Trang chủ

Hợp tác văn hóa của Hàn Quốc với ASEAN trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI

Đăng ngày: 24-07-2023, 14:40 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 4

Phan Thị Anh Thư1

Tóm tắt: Bài viết tập trung luận giải về tiến trình và kết quả hợp tác văn hóa của Hàn Quốc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Nội dung của bài viết đề cập đến cơ sở thúc đẩy nỗ lực hợp tác của Hàn Quốc với ASEAN, chiến lược và định hướng chính sách giao lưu văn hóa của Hàn Quốc với ASEAN trong thời kỳ cầm quyền của các tổng thống Roh Moo-huyn, Lee Myung-bak, Park Geun-hee và Moon Jae-in. Trên cơ sở đó, bài viết đánh giá những thành công, hạn chế của tiến trình này và gợi mở những hàm ý thực tiễn cho Hàn Quốc trong bối cảnh triển khai “Chính sách hướng Nam mới” ở Đông Nam Á.

Từ khóa: Hàn Quốc, ASEAN, hợp tác văn hóa

1. Cơ sở thúc đẩy và định hướng Hàn Quốc hợp tác văn hóa với ASEAN[1]

Vào thế kỷ XXI, quá trình hợp tác trong nội bộ Đông Á ngày càng diễn ra sôi động, bên cạnh cơ chế ASEAN+3 (ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) còn xuất hiện các khuôn khổ liên kết nhỏ hơn giữa ASEAN với từng chủ thể ở khu vực Đông Bắc Á. Trong số các bộ đôi đối tác này, ASEAN - Hàn Quốc đang nổi lên như một “hiện tượng” ngoại giao mới của Đông Á đương đại. Dù chưa thể so sánh với lịch sử bang giao của  Trung Quốc và Nhật Bản với ASEAN nhưng Hàn Quốc hiện nay vẫn là “cường quốc tầm trung” đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong nỗ lực tiếp cận và mở rộng hợp tác với các nước đang phát triển ở Đông Nam Á. Xét về điều kiện khách quan, Hàn Quốc và ASEAN gần gũi về vị trí địa lý, cùng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, đều là những thực thể đặc biệt ra đời ngay trong bối cảnh đối đầu Đông – Tây của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sớm chịu ảnh hưởng của Mỹ và phải gánh lấy nhiều hệ lụy từ cuộc chiến quyền lực giữa các cường quốc vào thế kỷ XX. Về chủ quan, trong tương quan so sánh với các nước láng giềng ở Đông Bắc Á, Hàn Quốc hội tụ được nhiều điểm mạnh để thu hút sự quan tâm của ASEAN: (1) nền kinh tế phát triển, nền dân chủ hóa cao, trình độ kỹ thuật tiên tiến và khả năng truyền thông văn hóa mạnh; (2) vị thế quốc gia tầm trung của Hàn Quốc không tiềm ẩn có nguy cơ về an ninh đối với khu vực Đông Nam Á như các nước lớn; (3) Hàn Quốc ít liên đới đến những bất đồng lịch sử hoặc tranh chấp chủ quyền, không làm tổn hại đến lòng tin của các nước trong Hiệp hội. Đây là tiền đề khách quan thuận lợi để Hàn Quốc tăng cường xuất khẩu các sản phẩm văn hóa, nhất là âm nhạc, điện ảnh và các chương trình truyền hình sang ASEAN.

Khác với các nước Mỹ, Đức, Nhật Bản và Nga, hiện nay Hàn Quốc vẫn đang là cường quốc tầm trung với nhiều điểm yếu về an ninh, quân sự. Vì vậy, trong chính sách đối ngoại của mình, nước này luôn quan tâm mở rộng phạm vi ảnh hưởng của “quyền lực mềm” để phù hợp với thực lực của đất nước và xu thế toàn cầu hóa văn hóa của thời đại. Nội dung quyền lực mềm mà Hàn Quốc hướng tới chủ yếu tập trung vào ba lĩnh vực: chính sách quốc gia, hệ giá trị quốc gia và văn hóa quốc gia. Thực hiện các nội dung này, Chính phủ Hàn Quốc nhắm đến mục tiêu đưa hình ảnh văn hóa, đất nước con người Hàn Quốc vươn ra thế giới mà trước hết là phủ sóng toàn bộ Đông Á. Từ cuối thế kỷ XX, bản sắc quốc gia và những hệ giá trị tốt đẹp của Hàn Quốc đã nhanh chóng lan tỏa ở khu vực và toàn cầu, làn sóng văn hóa Hàn Quốc hay còn gọi là “Hallyu” ngày càng thu hút sự chú ý, quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có nhân dân các nước Đông Nam Á. Bước sang thế kỷ XXI, Hàn Quốc tiếp tục đưa ảnh hưởng của làn sóng Hallyu đến với ASEAN – một thị trường đầy tiềm năng cho ngành công nghiệp văn hóa. Chính điều này đã góp phần thúc đẩy sự ra đời chính sách “phương Nam mới” vào nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in. Bên cạnh nội dung hợp tác về kinh tế, chính trị - an ninh, xã hội thì chiến lược “khuếch tán” văn hóa đã được Hàn Quốc đề cập đến với mục đích tăng cường giao lưu với các quốc gia ở phương Nam nhằm tăng cường hiểu biết; thúc đẩy phát triển các dự án ODA về văn hóa và ngôn ngữ trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á đang được phổ biến rộng rãi ở Hàn Quốc.

Trên cơ sở xác định “thế kỷ XXI đan xen giữa cạnh tranh với hợp tác và ngoại giao thời đại toàn cầu hóa bên cạnh kinh tế còn tập trung vào văn hóa nên Hàn Quốc định hướng tiếp tục trao đổi đối với lĩnh vực hợp tác này để tiến vào thời đại cạnh tranh không giới hạn”[2]. Cùng với nhận thức ASEAN là đối tác quan trọng, thành viên nòng cốt trong xây dựng cộng đồng Đông Á thịnh vượng”[3], Hàn Quốc đã sớm hướng nền ngoại giao của mình về phía Đông Nam Á và không ngừng mở rộng phạm vi hợp tác văn hóa nhằm tạo ra sự gần gũi giữa các quốc gia của khu vực. Cũng trong quá trình này, đặc điểm dân số trẻ cùng với sự cởi mở, khoan dung, dễ hấp thụ các nền văn hóa khác nhau của ASEAN cũng là một trong những yếu tố quan trọng phù hợp với chiến lược “ngoại giao văn hóa”, “ngoại giao nhân dân” của Hàn Quốc. Đây là tiền đề thuận lợi cho định hướng xuất khẩu âm nhạc và nội dung phát sóng các chương trình truyền hình của Hàn Quốc sang ASEAN, qua đó, thúc đẩy hợp tác song phương sâu rộng về lĩnh vực văn hóa.

2. Hợp tác văn hóa giữa Hàn Quốc với ASEAN qua các thời kỳ

2.1. Thời kỳ Tổng thống Roh Moo-hyun (2004-2008)

Trong số các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Tổng thống Roh Moo-hyun luôn chú trọng tạo ra một nền văn hóa mới trên cơ sở giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau, qua đó, bảo tồn và cải thiện sự đa dạng về bản sắc ở Đông Á. Chính quan điểm này đã định hướng cho các nội dung hợp tác trên lĩnh vực văn hóa trong “Tuyên bố chung về quan hệ đối tác hợp tác toàn diện với ASEAN trong thế kỷ XXI” (2004), theo đó, Hàn Quốc cam kết thực hiện ba nhiệm vụ trọng tâm: (1) thúc đẩy hợp tác giáo dục và văn hóa thông qua các hoạt động trao học bổng, nghiên cứu khoa học, biểu diễn nghệ thuật, thi hùng biện bằng ngôn ngữ của các nước ASEAN và Hàn Quốc; (2) thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa giới học giả, thanh niên, nghệ sĩ, chính khách và các chuyên gia văn hóa nhằm tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị song phương; (3) mở rộng trao đổi thông tin đại chúng thông qua truyền hình, phim ảnh, xuất bản và thể thao[4]. Có thể thấy, ngay từ đầu thế kỷ XXI, các hoạt động giao lưu của Hàn Quốc với ASEAN có xu hướng tập trung vào ba nhóm lĩnh vực mà quốc gia này có lợi thế bao gồm: giáo dục, khoa học và văn hóa - nghệ thuật. Lựa chọn nói trên phục vụ đắc lực cho chiến lược quảng bá “quyền lực mềm” của Hàn Quốc sang Đông Nam Á từ sau sự ngưng trệ của các dự án giới thiệu văn hóa Triều Tiên ở châu Âu và Bắc Mỹ trong năm 2003.

Ngay sau khi ASEAN trở thành đối tác hợp tác toàn diện (2004), Hàn Quốc ngày càng tiên phong, chủ động và sáng tạo hơn trong việc đề xuất các sáng kiến nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa song phương và nâng cao sức cạnh tranh của Hàn Quốc trước các nước láng giềng Đông Bắc Á trong cuộc đua mở rộng phạm vi ảnh hưởng sang ASEAN. Theo đó, vào năm 2005, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) lần đầu tiên đưa ra ý tưởng “xây dựng đối tác với các nước châu Á”, trong đó ASEAN đóng vai trò nòng cốt. Chương trình này được khởi động với mục tiêu tăng cường hiểu biết về văn hóa, thắt chặt tình hữu nghị giữa các nước và chia sẻ kinh nghiệm về mô hình phát triển thành công của Hàn Quốc. Ngoài ra, dự án về Sáng kiến Đối tác Văn hóa châu Á” cũng được Hàn Quốc công bố thực hiện trong 10 năm nhằm gia tăng tương tác giữa Hàn Quốc với các quốc gia trong cùng châu lục, đặc biệt là các nước đang phát triển ở Đông Nam Á về chính sách văn hóa, xuất khẩu văn hóa, tính sáng tạo trong văn hóa và nghệ thuật đương đại.

Với việc thừa nhận tầm quan trọng của thế hệ trẻ trong thúc đẩy quan hệ đối thoại song phương, Tổng thống Roh Moo-hyun và lãnh đạo ASEAN cùng thống nhất quan điểm sẽ tạo ra thật nhiều cơ hội để hoạt động giao lưu thanh niên diễn ra thường xuyên. Trên tinh thần đó, Chương trình Giao lưu thanh niên Hàn Quốc – ASEAN (2007) với chủ đề “Hợp tác tuổi trẻ ASEAN – Hàn Quốc vì cộng đồng châu Á” đã được phát động và trở thành diễn đàn quốc tế kiểu mẫu để 120 thanh niên tiêu biểu ở Đông Á cùng trao đổi các vấn đề khu vực (hợp tác văn hóa ASEAN - Hàn Quốc) và các vấn đề quốc tế (đặc trưng văn hóa, giao thoa văn hóa trong kỷ nguyên toàn cầu hóa).

2.2. Thời kỳ Tổng thống Lee Myung-bak (2008-2013)

Ngay sau khi sáng kiến “Ngoại giao châu Á mới” ra đời dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak, Hàn Quốc đã chủ động mở rộng các kênh đối ngoại với ASEAN từ hợp tác kinh tế sang giao lưu văn hóa và phát triển xã hội. Đặc điểm này được thể hiện thông qua vai trò ngày càng lớn của Hàn Quốc trong việc tăng cường hiểu biết song phương và xây dựng cộng đồng ASEAN bền vững, thịnh vượng. Thực tế, sau 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại (1989-2009), mức đóng góp của nước này cho Quỹ hợp tác với ASEAN đã lên tới 39 triệu USD[5], trong đó các chương trình giao lưu nhân dân, đào tạo nguồn nhân lực, an sinh xã hội và hỗ trợ khắc phục các vấn đề toàn cầu (nghèo đói, dịch bệnh, thiên tai, ô nhiễm môi trường) luôn được Hàn Quốc đặc biệt coi trọng. Quan trọng hơn, để tạo tiền đề cho việc nâng cấp quan hệ sau hai thập niên thiết lập đối thoại chính thức, Hàn Quốc chủ động đề xuất bốn nhóm giải pháp nhằm đẩy mạnh tiếp xúc văn hóa với ASEAN: (1) tăng cường trao đổi văn hóa thông qua mạng lưới hợp tác văn hóa, ủng hộ tổ chức giao hưởng âm nhạc truyền thống ASEAN - Hàn Quốc; (2) tăng mức đóng góp hằng năm cho Quỹ hợp tác chung với ASEAN từ 3 triệu USD lên thêm 5 triệu USD sau năm 2010; (3) tăng cường hợp tác trong vấn đề lãnh sự; (4) tăng cường trao đổi kinh nghiệm giữa giáo viên và sinh viên các nước ASEAN. Tăng học bổng cho sinh viên ASEAN học cao đẳng và đại học ở Hàn Quốc, khuyến khích nghiên cứu về ASEAN tại Hàn Quốc và nghiên cứu về Hàn Quốc tại ASEAN[6].

Theo đường hướng nói trên, Hàn Quốc đã tích cực triển khai và phối hợp với ASEAN thực hiện nhiều hoạt động cụ thể nhằm hưởng ứng 20 năm quan hệ đối thoại, trong đó tiêu biểu về văn hóa là sự kiện khai trương Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc tại Seoul (tháng 3/2009) và buổi biểu diễn âm nhạc giao hưởng chung lần đầu tiên trong lịch sử ở đảo Jeju (tháng 5/2009) theo ý tưởng của hai tổng thống Roh Moo-hyun và Lee Myung-bak. Nhờ vào chính sách chiến lược quảng bá văn hóa của hai tổng thống Roh Moo-hyun và Lee Myung-bak, trong năm 2010, số lượng thanh thiếu niên của ASEAN đến Hàn Quốc (ở tất cả các bậc tiểu học, trung học và học viên theo học ngôn ngữ) đã lên tới 11.417 người, trong đó ba nước chiếm ưu thế nhất lần lượt là: Brunei (5.748 người), Việt Nam (3.005 người) và Malaysia (609 người)[7]. Kết quả nói trên đã cho thấy hiệu quả của những sáng kiến và giải pháp cụ thể do Hàn Quốc đề xuất nhằm thu hút sự quan tâm của giới trẻ Đông Nam Á đối với “Hallyu”, trong đó chương trình “Diễn đàn thanh niên tiên phong ASEAN - Hàn Quốc” (AKFF) và “Liên hoan thanh niên ASEAN – Hàn Quốc” do Seoul phát động được coi như những nhịp cầu văn hóa tiêu biểu.

Vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống (2012), các chương trình giao lưu, tiếp xúc với ASEAN được Lee Myung-bak thúc đẩy mạnh mẽ chưa từng thấy, trong đó giáo dục và điện ảnh được xác định là hai lĩnh vực “chủ công”. Chính nhà lãnh đạo này đã đề ra mục tiêu tăng gấp đôi số lượng sinh viên từ các nước ASEAN được mời đến Hàn Quốc thông qua chương trình Học bổng Hàn Quốc toàn cầu”; đồng thời phối hợp với các nước Đông Nam Á thành lập “Cộng đồng phim ảnh Hàn Quốc – ASEAN” để trao đổi và chia sẻ thông tin giữa những người làm điện ảnh ở châu  Á. Ý tưởng “One Asia in Film” (Dự án cộng đồng điện ảnh: “Một châu Á trong điện ảnh”) và “Ươm mầm nhà làm phim ASEAN - Hàn Quốc” cũng bắt đầu được triển khai từ năm 2012 với mục đích phát hiện những tài năng làm phim trẻ; tìm kiếm, đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai của điện ảnh châu Á và đặt nền tảng cho việc thành lập các tổ chức giáo dục điện ảnh trong khu vực ASEAN. Những hoạt động đa dạng nói trên đã cộng hưởng nhịp nhàng với chiến dịch khuếch trương Hallyu, qua đó không ngừng thúc đẩy xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc sang Đông Nam Á.

2.3. Thời kỳ Tổng thống Park Geun-hee (2013-2017)

Theo tuyên bố chung về Tầm nhìn tương lai của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Hàn Quốc” (2014), Tổng thống Park Geun-hye đã kế thừa và phát triển hiệu quả các chương trình hợp tác văn hóa với ASEAN từ thời Lee Myung-bak. Dù có nhiều điểm chung với Lee Myung-bak trong chính sách dành cho ASEAN nhưng chính quyền Park Geun-hye vẫn được đánh giá cao nhờ các chương trình giao lưu văn hóa dành riêng cho thanh thiếu niên và phụ nữ. Sáng kiến ​​về chương trình “Các nhà lãnh đạo thuộc thế hệ tiếp theo của ASEAN – Hàn Quốc” (2014) và cam kết triển khai các hoạt động trao đổi, phát triển nghiên cứu về nữ giới, bình đẳng giới tại Hội nghị cấp cao song phương (2015)[8] được coi là bước phát triển hoàn toàn mới của ngoại giao Hàn Quốc đối với ASEAN trong giai đoạn này.

Từ khi Tổng thống Park Geun-hye gia tăng mức đóng góp cho Quỹ Hợp tác với ASEAN lên 67 triệu USD (2014)[9], Hàn Quốc không chỉ tạo ra thế cân bằng với Quỹ Hội nhập ASEAN – Nhật Bản và Quỹ Hợp tác ASEAN – Trung Quốc mà còn mở rộng giao lưu văn hóa song phương, qua đó thúc đẩy Hallyu phát triển ngày càng rầm rộ ở các nước Đông Nam Á. Sự phổ biến của K-drama (phim chính kịch Hàn Quốc), K-pop (nhạc trẻ Hàn Quốc), K-beauty (làm đẹp theo phong cách Hàn Quốc) và K-food (ẩm thực Hàn Quốc) đã giúp tăng cường hiểu biết và nâng cao nhận thức về văn hóa Hàn Quốc ở Đông Nam Á. Trên cơ sở bước phát triển đột phá về giao lưu văn hóa song phương, Tuyên bố chung về “Tầm nhìn tương lai của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Hàn Quốc” (2014) đã xác định 2017 là năm giao lưu văn hóa chung; đồng thời hai tháng 5 và 6 của năm trở thành “tháng ASEAN” nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội. Sáng kiến này được Trung tâm ASEAN – Hàn Quốc (đặt trụ sở tại Seoul) khởi xướng với mục đích kích cầu du lịch hai chiều, thu hút du học sinh và gia tăng doanh thu xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc sang Đông Nam Á. Theo định hướng này, năm 2017 đã chứng kiến hàng loạt mức tăng kỷ lục trong lịch sử giao lưu văn hóa của Hàn Quốc với ASEAN, cụ thể lượng khách du lịch từ 10 nước trong khối đến Hàn Quốc lần đầu tiên đạt 2,1 triệu người (các nước Đông Nam Á cũng trở thành điểm đến số một của du khách Hàn Quốc với 7,64 triệu người)[10].

2.4. Thời kỳ Tổng thống Moon Jae-in (2017- hiện nay)

Từ những kết quả tốt đẹp nói trên, Hàn Quốc ngày càng đánh giá cao vai trò của ASEAN ở khu vực Đông Á và mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai bên trên lĩnh vực văn hóa với tinh thần xây dựng một cộng đồng gắn kết bền vững, lấy con người làm trung tâm của chính sách “hướng Nam mới”. Quan điểm này của Hàn Quốc hoàn toàn sát với kế hoạch xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội của ASEAN (ASCC) đến năm 2025 tập trung vào “các hoạt động hợp tác hướng đến con người và hướng tới việc thúc đẩy phát triển bền vững để đối mặt với những thách thức mới và đang nổi lên trong ASEAN”[11]. Trên cơ sở thống nhất về mặt nhận thức và hành động trong việc xây dựng, phát triển cộng đồng Đông Á vì con người và cho con người, sau khi nhậm chức, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã công bố một số sáng kiến thúc đẩy hợp tác văn hóa song phương bao gồm việc cải thiện hệ thống thị thực cho công dân các nước ASEAN, tăng gấp đôi số lượng học bổng cho sinh viên Đông Nam Á.

Sau hai sự kiện lớn diễn ra đồng thời vào năm 2017: Tổng thống Moon Jae-in công bố “Chính sách hướng Nam mới” và thành lập Nhà Văn hóa ASEAN tại Busan, Hàn Quốc đã cùng ASEAN xúc tiến các hoạt động giao lưu, tiếp xúc văn hóa nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng một cộng đồng Đông Á lấy con người làm trung tâm. Hàn Quốc cũng đã đơn giản hóa các thủ tục về thị thực và quy định du lịch hàng không để xích lại gần hơn đối tác chiến lược của mình. Đặc biệt, Chính phủ Hàn Quốc còn chủ động đề xuất các chương trình gặp gỡ thường niên như Hội nghị thượng đỉnh thanh niên ASEAN - Hàn Quốc năm 2021 (ASEAN-Korea Youth Summit 2021), Năm giao lưu Hàn Quốc – Mekong 2021 (2021 Mekong - ROK Exchange Year) nhằm giúp thanh niên các nước Đông Nam Á và Hàn Quốc được trải nghiệm kiến thức văn hóa bản địa, từ đó, hình thành mạng lưới hợp tác thanh niên trẻ bền vững. Những kết quả nói trên thực sự có ý nghĩa rất lớn đối với việc củng cố khối sức mạnh của quan hệ song phương và nó cũng cho thấy chiến lược hợp tác - phát triển quan hệ của Hàn Quốc với ASEAN không chỉ đi đúng hướng mà còn được vun đắp trên một nền tảng thật sự vững chắc vì xuất phát từ chính lợi ích của nhân dân Đông Á.

3. Một số nhận xét và hàm ý cho Hàn Quốc

3.1. Những thành công và hạn chế

Nhìn lại chặng đường đã qua có thể thấy nhiệm vụ hợp tác và phát triển quan hệ sâu rộng với ASEAN trên lĩnh vực văn hóa đã liên tục được các thế hệ lãnh đạo Hàn Quốc duy trì và củng cố trong hơn một thập niên với hàng loạt sáng kiến và các chương trình hợp tác từ thời Tổng thống Roh Moo-huyn đến Moon Jae-in; đặc biệt các đề xuất về việc thành lập nhóm hợp tác nghiên cứu giáo dục, điện ảnh, du lịch, đã cho thấy sự quan tâm của Hàn Quốc đối với các nước Đông Nam Á. Quan trọng là, những khía cạnh đa dạng của các chương trình trao đổi văn hóa đã góp phần tạo ra một hiện tượng xã hội mới - “hiện tượng Hàn Quốc” trong lòng các nước Đông Nam Á trên cơ sở định hình một khu vực Đông Á hòa hợp cùng phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nỗ lực khuếch trương văn hóa của Chính phủ Hàn Quốc cũng đã và đang tác động sâu sắc đến người dân Đông Nam Á, thậm chí khiến một bộ phận giới trẻ dần thờ ơ với truyền thống dân tộc. Nguy cơ “xâm lấn văn hóa” là điều rất dễ nhận thấy do các chương trình trao đổi và giao lưu nhân dân giữa hai bên có xu hướng diễn ra “một chiều”, theo đó Hàn Quốc đang vượt lên và chiếm ưu thế trong chiến lược mở rộng quyền lực mềm sang các nước thành viên ASEAN. “Cơn lốc Hallyu” đang vượt ra khỏi phạm vi văn hóa để tiến sâu vào địa hạt kinh tế với nguồn thu khổng lồ hằng năm về kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm mang tính “trào lưu” của Hàn Quốc ở thị trường Đông Nam Á. Do tác động từ phim ảnh, âm nhạc và xu hướng làm đẹp theo phong cách Hàn Quốc nên lợi nhuận xuất khẩu mỹ phẩm sang Thái Lan (2006-2011) đã tăng hơn 1000%, đạt 52,2 triệu USD (2011)[12] trong khi đó ở chiều ngược lại, ảnh hưởng và hiểu biết về văn hóa xứ chùa Vàng vẫn còn hạn hẹp, thậm chí mờ nhạt với đa số người dân Hàn Quốc. Trường hợp tương tự, thanh thiếu niên ở các nước Việt Nam, Singapore, Philippines, Lào, Campuchia đều hưởng ứng hết sức nồng nhiệt với phim truyền hình, ngôn ngữ, âm nhạc, thực phẩm và mỹ phẩm mang thương hiệu Hàn Quốc thế nhưng không nhiều người Hàn Quốc biết đến văn hóa của các nước Đông Nam Á. Việc đề xuất các dự án hợp tác cụ thể nhằm mở rộng hiểu biết chung về văn hóa của nhau cũng chỉ đạt được hiệu quả trong khuôn khổ chính sách “hướng Nam mới” do Tổng thống Moon Jae-in công bố từ năm 2017.

3.2. Hàm ý cho Hàn Quốc

Việc phổ biến và thúc đẩy hiểu biết song phương không chỉ là trách nhiệm từ một phía; do vậy, nếu Hàn Quốc không tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho các quốc gia ASEAN được tăng cường “sức mạnh mềm” của mình thì nền tảng hợp tác chung trên cơ sở tinh thần hiểu biết và đôi bên “cùng thắng” rất dễ bị xói mòn và lung lay. Chính vì hạn chế này nên trào lưu văn hóa Hàn Quốc dù đạt đến đỉnh cao nhưng cũng dễ bị rơi vào thoái trào ở các nước Đông Nam Á. Trong lĩnh vực văn hóa, quan hệ “cộng tác” cần chuyển thành quan hệ “cộng sinh” do tình cảm và hiểu biết của người dân hai bên mới là nền tảng vững chắc để phát triển quan hệ Hàn Quốc – ASEAN trong tương lai. Hiện nay, Hàn Quốc đang tiếp tục thúc đẩy phát triển Hallyu ở Đông Nam Á, vì thế các nước trong khu vực này khá am hiểu về văn hóa xứ Hàn. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, mức độ nhận biết và kiến ​​thức về ASEAN vẫn còn hạn chế đối với đa số người dân Hàn Quốc. Khi âm nhạc và điện ảnh của Hallyu ngày càng phổ biến ở tất cả các nước ASEAN thì văn hóa Đông Nam Á cũng cần được quảng bá sâu rộng hơn đến người dân Hàn Quốc. Hàn Quốc cần chủ động tạo ra dòng chảy “hai chiều” trong giao lưu văn hóa với ASEAN nhằm nâng cao hiểu biết và niềm tự hào về cặp quan hệ đối tác chiến lược. Khi âm nhạc và điện ảnh của Hallyu ngày càng phổ biến ở các nước ASEAN thì văn hóa Đông Nam Á cũng cần được quảng bá sâu rộng hơn đến người dân Hàn Quốc. Hàn Quốc cần góp phần khắc phục tình trạng ảnh hưởng “một chiều” của Hallyu để tạo ra làn sóng “hai chiều” trong trao đổi và giao thoa văn hóa Đông Á. Điều này giúp cho các thành viên ASEAN không cảm thấy bị lấn lướt và đe dọa bởi sự xâm nhập văn hóa nước ngoài.

Để các hoạt động trao đổi văn hóa song phương được cân bằng, Hàn Quốc cần tích cực hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành công nghiệp văn hóa với ASEAN để giới thiệu, lan tỏa và truyền tải thông điệp về niềm tin của hai bên đối với sự phát triển trong tương lai của bộ đôi đối tác chiến lược. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng cần đa dạng hóa các nội dung của “Hallyu” để người dân ASEAN không cảm thấy sự nhàm chán và quen thuộc. Để làm được điều này, ngoài các sản phẩm văn hóa giải trí đơn thuần, Hàn Quốc nên tập trung quảng bá về lịch sử dân tộc Hàn – một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của người dân các nước Đông Nam Á nhất là sau khi Hội nghị thượng đỉnh liên Triều được tổ chức ở Việt Nam (2019).

Hiện nay, dù Hallyu đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng ASEAN nhưng Hàn Quốc vẫn phải cạnh tranh với Trung Quốc và Nhật Bản để tiếp tục nâng tầm ảnh hưởng của quốc gia tại khu vực. Trong bối cảnh như vậy, Hàn Quốc không nên chỉ dựa vào sức mạnh văn hóa mà coi nhẹ hoạt động giao lưu nhân dân hoặc thiếu đầu tư đúng mức cho những chương trình phát triển xã hội ở các nước ASEAN. Chính phủ Hàn Quốc cần có chiến lược cụ thể trong hợp tác song phương ở lĩnh vực then chốt này dựa vào vai trò “đầu tàu” của Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc, Nhà Văn hóa ASEAN ở Busan và vai trò cầu nối của giới trẻ. Theo đó, ý tưởng về việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Sinh viên và Liên hoan Thanh niên giữa hai bên rất cần được Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc duy trì thực hiện nhằm thúc đẩy sự tương tác chặt chẽ hơn nữa của thế hệ trẻ Đông Á vì một tương lai Hàn Quốc cùng Đông Nam Á trở thành trung tâm của thế giới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. ASEAN – Korea Centre (2017), “ASEAN”, http://www.aseankorea.org/eng/ ASEAN/ak_overview.asp.
  2. Association of Southeast Asian Nations (2001), “Speech of H.E. President Kim Dae-jung of the Republic of Korea, ASEAN+1 Summit”, https://asean.org/?static_post=speech-of-he-president-kim-dae-jung-of-the-republic-of-korea-asean1-summit.
  3. Association of Southeast Asian Nations (2004), “Joint Declaration on Comprehensive Cooperation Partnership between the Association of Southeast Asian Nations and the Republic of Korea”, https://asean.org/? static_post=joint-declaration-on-comprehensive-cooperation-partnership-between-the-association-of-southeast-asian-nations-and-the-republic-of-korea.
  4. Association of Southeast Asian Nations (2015), “Chairman’s Statement of the 17th ASEAN – Republic of Korea Summit”, https://asean.org/chairmans-statement-of-the-17th-asean-republic-of-korea-summit/.
  5. Association of Southeast Asian Nations (2016), “ASEAN Socio - Cultural Community Blueprint 2025”, https://asean.org/?static _post=asean-socio-cultural-community-blueprint-2025.
  6. Bong Ryull Yang and Norma Mansor (2016), “South Korea and ASEAN: Strategic Partnership for Building an East Asian Community”, The Dynamics of South Korea’s Relationship with Asia-Pacific, UM Press, University of Malaya, p. 18.
  7. Kim Dae-jung (1998), Inaugural Address by Kim Dae-jung the 15th-term President of the Republic of Korea: “Let Us Open a New Era: Overcoming National Crisis and Taking a New Leap Forward”, Yonhap News Agency.
  8. Ministry of Foreign Affairs – Republic of Korea (2009), “Joint Statement of the ASEAN-Republic of Korea Commemorative Summit”, Jeju Island, Republic of Korea, http://www.mofa.go.kr/eng/brd/m_5467/view.do?seq=341626&srchFr=&srchTo=&srchWord=&srchTp=&multi_itm_seq=0&itm_seq_1=0&itm_seq_2=0&company_cd=&company_nm=.
  9. Yonhap News Agency (2014), “Full Text of Joint Communique of the ASEAN-ROK Commemorative Summit”, Busan, Republic of Korea, https://en.yna.co.kr/view/AEN20141 212007000315.
  10. Young Seaon Park (2014), “Trade in Cultural Goods: A Case of the Korean Wave in Asia”, Journal of East Asia Economic Integration, p. 87.

 



[1] TS. Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

[2] Kim Dae-jung (1998), Inaugural Address by Kim Dae-jung the 15th-term President of the Republic of Korea: “Let Us Open a New Era: Overcoming National Crisis and Taking a New Leap Forward”, Yonhap News Agency.

[3] Association of Southeast Asian Nations (2001), “Speech of H.E. President Kim Dae-jung of the Republic of Korea, ASEAN+1 Summit”, https://asean.org/?static_post= speech-of-he-president-kim-dae-jung-of-the-republic-of-korea-asean1-summit.

[4] Association of Southeast Asian Nations (2004), “Joint Declaration on Comprehensive Cooperation Partnership between the Association of Southeast Asian Nations and the Republic of Korea”, https://asean.org/?static_ post=joint-declaration-on-comprehensive-cooperation-partnership-between-the-association-of-southeast-asian-nations-and-the-republic-of-korea.

[5] Ministry of Foreign Affairs – Republic of Korea (2009), “Joint Statement of the ASEAN-Republic of Korea Commemorative Summit”, Jeju Island, Republic of Korea, http://www.mofa.go.kr/eng/brd/m_5467/view.do?seq=341626&srchFr=&srchTo=&srchWord=&srchTp=&multi_itm_seq=0&itm_seq_1=0&itm_seq_2=0&company_cd=&company_nm=.

[6] Ministry of Foreign Affairs – Republic of Korea (2009), “Joint Statement of the ASEAN-Republic of Korea Commemorative Summit”, Jeju Island, Republic of Korea, http://www.mofa.go.kr/eng/brd/m_5467/view.do?seq=341626&srchFr=&srchTo=&srchWord=&srchTp=&multi_itm_seq=0&itm_seq_1=0&itm_seq_2=0&company_cd=&company_nm=, accessed on 17-10-2021.

[7] Bong Ryull Yang and Norma Mansor (2016), “South Korea and ASEAN: Strategic Partnership for Building an East Asian Community”, The Dynamics of South Korea’s Relationship with Asia-Pacific, UM Press, University of Malaya, p. 18.

[8] Association of Southeast Asian Nations (2015), “Chairman’s Statement of the 17th ASEAN – Republic of Korea Summit”, https://asean.org/chairmans-statement-of-the-17th-asean-republic-of-korea-summit/.

[9] Yonhap News Agency (2014), “Full Text of Joint Communique of the ASEAN-ROK Commemorative Summit”, Busan, Republic of Korea, https://en.yna.co.kr/view/AEN20141212007000315.

[10] ASEAN – Korea Centre (2017), “ASEAN”, http://www.aseankorea.org/eng/ASEAN/ak_overview.asp.

[11] Association of Southeast Asian Nations (2016), “ASEAN Socio - Cultural Community Blueprint 2025”, https://asean.org/?static_post=asean-socio-cultural-community-blueprint-2025.

[12] Young Sean Park (2014), “Trade in Cultural Goods: A Case of the Korean Wave in Asia”, Journal of East Asia Economic Integration, p. 87.

 

0thảo luận