Trang chủ

Tư tưởng và hoạt động cổ súy chiến tranh trong giới Phật giáo Nhật Bản thời kỳ Meiji (1868-1912)

Đăng ngày: 21-07-2023, 14:37 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 4

Phạm Thị Thu Giang1

Tóm tắt: Vào thời kỳ Meiji (1868-1912), cùng với chính sách khai hóa văn minh, thực sản hưng nghiệp, phú quốc..., chính phủ mới đã thực hiện phương châm Vương chính phục cổ, khẳng định tính ưu việt của dân tộc Nhật Bản so với các nước châu Á “lạc hậu” khác. Với tư tưởng đó, chính phủ Meiji đã thúc đẩy chính sách cường binh, từng bước bành trướng ra các khu vực, quốc gia láng giềng bằng các cuộc chiến tranh xâm lược. Mặc dù có những ý kiến phản đối nhưng nhiều tông phái, tăng ni Phật giáo Nhật Bản thời kỳ này đã bày tỏ quan điểm ủng hộ chính phủ trong các cuộc chiến tranh đó mà trước hết là Chiến tranh Nhật - Thanh (1894-1895). Vì vậy, việc khảo cứu về lý do, động cơ khiến giới tăng ni Nhật Bản thời kỳ Meiji đi ngược lại tinh thần từ bi, hỷ xả, cấm sát sinh... của Phật giáo, hợp tác với chính phủ đương thời là vô cùng cần thiết.

Từ khóa: Nhật Bản, Phật giáo, Cận đại hóa, Meiji, Chiến tranh Nhật -Thanh

 

P

hật giáo và chiến tranh là một trong những đề tài được quan tâm trong số những vấn đề của giới Phật giáo Nhật Bản thời kỳ Meiji, đặc biệt là thời kỳ Chiến tranh Nhật - Thanh (1894-1895).[1]Trước bối cảnh của thời đại, một bộ phận trong giới tôn giáo, đặc biệt là giới Phật giáo Nhật Bản đã có động thái ủng hộ chiến tranh với các hình thức chủ yếu như an ủi, động viên binh lính ở tiền tuyến, thăm hỏi thương binh ở bệnh viện dã chiến, truyền giáo trong các doanh trại quân đội, cử các vị tăng ra chiến trường trực tiếp tham gia chiến đấu... Những hoạt động này đã khiến giới Phật giáo bị phê phán nặng nề, đặc biệt là sau khi Nhật Bản bại trận năm 1945.

Mặc dù trong giới Phật giáo Nhật Bản đương thời không phải không có những tiếng nói phản đối chiến tranh nhưng tiếc rằng, làn sóng cổ súy chiến tranh đã ngày càng trở nên lấn át. Vậy vấn đề đặt ra là tại sao giới tăng ni Nhật Bản thời kỳ Meiji lại có thể chuyển hướng nhanh chóng từ chủ trương trì giới, giữ gìn bổn phận của tăng ni sang ủng hộ những chính sách của chính phủ, đặc biệt là chính sách trưng binh, tòng quân, đi ngược với giáo lý, giới luật Phật giáo. Trong bài viết này trên cơ sở tìm hiểu, phân tích động thái ủng hộ chiến tranh trong giới Phật giáo Nhật Bản thời kỳ Chiến tranh Nhật-Thanh một cách đa chiều, chúng tôi sẽ cố gắng phân tích một cách toàn diện và khách quan hơn về phản ứng của giới Phật giáo đối với những chuyển biến của chính trị, xã hội Nhật Bản đương thời, để từ đó làm rõ thực trạng giới Phật giáo Nhật Bản cũng như cách thức “Cận đại hóa” của giới Phật giáo nói riêng và xã hội Nhật Bản nói chung.

1. Sự hình thành, phát triển chủ nghĩa đế quốc ở Nhật Bản thời kỳ Meiji  và chính sách đối với Phật giáo

1.1. Sự hình thành, phát triển chủ nghĩa đế quốc ở Nhật Bản thời kỳ Meiji

Sau những biến động về chính trị cuối thời kỳ Edo (1603-1868), với sự kiện Đại chính phụng hoàn diễn ra vào ngày 14 tháng 10 năm Keiō thứ 3 (1867), thực quyền đã được Tướng quân Tokugawa Yoshinobu trao trả cho Thiên hoàng. Sau đó, ngày 3 tháng 1 năm 1868, Pháp lệnh Vương chính phục cổ đã được chính phủ mới ban hành, trong đó chính thức tuyên bố xóa bỏ chính quyền võ sĩ, lập nên chính quyền quân chủ với vai trò đứng đầu thuộc về Thiên hoàng. Sự kiện này đã chính thức mở ra thời kỳ mới trong lịch sử Nhật Bản, đó là thời kỳ Meiji (1868-1912).

Với chủ trương đó, chính phủ Meiji đã xây dựng hai cơ quan đầu não theo mô hình nhà nước thời Cổ đại là Thái chính quan (Dajōkan), tức cơ quan quản lý nhà nước cao nhất và Thần kỳ quan (Jingikan), tức cơ quan hàng đầu của chính phủ trong việc quản lý các hoạt động tế lễ, truyền giáo và hệ thống các đền thờ Thần đạo. Hơn nữa, chính phủ đã thần cách hóa Thiên hoàng, đưa Thần đạo lên thành Thần đạo quốc gia và thực hiện các nghi lễ quốc gia theo Thần đạo. Chính chủ trương phục cổ, khẳng định tính ưu việt của dân tộc Nhật Bản này là ngòi nổ cho sự bùng phát tư tưởng đế quốc bành trướng, “khai hóa văn minh“ và xây dựng “Đại Đông Á cộng vinh khuyên“ (大東亜共栄圏) sau này.

Để tăng cường sức mạnh của quân đội, về lục quân, chính quyền đã xây dựng theo hình mẫu của Pháp, Đức và về hải quân thì phát triển theo mô hình của Anh. Từ năm Meiji thứ 6 (1873), theo các nước phương Tây, chính phủ Meiji đã ban hành Lệnh trưng binh và tăng cường lực lượng cho quân đội. Hơn nữa, chính phủ còn tăng cường việc mua sắm vũ khí và mời chuyên gia quân sự nước ngoài huấn luyện cho quân đội. Đặc biệt, sau Sự biến Nhâm Ngọ vào năm 1882 ở Triều Tiên với sự kiện Tòa công sứ Nhật Bản bị tấn công, nhiều người Nhật bị sát hại, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định xây dựng "Kế hoạch tăng cường quân sự trong 8 năm" với tổng chi phí 59,52 triệu yên, ước tính khoảng 80% ngân sách của năm đó. Từ năm 1882 trở đi, chi phí cho quân sự của Nhật Bản đều ở mức trên 20% và đến năm 1892, trước khi Chiến tranh Nhật - Thanh xảy ra đã tăng đến 31% tổng ngân sách quốc gia[2].

Cùng với sự tăng cường chi phí cho quân sự nêu trên, Nhật Bản đã ngày càng lấn sâu vào các cuộc chiến xâm lược. Với phương châm chủ chiến, bắt đầu từ năm Meiji thứ 8 (1874), lấy cớ Đài Loan giết hại thủy thủ người Lưu Cầu (tức tỉnh Okinawa hiện nay), chính phủ Meiji đã đưa quân sang tấn công Đài Loan. Sau đó, Nhật Bản đã liên tục gây ảnh hưởng sang Triều Tiên bởi coi đây vừa là thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, vừa là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho Nhật Bản trên con đường cận đại hóa, công nghiệp hóa. Từ năm Meiji thứ 27 (1894) đến năm Meiji thứ 28 (1895), Nhật Bản đã cử quân sang Triều Tiên, gây hấn với nhà Thanh nhằm thiết lập quyền kiểm soát trên bán đảo này. Ngày 17 tháng 4 năm 1895, sau 2 năm giằng co, Điều ước giảng hòa Nhật - Thanh được ký kết, trong đó buộc nhà Thanh phải công nhận độc lập của Triều Tiên, phân nhượng cho Nhật Bản đảo Đài Loan, bán đảo Liêu Đông và bán đảo Bành Hồ, bồi thường cho Nhật Bản 200 triệu lạng bạc, công nhận quyền tối huệ quốc đối với Nhật Bản... Với chiến thắng trong Chiến tranh Nhật - Thanh này, Nhật Bản đã được các nước Âu - Mỹ công nhận là quốc gia cận đại ở châu Á, tạo đà cho sự phát triển quan hệ với các cường quốc phương Tây. Từ đó, tham vọng bành trướng đã đưa Nhật Bản đi hết từ cuộc chiến này đến cuộc chiến khác trong suốt thời Cận đại (1868-1945) và kết thúc bằng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Thiên hoàng Shōwa vào ngày 15 tháng 8 năm 1945.

1.2. Chính sách đối với Phật giáo trong sự phát triển của chủ nghĩa quân phiệt ở Nhật Bản thời Cận đại

Như đã nói ở trên, trong công cuộc Meiji duy tân, một mặt chính phủ thực hiện Khai hóa văn minh, thực sản hưng nghiệp nhưng về mặt tư tưởng chính trị thì lại chủ trương vương chính phục cổ, tôn Thần đạo lên thành quốc giáo và khẳng định Thần đạo là “nền tảng xây dựng đất nước” (Quốc lập chi bản) hay là “nguồn gốc của phong tục” (Phong tục chi nguyên). Ngay từ năm Meiji thứ 4 (1871), chính phủ đã ban hành “Thượng chi lệnh”, trong đó quốc hữu hóa toàn bộ ruộng đất mà đền, chùa sở hữu. Điều đó đã làm mất đi nền tảng kinh tế mạnh mẽ vốn có của giới Phật giáo.

Tuy nhiên, yếu tố làm giới tôn giáo đương thời phải tái cấu trúc lại hoàn toàn là chính sách Thần Phật phân ly mà chính phủ mới ban hành ngày 28 tháng 3 năm Keiō thứ 4 (1868). Thực chất đây là chính sách phân tách giữa Thần đạo và Phật giáo, hai hệ tôn giáo vốn có mối quan hệ khăng khít trước đây để xây dựng Thần đạo quốc gia. Theo đó, các tôn giáo đương thời đã phải tìm cách biến đổi cho phù hợp với bối cảnh mới. Đặc biệt, Phật giáo là tôn giáo đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của chính sách này, bởi chính từ đây đã làm nảy sinh phong trào phá Phật hủy Thích mạnh mẽ ở hầu hết các địa phương trên cả nước Nhật.

Trong các quy định về trưng binh được ban hành vào các năm sau đó, tăng lữ cũng bị quy vào đối tượng trưng binh khi cần thiết. Ngay từ những năm đầu của cuộc Meiji duy tân, chính phủ đã thực hiện chính sách trưng binh theo cách ấn định số lượng nhất định cho mỗi khu vực và coi đây là “nhiệm vụ cấp bách của quốc gia”. Từ những lệnh trưng binh được ban hành vào đầu thời kỳ Meiji, tăng ni hoàn toàn không được coi là đối tượng được miễn binh dịch. Mãi đến Bố cáo của Thái chính quan số 46 ban hành vào tháng 10 năm Meiji thứ 12 (1879) mới đề cập đến tăng ni với tư cách là đối tượng đặc biệt[3]. Trong khoản 6, Điều 28 của Bố cáo với tiêu đề “Những đối tượng được miễn binh dịch” có quy định: “Quan chức trung ương, địa phương và Giáo đạo chức, công chức học việc trở lên”. Nghĩa là, đối tượng được miễn binh dịch không phải tất cả các tăng ni mà chỉ có Giáo đạo chức, tức những tăng ni thực hiện nhiệm vụ giáo hóa theo chủ trương của chính phủ. Tuy nhiên, 4 năm sau đó, tức năm Meiji thứ 16 (1883), trong Bố cáo số 46 của Thái chính quan với nội dung sửa đổi Lệnh trưng binh, chính phủ đã bổ sung cả Giáo đạo chức vào đối tượng dự bị binh dịch và khi chiến tranh xảy ra có thể bị điều động vào quân đội[4]. Từ năm Meiji thứ 17 (1884) Thái chính quan đã ban hành Bố cáo số 19 xóa bỏ chức Giáo đạo chức[5] nhưng trong Lệnh trưng binh sửa đổi lần thứ 3[6] đưa ra vào ngày 22 tháng 1 năm Meiji thứ 22 (1889) lại quy định một cách chung chung như sau: “Tất cả mọi công dân của Đế quốc Nhật Bản tuổi từ 17 đến 40 đều phải có nghĩa vụ binh dịch”. Hơn nữa, trong đối tượng đề cập đến ở “Chương 3: Lùi thời gian và dự bị trưng binh” lại không hề có tăng ni. Điều này có nghĩa là từ nửa cuối thời kỳ Meiji chính phủ đã hoàn toàn không coi tăng ni là một nhóm dân cư đặc biệt như thời kỳ đầu và tiến hành trưng binh như với những người dân bình thường khác. Những chính sách theo chủ trương đó đã tạo đà cho những phong trào như phá Phật hủy Thích... và đặt giới Phật giáo trước nguy cơ suy vong, buộc phải có những cách ứng phó phù hợp để duy trì sự tồn tại.

2. Sự xuất hiện những khuynh hướng tư tưởng ủng hộ chính sách tăng cường chiến tranh của chính phủ trong giới Phật giáo Nhật Bản thời kỳ Meiji

2.1. Sự triển khai tư tưởng “Nhật Bản chủ nghĩa” của Inoue Enryō và một số trí thức Phật giáo đầu thời kỳ Meiji

Khoảng giữa thời kỳ Meiji đã xuất hiện những tiếng nói cổ súy chiến tranh của tăng ni Phật giáo mà trước hết phải kể đến là sự triển khai tư tưởng “Nhật Bản chủ nghĩa” của Inoue Enryō (1858-1919) và một số trí thức Phật giáo đầu thời Cận đại.

Để kêu gọi chính phủ quay lại bảo hộ Phật giáo trong bối cảnh Thần đạo được nâng lên vị trí độc tôn nêu trên, giới tăng ni Phật giáo Nhật Bản đã đưa ra nhiều lý luận chứng minh ý nghĩa tồn tại của Phật giáo đối với quốc gia, dân tộc Nhật Bản. Inoue Enryō - một người được coi là tiêu biểu của giới trí thức Phật giáo đương thời, đã từng học về Triết học tại Đại học Đế quốc Tōkyō, sau đó đứng lên lập Tetsugakukan (Triết học quán), tiền thân của Đại học Tōyō hiện nay, đã viết trong bài “Luận về tôn giáo Nhật Bản” rằng: “Phật giáo là yếu tố căn cốt nhất trong số những yếu tố căn cốt của người Nhật Bản. Vì vậy, việc duy trì và phát triển Phật giáo là việc người Nhật Bản phải làm...”[7]. Từ đó, ông đi đến kết luận cho rằng, để giữ vững độc lập cho Nhật Bản thì cần phải nuôi dưỡng tinh thần “Hộ quốc ái lý”, tức bảo vệ quốc gia, dân tộc và coi trọng đạo lý của nhà Phật.

Chủ trương của Enryō là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Nhật Bản với giáo lý Phật giáo và càng về sau lại càng chú trọng lợi ích quốc gia hơn là lợi ích của giới Phật giáo. Năm 1888, Enryō đã cùng với một số trí thức Phật giáo khác lập nên Seikyōsha (Chính giáo xã), tổ chức thường đưa ra những bình luận về chính trị và lập tạp chí “Người Nhật Bản” (日本人), “Châu Á” (亜細亜), “Nhật Bản và người Nhật Bản” (日本と日本人) với chủ trương “giữ gìn quốc túy” trên cơ sở có những hiểu biết sâu sắc về phương Tây và tiếp thu một cách có chọn lọc. Theo đó, “quốc túy” là yếu tố được hình thành và lưu giữ trong suốt lịch sử của dân tộc Nhật Bản. Tuy nhiên, theo Shiga và những thành viên của Seikyōsha thì không phải vì vậy mà gìn giữ một cách mù quáng. Theo họ, “trong tôn giáo, đạo đức, mỹ thuật, chính trị và hoạt động sản xuất, chúng ta phải giữ gìn quốc túy, nhưng không phải bảo thủ giữ lấy những gì cũ kỹ của Nhật Bản. Còn văn minh phương Tây thì chúng ta cần tiếp thu, tiêu hóa và sau đó mới được du nhập”[8]. Vào thời kỳ đầu, chủ nghĩa quốc túy của các thành viên tổ chức Seikyōsha vẫn còn khá rộng mở. Tuy nhiên, sau nhiều thăng trầm khác nhau, trong Chiến tranh Nhật - Thanh, thành viên sáng lập của Seikyōsha chỉ còn lại Miyake Setsurei (1860-1945), một người vốn là triết gia, và tiếc rằng, tinh thần quốc túy của Seikyōsha đã trở nên hẹp hòi, cực đoan, hướng đến việc ủng hộ chính phủ trong việc tiến hành chiến tranh với các quốc gia bên ngoài.

Năm 1889, Enryō và các nhà hoạt động Phật giáo khác như Ōuchi Seiran... đã lập Tôn Hoàng phụng Phật đại đồng đoàn với mong muốn tập hợp được các tăng ni, Phật tử từ các tông phái khác nhau dưới tư tưởng “Tôn Hoàng phụng Phật”. Theo đó, “Tôn Hoàng phụng Phật đại đồng đoàn thú ý thư“[9], tức văn bản quy định về tôn chỉ hoạt động của tổ chức đã kêu gọi các Phật tử xóa bỏ sự “tiểu dị“ giữa các tông phái, đoàn kết vì “Đại nghĩa tôn vương“, có chỉ rõ: “Đây là tổ chức được kết đoàn với mục đích giữ gì uy quang linh thiêng của Thiên tử và đạo lý chân thực của Phật pháp”. Ngay từ tên gọi của tổ chức đến tôn chỉ hoạt động nêu trên đã có thể thấy khuynh hướng tôn thờ Thiên hoàng với tư cách là con cháu của thần Amaterasu Ōmikami, tức quốc thể linh thiêng và coi đây là một điều trọng yếu cho Phật tử của tất cả các giáo đoàn.

Năm 1890, Thiên hoàng Meiji chính thức xuống Sắc ngữ giáo dục với nội dung khẳng định, lòng trung thành chính là “tinh túy của quốc thể“, “cội nguồn của giáo dục“ và yêu cầu mọi thần dân phải tận trung, tận hiếu với hoàng thất, quốc gia. Sau khi ban bố, chính quyền đã ra lệnh gửi xuống tất cả các trường học trên toàn quốc và quán triệt thực hiện. Hơn nữa, chính phủ còn ra lệnh cho các trường học phải  “bái độc” Sắc ngữ trong các nghi lễ của nhà trường, coi đây là chuẩn mực đạo đức mà thần dân phải tuyệt đối tuân theo... Từ đó, tư tưởng tôn thờ quốc hồn, quốc túy đã ngày càng lan rộng trong giới Phật giáo và đặc biệt được cổ súy trước mỗi cuộc chiến xâm lược mà chính phủ thực hiện. Thậm chí các tông phái Phật giáo đã coi những lời kêu gọi tham gia chiến trận của Thiên hoàng là mệnh lệnh thiêng liêng và những cuộc chiến như là thánh chiến. Từ đó, đại diện các tông phái đã hùng hồn động viên tăng ni, Phật tử ra trận. Chỉ hai tháng sau khi Chiến tranh Nhật - Thanh nổ ra, Meinyo (1850-1903), Tông chủ của chi phái Nishi-Hongan-ji, tông phái Tịnh độ chân tông đã kêu gọi: “Hãy phó thác kiếp sau cho Phật A di đà và hãy dâng hiến sự sống của mình cho vị quân chủ”. Nghĩa là, không chỉ dừng lại ở việc động viên ra chiến trận, Meinyo còn kêu gọi đến cả tinh thần quyết tử của các tăng ni, Phật tử.

2.2. Sự triển khai của tư tưởng Chân tục nhị đế

Như đã nêu trên, đặc trưng của tinh thần quốc túy trong giới Phật giáo là “Tôn Hoàng phụng Phật”, “Hộ quốc ái lý”, tức là sự kết hợp giữa tư tưởng tôn kính Thiên hoàng, coi trọng quốc hồn, quốc túy của dân tộc và giáo lý Phật giáo. Câu hỏi đặt ra là các nhà tư tưởng và hoạt động Phật giáo đương thời đã dựa trên cơ sở nào để triển khai lý luận đó?

Khác với các quốc gia Đông Á khác, ngay từ đầu thế kỷ thứ VIII, khi triều đình Nhật Bản xây dựng quốc gia theo chế độ luật lệnh thì thay bằng Nho giáo, Phật giáo đã được lựa chọn với tư cách là tư tưởng chính trị và trở thành Phật giáo quốc gia ngay từ thời kỳ Nara (710-794). Ngay từ thời kỳ đó, Phật giáo đã được xây dựng trên cơ sở tư tưởng Phật giáo hộ quốc (hay còn gọi là Phật giáo trấn quốc), trong đó chủ trương vương quyền và Phật pháp luôn song hành, tương hỗ như hai bánh của một cỗ xe. Mối quan hệ này đã tồn tại trong tư tưởng Phật giáo Nhật Bản mặc dù từ dùng có thể khác nhau ở mỗi thời kỳ và mỗi tông phái[10].

Trong Tịnh độ chân tông, từ thời kỳ Edo tư tưởng nêu trên được thể hiện khá phổ biến bằng khái niệm “Chân tục nhị đế”, trong đó cho rằng, “Chân đế”, tức là Phật pháp và những yếu tố liên quan đến xuất gia, tu hành và “Tục đế”, tức là những yếu tố thuộc về thế giới trần tục, luôn có quan hệ song hành và tương hỗ. Trên thực tế, có thể nói, Tịnh độ chân tông là tông phái khẳng định yếu tố “tục” mạnh mẽ nhất trong giới Phật giáo Nhật Bản. Shinran (1173-1263), vị khai tổ của Tịnh độ chân tông đã công nhận dục vọng của con người là một thứ “túc nghiệp”, không thể ngăn cấm bằng giới luật nghiêm kỷ. Sau rất nhiều năm tu hành, ông vẫn thấy ngọn lửa dục vọng trong mình và buộc phải công nhận là “phi tăng phi tục”. Từ đó Shinran đã nhấn mạnh tư tưởng “Vô giới”, tức không câu nệ vào giới luật hay tu hành nghiêm kỷ mà chỉ cần niềm tin vào Phật A di đà và niệm Phật là có thể được cứu độ.

Sang thời Cận đại, trong bối cảnh chính phủ không còn bảo trợ giới Phật giáo như trước và phong trào phế Phật hủy Thích lên cao, tư tưởng Chân tục nhị đế lại được các tăng ni Tịnh độ chân tông sử dụng như một thứ chìa khóa hữu hiệu. Năm 1872, nhà sư Meinyo của chi phái Nishi-Hongan-ji, Tịnh độ chân tông đã ra văn bản “Tông nghĩa truyền thừa từ các vị sư tổ - Tôn chỉ Chân tục nhị đế”[11], trong đó nêu rõ “trong hiện thế phải trung thành với Hoàng quốc, báo ân Triều đình. Khi sang thế giới bên kia sẽ được vãng sinh, vượt qua mọi cửa ải”. Nghĩa là, Meinyo đã sử dụng tư tưởng Chân tục nhị đế vốn có của Tịnh độ chân tông để đưa vào mối quan hệ tương hỗ giữa Tịnh độ chân tông (= Chân đế) và Chính phủ đương thời (= Tục đế) nhằm tạo ra tính hợp lý của lý luận này.

Điều đáng nói là không chỉ tăng ni Tịnh độ chân tông mà đại diện của các tông phái khác, thậm chí cả các phái Thiền cũng cổ súy cho xu hướng tư tưởng trên.

3. Phong trào cổ súy chiến tranh của một số tông phái Phật giáo Nhật Bản thời Cận đại

3.1. Phong trào ủng hộ chiến tranh của Chi phái Nishi-Hongan-ji, Tịnh độ chân tông

Có thể nói, trong số các tông phái Phật giáo ủng hộ chính sách hiếu chiến của chính phủ đương thời thì Tịnh độ chân tông tham gia tích cực hơn cả. Trước thời kỳ Chiến tranh Nhật - Thanh, mặc dù các vị tăng cũng bị coi là đối tượng trưng binh nhưng chính phủ chưa có những chính sách động viên mạnh mẽ đối với giới Phật giáo. Ngay từ thời điểm đó, các chi phái của Tịnh độ chân tông đã có những động thái hưởng ứng chính quyền trong các hoạt động hỗ trợ ở hậu phương với tư cách là những tổ chức xã hội thiện nguyện để có thể khẳng định sự tồn tại đối với hệ thống chính trị quốc gia.

Trên thực tế, Meinyo, người đứng đầu chi phái Nishi-Hongan-ji, một trong hai chi phái lớn nhất của Tịnh độ chân tông lúc bấy giờ, đã đôn đáo tiếp cận với các cơ quan chính phủ để vận động chính thức cấp phép cho tăng ni của chi phái được truyền giáo tại các khu vực quân Nhật Bản chiếm đóng. Hoạt động này bắt đầu từ khoảng năm Meiji thứ 10 (1878) và mãi đến năm Meiji thứ 27 (1904), khi Chiến tranh Nhật - Thanh nổ ra thì “túc vọng”[12] của Meinyo mới được thực hiện. Góp sức trong quá trình này là các nhà sư, nhà hoạt động tôn giáo đương thời như Shimaji Mokurai (1838-1911), Ōzu Tetsunen (1834-1902), Akamatsu Renjō (1841-1919). Từ đó, chi phái Nishi-Hongan-ji đã được cử sứ giả tòng quân truyền giáo và giáo dục tinh thần cho binh lính ở chiến trường. Ngoài ra, Meinyo và một số tăng ni của chi phái Nishi-Hongan-ji đã trực tiếp đến các doanh trại quân đội để thuyết pháp. Nội dung chủ yếu là Phật giáo không chỉ giúp con người ta vãng sinh mà còn giúp con người thực hiện bổn phận của mình, dâng hiến sự sống của mình cho Tổ quốc, cho Thiên hoàng. Từ đó, họ khuyên binh sĩ hay coi cái chết nhẹ như lông hồng để hết mình phục sự cho đất nước, cho Thiên hoàng[13].

Trong Chiến tranh Nhật - Thanh, bản thân chùa Nishin-Hongan-ji đã cử nhiều vị tăng ra chiến trường để động viên tinh thần binh sĩ, tặng kinh sách, thăm bệnh viện để an ủi các thương binh, tổ chức tang lễ cho những người tử trận, tụng kinh cầu siêu, chuyển hài cốt về cho gia quyến ở quê nhà...

Năm 1941, chính phủ ban hành Lệnh trưng thu kim loại để bổ sung nguồn nguyên liệu sản xuất vũ khí, trong đó chuông chùa và tượng Phật cũng bị liệt kê vào đối tượng trưng thu. Hưởng ứng pháp lệnh đó, có đến 90% chùa của Chi phái Nishi-Hongan-ji đã hiến chuông chùa cho chính phủ, trong khi nhiều quả chuông cổ có niên đại hơn 300 năm và tượng Phật có giá trị.

3.2. Phong trào ủng hộ chiến tranh của Chi phái Ōtani, Tịnh độ chân tông

Bên cạnh Nishi-Hongan-ji, các chi phái khác của Tịnh độ chân tông cũng thể hiện sự hợp tác với chính phủ trong các cuộc chiến bành trướng ra nước ngoài. Ngay từ thập niên 1870, chi phái Ōtani đã hưởng ứng chủ trương “Hải ngoại khai giáo” của chính phủ và cử các vị tăng sang Trung Quốc. Họ đã thực hiện hoạt động truyền giáo trong cộng đồng người Nhật ở đó. Trong thời kỳ Chiến tranh Châu Á - Thái Bình Dương, bản thân Pháp chủ của chi phái Ōtani đã sang Mãn Châu động viên binh sĩ, thăm bệnh viện, trường dạy tiếng Nhật. Sau đó, với khẩu hiệu “Nhất sát đa sinh”, nhiều vị tăng của tông phái đã trực tiếp ra chiến trận và góp phần vào hiện thực tàn khốc của chiến tranh.

Trong Chiến tranh Nhật - Nga (1904-1905), chi phái Ōtani của Tịnh độ chân tông với vai trò đứng đầu của Pháp chủ Ōtani Kōzui (1876-1848) đã tích cực ủng hộ chính phủ. Ngoài việc cử tăng ni ra chiến trường, Ōtani Kōzui còn có những sách lược đặc biệt để mở rộng ảnh hưởng của chi phái Hongan-ji ở nước ngoài. Ông đã cho xây dựng chùa của chi phái ở Mãn Châu, Đại Liên, lập “Câu lạc bộ Đại Liên”, “Hội phụ nữ Phật giáo”, “Hội thanh niên Phật giáo”...và lấy chùa làm địa điểm gặp gỡ, giao lưu của người Nhật ở nước ngoài. Ngoài ra, theo chân quân đội Nhật, Kōzui còn xây dựng các cơ sở giáo dục ở Đại Liên như trường mẫu giáo, Viện Nghiên cứu Ngoại ngữ, Trường Kỹ nghệ dành cho nữ sinh... Vì vậy, Đại Liên Quan Đông biệt viện đã trở thành địa điểm trung tâm của người Nhật ở Đại Liên. Nghĩa là, Ōtani Kōzui đã kết hợp giữa hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội để từ đó mở rộng tầm ảnh hưởng của chi phái ra nước ngoài. Trên thực tế, Ōtani Kōzui còn là một người có tầm nhìn về kinh tế và chi phái Ōtani lúc đó đã nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu của Công ty đường sắt Mãn Châu. Hơn nữa, nhận thấy vị trí quan trọng của Thượng Hải, Kōzui cũng đã cho xây dựng biệt viện của chi phái Ōtani ở Thượng Hải và coi đây là cứ điểm quan trong để truyền giáo trên lãnh thổ Trung Quốc. Những hoạt động này của chi phái Ōtani đã góp phần không nhỏ vào việc củng cố quyền lực của quân đội Nhật ở các khu vực chiếm đóng.

Ngoài Tịnh độ chân tông, các tông phái khác nhau như Thiên thai tông, Chân ngôn tông, Tịnh độ tông, Tào động tông Nhật Liên tông… đều đã cử các vị tăng ra chiến trận. Những vị này được gọi là Tòng binh bố giáo sứ (hoặc Tòng binh bố giáo sư). Họ có trách nhiệm cử hành tang lễ tại chiến trường, tụng kinh, an ủi binh sĩ và truyền giáo cho người dân địa phương. Khi quy mô của cuộc chiến lớn dần lên thì số lượng các nhà sư bị cử sang chiến trường càng lớn.

4. Kết luận

Như vậy, trong thời kỳ Meiji, cùng với sự phát triển của quốc gia cận đại trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng thể chế Quân chủ lập hiến theo phương châm Vương chính phục cổ, giương cao tinh thần quốc hồn, quốc túy. Từ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và tham vọng bá quyền, chính phủ đương thời đã đưa đất nước Nhật Bản hết từ cuộc chiến tranh ngoại xâm này đến cuộc chiến tranh ngoại xâm khác.

Trong bối cảnh đó, để có thể duy trì sự tồn tại trước nguy cơ phế Phật hủy Thích, các tông phái đã bày tỏ sự đồng tình với phương châm của chính phủ. Điều này xuất phát từ tâm lý lệ thuộc vào chính trị vốn đã bám rễ sâu vào cơ cấu tổ chức, vận hành của các giáo đoàn của Phật giáo Nhật Bản, khiến họ cảm thấy lạc lõng và như bị bỏ rơi khi chính phủ Meiji thực hiện chính sách Chính giáo phân ly. Họ không thấy đó như là một cơ hội để phát triển độc lập với chính quyền, mà ngược lại, với những tư tưởng như Nhật Bản chủ nghĩa hay Chân tục nhị đế... nêu trên, đa số các tông phái Phật giáo đã chuyển từ phản đối chiến tranh sang khẳng định, thậm chí ngợi ca chiến thắng để tạo mối liên hệ với chính quyền. Họ đã phải hy sinh cả bản ngã của người tu hành, phạm vào điều quan trọng nhất trong Ngũ giới là Bất sát sinh khi quyết định tham dự vào cuộc chiến bành trướng ra bên ngoài của chính quyền đương thời.

Trên thực tế, cụm từ “cận đại hóa“ thường được dùng một cách khá dễ dãi, nhiều khi có thể được hiểu là sự phát triển một chiều theo hướng đi lên so với các thời kỳ trước đó, nhưng hy vọng thông qua nghiên cứu này, chúng tôi đã có thể làm rõ những chiều cạnh khác nhau của quá trình “cận đại hóa“ cũng như những bài học lịch sử mà giới Phật giáo Nhật Bản đã vấp phải.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 戸部良一、『逆説の軍隊』中央公論新社〈日本の近代9〉、1998年 (Tobe Ryoichi (1998), Quân đội bất bình thường, Nhật Bản cận đại, Quyển 9, Nxb Chūō Kōron Shinsha, 1998).
  2. 大谷栄一『近代仏教という視座―戦争・アジア・社会主義 』、ぺりかん社、2012年 (Ōtani Eiichi (2012), Cách tiếp cận mới trong nghiên cứu Phật giáo cận đại - Chiến tranh, Châu Á, Chủ nghĩa xã hội, Nxb Perikan).
  3. 栄沢幸二『近代日本の仏教家と戦争―共生の倫理との矛盾』、専修大学出版局、2002年 (Eizawa Kōji (2002), Tăng ni Phật giáo thời cận đại và chiến tranh – Mâu thuẫn với luân lý cộng sinh, Nxb Đại học Senshu).
  4. 大谷栄一、『近代仏教という視座―戦争・アジア・社会主義』、ぺりかん社、2012年 (Ōtani Eiichi (2021), Cách nhìn nhận về Phật giáo cận đại – Chiến tranh, Châu và Chủ nghĩa xã hội, Nxb Perikan).
  5. 大東 仁、『お寺の鐘は鳴らなかった―仏教の戦争責任を問う』、教育史料出版会、1994年 (Daitō Hitoshi (1994), Tiếng chuông chùa đã tắt – Truy cứu về trách nhiệm chiến tranh của Phật giáo, Nxb Sử liệu Giáo dục).
  6. 大東 仁、『戦争は罪悪である―反戦僧侶・竹中彰元の叛骨』、風媒社、2008年 (Daitō Hitoshi (2008), Chiến tranh là tội ác – Khí phách của Takenaka Shōgen, nhà sư chủ trương phản chiến, Nxb Fubaisha).

 

 



[1] PGS.TS., Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội

[2] https://www.teikokushoin.co.jp/statistics/history_civics/ index05.html (truy cập ngày 8/12/2021).

[3] 内閣官報局編『法令全書』第一二巻-1(原書房、一九七四年、八九~九〇頁 (Cục quan báo Nội các chủ biên, Pháp lệnh toàn thư, Quyển 12-1 (Harashobō, 1974, tr. 89-90).

[4] 内閣官報局編『法令全書』、第一六巻-1(原書房、一九七六年、七五~八三頁)(Cục quan báo Nội các chủ biên, Pháp lệnh toàn thư, Quyển 16-1 (Harashobō, 1976, tr. 75-83).

[5] 内閣官報局編『法令全書』、第一七巻-1(原書房、一九七四年、一四二頁)(Cục quan báo Nội các chủ biên, Pháp lệnh toàn thư, Quyển 17-1 (Harashobō, 1974, tr. 142).

[6] 内閣官報局編『法令全書』)第二二巻-1(原書房、一九七八年、一~七頁)(Cục quan báo Nội các chủ biên, Pháp lệnh toàn thư, Quyển 22-1 (Harashobō, 1978, tr. 1-7).)

[7]井上円了、「日本宗教論」、『日本人』創刊号1、1888年 (Inoue Enryō, “Luận về tôn giáo Nhật Bản“, Tạp chí Người Nhật Bản, Số 1, 1888).

[8] 志賀重昂、「「日本人」が懐抱する処の旨義を告白す」の大意、『日本人』第2号所載(Shiga Shigetaka, “Đại ý những bộc bạch về hoài bão của Người Nhật Bản”, Tạp chí Người Nhật Bản, Số 2).

[9]小沢吉行、『尊皇奉仏大同団』、期中堂、1889年(Kozawa Yoshiyuki, Tôn Hoàng phụng Phật đạo đồng đoàn, Kichudo, 1889).

[10] Ví dụ “Vương pháp Phật pháp tương ỷ“, “Vương pháp Phật pháp tương tư“...

[11] 明如「祖師相承の宗義、真俗二諦の妙旨」(Meinyo, Tông nghĩa truyền thừa từ vị khai tổ, Tôn chỉ Chân tục nhị đế”).

[12] 明如、『明如上人伝』(Meinyo, Meinyo thượng nhân truyện).

[13]『婦人雑誌』、明治27年10月3日 (Tạp chí Phụ nữ, Số ngày 10 tháng 3 năm Meiji 27).

 

0thảo luận