Trang chủ

Tình hình chính trị - kinh tế của Mông Cổ năm 2021

Đăng ngày: 25-08-2023, 10:28 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 5

Trương Phan Thanh Thủy1

 

Tóm tắt: Năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến chính trị - kinh tế của rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mông Cổ. Trong năm 2021, chính trị Mông Cổ cũng có biến đổi lớn với cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 6 năm 2021, kinh tế nước này mặc dù có khởi sắc nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bài viết trình bày một số nét về tình hình chính trị - kinh tế của Mông Cổ trong năm 2021.

Từ khóa: Mông Cổ, chính trị, kinh tế

 

1. Tình hình chính trị của Mông Cổ năm 2021[1]

Tháng 1/2021, Thủ tướng Ukhnaa Khurelsukh, có nhiệm kỳ từ tháng 10/2017, bất ngờ từ chức sau một cuộc biểu tình nhỏ kéo dài một ngày diễn ra tại quảng trường trung tâm của Thủ đô Ulaanbaatar xuất phát từ sự việc một người mẹ và đứa con sơ sinh đã được chuyển từ bệnh viện phụ sản đến cơ sở cách ly chuyên khoa mà không có quần áo ấm do COVID-19[2].

Sau khi Thủ tướng Ukhnaa Khurelsukh từ chức, vào ngày 27/1/2021, Quốc hội Mông Cổ đã bổ nhiệm thủ tướng mới. Ông Luvsannamsrai Oyun-Erdene trở thành thủ tướng thứ 29 của Mông Cổ và là một trong những thủ tướng trẻ nhất hiện đang đương nhiệm. Đáng chú ý, ông được ủng hộ bởi tỷ lệ tán thành là 87,9% trong cuộc bỏ phiếu bầu thủ tướng mới của Quốc hội Mông Cổ. Ông Oyun-Erdene thuộc thế hệ người Mông Cổ mới, những người còn quá trẻ để tham gia cuộc cách mạng dân chủ năm 1990 và đã từng học tập ở nước ngoài, tiếp xúc với các nguyên tắc, xã hội và chính sách dân chủ. Sau khi được bổ nhiệm, ông đã giới thiệu một số bộ trưởng mới, thổi một luồng gió mới vào cục diện chính trị Mông Cổ. Ngày 29/1/2021, L. Oyun-Erdene ban hành sắc lệnh cho nội các mới của mình, trong đó 8 người được bổ nhiệm mới, còn lại 8 người được tái bổ nhiệm. Nội các mới của ông là sự kết hợp giữa thế hệ trẻ và thế hệ già. Trong đó, 7 thành viên nội các thuộc thế hệ 1975-1985, Bộ trưởng Văn hóa Chinbatyn Nomin (1983) là người trẻ nhất. Các thành viên nội các khác lớn tuổi hơn một chút, người đứng đầu Văn phòng Nội các, Ts.Nyamdorj (1956) có thể được coi là người lớn tuổi nhất. Lần đầu tiên nội các có 4 bộ trưởng nữ, trong đó 3 bộ trưởng nữ mới được bổ nhiệm (Batmönkhiin Battsetseg, Chinbatyn Nomin và N. Urtnasan) và 1 bộ trưởng được tái bổ nhiệm (Ayuushiin Ariunzaya)[3].

Vào tháng 4/2021, Tòa án Hiến pháp đã phán quyết rằng cựu Tổng thống Battulga Khaltmaa không đủ điều kiện để tái tranh cử. Đối với ông Battulga, quyết định này là một tin sốc. Sau vài ngày im lặng, ông Battulga nảy ra ý định giải tán đảng cầm quyền. Ông đã ban hành một sắc lệnh chính thức vào ngày 18/4/2021 và giao nó cho Tòa án Tối cao để đưa ra quyết định cuối cùng. Lý do chính thức đằng sau sắc lệnh này dựa trên hai cáo buộc của ông Battulga. Thứ nhất, ông Battulga cáo buộc ông Khurelsukh có liên quan đến Liên minh quân sự chung Mông Cổ, một tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ các cựu quân nhân đã nghỉ hưu. Theo ông Battulga, các đảng phái chính trị không nên tham gia vào các tổ chức hoặc hoạt động quân sự. Tuy nhiên, chính ông đã gửi lời chúc mừng chính thức đến Liên minh quân sự chung Mông Cổ khi họ thành lập vào năm 2019. Trong 30 năm qua, các tổ chức và sĩ quan quân đội Mông Cổ đã không còn tham gia chính trị. Thứ hai, quan trọng hơn, ông Battulga cáo buộc Đảng Nhân dân Mông Cổ (MPP) đã làm ảnh hưởng đến quyết định của Tòa án Hiến pháp. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao đã bác bỏ nỗ lực giải tán MPP của cựu Tổng thống Battulga[4]. Do đó, các đối thủ chính của ông Khürelsükh trong cuộc bầu cử là cựu nghị sĩ Dangaasurengiin Enkhbat (Liên minh bầu cử đúng người) và cựu lãnh đạo Đảng Dân chủ (DP) Sodnomzundui Erdene.

Vào ngày 9/6/2021, Mông Cổ tổ chức bầu cử Tổng thống, trong đó ông Ukhnaagiin Khürelsükh giành được 72,02% số phiếu bầu (tỷ lệ cử tri đi bầu cử là 56% với tỷ lệ tối thiểu được yêu cầu là 50%) và trở thành Tổng thống thứ 6 của Mông Cổ[5]. Ông Khürelsükh là lãnh đạo của MPP, đảng chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội. Thủ tướng và nhiều thành viên chính phủ cũng cũng thuộc MPP. Điều này giúp giảm căng thẳng giữa Văn phòng tổng thống và Văn phòng thủ tướng, vốn trước đây từng đại diện cho các lực lượng chính trị khác nhau. Do đó, tình hình chính trị trong nước của Mông Cổ đang ổn định.

Cuộc bầu cử tổng thống có thể đánh dấu việc chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài của Mông Cổ, với những vấn đề đã chi phối cục diện chính trị kể từ năm 2017: (1) sự đối đầu giữa hai đảng lớn nhất, MPP (trung tả) và DP (đảng cánh hữu ôn hòa). Trước khi ông Khürelsükh được bầu làm tổng thống, thủ tướng và tổng thống đại diện cho các đảng phái khác nhau và thường xuyên xung đột; (2) sự đối đầu trong nội bộ đảng: “sự thay đổi giữa thế hệ trẻ và thế hế già” sắp kết thúc trong MPP, lực lượng chính trị lâu đời nhất và hiện đang mạnh nhất của Mông Cổ. Ngoài ra, cuộc bầu cử tổng thống mới có thể ảnh hưởng đáng kể đến cả đời sống chính trị trong nước và sự phát triển chính trị đối ngoại của Mông Cổ.

Ngoài ra, cựu tổng thống Battulga chủ yếu ủng hộ Trung Quốc, điều này cho thấy mối quan hệ Nga - Mông Cổ đã hạ nhiệt đáng kể. Trong khi đó, Tổng thống Khürelsükh có thể cố gắng thay đổi cán cân quyền lực bằng cách thiết lập mối liên hệ chặt chẽ hơn với Moscow như một đối trọng với Trung Quốc và bằng cách mở cửa kinh tế Mông Cổ cho các nhà đầu tư Nga[6].

2. Tình hình kinh tế của Mông Cổ năm 2021

2.1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP)

Trong 9 tháng năm 2021, theo phương pháp sản xuất, GDP danh nghĩa là 29,6 nghìn tỷ MNT, tăng 3 nghìn tỷ MNT (11,3%) so với cùng kỳ năm trước. GDP thực là 19,5 nghìn tỷ MNT, tăng 674 tỷ MNT (3,6%) so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng GDP thực là 3,6% trong 9 tháng đầu năm 2021. Về đóng góp của các ngành vào tốc độ tăng trưởng GDP thực (3,6%), ngành khai khoáng chiếm 1,4 điểm phần trăm, khu vực dịch vụ chiếm 1,5 điểm phần trăm và thuế ròng đối với sản phẩm chiếm 1,9 điểm phần trăm[7].

Giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp là 3,1 nghìn tỷ MNT, giảm 149,7 tỷ MNT (4,7%) so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này chủ yếu do giảm số lượng vật nuôi trưởng thành thiệt hại tự nhiên đạt 2,4 triệu con, tức tăng 1,1 triệu con (78,4%), mặc dù đàn con non đạt 20 triệu con, giảm 2,9 triệu con (12,6%) so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm của ngành khai khoáng là 2,6 nghìn tỷ MNT, tăng 271,6 tỷ MNT (11,7%) so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do khai thác dầu thô tăng 61,9% và khai thác đồng tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ là 8,9 nghìn tỷ MNT, tăng 277 tỷ MNT, tương đương 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này chủ yếu do giá trị tăng thêm của bán buôn và bán lẻ, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp và xây dựng là 2,2 nghìn tỷ MNT, giảm 80,2 tỷ MNT (3,5%) so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này chủ yếu do giá trị gia tăng ngành xây dựng giảm 37,4% so với cùng kỳ năm trước[8].

Trong 9 tháng năm 2021, theo phương pháp chi tiêu, GDP danh nghĩa là 30,9 nghìn tỷ MNT, tăng 3,6 nghìn tỷ MNT (13,3%) so với cùng kỳ năm trước. GDP thực là 19,6 nghìn tỷ MNT, tăng 643,6 tỷ MNT (3,4%) so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng của tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản, xuất khẩu thuần (xuất khẩu và nhập khẩu) trên GDP lần lượt là 66,1%, 39,5%, -4,2% (56,9% và 61,1%). So với cùng kỳ năm trước, tỷ trọng tích lũy tài sản trong GDP tăng 15,9 điểm phần trăm, tỷ trọng của tiêu dùng cuối cùng trong GDP giảm 12,1 điểm phần trăm. Về mức độ đóng góp của các thành phần vào tốc độ tăng trưởng GDP (3,4%), tích lũy tài sản là 20,9 điểm phần trăm, trong khi xuất khẩu thuần là -9,9 điểm phần trăm và tiêu dùng cuối cùng là -7,6 điểm phần trăm[9].

2.2. Công nghiệp

Trong 11 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng công nghiệp đạt 17 nghìn tỷ MNT, tăng 2,1 nghìn tỷ MNT (14,2%) so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng này chủ yếu là do tổng sản lượng của ngành khai khoáng tăng 1,2 nghìn tỷ MNT (11,3%) và sản lượng ngành chế tạo tăng 771,6 tỷ MNT (23,6%). Ngoài ra, sản lượng sản xuất và phân phối điện, nhiệt năng và cung cấp nước tăng 138,4 tỷ MNT (12,9%) và sản lượng cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 30,9 tỷ MNT (25,2%) so với cùng kỳ của năm trước[10].

So với cùng kỳ năm trước, trong lĩnh vực khai khoáng, sản lượng khai thác tinh quặng đồng, than nâu và dầu thô tăng lần lượt từ 5,2%, 10,9% và 30,1%. Sản lượng khai thác quặng sắt, vàng, fluorit, và than cứng giảm lần lượt từ 1,1% đến 31,4%. Trong lĩnh vực sản xuất, sản lượng sản xuất chất khử trùng, cồn, đồng đỏ (99%), nước tinh khiết, đồ uống không cồn, nước trái cây, xi măng, thịt, đồ uống có cồn, sữa, vôi sống, than bánh, than cô đặc, thuốc lá và thép kim loại tăng từ 1% đến 2,2 lần. Sản lượng sản xuất các sản phẩm từ bột mì, cồn, len Cashmere chải kỹ, đồ che mặt và vải cashmere giảm từ 6,2% đến 64,8% so với cùng kỳ năm trước[11].

Doanh thu sản lượng khai khoáng tăng 4,3 nghìn tỷ MNT (36%) so với cùng kỳ năm trước là do doanh thu từ khai thác quặng kim loại tăng 4,4 nghìn tỷ MNT (56,4%), doanh thu bán dầu thô tăng 338,4 tỷ MNT (93,3%) và doanh thu của sản lượng khai khoáng khác tăng 84,1 tỷ (36,5%)[12].

2.3. Thu chi ngân sách

Năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 14,3 nghìn tỷ MNT, tăng 3,8 nghìn tỷ MNT (36,5%) so với năm 2020. Thu cân đối ngân sách nhà nước là 12,7 nghìn tỷ MNT, tăng 3,2 nghìn tỷ MNT (34,1%) so với năm trước. Tổng chi ngân sách nhà nước và cho vay ròng là 15,6 nghìn tỷ MNT, dẫn đến thâm hụt 2,9 nghìn tỷ MNT, so với năm 2020, thâm hụt giảm 1,5 nghìn tỷ MNT (34,5%)[13].

Năm 2021, thu quỹ bình ổn tăng 3,8 điểm phần trăm và thu ngoài thuế tăng 0,9 điểm phần trăm trong khi thu từ thuế giảm 2,5 điểm phần trăm và thu quỹ di sản tương lai giảm 2,2 điểm phần trăm so với năm 2022. Thu thuế đạt 11,3 nghìn tỷ MNT, tăng 2,8 nghìn tỷ MNT (32,3%) so với năm trước. Mức tăng này chủ yếu do thu thuế thu nhập tăng 1,1 nghìn tỷ MNT (48,9%), thu thuế an sinh xã hội tăng 673,1 tỷ MNT (42,4%), thu thuế giá trị gia tăng tăng 628,2 tỷ MNT (28,4%), thu hoạt động đối ngoại tăng 202,3 tỷ MNT (27,3%)[14].

Năm 2021, tổng thu và trợ cấp của ngân sách chính quyền địa phương là 3,7 nghìn tỷ MNT và tổng chi và cho vay ròng là 3,5 nghìn tỷ MNT, dẫn đến thặng dư 176,6 tỷ MNT trong cán cân cân bằng. Tổng thu và trợ cấp của ngân sách chính quyền địa phương tăng 531,1 tỷ MNT (16,9%) so với năm 2020 là do thu thuế tăng 405,3 tỷ MNT (32,8%)[15].

2.4. Nợ công

Trong 9 tháng năm 2021, tổng nợ nước ngoài của Mông Cổ đạt 33,3 tỷ USD, tăng 2,1 tỷ USD (6,8%) so với cùng kỳ năm trước và tăng 361,8 triệu USD (1,1%) so với quý trước. Trong đó, đầu tư trực tiếp (cho vay liên công ty) là 12,1 tỷ USD (36,4%), tăng 942,8 USD (8,4%); nợ nước ngoài của các khu vực khác là 8,8 tỷ USD (26,4%), tăng 766,9 triệu USD (9,6%); nợ nước ngoài của quốc gia là 8,4 tỷ USD (26,4%), tăng 396,9 triệu USD (4,9%); nợ nước ngoài của ngân hàng trung ương là 2,3 tỷ USD (6,8%), tăng 118,1 triệu USD (5,5%) và nợ nước ngoài của các tập đoàn nhận tiền gửi (trừ ngân hàng trung ương) là 1,7 tỷ USD (5%), giảm 97,4 triệu USD (5,5%)[16].

Nợ công đạt 27,2 nghìn tỷ MNT, tăng 883,7 tỷ MNT (3,4%) so với cùng kỳ năm trước. Đó là do nợ nước ngoài tăng 1,5 nghìn tỷ MNT (6,6%), tuy nhiên, nợ trong nước giảm 271,5 tỷ MNT (20,6%), bảo lãnh vay vốn của chính phủ giảm 143,6 tỷ MNT (13,7%), nhượng quyền giảm 228,7 tỷ MNT (26,6%) so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng nợ công, nợ nước ngoài là 24,6 nghìn tỷ MNT (90,5%), nợ trong nước là 1 nghìn tỷ MNT (3,9%), bảo lãnh cho vay của chính phủ là 906,6 tỷ MNT (3,3%) và nhượng quyền là 631,5 tỷ MNT (2,3%)[17].

2.5. Ngoại thương

Năm 2021, Mông Cổ đã tiến hành thương mại với 159 quốc gia trên thế giới, tổng kim ngạch ngoại thương đạt 16,1 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu là 9,2 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 6,8 tỷ USD. So với năm 2020, tổng kim ngạch ngoại thương tăng 3,2 tỷ USD (25%), trong đó xuất khẩu tăng 1,7 tỷ USD (22,1%) và nhập khẩu tăng 1,5 tỷ USD (29,2%). Cán cân ngoại thương năm 2021 có thặng dư 2,4 tỷ USD, tăng 121,1 triệu USD (5,3%) so với năm trước. Thương mại với Trung Quốc đạt 10,2 tỷ USD, chiếm 63,1% tổng kim ngạch ngoại thương[18].

Than bitum và tinh quặng đồng chiếm 32,3% và 38% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, vàng chiếm 98% và 68,2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Thụy Sĩ và Hàn Quốc. Kim ngạch xuất khẩu tăng 1,7 tỷ USD so với năm trước là do kim ngạch xuất khẩu than đá tăng 652,9 triệu USD và kim ngạch xuất khẩu tinh quặng đồng tăng 1,1 tỷ USD. Ngoài ra, xuất khẩu tăng là do giá quốc tế của các sản phẩm khai thác tăng. Ví dụ, xuất khẩu khối lượng tinh quặng đồng tăng 8,1%, tuy nhiên giá trị tăng 63,1% so với năm trước[19]. Xuất khẩu các sản phẩm khoáng sản, đá tự nhiên hoặc đá nuôi cấy, kim loại quý, đồ trang sức và các sản phẩm dệt may chiếm 96,4% tổng kim ngạch xuất khẩu[20].

Năm 2021, 36,8% tổng kim ngạch nhập khẩu là từ Trung Quốc, 28,6% là từ Nga, 6,5% là từ Nhật Bản, 4,5% là từ Hàn Quốc, 3,3% là từ Đức và 3,1% là từ Hoa Kỳ, chiếm 82,9% tổng kim ngạch nhập khẩu. 51,1% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Nga là các sản phẩm dầu mỏ, 70,4% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản là ô tô, và trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc, 5% là điện, 11,3% là xe tải và 83,7% là các sản phẩm khác. Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 1,5 tỷ USD so với năm trước chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu dầu diesel tăng 157,7 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu xăng dầu tăng 146,4 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu xe tải tăng 116,2 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu ô tô tăng 87,8 triệu USD. 64,6% tổng kim ngạch nhập khẩu là các sản phẩm khoáng sản, máy móc, thiết bị, đồ điện, phương tiện vận tải và phụ tùng thay thế và các thực phẩm[21].

2.6. Thương mại trong nước

Trong 11 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại trong nước đạt 24,1 nghìn tỷ MNT, tăng 4,8 nghìn tỷ MNT (24,9%) so với cùng kỳ năm trước. Đó là do sự gia tăng trong bán buôn và bán lẻ thực phẩm và nhiên liệu, đại lý, môi giới, đấu giá, bán buôn thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm và các sản phẩm vệ sinh.  38,2% là doanh thu bán buôn và 61,8% là doanh thu bán lẻ. Kim ngạch bán lẻ đạt 14,9 nghìn tỷ MNT, tăng 2,7 nghìn tỷ MNT (22,6%), kim ngạch bán buôn đạt 9,2 nghìn tỷ MNT, tăng 2,1 nghìn tỷ MNT (28,9%) so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 11 năm 2021, kim ngạch thương mại trong nước tăng 174,2 tỷ MNT so với tháng trước chủ yếu do kim ngạch bán buôn, bán lẻ xăng dầu, bán lẻ phụ tùng xe và bán buôn thực phẩm tăng[22].

2.7. Hoạt động của doanh nghiệp

Năm 2021, số đăng ký kinh doanh theo thống kê bao gồm 228.441 pháp nhân, tăng 28 nghìn (13,9%) so với năm 2020 và 12,7 nghìn (5,9%) so với quý trước. Về loại hình pháp lý của các pháp nhân đã đăng ký, 178.028 (77,9%) là công ty, 5.409 (2,4%) là công ty hợp danh, 4.601 (2%) là hợp tác xã, 495 (0,2%) là doanh nghiệp nhà nước ở trung ương và địa phương và 39.878 (17,5%) là các tổ chức khác (tổ chức chính phủ, phi chính phủ...)[23].

Về tình trạng hoạt động, trong 228.441 pháp nhân, có 42,2% đang hoạt động và 57,8% không hoạt động. Trong số các pháp nhân không hoạt động, 70,7 nghìn (53,6%) không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào, trong khi 46,4% còn lại là do các lý do khác. Trong tất cả các pháp nhân đang hoạt động năm 2021, 78,1 nghìn (81%) tham gia vào hoạt động bán buôn hoặc bán lẻ và dịch vụ. Số pháp nhân đang hoạt động giảm 13,8% trong khu vực khai khoáng, 7,3% trong khu vực chế tạo và 6,8% trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, 87,9% doanh nghiệp đang hoạt động có tối đa 9 nhân viên, 5,2% có 10-19 nhân viên, 4,3% có 20-49 nhân viên và 2,7% có từ 50 nhân viên trở lên. Tất cả các pháp nhân đang hoạt động có từ 1-9 nhân viên tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước[24].

2.8. Du lịch

Năm 2021, có 39,2 nghìn lượt khách nước ngoài đến Mông Cổ, giảm 27,7 nghìn lượt (41,4%) so với năm 2020. Lượng khách nước ngoài giảm 25,8 nghìn người (43,8%) so với năm trước. Số lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc giảm 7.750 người (57,4%), khách du lịch đến từ Nga giảm 17.110 người (57,7%), khách du lịch đến từ Hàn Quốc giảm 2.748 người (54,3%) và khách du lịch đến từ Nhật Bản giảm 754 người (66,7%). 54,6% khách nước ngoài đến từ châu Âu, 32,6% từ khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, 5,2% từ châu Mỹ, 7,5% từ các khu vực Trung Đông, Nam Á, châu Phi. Về quốc tịch của khách nước ngoài, 36,3% là người Nga, 19,2% là người Trung Quốc, 11,5% là người Belarus, 6,7% là người Hàn Quốc, 4,5% là người Mỹ, 2,1% là người Kazakhstan, 19,7% là các nước khác[25].

*

* *

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến chính trị - kinh tế của Mông Cổ. Năm 2021, chính trị Mông Cổ đã có những biến đổi lớn với bầu cử tổng thống. Cuộc bầu cử đã ảnh hưởng đến cả chính trị đối nội và đối ngoại của Mông Cổ. Hiện nay, Tổng thống và Thủ tướng Mông Cổ đều thuộc đảng MPP nên tình hình chính trị có thể ổn định hơn. Hơn nữa, tổng thống mới có thể cố gắng thay đổi cán cân quyền lực bằng cách thiết lập mối liên hệ chặt chẽ hơn với Nga như một đối trọng với Trung Quốc. Ngoài ra, mặc dù kinh tế Mông Cổ có khởi sắc như GDP và tốc độ tăng trưởng GDP tăng, xuất khẩu mạnh nhưng thu chi ngân sách nhà nước vẫn thâm hụt, nợ công tăng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bat-Orgil Altankhuyag, “The Price of Limiting Power: Why Constitutional Democracy in Mongolia is in Danger”, Verfassungsblog, 7/5/2021, https://verfassungsblog.de/the-price-of-limiting-power/.

2. “Presidential Elections in Mongolia: Election of Ukhnaagiin Khürelsükh as President may help bring the political crisis in Mongolia to an end and open up the economy to investors”, Kesarev, 21/6/2021, http://upload.kesarev. partners/2021/Kesarev_Memo_Presidential_Elections_ Mongolia_En.pdf.

3. “Mongolia: Election for President”, ElectionGuide, 9/6/2021, https://www. electionguide.org/elections/id/3693/.

4. National statistics office of  Mongolia, Socio-economic situation of Mongolia 10/2021, National statistics office of  Mongolia, Ulaanbaatar, 11/2021, https://1212.mn/ BookLibraryDownload.ashx?url=0.%20 Bulletin_2021_10_last_En%20-%20linked. pdf&ln=Mn.

5. National statistics office of Mongolia, Socio-economic situation of Mongolia 11/2021, National statistics office of Mongolia, Ulaanbaatar, 12/2021, https://1212.mn/ BookLibraryDownload.ashx?url=Bulletin%202021%2011%20eng.pdf&ln=Mn.

6. National statistics office of Mongolia, Socio-economic situation of Mongolia 12/2021, National statistics office of Mongolia, Ulaanbaatar, 1/2022, https://1212.mn/ BookLibraryDownload.ashx?url=Bull_2021_12_en.pdf&ln=Mn.

7. “The start of a generational turn in Mongolian Politics: What can we expect from L. Oyun-Erdene’s New Cabinet?”, European Institute for Asian Studies (EIAS), 8/2/2021, https://eias.org/op-ed/the-start-of-a-generational-turn-in-the-Mongolian-politics-what-can-we-expect-from-l-oyun-erdenes-new-cabinet/.

 

 

 



[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] “Presidential Elections in Mongolia: Election of Ukhnaagiin Khürelsükh as President may help bring the political crisis in Mongolia to an end and open up the economy to investors”, Kesarev, 21/6/2021, pp. 2, http://upload.kesarev.partners/2021/Kesarev_Memo_Presidential_Elections_Mongolia_En.pdf.

[3] “The start of a generational turn in Mongolian Politics: What can we expect from L. Oyun-Erdene’s New Cabinet?”, European Institute for Asian Studies (EIAS), 8/2/2021, https://eias.org/op-ed/the-start-of-a-generati onal-turn-in-the-mongolian-politics-what-can-we-expect-from-l-oyun-erdenes-new-cabinet/.

[4] Bat-Orgil Altankhuyag, “The Price of Limiting Power: Why Constitutional Democracy in Mongolia is in Danger”, Verfassungsblog, 7/5/2021, https://verfassun gsblog.de/the-price-of-limiting-power/.

[5] “Mongolia: Election for President”, ElectionGuide, 9/6/2021, https://www.electionguide.org/ elec tions/ id/3693/.

[6] Kesarev (2021), Tlđd, pp. 1-2.

[7] National statistics office of Mongolia, Socio-economic situation of Mongolia 10/2021, National statistics office of Mongolia, Ulaanbaatar, 11/2021, pp. 40-41, https://1212. mn/BookLibraryDownload.ashx?url=0.%20Bulletin_2021_10_last_En%20-%20linked.pdf&ln=Mn.

[8] National statistics office of Mongolia (11/2021), Tlđd, pp. 41-42.

[9] National statistics office of Mongolia (11/2021), Tlđd, pp. 42-43.

[10] National statistics office of Mongolia, Socio-economic situation of Mongolia 11/2021, National statistics office of Mongolia, Ulaanbaatar, 12/2021, pp. 73, https://1212.mn/ BookLibraryDownload.ashx?url=Bulletin%202021%2011%20eng.pdf&ln=Mn.

[11] National statistics office of Mongolia (12/2021), Tlđd, pp. 73-74.

[12] National statistics office of Mongolia (12/2021), Tlđd, pp. 75.

[13] National statistics office of Mongolia, Socio-economic situation of Mongolia 12/2021, National statistics office of Mongolia, Ulaanbaatar, 1/2022, pp. 65, https://1212.mn/ BookLibraryDownload.ashx?url=Bull_2021_12_en.pdf&ln=Mn.

[14] National statistics office of Mongolia (1/2022), Tlđd, pp. 65.

[15] National statistics office of Mongolia (1/2022), Tlđd, pp. 67.

[16] National statistics office of Mongolia (12/2021), Tlđd, pp. 34.

[17] National statistics office of Mongolia (12/2021), Tlđd, pp. 34-35.

[18] National statistics office of Mongolia (1/2022), Tlđd, pp. 75.

[19] National statistics office of Mongolia (1/2022), Tlđd, pp. 76.

[20] National statistics office of Mongolia (1/2022), Tlđd, pp. 78.

[21] National statistics office of Mongolia (1/2022), Tlđd, pp. 77-78.

[22] National statistics office of Mongolia (1/2022), Tlđd, pp. 134.

[23] National statistics office of Mongolia (1/2022), Tlđd, pp. 103.

[24] National statistics office of Mongolia (1/2022), Tlđd, pp. 104-106.

[25] National statistics office of Mongolia (1/2022), Tlđd, pp. 130-131.

0thảo luận