Trang chủ

Quá trình hình thành và phát triển của hợp tác xã ở Hàn Quốc

Đăng ngày: 18-08-2023, 09:41 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 5

Tống Thùy Linh1

 

Tóm tắt: Là một trong bốn cấu phần của tổ chức kinh tế xã hội, hợp tác xã đã, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội Hàn Quốc. Trải qua hơn 120 năm phát triển, hợp tác xã Hàn Quốc ngày càng vững mạnh. Liên đoàn hợp tác xã nông nghiệp Hàn Quốc (NACF) là một trong những lực lượng nòng cốt của Liên minh hợp tác xã quốc tế (ICA). Theo dữ liệu của Đo lường giá trị hợp tác xã trên toàn cầu (World Cooperative Monitor) do ICA thực hiện năm 2018, tính theo doanh thu (USD), NACF xếp hạng 11 trong tổng số 300 hợp tác xã và tổ chức tương hỗ lớn nhất. Dựa trên nguồn số liệu từ các báo cáo của các cơ quan Hàn Quốc và tổ chức quốc tế, tác giả bài viết* mong muốn cung cấp bức tranh tổng thể về hợp tác xã thông qua làm rõ khái niệm, loại hình, cơ sở pháp lý cũng như quá trình hình thành và phát triển của hợp tác xã ở Hàn Quốc.

Từ khóa: Hợp tác xã, Hàn Quốc, xã hội, kinh tế, cộng đồng

 


1. Hợp tác xã ở Hàn Quốc

1.1. Khái niệm về hợp tác xã[1]

Theo Liên đoàn hợp tác xã Quốc tế (ICA) công bố năm 1995, hợp tác xã là một tổ chức tự trị của những người tự nguyện đoàn kết để đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung về kinh tế, xã hội và văn hóa thông qua các doanh nghiệp được sở hữu chung và được kiểm soát một cách dân chủ.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), hợp tác xã là doanh nghiệp do người dùng sở hữu, do người dùng kiểm soát, phân phối lợi nhuận dựa trên quy mô sử dụng.

Năm 2012 được chọn là “Năm quốc tế về hợp tác xã”. Đây cũng là năm Luật khung về hợp tác xã chính thức có hiệu lực ở Hàn Quốc. Điều 1 đã khẳng định mục đích của luật là tạo điều kiện cho các hợp tác xã hoạt động độc lập, tự hỗ trợ và tự chủ, góp phần hội nhập xã hội và phát triển cân đối nền kinh tế quốc dân bằng cách quy định những vấn đề cơ bản liên quan đến thành lập và hoạt động của hợp tác xã. Theo khoản 1, Điều 2 của luật này, hợp tác xã là một tổ chức kinh doanh nhằm cải thiện quyền và lợi ích của các thành viên và đóng góp cho cộng đồng địa phương bằng cách hợp tác điều hành việc mua, sản xuất, bán, cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ. Thuật ngữ “liên hiệp hợp tác xã” (hay liên minh hợp tác xã) có nghĩa là liên hiệp các hợp tác xã được thành lập theo quy định tại Điều 1 nhằm thúc đẩy lợi ích chung của các hợp tác xã.

Như vậy, khái niệm về hợp tác xã của ICA, USDA và Hàn Quốc có sự khác biệt. Khái niệm của ICA nhấn mạnh sự tự nguyện đoàn kết, kiểm soát dân chủ của những người tham gia hợp tác xã trong khi USDA nhấn mạnh tới tính sở hữu, kiểm soát và phân phối lợi nhuận dựa trên quy mô sử dụng. Khái niệm của Hàn Quốc nhấn mạnh tới sự cải thiện quyền, lợi ích của thành viên và đóng góp cho xã hội cũng như cộng đồng địa phương. Quan điểm của Hàn Quốc về hợp tác xã chú trọng tới lợi ích của hợp tác xã đối với xã hội, cộng đồng. Thậm chí, Hàn Quốc có định nghĩa riêng về hợp tác xã xã hội. Hợp tác xã xã hội là hợp tác xã phi lợi nhuận, được thành lập để tiến hành các hoạt động kinh doanh liên quan đến cải thiện quyền, lợi ích và phúc lợi của cư dân cộng đồng hoặc cung cấp dịch vụ xã hội hoặc việc làm cho các nhóm xã hội dễ bị tổn thương[2].

1.2. Các đặc trưng cơ bản của hợp tác xã

Luật khung về hợp tác xã là cơ sở pháp lý xác định một hợp tác xã ở Hàn Quốc. Theo luật này, một tổ chức là hợp tác xã khi đảm bảo đồng thời 5 đặc điểm sau:

- Về phạm vi kinh doanh: là tổ chức kinh doanh gồm 5 người trở lên với mục đích chung, không hạn chế loại hình kinh doanh (không bao gồm tài chính và bảo hiểm).

- Về biểu quyết và bỏ phiếu quyết định: một người, một phiếu bầu bất kể quy mô đầu tư.

- Về trách nhiệm: các thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn đối với tài sản đầu tư của họ.

- Về tham gia/rút lui: tự do gia nhập và tự do rút lui.

- Về phân bổ: hơn 50/100 tổng số cổ tức được chia theo hiệu quả sử dụng kinh doanh của hợp tác xã. Cổ tức không có sẵn cho các hợp tác xã xã hội (các công ty phi lợi nhuận)

Bên cạnh 5 đặc trưng cơ bản trên, cũng giống như các hợp tác xã trên thế giới, hợp tác xã ở Hàn Quốc phải tuân thủ 7 nguyên tắc hoạt động do ICA đề ra, bao gồm: (1) tham gia tự nguyện và mở rộng; (2) quản lý và kiểm soát dân chủ bởi các thành viên; (3) về sự tham gia kinh tế của thành viên hợp tác xã; (4) độc lập và tự chủ; (5) cung cấp giáo dục, đào tạo và thông tin cho mọi thành viên hợp tác xã; (6) sự hợp tác giữa các hợp tác xã; (7) đóng góp lại cho cộng đồng[3].

2. Quá trình hình thành và phát triển hợp tác xã ở Hàn Quốc

Bối cảnh ra đời hợp tác xã ở Hàn Quốc gắn liền với phong trào hợp tác xã ở quốc gia này. Phong trào hợp tác xã sơ khai bắt đầu từ năm 30 trước công nguyên khi những nông dân thành lập các nhóm để tiếp cận tài chính và lao động cho các hoạt động nông trại[4]. Về thời điểm hợp tác xã đầu tiên xuất hiện ở Hàn Quốc có nhiều quan điểm. Khởi nguồn của hợp tác xã ở Hàn Quốc có thể bén rễ và bắt đầu từ năm 1920 khi hợp tác xã tư nhân đầu tiên được thành lập[5]. Quá trình xuất hiện hợp tác xã ở Hàn Quốc có thể chia làm 3 giai đoạn chính.

- Giai đoạn 1900-1945: phong trào hợp tác xã hiện đại ở Hàn Quốc bắt đầu với sự xuất hiện của các hợp tác xã tài chính và nông nghiệp do chính quyền thuộc địa Nhật Bản thành lập[6].

- Giai đoạn từ 1945-2000: sau độc lập, phong trào hợp tác xã ở Hàn Quốc được đặc trưng bởi sự phát triển của các hợp tác xã nông nghiệp (nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp) và tín dụng. Các hợp tác xã khác với hợp tác xã truyền thống “sinh sôi” sau khi luật cụ thể liên quan đến hợp tác xã được ban hành.

+ Năm 1961, Liên đoàn hợp tác xã nông nghiệp Quốc gia (NACF) được thành lập để hợp nhất các hợp tác xã nông nghiệp và ngân hàng nông nghiệp. Đây cũng là thời điểm đánh dấu thời kỳ chính phủ sử dụng các loại hình hợp tác xã như một công cụ huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế[7].

+ Năm 1970, chính phủ phát động “Saemaul Undong” (새마을운동 - Phong trào Làng mới, Phong trào Nông thôn mới), dẫn đến việc hình thành các hợp tác xã tiêu dùng để cung cấp hàng hóa cần thiết cho các làng. Thời điểm này, Saemaul Geumgo (새마을금고 hay hợp tác xã tín dụng ra đời và được nhân rộng dưới sự giám sát của chính quyền địa phương.

+ Năm 1973, Liên đoàn tín dụng cộng đồng Hàn Quốc (Korean Federation of Community Credit - KFCC) được thành lập để giám sát hoạt động của các hợp tác xã tín dụng địa phương.

+ Vào những năm 1980, dưới chế độ chính trị mới, Saenghyup (생협 hay hợp tác xã sinh kế) đã có chỗ đứng trong các làng và hầu hết do phụ nữ lãnh đạo. Các hợp tác xã này bao gồm cả người sản xuất và người tiêu dùng và thúc đẩy mạng lưới trao đổi nông sản hữu cơ dựa trên sự đoàn kết.

+ Vào những năm 1990, các hợp tác xã sinh kế nhanh chóng được nhân rộng ở các khu vực thành thị, cùng với sự hồi sinh của phong trào hợp tác xã của công nhân[8]. Vào cuối những năm 1990, do bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, các hợp tác xã ở Hàn Quốc đã áp dụng các chiến lược quản lý đổi mới để khôi phục sự tăng trưởng của họ.

+ Năm 1997, iCOOP được thành lập như một tổ chức hợp tác của người tiêu dùng nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng có đạo đức. iCOOP Hàn Quốc được thành lập bởi 6 hợp tác xã và hiện nay trở thành một trong những liên đoàn hợp tác tiêu dùng quan trọng ở Hàn Quốc[9]. Tiếp sau đó, Dure Consumers’ Cooperative Movement (DCCU) được thành lập với tư cách là liên hiệp các doanh nghiệp hợp tác của người tiêu dùng đô thị để thúc đẩy sự hợp tác lẫn nhau giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

- Giai đoạn sau 2000 tới nay: đóng góp các hợp tác xã và doanh nghiệp xã hội đối với nền kinh tế ngày càng gia tăng. Bởi vậy, hợp tác xã và doanh nghiệp xã hội trở thành một cách thức để đảm bảo việc làm và giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế phúc lợi. Chính phủ Hàn Quốc lần lượt triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển mô hình kinh tế này.

Cụ thể, năm 2012, Luật khung về hợp tác xã được thông qua, mở ra trang mới cho các hợp tác xã quy mô vừa và nhỏ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Luật quy định những vấn đề cơ bản liên quan đến việc thành lập và hoạt động của hợp tác xã, thúc đẩy các hoạt động hợp tác độc lập, tự chủ và tự chủ, và góp phần vào hội nhập xã hội và phát triển cân bằng của nền kinh tế quốc dân.

Năm 2014, Kế hoạch tổng thể về hợp tác xã lần thứ nhất (2014-2016) được giới thiệu để xây dựng môi trường thuận lợi cho các hợp tác xã tăng trưởng. Đến năm 2015, Chính phủ Hàn Quốc áp dụng các chính sách mới đối với hợp tác xã. Trong đó, xác định rõ những thách thức mà hợp tác xã gặp phải thông qua điều tra; chuyển sang hỗ trợ các hợp tác xã phát triển bền vững; tìm hiểu các mô hình hợp tác xã thành công và đẩy mạnh phát triển các ngành chiến lược.

Năm 2017, Kế hoạch tổng thể về hợp tác xã lần thứ hai được đưa ra nhằm tăng cường quyền tự chủ của hợp tác xã, nâng cao nhận thức về hợp tác xã, tạo việc làm thông qua hợp tác xã và củng cố thị trường hợp tác xã một cách tổng thể.

3. Thực trạng hợp tác xã ở Hàn Quốc hiện nay

3.1. Cơ sở pháp lý điều chỉnh hợp tác xã

Từ sau năm 2012, tại Hàn Quốc có hai khung pháp lý dành cho hợp tác xã: (1) 8 luật hợp tác xã đơn lẻ từ năm 1957 đến 1963; (2) Luật khung hợp tác xã 2012 (dưới sự giám sát của Bộ Chiến lược và Tài chính- MOSF). Hiện nay, các hợp tác xã Hàn Quốc được công nhận bởi 8 luật riêng biệt, liên quan tới các lĩnh vực và loại hình doanh nghiệp cụ thể. Luật khung hợp tác xã 2012 khuyến khích tổ chức hợp tác xã trong mọi thành phần kinh tế, ngoại trừ lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm. Đặc biệt, luật phân biệt giữa hợp tác xã thông thường (vì lợi nhuận) cũng như hợp tác xã xã hội (phi lợi nhuận) và cung cấp hướng dẫn thành lập cho cả hai loại hình hợp tác xã này.

Bảng 1: Các luật điều chỉnh hợp tác xã ở Hàn Quốc

Quá trình hình thành và phát triển của hợp tác xã ở Hàn Quốc
Nguồn: 한국협동조합연구소, 협동조합이란, truy cập ngày 5/3/2022, tại http://www.coops.or. kr/0pages/corp.php?ckattempt=1


Như vậy, có thể thấy, luật điều chỉnh hợp tác xã ở Hàn Quốc khá đa dạng. Tám luật riêng được sửa đổi trong nhiều năm, tùy theo những thay đổi của tình hình kinh tế xã hội và cơ cấu công nghiệp ngày càng tăng của Hàn Quốc. Luật khung về hợp tác xã năm 2012 công nhận về mặt luật pháp cho các tổ chức tự lực không thuộc phạm vi quyền hạn của tám luật trước đó. Tính đến nay Luật khung về hợp tác xã đã được sửa đổi 4 lần, lần mới nhất là năm 2017. Do vậy, các lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã ở Hàn Quốc tương đối phong phú, từ nông nghiệp, thủy sản… đến mua chung và sử dụng chung.

3.2. Các loại hình hợp tác xã

Căn cứ vào 8 luật riêng và luật khung kể trên, hợp tác xã ở Hàn Quốc được phân thành nhiều loại.

Theo mục đích hoạt động, hợp tác xã có thể phân chia thành: hợp tác xã thông thường (vì lợi nhuận, đáp ứng nhu cầu của các thành viên) và hợp tác xã xã hội (không vì lợi nhuận, đóng góp cho cộng đồng là chính). Trong hợp tác xã thông thường có: hợp tác xã do các doanh nhân thành lập; hợp tác xã có nhiều bên tham gia; hợp tác xã công nhân; hợp tác xã người tiêu dùng. Phân chia theo lĩnh vực hoạt động gồm: hợp tác xã thương mại bán buôn và bán lẻ; hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp; hợp tác xã giáo dục và dịch vụ; hợp tác xã sản xuất, chế tạo; hợp tác xã đáp ứng nhu cầu nghệ thuật và thể thao, giải trí; hợp tác xã chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội; hợp tác xã ngành nghề khác (khách sạn, nhà hàng, khoa học và công nghệ, bất động sản…). Trong hợp tác xã xã hội, tùy theo đóng góp đối với xã hội có thể bao gồm: hợp tác xã cung cấp việc làm cho nhóm yếu thế; hợp tác xã cung cấp phúc lợi xã hội; hợp tác xã chăm sóc trẻ nhỏ…


Bảng 2: Các loại hình hợp tác xã

Quá trình hình thành và phát triển của hợp tác xã ở Hàn Quốc

Ghi chú: * Là hợp tác xã do lao động trong một số nhóm tạo ra: 1. Công nhân: lái xe, dọn dẹp, rửa xe, bảo vệ, sửa nhà, phục vụ nhanh…; 2. Giáo dục và đào tạo: giảng viên bán thời gian (đại học), chuyên ngành bệnh viện đại học…; 3. Nhóm dễ bị tổn thương: lao động không thường xuyên khác, vô gia cư, người thất nghiệp…; 4. Nhóm đặc thù: gia sư, người nhặt bóng phục vụ người chơi gôn…4. Chủ doanh nghiệp nhỏ: từ chợ truyền thống, làng nghề, nhà hàng, nhà bán lẻ…; ** Nhóm tự hỗ trợ, nhóm cựu chiến binh, nhóm phúc lợi xã hội…

Nguồn: Tác giả tự tổng hợp, từ 한국사회적기업진흥원, 협동조합이란?,  https://www.Socialenterprise. or.kr/social/coop/coopConcept.do?m_cd=E014; 한국협동조합연구소, 협동조합이란http://www.coops.or.kr/ 0pages/corp.php?ckattempt=1.

 

Tùy theo động cơ tham gia hợp tác xã của xã viên, có thể phân theo nhiều loại hình hợp tác xã (bảng 2).

Bên cạnh các loại hình hợp tác xã trên, nếu phân chia hợp tác xã theo lĩnh vực kinh tế, xã hội… có thể xuất hiện các hợp tác xã sau:

- Hợp tác xã khởi nghiệp: khởi nghiệp đại học, khởi nghiệp quy mô nhỏ, nghiên cứu liên doanh, liên doanh…

- Hợp tác xã văn hóa: đáp ứng nhu cầu văn hóa, nghệ thuật, giáo dục thể chất, dịch vụ cộng đồng nông thôn, tôn giáo…

- Hợp tác xã khác: nhóm người tiêu dùng, xe buýt nông thôn, thị trấn người cao tuổi, khu chung cư, môi trường, đội bóng đá (FC Gyeongnam)…

Nhìn chung, hợp tác xã ở Hàn Quốc khá đa dạng về loại hình và chủng loại và hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.

3.3. Tình hình phát triển hợp tác xã

Tại Hàn Quốc, cơ quan thống kê quốc gia không đưa ra dữ liệu cụ thể về từng loại hợp tác xã. Dữ liệu về hợp tác xã được lưu giữ trong thông tin về các ngành hoặc vùng miền nhất định trong hệ thống thống kê của Hàn Quốc[10]. Do có hai hệ thống luật lớn quy định hợp tác xã nên có hai cơ quan chịu trách nhiệm chính công bố số liệu về hợp tác xã. Trong hệ thống 8 luật riêng, ngoại trừ hợp tác xã tiêu dùng, mỗi lĩnh vực có một liên đoàn hợp tác xã quốc gia, đóng vai trò đại diện, thay mặt cho các hợp tác xã địa phương và các thành viên. Trong cơ sở pháp lý theo Luật khung hợp tác xã 2012, MOSF chịu trách nhiệm thực hiện các cuộc điều tra quốc gia về hợp tác xã 2 năm một lần. Thay mặt cho MOSF, Viện Y tế và các vấn đề xã hội (KIHASA) đã thực hiện điều tra về hợp tác xã trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc trong các năm 2013, 2015, 2017.

Các liên minh hợp tác xã quốc gia cung cấp số liệu cho chính phủ, cơ quan thống kê Hàn Quốc để báo cáo về số liệu hợp tác xã thành lập, hợp tác xã hoạt động… Tuy nhiên đa số các dữ liệu không được công bố rộng rãi vì là thông tin riêng của tổ chức. Chính vì vậy, việc tổng hợp số liệu về hợp tác xã ở Hàn Quốc không dễ dàng. Thống kê toàn diện và đầy đủ nhất là các báo cáo, dữ liệu dựa theo Luật khung hợp tác xã 2012. Bên cạnh đó, có thể tham khảo các điều tra, báo cáo về hợp tác xã được thực hiện 2 năm một lần của cơ quan thống kê Hàn Quốc.

Đúng như kỳ vọng và mục tiêu của Luật khung hợp tác xã 2012 là “đơn giản hóa” việc thành lập và hoạt động của hợp tác xã kiểu mới trong các lĩnh vực khác nhau, có một sự gia tăng đáng kể số lượng hợp tác xã sau năm 2012. Tính đến tháng 1/2015, sau khoảng 3 năm luật mới có hiệu lực, theo số liệu của Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc, đã có 6.251 hợp tác xã mới được đăng ký[11]. Tính trung bình, khoảng 250 hợp tác xã ra đời trong vòng một tháng và 8,5 hợp tác xã được thành lập mỗi ngày.

So sánh số liệu khảo sát hợp tác xã năm 2015 (lần thứ 2) và năm 2017 (lần thứ 3), hợp tác xã ngày càng tăng trưởng và đóng góp to lớn đối với kinh tế và xã hội. Các thông tin cụ thể được trình bày ở bảng 3. Theo đó, năm 2017, tổng số lượng hợp tác xã là 10.615, đã tăng 4.380 hợp tác xã so với lần điều tra thứ 2 vào cuối năm 2014. Trong số 10.615 hợp tác xã, có 9.547 hợp tác xã (chiếm 89,9%) đã đăng ký thành tổng công ty. Tuy nhiên, trong hơn 1 vạn hợp tác xã chỉ có 48% hợp tác xã, tương đương 5.100 hợp tác xã đang hoạt động theo sổ đăng ký hành chính; dựa trên đăng ký thuế của họ và hồ sơ thanh toán thuế doanh nghiệp tại Dịch vụ thuế quốc gia và đăng ký bảo hiểm việc làm tại Dịch vụ bồi thường và phúc lợi cho người lao động Hàn Quốc.  Khoảng 1.068 hợp tác xã không đăng ký thành tổng công ty vì đang ở giai đoạn đầu kinh doanh. Số 4.447 hợp tác xã còn lại, tương đương 52% hợp tác xã là không hoạt động. Số hợp tác xã đóng cửa là 1.453 và hợp tác xã tạm dừng hoạt động là 2.994. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đóng cửa, tạm dừng hoạt động là do hợp tác xã hoạt động không có lãi, không đủ vốn và bất hòa giữa các xã viên.


Bảng 3: Tăng trưởng của hợp tác xã ở Hàn Quốc 2015-2017

Quá trình hình thành và phát triển của hợp tác xã ở Hàn Quốc

Nguồn: ILO (2018), “Cooperatives in the Republic of Korea: 3rd survey highlights cooperatives’ growing contribution to social and economic realms”, truy cập ngày 2/2/2022, tại https://www.ilo.org/global/ topics/cooperatives/news/WCMS_630807/lang--en/index.htm

 

Trong số 5.100 hợp tác xã đang hoạt động, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, khoa học và công nghệ, bất động sản… chiếm tỷ lệ cao nhất, đạt 29,9%. Tiếp theo, 23,5% hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thương mại, bán buôn, bán lẻ; 13,7% hợp tác xã trong lĩnh vực giáo dục. Các lĩnh vực còn lại có tỷ lệ lần lượt là 10,3% (nông nghiệp, nghư nghiệp và thủy sản); 8,7% (sản xuất, chế tạo); 8,6% (nghệ thuật và thể thao); 5,2% (phúc lợi xã hội và chăm sóc sức khỏe)[12].

Xét từng chỉ số cụ thể như số thành viên, số công nhân, số nhân viên bình quân trên một hợp tác xã, tỷ lệ nhân viên có việc làm thường xuyên đều có sự gia tăng so với cuộc điều tra năm 2015. Các chỉ số về tổng thu nhập, tổng doanh thu, tài sản trên 1 hợp tác xã cũng “tích cực” hơn trước. Gam xám duy nhất thể hiện ở tỷ lệ người dễ bị tổn thương trong tổng số nhân viên của hợp tác xã, tăng 14,5% so với hai năm trước.

Nhìn chung, các chỉ số hoạt động của hợp tác xã ở Hàn Quốc đều có sự cải thiện hơn trước. Bên cạnh đó, khoảng 52,4% hợp tác xã đang hoạt động đang đóng góp trở lại cho cộng đồng với nhiều hình thức khác nhau: quyên góp tiền, hiện vật, cung cấp không gian và lao động. Điều này khẳng định hợp tác xã cam kết và tuân thủ nguyên tắc thứ 7 trong hoạt động là đóng góp cho xã hội. Như vậy, rõ ràng hợp tác xã ở Hàn Quốc đang tăng trưởng và thể hiện vai trò quan trọng đối với xã hội và kinh tế. Nguyên nhân chính góp phần vào sự tăng trưởng vượt bậc này bắt nguồn từ các biện pháp hỗ trợ của chính phủ, địa phương và các tổ chức xã hội dân sự[13]. Ngoài ra, nhờ các nguồn lực “nội tại” mạnh mẽ từ văn hóa, xã hội… số lượng hợp tác xã ngày càng gia tăng.

4. Kết luận

Nhờ môi trường thuận lợi, khung pháp lý mới 2012, các hợp tác xã ở Hàn Quốc đã có sự gia tăng về số lượng trong các lĩnh vực khác nhau, tạo ra cơ hội việc làm cho người dân, đặc biệt là những thành phần dễ bị tổn thương của xã hội. Đồng thời, hợp tác xã đang nổi lên như là mô hình doanh nghiệp thành công trong đóng góp trở lại cho xã hội. Vào tháng 10/2017, Chính phủ Hàn Quốc công bố hai kế hoạch liên chính phủ nhằm phổ biến thể chế về kinh tế xã hội, gồm hợp tác xã, doanh nghiệp xã hội… Tiếp đó, tháng 2/2018, chính phủ công bố kế hoạch tiếp cận nguồn lực tài chính đối với các tổ chức như hợp tác xã, doanh nghiệp xã hội. Những động thái tích cực trên góp thêm xung lực cho sự phát triển của hợp tác xã ở Hàn Quốc. Theo số liệu của Cục thúc đẩy doanh nghiệp xã hội (KSEPA), số lượng hợp tác xã liên tục tăng, từ 12.356 (2017) lên 14.550 (2018) và đạt 16.846 (2019).

Qua những phân tích ở trên, có thể rút ra một số nhận xét sau về hợp tác xã ở Hàn Quốc.

Thứ nhất, quan điểm của Hàn Quốc về hợp tác xã nhấn mạnh tới sự cải thiện quyền, lợi ích của thành viên và đóng góp cho xã hội cũng như cộng đồng địa phương. Do vậy, hợp tác xã cũng là một cấu phần trong doanh nghiệp kinh tế xã hội.

Thứ hai, trong quá trình hình thành và phát triển của hợp tác xã, Chính phủ Hàn Quốc đã kịp thời ban hành luật, chính sách thúc đẩy hợp tác xã kịp thời.

Thứ ba, tuy có nhiều luật quy định về hợp tác xã (8 luật riêng trước 2012 và Luật khung về hợp tác xã 2012) nhưng cơ sở pháp lý liên quan tới hợp tác xã khá vững chắc và chi tiết. Điều này góp phần tạo nên bản sắc của hợp tác xã Hàn Quốc thông qua đa đạng hóa lĩnh vực hoạt động cũng như chủng loại hợp tác xã.

Cuối cùng, hợp tác xã Hàn Quốc không ngừng tăng trưởng và trở thành “công cụ” thúc đẩy các chương trình cộng đồng nhằm phát triển kinh tế nông thôn và thành thị. Hy vọng rằng, thông qua những phân tích tổng quan về khái niệm, khung pháp lý về hợp tác xã, bối cảnh ra đời hợp tác xã và thực trạng phát triển hợp tác xã ở Hàn Quốc, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và hoạch định chính sách ở Việt Nam hiểu thêm về hợp tác xã ở Hàn Quốc, tìm ra những điểm khác biệt về chính sách, pháp luật liên quan đến hợp tác xã ở hai quốc gia. Trên cơ sở đó, có những kiến nghị, đề xuất hữu ích về pháp lý, chính sách nhằm thúc đẩy hợp tác xã ở Việt Nam phát triển hơn nữa.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. iCOOP Cooperative Development Center (2015), “What changed after Framework Act on Cooperatives in Korea”, Icoop News Letter No.58, April 2015.

2. ILO (2016), “Consumer cooperative in the Republic of Korea”, https://www.ilo.org/global/ topics/cooperatives/news/WCMS_533967/lang--en/index.htm

3. ILO (2017), “Statistics on Cooperatives – Country in focus: Republic of Korea”.

4. ILO (2018), “Cooperatives in the Republic of Korea: 3rd survey highlights cooperatives’ growing contribution to social and economic realms”, https://www.ilo.org/global/ topics/ cooperatives/news/WCMS_630807/lang--en/index.htm

5. ICA-AP (2019), “Cooperatives in Korea”,  https://icaap.coop/ICANew/President/assets/Cooperatives%20in%20Korea-Country%20 Brochure.pdf.

6. 한국협동조합협의회 (Hiệp hội Hợp tác xã Hàn Quốc) (2017), “ICA 협동조합 원칙 안내서” (Hướng dẫn ICA về các nguyên tắc của hợp tác xã), https://www.ica.coop/sites/default/ files/2021-11/Guidance%20notes%20to%20the%20co-operative%20principles-KO.pdf

7. 한국사회적기업진흥원 (Korea Social Enterprise Promotion Agency), “협동조합 이란?”, https://www.socialenterprise. or.kr/ social/coop/coopConcept.do?m_cd=E014

8. 협동조합 기본법 제2조 1호, http://koreanlii.or.kr/w/index.php/Cooperatives#cite_note-0

9. 한국사회적기업진흥원 (2019), “Korea Scoial Economy”.

 

 


[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

* Bài viết là sản phẩm của đề tài cấp bộ: Nghiên cứu, tổng kết, hoàn thiện hệ thống lý luận về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã”.

[2] Korea Social Enterprise Promotion Agency, Korea Social Enterprise, https://www.socialenterprise.or.kr/_ engsocial/?m_cd=0102.

[3] Liên minh hợp tác xã quốc tế (ICA) (1995), “Tuyên bố về nhận diện Hợp tác xã”.

[5]한국사회적기업진흥원 (2019), “Korea Scoial Economy”, p. 9.

[6] ICA-AP (2019), Tlđd, p. 2.

[7] International Cooperative Alliance Asia and Pacific (2021), “Mapping: Key Figures - National Report: Korea”, p. 2.

[8] 노동자협동조합là hợp tác xã công nhân hay hợp tác xã nhân viên (Worker Cooperative), trong đó công nhân thành lập công ty làm chủ công ty và trực tiếp tham gia quản lý công ty, https://ko.wikipedia.org/wiki/%EB%85% B8%EB%8F%99%EC%9E%90_%ED%98%91%EB%8F%99%EC%A1%B0%ED%95%A9

[9] ILO (2016), “Consumer cooperative in the Republic of Korea”, https://www.ilo.org/global/topics/cooperatives/ news/WCMS_533967/lang--en/index.htm.

[10] ILO (2017), “Statistics on Cooperatives – Country in focus: Republic of Korea”, p. 1.

[11] iCOOP Cooperative Development Center (2015), “What changed after Framework Act on Cooperatives in Korea”, Icoop News Letter No.58, April 2015, p. 1.

[12] International Cooperative Alliance Asia and Pacific (2021), “Mapping: Key Figures - National Report: Korea”, p.8.

[13] ILO (2017), “Statistics on Cooperatives – Country in focus: Republic of Korea”, p.1.

0thảo luận