Trang chủ

Nhật Bản sống chung với COVID-19

Đăng ngày: 12-06-2023, 21:12 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 3

Phan Cao Nhật Anh1

Tóm tắt: Đại dịch COVID-19 bùng phát tác động mạnh đến cuộc sống người dân trên toàn thế giới, khiến các nước đưa ra các chiến lược ứng phó. Nhật Bản là quốc gia sớm cố gắng thực hiện sống chung với COVID-19. Đây là lối sống mới dựa trên điều kiện căn bản là bao phủ tiêm vắc xin, đảm bảo an toàn khi tham gia các hoạt động xã hội. Phương thức làm việc từ xa là sự thay đổi nhằm giảm tụ tập đông người phòng chống lây nhiễm. Bài viết phân tích thay đổi cơ bản trong xã hội sống chung với COVID-19 tại Nhật Bản.

Từ khóa: Nhật Bản, COVID-19, tiêm chủng, làm việc từ xa, sống chung với COVID-19


1. Tình hình COVID-19 tại Nhật Bản[1]

Cuối tháng 1 năm 2020, viêm phổi do virus chủng mới Corona bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc, lây lan tác động xấu đến toàn thế giới. Tính đến ngày 30/1/2022, tại Nhật Bản có 2.604.826 người nhiễm COVID-19, 18.737 người tử vong. Đại dịch COVID-19 ở Nhật Bản lây lan thành 5 làn sóng: làn sóng thứ nhất diễn ra trong tháng 4 năm 2020 với số ca nhiễm nhiều nhất là 720 người/ngày; làn sóng thứ hai từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8 năm 2020, với số ca lây nhiễm mới nhiều nhất là 1.605 người/ngày; làn sóng lây nhiễm thứ ba bắt đầu từ đầu tháng 11 năm 2020 đến đầu năm 2021, lập đỉnh 7.882 ca nhiễm trong ngày 8/1/2021; làn sóng thứ tư diễn ra vào tháng 5 năm 2021 và đạt đỉnh với 7051 người nhiễm trong một ngày; làn sóng thứ 5 diễn ra vào tháng 8 năm 2021 với đỉnh là 25.992 ca nhiễm trong một ngày[2]. Đầu năm 2022, với sự xuất hiện của chủng mới Omicron, Nhật Bản đang phải ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ sáu với tốc độ lây nhiễm lớn hơn. Như vậy, tại Nhật Bản làn sóng lây lan sau có quy mô và cường độ cao hơn các làn sóng trước.

Trước tình hình lây lan của đại dịch COVID-19, Nhật Bản đã 4 lần ban bố tình trạng khẩn cấp. Lần thứ nhất vào ngày 7/4/2020, Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp ở 7 tỉnh gồm Tokyo, Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka. Sau đó, ngày 16/4/2020, tình trạng khẩn cấp được mở rộng ra toàn quốc để ngăn dịch bùng phát ở các địa phương, đặc biệt là trong đợt nghỉ lễ kéo dài từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Lần thứ hai, tình trạng khẩn cấp có hiệu lực từ ngày 8/1/2021 đến ngày 7/2/2021, ban đầu được áp dụng đối với Tokyo và 3 tỉnh Kanagawa, Saitama, Chiba, sau đó mở rộng đối với 7 tỉnh nữa là Osaka, Hyogo, Kyoto, Aichi, Gifu, Fukuoka và Tochigi. Tình trạng khẩn cấp lần thứ ba ban đầu được áp dụng với 4 tỉnh thành Tokyo, Osaka, Hyogo và Kyoto, từ 25/4 đến ngày 11/5, nhưng do diễn biến COVID-19 phức tạp, tình trạng khẩn cấp được kéo dài đến 31/5 và mở rộng phạm vi với Aichi, Fukuoka Hokkaido, Okayama và Hiroshima. Tình trạng khẩn cấp lần thứ tư có hiệu lực tại 13 tỉnh thành là Tokyo, Osaka, Saitama, Chiba, Kanagawa, Ibaraki, Tochigi, Gunma, Shizuoka, Kyoto, Hyogo, Fukuoka và Okinawa, từ ngày 12/7 đến hết ngày 22/8, thời gian diễn ra Olympic Tokyo. Theo đó, tình trạng khẩn cấp thứ ba và thứ tư chỉ cách nhau khoảng hai tuần và các biện pháp phòng chống lây lan dường như không có tác dụng.

Khi đại dịch bùng phát, ban đầu một số nước sử dụng biện pháp phong tỏa chặt chẽ nhằm chặn đứng virus ngoài biên giới nhưng không khả thi. Chính sách “không COVID” đã không còn hiệu quả, nhân loại buộc phải sống chung với dịch bệnh này. Nhiều nước đã thực hiện chiến lược sống chung an toàn với COVID-19, mà trụ cột là tăng tỷ lệ tiêm vắc xin, tiêm mũi tăng cường, phát triển vắc xin nội địa, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người… Nhật Bản đã sớm theo đuổi chiến lược sống chung với COVID-19, chỉ áp dụng phong tỏa từng phần cùng một số biện pháp hạn chế không bắt buộc, chủ yếu dựa trên tinh thần hợp tác của người dân, vốn có thói quen đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội.

“Sống chung với COVID” (with Covid) là ý tưởng về việc kiểm soát sự lây nhiễm ở mức độ mà không làm sụp đổ hệ thống chăm sóc y tế và sống chung lâu dài với COVID-19 nhằm ngăn chặn thiệt hại kinh tế to lớn do mục tiêu loại trừ COVID. Trong khi đó, cách tiếp cận “không COVID” (zero Covid) là ý tưởng theo đó nếu số người bị nhiễm giảm xuống còn 0, nền kinh tế có thể được phục hồi sau đó, vì vậy hiện tại nên chịu đựng và trong tương lai sẽ có được lợi ích.

Thời đại sống chung với COVID-19 (có thể gọi là “with Corona”, “after Corona” hay “bình thường mới”) dùng để chỉ lối sống mới cần có trong đại dịch hiện nay. Thiết lập lối sống mới hay bình thường mới là cuộc sống mà coi sự tồn tại của dịch COVID-19 là “bình thường”. Trong đó, điều căn bản là yêu cầu cả cá nhân và xã hội phải thực hiện các biện pháp triệt để chống lại sự lây nhiễm COVID-19. Thời đại sống chung với COVID-19 đòi hỏi người dân phải điều chỉnh hành vi của chính mình để đáp ứng với những thay đổi của điều kiện xã hội.

Xã hội sống chung với COVID-19 là một sự thay đổi lớn, và không thể trở lại bình thường như trước. Thực tế, quan điểm về "bình thường mới" này được sử dụng lần đầu tiên vào đầu những năm 2000 khi internet trở nên phổ biến trên toàn thế giới và các công ty công nghệ quy mô lớn xuất hiện của nhà đầu tư Roger McNamee. Suy nghĩ rằng với sự ra đời của xã hội internet, các mô hình kinh doanh thông thường và logic kinh tế sẽ không còn hoạt động nữa.

Năm 2009, sau cú sốc Lehman, nhà kinh tế học Mohamed Ellerian đã đề xuất điều bình thường mới thứ hai trong cuốn sách của mình. Ông lập luận rằng ngay cả khi nền kinh tế phục hồi sau một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, nó sẽ không trở lại xã hội ban đầu trừ khi nó giải quyết được các vấn đề cơ bản. Trên thực tế, thiệt hại do cú sốc Lehman gây ra đã thay đổi mạnh mẽ ý thức của con người và đã có sự tiến triển trong quá trình chuyển đổi từ một xã hội tư bản sang một xã hội bền vững.

Với sự lây lan của COVID-19 trên toàn thế giới, kỷ nguyên bình thường mới thứ ba đã đến. Bình thường mới là lối sống cần có trong thời đại “with Corona” và “after Corona”, yêu cầu cả cá nhân và xã hội phải thực hiện các biện pháp triệt để chống lại sự lây nhiễm virus corona. Trong thời đại bình thường mới, đòi hỏi phải cập nhật hành vi của chính mình và lối sống để đáp ứng với những thay đổi của điều kiện xã hội. Thực tế, nhiều người dân Nhật Bản có quan điểm cùng tồn tại với COVID-19, không gây ra sự sụp đổ của hệ thống y tế khi khoảng 60% tán thành sống chung với COVID-19 và chỉ 22% phản đối (hình 1).


Hình 1: Quan điểm về “sống chung với COVID” và “không COVID”

Nhật Bản sống chung với COVID-19

Nguồn: Điều tra của 日本トレンドリサーチ (2021)


2. Phủ rộng tiêm chủng vắc xin

Các nước phát triển đặt mục tiêu tăng nhanh số người tiêm vắc xin để ngăn chặn những đợt bùng phát dịch mới và coi đây là cách tốt nhất để cuộc sống trở lại bình thường. Tuy các mũi tiêm không thể ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan virus như kỳ vọng, song vắc xin có hiệu quả tốt trong việc giảm thiểu tỷ lệ tử vong cũng như ngăn ngừa bệnh trở nên trầm trọng. Vắc xin là vũ khí quan trọng nhất trong chiến lược kiểm soát và sống chung an toàn với COVID-19.

Tiến trình bao phủ vắc xin ở Nhật Bản được xuất phát không nhanh hơn so với các quốc gia khác. Việc tiêm chủng Pfizer bắt đầu ở Anh vào tháng 12 năm 2020, nhưng ở Nhật Bản chậm khoảng hai tháng. Pfizer đã nộp đơn xin phê duyệt tại Nhật Bản vào tháng 12 năm 2020. Các thử nghiệm lâm sàng và xác nhận hiệu quả của chúng được tiến hành ở nước ngoài, song ở Nhật Bản, thử nghiệm lâm sàng bổ sung đã được thực hiện thêm một lần nữa. Nhật Bản đã mất khá nhiều thời gian từ giai đoạn chấp nhận vắc xin, phân phối đến tiêm chủng.

 


Hình 2: Tỷ lệ dân số đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin (thời điểm 11/5/2021)

Nhật Bản sống chung với COVID-19

Nguồn: Our World in Data (2021)

Hình 3: Tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi theo lứa tuổi (tháng 12/2021)

Đơn vị %

Nhật Bản sống chung với COVID-19

Nguồn: ニッセイ基礎研究所 (2021)

 

Tuy nhiên, Nhật Bản đã ứng phó nhanh chóng, nỗ lực triển khai tiêm vắc xin trong năm 2021. Theo điều tra, vào tháng 9 năm 2021, tỉ lệ hoàn thành 2 mũi vắc xin là 61,4%, 1 mũi  là 12,1%. Đến tháng 12 năm 2021, con số này lần lượt là 84,3% và 0,8%. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một nhóm nhỏ không tiêm vắc xin. Cụ thể, vào thời điểm tháng 12/2021, 5,4% chưa đăng ký tiêm và không muốn tiêm; 5,2% chưa đăng ký tiêm và hoàn toàn không muốn tiêm vắc xin[3].

Như vậy, trong năm 2021, tỷ lệ tiêm 2 mũi ở mọi lứa tuổi đều trên 75%, trong đó nhóm tuổi từ 60 trở lên đạt trên 90%. Tỷ lệ đã tiêm mũi 3 là 1,1%, đang chờ ngày tiêm 2,8%, số người muốn tiêm là 85% và lượng không muốn tiêm là 11%. Trong bối cảnh chủng Omicron lây lan mạnh, Nhật Bản đang thúc đẩy hơn nữa việc tiêm mũi 3 tăng cường, phục hồi hiệu quả vắc xin đang bị suy giảm để phòng chống dịch bệnh. Với việc đẩy nhanh tiêm phòng, khả năng miễn dịch cộng đồng sẽ sớm đạt được. Nếu 60% đến 90% người dân có thể có được khả năng miễn dịch thì chuỗi lây nhiễm sẽ dừng lại và nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm xuống, kể cả những người không được tiêm chủng. Tiêm chủng sẽ đảm bảo an toàn và yên tâm để bình thường hóa các hoạt động kinh tế trong nước[4].

Bên cạnh bao phủ vắc xin, để nhanh chóng phục hồi các hoạt động kinh tế và giao thương quốc tế, nhiều nước trên thế giới áp dụng và triển khai mạnh mẽ chính sách “hộ chiếu vắc xin” đối với những người đã được tiêm phòng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Chứng nhận tiêm vắc xin không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất cảnh mà còn đảm bảo cho hoạt động trong nước. Các cụm lây nhiễm có nhiều khả năng xảy ra ở các bệnh viện, trường học, cơ sở kinh doanh, nhà hàng... Nếu các nơi đó đạt được tiêm chủng, sẽ ngăn chặn cụm lây lan.

“Hộ chiếu vắc xin” được Chính phủ Nhật Bản triển khai bằng cách phát hành dưới dạng một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Hành khách sẽ quét mã QR tại các sân bay trước khi lên máy bay hoặc khi nhập cảnh Nhật Bản. Ứng dụng sẽ kết nối với hệ thống hồ sơ tiêm chủng (Vaccination Record System), một cơ sở dữ liệu chính phủ về những người đã được tiêm. Giai đoạn đầu, chứng nhận tiêm chủng vắc xin của Nhật Bản sử dụng hình thức bằng giấy, hiển thị các nội dung về họ tên, ngày tháng năm sinh, số hộ chiếu, thời gian tiêm, loại vắc xin và địa điểm tiêm. Ở giai đoạn sau, Nhật Bản chuyển đổi sang giấy chứng nhận điện tử, sử dụng phần mềm cài đặt trên điện thoại thông minh. Chính phủ kỳ vọng giấy chứng nhận vắc xin sẽ góp phần làm giảm gánh nặng thủ tục nhập cảnh, thúc đẩy hoạt động kinh doanh, thương mại quốc tế.

Xây dựng cơ chế "hộ chiếu vắc xin" để thực hiện sống chung với COVID-19, tức là thích nghi và ngăn chặn sự lây nhiễm COVID-19. Theo khảo sát ý kiến của người dân Nhật Bản, hơn một nửa tán thành sử dụng hộ chiếu vắc xin[5] (hình 4).

Chính quyền trung ương Nhật Bản đã gợi ý các doanh nghiệp có thể cung cấp phiếu mua hàng, giảm giá hoặc cấp quyền tiếp cận đặc biệt cho khách hàng có thể chứng minh họ đã được tiêm chủng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính. Việc xuất trình các loại giấy tờ chứng nhận trở thành yêu cầu bắt buộc tại các bệnh viện, viện dưỡng lão và các cơ sở y tế khác, cho các hoạt động du lịch trong nước, tham gia các sự kiện công cộng hoặc các hoạt động trường học.

Về việc sử dụng chứng nhận tiêm vắc xin, 9% đã từng sử dụng, 91% chưa từng sử dụng. Trong số những người đã sử dụng chứng nhận tiêm chủng, lý do cụ thể như sau: phổ biến nhất là “đi du lịch trong nước” (41,7%), tiếp theo là “giảm giá dịch vụ tại nhà hàng” (26,5%), “giảm giá dịch vụ tại cửa hàng bán lẻ” (18,7%), “giảm phí vào cửa tại các cơ sở dịch vụ khác” (13,9%) và “khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế” (13,5%)[6]... Hộ chiếu vắc xin được triển khai nhằm nối lại các hoạt động xã hội. Đây là một nỗ lực tìm kiếm giải pháp thay thế cho lệnh phong tỏa và khích lệ mọi người từ bỏ tâm lý ngần ngại tiêm vắc xin thông qua việc tăng thêm quyền lợi cho người đã tiêm phòng.


Hình 4: Quan điểm về sử dụng hộ chiếu vắc xin

Nhật Bản sống chung với COVID-19

Nguồn: Điều tra của 日本トレンドリサーチ (2021)


3. Định hình phương thức làm việc từ xa

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và tác động của đại dịch COVID-19 như hiện nay, nhiều công ty nhận thấy rằng làm việc từ xa là một biện pháp hiệu quả phòng chống COVID-19. Đây là hình thức nhân viên làm việc ở những nơi khác thay vì ngồi tại công sở, và các nhân viên sẽ kết nối với nhau nhờ các phương tiện liên lạc viễn thông và hệ thống mạng toàn cầu internet.

Thời điểm chưa xảy ra đại dịch COVID-19, để giảm thiểu việc ùn tắc giao thông do Olympic Tokyo có thể gây ra, chính phủ đã khuyến khích nhiều doanh nhiều áp dụng chế độ làm việc từ xa hay còn gọi là làm việc tại nhà. Mặt khác, hình thức làm việc tại nhà có thể giúp phụ nữ cân bằng giữa công việc cơ quan và việc nhà, tạo điều kiện tăng tỷ lệ kết hôn, sinh con, ứng phó với vấn đề già hóa dân số. Sau khi đại dịch bùng phát, chính phủ kêu gọi triển khai làm việc từ xa, coi đây là một biện pháp trong xã hội sống chung với COVID-19.

Tỷ lệ áp dụng của công việc từ xa ở Tokyo là 24,0% vào tháng 3 năm 2020 trước khi đại dịch gây hậu quả, nhưng đã tăng lên 62,7% vào tháng 4 khi tình trạng khẩn cấp đầu tiên được ban bố, sau đó giảm xuống 51,4% vào tháng 12 cùng năm. Nhưng đến năm 2021, tình trạng khẩn cấp được ban bố trở lại và đạt mức 60% trong nửa cuối tháng một. Trong năm 2021, tỷ lệ áp dụng vẫn ở mức gần 55% hoặc hơn, và vào tháng 9 khi sự lây nhiễm lan rộng, nó đã lên tới 65%. Vào tháng 10 năm 2021, khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ là 55,4%[7]. Như vậy, khoảng 60% công ty đã thực hiện làm việc kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19.


Hình 5: Tỷ lệ áp dụng làm việc từ xa của các công ty ở Tokyo

Đơn vị %

Nhật Bản sống chung với COVID-19

Nguồn: 東京都ホームページ (2021)

 

Tỷ lệ thực hiện thay đổi phương thức làm việc tùy thuộc vào quy mô của công ty. Vào tháng 10 năm 2021, tỉ lệ áp dụng phương thức làm việc từ xa là 84,5% số công ty có từ 300 nhân viên trở lên, 57% số công ty có từ 100 đến 299 nhân viên và 47% công ty có từ 30 đến 99 nhân viên (hình 6).


Hình 6: Tỷ lệ thực hiện làm việc từ xa theo quy mô công ty

Đơn vị: %

Nhật Bản sống chung với COVID-19

Nguồn: 東京都ホームページ (2021)

 

Số ngày áp dụng làm việc từ xa trong tuần có sự khác nhau: 48,7% cho 3 ngày trở lên mỗi tuần và 22,7% cho 5 ngày mỗi tuần. Áp dụng nhiều hơn 3 ngày một tuần là 48,7%, dưới 2 ngày trong 1 tuần là 51,3% (bảng 1).


Bảng 1: Số ngày áp dụng làm việc từ xa trong các công ty ở Tokyo

Số ngày áp dụng trong 1 tuần

1 ngày

2 ngày

3 ngày

4 ngày

5 ngày

Tháng 9 năm 2021

30,8 %

19,6 %

11,8%

13,5%

24,3%

Tháng 10 năm 2021

32,2%

19,1%

15%

11%

22,7%

Nguồn: 東京都ホームページ (2021)

 

Sự thích nghi với làm việc tại nhà về lâu dài có thể tái định hình mối quan hệ giữa công việc và gia đình tại Nhật Bản. Đây rõ ràng là sự thay đổi so với phương thức tuyển dụng lao động truyền thống theo phong cách Nhật Bản mà trong đó các lao động có cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào công ty.

Tóm lại, sống chung với COVID-19 không phải là biện pháp hoàn hảo, song có lẽ thích hợp nhất trong bối cảnh bệnh dịch lây lan như hiện nay. Để thực hiện sống chung với COVID-19, điều kiện căn bản là phải phủ rộng tiêm vắc xin cho toàn dân. Nhật Bản đang thực hiện khá tốt chiến lược tiêm chủng cho người dân, đồng thời thúc đẩy phương thức làm việc từ xa, phòng chống lây nhiễm dịch bệnh. Năm 2022, nguy cơ đại dịch bùng phát trở lại vẫn là khó khăn lớn nhất trên con đường thực hiện sống chung với COVID-19, song nhận định chung là khi Nhật Bản và các nước có nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh hơn, đặc biệt là tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 ngày càng tăng lên, những tác động tiêu cực mà COVID-19 gây ra cho đời sống sẽ giảm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Thông tấn xã Việt Nam (2021), Thế giới sống chung an toàn với COVID-19, Chuyên đề tháng 10/2021.
  2. Tsunemi Yohei (2021), 「コロナ前に戻せばいいという話ではない」経団連がテレワーク削減の前にするべきこと (Không phải câu chuyện trở lại thời trước Corona, Keidanren nên làm gì trước việc giảm làm việc từ xa), https://president.jp/articles/-/52050.
  3. ウィズコロナ・ポストコロナ時代の経済活性化に向けて (Hướng tới phục hồi kinh tế trong thời đại sống chung với Corona), https://www.keidanren.or.jp/speech/2021/1129.html.
  4. ニッセイ基礎研究所 (1/2022), 2020・2021 年度特別調査「第7回 新型コロナによる暮らしの変化に関する調査」(Điều tra đặc biệt năm 2020-2021 “Điều tra biến đổi cuộc sống do Corona chủng mới lần thứ 7”), https://www.nli-research.co.jp/files/topics/ 69926_ext_18_0.pdf?site=nli.
  5. 「ウィズコロナ」と「ゼロコロナ」、どっちを支持する?( Sống chung với Corona và Không Corona, ủng hộ bên nào?) (2021), https://dime.jp/genre/1262451/.
  6. NHK (2022), 日本国内の感染者数(NHKまとめ) (NHK tổng hợp số người lây nhiễm tại Nhật Bản), https://www3.nhk.or.jp /news/special/coronavirus/data-all/.
  7. Kumano Hideo (2021), ワクチン・パスポートの応用 (Áp dụng hộ chiếu vắc xin), https://www.dlri.co.jp/report/macro/155848.htm.




[1] TS., Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] NHK (2022), 日本国内の感染者数(NHKまとめ), https://www3.nhk.or.jp/news/special/coronavirus/data-all/. Ngày truy cập 30/01/2022.

[3] ニッセイ基礎研究所 (1/2022), 2020・2021 年度特別調査「第7回 新型コロナによる暮らしの変化に関する調査」, https://www.nli-research.co.jp/files/topics/69926_ext_18_0.pdf?site=nli. Ngày truy cập 30/1/2022.

[4] Kumano Hideo (2021), ワクチン・パスポートの応用, https://www.dlri.co.jp/report/macro/155848.html. Ngày truy cập 22/01/2022.

[5] 「ウィズコロナ」と「ゼロコロナ」、どっちを支持する?, https://dime.jp/genre/1262451/. Ngày truy cập 30/1/2022.

[6] ニッセイ基礎研究所 (1/2022), 2020・2021 年度特別調査「第7回 新型コロナによる暮らしの変化に関する調査」, https://www.nli-research.co.jp/files/topics/69926_ext_18_0.pdf?site=nli. Ngày truy cập 30/1/2022.

[7] Tsunemi Yohei (2021), 「コロナ前に戻せばいいという話ではない」経団連がテレワーク削減の前にするべきこと, https://president.jp/articles/-/52050. Ngày truy cập 30/1/2022.

 

0thảo luận