Trang chủ

Chính sách phát triển nhà máy điện mặt trời của Trung Quốc và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Đăng ngày: 26-05-2023, 10:00 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 2

 

Phùng Thị Yến1

Tóm tắt: Do những lợi ích mà điện mặt trời mang lại cho con người, việc phát triển các nhà máy điện mặt trời được xem xét đặt trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trung Quốc hiện đang là quốc gia có khả năng sản xuất điện mặt trời và là nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới nhờ việc có những chính sách hợp lý, kịp thời của chính phủ. Bài viết2 này ngoài những phân tích về khái nhiệm, đặc điểm của các nhà máy điện mặt trời còn chỉ ra được thực trạng chính sách pháp luật của Việt Nam đối với nhà máy điện mặt trời trong xây dựng và quản lý; kinh nghiệm của Trung Quốc về một số chính sách phát triển nhà máy điện mặt trời, từ đó rút ra bài học, đưa ra các kiến nghị về giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật của Việt Nam đối với các nhà máy điện mặt trời.

Từ khóa: Nhà máy điện mặt trời, năng lượng tái tạo, Trung Quốc

1. Khái quát chung về nhà máy điện mặt trời[1][2]

1.1. Khái niệm

Mặt trời có thể coi là nguồn năng lượng lớn nhất mà con người có thể tận dụng được bởi nó là nguồn năng lượng sạch, mạnh mẽ, dồi dào và đáng tin cậy, không gây ô nhiễm môi trường, gần như vô tận và có ở khắp nơi dù ít hay nhiều. “Năng lượng mặt trời là năng lượng của dòng bức xạ điện từ xuất phát từ mặt trời tới Trái Đất, cộng với một phần nhỏ năng lượng của các hạt hạ nguyên tử khác phóng ra từ mặt trời”[3]. Theo nhiều công trình khoa học nghiên cứu được, sau khoảng 5 tỷ năm nữa phản ứng hạt nhân trên mặt trời hết nhiên liệu thì trái đất không nhận được dòng bức xạ điện từ này nữa. Do đó, ở thời điểm hiện tại thì năng lượng mặt trời vẫn được coi là nguồn năng lượng vô tận. Nhờ hiệu ứng quang điện, năng lượng các photon của mặt trời được chuyển hóa thành điện năng, nhiệt năng. Điện năng lượng mặt trời là điện được tạo ra từ việc chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành điện bằng cách sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời hoặc từ nhà máy năng lượng mặt trời dựa trên nguyên lý phản xạ ánh sáng để vận hành lò hơi nước làm quay tua bin tạo điện. Vì vậy, phân loại theo công nghệ thì có hai loại nhà máy điện năng lượng mặt trời: nhà máy điện mặt trời sử dụng công nghệ quang điện (Solar Photovoltaic, SPV hay PV) và nhà máy điện mặt trời sử dụng công nghệ tập trung nhiệt mặt trời (Concentrated Solar Power, CSP)[4].

Đối với nhà máy điện mặt trời sử dụng công nghệ quang điện SPV, năng lượng ánh sáng mặt trời được chuyển thành dòng điện bởi hiệu ứng quang điện qua các tế bào quang điện, đó là các pin mặt trời. Pin năng lượng mặt trời là thiết bị chuyển đổi ánh sáng mặt trời thành dòng điện, khi dòng điện đủ lớn có thể nối lên lưới điện.

Nhà máy điện mặt trời hoạt động dựa trên công nghệ tập trung nhiệt mặt trời CSP là nhà máy sử dụng một hệ thống rất nhiều tấm gương phản chiếu và các hệ thống điều khiển để tập trung tối ưu ánh sáng mặt trời từ tất cả các gương phản chiếu phân bố trong một khu vực rộng lớn vào một diện tích nhỏ. Ở vị trí nhỏ này đặt các ống dẫn hay bể chứa nước hoặc chất lỏng đặc biệt (như muối nguyên chất). Khi ống dẫn được làm nóng lên đến vài trăm độ có thể tạo thành những dòng hơi nước mạnh làm quay tua bin để sản xuất điện[5]. Có 4 cách phát điện mặt trời tập trung phổ biến hiện nay: tháp điện mặt trời SPT (solar power tower), máng thu parabol PTC (parabolic trough collectors), hệ chảo parabol PDS (parabolic dish systems), phản xạ Fresnel tuyến tính LFR (linear fresnel reflectors).[6]

Dù sử dụng công nghệ như thế nào, “nhà máy điện mặt trời bao gồm tất cả các thiết bị phát điện, thiết bị bảo vệ, thiết bị đấu nối, các thiết bị phụ trợ có liên quan và đất sử dụng cho các công trình này”[7]. Do đó, việc xây dựng và quản lý các nhà máy điện mặt trời sẽ bao gồm việc xây dựng và quản lý các thiết bị nêu trên, đảm bảo chúng được vận hành tốt, ổn định theo đúng những quy trình được thiết kế và thông qua bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

1.2. Đặc điểm

Điện năng lượng mặt trời được tạo ra từ năng lượng mặt trời, vì vậy các nhà máy điện mặt trời có những đặc điểm sau:

- Có khả năng tạo ra nguồn năng lượng vô tận, trên cơ sở khai thác nguồn nguyên liệu đầu vào là ánh sáng mặt trời, và do đó, không lo bị cạn kiệt như một số nguồn năng lượng hóa thạch khác (như than đá, dầu mỏ, khí đốt).

- Các nhà máy điện năng lượng mặt trời phụ thuộc vào năng lượng mặt trời, tức là phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên tác động đến khả năng đón ánh sáng mặt trời. Điện năng chỉ được tạo ra khi có ánh sáng mặt trời, và công suất phát ra cũng thay đổi liên tục theo mức ánh sáng. Do đó, những quốc gia, khu vực lãnh thổ có thời gian chiếu sáng dài và cường độ bức xạ ánh sáng cao sẽ cho nguồn điện lớn và ngược lại. Vùng thuận lợi cho đặt nhà máy cũng thường cách xa vùng tiêu thụ. Điều này làm cho lưới điện phải bố trí dẫn truyền điện, và có kế hoạch điều hòa nguồn phát thích hợp để đảm bảo năng lượng cho các phụ tải tiêu thụ. Hơn nữa, sản xuất điện mặt trời còn phụ thuộc vào các thời điểm trong ngày, phụ thuộc vào các mùa. Ánh sáng mặt trời chỉ có vào ban ngày, không có vào ban đêm hay là mùa mưa thì ít ánh nắng hơn mùa hè.

- Cần phải lưu trữ điện năng lượng mặt trời. Vì các hệ thống tạo ra điện năng lượng mặt trời chỉ trực tiếp tạo ra điện ở điều kiện ban ngày có ánh sáng tốt nên việc lưu trữ điện, duy trì sản xuất điện năng lượng mặt trời để phục vụ vào ban đêm là vô cùng quan trọng. Đối với các nhà máy điện năng lượng mặt trời tập trung CSP, người ta thường kết hợp vào hệ thống CSP một bộ phận lưu trữ nhiệt năng thu được trong thời gian mặt trời chiếu sáng. Năng lượng thu được từ hệ thống CSP sẽ được chuyển hóa thành nhiệt năng và nhiệt năng có thể được tồn trữ dưới nhiều dạng khác nhau như nước ở nhiệt độ cao, muối làm cho tan chảy, dầu… Khi mặt trời không chiếu sáng do mây mù hoặc vào ban đêm, người ta sẽ lấy lượng năng lượng đã tích trữ để khai thác phát điện. Đối với các nhà máy sử dụng hệ thống pin quang điện để tạo ra điện năng lượng mặt trời SPV, hình thức phổ biến nhất là sử dụng các hệ thống pin sạc để tích trữ điện.

- Chi phí đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời cao. Hiệu năng của việc tạo ra điện năng lượng mặt trời phụ thuộc vào công nghệ. Tuy nhiên các công nghệ năng lượng mặt trời không ngừng phát triển và giá thành lại tương đối cao và việc sản xuất điện mặt trời đòi hỏi diện tích không gian lớn. Vì vậy, chi phí ban đầu để xây dựng một nhà máy điện năng lượng mặt trời là khá cao hơn so với điện hóa thạch và thủy điện.

- Nhà máy điện mặt trời có ít tác động đến sức khỏe con người. Một trong những lợi ích của năng lượng mặt trời là nó dẫn đến rất ít chất gây ô nhiễm không khí. Phân tích của Phòng thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia của Mỹ (NREL) cho thấy việc sử dụng năng lượng mặt trời trên diện rộng sẽ làm giảm đáng kể các khí như ôxít nitơ, lưu huỳnh điôxit và phát thải các hạt vật chất, tất cả đều là các chất có thể gây ra các vấn đề sức khỏe. NREL cho rằng, năng lượng mặt trời dẫn đến ít trường hợp viêm phế quản mãn tính, các vấn đề về hô hấp và tim mạch[8].

2.  Chính sách phát triển nhà máy điện mặt trời của Trung Quốc

Trước tiên, kinh nghiệm phát triển năng lượng sạch của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ) cho thấy, từ chỗ phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt… đến nay Trung Quốc đã từng bước đa dạng hóa nguồn cung cấp điện năng thông qua việc phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện năng lượng mặt trời.

Trung Quốc hiện được xem là quốc gia có khả năng sản xuất điện năng lượng mặt trời lớn nhất trên thế giới với khả năng sản xuất lên đến 1330 GW mỗi năm[9]. Đây cũng là nước sở hữu dự án điện mặt trời lớn nhất thế giới với công suất lên đến 1547 MW ở sa mạc Tengger. Thực tế, trong năm 2016, Trung Quốc đã lắp đặt tổng cộng 34,2 GW (gigawatt) công suất điện mặt trời, cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích vào thời điểm đó. Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc công bố số liệu chính thức cho năm 2017, theo đó công suất năng lượng mặt trời mới trị giá 52,83 GW. Điều này đưa công suất năng lượng mặt trời tích lũy của Trung Quốc lên tới 130,25 GW, chiếm khoảng 7,3% công suất phát điện quốc gia của nước này. Nhìn theo cách khác, năng lượng mặt trời của Trung Quốc tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái, hay 68,7% về giá trị tuyệt đối so với năm 2016. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, vào năm 2018, Trung Quốc lắp đặt một nửa tổng công suất lượng năng lượng mặt trời mới trên toàn thế giới[10].

Đây cũng là đất nước đầu tiên lắp đặt hơn 100 gigawatt công suất năng lượng mặt trời[11], tương đương với lượng điện được sản xuất từ 75 nhà máy năng lượng hạt nhân. Tính đến đầu năm 2019, Trung Quốc sở hữu 6 trong 10 công ty sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu tăng công suất năng lượng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch lên 15% tổng mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp, với việc Cơ quan Năng lượng Quốc gia của nước này dự đoán công suất điện mặt trời của Trung Quốc sẽ đạt 150 GW vào năm 2020. Tất cả những điều này đặt Trung Quốc trên con đường phát triển ngành công nghiệp điện mặt trời ấn tượng trong vài năm tới, đặc biệt nếu các chính sách quốc gia có thể được thực hiện để thúc đẩy tương lai của ngành này. Việc phát triển thành công những dự án điện mặt trời này một phần là nhờ Trung Quốc là nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới[12]. Mức sản xuất pin mặt trời tại quốc gia này hiện đã vượt qua mục tiêu của chính phủ về lắp đặt năng lượng mặt trời.

Trung Quốc đã đạt được thành công như trên là nhờ những kế hoạch, chính sách nghiêm túc và phù hợp trên cả nước. Năm 1996, Trung Quốc triển khai chương trình Ánh sáng (Brightness Program), là chính sách đầu tiên mang điện đến những khu vực vùng sâu vùng xa (vốn không nằm trong lưới điện) thông qua năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Vào đầu thập niên 2000, Trung Quốc đã chuyển sang tập trung sản xuất các sản phẩm về năng lượng mặt trời để xuất khẩu, một phần là nhờ trợ cấp của châu Âu để lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời. Chính phủ cung cấp tín dụng xuất khẩu, tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển và xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia tại một số công ty hàng đầu. Chuyển giao công nghệ diễn ra chủ yếu thông qua việc mua thiết bị sản xuất từ những nước công nghiệp phát triển, các doanh nhân và nhân công lành nghề sẽ triển khai các dự án. Giữa năm 2000 và 2006, khoảng 95% mô-đun quang điện mặt trời do Trung Quốc sản xuất được xuất khẩu. Ngoài ra, hàng năm, Văn phòng Ủy ban An ninh Quốc vụ viện về in và phát hành "Chương trình Giám sát và kiểm tra trọng điểm an toàn lao động quốc gia", Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia cũng có kế hoạch tổ chức giám sát và kiểm tra các nhà máy điện lưu trữ năng lượng hóa học trong tương lai gần về việc bố trí triển khai nguồn điện. Ngoài ra, Văn phòng Ủy ban An ninh Quốc vụ viện cũng luôn kiện toàn tổ chức và lãnh đạo. Tất cả các đơn vị tham gia giám sát, kiểm tra đều hết sức coi trọng công tác giám sát, kiểm tra này; tổ chức những người có năng lực chuyên môn vững vàng, có tinh thần chiến đấu tham gia công tác giám sát, kiểm tra này[13].

Năm 2006, Trung Quốc đã ban hành Luật Năng lượng tái tạo, đặt nền móng cho cuộc cách mạng phát triển năng lượng sạch. Kế hoạch 5 năm lần thứ XII (2011-2015) và lần thứ XIII (2016-2020) của Trung Quốc đã chỉ ra phải ưu tiên phát triển năng lượng xanh và bảo vệ môi trường, bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế về giảm phát thải carbon và thay đổi cấu trúc thị trường than.

Cụ thể, Trung Quốc đã điều chỉnh giá điện từ nguồn tái tạo và hủy bỏ các kế hoạch triển khai các dự án nhà máy nhiệt điện chạy than; khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất nguồn năng lượng sạch tại nước này. Nhờ đó, cuối năm 2017, Trung Quốc cũng đạt công suất là 126 GW[14], tăng 67% so với năm 2016. Ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích sự đổi mới. Vào năm 2015, Cơ quan Năng lượng Quốc gia đưa ra sáng kiến Front-runner (người tiên phong), khuyến khích các cơ sở sản xuất năng lượng mặt trời mới sử dụng các sản phẩm tiên tiến với hiệu suất cao hơn để minh chứng cho tiến bộ công nghệ của đất nước và giảm chi phí. Để làm điều này, cơ quan này đấu thầu một số địa điểm có quy mô lớn, chất lượng cao cho những dự án năng lượng mặt trời. Cuộc cạnh tranh khốc liệt đã hạ giá thành xuống đến mức 0,45 nhân dân tệ (~0,06 USD) cho mỗi kilowatt giờ – gần bằng với mức giá năng lượng từ các nhà máy nhiệt điện đốt than.

3. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ chính sách phát triển nhà máy điện mặt trời của Trung Quốc

Qua nghiên cứu kinh nghiệm thực thi chính sách phát triển điện năng lượng mặt trời của Trung Quốc, có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, đặt ra những mục tiêu vừa phải và có tính ràng buộc. Trung Quốc cam kết sản xuất 30% nguồn cung năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030 như một cách để giảm ô nhiễm không khí. Đây chính là động lực chính cho cuộc cách mạng năng lượng mặt trời của Trung Quốc thành công như hiện nay. Đối với Việt Nam, trước hết, các cơ quan quản lý điện lực cần phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá đúng tiềm năng về điện mặt trời, quy hoạch sử dụng đất trên kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để xây dựng quy hoạch cụ thể, cũng như các dự án thu hút đầu tư. Cần nâng cao công tác thẩm định, thanh tra, kiểm tra và có chế tài nghiêm khắc đối với các dự án điện mặt trời không tuân thủ theo quy định pháp luật. Các cơ quan quản lý, các địa phương cần quản lý chặt chẽ hoạt động, mục đích của các dự án; không để chủ đầu tư hoạt động, sử dụng đất sai mục đích, không đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng, phòng chống cháy nổ, môi trường. Chính quyền địa phương cần có hoạt động tuyên truyền, trao đổi hợp lý với người dân về các vấn đề như: chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Nhà nước, tầm quan trọng của các dự án điện mặt trời, kiến thức chung về điện mặt trời,… Điều này sẽ hạn chế phần nào tình trạng các dự án không thể triển khai do người dân có hiểu nhầm, hiểu sai về dự án. Ngoài ra, tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu năm 2015 (COP 21), Việt Nam đã cam kết sẽ cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030, nếu nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế có thể giảm tới 25%. Vì vậy cần có sự kế hợp giữa chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để đặt ra những mục tiêu cụ thể và nghiêm túc thực hiện những mục tiêu đó, đôi khi kèm theo các chế tài pháp luật.

Thứ hai, kinh nghiệm từ Trung Quốc cho thấy, để thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng sạch cũng như năng lượng mặt trời, Việt Nam cần một chính sách khoa học cụ thể kết hợp giữa công nghiệp và năng lượng để giúp ngành điện năng lượng mặt trời phát triển nhanh chóng, đồng thời phải có sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hành các chính sách đó. Ngoài ra cần phải thực hiện chính sách hội nhập, mở cửa cho nước ngoài đầu tư vào ngành năng lượng và có ưu đãi trong áp thuế nhập khẩu đối với ngành công nghiệp năng lượng mặt trời. Ở Việt Nam, Chính phủ cần xây dựng các quy định cụ thể để khắc phục vấn đề liên quan tới chất thải của pin mặt trời. Hiện nay, Thông tư số 18/2020/TT-BCT đã quy định các chủ đầu tư điện mặt trời có trách nhiệm phải xử lý toàn bộ vật tư, thiết bị, chất thải phát sinh của công trình điện mặt trời từ khi xây dựng đến khi kết thúc dự án. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần đưa ra những quy định cụ thể hơn các chủ đầu tư có sự hỗ trợ và cơ sở để đánh giá việc xử lý thế nào thì đúng cách và đáp ứng yêu cầu. Các quy định đó có thể tập trung vào những vấn đề như tiêu chuẩn, quy chuẩn của tấm pin quang điện; phương án xử lý; thông tin an toàn về môi trường trước và sau khi xử lý tấm pin quang điện; các tiêu chuẩn đánh giá kết quả xử lý; cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát doanh nghiệp tiến hành xử lý tấm pin quang điện…

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cần có những quy định ràng buộc trách nhiệm đối với nhà sản xuất, nhà cung ứng các tấm pin quang điện để họ có trách nhiệm thu hồi hoặc tái chế nhằm đảm bảo vấn đề môi trường. Hơn nữa, chính phủ cần xây dựng cơ chế liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên trong quá trình phát triển điện năng lượng mặt trời. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương vì sự phát triển kinh tế ngắn hạn trước mắt, mong muốn phát triển nhanh sẽ đánh đổi bằng cách thúc đẩy vào phát triển các nguồn năng lượng hóa thạch, thủy điện lớn, nhiệt điện. Ngoài ra, Nhà nước cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ đảm bảo việc giải phóng mặt bằng, giao đất cho các chủ đầu tư dự án khai thác, sản xuất điện năng lượng mặt trời của ủy ban nhân dân cấp tỉnh là công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân địa phương.

Thứ ba, Việt Nam cần có một mô hình tạo ra lợi nhuận. Trung Quốc sau thời gian dài áp dụng chính sách trợ cấp FiT một cách phát triển và ổn định thị trường thì hiện tại các nước đã đang chuyển sang hình thức đấu giá. Vì vậy Việt Nam cần thực hiện các đánh giá chuyên sâu về cách tiếp cận chính sách hiện nay của mình, và chọn một cách tiếp cận đáp ứng được các mục tiêu về biến đổi khí hậu, sự sẵn sàng của thị trường cho những công nghệ năng lượng tái tạo và thiết kế một hệ thống chính sách tạo ra nhiều lợi ích. Các cơ quan quản lý điện lực cần tăng cường công tác giám sát cung – cầu điện, giám sát tiến độ thực hiện các dự án nguồn và lưới điện trong quy hoạch được phê duyệt, để đảm bảo các dự án nhà máy điện mặt trời sớm đi vào hoạt động và cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương cần thống nhất trách nhiệm quản lý các dự án nhà máy điện mặt trời thuộc về ủy ban nhân dân huyện, nơi thẩm tra, cấp phép. Theo đó, địa phương cần quản lý một cách chặt chẽ hoạt động, mục đích của nhà máy; không để chủ đầu tư hoạt động và sử dụng đất sai mục đích. Dù Nhà nước khuyến khích chủ trương phát triển điện mặt trời, cơ chế mở nhưng không thể buông lỏng trong quản lý.

Thứ tư, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các dự án nhà máy điện mặt trời, như ưu đãi về thuế, đất đai, bù giá, vay vốn tín dụng và các hình thức hỗ trợ khác. Nghiên cứu ban hành các quy định về quản lý, các quy định về thu gom, xử lý, tái chế thiết bị chính của điện mặt trời khi không còn sử dụng. Đây là vấn đề lớn trong tương lai gần, cần có quy định pháp lý và chính sách rõ ràng, cộng với các cơ chế hạ tầng cụ thể. Với chính sách này, nếu áp dụng cho Việt Nam cần phải tạo môi trường đầu tư công bằng. Qua thực tế các chủ đầu tư “lách luật” chia nhỏ dự án dưới 1 MWp để được xác định là điện mặt trời mái, điều này dẫn đến tình trạng mất công bằng đối với các nhà đầu tư chân chính. Khi đó, các chủ đầu tư nghiễm nhiên được hưởng mức giá bán điện tốt hơn điện mặt trời nối lưới và không cần thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định. Vì vậy để hạn chế tình trạng này, các cơ quan chức năng cần làm rõ hơn thế nào là điện mặt trời mái nhà, thế nào là điện mặt trời nối lưới để làm rõ hai hình thức trên, trách tình trạng lợi dụng kẽ hở trong quản lý để chuộc lợi của các nhà đầu tư.

Thứ năm, cần lựa chọn công nghệ tiên tiến và thích hợp với điều kiện của quốc gia để đưa vào sản xuất. Để chuyển dần từ việc sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống như điện than sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời, Việt Nam cần có những bước đi cẩn trọng vì công nghệ sử dụng trong ngành năng lượng mặt trời là công nghệ rất cao. Do đó, để đảm bảo sự an toàn về năng lượng, Việt Nam phải lựa chọn công nghệ tiên tiến và thích hợp với điều kiện của mình để đưa vào sản xuất. Đồng thời có những chính sách khuyến khích sự tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải điện, với công nghệ lưới điện thông minh đã ứng dụng phổ biến trên thế giới, việc tư nhân đầu tư thêm đường truyền tải sẽ giúp các dự án điện mặt trời giải tỏa hết công suất mà vẫn có thể xác định chính xác lượng điện truyền tải, tiêu thụ đi các nơi.

Thứ sáu, nâng cao năng lực xây dựng, quản lý và vận hành các dự án nhà máy điện mặt trời ở các cấp thông qua việc phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực điện mặt trời. Nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển năng lượng mặt trời bao gồm: những nhà quản lý có trình độ về xây dựng và tổ chức thực thi chính sách, pháp luật pháp triển điện mặt trời; những nhà nghiên cứu có trình độ nghiên cứu, chế tạo ra các công nghệ, thiết bị phục vụ cho khai thác, sản xuất và sử dụng năng lượng mặt trời; những người lao động có trình độ lắp đặt, vận hành, sửa chữa thiết bị cho các dự án nhà máy điện mặt trời.

Hiện nay, trong các hợp đồng hợp tác phát triển nhà máy điện mặt trời, nguồn nhân lực chủ yếu là sử dụng nhân công nước ngoài, cả ở nhân lực chất lượng cao và nhân lực lao động tay chân. Vì thế đào tạo nguồn nhân lực trong nước là một giải pháp đáng được quan tâm góp phần làm giảm chi phí trong xây dựng và vận hành các nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam. Việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có thể thông qua các biện pháp sau:

+ Hỗ trợ và khuyến khích các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề phát triển giáo trình và giảng dạy các môn học mới liên quan đến năng lượng tái tạo, đặc biệt là ưu tiên cho năng lượng mặt trời.

+ Khuyến khích, tổ chức công tác nghiên cứu và phát triển điện mặt trời trong các tổ chức nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đặc biệt đối với việc nghiên cứu sâu các công nghệ điện năng lượng mặt trời đặc thù, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

+ Xây dựng kế hoạch hợp tác ngắn hạn, dài hạn với các tổ chức quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và tập huấn về điện năng lượng mặt trời.

+ Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học về điện mặt trời.

Kết luận

Hiện nay, do nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang là vấn đề nghiêm trọng toàn cầu, nhu cầu năng lượng không ngừng tăng cao, giá điện mặt trời ngày càng rẻ hơn nên việc khai thác và sử dụng nguồn điện mặt trời sẽ là xu hướng tất yếu của Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Việt Nam là một đất nước giàu tiềm năng phát triển điện mặt trời, tuy nhiên việc khai thác năng lượng mặt trời tại Việt Nam còn gặp khá nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Để biến những tiềm năng này hiện thực, Nhà nước cần ban hành nhiều chính sách pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển điện năng lượng mặt trời, góp phần vào an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp điện cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, góp phần làm giảm phát khí thải ra môi trường./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Xuân Chánh, “Phát điện nhờ pin mặt trời và phát điện mặt trời tập trung”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam số tháng 4 năm 2019.

2. Bùi Phương Len, Trung tâm năng lượng, “Năng lượng mặt trời là gì?”, http://trung tamnangluong.vn/nang-luong-mat-troi-la-gi.

3. Nghị quyết số 55-NQ-TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

4. Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17 tháng 07 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.

5. “China is adding solar power at a record pace”, Bloomberg, https://www.bloomberg. com/news/articles/2017-07-19/china-adds-about-24gw-of-solar-capacity-in-first-half-official.

6. “2017 electric power industry summary statistics”, China Energy Portal, https:// chinaenergyportal.org/en/2017-electric-power-industry-summary-statistics/.

7. “China officially installed 52.83 Gigawatts worth of solar in 2017”, Cleantechniaca, https://cleantechnica.com/2018/01/22/china-officially-installed-52-83-gw-worth-solar-2017-nea/.

8. “China overtakes Germany to become world’s leading solar PV country”, Cleantechniaca, https://cleantechnica.com/ 2016/01/22/china-overtakes-germany-become-worlds-leading-solar-pv-country/.

9.“The solar energy evolution and diffusion studies”, https://www.nrel.gov/solar/seeds/ index. html.

10. “How CSP Works: Tower, Trough, Fresnel or Dish”, Solarspaces, https://www. solarpaces.org/  how-csp-works/.

11. “Global market outlook for solar power/2018-2022”,http://www.Solarpowereu rope.org/wp-content/uploads/2018/09/Global-Market-Outlook-2018-2022.pdf.

 

 



[1] ThS., Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại thương

[2] Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Ngoại thương trong chương trình nghiên cứu mã số FTURP02-2020-04.

[3] Bùi Phương Len, Trung tâm năng lượng, “Năng lượng mặt trời là gì?”, 2014, xem tại: http://trungtam nangluong. vn/nang-luong-mat-troi-la-gi (truy cập ngày 10/5/2021).

[4] Nguyễn Xuân Chánh, “Phát điện nhờ pin mặt trời và phát điện mặt trời tập trung”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam số tháng 4 năm 2019.

[5] Solarspaces, “How CSP Works: Tower, Trough, Fresnel or Dish”, 2018, https://www.solarpaces.org/how-csp-works/ (truy cập ngày 10/05/2021).

[6] Nguyễn Xuân Chánh, “Phát điện nhờ pin mặt trời và phát điện mặt trời tập trung”, Tlđd.

[7] Điều 1.10 Phụ lục 1 Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho dự án điện mặt trời nối lưới (ban hành kèm theo Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17 tháng 07 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời.

[8] NREL, “The solar energy evolution and diffusion studies”, xem tại: https://www.nrel.gov/solar/seeds/ index.html (truy cập ngày 10/05/2021).

[9] Solarpowereurope.org, “Global market outlook for solar power/2018-2022”, http://www.solarpowereurope.org/ wp-content/uploads/2018/09/Global-Market-Outlook-2018-2022.pdf.

[10] Cleantechniaca.com, “China officially installed 52.83 Gigawatts worth of solar in 2017”, https://cleantechnica.com/2018/01/22/china-officially-installed-52-83-gw-worth-solar-2017-nea/.

[11] Bloomberg.com, “China is adding solar power at a record pace”, https://www.bloomberg.com/news/ articles/2017-07-19/china-adds-about-24gw-of-solar-capacity-in-first-half-official.

[12] Cleantechniaca.com, “China overtakes Germany to become world’s leading solar PV country”, https://cleantechnica.com/2016/01/22/china-overtakes-germany-become-worlds-leading-solar-pv-country/.

[13] Xem tại https://chinaenergyportal.org/en/work-plan-for-the-supervision-and-inspection-of-chemical-energy-storage-projects-at-power-plants/.

[14] China Energy Portal, “2017 electric power industry summary statistics”, 2018, https://chinaenergyportal.org/ en/2017-electric-power-industry-summary-statistics/.

 

0thảo luận