Trang chủ

Biến đổi tiêu dùng trong đại dịch COVID-19

Đăng ngày: 26-06-2023, 10:01 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 3

Satoh Koichiroh1

 

 

Tóm tắt: Sự lan rộng của đại dịch COVID-19 đã gây ra tình trạng “cầu vượt cung” trên toàn Nhật Bản. Tình trạng dư thừa cầu đã diễn ra vài lần trong 50 năm qua nhưng đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng này kể từ khi internet trở nên phổ biến. Cầu vượt cung vào thời điểm này đã khiến cho nhiều người mua gom hàng hóa rồi bán lại với giá cao hơn, ở đây, những ảnh hưởng của sự phổ cập internet là rất lớn. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 kéo dài cũng làm xuất hiện biến đổi về tiêu dùng. Từ khóa cho vấn đề này là “không tiếp xúc” và “nhu cầu tiêu dùng tại nhà”. Bài viết sẽ tập trung vào hiện tượng “giao hàng lại” để làm rõ thị trường chuyển phát nhanh của Nhật Bản đã thay đổi như thế nào do sự lan rộng của đại dịch COVID-19.

Từ khóa: Cầu vượt cung, không tiếp xúc, nhu cầu tiêu dùng tại nhà, chuyển phát nhanh, chuyển phát lại

1. Hiện tượng “cầu vượt cung” trước khi internet phổ biến[1]

Tác giả cho rằng đã có bốn sự kiện ở Nhật Bản gây ra tình trạng “cầu vượt cung” cùng lúc trên diện rộng trong 50 năm qua, đó là cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ nhất, trận động đất Hanshin- Awaji, thảm họa kép động đất sóng thần và sự cố hạt nhân miền Đông Nhật Bản và sự lan rộng của đại dịch COVID-19 lần này.

Khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ nhất xảy ra do chiến tranh Trung Đông ngày 6/10/1973, đã xảy ra nạn tích trữ chất tẩy rửa, đường và đặc biệt là giấy vệ sinh. Tin đồn càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt, kết quả là giá tiêu dùng vào năm 1974 đã tăng 20% so với năm trước đó. Có thể nói, cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ nhất đã chấm dứt giai đoạn tăng trưởng kinh tế thần kỳ của Nhật Bản kéo dài suốt 19 năm kể từ năm 1954.

Vào thời điểm này, Chính phủ Nhật Bản chỉ định các mặt hàng có nguy cơ bị tích trữ, đồng thời ban hành luật cho phép Chính phủ có thể ra lệnh bán[2]. Ngoài ra, Chính phủ cũng cấm bán giá cao hơn giá quy định đối với những mặt hàng khan hiếm này[3]. Tuy nhiên, trên thực tế, không có công ty nào chống đối.

Khi thảm họa động đất Hanshin - Awaji xảy ra vào ngày 17/1/1995, sau đó 2 ngày, tức là vào ngày 19/1/1995 chính phủ bắt đầu tiến hành điều tra về tác động của thảm họa này đối với giá hàng tiêu dùng, vật tư và việc phân phối hàng hóa trên toàn quốc, bao gồm cả khu vực bị ảnh hưởng bởi trận đại địa chấn. Sau đó 1 tuần, vào ngày 26/1, báo cáo cho rằng “không hẳn không có hiện tượng tích trữ hàng hóa hoặc tăng giá ở khu vực phía nam tỉnh Hyogo, nơi xảy ra động đất, nhưng sự tăng giá hàng hóa ồ ạt như thời kỳ cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ nhất đã không xảy ra”. Báo cáo cũng cho thấy ở thời điểm đó, chính phủ đã “không phải chỉ định loại hàng hóa cần theo dõi đặc biệt và bảo trợ bởi luật pháp”[4].

Mặc dù trận động đất gây ra thiệt hại rất lớn, nhưng việc găm hàng đã không xảy ra, do các siêu thị và cửa hàng tiện lợi lúc này bắt đầu lấy hàng dự trữ ra bán trong hoàn cảnh khá khắc nghiệt đối với việc kinh doanh của họ. Có thể nói, vào thời điểm đó, nhu yếu phẩm hàng ngày được cung cấp với giá gần như bình thường.

2. “Cầu vượt cung” trong thời đại internet phổ biến - thảm họa kép tại miền đông Nhật Bản

Vào thời điểm xảy ra trận động đất ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương vùng đông bắc Nhật Bản ngày 11 tháng 3 năm 2011, các địa phương lân cận và cả thủ đô Tokyo cũng nằm trong khu vực bị ảnh hưởng của trận đại địa chấn và thảm họa miền đông Nhật Bản nên hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Do cầu tăng nhanh và nguồn cung giảm, dẫn đến tình trạng “cầu vượt cung” đối với hầu hết các mặt hàng thiết yếu. Theo một nghiên cứu của GS. Abe Naohito, Đại học Hitotsubashi và GS. Inakura Noriko, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, ở khu vực đô thị, mặc dù có tình trạng “cầu vượt cung” nghiêm trọng do thảm họa kép miền đông gây ra, nhưng cũng chỉ có một số mặt hàng tại các cửa hàng bán lẻ tăng giá vài phần trăm. Thay vì tăng giá, thì cung cầu được điều chỉnh chủ yếu bằng cách xếp hàng chờ đợi lâu, hạn chế số lượng được mua[5]. Sau đó, GS. Abe Naohito và PGS. Mizuno Takayuki, Đại học Tsukuba đã sử dụng số liệu bán đấu giá nước khoáng trên internet để làm rõ vấn đề sau:

Trước hết, đó là trong các cuộc đấu giá trên internet, số lượng các mặt hàng và giá thầu thành công đã tăng mạnh sau trận động đất và giá trúng thầu cho các sản phẩm riêng lẻ tăng cao nhất tới 7 lần, còn mức tăng trung bình là 40%. So sánh với tỉ lệ tăng giá chỉ vài phần trăm của các mặt hàng trong cửa hàng bán lẻ ở khu vực Tokyo, thì đó quả là mức tăng lớn.

So sánh với giá mà doanh nghiệp bán thường xuyên trên mạng, thì giá thỏa thuận ngay (khi đấu giá người mua bỏ giá đó thì sẽ trúng ngay tức thì) mà người bán cá nhân đặt ra đã tăng hơn rất nhiều sau thảm họa động đất. Không giống như cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ nhất và trận động đất lớn Hanshin-Awaji, có thể thấy rằng sự phổ biến của internet đã có tác động mạnh đến tình trạng “cầu vượt cung” trong trận đại địa chấn ở miền đông nước Nhật.

3. Sự hỗn loạn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19

Ở Tokyo, nơi tác giả đang sống, tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tới bốn lần. Lần thứ nhất từ ​​ngày 7/4/2020 đến ngày 25/5/2020; lần thứ hai từ ngày 8/1/2021 đến ngày 21/3/2021; lần thứ ba từ ngày 25/4/2021 đến 20/6/2021; còn lần thứ tư là từ ngày 12/7/2021 đến ngày 30/9/2021.

Theo thông báo của chính phủ đến các tỉnh thành thuộc đối tượng ban bố tình trạng khẩn cấp, có ba điều sẽ có hiệu lực pháp luật tức thì. Thứ nhất là “các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”. Cụ thể, đó là yêu cầu “hạn chế ra ngoài”, “hạn chế sử dụng các địa điểm như trường học và hội trường lớn” và “yêu cầu/hướng dẫn để hủy bỏ các sự kiện đông người tham gia”. Thứ hai là “các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống y tế” như cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế, thăm khám và bán thuốc chữa bệnh. Thứ ba là “các biện pháp ổn định cuộc sống của người dân” bao gồm hướng dẫn vận chuyển vật tư khẩn cấp như vắc xin và hướng dẫn bán vật tư cụ thể.

Tại Thủ đô Tokyo, khẩu trang, cồn sát khuẩn và giấy vệ sinh trở nên khan hiếm từ tháng 2 năm 2020, khiến cho việc mua sắm tại các siêu thị và cửa hàng thuốc trở nên vô cùng khó khăn. Ngoài ra, các cuộc bán lại với mức giá cao liên tục tiếp diễn trên các ứng dụng chợ trời (flea market application) và các trang đấu giá trên internet[6]. Nguyên nhân chính khiến giá cả tăng mạnh là do sự lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội rằng “giấy vệ sinh và nguyên liệu thô của nó phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc đang khan hiếm” do sự lây lan của đại dịch COVID-19. Ngoài ra, ảnh hưởng của những ký ức chồng chéo về cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ nhất năm 1973 cũng rất đáng kể.

Để đảm bảo sự ổn định cuộc sống cho người dân trước tình trạng mua đi bán lại giá cao tràn lan trong khi nhu cầu về khẩu trang ngày càng tăng, chính phủ đã sửa đổi “Luật các biện pháp khẩn cấp ổn định cuộc sống nhân dân” được ban hành vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần thứ nhất. Theo đó, từ ngày 15/3/2020 cấm bán lại khẩu trang với giá cao và từ ngày 26/5/2020 cấm bán lại các sản phẩm sát khuẩn bằng cồn với giá cao. Nếu vi phạm luật này, người bán sẽ bị phạt tù đến 1 năm hoặc phạt tiền lên tới 1 triệu yên.

Ngoài khẩu trang, cồn khử khuẩn và giấy vệ sinh, từ cuối tháng 3/2020, nguồn cung đối với các mặt hàng thực phẩm cũng trở nên khó khăn hơn. Điều này phần lớn là do ảnh hưởng từ tuyên bố của bà Koike Yuriko, Thống đốc Tokyo trong một cuộc họp báo vào ngày 23/3/2020 rằng tùy thuộc vào tình hình dịch COVID-19 trong thời gian tới, chính quyền có thể sẽ phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ như phong tỏa thành phố, tức là “lock-down”[7].

Do ảnh hưởng của tuyên bố này, người dân khu vực Thủ đô Tokyo đã đổ xô đi mua thực phẩm để chuẩn bị cho đợt đóng cửa. Chính phủ kêu gọi phản ứng bình tĩnh từ người dân và đảm bảo sẽ chịu trách nhiệm về nguồn cung. Mặc dù vậy, các siêu thị đông đúc đến mức phải hạn chế khách vào cửa.

4. Biến đổi tiêu dùng khi đại dịch COVID-19 lan rộng

Đại dịch COVID-19 vẫn chưa được giải quyết nhưng thói quen tiêu dùng của người Nhật Bản đã thay đổi đáng kể trong hai năm qua. Từ khóa của vấn đề này là “tránh tiếp xúc” và kèm theo đó là “nhu cầu tiêu dùng tại nhà”. “Nhu cầu tiêu dùng tại nhà” là nhu cầu của những người muốn hạn chế đi ra ngoài hoặc tránh tiếp xúc với những người khác ngoài các thành viên trong gia đình mình, mà vẫn tận hưởng cuộc sống thoải mái tại nhà. Nhu cầu này gắn liền với dịch vụ giao đồ ăn và đặt hàng qua internet.

Ngành dịch vụ ăn uống bị ảnh hưởng nặng nề do lượng người đi ăn bên ngoài giảm, nhưng ngành này đang tìm được “lối ra” trong lĩnh vực giao hàng tận nhà và bán mang đi. Nhu cầu sử dụng "Delivery Hall" và "Uber Eats" - các trang web giao hàng tận nhà được mở rộng. Dịch vụ giao hàng tận nhà bắt đầu hoạt động từ năm 2000, và đã phát triển nhanh chóng vào năm 2020.

“Tránh tiếp xúc" cũng ảnh hưởng đến việc thanh toán, đáng chú ý chính là sự gia tăng của các khoản thanh toán không dùng tiền mặt. Ngay từ tháng 10/2019, cùng với việc tăng thuế tiêu dùng lên 10%, Chính phủ Nhật Bản cũng thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt. Nhật Bản được cho là có tỉ lệ sử dụng tiền mặt cao thứ hai sau Đức trong số các nước phát triển, nhưng thanh toán không dùng tiền mặt đã được đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại nhà và giảm chi phí do thiếu lao động. Do sự lây lan của virus corona chủng mới, sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ ăn uống đã giảm, tuy nhiên, việc sử dụng dịch vụ này trong bán hàng trực tuyến lại tăng do nhu cầu tiêu dùng tại nhà tăng cao. Kết quả là, tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong tiêu dùng cá nhân ở Nhật Bản vào năm 2020 đạt mức cao kỷ lục 29,7%, tăng 2,9% so với năm 2019[8].

Theo một nghiên cứu của Konishi Yoko, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản, số lần thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi chỉ còn 53% vào tháng 2/2021[9]. Thanh toán trực tuyến ngày càng phổ biến bởi thực tế có thể giảm bớt sự tiếp xúc trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn tiến phức tạp.

“Không tiếp xúc” cũng ảnh hưởng đến cách thức mua sắm. Sự gia tăng lượng người sử dụng dịch vụ đặt hàng qua internet thể hiện qua số lượng các bưu kiện chuyển phát được xử lý tăng lên. Theo thống kê của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch, trong năm năm 2020 (năm tài chính từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021), số lượng bưu kiện chuyển phát được xử lý đã tăng 11,9% so với năm 2019, lên đến 4.836.470.000 kiện, đạt mức tăng cao nhất trong 6 năm qua, và là con số gia tăng kỷ lục trong trong vòng 20 năm trở lại đây[10].

Trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ tìm hiểu sâu hơn về cách mà đại dịch COVID-19 đã tạo nên một cuộc cách mạng trong dịch vụ chuyển phát nhanh.

5. Thực trạng của ngành chuyển phát nhanh ở Nhật Bản trước đại dịch COVID-19

Nhu cầu về dịch vụ chuyển phát nhanh ở Nhật Bản đã tăng vọt kể từ năm 1998. Điều này trùng hợp với sự gia tăng sử dụng các trang thương mại điện tử (Electronic commerce - EC). Hiện tại, có ba EC có doanh thu trên 1 nghìn tỉ yên (10 tỉ USD) nhưng tất cả đều được mở khá sớm, từ năm 1997 đến năm 2000[11].


Biểu đồ 1: Sự gia tăng số lượng giao dịch chuyển phát nhanh qua từng năm

Biến đổi tiêu dùng trong đại dịch COVID-19

Nguồn: Biểu đồ do tác giả vẽ từ số liệu điều tra của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch

Biểu đồ 2: Thay đổi về tỉ lệ “chuyển phát lại” của ba công ty chuyển phát nhanh lớn

Tỉ lệ chuyển phát lại của

3 công ty chuyển phát nhanh lớn

Tỉ lệ

 

Kỳ tháng 10/2017

15,5%

Kỳ tháng 4/2018

15,0%

Kỳ tháng 10/2018

15,2%

Kỳ tháng 4/2019

16,0%

Kỳ tháng 10/2019

15,0%

Nguồn: Biểu đồ do tác giả vẽ trên cơ sở dữ liệu báo cáo của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch

 

Như có thể thấy trên biểu đồ 1, có một số thời điểm có sự đình trệ tạm thời do tình hình kinh tế, nhưng số lượng các kiện hàng chuyển phát nhanh được xử lý liên tục tăng qua từng năm. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh thì lượng chuyển phát lại cũng tăng lên do tình trạng “người nhận vắng nhà”. Để hạn chế phát thải khí carbon dioxide trong lĩnh vực vận tải và ứng phó với tình trạng thiếu lao động, rõ ràng là cần thiết phải nâng cao hiệu quả của hoạt động vận tải bằng cách hạn chế “giao hàng lại”. Chính vì vậy, năm 2015, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch đã tổ chức hội nghị với các bên liên quan và lập báo cáo về vấn đề này.

Theo báo cáo, việc “giao hàng lại” đã tạo ra khoảng 420.000 tấn carbon dioxide mỗi năm, tương đương với 1% lượng khí thải hàng năm của các xe tải thương mại ở Nhật Bản và “giao hàng lại” cũng tạo ra khoảng 180 triệu giờ làm việc thêm mỗi năm, đồng thời cần tới 90.000 người lao động, đây quả là một sự lãng phí lớn cho xã hội.

Thảo luận trong hội nghị cho thấy “tăng cường giao tiếp giữa người sử dụng dịch vụ (người nhận) với các công ty chuyển phát nhanh và các công ty nhận đặt hàng qua interntet”, đồng thời “thúc đẩy các cách thức mới như đa dạng hóa phương thức nhận hàng và nâng cao sự tiện lợi” chính là giải pháp cho vấn đề đặt ra[12].

Thực hiện giải pháp này, các công ty chuyển phát đã đơn giản hóa việc xác nhận, thông báo và thay đổi ngày giờ giao hàng bằng cách sử dụng internet và các ứng dụng khác. Tuy nhiên, tỉ lệ giao hàng lại không giảm đột ngột, thậm chí như thể hiện trong biểu đồ 2 tỉ lệ này đã ngừng giảm ở mức khoảng 15%[13].

6. Thúc đẩy phương thức mới nâng cao sự tiện lợi và đa dạng hóa phương thức nhận hàng

Để đa dạng hóa phương thức nhận hàng và nâng cao tính tiện lợi, cho phép nhận bưu kiện tại các cửa hàng tiện lợi hay lắp đặt và sử dụng các thùng đựng hàng chuyển phát nhanh tại nhà… đã được đẩy mạnh. Điều này có lợi cho cả hai bên: nhân viên chuyển phát nhanh đỡ phải giao hàng lại và người sử dụng dịch vụ có thể nhận hàng 24/24 giờ mỗi ngày mà không cần băn khoăn về thời gian.

Từ trước đến nay, các cửa hàng tiện lợi chỉ là nơi khách hàng gửi bưu kiện chuyển phát nhanh chứ không phải là nơi nhận hàng của dịch vụ này. Tuy nhiên, ba công ty lớn là Seven-Eleven, FamilyMart và Lawson với hơn 50.000 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc đang có kế hoạch sử dụng hệ thống cửa hàng này làm cơ sở nhận bưu kiện hộ khách hàng. Ngoài ra, việc lắp đặt thùng đựng hàng mở[14] tại các cơ sở thương mại lớn như nhà ga và trung tâm mua sắm gần nhà và nơi làm việc cũng đang tăng lên.

Yamato Transport là công ty đầu tiên nghiêm túc với việc lắp đặt thùng đựng hàng chuyển phát nhanh mở. Công ty này đã thành lập “Packcity Japan” dưới hình thức liên doanh với Neo Post Shipping và bắt đầu dịch vụ có tên là “PUDO” vào tháng 7/2016. “PUDO” là từ viết tắt của "Pick Up & Drop Off". PUDO chủ yếu xử lý các bưu kiện của Yamato Transport, nhưng cũng cho các các công ty chuyển phát nhanh khác thuê nếu có nhu cầu.

Vào năm 2019, công ty Amazon.co.jp cũng bắt đầu lắp đặt loại thùng đựng hàng chuyển phát nhanh có tên là “Amazon Hub locker” tại các cửa hàng tiện lợi, ga tàu, trường đại học[15]. Có thể nói, thùng đựng hàng chuyển phát nhanh đã được lắp đặt rộng rãi trong các nhà ga lớn ở khu vực đô thị, trong khuôn viên của các tòa nhà chung cư hay trong các cơ sở thương mại… và trở thành một phần không thể thiếu của cơ sở hạ tầng.

Hiện nay, “giao hàng tại điểm” đã xuất hiện như một phương thức giao hàng mới. Dịch vụ giao hàng bằng cách đặt gói hàng vào nơi mà khách hàng chỉ định và hoàn tất việc giao hàng được gọi là “giao hàng tại điểm”. Địa điểm để bưu kiện thường là nhà để xe, kho, hộp thư, hộp công tơ… trong khuôn viên của tòa nhà. Không cần ký nhận gói hàng, mà người giao hàng sẽ chụp ảnh nơi để bưu kiện lại bằng một ứng dụng chuyên dụng và gửi cho khách hàng. Phương thức giao hàng này rất phổ biến ở nước ngoài, nhưng trước đó nó chưa từng được sử dụng ở Nhật Bản.

Amazon Japan bắt đầu dịch vụ “giao hàng tại điểm” vào tháng 2/2019 và dần dần mở rộng khu vực kinh doanh dịch vụ này. Hiện tại, đây là phương thức giao hàng tiêu chuẩn tại 30 tỉnh thành có mạng lưới giao hàng của công ty. Bưu điện Nhật Bản cũng bắt đầu mở dịch vụ này song song với việc cho nhận bưu kiện tại các thùng đựng hàng chuyển phát nhanh mở và cửa hàng tiện lợi từ ngày 18/3/2019, các bưu kiện được đặt ở địa điểm chỉ định là coi như đã hoàn tất việc giao hàng.

Ban đầu, thùng đựng hàng chuyển phát nhanh mở không được sử dụng nhiều do người dân lo ngại bị trộm cắp, nhưng từ góc độ ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, nhu cầu “không tiếp xúc” và “không gặp mặt” đã tăng lên. Như đã phân tích ở phần trên, các công ty chuyển phát nhanh đã nỗ lực thúc đẩy “đa dạng hóa phương thức nhận hàng và nâng cao sự tiện lợi”, song đã không diễn ra tốt đẹp như dự kiến. Chỉ khi đại dịch COVID-19 lan rộng thì hiệu quả to lớn của nó mới được phát huy.

Thứ nhất, số lượng người sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh đã tăng lên khi người tiêu dùng không muốn tiếp xúc trực tiếp và hạn chế mua sắm tại các cửa hàng, họ sử dụng dịch vụ đặt hàng qua internet hoặc các ứng dụng khác, có xác nhận và thông báo ngày giờ giao hàng và có thể dễ dàng thay đổi thời gian nhận hàng, tất cả những điều này giúp cho việc vận chuyển và nhận bưu kiện diễn ra một cách suôn sẻ.

Thứ hai, sử dụng các thùng đựng hàng chuyển phát nhanh mở làm cho người nhận tránh được việc tiếp xúc trực tiếp với nhân viên chuyển phát bưu kiện, nên đã trở thành phương thức ưu tiên của những người mong muốn “không tiếp xúc”, đồng thời, nó cũng rất hiệu quả trong việc giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đối với đội ngũ nhân viên giao hàng.

7. Kết luận

Năm 2018, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch đã xây dựng "Chương trình xúc tiến thực hiện vận tải hàng hóa toàn diện”. Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản cùng với các công ty chuyển phát nhanh và các công ty đặt hàng trực tuyến đang xúc tiến chương trình thông qua từng bước giảm tỉ lệ chuyển phát lại.


Bảng 3: Những thay đổi trong tỉ lệ chuyển phát lại của 3 công ty chuyển phát nhanh lớn ở Nhật Bản

Tỉ lệ chuyển phát lại của

3 công ty chuyển phát nhanh lớn

Tỉ lệ

 

Kỳ tháng 10/2017

15,5%

Kỳ tháng 4/2018

15,0%

Kỳ tháng 10/2018

15,2%

Kỳ tháng 4/2019

16,0%

Kỳ tháng 10/2019

15,0%

Kỳ tháng 4/2020

8,5%

Kỳ tháng 10/2020

11,4%

Kỳ tháng 4/2021

11,2%

Kỳ tháng 10/2021

11,9%

Nguồn: Tác giả xây dựng dựa trên Báo cáo khảo sát của Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch

 

Tỉ lệ giao dịch thương mại điện tử tiếp tục tăng cùng với thực trạng thiếu lao động trầm trọng trong lĩnh vực giao hàng. Như đã đề cập ở phần trước, tỉ lệ chuyển phát lại hầu như không thay đổi trong hai năm, khoảng 15% từ tháng 10/2017, khi Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch bắt đầu tiến hành khảo sát. Tuy nhiên, biểu đồ 3 lại cho thấy, tỉ lệ này đã giảm đáng kể xuống còn 8,5% tại thời điểm tháng 4/2020. Nguyên nhân được cho là do nhiều người ở nhà theo khuyến cáo “hạn chế ra ngoài” được chính phủ đưa ra khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Và trớ trêu thay, việc giảm tỉ lệ giao hàng lại được cho là một “lợi ích của dịch COVID-19”. Sau đó, do tình trạng khẩn cấp được hủy bỏ, thời gian mọi người ở nhà giảm xuống. Mặc dù “tỉ lệ giao hàng lại” đã tăng lên mức 11%, nhưng có thể thấy sự cải thiện đáng kể so với năm 2017.

Nếu các phương thức nhận bưu kiện chuyển phát nhanh đa dạng như thùng đựng hàng chuyển phát nhanh, hộp đựng hàng chuyển phát nhanh mở được sử dụng ngày càng nhiều, đó có thể trở thành giải pháp cho các vấn đề xã hội nghiêm trọng như giúp giảm lượng khí thải CO2 và ứng phó với vấn đề thiếu nhân lực trong lĩnh vực vận tải…

Tuy nhiên, những lo ngại vẫn còn đó, khi những thông tin vô căn cứ về mặt khoa học, gây lo lắng, những thông tin chưa được kiểm chứng, thuyết âm mưu… vẫn còn lan tràn trên mạng xã hội. Thật khó có thể xác định được đâu là đúng, đâu là sai. WTO đã cảnh báo về tình trạng này với thuật ngữ “đại dịch thông tin”. Một khi đại dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn, “đại dịch thông tin” vẫn tiếp tục lan tràn thì tình trạng “cầu vượt cung” có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mối đe dọa về “cầu vượt cung” có lẽ vẫn sẽ tiếp tục là thách thức toàn cầu trong thời gian tới./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. 日本経済新聞 1995年1月27日朝刊第3面「阪神大震災 価格高騰“待った”官民がスクラム」(“Đại địa chấn Hanshin - các nhà quản lý “chờ đợi” sự tăng giá hàng hóa”, Báo Kinh tế Nhật Bản ngày 27/01/1995, ấn bản buổi sáng, tr. 3).

2. 日本経済新聞 2011年11月21日朝刊第24面「震災直後の超過需要への対応」(“Ứng phó với tình trạng “cầu vượt quá cung” ngay sau thảm họa động đất”, Báo Kinh tế Nhật Bản, ấn bản buổi sáng ngày 21/11/2011, tr. 24).

3. 日本経済新聞 2020年3月1日朝刊第7面「トイレットペーパーなど買い占め・高騰」(“Mua gom giấy vệ sinh - Giá cả tăng vọt”, Báo Kinh tế Nhật Bản, ấn bản buổi sáng ngày 1/3/2020, tr. 7).

4. 小池百合子東京都知事記者会見 (Thống đốc Tokyo Koike Yoriko tổ chức họp báo), https://www.metro.tokyo.lg.jp/tosei/governor/governor/kishakaiken/2020/03/23.html.

5. 日本経済新聞 2021年6月18日朝刊第5面 「キャッシュレス決済 最高」(“Thanh toán không dùng tiền mặt tăng kỷ lục”, Báo Kinh tế Nhật Bản, ấn bản sáng ngày 18/6/2021, tr. 5).

6. 日本経済新聞 2021年4月6日朝刊第25面 「データでみるコロナ下の消費」(“Tiêu dùng trong đại dịch COVID-19 nhìn từ số liệu thống kê”, Báo Kinh tế Nhật Bản ấn bản sáng ngày 6/4/2021, tr. 25).

7. 国土交通省「令和2年度宅配便取扱実績について」(Về số lượng bưu kiện chuyển phát được xử ký trong năm Lệnh Hòa thứ hai (2020), Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch).

8. 国土交通省「宅配の再配達の削減に向けた受取方法の多様化の促進等に関する検討会報告書」(Báo cáo thảo luận về việc xúc tiến đa dạng hóa phương thức nhận hàng nhằm giảm thiểu chuyển phát lại bưu kiện, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch), https://www.mlit.go.jp/report/press/tokatsu01_hh_000234.html.

9. 国土交通省「宅配便の再配達率サンプル調査について」 (Điều tra thử nghiệm về tỉ lệ chuyển phát lại bưu kiện, Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông và Du lịch).

 

 


[1] GS., Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Senshu, Nhật Bản

[2]「生活関連物資等の買占め及び売惜しみに対する緊急措置に関する法律」(“Luật về các biện pháp khẩn cấp chống lại việc mua gom hay hạn chế bán hàng hoá thiết yếu”), https://elaws.e-gov.go.jp/document?lawid=348A C0000000048.

[3]「国民生活安定緊急措置法」(“Luật về các biện pháp khẩn cấp ổn định đời sống nhân dân”), https://elaws.e-gov.go.jp/document?lawid=348AC0000000121.

[4]日本経済新聞 1995年1月27日朝刊第3面 「阪神大震災 価格高騰“待った”官民がスクラム」(“Đại địa chấn Hanshin – các nhà quản lý “chờ đợi” sự tăng giá hàng hóa”, Báo Kinh tế Nhật Bản ngày 27/01/1995, ấn bản buổi sáng, tr. 3).

[5] 日本経済新聞 2011年11月21日朝刊第24面 「震災直後の超過需要への対応」(“Ứng phó với tình trạng “cầu vượt quá cung” ngay sau thảm họa động đất”, Báo Kinh tế Nhật Bản, ấn bản buổi sáng ngày 21/11/2011, tr. 24).

[6]日本経済新聞 2020年3月1日朝刊第7面 「トイレットペーパーなど買い占め・高騰」(“Thu mua giấy vệ sinh – Giá cả tăng vọt”, Báo Kinh tế Nhật Bản, ấn bản buổi sáng ngày 1/3/2020, tr. 7).

[7]小池百合子東京都知事記者会見 (Thống đốc Tokyo, bà Koike Yoriko tổ chức họp báo), https://www.metro. tokyo.lg.jp/tosei/governor/governor/kishakaiken/2020/03/23.html.

[8]日本経済新聞 2021年6月18日朝刊第5面 「キャッシュレス決済 最高」(“Thanh toán không dùng tiền mặt tăng kỷ lục”, Báo Kinh tế Nhật Bản, ấn bản sáng ngày 18/6/2021, tr. 5).

[9]日本経済新聞 2021年4月6日朝刊第25面 「データでみるコロナ下の消費」(“Tiêu dùng trong đại dịch nhìn từ số liệu thống kê”, Báo Kinh tế Nhật Bản ấn bản sáng ngày 6/4/2021, tr. 25).

[10] 国土交通省「令和2年度宅配便取扱実績について」(“Về số lượng bưu kiện chuyển phát được xử ký trong năm Lệnh Hòa thứ hai (2020)”, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch).

[11] Ba trang web thương mại điện tử lớn nhất của Nhật Bản là: Thị trường Rakuten mở ngày 1/5/1997, Yahoo Shopping được cung cấp bởi Yahoo! Japan hoạt động từ ngày 28/9/1999 và Amazon.co.jp mở từ ngày 1/11/2000.

[12] 国土交通省「宅配の再配達の削減に向けた受取方法の多様化の促進等に関する検討会報告書」(“Báo cáo thảo luận về việc xúc tiến đa dạng hóa phương thức nhận hàng nhằm giảm thiểu “chuyển phát lại” bưu kiện”, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch), https://www.mlit.go.jp/report/press/tokatsu01_hh_000234.html

[13] 国土交通省「宅配便の再配達率サンプル調査について」(“Điều tra thử nghiệm về tỉ lệ chuyển phát lại bưu kiện”, Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông và Du lịch).

[14] “Thùng để bưu kiện chuyển phát nhanh” thường được lắp đặt cùng với hộp thư trong các khu chung cư, nhưng đây là hộp dùng chung cho cư dân sống ở đây. Còn “thùng để bưu kiện chuyển phát nhanh mở” là hộp lớn được lắp đặt tại các cơ sở công cộng như nhà ga và trung tâm thương mại thay vì nhà ở, nhiều người có thể sử dụng.

0thảo luận