Trang chủ

Đại dịch COVID-19 mang đến cho xã hội Nhật Bản điều gì?

Đăng ngày: 5-06-2023, 20:55 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 3

Ito Tetsuji1

Tóm tắt: Trong bài viết này, tác giả - một nhà tâm lý học xã hội Nhật Bản nhận định về tác động xã hội của đại dịch COVID-19 trên cơ sở xem xét thực trạng xã hội trong hai năm qua, kể từ khi đại dịch bùng phát đầu năm 2020 đến thời điểm hiện tại, tháng 2/2022. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội dân sự Nhật Bản, đó là điều không cần phải bàn cãi, tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng không phải mọi tác động đều theo hướng tiêu cực. Trong khi đề cập đến Thế vận hội Olympic được tổ chức trong đại dịch COVID-19, tác giả cố gắng nắm bắt những vấn đề của một xã hội Nhật Bản hiện đại đang dần sáng tỏ trong đại dịch, đồng thời cũng chỉ ra rằng mặc dù sự xuất hiện của một xã hội dân sự hoàn thiện là điều không dễ dàng, nhưng đã thấy manh nha con đường dẫn tới đó.

Từ khóa: Đại dịch COVID-19, xã hội dân sự, “chiến lược” của virus

 

 

1. Ở Tokyo, số lượng quạ giảm và dân số cũng giảm

Tiêu đề nổi bật trên trang nhất “Thời báo Tokyo” ngày 25/1/2022 là “Quạ trong thành phố giảm mạnh”. Theo bài báo, số lượng quạ sinh sống ở[1]khu vực trung tâm Tokyo đột nhiên giảm xuống chỉ còn 1/7 so với mức đỉnh điểm. Loài chim đen lớn vốn đã hoàn toàn hòa nhập với cảnh quan đô thị, quen thuộc với người dân Nhật Bản, có thể khá lạ lẫm đối với người Việt Nam. Ở Nhật Bản, nó là loài chim ăn rác trước khi thu gom, nên không được yêu quý. Một số người thậm chí còn cảm thấy mừng vì số lượng quạ đã giảm. Tuy nhiên, nguyên nhân của sự sụt giảm này không đơn thuần là do tác dụng của những tấm lưới trùm ngăn không cho rác bay, mà còn do ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19, cơ hội đi ăn ngoài của người dân giảm mạnh dẫn đến rác thải từ các nhà hàng cũng giảm và phải chăng đó mới là nguyên nhân chính?

Quạ không phải là loài duy nhất giảm ở Tokyo. Tương tự, theo một bài báo khác trên tờ “Thời báo Tokyo” ngày 29/1/2022, đại dịch COVID-19 làm giảm sự tập trung dân cư ở Tokyo, nhiều người bỏ trung tâm thành phố di cư đến các tỉnh lân cận. Đã hai năm trôi qua kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Có lẽ việc sử dụng internet để làm việc từ xa đã trở nên khá phổ biến và nếu như bạn có thể làm việc thoải mái trong điều kiện như vậy thì bạn không nhất thiết phải sống ở trung tâm thành phố, nơi có mật độ dân cư và vật giá cao. Chúng ta không biết liệu động thái này có tiếp tục tăng trong tương lai hay không nhưng đối với những người buộc phải di chuyển bằng những chuyến tàu đông đúc hàng ngày để đến nhiệm sở trong lòng thủ đô thì có thể nói, đây là một cơ hội khá tốt.

Tuy nhiên, dân số Tokyo không giảm ngay lập tức. Tùy thuộc vào loại công việc, có nhiều việc không thể làm từ xa được. Những công việc thiết yếu trong đại dịch như nhân viên y tế, điều dưỡng viên… làm việc trực tiếp là đương nhiên, song nhân viên vệ sinh thu gom rác để không bị quạ phá hoại cũng không thể làm việc trực tuyến. Bên cạnh đó, có rất nhiều người chọn sống trong thành phố không chỉ đơn thuần vì lý do muốn ở gần nơi làm việc. Tokyo, Osaka hay những thành phố lớn khác đều là nơi tập trung rất nhiều tiện ích, sống trong môi trường tiện lợi để trải nghiệm cuộc sống phồn hoa đô thị cũng có thể là lựa chọn của nhiều người. Ngược lại, có lẽ một trong số chúng ta lại thấy rằng việc sử dụng internet có thể tạo thêm khoảng không gian riêng tư mà không làm mất đi sự tiện lợi trong cuộc sống.

2. Những người không “ở nhà” (stay home) và không thể “ở nhà”

Từ được sử dụng khá nhiều kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát có lẽ là “hãy ở nhà” (“Stay home!”). Điều này được hiểu rằng chúng ta nên hạn chế đi ra ngoài nếu không thật sự cần thiết hoặc không cấp bách, cố gắng giảm thiểu việc tiếp xúc với người khác nhiều nhất có thể. Tuy nhiên, điều gì được coi là “không cần thiết” và “không cấp bách” lại tùy thuộc vào giá trị quan của mỗi người. Ví dụ, những thứ liên quan đến nghệ thuật và văn hóa có thể được coi là “không cần thiết, không cấp bách”, song đối với những người cho rằng đi xem một buổi hòa nhạc cổ điển là phần thú vị nhất và không thể thiếu trong cuộc sống của họ, sẽ không thuyết phục nếu nói với họ rằng đó là điều “không cần thiết, không cấp bách”. Nội hàm của sự “không cần thiết và không cấp bách”, nếu bạn thay đổi vị trí và quan điểm của mình thì đó là điều không dễ phán một cách đơn giản.

Về vấn đề “ở nhà”, nhà văn Yu Miri từng viết: “Liệu có bao nhiêu người có thể hình dung trong trí tưởng tượng của họ về những người vô gia cư không có một chỗ trú chân, không có lấy một nơi để trở về cái gọi là “nhà”? Chính tác giả cũng khá bất ngờ khi lần đầu tiên nghe các chính trị gia kêu gọi “hãy ở nhà”. Có lẽ, không ít người trong số họ mặc nhiên nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ “vô gia cư”. Nhưng tất cả chúng ta đều có thể mất ngôi nhà - nơi mà chúng ta yên tâm ở lại.

Cho dù có “nhà” để ở, nhưng nếu “nhà” là nơi bạo lực gia đình đang hoành hành thì liệu có chắc rằng chúng ta có thể yên tâm ở đó, hay ngay từ đầu đã muốn “thoát ra” khỏi nơi ấy? Về bản chất, nhà là nơi bạn có thể nhẹ nhõm trở về mỗi ngày và thoải mái khi ở đó, nhưng thực tế không phải ai cũng được đảm bảo. Điều 25 Hiến pháp Nhật Bản quy định rằng “mọi người dân đều có quyền sống lành mạnh trong môi trường văn hóa được đảm bảo”, song đối với những người không thể thực hiện đầy đủ quyền lợi ấy thì “hãy ở nhà” rất có thể sẽ trở thành một mệnh lệnh lạnh lẽo và vô cảm.

3. Thế vận hội Olympic được tổ chức trong hoàn cảnh đặc biệt

Đại dịch COVID-19 bùng phát dẫn đến các trường học bị đóng cửa và nhiều sự kiện bị hủy bỏ. Rất nhiều lễ hội truyền thống địa phương vốn được người dân mong chờ đã không còn được tổ chức hoặc đã được chuyển thành các sự kiện trực tuyến. Trong đại dịch, vì sự an toàn, chúng ta đành quyết định bỏ đi cơ hội được cùng nhau chia sẻ những khoảng không gian và thời gian rực rỡ tuyệt đẹp của lễ hội khi trực tiếp tham gia. Tất nhiên, đây là điều không ai muốn, và chắc hẳn mỗi chúng ta đều tin rằng tình trạng này không thể kéo dài mãi mãi, “cực chẳng đã mà thôi”.

Năm 2020, khi sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2 mới lan rộng, cũng là năm mà theo kế hoạch Thế vận hội Olympic được tổ chức lần thứ hai tại Tokyo. Sinh ra vào năm 1964 (năm Chiêu Hòa thứ 39), khi Olympic Tokyo lần đầu được tổ chức, tác giả có những cảm xúc trái chiều phức tạp đối với một thế vận hội ít nhiều mang màu sắc thương mại và chính trị, bên cạnh những giá trị thể thao - văn hóa tích cực của nó. Một năm trước đây, nhiều người Nhật thậm chí còn không thể tưởng tượng rằng Olympic Tokyo sẽ bị hoãn lại. Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta còn nhớ trong lịch sử nhân loại đã từng vài lần xảy ra đại dịch như dịch cúm Tây Ban Nha đầu thế kỷ XX, dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) ở Trung Quốc, Việt Nam đầu thể kỷ XXI... Điều này cuối cùng cũng xảy ra ở Nhật Bản vào thời điểm hiện tại, khi mà y học đã phát triển vượt bậc. Thật khó có thể tưởng tượng được! Xã hội hiện đại của chúng ta vẫn dễ bị tổn thương và bị tấn công bởi loại virus “tinh vi xảo trá”, quá nhỏ để có thể nhìn thấy chúng!

Tuy nhiên, Olympic Tokyo không bị hủy bỏ. Nhờ ý chí mạnh mẽ của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và Chính phủ Nhật Bản, Thế vận hội đã được tổ chức vào mùa hè năm 2021, chậm lại một năm so với dự kiến ban đầu trong bối cảnh bất thường không có khán giả, giữa những luồng ý kiến trái chiều “ủng hộ” và “không ủng hộ”. Chắc chắn sự đua tài của các vận động viên hàng đầu thế giới là tuyệt vời và rất thu hút qua ti vi, song trong bối cảnh nhiều sự kiện bị hủy bỏ, Olympic Tokyo được tổ chức một cách đặc biệt với một lực lượng bảo vệ lớn, lại trùng với thời điểm dịch COVID-19 tăng trở lại và tình trạng khẩn cấp được ban bố ở Tokyo, khó có thể biện minh cho tính thuyết phục của nó. Điều này có thể gây áp lực lớn lên hệ thống y tế vốn đã căng thẳng.

Tính đến thời điểm tác giả viết bài này (tháng 2/2022), Thế vận hội Mùa đông đang được tổ chức tại Bắc Kinh. Làn sóng lây nhiễm COVID-19 cũng lan rộng trở lại ở Trung Quốc và có vẻ như các quy định nghiêm ngặt hơn so với thời điểm diễn ra Thế vận hội Tokyo. Gánh nặng về mọi mặt, tất nhiên bao gồm cả gánh nặng đối với hệ thống y tế chắc chắn không hề nhỏ. Sự kiện quốc tế được gọi là “Thế vận hội Olympic” được tổ chức cho đến nay là gì? Tác giả cho rằng một cuộc tranh luận toàn cầu như vậy có thể xảy ra vào thời hậu COVID-19. Không khó để hiểu rằng sự kiện này mang đến nhiều lợi ích không thể bỏ qua, nhưng nếu chúng ta nhìn nhận thế vận hội theo một cách khác, tách rời quan điểm cho rằng đây là sự kiện đặc biệt, mà coi nó là một cuộc tranh tài thể thao phi chính trị, phi thương mại thì phải chăng có thể tổ chức ở quy mô nhỏ hơn, như một sự kiện thể thao toàn diện kết hợp với Paralympic?

4. Chiến lược của virus Corona

Hiện tại (tháng 2/2022), Omicron – một biến thể mới của virus COVID-19 đang gây ra sự bùng nổ lây nhiễm trên toàn cầu. Vào mùa thu năm 2021, tình hình ở Nhật Bản vẫn còn khá êm đềm, song đúng như dự đoán, từ đầu năm 2022, làn sóng thứ 6 - làn sóng lây nhiễm lớn nhất từ trước đến nay đã ập đến. So với chủng Delta, Alpha và các chủng thông thường ban đầu, biến chủng Omicron được cho là có khả năng lây nhiễm cực cao. Mặc dù chính chúng ta, gia đình hoặc những người xung quanh còn chưa nhiễm bệnh, nhưng không thể biết rằng bao giờ căn bệnh này sẽ “gõ cửa”. Tất nhiên, chúng ta đã thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm như rửa tay, đeo khẩu trang, khử khuẩn, tránh “3 tiếp xúc gần” như khuyến cáo, nhưng cho dù có phòng tránh kỹ đến đâu thì virus vẫn có thể lọt qua khe hở, cũng như cho dù có thực hiện các biện pháp biên giới mạnh cỡ nào thì virus vẫn có thể xâm nhập qua biên giới quốc gia.

Tuy chủng mới Omicron có khả năng lây nhiễm cao, nhưng người ta cho rằng tỷ lệ mắc các triệu chứng nặng và tử vong lại tương đối thấp so với các chủng trước đó. Nói cách khác, mặc dù cực kỳ dễ lây lan nhưng nó ít cướp đi sinh mệnh của người nhiễm. Các chủng trước đây không có khả năng lây nhiễm cao, nhưng tỷ lệ mắc triệu chứng nặng và tử vong tương đối lớn. Vậy sự thay đổi này có ý nghĩa gì?

Tác giả không cho rằng virus có “tính cách” hay “ý chí” như con người. Tuy nhiên, kết quả cho thấy nếu virus cũng có chiến lược, thì có vẻ như chiến lược của nó đang theo hướng lây nhiễm cao nhưng ít triệu chứng nặng và tỉ lệ tử vong thấp.

Vào thời kỳ đầu của đại dịch COVID-19, những người bị đe dọa tính mạng trở nên nổi bật, trong số đó có cả những người nổi tiếng như Ken Shimura, một diễn viên hài được yêu thích tại Nhật Bản, đã mất trong đại dịch COVID-19 vào tháng 3/2020, hưởng thọ 70 tuổi... Điều này đã tác động mạnh mẽ đến người dân Nhật Bản. Thời điểm này vắc xin vẫn còn chưa phát triển, khẩu trang khan hiếm và khó kiếm đến nỗi chúng ta vẫn chưa rõ phải làm gì và giải quyết vấn đề như thế nào? Nếu tất cả những người bị nhiễm bệnh đều tử vong thì con đường “tự đổi mới” của virus nghiễm nhiên sẽ bị cắt đứt. Nhưng không! Nó đã cảnh báo và bao trùm lên chúng ta một nỗi sợ hãi rằng “nếu nhiễm bệnh, bệnh tình sẽ trở nên nghiêm trọng, thậm chí tử vong”, rồi đổi sang chiến lược mở rộng “thế lực”.

Việc tiêm chủng bắt đầu vào năm 2021, mặc dù đã có một số làn sóng lây nhiễm lớn trước khi vắc xin được phổ biến, nhưng có thể nói sự lây nhiễm đã được ngăn chặn đáng kể vào mùa thu năm đó. Như vậy, lúc này khả năng lây nhiễm yếu đã trở thành một “điểm bất lợi” lớn của virus corona. Phải chăng chúng đã thay đổi “chiến lược” theo hướng tự tăng sinh đáng kể và lây nhiễm cho nhiều người, thậm chí dù phải “hy sinh” khả năng gây triệu chứng nặng và tỉ lệ tử vong cao lúc ban đầu. Có lẽ vì vậy mà Omicron, một biến chủng mới đã ra đời để thể hiện “chiến lược” mới của virus? Số người bị nhiễm biến chủng Omicron ngày càng gia tăng, kể cả những người đã được tiêm vắc xin hai lần. Vì vậy, việc tiêm phòng vắc xin lần thứ ba trở nên cấp thiết, nhưng tính đến thời điểm hiện tại (tháng 2/2022) việc tiêm phòng lần ba vẫn còn chưa phủ sóng toàn diện.

Song có lẽ biến chủng Omicron đã “tính toán” sai lầm. Đó là, tuy lây nhiễm cho nhiều người nhưng sức hủy diệt của nó không thể quá mạnh, bởi con người trong lúc cố gắng ngăn chặn nó như ngăn chặn các biến chủng trước đây, đã dần dần thích ứng và chuyển hướng tiêu diệt virus bằng cách phòng ngừa, không cho chúng gây ra những biến chứng nặng. Trên thực tế, ở Nhật Bản giới chuyên môn đã bắt đầu thảo luận về việc định vị lại COVID-19 từ “loại 2” thành “loại 5”, tức là chỉ tương đương như bệnh cúm mùa thông thường trong Luật kiểm soát bệnh truyền nhiễm, nhằm giảm thiểu áp lực cho hệ thống y tế và bảo hiểm. Ở các nước châu Âu cũng vậy, các phong trào nới lỏng “nghĩa vụ đeo khẩu trang” vẫn tiếp tục diễn ra. Phải chăng đang có một sự “thỏa hiệp” giữa con người và virus.

Đối với virus corona, đây có lẽ là một sai lầm chiến lược. Còn từ phía con người chúng ta, thay vì chiến lược “ngăn chặn”, đưa virus về con số không “No Corona” như lúc ban đầu, giờ đây chúng ta đang dần dần chấp nhận giải pháp “cùng tồn tại” - “With corona” ở mức độ hạn chế tối đa những thiệt hại xã hội lớn mà nó có thể gây ra.

5. Giả sử đại dịch COVID-19 xảy ra cách đây 30 năm?

Vào năm 1993, tôi trở thành giảng viên đại học. Đó là câu chuyện của 29 năm về trước. Lúc này đã có máy tính cá nhân, có thư điện tử chỉ trao đổi được văn bản và cũng như có những diễn đàn trao đổi thông tin qua máy tính.

Internet đã phát triển, song vẫn chưa được sử dụng phổ biến. Tất nhiên, thời ấy không có điện thoại thông minh và ngay cả điện thoại di động cũng đã ngoài sức tưởng tượng. Điện thoại cố định là phương tiện cơ bản để những người ở xa có thể liên lạc với nhau và rất khó để liên lạc ngay lập tức nếu người kia không có ở nhà.

Tất nhiên, trào lưu di chuyển toàn cầu đã sôi động vào thời điểm đó. Điều gì sẽ xảy ra với xã hội của chúng ta nếu đại dịch COVID-19 bùng phát? Ngoài khả năng tìm ra vắc xin có thể không nhanh như hiện nay, khi mà y học đã phát triển vượt bậc, thì điều tạo nên sự khác biệt lớn nhất có lẽ là thời ấy không thể sử dụng công cụ trực tuyến để làm việc online như hiện tại. Như chúng ta đều biết, cả ở Việt Nam và Nhật Bản hiện nay, các giờ học trực tuyến được thực hiện không chỉ ở các trường đại học mà cả bậc tiểu học và trung học cơ sở. Nếu tất cả những công cụ này đều không có và cách duy nhất là giảng dạy trực tiếp “mặt đối mặt”, thì có lẽ các trường học chỉ còn nước đóng cửa mà thôi!

Tất nhiên, những ảnh hưởng như vậy không chỉ dừng lại ở lĩnh vực giáo dục, mà nó tác động đến mọi lĩnh vực, mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, vốn được quản lý bằng cách làm việc từ xa. Việc “lockdown” các thành phố (bằng lệnh cấm ra ngoài nghiêm ngặt và hạn chế mạnh đối với các chức năng của đô thị) được thực hiện ở nhiều nơi trên khắp thế giới như hiện nay, nếu là 30 năm về trước, chắc hẳn sẽ phải là một cuộc “đại giới nghiêm toàn xã hội”.

Ngày nay, có nhiều người đã mất đi tính mạng vì đại dịch COVID-19, hoặc mất việc làm, rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Nhưng mặt khác, ở Nhật Bản, nếu đến siêu thị mua đồ, bạn vẫn thấy lượng hàng hóa cũng như số lượng khách mua hầu như không thay đổi. Trường học dù tạm đóng cửa, song với các phương tiện trực tuyến, chức năng giáo dục không hề bị gián đoạn. Không còn nghi ngờ gì nữa, công cụ trực tuyến đang hoạt động vô cùng hiệu quả như một trong những cơ sở hạ tầng xã hội quan trọng.

Là một giảng viên đại học, bản thân tôi đã dạy rất nhiều lớp học online trong gần hai năm qua. Cuối cùng, tôi cũng tìm ra cách thực hiện những giờ giảng trực tuyến hiệu quả và tích cực vận dụng chúng. Đặc biệt, đối với những buổi zemi[2] nhỏ, tôi có thể vừa nhìn vào khuôn mặt của từng học viên, vừa chuyện trò. Ngay cả với các giờ học đông người, giáo viên cũng có thể dễ dàng sử dụng tính năng “Breakout rooms” để khuyến khích các cuộc thảo luận nhỏ. Kể từ năm 2018, tôi đã phụ trách một số lớp của trường Đại học Việt- Nhật Hà Nội, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể làm được điều này ngay tại nhà riêng ở Nhật Bản. Nếu là khoảng 30 năm trước, không, thậm chí khoảng 20 năm trước, khi tôi thực hiện nghiên cứu nước ngoài tại Hà Nội (chính xác là từ 1998 đến 1999), chắc chắn điều này là không thể.

6. Một xã hội dân sự hoàn thiện mới sẽ ra đời?

Trong bài viết này, người viết đã xem xét những gì đại dịch COVID-19 mang lại cho xã hội dân sự của chúng ta. Tất nhiên, không thể luận bàn được hết mọi khía cạnh của câu chuyện, song tác giả cố gắng gợi mở đến các bình diện khác khi chú trọng vào một số vấn đề tương đối đặc biệt.

Với suy nghĩ đó, trong khi kết thúc bài viết này, tôi muốn hướng người đọc đến những vấn đề của hiện tại và tương lai gần. Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và những tác động ấy vẫn còn đang tiếp diễn. Đối với những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch, thật khó có thể chấp nhận cách biện luận này, song tác giả cho rằng nhìn nhận vào khía cạnh tích cực thì COVID-19 đã mang đến cho chúng ta những hiểu biết và những khả năng mới. Và phải chăng, có thể hy vọng điều này sẽ dẫn đến sự hình thành một xã hội dân sự hoàn thiện hơn.

Hiện đại hóa và toàn cầu hóa đã mở rộng thế giới của chúng ta khi đem lại khả năng di chuyển xuyên biên giới quốc gia, điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mà còn giúp chúng ta mở rộng tầm mắt. Đồng thời mặt trái của nó là gây ô nhiễm môi trường, lượng khí thải carbon dioxide tăng do các hành vi của con người, dẫn đến sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Trong xã hội ưu tiên lợi ích trước mắt của mỗi bên, sẽ rất khó để hướng tới một sự phát triển chung toàn diện. Tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất (1992), Nghị định thư Kyoto (1997), Thỏa thuận Paris (2016) và gần đây nhất là COP26 (2021), các nước đã nỗ lực khắc phục sự “đụng chạm” mang tính quốc tế để hướng tới một xã hội phát triển bền vững, mặc dù còn nhiều trở ngại.

Bên cạnh đó, trong thời đại ngày nay, không phải quốc gia nào cũng có thể thiết lập được những mối quan hệ hợp tác quốc tế toàn diện, chính vì vậy, khoảng cách kinh tế giàu nghèo, khủng bố do khác biệt văn hóa và sắc tộc vẫn tiếp tục xảy ra. Ngay cả trong khoảng thời gian diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh, nơi được coi là “lễ hội của hòa bình”, vẫn còn những lo ngại về xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, hay các phản ứng của NATO mà trước hết là Hoa Kỳ đối với vấn đề này. Nhìn từ không gian vũ trụ, “Trái đất là một” - không phân chia biên giới. “Only One Earth” là khẩu hiệu của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Môi trường con người được tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển năm mươi năm về trước, vào năm 1972, nhưng nửa thế kỷ sau, chúng ta vẫn còn chưa làm được điều này.

Trên thực tế, virus SARS-CoV-2 đã lan rộng khắp thế giới chỉ trong nháy mắt, cho chúng ta thấy không còn biên giới nào cho đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh ấy, cho dù chúng ta có tập trung vào lợi ích quốc gia và các biện pháp giới hạn trong nước, thì vấn đề của thế giới cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chính chúng ta. Sự chênh lệch về tỉ lệ tiêm chủng đã trở thành vấn đề nghiêm trọng trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục biến đổi ở những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp như các nước châu Phi, điều này khiến chúng ta phải sử dụng nhiều hơn nữa trí tưởng tượng và sự đồng cảm của mình. John Lennon đã từng viết trong một ca khúc bất hủ của ông, ca khúc “Imagine” (“Hãy tưởng tượng”) rằng: “Imagine there’s no countries. It isn’t hard to do” (Hãy tưởng tượng rằng không còn biên giới quốc gia nào. Điều đó không khó thực hiện đâu!), và “Imagine all the people living life in peace” (Hãy tưởng tượng rằng tất cả chúng ta đều đang sống trong một thế giới hòa bình”). Đây là thông điệp cách đây 51 năm - năm 1971.

Ở Mỹ và một số nơi khác trên thế giới, nhiều người thực sự tin vào “thuyết âm mưu”, rằng “tiêm phòng COVID-19 cũng là một loại âm mưu”. Ngay khi tác giả đang viết phần kết cho bài viết này, chương trình thời sự vẫn đưa tin về những người phản đối việc tiêm chủng ở biên giới Canada và Mỹ đã tập trung xe tải phong tỏa biên giới. Có lẽ, chúng ta cần suy ngẫm về những hành động như vậy!

Những người bị ảnh hưởng lớn bởi thảm họa COVID-19, khi nhận được sự trợ giúp ấm áp từ những người xung quanh, chắc hẳn họ không khỏi cảm động mà thốt lên rằng “tất cả không chỉ toàn bất hạnh!”. Tương tự như vậy, chúng ta vừa hy vọng đại dịch sớm chấm dứt, trong khi cũng tự nhủ rằng những điều xuất hiện trong thời đại COVID-19 này “không phải tất cả đều tồi tệ”. Hy vọng xã hội dân sự sẽ hoàn thiện thêm một bước mới không chỉ ở Nhật Bản mà trên quy mô toàn cầu. Hãy tưởng tượng sự xuất hiện của một xã hội dân sự như vậy, và chắc hẳn các bạn cũng như tôi - đều muốn trở thành một trong những người kiến tạo ra nó./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 東京新聞 2022 都心カラス激減:飲食店休業で「エサ」不足追い打ち? 2022年1月25日 (Thời báo Tokyo (2022) “Quạ giảm trong thành phố: di cư do không đủ thức ăn khi các của hàng ăn uống đóng cửa trong đại dịch?”, ngày 25/1/2022)
  2. 東京新聞 2022 東京鈍る一極集中:近隣県へのテレワーク移住進む 2022年1月29日 (Thời báo Tokyo (2022) “Tokyo giảm bớt sự tập trung dân cư: di cư làm việc từ xa đến các tỉnh lân cận đang tiến triển”, ngày 29/1/2022.

 




[1] GS., Bộ môn Tâm lý học, Khoa Khoa học xã hội nhân văn, Đại học Ibaraki, Nhật Bản

[2] Buổi học nhóm và thảo luận nhỏ giữa giáo viên hướng dẫn và sinh viên các khóa khác nhau mà giáo viên đó chịu trách nhiệm hướng dẫn khoa học.

 

0thảo luận