Trang chủ

Yếu tố Phật giáo trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Hàn và tiếng Việt

Đăng ngày: 10-07-2023, 14:25 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 4

Hoàng Thị Yến1, Vũ Hoàng Hà2

Tóm tắt: Bài viết sử dụng phương pháp miêu tả, tiếp cận theo hướng nghiên cứu đồng đại kết hợp với thao tác thống kê, phân loại, phân tích và tổng hợp nhằm phác họa một số yếu tố Phật giáo trong thành ngữ và tục ngữ tiếng Hàn. Giáo lí về nhân quả và luân hồi, triết lí vô thường, khổ đế và từ bi cũng như cách thức tu hành, hình ảnh chùa chiền và các vật dụng liên quan cho chúng ta thấy một phần diện mạo của Phật giáo Hàn Quốc. Cũng có thế thấy rõ những nét tương đồng và dị biệt của Phật giáo trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ tiếng Hàn và tiếng Việt.

Từ khóa: Yếu tố Phật giáo, cách thức tu hành, chùa chiền, thành ngữ và tục ngữ, tiếng Hàn và tiếng Việt


1. Đặt vấn đề

Phật giáo từ Trung Quốc du nhập vào bán đảo Triều Tiên vào khoảng năm 372  (Koguryo) đến năm 527 (Shilla). Trong một thời gian dài từ khi du nhập, trải qua thời kì Tam Quốc và Shilla thống nhất,[1]đến Koryeo,[2]Phật giáo phát triển mạnh, trở thành quốc giáo và gắn với cung đình nhiều hơn. Chỉ khi bị coi thường ở triều đại Choson mới trở thành tôn giáo gần dân hơn[3]. Các nghiên cứu về tôn giáo và Phật giáo của Hàn Quốc trong tiếng Việt có công trình của nhóm tác giả Ngô Xuân Bình, Phạm Hồng Thái (2007)[4], tác giả Mai Ngọc Chừ (2018)[5], tác giả Trần Thị Họa My (2018)[6]... Nghiên cứu Phật giáo trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Hàn có công trình của tác giả Choi Yu Meon (1984)[7], tác giả Na Y (2010)[8], tác giả Park Hwan Young (2020)[9]... Bài viết này nghiên cứu một số yếu tố liên quan đến Phật giáo trong thành ngữ và tục ngữ tiếng Hàn và tiếng Việt nhằm góp thêm một tài liệu tham khảo hữu ích cho lĩnh vực này. Cụ thể, bài viết tìm hiểu về các yếu tố như giáo lí nhà Phật; đặc điểm tu hành và kinh kệ; chùa chiền và các vật dụng liên quan đến Phật giáo qua ngữ liệu thành ngữ và tục ngữ tiếng Hàn và tiếng Việt.

Ngữ liệu tiếng Hàn được thu thập chủ yếu từ Từ điển tục ngữ của tác giả Song Jae Seun (1986)[10], tác giả Lee Gi Moon (1997)[11]... Ngữ liệu tiếng Việt lấy từ các công trình của nhóm tác giả Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào (1993)[12], tác giả Hoàng Văn Hành (2003)[13], tác giả Vũ Ngọc Phan (2008)[14]... Kết quả chúng tôi thu thập được 210 đơn vị tục ngữ tiếng Hàn, 136 đơn vị tục ngữ tiếng Việt có yếu tố liên quan đến Phật giáo. Chúng tôi sử dụng chức năng Find trong Word nhằm thống kê phân loại và tính tần số xuất hiện của nhóm từ vựng liên quan đến việc tu hành và kinh kệ, chùa chiền và các vật dụng liên quan. Ở nội dung về giáo lí nhà Phật, các từ khóa nhân quả 인과, nghiệp báo업보, luân hồi윤회, từ bi 자비, thiện hành/hành thiện선행... đều ít xuất hiện trong cả ngữ liệu tiếng Hàn và tiếng Việt. Vì vậy, khi phân tích, chúng tôi dẫn thêm các đơn vị tục ngữ không có yếu tố từ vựng liên quan đến Phật giáo nhưng lại chuyển tải tinh thần hoặc nội dung liên quan đến Phật giáo. Ví dụ như quan niệm nhân quả triết lí vô thường... hành thiện tạo phúc từ bi, vị tha... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng dẫn thêm một số đơn vị là ca dao nhằm làm rõ hơn hình ảnh của Phật giáo trong tâm thức người Việt.

2. Giáo lí nhà Phật trong thành ngữ, tục ngữ

2.1. Nhân quả báo ứng và thuyết luân hồi

Qui luật ở đời và thể hiện rõ nhất trong Phật giáo chính là thuyết nhân quả: Gieo nhân nào gặt quả nấy, cụ thể là: 선인선과, 악인악과 thiện nhân thiện quả, ác nhân ác quả. Tục ngữ tiếng Hàn có câu: 죄악은 전생것이 더 무섭다 tội ác gây ở kiếp trước thì đáng sợ hơn: ý nói, nghiệp báo từ kiếp trước đến kiếp sau hoặc thế hệ sau thường vô cùng nghiêm trọng. Người Hàn và người Việt nhận thức rõ quan niệm nhân quả và thể hiện một cách tự nhiên, cụ thể trong thành ngữ và tục ngữ, ví dụ: (1) 소금 먹는 말이 물 찾는다 ngựa ăn muối sẽ tìm nước uống. Người Việt nói: Ai ăn mặn, nấy khát nước. (2) 먹은 소가 똥도 누고, 든 돌에 낯 붉게 마련이다 bò ăn no thì ỉa, có lửa thì có khói. Người Việt cũng có cách liên tưởng như vậy: Không có lửa làm sao có khói. Qua tục ngữ, người Hàn cảnh báo những hậu quả khó lường do con người làm việc xấu, ví dụ như: (1) ăn vụng chịu phạt: 도둑 고양이 매 맞듯 한다 như mèo ăn vụng bị roi; (2) gây gổ bị thương: 사나운 개도 콧등 아물 날 없다 chó dữ cũng không có ngày sống mũi lành; (3) gần người xấu dễ vạ lây:개 옆에 있으면 벼룩만 옮는다 ở cạnh chó chỉ có lây bọ, 개와 친하면 옷에 흙칠만 한다 nếu thân với chó, áo sẽ vấy bùn... Người Việt dùng cảnh báo: Đi đêm lắm có ngày gặp ma, Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng... Ở mặt tích cực, người Hàn quan niệm: phúc phận của đời người là quả ngọt của nhân lành: 되는 집에는 소도 대우만 낳는다 nhà khá giả bò đẻ cũng đẻ ngưu vương và ngược lại, người vô phúc thì làm gì cũng khó khăn, khó thành tựu: 복 없는 정승은 계란에도 뼈가 있다 đại thần vô phúc thì trong trứng gà cũng có xương.

Luân hồi là biểu hiện của nhân quả nhưng với chu kì dài hơn - thường là hơn một đời/kiếp người. Phật giáo thường nhắc đến kiếp trước, cuộc đời hiện tại và kiếp sau. Theo giáo lí nhà Phật, con người sau khi trải qua cuộc đời trên cõi tạm với sinh, lão, bệnh, tử sẽ đến thế giới khác. Có thể đầu thai thành người, lên thiên đàng hay xuống địa ngục hoặc thành ngạ quỉ/súc sinh tùy theo phúc hay nghiệp họ đã tạo trong đời trước. Những người không giác ngộ, làm điều ác thì cũng coi như bỏ đường sáng: 극락길을 버리고 지옥 길로 간다 bỏ đường đến cõi cực lạc, đi đường đến địa ngục. Luật nhân quả cũng thể hiện qua duyên nghiệp: 음식 싫는 것은 개나 주지만, 사람 싫은 것은 죽어야 안 본다chán đồ ăn thì cho chó, chán người thì phải chết mới không phải gặp. Dân tộc Hàn cho rằng, những mối nhân duyên tốt đẹp sẽ thường sẽ tạo nên kì tích: 준마도 장수를 만나야 하늘을 난다 tuấn mã phải gặp tướng giỏi mới bay lên trời và ngược lại: 준마라도 주인을 못 만나면 삵말로 늙는다 tuấn mã không gặp được chủ hay thì già với kiếp ngựa cho thuê. Những qui luật cuộc đời thể hiện khá rõ nhân sinh quan của hai dân tộc: 말 우는 데 말 가고 소 우는 데 소 간다 ngựa đến nơi ngựa hí, bò đến nơi bò kêu. Tương tự, người Việt dùng hình ảnh: Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Người Việt giác ngộ sâu sắc thuyết nhân quả và luân hồi: Bởi do kiếp trước vụng tu, kiếp này tu để đền bù kiếp sau...

2.2. Triết lí vô thường

Vô thường chính là sự biến đổi không ngừng của cuộc sống. Người Hàn có câu: 소 먹이는 놈과 자식 둔 놈은 입찬 소리 못 한다 kẻ nuôi bò và kẻ nuôi con đều không thể mạnh mồm được: vì không biết lúc nào bò mình phá ruộng người, không biết lúc nào con mình gây chuyện. Người Việt giáo huấn con cháu: Sông có khúc, người có lúc. Tục ngữ tiếng Hàn có yếu tố chỉ động vật xuất hiện nhiều hình ảnh biểu trưng cho những biến đổi tiêu cực. Trong cuộc sống, có những việc mình tin là ổn định, tốt đẹp  nhưng cũng có khi bất ngờ xảy ra sự cố: 네 발 가진 말도 넘어질 때가 있다 ngựa bốn chân cũng có khi ngã; 원숭이도 나무에서 떨어질 때가 있다 khỉ cũng có khi ngã từ trên cây... Tục ngữ Việt có câu: Khỉ trèo cây cũng có ngày bị ngã: Ý nói, có lúc con người ta mất đi thế mạnh vốn có, rơi vào tình thế bất lợi.

Ngữ liệu tục ngữ tiếng Hàn có yếu tố chỉ con hổ xuất hiện các trường hợp cụ thể tương ứng như sau: (1) mất vũ khí lợi hại: 호랑이도 이빨 빠지고 발톱 닳으면 토끼도 깔본다 nếu hổ rụng răng, mòn vuốt, thỏ cũng xem thường; (2) sa bẫy: 사나운 호랑이도 함정에 빠지면 쥐도 깔본다 hổ sa bẫy thì con chuột cũng coi thường; (3) rời núi: 산밖에 난 범이요, 물밖에 난 고기다 như hổ rời núi, như cá mắc cạn. Ở vào tình thế bất lợi đó, những kẻ mạnh được biểu trưng bởi hình ảnh hổ và rồng thường ở tình trạng tiêu cực như: (1) trở thành kẻ yếu: 범도 위엄을 잃으면 쥐로 된다 hổ mất uy cũng thành chuột; (2) phải cầu xin kẻ yếu trợ giúp: 사나운 범도 함정에 빠지면 토끼보고 살려 달란다 hổ dữ sa bẫy cũng cầu cứu thỏ; (3) bị hại: 물 밖에 난 용은 개미가 물어뜯는다 rồng ra khỏi nước bị kiến cắn. Người Việt dùng các biểu hiện sau: Hùm thiêng sa lưới, Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn; Rồng mất ngọc...

Những biến đổi theo hướng tích cực thể hiện trong tục ngữ tiếng Hàn có: 개도 손 볼 날이 있다 chó cũng có ngày gặp khách, 쥐구멍에도 볕들 날이 있다 có ngày ánh sáng cũng vào hang chuột... Tiếng Việt có các câu biểu đạt ý nghĩa tương tự: Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai, Hết mưa là nắng hửng lên thôi... Giác ngộ được triết lí này, con người có thế tự do tự tại trước mọi biến đổi của cuộc sống như Tái ông mất ngựa: được cũng không vui, mất cũng không buồn bởi thấu triệt chân lí: Trong phúc có họa, trong họa có phúc... Tục ngữ Hàn có câu: 소 잃고 양 얻는다 mất bò được cừu hay 양을 잃고 소를 얻는다 mất cừu được bò. Người Việt cũng tự an ủi khi mất cắp, bị trộm: Của đi thay người...

Cuộc đời thường biến đổi theo qui luật. Nếu đang ở vận tốt thì mọi việc đều diễn ra tốt đẹp: 되는 집은 말을 낳아도 용마만 낳는다 nhà phát đạt thì ngựa đẻ cũng chỉ đẻ ra long mã; 되는 집에는 수탉이 알을 낳는다 nhà đang phất đến gà trống cũng đẻ trứng... Nhờ sống tốt, con người dễ gặp may: 개도 벼룩 물어 잡을 때가 있다 chó cũng có lúc cắn bọ. Tuy nhiên, Họa phúc khó lường người Việt cho rằng: Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí...

2.3. Quan niệm đời là bể khổ và đức từ bi

Triết lí nhân sinh của Phật giáo chính là 인생은 고해 đời là bể khổ với sinh lão bệnh tử là 4 cái khổ của con người: Bể trần là kiếp phù sinh, thị phi thương ghét trong tình quẩn quanh. Người Hàn coi trọng cuộc sống: 말 똥에 굴러도 이승이 낫다 dù có vấy phân ngựa nhưng trần thế vẫn tốt. Câu Sinh kí, tử qui (sống ở, chết về) trong tiếng Việt là quan niệm xem dương thế là cõi tạm, Niết bàn mới là giải thoát, vĩnh cửu. Hiểu được chân lí này con người sẽ không tham, sân, si; có thể sống ung dung, tự tại. Trong khi người Hàn dùng hình ảnh: 인생 백년이 말 달리듯 한다 trăm năm cõi người như ngựa chạy thì người Việt cũng dùng câu: Đời người như bóng câu qua cửa sổ. Mọi sinh linh đều bình đẳng trước cái chết: 먹다가 죽은 대장부나 밭갈이하다 죽은 소나 죽기는 마찬가지다 đại trượng phu chết lúc ăn hay bò chết khi cày ruộng cũng như nhau. Người Việt nói: Sinh ra từ cát bụi, chết cũng trở về với cát bụi...

Chính vì giác ngộ được cuộc sống là vô thường, đời là bể khổ nên Phật giáo luôn hướng thiện, tránh ác. Tục ngữ Hàn có câu: 미운 쥐도 품어 주랬다 dù là một con chuột xấu xí thì cũng hãy ôm ấp nó... Người Việt khuyên: (1) phải vị tha: Đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại; (2) yêu thương nhau: Lá lành đùm lá rách; (3) hành thiện tích đức: Rủ nhau làm phúc, chớ rủ nhau đi kiện... Vị tha, bao dung chính là phẩm chất tốt đẹp của Đức Phật từ bi. Người Việt cảnh báo: Lấy hận thù diệt hận thù, hận thù không mất nghìn thu vẫn còn..., khuyên con người sống tốt hơn qua câu: Sân si nghiệp chướng không chừa, bo bo mà giữ tương dưa làm gì...

Có thể thấy, giáo lí nhà Phật cũng như nhiều tôn giáo khác có một điểm chung là hướng thiện, khuyên răn con người sống tốt để có thể giải thoát. Phật giáo nhấn mạnh đến nghiệp báo nhằm cảnh báo con người cần có trách nhiệm với hành động ác hay lời nói xấu của bản thân, cần có ý thức gieo nhân lành để gặt quả phúc, hướng tới xây dựng một cuộc sống bình an, một xã hội tốt đẹp hơn.

3. Việc tu hành trong đạo Phật

3.1. Phân bố của các từ ngữ liên quan đến tu hành và kinh kệ

Đọc kinh và niệm Phật là công việc thường ngày của tăng ni và Phật tử. Bên cạnh đó, các nhà sư còn có những buổi giảng về kinh Phật cho đại chúng nghe hiểu. Phật tử hay những người mộ đạo có lòng thì bố thí, cúng dường, tu tại gia... Kết quả khảo sát ngữ liệu tiếng Hàn chúng tôi thu được 31 đơn vị từ vựng liên quan đên việc tu hành và kinh kệ, phân bố cụ thể như dưới đây:


Bảng 1: Các từ ngữ liên quan đến tu hành và kinh kệ trong tục ngữ tiếng Hàn

 

Stt

Từ

Số từ

Ví dụ

1

염불niệm Phật

20

마음에 없는 염불 niệm Phật không có lòng.

2

경(읽기) đọc kinh

6

쇠 귀에 경 읽기 đọc kinh tai trâu/bò

3

불공/공양

cúng dường

4

부처 위해 불공하나 cúng dường vì Phật

4

설법 thuyết pháp

1

부처님한테 설법thuyết pháp cho Đức Phật

 

Tổng

31 đơn vị

 

 

Tần số xuất hiện của các từ liên quan đến việc tu hành của nhà sư và Phật tử theo thứ tự từ cao đến thấp như sau: niệm Phật có 20 đơn vị (chiếm 64,5%), đọc kinh có 6 đơn vị (chiếm 19,4%), thuyết pháp có 1 đơn vị (chiếm 3,2%). Việc cúng Phậtcúng dường có 4 đơn vị (chiếm 12,9%). Có thể thấy, việc niệm Phật đơn giản và phù hợp với số đông Phật tử và người dân nên phổ biến hơn, vì thế nó xuất hiện trong thành ngữ và tục ngữ với tần số cao hơn so với việc đọc kinh. Thuyết pháp, giảng kinh là công việc của sư trụ trì chùa hoặc cao tăng đại đức nên xuất hiện với tần số thấp. Trong ngữ liệu tiếng Việt, nhóm từ này có tần số xuất hiện như bảng sau:


Bảng 2: Các từ ngữ liên quan đến tu hành và kinh kệ trong tục ngữ tiếng Việt

 

Stt

Từ

Số từ

Ví dụ

1

Cúng/thờ/

lễ Phật

18

Oản chùa cúng Bụt, đất ruộng đắp bờ. Chùa làng một điện trăm gian, hàng năm lễ Bụt cả làng dâng quy

2

Thắp hương

5

Ăn của Bụt, thắp hương thờ Bụt

3

Niệm Phật

4

Miệng nam mô bụng một bồ dao găm

4

Gõ mõ

2

Còn trời, còn nước, còn non, còn Sư gõ mõ, anh còn thắp nhang

5

Đọc kinh

2

Lời kinh vang dậy ngân nga, chạnh lòng nhớ nghĩa??? mẹ cha sinh thành

 

Tổng

31 đơn vị

 

 

Nhóm từ lễ Phật có 18 đơn vị (chiếm 58,1%%) với các từ cúng (5 đơn vị), thờ (7 đơn vị), lễ (6 đơn vị). Tiếp đó là các hành động liên quan đến việc tu hành: thắp hương có 5 đơn vị (chiếm 16,1%), niệm Phật có 4 đơn vị (chiếm 12,9%), gõ mõ 2 đơn vị (chiếm 6,5%), đọc kinh chỉ có 2 đơn vị (chiếm 6,5%). Như vậy, qua tục ngữ có thể thấy người Hàn thường niệm Phật, đọc kinh (26/31 đơn vị chiếm hơn 80%) còn người Việt lại chú trọng việc lễ Phật, thắp hương (23/31 đơn vị chiếm hơn 70%). Ngữ liệu tiếng Hàn không xuất hiện gõ mõ, thắp hương; ngữ liệu tiếng Việt không có từ thuyết pháp.

3.2. Tu hành theo Ngũ giới

Phật giáo đặt ra Ngũ giới để tăng ni và Phật tử giữ mình, tu tập, hướng tới giải thoát, được vãng sinh nơi Tây phương cực lạc. Ngũ giới gồm có: không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu[15]. Hình ảnh các nhà sư trong đạo Phật thường ung dung tự tại, sống thanh tịnh, ăn chay, giữ giới. Vì thế, mặt trái của giới tu hành đạo Phật chính là hình ảnh các nhà sư không giữ giới luật của Phật giáo. Trong ngữ liệu tiếng Hàn xuất hiện các hình ảnh sau: (1) sư ăn thịt: 중이 고기 맛을 보면 법당에 파리가 안 남는다 nếu sư nếm vị thịt thì Phật đường không còn ruồi; (2) sư gần nữ sắc: 멋에 치어 중 서방질한다 sư làm dáng gian dâm; (3) sư uống rượu: 중이 술주정한다 sư say rượu... Có ý kiến cho rằng, khi các nhà sư phạm giới tràn lan có nghĩa đến thời mạt pháp. Người Việt phê phán những người giả tu bằng câu: Sư hổ mang, sãi rắn rết. Câu Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy giáo huấn con người cần sáng suốt trong đối nhân xử thế.

Ngữ liệu cho thấy, người Hàn kiêng sát sinh những dịp sau: (1) khi phụ nữ sinh nở: 어린아이 낳고 닭을 잡으면 아이가 부정을 탄다 sinh em bé mà bắt gà, em bé sẽ không may (vì bị nhuốm bẩn); (2) khi vật nuôi trong nhà đẻ: 돼지새끼 난 지 이레 안에 주인집에서 고기를 먹으면 새끼가 잘 자라지 않는다 trong 7 ngày đầu lợn sinh, ở nhà chủ ăn thịt thì lợn con sẽ chậm lớn... Họ cũng tin rằng làm ác sẽ chịu quả báo: 고양이를 죽이면 액운이 들어온다 giết mèo thì vận đen sẽ tới. Người Việt giáo huấn con cháu phải thật thà: Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối; lên án sư sãi hay Phật tử đi tu mà tâm ác: Miệng nam mô, bụng bồ dao găm. Người Việt coi trọng mạng người và quan niệm chúng sinh ai cũng bình đẳng: Cứu một người bằng xây bẩy tòa tháp...

3.3. Tu hành niệm Phật, đọc kinh

Việc tu hành của sư là chuyên tâm niệm Phật, đọc kinh: 중이 팔양경 읽듯 như sư đọc kinh Bát dương... Hình ảnh nhà sư đeo tràng hạt chắp tay niệm Phật trang nghiêm thể hiện qua câu tục ngữ: 염불법사 염주 매듯 như pháp sư niệm Phật đeo tràng hạt... Tục ngữ tiếng Hàn phê phán các tăng ni chưa dứt khỏi cám dỗ trần tục: 마음에 없는 염불 niệm Phật không có tâm; 염불 듣고 잿밥 먹을 것을 바란다 nghe niệm Phật mong được ăn cơm thịt... Người Hàn khuyên: (1) phải chuyên tâm: 정신을 차려야 염불을 하지 phải tịnh tâm niệm Phật chứ; (2) nếu không tu được có thể làm những việc khác như nấu bếp: 염불 못하는 중이 아궁이에 불을 땐다 sư không niệm Phật được thì đốt lửa lò; hay quét chùa: 손 잰 승의 비질하듯 như sư nhanh tay quét. Với người chậm hiểu hoặc vô tâm, người Hàn châm biếm: 소귀에 경 읽기 đọc kinh tai bò hay 말귀에 염불하기다 như niệm Phật tai ngựa. Người Việt cũng có hình ảnh tương đồng: Đàn gẩy tai trâu. Ngoài ra, tục ngữ Hàn dùng câu 새도 염불을 하고 쥐도 방귀를 뀐다 chim cũng niệm Phật, chuột cũng đánh rắm để chê cười sự hỗn loạn, thiếu nghiêm trang của sư sãi hay người tu hành khi hành lễ...

Trong tiếng Việt có câu: Còn trời còn nước còn mây, chúng sanh còn khổ thì thầy còn tu cho thấy lí tưởng của nhà sư chuyên tâm tu hành. Phật tử cũng hết lòng mộ đạo, hướng Phật: Còn trời, còn nước, còn non, còn sư gõ mõ, anh còn thắp nhang. Cách thức tu hành của đạo Phật rất linh hoạt, không gò bó, cứng nhắc nên thu hút đông đảo Phật tử tham gia tu tập. Người Việt quan niệm: Thứ nhất là tu tại gia, Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Qua tục ngữ, chúng tôi thu thập được một số hoạt động trong tu hành của sư sãi và Phật tử như:

(1) Lễ Phật: Người Việt tin rằng: Lễ Phật thì đặng việc hiền, bao nhiêu nghiệp chướng não phiền đều tan nên thường tham gia vào việc chuẩn bị lễ Phật, ví dụ như: (i) làm oản: Oản chùa cúng Bụt, đất ruộng đắp bờ; (ii) thắp hương: Ăn của Bụt, thắp hương thờ Bụt. Thời gian lễ Phật của người dân Việt cũng không cố định: Lễ Phật quanh năm, không bằng rằm tháng giêng. Đối tượng tham gia lễ Phật cũng không có giới hạn nào, không có sự phân biệt nào: Chùa làng một điện trăm gian, hàng năm lễ Bụt cả làng dâng qui...

(2) Gõ mõ, đánh chuông/trống: Nhớ chàng ra ngẩn vào ngây, sư ông nhớ Bụt, mõ rày  nhớ chuông; Chiều chiều bìm bịp giao canh, trống chùa đã đánh sao anh chưa về...

(3) Đọc kinh, niệm Phật: chủ yếu nhằm cầu phúc cho cha mẹ: Lời kinh vang dậy ngân nga, chạnh lòng nhớ nghĩ mẹ cha sinh thành; Dốc lòng niệm Phật không lơi, cầu cho cha mẹ thác thời siêu sanh ...

4. Hình ảnh chùa chiền và các vật dụng liên quan

4.1. Phân bố của các từ ngữ liên quan đến chùa chiền và vật dụng liên quan

Liên quan đến nơi tu hành của các nhà sư, từ ngữ liệu tiếng Hàn, chúng tôi thống kê được 48 đơn vị từ vựng, phân theo các tiểu nhóm như bảng 3.


Bảng 3: Các từ ngữ liên quan đến chùa chiền trong tục ngữ tiếng Hàn

 

Stt

Từ

Số từ

dụ

1

절 chùa

30

집도 절도 없다 cả nhà, cả chùa đều không có

2

불당 Phật đường

15

한 불당에서 내 사당 네 사당 하느냐 cùng một Phật đường còn từ đường anh từ đường tôi à

3

해인사 Haein tự

2

합천 해인사 밥이냐 cơm chùa Haein Hapcheon chắc.

4

시왕전

điện Thập vương

1

죽기 살기는 시왕전에 매였다 sống hay chết do Thập vương điện quyết định

 

Tổng

48 đơn vị

 

 

Trong ngữ liệu tiếng Hàn có 48 đơn vị chỉ chùa chiền, gian thờ Phật (chiếm 100% của cái gì?, nếu không có thông tin cụ thể thì bỏ % này) với các từ khá đa dạng: chùa có 30 đơn vị (chiếm 62,5%). Phật đường có 15 đơn vị (chiếm 31,3%) gồm các từ 사당 từ đường (8), 법당 Pháp đường (5), 불당 Phật đường (2). Xuất hiện địa danh là chùa Haein với 2 đơn vị (chiếm 4,2%) và điện Thập vương có 1 đơn vị (chiếm 2,1%).

Ngữ liệu tiếng Việt có từ chùa xuất hiện với số lượng khá lớn với 56 đơn vị, các dạng thức thờ tự không đa dạng như tiếng Hàn, chủ yếu là hai hình thái chùa, chùa làng: Làm quan ăn lộc vua, ở chùa ăn lộc Phật, Ðất vua chùa làng... Tuy nhiên, dạng thức kết hợp của chùa với các yếu tố ngôn ngữ khác lại khá đa dạng, ví dụ: Chùa nát còn có Bụt vàng... Đặc biệt, tên các ngôi chùa xuất hiện trong tục ngữ, ca dao khá nhiều, ví dụ: Vắng như chùa Bà Đanh, Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ xương, Dù cho cha đánh mẹ treo, em không bỏ hội chùa Keo hôm rằm...

Bên cạnh đó, kết quả thống kê các từ chỉ trang phục và vật dụng liên quan trong tiếng Hàn chỉ phát hiện 8 đơn vị, tràng hạt và áo mỗi loại có 2 đơn vị (chiếm 25%), các từ chỉ mũ của sư có 4 đơn vị (chiếm 50%), cụ thể như ở bảng 4.

Ngoài ra, trong ngữ liệu còn có một vài vật dụng xuất hiện trong các đơn vị với ý nghĩa châm biếm vẻ ngoài – đầu trọc của nhà sư như: 중의 빗 lược của sư, 중의 상투 mũ của sư... Trong ngữ liệu tiếng Việt, nhóm từ này khá phong phú, thể hiện như bảng 5. Có thể thấy, ngữ liệu tiếng Hàn không xuất hiện các từ mõ, chuông, oản, hương trong khi ngữ liệu tiếng Việt đa dạng hơn và có khoảng trống ở từ chỉ mũ, tràng hạt.


Bảng 4: Các từ ngữ liên quan đến trang phục và vật dụng trong tiếng Hàn

 

Stt

Từ

Số từ

dụ

1

염주 tràng hạt

2

쇠뿔도 각각, 염주도 몫몫이다 sừng bò cũng nhiều loại, tràng hạt cũng nhiều viên

2

송낙 mũ ni cô

고깔 mũ tăng

4

저 중 잘 달아난다 하니까 고깔 벗어 들고 달아난다 sư kia khoe chạy giỏi nên bỏ cả mũ trùm đầu chạy

3

장삼 áo choàng

가사 cà sa

2

중이 미우면 가사도 밉다 nếu ghét sư thì cũng ghét áo cà sa

 

Tổng

8 đơn vị

 

 

Bảng 5: Các từ ngữ liên quan đến trang phục và vật dụng trong tiếng Việt

 

Stt

Từ

Số từ

dụ

1

Cà sa

2

Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy,

2

3

Chùa làng hai mõ, bốn chuông, có ba tượng Bụt, có ông Thần già

3

Chuông

5

4

Oản

8

Oản chùa cúng Bụt, đất ruộng đắp bờ, Bụt nhiều oản ít

5

Hương

5

Hương Bụt thắp thờ Bụt

 

Tổng

23 đơn vị

 

 

 

 

4.2. Đặc điểm của chùa chiền và vật dụng của sư

4.2.1 Đặc điểm của chùa chiền

Chùa chiền là nơi thờ phụng Thần Phật: 절간 부처님 Phật nơi cửa chùa; là nơi tu hành của sư: 중 도망은 절에나 찾지 sư trốn thì phải đến chùa tìm chứ. Chùa là nơi vãn cảnh, thắp hương ngưỡng Phật của Phật tử, chúng sinh. Đến nơi thanh tịnh như chùa chiền, con người phải nhập gia tùy tục: 절에 가선 중 하라는 대로 해야 한다 đến chùa đôi khi cũng phải làm sư. Tuy nhiên, con người thường có ràng buộc, không dễ gì dứt bỏ để qui y: 절에 가면 중 되고 싶고 마을에 가면 속인 되고 싶다 đến chùa muốn thành sư, đến làng muốn là tục nhân. Mỗi ngôi chùa có đặc trưng khác nhau tùy vào đức độ của vị sư trụ trì:  중 양식이 절 양식이다 dạng thức của sư là dạng thức của chùa: ý nói nếu sư tốt thì chùa thanh tịnh, sư không tốt thì chùa hỗn loạn. Có những ngôi chùa sư không giữ giới nên thiếu thanh tịnh: 눈치가 빠르면 절에 가도 새우젓 얻어 먹는다 nếu tinh ý thì đến chùa cũng được ăn mắm tôm, 절에 가 젓국을 찾는다 đến chùa tìm nước mắm... Chính vì thế, cần phân biệt để chọn chùa đến thắp hương, khấn Phật: 법당은 호법당이나 불무영험 Pháp đường là hảo Pháp đường hay Phật vô linh nghiệm. Chùa chiền, đền thờ Phật cũng tượng trưng cho sức mạnh tinh thần. Tục ngữ Hàn có câu: 사당에 사는 쥐요, 성 안에 사는 여우다 như chuột sống trong đền, như cáo sống trong thành: phê phán người dựa vào một thế lực mạnh để làm những việc sai trái, hành xử thiếu lễ nghi. Một chùa cũng không thể có hai trụ trì: 상좌 중이 많으면 가마솥을 깨뜨린다 thượng tọa nhiều thì đến nồi cũng vỡ. Người Việt có câu: Một nước không có hai vua, một chùa không có hai sãi...

Đối với người Việt, chùa chiền vừa là nơi thờ phụng thiêng liêng: Ăn mày cửa Phật, vừa gần gũi: Ðầu làng có một cây đa, cuối làng cây thị, đàng xa ngôi chùa... nên:  Trẻ vui nhà, già vui chùa, Sống ở nhà, già ở chùa. Hình ảnh chùa trong tục ngữ ca dao Việt cũng thân thiết như người thân vậy: Xa chùa trống vắng, gần chùa inh tai... Chùa cũng là nơi con người ẩn náu, tạm tránh cuộc đời ô trọc: Trốn chúa ở chùa, Trốn việc quan ra ở chùa...

4.2.2. Vật dụng liên quan đến Phật giáo

Vật dụng liên quan đến Phật giáo, cụ thể là vật dụng của nhà sư, đồ đạc của nhà chùa... xuất hiện trong ngữ liệu không nhiều, có lẽ một phần do cuộc sống của nhà sư cũng tối giản. Trong tục ngữ tiếng Hàn xuất hiện các vật dụng sau đây: (1) áo choàng: 저 중 잘 뛴다니까 장삼 벗어 걸머지고 뛴다 nhà sư kia khoe chạy hỏi nên cởi áo choàng vắt lên lưng chạy; (2) áo cà sa: 중이 미우면 가사도 밉다 nếu ghét sư thì cũng ghét áo cà sa; (3) tràng hạt: 쇠뿔도 각각, 염주도 몫몫이다 sừng bò cũng nhiều loại, tràng hạt cũng nhiều viên: thế gian muôn người muôn vẻ; (4) lò nấu bếp/lò sưởi: 염불 못하는 중이 아궁이에 불을 땐다 sư không niệm Phật được thì đốt lò; (5) trống: 중의 법고 치듯 như đánh pháp cổ của sư (trống to dùng khi có lễ trọng); (6) mũ của sư: 저 중 잘 달아난다 하니까 고깔 벗어 들고 달아난다 sư kia khoe chạy giỏi nên bỏ cả mũ trùm đầu chạy...

Trong ngữ liệu tiếng Việt, các vật dụng của nhà sư chỉ có áo cà sa, mõ, chuông, trống... Điểm đặc biệt so với ngữ liệu tiếng Hàn là có oảnhương – là hai vật phẩm thường dùng khi cúng/lễ Phật. Qua tục ngữ, ta có thể thấy một phần nghi thức lễ Phật của người Việt cũng như đời sống xã hội thời đó. Câu Bụt nhiều oản ít ý nói nhiều bàn thờ Phật nhưng số oản làm lại hơi ít. Ở sắc thái tiêu cực, nó có thể được hiểu với ý nghĩa tương tự câu: Mật ít ruồi nhiều. Vì thế, để tránh việc người hưởng thụ tranh giành nhau hay phân chia thiếu công bằng thì cần chuẩn bị chu đáo: Đếm Bụt mà đóng oản...

Đặc điểm của việc tu hành và kinh kệ, chùa chiền và các vật dụng liên quan giúp bức tranh về Phật giáo trong thành ngữ và tục ngữ thêm sinh động và đa diện. Có thể thấy những yếu tố mang đặc trưng của Phật giáo qua cách thức tu hành, đặc điểm của chùa chiền và trang phục, đồ dùng của nhà sư, vật dụng của nhà chùa...

5. Kết luận

Phật giáo là một tôn giáo nhập thế, phần lớn Phật tử có thể không cần trải qua một nghi thức nào, không cần thường xuyên đến chùa lễ Phật mà có thể tu tại gia, tu tâm. Cũng chính vì vậy, dù trong hàng ngàn năm bị đàn áp dưới triều đại Choson, Phật giáo Hàn Quốc vẫn ăn sâu bén rễ và phục hồi phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Nội dung giáo lí về nhân quả và luân hồi, triết lí vô thường, khổ đế và từ bi cũng như cách thức tu hành, hình ảnh chùa chiền... được phản ánh trong thành ngữ và tục ngữ cho chúng ta thấy một phần diện mạo của Phật giáo Hàn Quốc trong quá khứ. Cũng có thế thấy một phần nào đó giá trị giáo huấn, phê phán và phản ánh thời đại của kho tàng thành ngữ, tục ngữ tiếng Hàn và tiếng Việt. Bài viết này mới dừng lại ở bước đầu nghiên cứu một số yếu tố Phật giáo trong ngữ liệu giới hạn là thành ngữ, tục ngữ trong tiếng Hàn và tiếng Việt. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và khám phá những đặc trưng và những nét tương đồng về tín ngưỡng, tôn giáo của hai dân tộc Hàn – Việt, trong tương lai, cần có thêm những nghiên cứu sâu với phạm vi ngữ liệu rộng hơn về lĩnh vực này.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ngô Xuân Bình, Phạm Hồng Thái (2007), Tôn giáo ở Hàn Quốc và Việt Nam: Nghiên cứu so sánh, Nxb Khoa học công nghệ Hà Nội, Hà Nội.

2. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, “Phật giáo”, https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1% BA%ADt_gi%C3%A1o.

3. Mai Ngọc Chừ (2018), “Vai trò và đặc điểm của các tôn giáo của Hàn Quốc”, Hội thảo quốc tế KF 2016: Nghiên cứu, giảng dạy ngữ pháp tiếng Hàn và văn hóa xã hội Hàn Quốc, TP Hồ Chí Minh, 8/2018.

4. Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào (1993), Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5. Hoàng Văn Hành (2003), Thành ngữ học tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

6. Hòa thượng Thích Thiện Hoa, “Ngũ giới” trong Phật học phổ thông, Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh ấn hành 1997, https://thuvienhoasen.org/a3541/05-ngu-gioi.

7. Trần Thị Thu Lương (2016), Đặc trưng văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc: tương đồng và khác biệt, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

8. Trần Thị Họa My (2018), “Phật giáo ở Thái Lan và ở Hàn Quốc (sự du nhập, vai trò và đặc điểm)”, Hội thảo quốc tế KF 2016: Nghiên cứu, giảng dạy ngữ pháp tiếng Hàn và văn hóa xã hội Hàn Quốc, TP. Hồ Chí Minh, 8/2018.

9. Vũ Ngọc Phan (2008), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Văn học.

10. 나이 (2010), 한·중 불교에 관한 속담 비교 연구, 호서 대 학 교, 석사학위 논문 (Na Y (2010), Nghiên cứu so sánh tục ngữ về Phật giáo Hàn - Trung, Đại học Hoseo, Luận văn thạc sĩ).

11. 박 환 영 (2020), 속담 속에 반영된 불교어휘의 언어인류학적 연구, 한국 교수 불자 연합 학회지 26권 1호, 147-164p (Park Hwan Young (2020), Nghiên cứu nhóm từ vựng Phật giáo trong tục ngữ từ góc độ của nhân chủng học ngôn ngữ, Journal of Buddhist Professors in Korea (JBPK), quyển 26, số 1, tr.147-164).

12. 송재선 (1986), 우리말 속담 큰사전, 서문당  (Song Jae Seun (1986), Đại từ điển tục ngữ Urimal, Seomundang).

13. 이기문 (1997), 속담사전,일조각, (Lee Gi Moon (1997), Từ điển tục ngữ, Iljogak).

14. 최유면 (1984), 일본 한국 속담의 비교 연구: 불교 및 고유신앙을 중심으로, 계명대학교 석사학위논문 (Choi Yu Meon (1984), Nghiên cứu so sánh tục ngữ Nhật – Hàn: trọng tâm là Phật giáo và tín ngưỡng truyền thống, Đại học Keimyung, Luận văn thạc sĩ).

 

 


[1] TS., Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội

[2] Học viên cao học, Đại học Thăng Long

[3] Trần Thị Thu Lương (2016), Đặc trưng văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc: tương đồng và khác biệt, Nxb Chính trị quốc gia, TP. Hồ Chí Minh.

[4] Ngô Xuân Bình, Phạm Hồng Thái (2007), Tôn giáo ở Hàn Quốc và Việt Nam: Nghiên cứu so sánh, Nxb Khoa học công nghệ Hà Nội.

[5] Mai Ngọc Chừ (2018), “Vai trò và đặc điểm của các tôn giáo của Hàn Quốc”, Hội thảo quốc tế KF 2016: Nghiên cứu, giảng dạy ngữ pháp tiếng Hàn và văn hóa xã hội Hàn Quốc, TP. Hồ Chí Minh, 8/2018.

[6] Trần Thị Họa My (2018), “Phật giáo ở Thái Lan và ở Hàn Quốc (sự du nhập, vai trò và đặc điểm)”. Hội thảo quốc tế KF 2016: Nghiên cứu, giảng dạy ngữ pháp tiếng Hàn và văn hóa xã hội Hàn Quốc, Tlđd.

[7] 최유면 (1984), 일본 한국 속담의 비교 연구: 불교 및 고유신앙을 중심으로, 계명대학교 석사학위논문. (Choi Yu Meon (1984), Nghiên cứu so sánh tục ngữ Nhật- Hàn: trọng tâm là Phật giáo và tín ngưỡng truyền thống, Đại học Keimyung, Luận văn thạc sĩ).

[8] 나이 (2010), 한·중 불교에 관한 속담 비교 연구, 호서 대 학 교, 석사학위 논문 (Na Y (2010), Nghiên cứu so sánh tục ngữ về Phật giáo Hàn – Trung, Đại học Hoseo, Luận văn thạc sĩ).

[9] 박 환 영 (2020), 속담 속에 반영된 불교어휘의 언어인류학적 연구, 한국 교수 불자 연합 학회지 26권 1호, 147-164p (Park Hwan Young (2020), “Nghiên cứu nhóm từ vựng Phật giáo trong tục ngữ từ góc độ của nhân chủng học ngôn ngữ”, Journal of Buddhist Professors in Korea (JBPK), quyển 26, số 1, tr.147-164).

[10] 송재선 (1986), 우리말 속담 큰사전. 서문당 (Song Jae Seun (1986), Đại từ điển tục ngữ Urimal, Seomundang).

[11]이기문 (1997), 속담사전, 일조각 (Lee Gi Moon (1997), Từ điển tục ngữ, Iljogak).

[12] Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào (1993), Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam. Nxb Giáo dục, Hà Nội

[13] Hoàng Văn Hành (2003), Thành ngữ học tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[14] Vũ Ngọc Phan (2008), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.

[15] Hòa thượng Thích Thiện Hoa, “Ngũ giới” trong Phật học phổ thông, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành 1997, https://thuvienhoasen.org/a3541/05-ngu-gioi.

 

0thảo luận