Trang chủ

Những vấn đề chính trị và an ninh nổi bật khu vực Đông Bắc Á năm 2021

Đăng ngày: 15-05-2023, 09:48 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 2

Phạm Hồng Thái1

 

 

Tóm tắt: Trên cơ sở phân tích bối cảnh quốc tế và khu vực, bài viết đánh giá những vấn đề chính trị và an ninh nổi bật của khu vực Đông Bắc Á trong năm 2021. Về chính trị, đó là các vấn đề: củng cố liên minh chiến lược Nhật - Mỹ - Hàn, củng cố quan hệ máu thịt Triều –Trung, xu hướng đòi độc lập gia tăng ở Đài Loan. Về an ninh, đó là các vấn đề: căng thẳng trên eo biển Đài Loan, tình huống an ninh mới trên eo biển Nhật Bản, “dậy sóng” trên biển Hoa Đông, cuộc chạy đua vũ trang của Hàn Quốc và Triều Tiên. Bài viết cũng đưa ra một số dự báo về triển vọng chính trị và an ninh khu vực trong năm 2022.

Từ khóa: Khu vực Đông Bắc Á, chính trị, an ninh, vấn đề nổi bật

 

T

rong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng và đại dịch COVID-19 ảnh hưởng sâu đến kinh tế của các nước, đời sống chính trị và an ninh khu vực Đông Bắc Á năm 2021[1]có những diễn biến phức tạp khó lường. Dựa trên phân tích thông tin qua các báo chí và các hãng thông tấn trong nước và quốc tế, tham khảo các kết quả nghiên cứu có liên quan, bài viết đánh giá khái quát một số vấn đề chính trị và an ninh nổi bật của khu vực trong năm 2021, từ đó đưa ra một số dự báo triển vọng năm 2022.

1. Những vấn đề nổi bật về chính trị

Đông Bắc Á là khu vực tập trung những nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhưng cũng là nơi có địa chính trị phức tạp vào loại bậc nhất thế giới và nhiều vấn đề nhạy cảm tồn tại từ thời Chiến tranh Lạnh đến nay. Năm 2021, tình hình chính trị quốc tế khu vực Đông Bắc Á có nhiều động thái nổi bật với tư cách là một vũ đài chính trị và an ninh thế giới.

Thứ nhất, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc củng cố liên minh chiến lược tay ba. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược toàn diện Mỹ-Trung gia tăng căng thẳng, chính quyền mới của Mỹ đã điều chỉnh chính sách đối ngoại, tạo điều kiện hàn gắn những rạn nứt và củng cố các mối quan hệ đồng minh trong khu vực Đông Bắc Á. Nếu dưới thời Tổng thống Donald Trump, quan hệ Nhật - Mỹ và Hàn - Mỹ dường như “chạm đáy” với chính sách “nước Mỹ trên hết” thì nay đã khác. Ngay sau khi Tổng thống Joe Biden nắm quyền (tháng 1/2021), Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã sớm có động thái hâm nóng lại quan hệ đồng minh.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Mỹ (17/4/2021) sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức để một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của liên minh Nhật – Mỹ trong việc duy trì trật tự an ninh khu vực và đảm bảo lợi ích song phương. Năm 2021, Thủ tướng Suga Yoshihide đã gặp trực tiếp Tổng thống Mỹ 3 lần. Trong tuyên bố chung "Quan hệ đối tác toàn cầu Mỹ - Nhật Bản cho kỷ nguyên mới" (17/4/2021), hai bên khẳng định nhất trí tăng cường hơn nữa liên minh Nhật - Mỹ, vốn là nền tảng của hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương[2]. Bên lề hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm Bộ tứ Quad (24/9/2021), Thủ tướng Suga nói: “Chúng tôi có thể tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước nhờ mối quan hệ đầy tin cậy của tôi với Tổng thống Biden”[3]. Ngày 3/9/2021, Thủ tướng Suga Yoshihide xác nhận rằng ông sẽ không tái tranh cử với tư cách lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 9 giữa bối cảnh bị chỉ trích về phản ứng chậm chạp trước đại dịch COVID-19, đồng nghĩa với việc kết thúc nhiệm kỳ của ông. Thủ tướng mới kế nhiệm Kishida Fumio ngay sau khi nhậm chức đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Joe Biden (ngày 5/10/2021), hai bên một lần nữa khẳng định quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư ở biển Hoa Đông nằm trong phạm vi áp dụng của Điều 5 trong Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ[4].

Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in đã thể hiện sự hào hứng khi đón mừng lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden với dòng tweet: “nước Mỹ trở lại” sau 4 năm quan hệ Mỹ - Hàn giảm nhiệt. Trong năm 2021, Hàn Quốc và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc để sắp xếp lại việc chia sẻ chi phí, cho phép quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, còn gọi là Thỏa thuận các biện pháp đặc biệt (SMA)[5], khép lại cuộc đối đầu về chi phí quân sự giữa hai nước trong hơn một năm qua (3/2021). Trong Tuyên bố chung được đưa ra trong Đối thoại Quốc phòng tích hợp Hàn - Mỹ lần thứ 20 tại Seoul trong hai ngày 27 - 28/9, hai nước đã nhất trí tìm cách tăng cường khả năng phòng thủ chung trước các mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên. Mỹ và Hàn Quốc đưa ra kế hoạch mới điều hành chiến tranh (12/2021), nhận định Triều Tiên đang có kế hoạch sâu rộng trong cải cách vũ khí quốc phòng. Hai nước xây dựng kế hoạch mới nhằm đối phó với chiến lược mới của Triều Tiên[6].

Năm 2021, mặc dù liên minh tay ba Nhật- Mỹ - Hàn được củng cố, nhưng quan hệ song phương Nhật - Hàn vẫn còn nhiều trắc trở. Chính quyền Joe Biden coi hợp tác ba bên là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy an ninh ở châu Á. Mặc dù vậy trong năm 2021, quan hệ song phương bị đánh giá là “thụt lùi” giữa Hàn Quốc và Nhật Bản đã không có bước cải thiện nào đáng kể. Sách Trắng quốc phòng của Hàn Quốc công bố hồi tháng 2/2021 đã không còn gọi Nhật Bản là “đối tác” nữa, thay vào đó là cụm từ “quốc gia láng giềng”[7]. Trở ngại đôi bên vẫn là những vụ tranh cãi, kiện tụng về những chủ đề liên quan đến thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên và tranh chấp chủ quyền đảo Dokdo/ Takeshima, gần đây nhất là việc một tòa án Hàn Quốc ra phán quyết yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng ép lao động trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên. Nhưng Nhật Bản cho rằng vấn đề này đã được giải quyết xong theo thỏa thuận được ký giữa hai nước vào năm 1965.

Thứ hai, Trung Quốc và Triều Tiên củng cố “quan hệ máu thịt”. Năm 2021, cả Triều Tiên và Trung Quốc có nhiều sự kiện chính trị quan trọng. Trung Quốc kỉ niệm 100 năm ngày ra đời của Đảng Cộng sản Trung Quốc (1/7/2021), đánh dấu việc Trung Quốc hoàn thành "mục tiêu trăm năm" đầu tiên: trở thành một xã hội khá giả toàn diện. Tại Triều Tiên, Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 8 được tổ chức (1/2021). Trung Quốc và Triều Tiên kỷ niệm 60 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ Trung-Triều (11/7/1961) và gia hạn hiệp ước 20 năm tiếp theo. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jung-un khẳng định năm 2021 “mở ra một chương mới trong quan hệ Triều Tiên- Trung Quốc lấy tình hữu nghị lấy chủ nghĩa xã hội làm cốt lõi”. Ông nhận định, tình hình quốc tế trong những năm gần đây "phức tạp chưa từng thấy”, nhưng quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên vẫn đang trên đà phát triển toàn diện lên một tầm cao hơn trong tất cả các lĩnh vực[8]. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhận định rằng thế giới đang có "sự thay đổi lớn và nhanh chóng chưa từng có trong 100 năm qua”, nhưng quan hệ Trung – Triều là đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nước. Trung Quốc kiên quyết ủng hộ kinh tế và cuộc sống của người dân Triều Tiên. Nhật Báo Rodong Shinmun ra xã luận nhấn mạnh hợp tác song phương là một "vũ khí lợi hại" giúp hai nước chiến thắng trong bất kỳ cuộc chiến nào.

Thứ ba, Đài Loan gia tăng xu hướng li khai. Năm 2021, xu hướng li khai tại Đài Loan gia tăng nổi bật. Trong thời nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu cầm quyền (2008-2016), xa lộ hòa bình được mở ra giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan với 19 thỏa thuận song phương; từng có tới 40% hàng hóa của Đài Loan được xuất sang đại lục. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi từ khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn lên cầm quyền đến nay với việc Đài Loan ngày càng tỏ thái độ mạnh mẽ không chịu khuất phục Trung Quốc và gia tăng xu hướng li khai. Phát biểu trong lễ kỷ niệm quốc khánh Trung Hoa Dân quốc tại Đài Loan ngày 10/10/2021, bà Thái Anh Văn nêu 4 cam kết với dân chúng Đài Loan: (1) duy trì một hệ thống hiến pháp tự do và dân chủ, (2) Trung Hoa Dân quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không phục tùng lẫn nhau, (3) kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền của Đài Loan, (4) tương lai của Trung Hoa Dân Quốc phải được quyết định theo ý nguyện của người dân Đài Loan[9]. Đài Loan tiếp tục tăng cường hơn nữa sức mạnh quân sự dựa trên tiềm lực kinh tế. Nếu năm 2021, Đài Loan đầu tư cho ngân sách quốc phòng gần 16 tỉ USD thì con số này là 16,8 tỉ USD (471,7 tỉ Đài tệ) cho năm 2022, tăng khoảng 5,2% so với năm trước và chiếm khoảng 2,3% GDP của Đài Loan. Đài Loan tăng cường mua sắm vũ khí, hối thúc Mỹ giao sớm 66 chiến đấu cơ F-16V, hy vọng có được hơn 100 tên lửa tầm xa AGM-158 có khả năng bắn đến lãnh thổ Trung Quốc[10]. Năm 2021 cũng là năm Đài Loan gia tăng chiến lược phá bỏ “nguyên trạng” trong quan hệ với Trung Quốc với việc nỗ lực củng cố các “văn phòng” đại diện ở gần 60 thủ đô trên thế giới[11]. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, mời Đài Loan dự hội nghị các nền dân chủ trong tháng 12/2021; các nhà lập pháp từ Mỹ, Nhật Bản và đảo Đài Loan đã tổ chức cuộc đối thoại chiến lược lần đầu tiên để thảo luận về đối sách với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (29/7/2021)[12].

2. Những vấn đề nổi bật về an ninh

Năm 2021 khu vực Đông Bắc Á vẫn là tâm điểm của những chuyển động phức tạp của tình hình an ninh thế giới. Có thể nêu lên một số vấn đề nổi bật, đáng chú ý sau:

Trước hết là sự gia tăng mức độ căng thẳng trên eo biển Đài Loan. Năm 2021, trong bối cảnh cạnh tranh đối đầu Trung – Mỹ và xu hướng đòi độc lập của của Đài Loan gia tăng, Trung Quốc nâng mức uy hiếp Đài Loan bằng các cuộc tập trận và đe dọa không phận. Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã nhiều lần tổ chức tập trận trên bộ và trên biển nhằm vào Đài Loan. Điển hình là cuộc tập trận trong tháng 10/2021 với việc diễn tập đổ bộ ở địa phận tỉnh Phúc Kiến, nơi gần nhất với đảo Đài Loan hay như cuộc tập trận gần eo biển Đài Loan ngày 27/11/2021 vào dịp diễn ra cuộc viếng thăm hòn đảo này của một phái đoàn nghị sĩ Quốc hội Mỹ. Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc cho rằng, các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc gần Đài Loan là nhằm vào các lực lượng thúc đẩy sự độc lập chính thức của hòn đảo này và là một động thái “chính đáng” để bảo vệ hòa bình và ổn định[13].

Năm 2021 cũng là năm không phận Đài Loan bị uy hiếp nghiêm trọng bởi máy bay quân sự của Trung Quốc. Trong các năm trước đây, máy bay quân sự của Trung Quốc vẫn thường tổ chức các cuộc diễn tập uy hiếp không phận Đài Loan. Tuy nhiên, trong năm 2021, số máy bay của Trung Quốc bay vào không phận của Đài Loan gia tăng đột biến và diễn ra hầu như hàng ngày. Đáng chú ý là từ tháng 10/2021, số lượng máy bay bay vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan ngày một nhiều. Riêng trong ngày 5/10/2021, có tới 52 máy bay quân sự Trung Quốc tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, trong đó có 34 máy bay chiến đấu J-16 và 12 máy bay ném bom H-6. Trong tháng 11/2021, Trung Quốc đã điều 159 máy bay chiến đấu xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan và là tháng thứ ba liên tiếp Trung Quốc cho điều hơn 100 chiến đấu cơ và 9 oanh tạc cơ đời mới H-6 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đi vào vùng không phận nhạy cảm này[14].

Năm 2021, căng thẳng ở eo biển Đài Loan gia tăng lên một mức mới không chỉ bởi các cuộc tập trận nhằm vào Đài Loan của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc mà còn bởi các chiến hạm của Hải quân Mỹ và đồng minh liên tiếp qua lại. Tính đến tháng 11, Mỹ đã tổ chức 11 chuyến chiến hạm đi qua eo biển Đài Loan. Đáng chú ý là ngày 23/11/2021, một tàu khu trục của Mỹ đã qua eo biển này ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung. Trước đó (17/10), tàu khu trục Mỹ và tàu hộ vệ Canada đã cùng vượt qua nơi đây để khẳng định quyền tự do hàng hải[15].

Điều đặc biệt là không chỉ tàu chiến của Mỹ mà của cả các nước đồng minh cũng tiến hành các cuộc đi qua eo biển Đài Loan. Ngày 27/9, Anh cử khinh hạm HMS Richmond băng qua eo biển Đài Loan, bật tín hiệu ngay trong lúc di chuyển như muốn gởi thông điệp thách thức Trung Quốc. Đây là chuyến đi qua eo biển Đài Loan lần thứ hai của Anh kể từ năm 2008. Ngày 12/8/2021, một tàu chiến của Pháp đã thả neo ngay ngoài khơi bờ biển phía tây Đài Loan. Đức cũng có ý định cử một chiến hạm dự kiến sẽ đi qua eo biển Đài Loan trong năm 2021 nhưng bị Trung Quốc phản đối nên đã thay đổi lộ trình đi men theo đường hàng hải quốc tế phía nam Đài Loan. Đây là lần đầu tiên Đức cử một tàu chiến đi qua biển Hoa Đông kể từ năm 2002. Nhật Bản tuy không phái tàu chiến qua eo biển Đài Loan nhưng trong tháng 8/2021, Bộ Quốc phòng nước này đã lên kế hoạch triển khai các tên lửa diệt hạm và phòng không cùng 500-600 binh sĩ trên đảo Ishigaki, vốn nằm trên chuỗi đảo khống chế đường ra vào Thái Bình Dương của quân đội Trung Quốc, đây cũng là địa điểm có vị trí chiến lược khống chế eo biển Đài Loan. Đáng chú ý là ngày 29/11, một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc đã nổi lên và di chuyển ở eo biển Đài Loan, một động thái được các nhà phân tích cho là hiếm thấy.

Tháng 3/2021, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), một tổ chức tư vấn độc lập ở Mỹ nhận định: Đài Loan “đang trở thành điểm nóng nhất thế giới, có thể dẫn đến một cuộc chiến giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và có thể các cường quốc khác”. Tuần báo The Economist (tháng 5/2021) đã chạy tựa “Nơi nguy hiểm nhất trên trái đất” khi đề cập đến tình trạng an ninh trên eo biển Đài Loan[16].  Adm. Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ nói trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ (7/2021): "Đài Loan rõ ràng là một trong những tham vọng của họ (Trung Quốc). ... và tôi nghĩ rằng mối đe dọa đã hiển hiện trong thập kỷ này, trên thực tế, trong sáu năm tới"[17].

Tình trạng an ninh trên eo biển Đài Loan cũng như tại Đài Loan nói chung hiện nay bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, song về mặt lịch sử, Đài Loan là mảnh đất cuối cùng của Trung Quốc còn bị “đánh mất”, nơi ngăn cản “giấc mộng Trung Hoa”. Năm 2049 sẽ đánh dấu 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, có thể là mốc thời gian mà Trung Quốc đang nỗ lực để đạt giấc mộng một nước Trung Quốc thống nhất. Về mặt địa chiến lược, Đài Loan trở thành con bài đắt giá của Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược nhằm kiềm chế Trung Quốc. Nơi đây được đánh giá không chỉ là mắt xích quan trọng trong “chuỗi đảo thứ nhất” nhằm bao vây Trung Quốc mà còn là nhà sản xuất chip điện tử lớn nhất thế giới hiện nay.

Thứ hai là Hàn Quốc và Triều Tiên bị cuốn vào vòng xoáy đua vũ trang. Năm 2021, mặc dù Triều Tiên gặp nhiều khó khăn về kinh tế do tình trạng bị cô lập dưới các đòn trừng phạt của Liên Hợp Quốc và các biện pháp ngăn ngừa đại dịch COVID-19 song vẫn đạt được những thành tựu mới trong công nghệ chế tạo vũ khí quân sự. Với các vụ thử tên lửa liên tiếp trong tháng 9 và 10, Triều Tiên đã chứng tỏ khả năng chế tạo các vũ khí hiện đại mà cộng đồng quốc tế không thể không quan tâm. Triều Tiên đã chế tạo được tên lửa siêu thanh với tốc độ tối thiểu gấp 5 lần vận tốc âm thanh, tên lửa hành trình và khả năng phóng tên lửa từ tàu hỏa và tàu ngầm khiến đối phương khó có khả năng chống đỡ[18]. Tháng 11/2021, Triều Tiên đã tổ chức tập trận pháo binh thể hiện năng lực phòng thủ và tấn công của nước này nếu chiến sự xảy ra. Trên cơ sở những thành tựu công nghệ quân sự, chính sách đối ngoại của Triều Tiên cũng có những điều chỉnh. Tháng 6/2021, Triều Tiên từ chối đàm phán với Mỹ cho dù phía Mỹ tuyên bố sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với nước này về vấn đề hạt nhân vô điều kiện.

Năm 2021 cũng là năm Hàn Quốc tiếp tục duy trì tập trận thường niên với Mỹ và các đối tác, đồng thời tăng cường nghiên cứu chế tạo vũ khí mới và đạt được những thành tựu to lớn. Tháng 4/2021, Hàn Quốc cho ra mắt máy bay chiến đấu siêu thanh nội địa đầu tiên có tên gọi KF-21 và trở thành một trong số rất ít các nước có chiến đấu cơ siêu thanh[19]. Ngày 15/9/2021, Hàn Quốc đã phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM), trở thành quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân đầu tiên có thể phát triển một hệ thống SLBM của riêng mình[20]. Nhà Xanh tuyên bố Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới có khả năng phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm tự sản xuất sau vụ thử thành công. Đặc biệt, ngày 21 tháng 10 năm 2021, Hàn Quốc đã phóng thành công tên lửa vũ trụ tự chế tạo đầu tiên, đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong chương trình không gian của nước này[21]. Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã tăng ngân sách quốc phòng cho những năm tới nhằm đối phó với tình trạng bấp bênh, gia tăng căng thẳng trong quan hệ liên Triều. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 2/9 đã công bố "Kế hoạch trung hạn quốc phòng 2022-2026”. Tổng ngân sách quốc phòng 5 năm tới là 315.200 tỷ won (262 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 5,8% và tăng thêm 14.300 tỷ won so với "Kế hoạch trung hạn quốc phòng 2021-2025" công bố năm 2020[22].

Tất cả những diễn biến của cuộc đua vũ trang của Hàn Quốc và Triều Tiên cho thấy tình hình bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới vẫn tiểm ấn những biến cố khó lường dưới tác động của những nhân tố quốc tế và trong nước cho dù hai bên vẫn tìm cơ hội hợp tác và giảm thiểu căng thẳng.

Thứ ba là biển Hoa Đông tiếp tục “dậy sóng”. Biển Hoa Đông, nơi có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã trở thành tâm điểm căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong những thập niên gần đây và ngày càng trở nên quyết liệt. Trung Quốc thường xuyên cử các tàu hải giám, tàu cá xâm phạm khu vực mà Nhật Bản tuyên bố có chủ quyền quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc cũng coi là nước có quyền tài phán. Trong năm 2021, số lượng tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản tại biển Hoa Đông tiếp tục gia tăng. Theo tin từ NHK World, các quan chức cảnh sát biển Nhật Bản cho biết 18 trường hợp tàu chính phủ Trung Quốc tiếp cận tàu thuyền Nhật Bản đã được xác nhận vào năm 2021, tăng so với 8 trường hợp vào năm 2020[23]. Nhiều động thái từ phía Trung Quốc và Nhật Bản cho thấy nguy cơ xung đột tại đây ngày càng lớn. Đáng chú ý là trong năm 2021, Trung Quốc đã tiến tới một bước hình thành thể chế tạo điều kiện răn đe mạnh hơn. Luật An giao thông hàng hải mới sửa đổi (新修订的海上交通安全法) tháng 9/2021 của Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài mà họ coi là xâm nhập trái phép vào vùng biển của Trung Quốc. Điều này đe dọa đến an ninh của các vùng biển nơi xảy ra tranh chấp của Trung Quốc với các nước cũng tuyên bố chủ quyền. Nhật Bản đã có thái độ phản ứng kiên quyết chưa từng thấy trước động thái mới của Trung Quốc. Sách xanh ngoại giao của Nhật Bản năm 2020 nhận định động thái của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông được coi là "mối quan tâm chung của khu vực và cộng đồng quốc tế”. Sang năm 2021, Nhật Bản lần đầu tiên nhận định rằng đây là "mối quan ngại mạnh mẽ về an ninh của khu vực bao gồm Nhật Bản và cộng đồng quốc tế”. Lần đầu tiên một tàu công vụ Trung Quốc hoạt động xung quanh quần đảo Senkaku được Nhật Bản đưa vào sách xanh ngoại giao và bị tố là "vi phạm luật pháp quốc tế"[24].

Thứ tư là eo biển của Nhật Bản xuất hiện tình huống an ninh mới. Nói đến an ninh trên các eo biển Nhật Bản trong năm 2021, trước hết phải kể đến tình huống mới trên eo biển Tsugura (津軽海峡). Đây là nơi tiếp giáp giữa đảo Hokkaido và đảo Honshu của Nhật Bản, cũng là nơi trọng yếu của biển Nhật Bản thông ra Thái Bình Dương. Eo biển Tsugura dài khoảng 130 km, chỗ sâu nhất là 450 mét, đoạn hẹp nhất là 18,7 km giữa doi đất Kameda và Shimokita ở đầu phía đông của eo biển. Dưới đáy biển phía tây khoảng 140 mét là đường hầm Seikan. Đây là đường hầm được coi là dài nhất thế giới, nối tuyến đường sắt bắc nam giữa Hokkaido và Honshu.

Ngày 18/10/2021, lần đầu tiên Nhật Bản chứng kiến Nga và Trung Quốc cùng điều 10 tàu chiến đi qua eo biển Tsugaru sau khi tổ chức tập trận hải quân chung trên biển Nhật Bản trong khuôn khổ cuộc tập trận hợp tác hải quân giữa hai nước (từ ngày 14 đến 17/10/2021). Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã xác định được 5 tàu của Trung Quốc, gồm 1 tàu khu trục lớp Renhai, 1 tàu khu trục lớp Luyang III, 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Jiangkai và 1 tàu tiếp dầu lớp Fuchi; 5 tàu của Nga gồm 2 tàu khu trục Udaloy, 2 tàu hộ vệ lớp Steregushchiy và 1 tàu theo dõi tên lửa lớp Marshal Nedelin. Mặc dù vào tháng 7/2017, lần đầu tiên hải quân Trung Quốc điều một chiến hạm cũng đi qua eo biển này nhưng là một tàu do thám (tàu trinh sát Type 636A số 872) [25]. Theo nhận định của các nhà quan sát, lần vượt qua eo biển Tsugaru lần này của đội tàu chiến đông đảo vừa đề cập trên là một động thái có tính toán của Nga và Trung Quốc. Nếu hiện tượng này gia tăng tần suất và mức độ, chắc chắn sẽ đặt an ninh trên các eo biển của Nhật Bản trước một tình trạng mới.

3. Một số dự báo năm 2022

Diễn biến của cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ và đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục là những nhân tố tác động chủ yếu tới cục diện chính trị và an ninh thế giới cũng như khu vực Đông Bắc Á trong năm tới.

Năm 2022 là năm nước Mỹ tiến hành cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống. Để giành được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong quốc hội, nhiều khả năng chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc cạnh tranh đối đầu với Trung Quốc. Đông Bắc Á cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung được nhiều dự báo vẫn là khu vực trở thành tâm điểm về chính trị và an ninh của thế giới trên cơ sở sự hoạt động của các thể chế được hình thành từ Đối thoại an ninh bốn bên (Quard) và Thỏa thuận ba bên Australia - Anh - Mỹ (AUKUS).

Đại dịch COVID-19 về cơ bản sẽ được kiểm soát trên cơ sở vắc xin được được phổ biến rộng rãi trên phạm vi toàn cầu và khả năng của thuốc điều trị COVID-19. Nếu điều này trở thành hiện thực, các nền kinh tế lớn tiếp tục hồi phục mở ra những triển vọng tốt đẹp cho kinh tế toàn cầu.

Năm 2022 cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng ở các quốc gia trong khu vực Đông Bắc Á có ảnh hưởng lớn tới đời sống chính trị và an ninh của khu vực. Tại Trung Quốc, Olympic mùa đông được tổ chức vào tháng 2/2022 và Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến được tổ chức vào dịp cuối năm. Năm 2022 cũng là năm diễn ra những sự kiện chính trị và mốc ngoại giao quan trọng của các nước trong khu vực. Đó là kỉ niệm 50 năm quan hệ Nhật – Trung và 30 năm quan hệ Hàn – Trung, cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ mới của Hàn Quốc. Trong khi đó, Triều Tiên chủ trương năm 2022 là năm diễn ra “cuộc đấu tranh lớn lao” theo tinh thần Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên tổ chức hồi đầu năm 2021. Đây là những yếu tố có thể làm gia tăng xu hướng hợp tác và giảm thiểu những xung đột tiềm ẩn trong bối cảnh các nước đều mong muốn có môi trường trong nước và quốc tế ổn định để thực hiện những mục tiêu chính trị.

Với bối cảnh quốc tế và khu vực như trên, có thể đưa ra các dự báo như sau:

Nếu cạnh tranh Trung – Mỹ gia tăng nhưng trong tầm kiểm soát thì những vấn đề chính trị và điểm nóng về an ninh trong khu vực ít khả năng có những diễn biến đột biến trong năm 2022. Về mặt chính trị, quan hệ giữa các nước trong khu vực sẽ khó có những biểu hiện cực đoan, ít nhất cũng giữ được tình trạng như năm 2021, riêng quan hệ Nhật – Hàn sẽ có triển vọng được cải thiện.

Eo biển Đài Loan sẽ tiếp tục căng thẳng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Eo biển Nhật Bản có thể sẽ yên bình hơn năm 2021 do bối cảnh Nhật bản và Trung Quốc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao. Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa để tạo sức ép đối với Mỹ và Hàn Quốc và quan hệ liên Triều khó có bước cải thiện. Biển Hoa Đông tiếp tục gia tăng căng thẳng nhưng không có những biểu hiện đột biến so với năm 2021.

Nếu cạnh tranh Trung – Mỹ hạ nhiệt sau khi Mỹ bầu cử quốc hội và khi đã đạt được một số thỏa thuận tạm thời thời để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì các điểm nóng về an ninh của năm 2021 sẽ có nhiều khả năng tạm thời hạ nhiệt, xu hướng hợp tác trong khu vực sẽ được cải thiện bên cạnh sự cạnh tranh, ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực sẽ tiếp tục lên cao.

Tóm lại, trong bối cảnh phức tạp khó lường của đại dịch COVID-19 và tình trạng gia tăng căng thẳng của cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, khu vực Đông Bắc Á tiếp tục trở thành tâm điểm của chính trị và an ninh thế giới trong năm 2021 với những vấn đề chính trị và an ninh nổi cộm như đã được nêu. Dự báo năm 2022, các nước trong khu vực vừa hợp tác, vừa cạnh tranh dưới tác động của những nhân tố trong nước và quốc tế, trong đó nhân tố quốc tế quan trọng nhất là sự cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc. Những  điểm nóng về an ninh khu vực năm 2021 vẫn tiếp tục là những thách thức hàng đầu, đe dọa đến hòa bình và ổn định của khu vực trong thời gian tới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phạm Bình (2021), “Chiều hướng quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden”, http://m.tapchiqptd.vn/vi/ quoc-phong-quan-su-nuoc-ngoai/chieu-huong-quan-he-my-trung-quoc-trong-nhiem-ky-cua-tong-thong-joe-biden-17331.html.
  2. CNBC, “Japan Prime Minister Vows to Step up Defense amid China and North Korea Threats”, https://www.cnbc.com/2021/11/27/ japan-pm-vows-to-step-up-defense-amid-china-and-north-korea-threats.html.
  3. Manpreet SETHI (2021), “AUKUS from an Indian Perspective”, Asia-Pacific Network, 29 Sep 2021, https://www.apln.network/ analysis/commentaries/aukus-from-an-indian-perspective.
  4. Makhan Saikia (2021), “Senkaku: New flashpoint in East China Sea”, The Pioneer 09 May 2021,| https://www.dailypioneer.com/2021/ columnists/senkaku--new-flashpoint-in-east-china-sea.html.
  5. Mitch Sin (2021), “Kim Jong Un Decides to Restore Inter-Korean Communication Lines”, https://thediplomat.com/2021/09/kim-jong-un-decides-to-restore-inter-korean-communication-lines/.
  6. Liu Zhen (2021), “China reasserts Diaoyus claim with island survey as tensions rise with Japan”, South China Morning Post, https:// www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3131166/china-reasserts-diaoyus-claim-island-survey-tensions-rise?module=perpetual_scroll &pgtype=article&campaign=3131166.
  7. Tanguy Lepesant (2021), “End of the ‘Chinese dream’ in Taiwan”, Le Monde diplomaticque, https://mondediplo.com/2021/ 10/06taiwan.
  8. Jaeho Hwang (2021), “The continuous but rocky developments of Sino-South Korean relations: examined by the four factors model”, Journal of Contemporary East Asia Studies, Volume 10, 2021. https://www.tandfonline.com/ doi/full/10.1080/24761028.2021.1965283.
  9. 出石直(2021), 北朝鮮初の核実験から15 (Nao Izushi, 15 năm kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên), https://www. nhk.or.jp/kaisetsu-blog/300/455256.html.

 


[1] PGS.TS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] 外務省, 日米首脳会談, 令和3年4月16日 (Bộ Ngoại giao, Hội đàm nguyên thủ Nhật – Mỹ, 16/04/2021)  https://www.mofa.go.jp/mofaj/na/na1/us/page1_000951. html.

[3] Jiji.com, 日米首脳「強固な同盟」確認 菅首相, 日本食品の規制撤廃歓迎, 2021年09月25日11時29分 (Lãnh đạo Nhật-Mỹ xác nhận "liên minh bền chặt" Thủ tướng Suga hoan nghênh việc bãi bỏ quy định đối với thực phẩm Nhật Bản, ngày 25/09/2021), https://www.jiji.com/ jc/article?k=2021092500194&g =pol.

[4] NHK, 岸田首相 バイデン大統領と就任後初めて電話会談, 2021年10月 (Thủ tướng Kishida điện đàm với Tổng thống Biden lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, tháng 10 năm 2021), https://www.nhk.or.jp/politics/articles/ lastweek/69222.html.

[5] Mitch Shin, “South Korea and US Reach Agrement on Defense Cost Sharing”, The Diplomat, Mach 8-2021, https://thediplomat.com/2021/03/south-korea-and-us-reach-agreement-on-defense-cost-sharing/.

[6] US. Department of Defense, “Joint Press Statement for the 19th Korea-U.S. Integrated Defense Dialogue”, MAY 13, 2021, https://www.defense.gov/News/Releases/ Release/Article/2606924/joint-press-statement-for-the-19th-korea-us-integrated-defense-dialogue/.

[7] NIKKEI, 「日本はパートナー」の記述削除 韓国国防白書「隣国」と表現, 2021年2月2日 16:30 (Sách trắng quốc phòng Hàn Quốc bỏ mô tả “Nhật Bản là đối tác”, viết thành “Quốc gia láng giềng”), https://www.nikkei.com/article/DGXZQOGM0241Y0S1A200C2000000/.

[8] Mạnh Hùng, “Trung Quốc-Triều Tiên nhấn mạnh tăng cường hợp tác song phương”, 11/07/2021, TTXVN/Vietnam+, https://www.vietnamplus.vn/trung-quoctrieu-tien-nhan-manh-tang-cuong-hop-tac-song-phuong/725912.vnp.

[9] 楊淳卉, 國慶大會演說 蔡英文提「四個堅持」:堅持主權不容侵犯併吞, 自由時報 (Yang Chunhui, Trong bài phát biểu ngày Quốc khánh, Thái Anh Văn nêu "bốn điều kiên quyết": nhấn mạnh rằng chủ quyền không thể bị xâm phạm và thôn tính, Liberty Times), 2021/10/10, https://news.ltn.com.tw/news/politics/breakingnews/3699350.

[10] Lawrence Chung, “Taiwan’s biggest defence budget includes US$1.4 billion for new warplanes”, South China Morning Post, 8:30pm, 26 Aug, 2021, https://www.scmp.com/news/china/military/article/3146510/taiwans-biggest-defence-budget-includes-us14-billion-new.

[11] Tháng 7/2021, với nỗ lực ngoại giao của Đài Loan, Litva đồng ý để Đài Loan mở văn phòng đại diện đặt theo tên Văn phòng Đài Loan, cơ sở đầu tiên của Đài Loan ở châu Âu sau 18 năm.

[12] Ryo Nemoto, “Abe: Taiwan must never repeat Hong Kong experience”, Nikkei, July 30, 2021 06:31. https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/ Abe-Taiwan-must-never-repeat-Hong-Kong-experience.

[13] BEIJING-Reuters, “China says military drills near Taiwan a 'just' move”, Daily News October 13 2021. https://www.hurriyetdailynews.com/china-says-military-drills-near-taiwan-a-just-move-168596.

[14] RFI, 中國軍機11月擾台159架次 核打擊轟6也上陣 (Máy bay quân sự Trung Quốc gây rối cho Đài Loan trong 159 lần xuất kích vào tháng 11, máy bay tấn công hạt nhân H-6 cũng tham chiến), 01/12/2021, http://www.rfi.fr/tw/中國/20211201-中國軍機11月擾台159架次-核打擊轟6也上陣.

[15] “Chiến hạm Mỹ đi qua eo biển Đài Loan”, 23/11/2021, Vnexpress, https://vnexpress.net/chien-ham-my-di-qua-eo-bien-dai-loan-4393260.html.

[16] “The most dangerous place on Earth”, May 1st 2021 edition, The Economist, https://www.economist. com/leaders/2021/05/01/the-most-dangerous-place-on-earth.

[17] NBC News, China could invade Taiwan in the next 6 years, assume global leadership role, U.S. admiral warns, March 10, 2021. https://www.nbcnews.com/news/ world/china-could-invade-taiwan-next-6-years-assume-global-leadership-n1260386.

[18] Hùng Cường, “Tên lửa siêu thanh của Triều Tiên đe dọa làm thay đổi cán cân quân sự khu vực”, VOV 30/09/2021. https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/ten-lua-sieu-thanh-cua-trieu-tien-de-doa-lam-thay-doi-can-can-quan-su-khu-vuc-894347.vov.

[19] Brad Lendon and Yoonjung Seo, “South Korea rolls out the KF-21, joining elite group of global supersonic fighter jet makers”, CNN, April 9, 2021, https://edition. cnn.com/2021/04/09/asia/south-korea-kf-21-fifth-generation-fighter-jet-intl-hnk/index.html.

[20]Hyonhee Shin, “S. Korea says it successfully tests submarine-launched ballistic missile”, Reuters, September 15, 2021, https://www.reuters.com/business/aerospace-defense/skorea-successfully-tests-submarine-launched-ballistic-missile-blue-house-2021-09-15/.

[21] KBS World, S. Korea Launches Self-developped Space Rocket Nuri, 2021-10-25, https://world.kbs.co.kr/ service/contents_view.htm?lang=e&menu_cate=&id=&board_seq=412581.

[22]Elin Bergner and Mats Engman, Reading the ROK 2022-2026 Midterm Defense Plan, Institute for Security & Development Policy 2021-10-19. https://isdp.eu/reading-the-rok-2022-2026-midterm-defense-plan/.

[23] NHK World, “More China ships tried to approach Japan boats”, Monday, Jan 3, https://www3.nhk.or.jp/ nhkworld/en/news/20220103_05/.

[24] Ministry of Foreign Affaires of Japan, Diplomatic Bluebook 2021, https://www.mofa.go.jp/policy/other/blue book/2021/en_html/index.html.

[25] Kyodo New, Chinese, Russian warships pass through Tsugaru Strait for 1st time, Oct 18, 2021, https://english.kyodonews.net/news/2021/10/b22862b9c8c8-chinese-russian-warships-pass-through-tsugaru-strait-for-1st-time.html

 

0thảo luận