Trang chủ

Lao động nước ngoài tại Nhật Bản trong thời đại “sống chung với COVID-19”

Đăng ngày: 9-06-2023, 21:01 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 3

Ngô Hương Lan1

Tóm tắt: Bài viết đề cập đến tình hình nhập cảnh của người lao động nước ngoài vào Nhật Bản khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đồng thời khái quát về thực trạng lao động nước ngoài nói chung và lao động Việt Nam nói riêng tại Nhật Bản trong hai năm 2020 và 2021 qua số liệu thống kê thu thập được từ các website chính thức của các cơ quan chính phủ Nhật Bản và các viện nghiên cứu tại Nhật Bản. Từ đó, bài viết cũng đưa ra những nhận định và đánh giá về các vấn đề liên quan đến lao động nước ngoài nói chung và trong đại dịch COVID-19 nói riêng, cũng như phản ứng chính sách của Chính phủ Nhật Bản đối với các vấn đề trên trong sự liên hệ với Việt Nam.

Từ khóa: Sống chung với COVID-19, lao động, nước ngoài, Nhật Bản

 

 

T

ừ đầu năm 2020, virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đã lan rộng trên toàn thế giới, khiến hơn 423 triệu người trên thế giới mắc[1]bệnh, cướp đi sinh mạng của hơn 5,9 triệu người, gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng trong lịch sử. Nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp biên giới mạnh, ngừng xuất nhập cảnh, đóng cửa các nền kinh tế, thực hiện cách ly xã hội… nhằm đối phó với COVID-19, hy vọng sẽ sớm dập tắt được đại dịch. Song, bước sang năm 2021, nhân loại tiếp tục hứng chịu những làn sóng COVID-19 hết sức nặng nề mà điển hình là sự xuất hiện của biến chủng mới - Delta và Omicron. Điều này đã đưa các quốc gia đi từ hy vọng dập tắt đại dịch chuyển sang mục tiêu mới, đó là “sống chung với đại dịch COVID-19”. Trong tình hình xã hội già hóa, thiếu lao động vẫn tiếp tục tiến triển tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã có những đối sách như thế nào đối với vấn đề tiếp nhận lao động nước ngoài trong thời đại sống chung với COVID-19 nhằm đảm bảo thị trường lao động và duy trì sản xuất? Thực trạng lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong đại dịch COVID-19 ra sao, còn tồn tại những vấn đề gì chưa giải quyết được? Đó là những câu hỏi nghiên cứu mà bài viết này đặt ra và cố gắng tìm câu trả lời.

1. Tình hình nhập cảnh của lao động nước ngoài tại Nhật Bản từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát

Từ đầu năm 2020, để hạn chế sự lan truyền của virus từ Vũ Hán, ngày 1/2/2020 Nhật Bản đã áp dụng lệnh hạn chế nhập cảnh từ Hồ Nam, Trung Quốc. Sau đó, do dịch bệnh lan rộng nên từ ngày 7/4/2020 nước này đã áp dụng lệnh hạn chế nhập cảnh đối với 73 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có châu Âu và Mỹ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tình hình tuyển dụng lao động, đánh mạnh vào thị trường lao động Nhật Bản vốn đang gặp nhiều khó khăn do già hóa dân số, mà còn tác động mạnh đến cuộc sống của người lao động nước ngoài ở Nhật Bản, bởi khi muốn trở về nước, họ cũng không thể về được.

Không như dự đoán ban đầu là nền kinh tế sẽ phục hồi theo hình chữ V, đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp khiến Chính phủ Nhật Bản phải áp dụng một số biện pháp cách ly xã hội cho từng vùng, và cuộc chiến đấu với đại dịch Covid-19 đã chuyển từ mục tiêu “không còn dịch bệnh” sang “sống chung với dịch” - “with corona”.

Trước hết, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng “biện pháp biên giới mới” như nới lỏng lệnh hạn chế xuất, nhập cảnh theo lộ trình. Vào quý 3/2020, Nhật Bản bắt đầu áp dụng chế độ cho phép đi lại giữa hai quốc gia dựa trên hiệp định được ký kết riêng giữa hai nước, cho nhập cảnh ngoại lệ đối với các doanh nhân, đồng thời gia tăng các biện pháp đảm bảo an toàn khi xuất, nhập cảnh (bao gồm cách ly), chia làm hai loại “Residence Track” (cách ly hoàn toàn trong 14 ngày) và “Business Track” (trong thời gian cách ly 14 ngày vẫn có thể hoạt động có giới hạn trong phạm vi được cho phép). Từ tháng 7/2020 mở cửa đi lại đối với hai quốc gia Đông Nam Á đầu tiên là Thái Lan và Việt Nam, sau đó mở rộng sang các quốc gia khác theo lộ trình.

Theo số liệu do Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản công bố, trong giai đoạn nới lỏng từ tháng 8/2020 đến tháng 1/2021, số lượng người nước ngoài nhập cảnh vào Nhật Bản tăng nhanh, giai đoạn cao nhất khoảng 60.000 người, phần lớn là người lao động Việt Nam và Trung Quốc, đã phần nào đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động Nhật Bản.

 

Biểu đồ 1: Lộ trình nới lỏng nhập cảnh của Nhật Bản trong năm 2020-2021

Lao động nước ngoài tại Nhật Bản trong thời đại “sống chung với COVID-19”

Nguồn: Theo Suzuki Tomoya, Viện Nghiên cứu chính sách Nhật Bản: 出入国規制と外国人労働者-過去最高も、就労政策には課題も |ニッセイ基礎研究所 (nli-research.co.jp)

 

Tuy nhiên, do đầu năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát trở lại, nên từ ngày 18/3/2021 Chính phủ Nhật Bản lại siết chặt các biện pháp biên giới với việc tạm dừng chế độ ưu tiên “Business Track” và “Residence Track”, tạm dừng xuất nhập cảnh mới từ tất cả các quốc gia và khu vực và tạm dừng các biện pháp đặc biệt tái nhập cảnh đối với các trường hợp đi công tác ngắn hạn.

Làn sóng lây nhiễm thứ tư bùng phát tại Nhật Bản cùng với sự xuất hiện của virus chủng mới Delta vào tháng 4/2021, đồng thời để bảo đảm Olympic Tokyo diễn ra thành công trong tháng 7 và tháng 8/2021, Chính phủ Nhật Bản vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp biên giới nghiêm ngặt. Tuy nhiên, từ tháng 10/2021, Nhật Bản mở cửa trở lại, dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp áp dụng với Tokyo và 18 tỉnh thành khác. Vào ngày 8/11/2021, Nhật Bản tiếp nhận trở lại đối với người lao động Việt Nam theo diện “thực tập kỹ năng”, “kỹ năng đặc định”, “kỹ sư”, “kỹ thuật viên”, “điều dưỡng viên”, tuy nhiên có kèm theo điều kiện tiêm phòng vắc xin và cách ly. Trong tháng 9/2021, đã có 121 lao động Việt Nam được sang Nhật Bản. Đáng tiếc là giai đoạn “nới lỏng” này diễn ra rất ngắn, đến tháng 11/2021, Chính phủ Nhật Bản lại công bố các biện pháp khẩn cấp về siết chặt kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, đặc biệt là biến thể Omicron.

Theo tuyên bố mới nhất của Thủ tướng Nhật Bản Kishida vào ngày 17/2/2022, từ ngày 1/3/2022, Nhật Bản sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới trong bối cảnh có một số dấu hiệu cho thấy số ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm, rút ngắn thời gian cách ly đối với các công dân Nhật Bản và người nước ngoài nhập cảnh vào Nhật Bản từ 7 ngày hiện nay xuống còn 3 ngày, đồng thời nâng giới hạn về số người nước ngoài được phép nhập cảnh mới mỗi ngày từ 3.500 người hiện nay lên 5.000 người/ngày, ngoại trừ vì mục đích du lịch[2].

2. Thực trạng lao động nước ngoài tại Nhật Bản hiện nay

Tính đến tháng 10/2020, lao động nước ngoài vẫn tiếp tục gia tăng tại Nhật Bản, ghi nhận con số 1.724.000 người, tăng 65.000 người so với năm 2019 và là năm thứ 8 liên tiếp tăng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lệnh hạn chế nhập cảnh và nhu cầu của người nước ngoài đến Nhật Bản cũng giảm, tỉ lệ gia tăng lao động nước ngoài tại Nhật Bản chỉ đạt 4,0%, giảm mạnh so với tỉ lệ tăng bình quân từ năm 2013 đến 2019 là 13,6%, đánh dấu một cú sốc giảm lớn.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản về “Số lao động nước ngoài tại Nhật Bản theo quốc tịch”, vào thời điểm tháng 10/2020, Việt Nam có số lượng lao động lớn nhất, 444.000 người, tăng 10,63% so với cùng kỳ năm 2019; tiếp đến là Trung Quốc với 419.000 người, tăng 0,26%, Philippines là 185.000 người, tăng 2,82%, Brazil 131.000 người, tăng 3,21%, Nepal 10.000 người, tăng 8,56%[3].

Tuy nhiên, theo thống kê cuối tháng 10/2021, có 285.080 cơ sở có tuyển dụng lao động nước ngoài tại Nhật Bản, số lao động nước ngoài là 1.727.221 người, so với thời điểm tháng 10/2020 với 267.243 cơ sở và 1.724.328 lao động thì đã tăng 17.837 cơ sở và 2.893 người. Về số cơ sở tuyển dụng lao động nước ngoài và con số người lao động nước ngoài tại Nhật Bản, kể từ năm 2007 khi Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản bắt đầu thực hiện báo cáo thống kê, vẫn đạt mức cao nhất, song so với tốc độ gia tăng của năm trước thì có sự sụt giảm tới 3,5 điểm phần trăm, từ 10,2% giảm xuống còn 6,7%; tốc độ gia tăng lao động nước ngoài cũng giảm mạnh từ 4,0% của năm 2020 xuống còn 0,2% vào năm 2021.


Biểu đồ 2: Sự gia tăng lao động nước ngoài tại Nhật Bản từ năm 2008 đến 2021

Đơn vị: nghìn người

Lao động nước ngoài tại Nhật Bản trong thời đại “sống chung với COVID-19”

Nguồn: Website Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản

 

Nhìn trên biểu đồ 2, có thể thấy trong tổng số 1.727.000 người lao động nước ngoài ở Nhật Bản, người lao động theo tư cách lưu trú cá nhân (visa vĩnh trú, kết hôn với người Nhật…) chiếm tỉ lệ cao nhất là 580.000 người, tiếp theo là chuyên gia, kỹ thuật viên 395.000 người, thực tập sinh kỹ năng cũng chiếm con số khá cao 352.000 người, rồi đến lao động ngoài tư cách lưu trú (du học sinh) 335.000 người, thực tập kỹ năng đặc định 66.000 người.

Xét theo ngành nghề, lao động trong ngành chế tạo chiếm tỉ lệ cao nhất: 27%, tuy nhiên cũng đã giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2020, lao động trong các ngành dịch vụ, bán lẻ cũng giảm 1,3%[4].

Xét theo quốc tịch, vào thời điểm tháng 10/2021 lao động Việt Nam chiếm con số cao nhất với 453.344 người, chiếm 26,2% tổng số người lao động nước ngoài ở Nhật Bản; tiếp đến là Trung Quốc 379.084 người, chiếm 23,0%; đứng thứ ba là Philippines 191.083 người, chiếm 11%[5].

Còn xét về tỉ lệ gia tăng, so với cùng kỳ năm 2020, tỉ lệ tăng cao nhất thuộc về ba quốc gia: Peru với 2.327 người, tăng 8%, Philippines 6.333 người, tăng 3,4%, và Brazil 3.865 người, tăng 2,9%. Mặt khác, Trung Quốc so với năm 2020 đã giảm 22.347 người (-5,3%), Hàn Quốc cũng giảm 1.259 người (-1,8%), Nepal giảm 1.368 người (-1,4%).


Biểu đồ 3: Tỉ lệ lao động nước ngoài tại Nhật Bản năm 2021 xét theo quốc tịch

Đơn vị:%

Lao động nước ngoài tại Nhật Bản trong thời đại “sống chung với COVID-19”

Nguồn: Website Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản

 

Xét theo tư cách lưu trú (bảng 1 và biểu đồ 4), “tư cách lưu trú cá nhân” gồm 580.328 người, chiếm tỉ lệ cao nhất, 33,6% tổng số lao động nước ngoài ở Nhật Bản. Tiếp theo là “tư cách lưu trú lĩnh vực chuyên môn, kỹ thuật” 394.509 người (22,8%), “thực tập kỹ năng” gồm 351.788 người (20,4%), giữ vị trí thứ ba. Tuy nhiên, so sánh với tỷ lệ tăng cùng kỳ năm 2020, “hoạt động đặc biệt” tăng 20.363 người (tăng 44,7%), “tư cách lưu trú theo lĩnh vực chuyên môn, kỹ thuật” cũng tăng 34.989 người (tăng 9,7%). Ngược lại, “hoạt động ngoài tư cách lưu trú” bao gồm du học sinh giảm 38.963 người (giảm 12,7%), “thực tập kỹ năng” giảm 50.568 người (giảm 12,6%). Trong số lao động theo tư cách lưu trú “chuyên môn, kỹ thuật” bao gồm cả “lao động kỹ năng đặc định” là loại tư cách lưu trú mới được thiết lập từ tháng 4/2019, số lao động “kỹ năng đặc định” hiện nay có 29.592 người.

Xem xét đặc điểm của từng quốc gia thì có thể thấy trong lao động Việt Nam, “thực tập kỹ năng” chiếm tỉ lệ cao nhất, 44,6%, tiếp theo là du học sinh “hoạt động ngoài tư cách lưu trú” 24,2%.

 

Bảng 1: Thống kê số lao động nước ngoài theo tư cách lưu trú (đơn vị: người)

Tư cách lưu trú theo lĩnh vực chuyên môn, kỹ thuật

Hoạt động đặc biệt

Thực tập kỹ năng

Hoạt động ngoài tư cách lưu trú (du học sinh…)

Tư cách lưu trú cá nhân

Không rõ

394.509

22,8%

65.928

3,8%

351.788

20,4%

334.603

19,4%

580.328

33,6%

65

0,0%

Nguồn: Website Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản

Biểu đồ 4: Tỉ lệ lao động nước ngoài theo tư cách lưu trú

Đơn vị: %

Lao động nước ngoài tại Nhật Bản trong thời đại “sống chung với COVID-19”

Nguồn: Website Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản

 

Trong số lao động Trung Quốc, “tư cách lưu trú theo lĩnh vực chuyên môn, kỹ thuật” chiếm tỉ lệ cao nhất với 31,7%, tiếp theo đến “tư cách lưu trú cá nhân” là 31,5%. Về lao động Philippines, “tư cách lưu trú cá nhân” chiếm 73,7%, trong đó người có visa vĩnh trú chiếm đến 43,6% tổng số lao động người Philippines. Đối với lao động quốc tịch Brazil, người có “tư cách lưu trú cá nhân” chiếm tới 99,0%, trong đó visa vĩnh trú lên tới 49,1%. Một số điểm đáng lưu ý khác là “thực tập kỹ năng” Indonesia chiếm tới 56,3% lao động người Indonesia, còn đối với Nepal, du học sinh với “hoạt động ngoài tư cách lưu trú” chiếm 37,1% lao động Nepal tại Nhật Bản. Trong các nước nhóm G7 và Hàn Quốc, “tư cách lưu trú theo lĩnh vực chuyên môn, kỹ thuật” chiếm 55,3% ở nhóm lao động quốc tịch G7 và 42,4% ở lao động Hàn Quốc. Theo một thống kê về lao động tại các thành phố và địa phương ở Nhật Bản, lao động nước ngoài tại Tokyo chiếm tỉ lệ cao nhất là 25,7%, sau đó lần lượt là Aichi 7,9% và Osaka 7,6%.


Biểu đồ 5: Tỉ lệ các cơ sở tuyển dụng lao động nước ngoài theo ngành nghề

Đơn vị: %

Lao động nước ngoài tại Nhật Bản trong thời đại “sống chung với COVID-19”

Nguồn: Website Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản

 

Xem xét theo lĩnh vực ngành nghề (biểu đồ 5), các cơ sở tuyển dụng lao động nước ngoài trong lĩnh vực “bán hàng, bán lẻ” chiếm tỉ lệ cao nhất, gồm 52.726 cơ sở, chiếm 18,5%. Tiếp đến là lĩnh vực chế tạo, 52.363 cơ sở, chiếm 18,4%. Các cơ sở dịch vụ khách sạn và ẩm thực đứng thứ ba với 40.692 cơ sở tiếp nhận lao động nước ngoài, chiếm 14,3%. Tuy nhiên, về tỉ lệ gia tăng lao động nước ngoài thì ngành y tế, phúc lợi tăng tới 19,2% so với năm 2020, trong khi ngành bán hàng, bán lẻ và ngành khách sạn, ẩm thực đều tăng 9,2%.

Thực tế có tới 61,1% cơ sở sử dụng lao động nước ngoài ở Nhật Bản có quy mô rất nhỏ, chỉ dưới 30 người. Các công ty vừa và nhỏ (quy mô từ 30-99 người) cũng chiếm tới 17,9%. Công ty, xí nghiệp tầm trung (quy mô 100-499 người) và lớn (trên 500 người) chỉ chiếm trên dưới 10%[6]. Đây là một thực trạng đáng lo ngại bởi nó đặt ra cho chúng ta câu hỏi: người lao động nước ngoài liệu sẽ học hỏi được gì ở những công ty nhỏ như vậy?

Một thực trạng khác gần đây cũng được giới phân tích kinh tế Nhật Bản bàn tới, đó là sự hấp dẫn của Nhật Bản trong việc thu hút lao động nước ngoài bởi mức lương cao đang đi xuống trong vòng 10 năm qua. Chỉ số này được Viện Nghiên cứu kinh tế Dai-ichi Life Group đưa ra bằng cách so sánh mức lương tối thiểu tại Nhật Bản với mức lương tối thiểu tại các quốc gia có số người lao động cao tại Nhật Bản như Việt Nam, Nepal, Indonesia và Trung Quốc (biểu đồ 6).


Biểu đồ 6: Sự thay đổi “Chỉ số hấp dẫn về tiền lương đối với lao động nước ngoài tại Nhật Bản từ năm 2010 đến năm 2020

Đơn vị: lần

Lao động nước ngoài tại Nhật Bản trong thời đại “sống chung với COVID-19”

Nguồn: Viện Nghiên cứu kinh tế Dai-ichi Life Group, 内外経済ウォッチ『日本~外国人労働者受け入れ議論の課題~』(20221月号) | 星野 卓也 | 第一生命経済研究所 (dlri.co.jp)

 

Nhìn trên biểu đồ 6, chỉ số cho thấy sự chênh lệch mức lương cao nhất vẫn thuộc về Việt Nam, nhưng cũng giảm khoảng một nửa trong vòng 10 năm qua, từ mức chênh gần 40 lần so với mức lương tối thiểu ở Nhật Bản năm 2010 giảm xuống còn 20,5 lần vào năm 2020. Các quốc gia khác như Nepal, có mức chênh lệch là 11,2 lần, Indonesia là 4,6 lần và Trung Quốc là 3,6 lần. Như vậy, xu hướng ngày càng giảm mức độ chênh lệch mức lương cơ bản này đồng nghĩa với việc trong tương lai, rất có thể Nhật Bản sẽ không còn là điểm đến được thu hút bởi “mức lương cao” đối với lao động nước ngoài nữa.

3. Một số vấn đề và giải pháp - liên hệ với Việt Nam

Có thể nói, trong đại dịch COVID-19, nhiều vấn đề liên quan đến người lao động nước ngoài nảy sinh tại Nhật Bản, phần nào đã phơi bày những điểm bất cập trong chính sách đối với lao động nước ngoài của quốc gia này. Mặc dù không thể phủ nhận những nỗ lực không ngừng của chính phủ Nhật Bản trong việc hỗ trợ cho người lao động trong đại dịch, nhưng những bất cập xảy ra cho thấy có những nguyên nhân thuộc về vấn đề mang tính cơ cấu, cần phải được từng bước giải quyết bởi hai phía, quốc gia xuất khẩu lao động và quốc gia tiếp nhận lao động.

Một trong những vấn đề nổi lên hàng đầu trong đại dịch COVID-19, đó là người lao động nước ngoài mà phần lớn là du học sinh và thực tập sinh kỹ năng bị mất việc. Nhiều du học sinh bị mất công việc làm thêm hoặc các công việc bán thời gian, không đủ tiền trang trải cuộc sống và đóng học phí, trong khi thực tập sinh kỹ năng bị thất nghiệp, công ty nợ lương, nghiệp đoàn bỏ rơi… họ bị đẩy vào tình trạng túng quẫn, khó khăn dẫn đến làm liều, vi phạm pháp luật. Theo thống kê được Đài truyền hình NHK đưa tin ngày 12/10/2021, vào thời điểm tháng 10/2021, đã có tới 36.800 thực tập sinh Việt Nam hết hạn visa muốn về nước mà không thể về được[7]. Lý do không thể về nước là vì chính sách hạn chế xuất nhập cảnh của cả Nhật Bản lẫn Việt Nam trong những giai đoạn dịch bệnh bùng phát, bên cạnh đó còn do giá vé máy bay tăng cao, có những thời điểm lên tới hơn 30 vạn yên (3.000 USD), người lao động không thể chi trả để về nước[8]. Không việc làm, không nơi ở, túng quẫn dẫn đến làm liều, thực tế số người nước ngoài vi phạm pháp luật ở Nhật Bản tăng cao từ những tháng cuối năm 2020. Hiện nay, những người phạm pháp mang quốc tịch Việt Nam đang chiếm tỉ lệ cao nhất tại Nhật Bản. Đó là một thực trạng đáng buồn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân trực tiếp là do môi trường làm việc bị tác động sâu sắc bởi đại dịch COVID-19. Một thực tập sinh 23 tuổi, đến từ Việt Nam cho biết anh đã phải vay nợ khoản tiền 100 vạn yên (tương đương khoảng 200 triệu đồng) để đến Nhật Bản; với mức lương 14 vạn yên/tháng (28 triệu đồng) và chi tiêu thật tằn tiện, anh có thể gửi về cho gia đình 10 vạn yên/tháng (20 triệu đồng) để trả nợ. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã cướp đi cơ hội việc làm của anh, công ty gặp khó khăn và thu nhập giảm xuống dưới 9 vạn yên (18 triệu đồng), một khoản tiền rất khó để vừa trang trải cuộc sống, vừa tiết kiệm để trả nợ trong thời hạn 2 năm ở Nhật Bản[9]. Còn rất nhiều trường hợp khó khăn hơn trường hợp trên, đó là những người thất nghiệp hoàn toàn, không còn sinh kế nơi đất khách quê người… Tuy nguyên nhân trực tiếp là do đại dịch COVID-19, nhưng nguyên nhân thực sự có lẽ nằm ở vấn đề chính sách. Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản cũng đã chỉ trích việc nước này cho phép sử dụng nguồn lao động là “du học sinh” - những người đến Nhật Bản để học tập chứ không phải để lao động “ngoài tư cách lưu trú” như hiện nay. Bên cạnh đó, chương trình “thực tập kỹ năng” của Nhật Bản với mục đích ban đầu là “hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đóng góp cho sự phát triển khoa học kỹ thuật của các nước đang phát triển”, nhưng lại “được tận dụng như một chế độ nhằm đảo bảo nguồn cung lao động cho Nhật Bản” - quốc gia vốn không thể phủ nhận thực trạng thiếu nhân lực trầm trọng do già hóa dân số. Vậy thì việc xem xét lại chính sách nhập khẩu lao động nước ngoài, nhìn nhận thẳng thắn vào thực tế, cho người lao động nước ngoài vị trí pháp lý rõ ràng, được hưởng các quyền lợi mà họ đáng được hưởng phải chăng chính là bước đi cần thiết đầu tiên của nước sở tại. Về phía Việt Nam, cũng cần quản lý chặt chẽ hơn, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan phái cử lao động để tránh trường hợp người lao động bị lừa đảo, phải trả những khoản chi phí đắt đỏ cho việc sang Nhật Bản làm việc để rồi gồng mình trả nợ.

Vấn đề thứ hai không hoàn toàn liên quan đến đại dịch COVID-19 nhưng là vấn đề tồn tại lâu dài trước và cả sau đại dịch, đó là chế độ chuyển đổi tư cách lưu trú từ visa “thực tập kỹ năng” sang “kỹ năng đặc định loại 1” và “kỹ năng đặc định loại 2”. Trước hết, phải nói rằng chế độ “kỹ năng đặc định” là một bước đi mới của Chính phủ Nhật Bản vào tháng 4/2019 như một sự thừa nhận chính thức về tình trạng thiếu nhân lực do già hóa dân số, đồng thời cũng là chế độ hỗ trợ cho thực tập sinh kỹ năng tại Nhật Bản. Chế độ này cho phép người lao động nước ngoài có tay nghề và trình độ tiếng Nhật đủ để có thể làm việc ngay tại Nhật Bản mà không phải qua đào tạo sẽ được tuyển dụng sang Nhật Bản làm việc trong thời gian tối đa là 5 năm; đây cũng là chế độ hỗ trợ cho thực tập sinh sắp hết hạn visa được chuyển đổi tư cách lưu trú từ “thực tập kỹ năng” sang “kỹ năng đặc định” để có thể kéo dài thời gian làm việc tại Nhật Bản trong 14 ngành nghề “đặc định” mà chính phủ nước này quy định như: ngành chăm sóc điều dưỡng, vệ sinh tòa nhà, ngành vật liệu, chế tạo máy công nghiệp, điện - điện tử, xây dựng, đóng tàu và thiết kế hàng hải, bảo dưỡng ô tô, hàng không, nông, lâm, ngư nghiệp, phục vụ ăn uống… “Kỹ năng đặc định loại 2” là loại tư cách lưu trú có nhiều quyền lợi hơn loại 1, đặc biệt có thể nhận được visa “vĩnh trú” nhưng yêu cầu khắt khe hơn và chỉ áp dụng đối với hai ngành nghề mà Nhật Bản đang rất cần lao động là ngành xây dựng và đóng tàu. Có thể nói, đây là cơ hội mở ra cho người lao động nước ngoài tại Nhật Bản, song hiện nay vẫn còn thiếu chính sách hỗ trợ để người lao động có thể dễ dàng nắm bắt thông tin cũng như đạt được loại visa này. Tất nhiên, cũng không thể phủ nhận sự cố gắng của Chính phủ Nhật Bản khi đã đầu tư cải tiến, tăng cường hệ thống hỗ trợ và tư vấn cho người lao động nước ngoài như: gia tăng số lượng tư vấn viên và phiên dịch viên, bổ sung thiết bị phiên dịch đa ngôn ngữ… Đặc biệt, hệ thống văn phòng Hellowork hỗ trợ việc làm, giải quyết các thủ tục ứng tuyển việc làm cũng như xin trợ cấp thất nghiệp với thông tin chính xác và đầy đủ đã được trang bị thêm các thiết bị đa ngôn ngữ. Đồng thời, thông tin được cung cấp trên trang web “Cổng thông tin điện tử hỗ trợ cuộc sống cho người nước ngoài” của Cục Quản lý tư cách lưu trú và xuất nhập cảnh Nhật Bản cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tuy vậy, rào cản ngôn ngữ vẫn là một trong những khó khăn lớn mà người lao động nước ngoài gặp phải ở Nhật Bản.

Cuối cùng, việc quản lý tuyển dụng lao động nước ngoài cũng là vấn đề cần phải bàn đến. Như đã đề cập ở phần trên, việc sử dụng du học sinh như một nguồn lao động giá rẻ trong nhiều lĩnh vực ngành nghề gây thiệt thòi cho người lao động bởi họ không được đảm bảo các quyền lợi đầy đủ, điều này đã được chứng minh qua thực tiễn đại dịch COVID-19. Ngược lại, lạm dụng nguồn nhân lực nước ngoài cũng sẽ gây tác động ngược trở lại đối với người lao động Nhật Bản, làm mất đi cơ hội việc làm và trải nghiệm của họ, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp tu nghiệp sinh được tuyển dụng sang Nhật Bản làm các công việc mang tính thời vụ, không có sự ổn định cũng như cơ hội để trau dồi kỹ năng nghề nghiệp. Con số 61,1% các doanh nghiệp Nhật Bản đang sử dụng lao động nước ngoài là doanh nghiệp quy mô nhỏ dưới 30 người và con số gần 20% doanh nghiệp quy mô từ 30-99 người như đã đề cập ở phần trên cho thấy sự bấp bênh trong công việc cũng như cơ hội được đào tạo của lao động nước ngoài. Mặt khác, xu hướng giảm sút sự thu hút về mức lương ở Nhật Bản như đã trình bày ở biểu đồ 6, cũng như thực trạng già hóa dân số đang diễn tiến nhanh chóng tại các quốc gia xuất khẩu lao động chủ chốt sang Nhật Bản như Việt Nam và Trung Quốc cho thấy nguồn lao động nước ngoài đến Nhật Bản có thể bị thu hẹp trong tương lai, và việc phụ thuộc quá nhiều vào lao động nước ngoài ít nhiều sẽ gia tăng rủi ro cho nền kinh tế nước này. Như vậy, tuyển dụng lao động nước ngoài cũng cần phải được “quy hoạch” với các kế hoạch cụ thể cho phép ngành nghề nào được tuyển dụng, tỉ lệ tuyển dụng là bao nhiêu, áp dụng dựa trên quy mô và lĩnh vực ngành nghề của từng công ty. Nói cách khác, việc tiếp nhận lao động nước ngoài cần phải được thực hiện song song với điều chỉnh các chính sách lao động và ngành nghề của Nhật Bản.

Kết luận

Già hóa dân số sâu sắc và những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng nhu cầu về nguồn nhân lực của Nhật Bản hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, các chính sách đối với lao động nước ngoài của Nhật Bản lại chưa theo sát thực tiễn, chưa đem lại hiệu quả cao, cần phải được cải cách đồng bộ với các chính sách về thị trường lao động và ngành nghề. Có lẽ, việc tiếp nhận người lao động nước ngoài trên danh nghĩa “thực tập kỹ năng” và “du học sinh” cần được điều chỉnh nhằm đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho người lao động. Chính sách “tiếp nhận và cộng sinh với người lao động nước ngoài” được Chính phủ Nhật Bản ban hành năm 2018 và chế độ “kỹ năng đặc định” được thực hiện từ tháng 4 năm 2019 đã cho thấy những bước đi mạnh mẽ, sát thực tế hơn của Nhật Bản. Về phía Việt Nam, chúng ta cũng cần quản lý chặt chẽ và có chế tài nghiêm ngặt đối với các công ty phái cử lao động Việt Nam sang Nhật Bản, cũng như chuẩn bị cho người lao động một lộ trình học tập đầy đủ về ngôn ngữ, văn hóa và kỹ năng chuyên môn để có thể nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống lao động và học tập tại Nhật Bản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phan Cao Nhật Anh, “Lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong giai đoạn bình thường mới”, Hội thảo khoa học Hiện trạng lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong trạng thái “bình thường mới”, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, 17/11/2021.
  2. Báo cáo về hiện trạng lao động nước ngoài tại Nhật Bản, Website Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản: 000391311.pdf (mhlw.go.jp).
  3. Hoshino Takuya, “Thảo luận về vấn đề tiếp nhận lao động nước ngoài của Nhật Bản”, tháng 1/2022, Website Viện Nghiên cứu kinh tế Dai-ichi Life Group: 内外経済ウォッチ『日本~外国人労働者受け入れ議論の課題~』(2022年1月号) | 星野 卓也 | 第一生命経済研究所 (dlri.co.jp).
  4. Ngô Hương Lan, “Tình hình lao động nước ngoài tại Nhật Bản trong đại dịch COVID”, Hội thảo khoa học Hiện trạng lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong trạng thái “bình thường mới”, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, 17/11/2021.
  5. Ngô Hương Lan, “Vấn đề chuẩn bị các kiến thức về ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản của du học sinh và thực tập sinh Việt Nam trước khi sang Nhật”, Hội thảo Quốc tế Vấn đề người lao động Việt Nam tại Nhật Bản - Xem xét tác động của đại dịch COVID-19 và xây dựng đối sách mới, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, ngày 2/12/2020.
  6. Website Viện Nghiên cứu chính sách Nhật Bản Nisei: https://www.nli-research.co.jp/.
  7. Website Cơ quan hợp tác nhân lực quốc tế JITCO: https://www.jitco.or.jp/.
  8. Website Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản: ホーム|厚生労働省 (mhlw.go.jp).

 



[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

[3] Nguồn: Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, “Báo cáo về tình hình tuyển dụng lao động nước ngoài”, tháng 10/2021: 000887553.pdf (mhlw.go.jp).

[4] Nguồn: Website Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, 000887553.pdf (mhlw.go.jp), truy cập ngày 22/2/2022.

[5] Nguồn: Website Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, Tlđd.

[6] Nguồn: Cơ quan hợp tác nhân lực quốc tế JITCO, https://www.jitco.or.jp/.

[7] Nguồn: Bản tin NHK ngày 12/10/2021, https://www3.nhk.or.jp/news/html/20211012/k10013301751000.html.

[8] Theo bản tin NHK ngày 12/10/2021, Tlđd.

[9] Theo bản tin NHK ngày 12/10/2021, Tlđd.

 

0thảo luận