Trang chủ

Cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ ở Tiểu vùng sông Mekong trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI

Đăng ngày: 27-07-2023, 14:43 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 4

Trần Ngọc Dũng1

Tóm tắt: Trong những năm gần đây, cả Trung Quốc và Mỹ đều dành sự quan tâm nhất định đến việc tạo lập ảnh hưởng ở tiểu vùng sông Mekong trong bối cảnh chung là cạnh tranh Trung – Mỹ về sức mạnh toàn cầu. Cả hai cường quốc tuy có cách thức tiếp cận khác nhau nhưng đều hướng đến một mục tiêu là tạo lập, duy trì ảnh hưởng ở một trong những khu vực địa chiến lược quan trọng ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Hành động của hai nước trong khu vực ngày càng đáng chú ý trong giai đoạn cầm quyền của ông Tập Cận Bình và trong chính sách cứng rắn của Tổng thống D. Trump. Cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ tại tiểu vùng sông Mekong do đó đặt ra những bài toán quan trọng cho Việt Nam và các quốc gia trong khu vực về việc cân bằng hợp tác với hai cường quốc này để đảm bảo những lợi ích quốc gia và sự phát triển bền vững.

Từ khóa: Tiểu vùng sông Mekong, cạnh tranh Trung – Mỹ, ảnh hưởng khu vực

 

T

iểu vùng sông Mekong bao gồm các quốc gia Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam (viết tắt là CLMTV). Đây là khu vực ngày càng có vai trò quan trọng tại Đông Nam Á,[1]là địa bàn cạnh tranh của nhiều nước lớn từ cuối thế kỷ XX đến nay. Bên cạnh sự xuất hiện mang tính truyền thống của Nhật Bản hay Ấn Độ, Hàn Quốc tại CLMTV, ảnh hưởng và cạnh tranh của Trung Quốc và Mỹ tại khu vực này ngày càng lớn, nhất là khi Trung Quốc thay đổi chính sách đối ngoại dưới thời của ông Tập Cận Bình và chiến lược của Mỹ cũng có những ứng biến nhất định với n Đ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. CLMTV đã chứng kiến những bước đi mang tính cạnh tranh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ khi cả hai đều đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á nói riêng, châu Á nói chung. Bài viết này khái quát lại quá trình hai nước tìm cách tạo lập ảnh hưởng và cạnh tranh ở CLMTV và đặt ra những vấn đề cho các quốc gia trong khu vực trong việc ứng phó phù hợp với cạnh tranh Mỹ - Trung.

1. Ảnh hưởng của Trung Quốc tại tiểu vùng sông Mekong

Năm 1995, Trung Quốc trở thành quan sát viên của Ủy hội sông Mekong MRC (gồm Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan) để hợp tác trong kiểm soát nguồn nước, cung cấp cơ chế hợp tác thương mại giữa các quốc gia[2]. Đồng thời, Trung Quốc đóng góp vai trò quan trọng trong Chương trình hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mekong mở rộng GMS. Bắc Kinh muốn giữ và khẳng định vai trò anh cả về chính trị - ngoại giao trong khu vực; đồng thời tận dụng tài nguyên của CLMTV để phát triển kinh tế trong nước[3]. Chính sách của Trung Quốc khá thực dụng và toan tính thay vì chú trọng đến phát triển bền vững hay các vấn đề về con người như chính sách của các quốc gia phương Tây đối với CLMTV[4].

Đầu tư và ảnh hưởng của Trung Quốc ở CLMTV đầu thế kỷ XXI nổi bật hơn hẳn Mỹ và các cường quốc khác. Trung Quốc trả 7,2 tỉ USD trong tổng số vốn đầu tư cho dự án đường sắt nối Viêng Chăn với Trung Quốc; đầu tư không hoàn lại 30 triệu USD giúp Lào xây dựng 85 km đường cao tốc trong dự án Côn Minh – Bangkok[5]. Bắc Kinh đầu tư 500 triệu USD cho việc nghiên cứu và xây dựng các tuyến đường Phnom Penh - Lộc Ninh[6]. Trung Quốc cung cấp 27,2% vốn cho GMS (1994-2007); và tăng lên thành 32,2% (2008-2012)[7]. Ngược lại, Mỹ hầu như chưa có sự đầu tư, hợp tác tương xứng trong khu vực lúc này[8]. Xuất khẩu của CLMTV đến Trung Quốc tăng từ 6,3% trong tổng giá trị năm 2000 lên đến 14% năm 2009[9].

Bắc Kinh còn thông qua ASEAN để tác động gián tiếp đến khu vực này. Năm 1996, Trung Quốc là thành viên duy nhất ngoài khối của Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế về hợp tác phát triển lưu vực sông Mekong AMBDC (do ASEAN lập ra). Việc hiện thực hóa các dự án xây dựng hệ thống giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng nói trên giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trực tiếp xuống phía nam. Kết quả là thương mại Trung Quốc với 4 nước Campuchia, Lào, Myanamar và Việt Nam tăng từ 11,4 tỉ USD năm 2006 lên 60,9 tỉ năm 2013[10]. Thông qua ảnh hưởng kinh tế, Trung Quốc phần nào tạo ảnh hưởng chính trị trong khu vực. Năm 2011 trong khi hầu hết các nước Đông Nam Á bày tỏ lo ngại về vấn đề an ninh biển Đông, Campuchia và Myanmar đã không thể hiện sự ủng hộ với ASEAN. Năm 2012, khi Việt Nam và Philippines muốn Trung Quốc tôn trọng vùng chủ quyền kinh tế các nước ở Biển Đông thì Campuchia lại cho rằng những điều đó có thể làm căng thẳng mối quan hệ với Trung Quốc.

Trong giai đoạn 2010-2020, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại CLMTV đã có những thay đổi nhất định khi Bắc Kinh tăng cường khẳng định quyền lực trong khu vực và thế giới. Ba vấn đề tác động đến chính sách của Trung Quốc ở CLMTV là tác động của thuế quan; áp lực của các vấn đề phi truyền thống (thuốc phiện, lao động di cư, buôn lậu và cờ bạc xuyên biên giới); tham vọng của Trung Quốc về một vai trò toàn diện hơn trong hợp tác khu vực để khẳng định vị thế cường quốc có thể quyết định các vấn đề lớn trong khu vực và quốc tế[11].

Sự ra đời của Hợp tác Lan thương - Mekong LMC là minh chứng tiêu biểu cho ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Ngày 23/3/2016, lãnh đạo Trung Quốc và CLMTV đã ký vào tuyên bố chung về LMC, đề ra 78 dự án hạ tầng cơ sở. LMC có 5 vấn đề ưu tiên hàng đầu là năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế xuyên biên giới, quản lý nguồn nước, giảm nghèo đói trong khu vực và tính kết nối[12]. Thông qua LMC, Trung Quốc đang tìm cách thay thế các tổ chức, cơ chế hợp tác cũ để định hình một sân chơi mới do Trung Quốc khởi xướng và có quyền lực lớn, có khả năng kiểm soát hơn. Trung Quốc cam kết cho CLMTV vay 1,5 tỉ USD lãi suất thấp và 10 tỉ USD lãi suất thị trường để hiện thực hóa việc hợp tác[13]. LMC có quy mô lớn hơn so với MRC và xử lý nhiều vấn đề hơn liên quan đến chính trị, an ninh, sức khỏe, giáo dục, hạ tầng và phát triển bền vững trong khu vực. LMC ra đời nhằm giải quyết những vấn đề mà các tổ chức trước đó chưa giải quyết được như là việc Trung Quốc chỉ là quan sát viên của MRC, hay GMS thiên về hợp tác kinh tế nhưng thiếu đi yếu tố chính trị và xã hội[14]. Trung Quốc có hai thuận lợi rất lớn trong việc khống chế và tạo ảnh hưởng lên CLMTV. Thứ nhất là cách thức để giao lưu, kết nối CLMTV theo những vấn đề có liên quan trực tiếp đến sự phát triển và an ninh của Trung Quốc[15]. Thứ hai, LMC đưa CLMTV vào trong chuỗi ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua các sáng kiến khác nhau, như BRI[16].

Trung Quốc đã xây dựng các đập thủy điện trên dòng Mekong để khống chế nguồn nước và từ đó khống chế các vấn đề khác của CLMTV[17]. Hơn 10 con đập được xây dựng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước, môi trường, và kinh tế của CLMTV (đánh bắt cá, nông nghiệp). Năm 2019 và 2020, sản xuất gạo của Việt Nam và Thái Lan suy giảm nghiêm trọng do thiếu nước và phù sa[18]. Năm 2020, phù sa của sông Mekong chảy về Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với năm 2007[19]. Dự đoán đến năm 2042, CLMTV sẽ mất khoảng 16 tỉ USD trong ngành thủy sản do hệ quả từ các con đập của Trung Quốc[20]. Do đó, Mỹ đã chỉ trích việc các đập thủy điện của Trung Quốc đều trữ nước trong mùa khô năm 2019 là có động cơ chính trị và thiếu thiện chí.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Trung Quốc tiếp tục tăng cường ảnh hưởng trong khu vực. Tại hội nghị thượng đỉnh LMC lần thứ 3 tháng 8/2020, Trung Quốc cam kết chia sẻ vắc xin và chuyên gia phòng chống Covid cho các nước CLMTV, biến đây thành một công cụ chính trị quan trọng, tiềm năng để tăng cường ảnh hưởng lên khu vực sau chính sách “ngoại giao khẩu trang” vốn được thực hiện từ giữa năm 2020[21]. Có thể thấy, Trung Quốc ngày càng có nhiều cách thức khác nhau để tạo lập ảnh hưởng sâu đậm ở CLMTV trong bối cảnh cạnh tranh với Mỹ và cường quốc khác.

2. Cạnh tranh ảnh hưởng của Mỹ tại CLMTV

Mỹ mới có động thái tạo lập ảnh hưởng trong khu vực đầu thế kỷ XXI khi Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ. Tháng 7/2009, Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết của các cuộc họp cấp bộ trưởng với CLMTV để tiến hành hợp tác song phương[22]. Các nước đã thống nhất hợp tác với Sáng kiến hạ lưu sông Mekong LMI với 4 trụ cột cơ bản: môi trường, sức khỏe, giáo dục và phát triển cơ sở hạ tầng. Năm 2012, Ngoại trưởng Mỹ, H. Clinton đã đề ra Sáng kiến hạ lưu sông Mekong 2020 nhằm thúc đẩy hàng loạt các hợp tác song phương, đa phương trong tổng thể chung là Sáng kiến hợp tác chiến lược châu Á – Thái Bình Dương APSEI; tập trung vào hợp tác an ninh khu vực, phát triển dân chủ, giải quyết những mối đe dọa xuyên quốc gia và kết nối kinh tế. Đó là những động thái rõ ràng từ phía Mỹ để tái lập ảnh hưởng ở CLMTV khi Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động xây dựng đập thủy điện, gia tăng ảnh hưởng kinh tế trong khu vực.

Ngoài ra, Mỹ còn xây dựng Những người bạn của hạ lưu sông Mekong FLM để tiếp tục tạo lập ảnh hưởng của mình. Những cuộc gặp gỡ cấp Bộ trưởng giữa Mỹ, CLMTV, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, đại diện EU, ADB và WB được tổ chức đầu tiên vào tháng 7/2011. Mục tiêu của FLM là thúc đẩy hợp tác chính sách giữa các quốc gia trong khu vực và các đại diện quốc tế để nâng cao chất lượng, hiệu quả chính sách, để xác định và xóa bỏ khoảng cách trong các chương trình và nguồn lực. Năm 2012, Mỹ cam kết cung cấp hơn 1 triệu USD cho việc nghiên cứu về quản lý nguồn nước và phát triển của sông Mekong, 2 triệu USD cho chương trình hỗ trợ ngư dân MRC[23]. Những hỗ trợ của Mỹ cho CLMTV hướng đến những con người cụ thể và tập trung vào những thách thức cơ bản họ phải đối mặt trong môi trường xuyên biên giới và những vấn đề mang tính phát triển bền vững[24]. Mỹ hướng đến phát triển các tiểu chuẩn Mekong dựa trên sự hợp tác về khoa học kỹ thuật, công nghệ, môi trường để có thể gắn liền với phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nước. Đồng thời, Mỹ đặt tiểu vùng sông Mekong trong bối cảnh chung là cạnh tranh Trung – Mỹ và chính sách xoay trục, tái cân bằng ở châu Á trong thế phản ứng với sự trỗi dậy ảnh hưởng của Trung Quốc. Cụ thể, Thái Lan là đồng minh truyền thống; Việt Nam cùng nhiều nước khác trong ASEAN đang trở thành đối tác an ninh, kinh tế. Trao đổi thương mại Mỹ - CLMTV do đó tăng trưởng mạnh, từ 16 tỉ USD năm 2009 lên 32,4 tỉ USD năm 2013[25]. Tuy nhiên, sự hiện diện thực tế của Mỹ trong khu vực vẫn chưa rõ ràng, thậm chí là khá yếu. Đầu tư trực tiếp của Mỹ vào Lào và Campuchia rất nhỏ và không đáng chú ý trong khi đầu tư vào Việt Nam giảm từ 3,3 tỉ USD năm 2009 xuống còn 52 triệu USD năm 2013[26]. Mỹ chưa đóng một vai trò hay sự quan tâm đúng mức cần thiết vào khu vực trong giai đoạn này và thường chỉ chú ý nhấn mạnh những tiêu cực trong chính sách mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc mà không có được góc nhìn đa chiều để tiếp cận phù hợp hơn. Mỹ không cung cấp bất cứ nguồn hỗ trợ tài chính phát triển nào cho CLMTV trong chương trình AMBDC. Bên cạnh đó, LMI không mời đại diện của ASEAN tham dự và cũng không song hành cùng các chương trình, kế hoạch của ASEAN về Mekong nên không thể xóa nhòa khoảng cách giữa Mỹ với các nước.

Chính sách của Mỹ ở CLMTV mang tính cạnh tranh, đối đầu trực tiếp hơn với Trung Quốc trong giai đoạn cầm quyền của Tổng thống D. Trump. Năm 2018, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tái khẳng định LMI là chìa khóa cho việc thúc đẩy kết nối, hợp tác kinh tế và phát triển bền vững, ổn định chính phủ[27]. Mỹ cam kết hỗ trợ 45 triệu USD cho các dự án LMI để nâng cao chất lượng cuộc sống, bao gồm giáo dục, dạy tiếng Anh, làm sạch nước uống, cải thiện điều kiện vệ sinh, nâng cao cơ sở hạ tầng và môi trường bền vững[28]. Năm 2019, Mỹ tiếp tục đưa ra đề nghị một khoản đầu tư 15.000 USD cho các dự án nghiên cứu liên quan đến CLMTV[29]. Ông Pompeo nhấn mạnh rằng Mỹ sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và an ninh của các nước Mekong, đầu tư 14 triệu USD cho truy bắt tội phạm xuyên quốc gia, duy trì ổn định xuyên biên giới, chia sẻ thông tin thủy văn[30].

Cạnh tranh ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ ở Tiểu vùng sông Mekong trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI

Nguồn: B. Eyler (et all) (2020), The Mekong matters for America, America matters for the Mekong, East-West center, Stimson, p. 18.

 

Tổng cộng hơn 10 năm khởi động Chương trình hành động hạ lưu sông Mekong, Mỹ đã đầu tư trực tiếp 120 triệu USD cho khu vực. Từ 2009 đến 2020, Mỹ đã cung cấp gần 3,5 tỉ USD cho việc hỗ trợ CLMTV[31]. Trong đó, 1,2 tỉ cho các chương trình sức khỏe, 734 tiệu cho phát triển kinh tế, 616 triệu cho duy trì hòa bình và an ninh khu vực, 527 triệu cho vấn đề nhân quyền, 175 triệu cho giáo dục và xã hội, và 165 triệu cho hỗ trợ thiên tai[32]. Giai đoạn 2012-2015, sáng kiến APSEI cung cấp 50 triệu USD để hỗ trợ LMI[33]; và Kết nối Mekong trị giá 50 triệu USD[34]. Giai đoạn 2014-2019 Mỹ đưa ra dự án Kết nối Mekong thông qua giáo dục và đào tạo COMET trị giá 12,3 triệu USD. Giai đoạn 2016-2021 là Dự án chống nạn buôn người qua đường biển CTIP trị giá 35 triệu USD; và Dự án hỗ trợ quyền lực sạch ở châu Á trị giá 16,3 triệu USD. Từ năm 2018, Mỹ triển khai một loạt dự án, sáng kiến cho cả CLMTV và châu Á với tham vọng tạo lập ảnh hưởng rõ ràng hơn trong khu vực. Từ năm 2019, Mỹ hợp tác với Nhật Bản và Mekong để xây dựng đối tác quyền lực và đầu tư 29,5 triệu USD[35].

Về trao đổi giáo dục, văn hóa, trong năm học 2018-2019 có đến hơn 33.000 sinh viên từ CLMTV đi du học tại Mỹ, trong đó có 24.000 người đến từ Việt Nam[36]. Ngược lại, số sinh viên Mỹ theo học tại CLMTV cũng tăng tới 70% trong giai đoạn 2007-2018, và đạt 4.164 sinh viên năm học 2017-2018. Trong đó, 55% số sinh viên đến Thái Lan và Việt Nam[37]. Thương mại hai chiều năm 2018 đạt 109 tỉ USD,[38] và năm 2019 đạt gần 117 tỉ USD.[39] Xuất khẩu của CLMTV đến Mỹ có những tăng trưởng nhất định, trong đó Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia có tăng trưởng và tỉ lệ xuất khẩu đến Mỹ lớn nhất. Xuất khẩu của Việt Nam đến Mỹ tăng gần 3 lần, từ 20 tỉ USD (năm 2011) lên 50,5 tỉ (2018), của Thái Lan tăng từ 27 tỉ lên 36,2 tỉ USD. Việt Nam trở thành bạn hàng lớn thứ 17 của Mỹ và Thái Lan đứng thứ 20[40]. Khoảng 1.000 công ty tư nhân của Mỹ hoạt động tại CLMTV, trong đó 501 ở Thái Lan, 309 ở Việt Nam, 36 ở Campuchia, 19 ở Myanmar và 11 ở Lào[41].

Ngày 11/9/2020, Mỹ đã nâng cấp LMI lên thành Sáng kiến Đối tác Mekong – Hoa Kỳ, với mục tiêu nâng cấp tính kết nối, hoàn thiện chính phủ và phát triển cơ bản trong khu vực, thể hiện lập trường cứng rắn trước sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Mỹ và CLMTV tiếp tục và mở rộng hợp tác trong kinh tế, an ninh năng lượng, phát triển chất lượng cuộc sống, quản lý nguồn nước và tài nguyên xuyên biên giới và những vấn đề an ninh phi truyền thống. Mỹ tuyên bố đảm bảo ít nhất 153 triệu USD cho CLMTV trong các dự án hợp tác trực tiếp[42]. Kế hoạch hợp tác dài hạn được thông qua, trong đó Mỹ dự định cung cấp 52 triệu USD cho các vấn đề sức khỏe, cứu trợ nhân đạo, phát triển kinh tế để đối phó với đại dịch Covid-19 tại khu vực. Ngoài ra, Mỹ còn hỗ trợ một loạt các diễn đàn tư vấn về chính sách để giúp các quốc gia đánh giá cơ hội, thách thức trong khu vực, hỗ trợ các nhà làm chính sách, các cộng đồng địa phương trong việc phát triển bền vững[43].

Quan hệ Mỹ - CLMTV đang góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định thịnh vượng và an ninh trong khu vực, tạo ra những động lực quan trọng để các nước trong khu vực phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, dù được tạo điều kiện để xây dựng sân chơi chung, các quốc gia tiểu vùng sông Mekong trong thời gian tới sẽ gặp phải nhiều hơn nữa các thách thức truyền thống và phi truyền thống như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh nguồn nước. Chính điều đó càng thúc đẩy CLMTV tìm đến Mỹ và các cường quốc khác để có thể hợp tác, giải quyết những vấn đề trên.

3. Xu hướng cạnh tranh nước lớn và thách thức đối với khu vực CLMTV

Cả Trung Quốc và Mỹ đều có những mục tiêu khác nhau ở CLMTV. Về kinh tế, Trung Quốc tìm kiếm lợi ích riêng như nhân lực, thị trường, hợp tác. Về chính trị, Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng và khẳng định vị thế trong khu vực, còn Mỹ muốn kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc[44]. Do đó, CLMTV cần tỉnh táo trong các mối quan hệ để có thể cân bằng, tránh xảy ra xung đột trong guồng quay các cuộc cạnh tranh của cường quốc lớn. Nhà nghiên cứu Thái Văn Long cho rằng Mỹ sẽ chỉnh sửa tính không liên tục trong quan hệ Mỹ - CLMTV để hình thành diễn đàn chung, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào trong kinh tế, xã hội, và từ đó xây dựng vị thế của Mỹ. Chiến lược của Trung Quốc là chủ động thâm nhập, xây dựng luật chơi mới có lợi cho quốc gia này, và thậm chí là tìm cách chi phối CLMTV[45]. Từ đó tác giả dự đoán ba kịch bản cạnh tranh tại CLMTV là: (1) cạnh tranh căng thẳng, dẫn đến xung đột và tác động tiêu cực cho các quốc gia trong khu vực; (2) tính hợp tác trỗi dậy và đóng góp vai trò tích cực đối với sự phát triển của CLMTV; (3) có sự đan xen giữa cả yếu tố tích cực và tiêu cực trong mối quan hệ giữa các nước lớn.

Có thể thấy, bên cạnh những cơ hội về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ; CLMTV sẽ gặp phải nhiều thách thức trong việc định hình, xây dựng một chiến lược phù hợp để phát triển đất nước. Đáng lưu ý là thách thức từ việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện làm ảnh hưởng đến nguồn nước. Ngày càng có nhiều rủi ro trong việc duy trì quan hệ song phương, đa phương với các cường quốc trong thế cạnh tranh. Việc hợp tác với bất cứ cường quốc nào cũng cần thận trọng bởi vì điều đó rất dễ gây ra mâu thuẫn, xung đột với các nước còn lại, thậm chí là với các nước trong khu vực và ASEAN. Trường hợp của Campuchia trong mối quan hệ với Trung Quốc là một ví dụ điển hình khi Campuchia đã có nhiều hành động ủng hộ Trung Quốc, gây ra mâu thuẫn, bất đồng trong ASEAN, và cũng khiến Mỹ phải cân nhắc việc tái lập ảnh hưởng ở quốc gia này[46]. Các nước vừa phải hợp tác cân bằng với cường quốc, vừa tính toán cách thức hợp tác để không ảnh hưởng đến tương lai. Ba vấn đề của CLMTV trước bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung là: (1) sự khác biệt lợi ích của CLMTV trong hợp tác đa phương; (2) cơ hội và thách thức riêng của các nước trong xử lý quan hệ với đối tác; (3) khó khăn và phức tạp trong hợp tác an ninh nguồn nước[47]. Sự gia tăng ảnh hưởng của cả Trung Quốc và Mỹ trong khu vực vẫn chưa đến mức khiến các quốc gia trong khu vực phải “chọn bên” nhưng đã đặt ta những thách thức trong ứng xử đối ngoại, đòi hỏi các quốc gia phải đoàn kết, thống nhất vì mục tiêu chung phát triển kinh tế, xã hội[48]. “Duy trì sự cân bằng tốt đẹp giữa các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, là một thách thức. Các nước trong khu vực cần đoàn kết, thống nhất và gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng tăng cường hợp tác với các cường quốc bên ngoài không thể bị đánh đồng với việc chọn bên”[49].

Việt Nam là một trong những nước nhận được nhiều lợi ích từ hợp tác với nước lớn trong CLMTV. Tuy nhiên, việc cân nhắc lựa chọn chính sách phù hợp trong quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung luôn là một bài toán cẩn trọng, phức tạp. Trung Quốc là cường quốc láng giềng, có mối quan hệ truyền thống, và là đối tác chiến lược của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần đến Mỹ để phát triển kinh tế, xã hội và phần nào hạn chế việc phụ thuộc vào Trung Quốc. Việc cân bằng mối quan hệ này, và xây dựng quan hệ với các cường quốc khác là cách thức để Việt Nam tận dụng tối đa sự đầu tư, khoa học kỹ thuật của các nước để phục vụ mục tiêu quốc gia là công nghiệp hóa, hiện đại hóa[50]. Đặc biệt, trong quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam cần “vạch rõ phương châm, định hướng trong quan hệ đối ngoại, tránh những tác động tiêu cực có thể gặp. Việt Nam nên ứng biến sao cho cân bằng quan hệ các nước lớn, vừa tranh thủ được nguồn lực để phát triển đất nước lại vừa củng cố mối quan hệ bền vững tốt đẹp với Trung Quốc”[51].

4. Kết luận

Khu vực tiểu vùng sông Mekong hiện đang là một trong những khu vực nhận được sự quan tâm cạnh tranh của nhiều cường quốc, trong đó đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh tranh giành địa vị lớn hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỗi quốc gia thực hiện một chiến lược khác nhau trong quá trình cạnh tranh ảnh hưởng ở CLMTV và có những lợi thế cũng như khó khăn nhất định trong việc cạnh tranh và giành quyền ảnh hưởng trong khu vực. Trung Quốc đang khẳng định rõ tham vọng và tầm ảnh hưởng trong khu vực bằng cả sức mạnh kinh tế và chính trị trong khi cách thức của Mỹ hướng đến những giá trị khá khác biệt so với Trung Quốc và tạo ra những cạnh tranh ngày càng căng thẳng giữa hai cường quốc. Sự cạnh tranh này đem đến cả những điều kiện phát triển cho cả khu vực, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, lựa chọn; nhất là trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và các yếu tố phi truyền thống ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sân chơi quốc tế. Hai thập niên đầu thế kỷ XXI đã chứng kiến sự chuyển mình rất lớn trong cạnh tranh giữa hai cường quốc ở CLMTV và hứa hẹn trong thời gian tới, hoạt động cạnh tranh ảnh hưởng sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn và đa chiều hơn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Hải Bình (2020), Tập hợp lực lượng trong thế kỷ XXI: Xu hướng, tác động và đối sách của Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội

2. V. Brilingaite (2017), China’s transboundary river governance: the case of the Lancang-Mekong River, Master’s Programme in Asian Studies, Lund University.

3. M. Borthwick & T. Yamamoto (eds.) (2011), A Pacific Nation: Perspectives on the US role in an East Asia Community, Tokyo.

4. B. Eyler (et all) (2020), The Mekong matters for America, America matters for the Mekong, East-West center, Stimson.

5. D. Grossman (2020), Regional Responses to US – China competition in the Indo – Pacific: Vietnam, RAND Corporation.

6. Y. Hidetaka, “The United States, China, and Geopolitics in the Mekong region”, Asian Affairs: An American Review, 42/20157.

7. Lê Trung Kiên, “Sự gia tăng ảnh hưởng của một số nước lớn tại tiểu vùng Mê Công thông qua các cơ chế hợp tác đa phương và một số đề xuất cho Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, 933/2020.

8. Nguyễn Thị Quế, Nguyễn Thị Phương Anh, “Chính sách của Trung Quốc đối với tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng hiện nay”, Lý luận chính trị, số 10/2018.

9. Bùi Thanh Tuấn, “Quan hệ đối tác Mê Công – Mỹ: nền tảng và hướng phát triển đối với tiểu vùng sông Mê Công”, Tạp chí Cộng sản, 960/2021.

 

 



[1] TS., Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội

[2] T. Menniken, “China’s Performance in International Resource Politics: Lessons from the Mekong”, Contemporary Southeast Asia, 29/2007, pp. 97-120, p. 105.

[3] Nguyễn Thị Quế, Nguyễn Thị Phương Anh, “Chính sách của Trung Quốc đối với tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng hiện nay”, Lý luận chính trị, số 10/2018, tr. 97-103, tr. 98-100.

[4] Y. Hidetaka, “The United States, China, and Geopolitics in the Mekong region”, Asian Affairs: An American Review, 42/2015, pp. 173-194, p. 176.

[5] Trương Minh Vũ, “Between system maker and privileges taker: the role of China in the greater Mekong sub-region”, Revista Brasileira de Politica Internacional, 57/2014, p. 163; T.S. Lim, “China’s active role in the Greater Mekong Sub-region: a win-win outcome?”, EAI Background Brief No. 397, 2008, p. 41.

[6] D. Hew, “Study to realign the AMDBC with the ASEAN economic community”, Final Report, 2/2009, p. 12.

[7] A. Suehiro, “Reosidering the Greater Mekong Subregion from the viewpoint of China”, Gendai Chugoku Kenkyu Kyoten Kenkyu Siriizu, 3/2009, p. 36.

[8] J. Menon & A.C. Melendez, “Trade and Investment in the greater Mekong Subregion: Remaining challenges and the Unfinished Policy Agenda”, ADB working paper series on regional economic integration, No. 78, 2011, p. 22.

[9] P. Srivastava, U. Kumar (ed.) (2012), Trade and trade facilitation in the Greater Mekong Subregion, Australian AID, p. 20.

[10] ASEAN, ASEAN Statistical Yearbook 2014, pp. 69, 74.

[11] L. Guangsheng, “China seeks to improve Mekong sub-regional cooperation: causes and policies”, Policy report, RSIS, 2016, pp. 4-6.

[12] V. Brilingaite (2017), China’s transboundary river governance: the case of the Lancang-Mekong River, Master’s Programme in Asian Studies, Lund University, pp. 15-16.

[13] Phạm Phan Long, “Phân tích chiến lược Trung Quốc về Hợp tác Langcang Mekong: Thực thi phát triển bền vững hay chiếm lĩnh ảnh hưởng”, http://www.vncold.vn/ Modules/CMS/Upload/10/PhatTrienNuoc/180502/PTChienLuocTQ.pdf, truy cập ngày 25/8/2021.

[14] L. Guangsheng, China seeks to improve Mekong sub-regional cooperation: causes and policies”, Policy report, RSIS, 2016, pp. 4-5.

[15] S. Zhou, “A strategic vision of the Lancang-Mekong Cooperation Mechanism”, Crossroad: South East Asia, 1/2018.

[16] A. Bruce-Lockhart, “China’s $900 billion New Silk Road. What you need to know”, World Economic Forum, 26/6/2017.

[17] C. Middleton & J. Allouche, “Watershed or Powershed? Critical Hydro-politics, China and the ‘Langcang-Mekong Cooperation Framework”, The International Spectator, 51/2016, pp. 100-117, p. 107.

[18] T. Onishi & M. Kishimoto, “Rice prices hit 6-year high as Thailand and Vietnam face drought”, https://asia. nikkei.com/Business/Markets/Commodities/Rice-prices-hit-6-year-high-as-Thailand-and-Vietnam-face-drought, truy cập ngày 25/7/2021.

[20] Mekong River Commission, The Council Study, p. 7.

[21] Đỗ Đặng Nhật Huy (dịch), “Cạnh tranh Mỹ - Trung tại khu vực Mekong”, http://nghiencuuquocte.org/2020/ 12/09/canh-tranh-my-trung-tai-khu-vuc-mekong/, truy cập ngày 22/7/2021.

[22] Y. Wanli, “America’s return to Asia: both a challenge and an opportunity for China”, in M. Borthwick & T. Yamamoto (eds.) (2011), A Pacific Nation: Perspectives on the US role in an East Asia Community, Tokyo, p. 157.

[23] Statement on the fifth Lower Mekong Initiative Ministerial Meeting.

[24] Xem thêm E. Frater, “Vai trò của Hoa Kỳ trong vấn đề bảo vệ môi trường tại tiểu vùng sông Mekong”, Châu Mỹ ngày nay, 7/2012, tr. 81-96.

[25] ASEAN, ASEAN Statistical Yearbook 2014, pp. 69, 74.

[26] ASEAN, ASEAN Statistical Yearbook 2014, p. 123.

[27] Mekong-US Partnership, “11th LMI Ministerial Joint Statement”, https://mekonguspartnership.org/2018/08/ 04/11th-lmi-ministerial-joint-statement/, truy cập ngày 25/8/2021.

[28] US Embassy & Cosulate in Thailand, “Strengthening the US-Mekong Partnership”, Strengthening the U.S.-Mekong Partnership - U.S. Embassy & Consulate in Thailand (usembassy.gov), truy cập ngày 30/6/2021.

[29] Mekong-US Partnership, “LMI Annual Scientific Symposium”, https://mekonguspartnership.org/2019/12/ 23/lmi-annual-scientific-symposium/, truy cập ngày 27/6/2021.

[30] US Mission to ASEAN, “Opening Remarks at the Lower Mekong Initiative Ministerial”, https://asean. usmission.gov/opening-remarks-at-the-lower-mekong-initiative-ministerial/, truy cập ngày 25/6/2021.

[31] US Mission to ASEAN, “Strengthening the US – Mekong Partnership”, https://asean.usmission.gov/ strengthening-the-u-s-mekong-partnership/, truy cập ngày 24/7/2021.

[32] US Mission to ASEAN, “Launch of the Mekong – US Partnership: Expanding US engagement with the Mekong Region”, https://asean.usmission.gov/launch-of-the-mekong-u-s-partnership-expanding-u-s-engagement-with-the-mekong-region/, truy cập ngày 19/7/2021.

[33] US Department of State, Diplomacy in Action, “Asia-Pacific Strategic Engagement Initiative”, https://2009-2017.state.gov/r/pa/prs/ps/2012/07/194960.htm, truy cập ngày 25/7/2021.

[34] US Department of State, Diplomacy in Action, “Lower Mekong Initiative Launches ‘Connect Mekong’”, https://2009-2017.state.gov/r/pa/prs/ps/2012/11/200891. htm, truy cập ngày 25/6/2021.

[35] US Embassy in Bruma, “Joint Statement on the Japan-United States Mekong Power Partnership (JUMPP)”, https://mm.usembassy.gov/joint-statement-on-the-japan-united-states-mekong-power-partnership-jumpp/, truy cập ngày 25/6/2021.

[36] S. Limaye, “The US and the Mekong Region: Cooperation for Sustainable and Inclusive economic growth”, https://www.eastwestcenter.org/news-center/ east-west-wire/the-us-and-the-mekong-region-cooperation -sustainable-and-inclusive, truy cập: 26/6/2021.

[37] B. Eyler (2020), The Mekong matters for America, America matters for the Mekong, East-West center, Stimson, p. 19.

[38] Chu Minh Thảo, “Role of the US Lower Mekong Initiative in the Mekong region”, Perth US Asia Centre, Indo-Pacific Analysis Briefs, 10/2020, p. 4.

[39] Bùi Thanh Tuấn, “Quan hệ đối tác Mê Công – Mỹ: nền tảng và hướng phát triển đối với tiểu vùng sông Mê Công”, Tạp chí Cộng sản, 960/2021, tr. 100-101.

[40] Eyler, The Mekong matters for America, p. 7.

[41] Ibid, p. 11.

[42] S. Strangjo, “How meaningful is the new US-Mekong Partnership?”, https://thediplomat.com/2020/09/how-meaningful-is-the-new-us-mekong-partnership/, truy cập ngày 27/6/2021.

[43] US Mission to ASEAN, “Launch of the Mekong-US Partnership: Expanding US Engagement with the Mekong Region”, https://asean.usmission.gov/launch-of-the-mekong-u-s-partnership-expanding-u-s-engagement-with-the-mekong-region/, truy cập ngày 25/6/2021.

[44] Nguyễn Chung Thủy, “Tham vọng kinh tế và những toan tính về chiến lược của các nước lớn ở tiểu vùng Mekong những năm đầu thế kỷ XXI”, Tạp chí khoa học, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, 15/2018, tr. 134-146, tr. 145.

[45] Thái Văn Long, “Dự báo xu hướng cạnh tranh nước lớn tại tiểu vùng sông Mekong”, Lý luận chính trị, 3/2018, tr. 110-111.

[46] T. Leng, “Mekong Countries in the context of the connectivity competition”, Research Division Asia, session 6/2019, pp. 2-4.

[47] Lê Trung Kiên, “Sự gia tăng ảnh hưởng của một số nước lớn tại tiểu vùng Mê Công thông qua các cơ chế hợp tác đa phương và một số đề xuất cho Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, 933/2020, tr. 99-105, tr. 103.

[48] Lê Hải Bình (2020), Tập hợp lực lượng trong thế kỷ XXI: Xu hướng, tác động và đối sách của Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

[49] Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, “Hội thảo khoa học ‘Cạnh tranh giữa các cường quốc tại khu vực tiểu vùng sông Mê Công mở rộng’”, https://www.vass.gov.vn/noidung/hoinghihoithao/Pages/tin-tuc-hoi-nghi-hoi-thao.aspx?ItemID=1260, truy cập ngày 28/6/2021.

[50] D. Grossman (2020), Regional Responses to US – China competition in the Indo – Pacific: Vietnam, RAND Corporation, pp. 24-65.

[51] Nguyễn Thị Quế, Nguyễn Thị Phương Anh, “Chính sách của Trung Quốc đối với tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng hiện nay”, Lý luận chính trị, số 10/2018, tr. 97-103, tr. 103.

 

0thảo luận