Trang chủ

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với các công ty chế tạo Nhật Bản tại Việt Nam trước giai đoạn "bình thường mới"

Đăng ngày: 1-06-2023, 20:46 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 3

Đỗ Thị Ánh1

Tóm tắt: Cho đến nửa đầu năm 2021, do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch COVID-19 bùng phát, không ít công ty Nhật Bản đã cân nhắc việc dời hoạt động từ Trung Quốc sang Ấn Độ và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến chủng mới, chuỗi cung ứng tại một số nước Đông Nam Á đã bị gián đoạn nghiêm trọng, sản xuất, thương mại và đầu tư chịu ảnh hưởng rất lớn. Bài viết này đề cập đến những tác động của làn sóng đại dịch COVID-19 thứ tư tại Việt Nam đối với hoạt động của các công ty chế tạo Nhật Bản, cũng như những giải pháp cấp bách đã được đưa ra nhằm ứng phó hiệu quả trong tình hình mới.

Từ khóa: COVID-19, chuỗi cung ứng, công ty chế tạo Nhật Bản, giải pháp, bình thường mới

 


1. Xu thế đa dạng hóa địa điểm đầu tư của các công ty chế tạo Nhật Bản

Lý do của xu thế chuyển dịch khỏi Trung Quốc[1]

Trước đại dịch COVID-19, trên thế giới đã phát triển một hệ thống phân công lao động toàn cầu và hoạt động của các công ty Nhật Bản cũng diễn ra dựa trên nền tảng của chuỗi cung ứng xuyên quốc gia như vậy. Nhiều công ty đa quốc gia đã đầu tư, đặt cứ điểm sản xuất tại Trung Quốc, đặc biệt là các công ty chế tạo Nhật Bản. Tuy nhiên những năm gần đây, các cuộc xung đột giữa Mỹ với Trung Quốc từ thương mại, công nghệ, an ninh kinh tế đến con người… đã tác động đáng kể đến chuỗi cung ứng, ảnh hưởng lớn đến các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc. Đặc biệt sau sự gián đoạn nghiêm trọng của chuỗi cung ứng tại Trung Quốc do sự bùng phát của đại dịch COVID-19, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích các công ty dịch chuyển các cơ sở sản xuất đặt tại Trung Quốc sang một nước thứ ba hoặc đưa trở lại Nhật Bản[2]. Ngoài ý định đa dạng hóa địa bàn đầu tư để giảm những rủi ro phát sinh trong tương lai, chi phí tăng khiến lợi nhuận thu hẹp cũng là lý do dẫn đến sự cân nhắc về việc chuyển dịch của các công ty Nhật Bản. Do căng thẳng Mỹ - Trung, thuế giữa Mỹ và Trung Quốc tăng vọt. Mức thuế trung bình của Mỹ đối với Trung Quốc từ 3,1% vào tháng 1/2018 đã tăng mạnh từ sau tháng 12/2019. Ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận đầu tiên, thuế vẫn duy trì ở mức cao là 19,3%. Đây là yếu tố chính khiến lợi nhuận của các công ty Nhật Bản đầu tư sản xuất tại Trung Quốc sau đó xuất khẩu sang Mỹ bị sụt giảm. Ngoài ra, phí lao động tại Trung Quốc cũng đã gia tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Mức lương của công nhân phổ thông trong ngành chế tạo ở Thâm Quyến - trung tâm của ngành sản xuất, chế tạo - năm 2008 là 204 USD/ tháng, tương đương các nước châu Á khác. Tuy nhiên, mức lương này đã tăng lên 490 USD vào năm 2018, cao hơn đa phần các nước Đông Nam Á (năm 2018 mức lương tháng bình quân của công nhân ngành công nghiệp chế tạo Malaysia và Thái Lan là 413 USD, Indonesia 308 USD, Ấn Độ 265 USD, Philippines 234 USD)[3]. Về chi phí mặt bằng, giá thuê hàng tháng tại khu công nghiệp (2018) là 3,2 USD/m2 ở Thâm Quyến, trong khi ở Hà Nội khoảng 0,2 USD/m2. Ngoài ra, liên quan đến thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế chuyển cổ tức về nước lần lượt là 25% và 10% ở Thâm Quyến, 20% và 0% ở Hà Nội.

Lý do Việt Nam là địa điểm đầu tư được đánh giá cao

Về lý do Việt Nam nổi lên như một điểm sáng trong số các lựa chọn của các công ty Nhật Bản, ngoài yếu tố giảm thiểu rủi ro về địa chính trị, tránh mức thuế cao, giảm chi phí, Việt Nam cũng có nhiều tương đồng với Trung Quốc về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, đối tác thương mại, do đó được đánh giá là thay thế tối ưu cho việc sản xuất tại Trung Quốc[4]. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi thuế, dân số đông, vị trí địa lý gần Trung Quốc cũng ảnh hưởng tích cực đến sự đánh giá của các công ty. Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, Nhật Bản và Việt Nam đã ký hiệp định đầu tư vào năm 2004. Philippines cũng là điểm đến được đánh giá cao, nhưng Việt Nam với vị trí là một điểm nút của châu Á nối với Trung Quốc vẫn có lợi thế hơn về mặt hậu cần. Trong các cuộc khảo sát thường niên 19 năm qua do JETRO thực hiện đối với các công ty Nhật hoạt động tại Trung Quốc, Việt Nam cũng thường xuyên được đánh giá tích cực.

2. Việt Nam trong làn sóng đại dịch COVID-19 thứ 4 trước "bình thường mới"

Đến nay Việt Nam đã trải qua hơn ba làn sóng đại dịch COVID-19. Làn sóng đầu tiên với chủng virus nguyên phát từ Vũ Hán có một số bệnh nhân nặng nhưng chưa có ca tử vong. Làn sóng thứ hai ở Đà Nẵng gây 35 ca tử vong ở những bệnh nhân nặng và có bệnh nền. Làn sóng thứ ba ở Hải Dương với biến chủng Anh là chủ yếu, mặc dù số ca nhiễm khá lớn nhưng không có ca tử vong. Làn sóng thứ tư chủ yếu do biến chủng Ấn Độ gây ra có quy mô và tính phức tạp cao hơn nhiều trước đó đã bùng phát cả trong bệnh viện, các khu công nghiệp lớn cũng như cộng đồng nhiều địa phương.

Hoạt động sản xuất tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi làn sóng đại dịch COVID-19 thứ tư này. Trước làn sóng thứ tư giá trị của ngành sản xuất Việt Nam đang tăng trưởng khả quan kể từ năm 2011. Chỉ số PMI[5] tháng 4/2021 đạt mức kỷ lục 54,70. Tỷ lệ sử dụng đất nhà máy cũng tăng mạnh kể từ năm 2018, đạt 74% vào năm 2020. Tuy nhiên, tới tháng 7/2021, do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội và một số yếu tố khác, chỉ số PMI tháng 6 và 7/2021 đã giảm rất nhanh, chỉ ở mức 44,10 - 45,10.


Biểu 1: Số ca nhiễm COVID-19 mới được xác nhận trong ngày tại Việt Nam

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với các công ty chế tạo Nhật Bản tại Việt Nam trước giai đoạn "bình thường mới"

 

Nguồn: COVID-19 Data Repository by the Center for Systems Science and Engineering (CSSE) at Johns Hopkins University

Biểu 2: Biến động chỉ số PMI của ngành sản xuất tại Việt Nam

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với các công ty chế tạo Nhật Bản tại Việt Nam trước giai đoạn "bình thường mới"

Nguồn: https://www.theglobaleconomy.com

 

 

Giống như đa phần quốc gia Đông Nam Á khác, trong bối cảnh số ca nhiễm tăng nhanh, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội tại Việt Nam từ khoảng nửa sau năm 2021 đã được thắt chặt, bởi vậy hoạt động sản xuất tại các công xưởng, nhà máy cũng bị ảnh hưởng. Việc giãn cách cũng được thực hiện tại các nhà máy, chẳng hạn như nguyên tắc “3 tại chỗ”, dù không ít nhà máy phải đóng cửa vì không thể đáp ứng các điều kiện quy định. Theo đánh giá của một số chuyên gia phía Nhật Bản, ảnh hưởng của dịch COVID-19 thời điểm đó ở Đông Nam Á còn lớn hơn các nước Đông Bắc Á và Tây Âu, khiến cho chuỗi cung ứng gián đoạn nghiêm trọng. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (JCCH), ngay cả những công ty có thể duy trì hoạt động, tỷ lệ lấp đầy cũng giảm xuống còn 10% đến 50% so với bình thường. Tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trong tháng 8 giảm mạnh tới 49,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam trong quý III (từ tháng 7-9)

là -6,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi Tổng cục Thống kê bắt đầu công bố GDP hàng quý vào năm 2000[6].

3. Những ảnh hưởng chủ yếu trong làn sóng đại dịch COVID-19 thứ tư

Đối với các công ty chế tạo Nhật Bản

Trong giai đoạn bệnh dịch bùng phát, nhất là từ khoảng quý III năm 2021, các công ty chế tạo Nhật Bản tại Việt Nam đã phải đối mặt với không ít khó khăn. Về tình hình hoạt động, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) và JETRO, từ tháng 7 đến tháng 9/2021 cứ hai công ty chế tạo Nhật Bản tại phía Nam thì một công ty lâm vào tình trạng khó khăn với tỷ lệ hoạt động giảm từ 50% trở xuống; và khoảng 60% số các công ty Nhật Bản bị giảm doanh số. Theo VCCI-HCM, do tác động của dịch bệnh, khoảng 10% số công ty Nhật Bản “ngừng hoặc hoãn lại việc đầu tư mới hay mở rộng hoạt động và "rời hoạt động từ ​​Việt Nam sang nước khác”[7].

Tùy từng địa phương cũng tồn tại một số vấn đề khác như nguy cơ lây nhiễm cao, sự thiếu hụt lao động và cần có thời gian để phục hồi hoạt động. Một số trường hợp, quy định yêu cầu công nhân thường xuyên xét nghiệm PCR cũng tạo gánh nặng về chi phí với các công ty. Nhiều công ty đã tiến hành những biện pháp thận trọng để ngăn ngừa lây nhiễm do sẽ phải ngừng hoạt động nếu xuất hiện ca nhiễm hoặc nghi nhiễm. Một số cho biết đã phải ngừng hoạt động trong vài ngày tại các nhà máy có nhiều ca nhiễm được xác nhận. Tuy nhiên các hạn chế liên quan đã bắt đầu được nới lỏng từ tháng 10. Về nhân sự, khi TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam khác vẫn trong tình trạng có nguy cơ lây nhiễm cao, nhiều nhân viên người Nhật và gia đình đã phải tạm thời quay trở về Nhật Bản. Do các hạn chế về nhập cảnh nên cũng có sự chậm trễ trong việc luân chuyển nhân sự, phái cử nhân viên bảo trì và bảo dưỡng, giới thiệu thiết bị mới và hỗ trợ bán hàng.

Đối với chuỗi cung ứng

Về những tác động đối với công tác hậu cần, ngoài chi phí logistics tăng và thời gian vận chuyển chậm do thiếu container vận chuyển đường biển, tắc nghẽn tại các cảng và các chuyến bay bị cắt giảm, do sự lây lan của dịch bệnh nên khi di chuyển liên tỉnh/thành phố cần có giấy chứng nhận âm tính, thời hạn kiểm dịch..., nhưng những vướng mắc này đã dần được xóa bỏ sau khi Nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được ban hành.

Trong giai đoạn bệnh dịch bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội, việc nhiều công ty Nhật Bản và các công ty con của họ phải ngừng hoạt động khiến cho nguồn cung cấp các linh kiện phụ tùng công nghiệp trở nên thiếu hụt, các nhà máy sản xuất ở Nhật Bản phải đóng cửa. Do điều kiện hoạt động khá khó khăn (phải giữ chân “lao động cùng với lương thực, chỗ ở” trong nhà máy, không cho phép sự đi lại từ nhà máy ra khu dân cư), nhiều nhà máy đã dừng hoạt động, sản xuất giảm mạnh. Những hạn chế đối với các hoạt động của các nhà máy đã khiến sản lượng sụt giảm, thậm chí khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô, đây thực sự là một vấn đề lớn. Chẳng hạn, về nguồn cung đối với cụm dây cáp điện (ワイヤーハーネス, wiring harness), mặt hàng có trị giá xuất khẩu sang Nhật Bản lớn nhất năm 2020, do phụ thuộc vào các nhà máy tại Việt Nam nên khi các nhà máy này phải ngừng sản xuất, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng tại Nhật Bản. Sản xuất cụm dây cáp điện yêu cầu số lượng đông nhân lực trong quá trình bó dây điện nên khâu sản xuất mặt hàng này rất dễ bị ảnh hưởng bởi các quy định hạn chế hoạt động. Do các quy định giãn cách nghiêm ngặt tại TP. Hồ Chí Minh được gia hạn đến cuối tháng 9, tình trạng thiếu nguồn cung đã bị kéo dài. Vấn đề tương tự cũng xuất hiện tại nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, chẳng hạn như việc cơ sở sản xuất vật liệu bán dẫn ở Malaysia bị đình chỉ hoạt động tại quốc gia này đã tác động rất lớn đến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu do việc thiếu hụt nguồn cung, dẫn đến tình trạng thiếu vật liệu bán dẫn này trên toàn cầu kéo dài từ đầu năm đến ít nhất là tháng 9/2021. Giống với phần lớn các quốc gia Đông Nam Á khác, việc tiêm phòng sau đó đã được đẩy nhanh tại Malaysia, bao gồm cả bang Penang, nơi đặt cơ sở sản xuất và việc nối lại hoạt động của nhà máy dự kiến ​​sẽ sớm được thực hiện, tuy nhiên cũng phải mất một khoảng thời gian dài để phục hồi khả năng cung cấp đáp ứng được nhu cầu.

Ảnh hưởng đối với kinh tế, thương mại và xu hướng đầu tư

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thời gian qua cũng ảnh hưởng mạnh đến thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản. Năm 1990 nhìn từ giá trị thương mại hai chiều của Nhật Bản (giá trị xuất khẩu + giá trị nhập khẩu) theo quốc gia/khu vực, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 50. Tới những năm 2010, sự khác biệt về giá trị thương mại với Nhật Bản giữa Việt Nam và Thái Lan vẫn rất lớn, Thái Lan đứng thứ 6 và Việt Nam đứng thứ 21. Tuy nhiên, tới năm 2020 tình hình đã khác nhiều, Việt Nam chiếm 3,1% (vị trí thứ 7) Thái Lan 3,9% (vị trí thứ 5) trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Nhật Bản. Ngoại trừ Thái Lan, Việt Nam đã vượt quá tất cả các thành viên sáng lập của ASEAN (Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines). Có thể nói, sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa Việt Nam với Nhật Bản ngày càng sâu sắc. Tuy nhiên từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản giảm 23%, nhập khẩu từ Nhật Bản cũng giảm 9%. Thương mại sụt giảm cũng ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế khác của Nhật Bản. Trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản đã đưa tin khá nhiều về tác động của tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam. Có thể nói, mối quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Việt Nam đã trở nên sâu sắc để ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động kinh tế của Nhật Bản. Một báo cáo của JETRO Nhật Bản ngày 10/11/2021 đã nhận xét, trong tương lai tỷ lệ sản xuất ở Việt Nam có thể sẽ trở thành vấn đề cần cân nhắc nhiều hơn  đối với các công ty của Nhật Bản[8].

Trái ngược với tình hình sản xuất đình trệ trong bối cảnh dịch bệnh nghiêm trọng tại Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á khác, tại Trung Quốc xuất khẩu trong tháng 8/2021 đã tăng vọt tới 25,1% so với cùng năm trước và tăng đáng kể so với mức 18,9% của tháng 7. Một trong những nguyên nhân của sự gia tăng xuất khẩu mạnh mẽ được chỉ ra là do các dây chuyền sản xuất của Trung Quốc gia tăng hoạt động thay thế cho các nhà máy ở Đông Nam Á.

Chiến lược chuyển dịch hoạt động khỏi Trung Quốc đã được khuyến khích ở các nước phát triển, trong đó có Nhật Bản nhằm phân tán các cứ điểm thuộc ngành công nghiệp chế tạo dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam đã trở thành quốc gia có triển vọng để chuyển giao sản xuất. Tuy nhiên, làn sóng đại dịch COVID-19 thứ tư đã thách thức đáng kể xu thế này. Từ tháng 4/2020, Chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch hỗ trợ việc đa dạng hóa và dịch chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN như một biện pháp kinh tế cấp bách đối phó với sự lan rộng của đại dịch COVID-19[9]. Quy mô ngân sách hỗ trợ cho việc quay trở về Nhật Bản là 2.200 tỷ yên, đa dạng hóa các cơ sở sản xuất (sang các quốc gia ngoài Trung Quốc như ASEAN) 235 tỷ yên. Tính đến 10/11/2021, trải qua 4 đợt xét duyệt công khai về kế hoạch tại ASEAN, Việt Nam vẫn là điểm đến được quan tâm nhiều. Trong số 92 trường hợp (71 trường hợp xin hỗ trợ thiết bị, 21 trường hợp xin hỗ trợ dự án…) được thông qua, có tới 38 trường hợp (32 trường hợp xin hỗ trợ thiết bị, 6 trường hợp cho dự án...) liên quan đến Việt Nam[10]. Tuy nhiên, xét về hiệu quả thực tiễn, chính sách khuyến khích này có tác động rất giới hạn đến quyết định đầu tư của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc, cho thấy ưu thế của Trung Quốc gần như không giảm sút trong đại dịch COVID-19.

4. Những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng

Những biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có các nước Đông Nam Á một phần liên quan tới tỷ lệ bao phủ vắc xin. Tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 đầy đủ (2 mũi) tính đến 13/9 của Indonesia là 15,4%, Philippines 15,6%, Thái Lan 17,7%, Việt Nam là 5,7%; ngoại trừ Malaysia (53,3%) đều thấp hơn mức trung bình của thế giới là 30,1%[11]. Tuy nhiên, từ chỗ tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 thấp, từ tháng 9/2020 Việt Nam đã đẩy mạnh việc tiêm vắc xin và trở thành một trong những nước có tốc độ tiêm chủng nhanh trên thế giới, tạo điều kiện cho sự chuyển đổi sang trạng thái bình thường mới. Tính đến ngày 18/10, Việt Nam đã tiêm được 64.116.359 liều. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vắc xin là 63,6% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 25,5% dân số từ 18 tuổi trở lên[12].

Đến 18 giờ ngày 30/9/2021, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đã quay trở lại như bình thường và các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt như hạn chế ra ngoài đã được nới lỏng, các công ty đã tiếp tục quay lại hoạt động sản xuất. Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HEPZA) ngày 19/10 đã cho biết, tính đến thời điểm đó, đã có hơn 1.300 công ty, nhà máy mở cửa trở lại, đạt hơn 92%. Riêng khu công nghệ cao thành phố Thủ Đức đã có 85 doanh nghiệp hoạt động trở lại, đạt 100%[13]. TP. Hà Nội đã nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội từ 6 giờ ngày 14/10/2021. Điều này cho thấy Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể trong cách thức phòng chống dịch, chuyển từ chiến lược zero-Covid sang trạng thái bình thường mới. Ngành công nghiệp chế tạo bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch trong quý III năm 2021 bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trở lại trong tháng 10 và tăng trưởng trở lại vào tháng 11/2021[14].

Tuy nhiên, làn sóng đại dịch COVID-19 thứ tư trong nước thời gian qua rõ ràng đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các công ty chế tạo Nhật Bản, ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Vấn đề cấp bách được đặt ra là làm sao để vừa đảm bảo công tác chống dịch vừa giữ chân doanh nghiệp, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ngày 21/10/2021 tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trả lời về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh chuyển sang trạng thái bình thường mới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, với các biện pháp chống dịch vừa qua, tình hình đại dịch COVID-19 ở Việt Nam đang dần được kiểm soát. Cho đến nay Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, chia sẻ và tạo mọi điều kiện hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tháo gỡ các khó khăn, khôi phục sớm nhất các hoạt động kinh doanh theo phương châm không làm gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt trên toàn quốc, yêu cầu địa phương không ban hành thêm và bãi bỏ các quy định không phù hợp. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP để chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, đưa chính sách chống dịch quy về một mối trên toàn quốc, phá vỡ tình trạng đóng băng trong hoạt động kinh tế - xã hội[15].

Về dài hạn, bên cạnh “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội những giải pháp cũng đã được chính phủ và các địa phương vạch ra nhằm triển khai những giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Để giúp các doanh nghiệp bắt tay nhanh vào triển khai khôi phục sản xuất phù hợp với trạng thái bình thường mới, các ban ngành chức năng đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tháo gỡ “nút thắt” cho các doanh nghiệp đang gặp phải, hỗ trợ tìm nguồn lao động, giải quyết thủ tục hành chính, triển khai các hoạt động bảo vệ người lao động, tiến hành tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho công nhân, hỗ trợ người lao động an tâm gắn bó với nhà máy, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhập cảnh trong trường hợp đủ điều kiện...

Trong tương lai, các dự án đầu tư công cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cũng sẽ tiếp tục được đẩy nhanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó là việc thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài. Tiếp tục đa dạng hóa, linh hoạt trong xúc tiến đầu tư nước ngoài một cách có trọng tâm, đổi mới hình thức và nội dung thu hút FDI, đáp ứng các yêu cầu của nền kinh tế trong giai đoạn bình thường mới.

Kết luận

Cho đến nửa đầu năm 2021, xung đột thương mại Mỹ - Trung và đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động mạnh đến chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc, không ít công ty Nhật Bản đã cân nhắc đến việc rời hoạt động từ Trung Quốc sang Ấn Độ và Đông Nam Á, trong đó Việt Nam cũng được kỳ vọng là một trong những cứ điểm giúp tăng cường chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, làn sóng đại dịch COVID-19 thứ tư trong nước thời gian vừa qua đã gây ra không ít ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các công ty chế tạo Nhật Bản, dẫn đến một số vấn đề trong cung ứng phụ tùng linh kiện, tác động đáng kể đến sự thông suốt của chuỗi cung ứng trong một giai đoạn nhất định. Để đối phó với đại dịch chưa có trong tiền lệ hiện nay, Việt Nam cũng như đa phần các quốc gia trên thế giới đã và đang vừa nỗ lực thực hiện chống dịch và phát triển kinh tế, vừa đúc kết kinh nghiệm, điều chỉnh các chính sách, chiến lược cho phù hợp với từng bối cảnh. Với các biện pháp chống dịch vừa qua, tình hình đại dịch COVID-19 ở Việt Nam đang dần được kiểm soát. Chiến lược bình thường mới hiện nay được đánh giá là phù hợp với thực tiễn, diễn biến của dịch bệnh và yêu cầu kinh tế-xã hội. Trước những khó khăn của các công ty, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam trên cơ sở lắng nghe, chia sẻ, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa giúp tháo gỡ các khó khăn, khôi phục sớm nhất các hoạt động kinh doanh theo phương châm không làm gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng đã đưa ra các giải pháp chính sách kịp thời, hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. コロナ禍における企業活動の変化 (Những thay đổi trong hoạt động của công ty trong đại dịch COVID-19), https://www.sou mu.go.jp/johotsusintokei/whitepaper/ja/r03/html/nd123200.html.
  2. 特集 ジェトロのビジネス環境調査  投資関連コスト比較調査 (Điều tra đặc biệt Khảo sát môi trường kinh doanh của JETRO Khảo sát so sánh chi phí liên quan đến đầu tư), https://www.jetro.go.jp/world/business_environment/cost.html.
  3. SMBC Asia Monthly 第151号(2021年10月)コロナ禍の東南アジアから広がる供給網の混乱 (Viện Nghiên cứu Tổng hợp Nhật Bản, Báo cáo Châu Á Số 151, tháng 10/2021, Sự hỗn loạn của mạng lưới cung ứng lan rộng từ Đông Nam Á do COVID-19), https://www. smbc.co.jp/hojin/international/global_information/resources/pdf/info_asia_01_pdf086.pdf.
  4. ベトナム:ビジネス活動正常化に向けた基本情報 (Việt Nam: Thông tin cơ bản về bình thường hóa hoạt động kinh doanh), https://www.jetro.go.jp/ext_images/world/covid-19/asia/matome/vn.pdf.
  5. Leaving China: Which countries might benefit from a relocation of production? https://economics.rabobank.com/publications/2019/august/leaving-china-countries-might-benefit-from-relocation-production/.

 

 


[1] TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] コロナ禍における企業活動の変化 (Những thay đổi trong hoạt động của công ty trong đại dịch COVID-19), https://www.soumu.go.jp/johotsusintokei/whitepaper/ja/r03/html/nd123200.html, truy cập ngày 1/10/2021.

[3] 特集 ジェトロのビジネス環境調査  投資関連コスト比較調査 (Điều tra đặc biệt Khảo sát môi trường kinh doanh của JETRO, Khảo sát so sánh chi phí liên quan đến đầu tư),  https://www.jetro.go.jp/world/business_environ ment/cost.html, truy cập ngày 5/10/2021.

[4] “Leaving China: Which countries might benefit from a relocation of production?”, https://economics.Rabo bank.com/publications/2019/august/leaving-china-countries-might-benefit-from-relocation-production/, truy cập ngày 5/10/2021.

[5] Chỉ số “Nhà quản trị mua hàng” (PMI) là chỉ số đo lường “sức khỏe” kinh tế của các ngành sản xuất. Mức 50 là ranh giới quan trọng, mức trên 50 cho thấy nền kinh tế đang mở rộng và ngược lại mức dưới 50 cho thấy nền kinh tế đang chậm lại.

[6] Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý II và 9 tháng năm 2021, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/09/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iii-va-9-thang-nam-2021, truy cập ngày 1/11/2021.

[7] ベトナム:ビジネス活動正常化に向けた基本情報 (Việt Nam: Thông tin cơ bản về bình thường hóa hoạt động kinh doanh), https://www.jetro.go.jp/ext_ images/ world/covid-19/asia/matome/vn.pdf, truy cập ngày 2/11/2021.

[8]ロックダウンでベトナムのサプライチェーンが脱中国依存の試金石に (Chuỗi cung ứng của Việt Nam trong giai đoạn lockdown thử thách kế hoạch giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc), https://www.jetro.go.jp/biz/ areareports/2021/1a48c17fcc681c7b.html, truy cập ngày 10/11/2021.

[9] 海外サプライチェーン多元化等支援事業 (Hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài), https://www.jetro.go.jp/services/supplychain/, truy cập ngày 30/10/2021.

[10] ロックダウンでベトナムのサプライチェーンが脱中国依存の試金石に (Chuỗi cung ứng của Việt Nam trong giai đoạn lockdown thử thách kế hoạch giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc), Tlđd.

 

[11] SMBC Asia Monthly 第151号(2021年10月)コロナ禍の東南アジアから広がる供給網の混乱(Viện Nghiên cứu Tổng hợp Nhật Bản, Báo cáo Châu Á Số 151, tháng 10/2021, Sự hỗn loạn của mạng lưới cung ứng lan rộng từ Đông Nam Á do COVID-19), https://www. smbc.co.jp/hojin/international/global_information/resources/pdf/info_asia_01_pdf086.pdf, truy cập ngày 29/10/2021.

[12] Ngoại giao vaccine: Bài học huy động sức mạnh tổng hợp, https://vov.vn/chinh-tri/ngoai-giao-vaccine-bai-hoc-huy-dong-suc-manh-tong-hop-899661.vov, truy cập ngày 1/11/2021.

[13] “TP. Hồ Chí Minh: Hơn 230.000 công nhân khu công nghiệp đã trở lại làm việc”, https://bnews.vn/tp-ho-chi-minh-hon-230-000-cong-nhan-khu-cong-nghiep-da-tro-lai-lam-viec/217573.html, truy cập ngày 29/10/2021.

[14] ベトナム:ビジネス活動正常化に向けた基本情報 (Việt Nam: Thông tin cơ bản về bình thường hóa hoạt động kinh doanh), https://www.jetro.go.jp/ext_images/ world/covid-19/asia/matome/vn.pdf, truy cập ngày 2/11/2021.

 

[15] “Việt Nam hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài”, https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-ho-tro-toi-da-doanh-nghiep-va-nha-dau-tu-nuoc-ngoai/ 748137.vnp.

0thảo luận