Laos Set Its Own Debt Trap”, East Asia Forum, https://www.eastasiaforum.org/2020/10/31/laos-set-its-own-debt-trap/.
[7] Huyền Chi, “Thế giới bất an với Luật Hải cảnh của Trung Quốc”, Báo Công an Nhân dân điện tử, https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/The-gioi-bat-an-voi-Luat-Hai-canh-cua-Trung-Quoc-i601501/.
[8] Ian Storey, “Japan’s Maritime Security Interests in Southeast Asia and the South China Sea Dispute”, Political Science 65, 2 (2013).
[9] Nguyễn Thị Quế, Nguyễn Thị Thúy, “Chính sách của Nhật Bản đối với vấn đề Biển Đông hiện nay và tác động đến ASEAN, Việt Nam”, Cảnh sát biển Việt Nam, https://canhsatbien.vn/portal/nghien-cuu-trao-doi/chinh-sach-cua-nhat-ban-doi-voi-van-de-bien-dong-hien-nay-va-tac-dong-den-asean-viet-nam.
[10] Nguyễn Văn Bình, “Chủ nghĩa hòa bình tích cực và tác động đến cục diện khu vực,” Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, 100 (2015).
[11] Yoichiro Sato, “Japan’s Indo-­Pacific strategy: The old geography and the new strategic reality,” Journal of Indo - Pacific Affairs, https://www.airuniversity.af.edu/Portals/ 10/JIPA/journals/Volume-02_Issue-4/Sato.pdf.
[12] Nguyễn Thái Giang, “Chính sách của Nhật Bản đối với biển Đông: Tác động và triển vọng hợp tác cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, 4 (2017).
[13] Mahar Nirmala, “Japan’s New ASEAN Diplomacy: Strategic Goals, Patterns, and Potential Limitations under the Abe Administration”, International Journal of Social Science and Humanity, 12 (2016).
[14] Minh Thành, “Quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam-Nhật Bản: Giai đoạn phát triển mới, thiết thực, hiệu quả”, Quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/quan-he-hop-tac-quoc-phong-viet-nam-nhat-ban-giai-doan-phat-trien-moi-thiet-thuc-hieu-qua-678511.
[15] Nguyen Hung Son, “ASEAN-Japan strategic partnership in Southeast Asia: Maritime security and cooperation”, Japan Center for International Exchange, https://www.jcie.org/japan/j/pdf/pub/publst/1451/12_nguyen.pdf.
[16] Trần Phương, “Nhật diễn tập cùng Việt Nam, Philippines trong tháng sau”, Tuổi trẻ online, https://tuoitre.vn/nhat-tap-tran-cung-viet-nam-philippines-trong-thang-sau-1314702.htm.
[17] Ngọc Vân, “Nhật Bản cấp ODA cho Cảnh sát biển Việt Nam đóng 6 tàu tuần tra”, Báo Lao động, https://laodong.vn/the-gioi/nhat-ban-cap-oda-cho-canh-sat-bien-viet-nam-dong-6-tau-tuan-tra-823082.ldo.
[18] Lê Hồng Hiệp, “Tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Việt-Nhật”, Nghiên cứu quốc tế, http://nghiencuu quocte.org/2017/05/18/tam-quan-trong-chien-luoc-cua-quan-viet-nhat/.
[19] Bjørn Elias Mikalsen Grønning, “Japan’s Security Cooperation with the Philippines and Vietnam”, The Pacific Review 31, 4 (2018).
[20] Ministry of Foreign Affairs of Japan, “Japan-Philippines Summit Meeting”, Ministry of Foreign Affairs of Japan, https://www.mofa.go.jp/region/page6e_ 000121.html.
[21] Roy Mabasa, “Japan unveils large multi-role response vessel to boost PH maritime patrol capability”, Manila Bulletin, https://mb.com.ph/2021/07/27/japan-unveils-large-multi-role-response-vessel-to-boost-ph-maritime-patrol-capability/.
[22] Prashanth Parameswaran, “What’s Behind the New Japan-Philippines Defense Industry Forum?”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2019/10/whats-behind-the-new-japan-philippines-defense-industry-forum/.
[23] Nguyễn Thái Giang, “Chính sách của Nhật Bản đối với biển Đông: Tác động và triển vọng hợp tác cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, 4 (2017).
[24] Anh Duy, “Nhật – Philippines lần đầu tiên tập trận không quân chung”, Báo Công an Thành Phố Hồ Chí Minh, https://congan.com.vn/quoc-te/thoi-su-quoc-te/nhat-philippines-lan-dau-tien-tap-tran-khong-quan-chung_115397.html.

0thảo luận