Trang chủ

Gakusei – sự khởi đầu kỷ nguyên giáo dục tân học tại Nhật Bản

Đăng ngày: 15-05-2023, 09:46 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 2

Nguyễn Thị Vĩnh Linh1

 

 

Tóm tắt: Cùng với công cuộc duy tân Minh Trị (1868-1912), trải qua chưa đầy nửa thế kỷ, Nhật Bản đã có bước phát triển “thần kỳ” và trở thành một đế quốc tư bản chủ nghĩa hùng mạnh ở phương Đông. Không chỉ đạt được những thành tựu vượt bậc trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, nền giáo dục tân học của Nhật Bản thời kỳ Minh Trị cũng là ví dụ điển hình cho việc học tập có chọn lọc những tinh hoa của văn minh phương Tây trong một xã hội truyền thống phương Đông. Bài viết tập trung tìm hiểu về những cơ sở ra đời và nội dung của Gakusei (Học chế) - chính sách giáo dục tân học đầu tiên được áp dụng thống nhất tại Nhật Bản trong buổi đầu của chính quyền Minh Trị. Từ đó, bài viết đi sâu phân tích những tác động của chính sách này đối với sự hình thành nền tân học của Nhật Bản vào nửa cuối thế kỷ XIX.

Từ khóa: Gakusei, Nhật Bản, Minh Trị duy tân, tân học


1. Sự ra đời của Bộ Giáo dục[1]

Gakusei (Học chế)[2] - Luật giáo dục cơ bản của Nhật Bản được ban hành vào ngày 8 tháng 8 năm 1872 và có hiệu lực thực thi từ tháng 4 năm 1873 - 5 năm sau Minh Trị duy tân. Đây được xem là một trong những sự kiện quan trọng nhất khai mở nền giáo dục tân học tại Nhật Bản thời Cận đại (1868-1945).

Một trong những nhân tố quan trọng nhất dẫn đến sự ban hành Gakusei là việc thành lập Bộ Giáo dục (Monbusho) vào ngày 2/9/1871[3]. Một trong những hành động đầu tiên của Bộ Giáo dục là thành lập văn phòng đặc biệt, Gakusei Torishirabegakari (hoặc Ủy ban cố vấn cho hệ thống trường quốc gia) vào ngày 2/12/1871. Nhiệm vụ cốt yếu nhất của ủy ban lúc này là biên soạn Luật giáo dục cơ bản cho nền tân học Nhật Bản và Mitsukuri Rinshō (1846-1897)[4] được bổ nhiệm là người đứng đầu văn phòng, có trách nhiệm cực kỳ quan trọng trong việc định hình luật giáo dục lần này.

Thời điểm thành lập Bộ Giáo dục cũng là thời điểm mà hệ thống chính trị của Nhật Bản có những thay đổi bước ngoặt. Chính quyền Minh Trị bãi bỏ hệ thống "han"[5] phong kiến và thay thế bằng hệ thống quản trị thống nhất từ trung ương (28/8/1871). Toàn bộ đất nước được chia thành 72 tỉnh và 3 thành phố lớn được đặt dưới sự quản lý của một Chihōkan (một thống đốc địa phương), do chính quyền trung ương bổ nhiệm. Kể từ thời điểm này, chính phủ ở Tokyo đã được trao quyền trong việc đưa ra các quyết định quốc gia, bao gồm cả những quyết định liên quan đến giáo dục. Với sự ra đời của hệ thống hành chính thống nhất từ trung ương đến địa phương vào năm 1871, Bộ Giáo dục mới có đầy đủ điều kiện để xây dựng một hệ thống trường công lập quốc gia.

Trong giai đoạn đầu của nền tân học, Nhật Bản chịu ảnh hưởng sâu sắc từ mô hình giáo dục của Pháp. Đối với giới chức lãnh đạo của chính quyền Minh Trị thời bấy giờ, Pháp được xem là quốc gia có tiêu chuẩn văn minh cao với hệ thống pháp luật vượt trội so với các nước phương Tây khác. Bản thân Mitsukuri đã tiến hành dịch thuật Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự và Bộ luật thông luật của Pháp. Bằng cách hướng về Pháp như một hình mẫu, người Nhật tin rằng Nhật Bản cũng có thể nhanh chóng trở thành một quốc gia văn minh, hiện đại.

Lý do việc Nhật Bản chọn lựa mô hình Pháp cho Luật Giáo dục cơ bản xuất phát từ sự tương đồng về bối cảnh lịch sử và con đường phát triển. Dưới vương triều Napoléon, Đại học Pháp được thiết kế và hiện thực hóa vào năm 1808, trao cho nhà nước độc quyền về giáo dục. Toàn bộ hệ thống được tập trung và tổ chức dưới sự kiểm soát của chính phủ thông qua thể chế toàn diện này. Nguyên tắc cơ bản của sự kiểm soát giáo dục vì lợi ích của nhà nước đã phản ánh thái độ của Napoléon đối với giáo dục: “Sẽ được thành lập dưới danh nghĩa Thống nhất Đế quốc, chỉ có một cơ quan duy nhất phụ trách việc giảng dạy và giáo dục công cộng… Không một trường học nào, không một cơ sở giáo dục nào dưới bất kỳ hình thức nào được phép thành lập bên ngoài Đại học Hoàng gia”[6]. Trong khi đó, Mỹ không ủng hộ việc thiết lập một mô hình giáo dục quốc gia thống nhất; Anh đang trong quá trình thử nghiệm vì hầu hết các trường học hoặc trực thuộc Giáo hội Anh hoặc các cơ quan Cơ đốc giáo khác; nước Đức trước khi thống nhất dưới thời Bismarck (1870) cũng không có hệ thống trường học quốc gia. Như vậy, trong số các quốc gia phương Tây mà người Nhật tiếp cận thì Pháp là quốc gia duy nhất vào thời kỳ Minh Trị duy tân có hệ thống trường học thống nhất toàn quốc.

Kết quả, nhóm của Mitsukuri đã hoàn thành bản phác thảo đầu tiên của Gakusei vào tháng 2 năm 1872. Bản thứ hai hoàn thành vào tháng 3 năm 1872. Sau đó, phải mất hơn bốn tháng để Bộ Giáo dục nhận được sự chấp thuận của chính phủ vào ngày 2/8/1872 và được công bố chính thức vào tháng 4/1873.

2. Nội dung của Gakusei

Gakusei năm 1872 phác thảo những đường nét cơ bản nhất về hệ thống trường công lập đầu tiên của Nhật Bản. Toàn bộ nội dung của Gakusei được trình bày trong 44 trang viết tay với 213 điều. Trong đó, phần mở đầu chiếm 4/44 trang, bảy trang của văn bản chính là các điều khoản dành cho sinh viên Nhật Bản học ở nước ngoài và tên của các địa điểm hoặc các môn học ngoại khóa được liệt kê trong 6 trang. Có lẽ do gặp phải những khó khăn về tài chính nên Gakusei dành 5 trang để giải thích sơ lược và đề xuất hệ thống học bổng dành cho người học. Hai mươi trang còn lại phác thảo toàn bộ hệ thống trường học với những thông tin cô đọng và hàm súc nhất.

2.1. Mục đích, tư tưởng chỉ đạo và nguyên tắc của nền giáo dục tân học Nhật Bản trong Gakusei

Trong phần mở đầu, người ta nhận thấy nhiều nội dung liên quan đến tác phẩm Khuyến học nghị[7] nổi tiếng của Fukuzawa Yukichi (1835 - 1901) và cuốn Tự lực (Self-Help) của Samuel Smiles (thông qua bản dịch của Nakamura Masanori). Trong cuốn Tự lực, câu chủ đề “thiên đường giúp đỡ những người tự giúp mình” được thể hiện thấm nhuần trong phần mở đầu của Gakusei. Giá trị của sự tự lực được nhấn mạnh: “Tinh thần tự lực là gốc rễ của mọi sự trưởng thành thực sự trong mỗi cá nhân và được biểu hiện trong cuộc sống của nhiều người, nó tạo thành nguồn sức mạnh thực sự của quốc gia… Tinh thần tự lực, thể hiện trong hành động đầy nghị lực của các cá nhân, luôn là một đặc điểm nổi bật trong tính cách người Anh và cung cấp thước đo thực sự cho sức mạnh của chúng ta với tư cách là một quốc gia”[8].

Mối quan hệ nội tại giữa cá nhân và sức mạnh của một quốc gia đã trở thành quan điểm cực kỳ có ý nghĩa đối với tầng lớp lãnh đạo thời kỳ Minh Trị. Điều này được thể hiện rất rõ nét trong phần mở đầu của Gakusei:

“Việc tiếp thu kiến ​​thức và trau dồi tài năng là điều cần thiết để có một cuộc sống thành công. Bằng cách giáo dục, người học học cách có được tài sản, thực hành các nghề đã học, thực hiện các dịch vụ công và tự làm cho mình không phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác. Các trường học được thiết kế để cung cấp nền giáo dục thiết yếu này... Giờ đây, một hệ thống giáo dục cải tiến đã được hình thành, và các phương pháp giảng dạy cũng được cập nhật. Nó được thiết kế để đảm bảo rằng giáo dục sẽ không chỉ giới hạn trong một số ít người, mà sẽ lan rộng đến mức có thể để không có một ngôi làng nào có một gia đình dốt nát, cũng không một gia đình nào có một thành viên dốt nát. Việc học không còn được coi là của giới thượng lưu nữa mà là cơ nghiệp bình đẳng của quý tộc và quý tộc, nông dân và nghệ nhân, nam và nữ”[9].

Do đó, Gakeisu nhấn mạnh mục đích của nền giáo dục mới là phát triển ở mỗi học sinh khả năng thăng tiến trong cuộc sống. Để đạt được điều này, chương trình giảng dạy mới phải tránh những giáo lý phong kiến đã trở nên lỗi thời và thay thế bằng những khóa học mới giúp cá nhân có thể tiến bộ trong cuộc sống với kiến thức công nghệ theo lĩnh vực đã chọn. Ngược lại, với các trường học cũ, mỗi trường phục vụ một tầng lớp xã hội cụ thể, tất cả học sinh nên đi học không phân biệt thành phần xã hội để không gia đình nào có thành viên thất học. Vì cộng đồng địa phương sẽ được hưởng lợi chủ yếu từ nhà trường nên cộng đồng địa phương phải có trách nhiệm tài trợ cho nhà trường.

Như vậy có thể thấy, trong phần mở đầu, Gakusei nhấn mạnh đến hệ thống các tư tưởng mà về sau trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong giáo dục Nhật Bản hiện đại.

Thứ nhất là chủ nghĩa cá nhân (kojinshugi), tức là giáo dục phát triển cá nhân suốt đời. Các trường công lập mới đã được quảng bá như một phương tiện để đạt được sự khai sáng cho tất cả người Nhật, không chỉ dành riêng cho một nhóm chọn lọc như trong thời kỳ tiền Minh Trị. Đây được xem là một phương tiện bảo đảm sự độc lập của mỗi cá nhân. Ở Nhật Bản thời kỳ Minh Trị, mọi người đều cần khả năng kiếm sống, bao gồm cả tầng lớp Samurai trước đây.

Thứ hai là chủ nghĩa vị lợi (jitsug- akushugi) hay chủ nghĩa duy lý (gōrishugi). Theo đó, Gakusei cho rằng thành công trong cuộc sống đòi hỏi mỗi cá nhân cần được trang bị các kỹ năng để tồn tại trong xã hội công nghiệp mới… Các trường học mới phải cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu đó. Do vậy, thư pháp và các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc bị bãi bỏ, toán học, khoa học và ngoại ngữ đóng vai trò trọng tâm trong chương trình giảng dạy mới.

Thứ ba là tư tưởng về sự bình đẳng xã hội giữa bốn tầng lớp xã hội (yonmin byōdō no seishin). Tất cả trẻ em không phân biệt tầng lớp xã hội và giới tính sẽ cùng học tại một trường tiểu học công lập chung. Trên thực tế, trường học trở thành một công cụ tái thiết xã hội nhằm xóa bỏ sự chênh lệch về kinh tế và chính trị (vốn là đặc điểm của cấu trúc giai cấp xã hội cứng nhắc thời kỳ Tokugawa (1603-1868)).

Cuối cùng, hệ thống trường học quốc gia đầu tiên ở Nhật Bản đã đưa ra hai nguyên tắc giáo dục mà trong đó mỗi nguyên tắc đều mang tính cách mạng. Đầu tiên đó là nguyên tắc giáo dục đại chúng và xóa mù chữ đại chúng - một mục tiêu mà không quốc gia nào trên thế giới đạt được vào những năm 1870. Do đó, từ năm học đầu tiên 1873, chính quyền Minh trị tập trung thực hiện giáo dục tiểu học cho tất cả mọi người không phân biệt tầng lớp xã hội hay giới tính. Thứ hai là nguyên tắc xây dựng một nền giáo dục tập trung, thống nhất và việc quản lý các vấn đề giáo dục trên toàn quốc thuộc về Bộ Giáo dục.

2.2. Cơ cấu hệ thống quản lý giáo dục trong Gakusei

Gakusei phác thảo cơ cấu quản lý giáo dục dựa trên hệ thống học khu. Theo đó, đất nước được chia thành 8 học khu quốc gia gọi là daigaku ku (các khu đại học) chịu trách nhiệm điều hành chính sách giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục quy định. Mỗi học khu đại học chịu trách nhiệm quản lý 32 khu trung học (chūgaku ku). Mỗi học khu trung học quản lý 210 học khu tiểu học (shōgaku ku). Mỗi học khu tiểu học cuối cùng chịu trách nhiệm thành lập một trường tiểu học phục vụ 600 cư dân trong khu vực của nó. Tổng số trường công lập theo hệ thống trường học quốc gia đầu tiên của Nhật Bản bao gồm 256 trường trung học và 53.760 trường tiểu học, tất cả đều tuân theo các quy định của Bộ Giáo dục.

Về mặt hành chính, mỗi khu trong số tám khu đại học thành lập một cục quản lý được gọi là Tokugaku Kyoku chịu trách nhiệm giám sát và kiểm tra việc tuân thủ chính sách của Bộ Giáo dục trong phạm vi quyền hạn của mình. Mỗi khu trung học thành lập một tổ chức quản lý giáo dục gọi là Gakku Torishimari. Trong mỗi Gakku Torishimari có 10 đến 13 viên chức (do tỉnh trưởng bổ nhiệm) chịu trách nhiệm quản lý 20 đến 30 học khu tiểu học. Trong mỗi tỉnh thành lập một Văn phòng phụ trách giáo dục để thực hiện các công việc giáo dục trong phạm vi quản lý của địa phương.

Theo Gakusei, trường tiểu học được chia thành hai phân hiệu: một phân hiệu thấp (dưới 4 năm) cho trẻ em từ 6 đến 9 tuổi và một phân hiệu cao (trên 4 năm) cho trẻ em từ 10 đến 14 tuổi. Trường trung học cũng được chia thành 2 phân hiệu: một phân hiệu thấp dành cho thanh thiếu niên từ 14 đến 16 tuổi và phân hiệu cao dành cho thanh thiếu niên từ 17 đến 19 tuổi. Giáo viên giảng dạy cho các trường tiểu học phải từ 20 tuổi trở lên và có chứng chỉ của trường đào tạo giáo viên (shihan gakkō) hoặc đã hoàn thành chương trình trung học. Giáo viên trung học phải từ 25 tuổi trở lên và có bằng đại học[10].

Chương trình học tiểu học bắt đầu với các môn học cơ bản bao gồm đọc (dokuhon), viết (shūji), phát âm (hatsuon), đàm thoại (kaiwa), toán học, lịch sử, đạo đức (shūshin), thể dục (taisō) và hát (shōka). Đạo đức không phải là môn học bắt buộc ở cấp trên tiểu học, nơi mà học sinh có thể chọn các khóa học khoa học tự nhiên khác nhau. Giáo dục đại học được đề cập một cách ngắn gọn. Trường đại học bao gồm 4 khoa, đó là khoa học, văn học, luật và y học. Các trường đào tạo giáo viên được nhấn mạnh vì đây là điều kiện cần thiết để xây dựng hệ thống trường tiểu học công lập hiện đại.

Với sự ra đời của hệ thống 53.000 trường tiểu học mới, những người biên soạn Gakusei thừa hiểu rằng đây là gánh nặng tài chính thật sự to lớn đối với chính phủ. Do đó, việc triển khai khu đại học và khu trung học mới chỉ dừng lại trên giấy tờ do tình hình kinh phí của chính quyền trung ương và địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

3. Tác động của Gakusei

Sự ra đời của Gakusei là sự kiện quan trọng dánh dấu quá trình chuyển đổi của nền giáo dục truyền thống thời kỳ Edo (1603-1868) sang nền giáo dục tân học chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn minh phương Tây thời kỳ Minh Trị. Nếu trong thời kỳ Mạc phủ[11], nền giáo chịu tác động mạnh mẽ của ý thức hệ phong kiến với sự phân chia đẳng cấp chặt chẽ, thì Gakusei đã phác hoạ một hệ thống giáo dục quốc gia hiện đại thống nhất, bình đẳng, được thiết kế theo mô hình bậc thang. Đánh giá về ý nghĩa của Gakusei, Yanotsuneta đã nhận xét: “Chế độ giáo dục của nước ta bắt đầu với việc công bố Học chế (1872) đã trở thành sự nghiệp đầu tiên của Bộ giáo dục”[12]. Với sự ra đời của Gakusei, nền giáo dục tân học của Nhật Bản đã bước đầu có những chuyển biến hết sức tích cực.

Thứ nhất, nền giáo dục Nhật Bản đã được tổ chức thống nhất chặt chẽ dưới quyền quản lý của Bộ Giáo dục với hệ thống trường học được kiện toàn gồm: tiểu học, trung học, sư phạm ngoại ngữ và trung học chuyên nghiệp. Tính đến năm 1878, đã có 26.584 trường mới được xây dựng trên toàn Nhật Bản. Trong đó, việc mở rộng hệ thống trường tiểu học được người Nhật đánh giá là một trong những ý tưởng khai sáng mang tính tiên phong của Gakusei. Hơn nữa, khi chính quyền Minh Trị quyết định chuyển đổi sang sử dụng Dương lịch (theo lịch phương Tây) từ năm 1872 và thực hiện ngày nghỉ lễ có tính toàn quốc (theo Dương lịch) thì tính thống nhất trong nền giáo dục mới càng cao[13]. Trước đây, dưới chế độ Mạc phủ, việc nghỉ lễ là do các làng tự quyết định, do đó, ngày đến trường của mỗi làng lại khác nhau. Để thống nhất thời gian gian biểu học tập của học sinh, Bộ Giáo dục quy định trong hệ thống trường công lập thì thứ bảy và chủ nhật là ngày nghỉ quốc gia. Vì thế, giáo viên tại các trường tiểu học đều được nghỉ vào ngày chủ nhật mà không phụ thuộc vào tập quán của các làng như trước đây. Cùng với sự xuất hiện của hệ thống trường học mới, tỷ lệ học sinh tới trường cũng đã tăng từ 28% (1873) lên 41% (1878).

Thứ hai, Gakusei đã tác động và dẫn đến sự hình thành một nền giáo dục tân học với chương trình, nội dung giảng dạy hiện đại, đảm bảo sự công bằng cho tất cả mọi thành viên. Một cách khách quan, ngay cả trong thời kỳ Edo, trình độ giáo dục ở Nhật Bản không hề thấp. Chính quyền Mạc phủ và các “han” đã thành lập nhiều trường công lập tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy các tác phẩm kinh điển của Trung Quốc (học thuyết Nho giáo, văn học Trung Quốc và lịch sử Trung Quốc) cho con em của tầng lớp samurai (trường Shohei-zaka). Bên cạnh đó, hầu hết người bình dân tham gia vào các lớp “terakoya” (trung tâm học tập cộng đồng) để phát triển kỹ năng đọc và viết. Ngoài ra, các “học viện” tư nhân dạy Hán học và Nhật Bản học, trong những năm cuối của Mạc phủ, việc nghiên cứu tiếng Hà Lan cũng được mở ra ở một số nơi. Song, bất chấp sự tồn tại của các loại hình cơ sở giáo dục này, hệ thống giáo dục được đặc trưng bởi xu hướng tập trung vào văn học cổ điển, sự chênh lệch và phân biệt đối xử giai cấp, thiếu tính thống nhất về thời lượng, là những hạn chế rõ ràng nhất của nền giáo dục phong kiến này. Trong bối cảnh đó, nền tân học do Gakusei vạch ra lại chú trọng các môn học mới du nhập từ phương Tây và có tính ứng dụng cao trong một xã hội đang dần chuyển mình từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp. Nền tân học do Gakusei đặt nền tảng còn đem lại quyền bình đẳng cho phụ nữ. Việc nam, nữ cùng học được pháp luật cộng nhận (mặc dù trong các trường trung học, nam nữ được tổ chức học tại các trường riêng để phù hợp với nội dung giảng dạy).

Thứ ba, sự ra đời của Gakusei đã có tác động nhất định đến sự chuyển biến của xã hội Nhật Bản. Cùng với sự du nhập mạnh mẽ của văn minh phương Tây thông qua giáo dục, một xã hội truyền thống theo tính chất tập quyền cha truyền con nối đã dần được thay thế bởi một xã hội lấy học thức làm tiêu chuẩn. Những luồng tư tưởng dân chủ, tiến bộ từ phương Tây thông qua giáo dục được truyền bá vào mọi tầng lớp nhân dân Nhật Bản đã góp phần mang lại những biến đổi trong tư tưởng, nhận thức, cũng như trong quan hệ xã hội nói chung.

Tuy nhiên, do phần lớn sách giáo khoa được sử dụng là bản dịch hoặc bản sao của sách giáo khoa phương Tây, thời gian học tập kéo dài 8 năm - khác xa với phong tục xã hội thời đó nên Gakusei không nhận được sự ủng hộ của đại bộ phận nhân dân. Hơn nữa, việc trẻ em phải đến trường, không phụ giúp bố mẹ trong công việc đồng áng, học phí cao đã trở thành gánh nặng rất đáng kể đối với nhiều gia đình nông dân[14]. Năm 1873, nếu thu nhập trung bình hàng năm của một hộ gia đình là 30 đến 40 yên, thì chi phí giáo dục phải trả cao tới 2,29 yên. Tất cả những nguyên nhân này đã dẫn đến sự phản kháng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân đối với Gakusei. Cuối cùng, chính quyền Minh Trị đã quyết định bãi bỏ Gakusei đầu tiên này và thay thế nó bằng một chính sách giáo dục tân học khác phù hợp hơn.

4. Kết luận

Những chuyển biến tích cực của nền giáo dục phong kiến Nhật Bản vào cuối thời kỳ Tokugawa đã góp phần đặt nền tảng quan trọng cho sự ra đời của Gakusei. Những cá nhân ưu tú được tiếp cận với nền văn minh phương Tây đã trở thành lực lượng tiên phong soạn thảo Gakusei và áp dụng trong thực tế.

Năm 1871, Bộ Giáo dục được thành lập như một bộ phận của chính quyền trung ương. Năm 1872, quy chế giáo dục có hệ thống đầu tiên được ban hành dưới hình thức Luật Giáo dục (Gakusei). Trong Gakusei, nền giáo dục Pháp được xem là mô hình mẫu mà giáo dục tân học Nhật Bản hướng tới với sự quản lý tập trung và thống nhất từ Bộ Giáo dục.

Trong bối cảnh giáo dục Nhật Bản thập kỷ đầu của Minh Trị duy tân, Gakusei là chính sách giáo dục hiện đại và tiến bộ nhấn mạnh việc phổ cập rộng rãi các trường tiểu học với mục đích nâng cao trình độ dân trí của người dân Nhật Bản, thiết lập một hệ thống giáo dục đại học với mục đích tiếp thu kiến ​​thức học thuật tiên tiến, kỹ năng và hệ thống từ phương Tây. Tuy nhiên, cuối cùng kế hoạch hiện đại đầy tham vọng này đã không thành hiện thực vì thiếu hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất và trang thiết bị, tài liệu giảng dạy phù hợp cùng đội ngũ giáo viên có năng lực. Do vậy, chính quyền Minh Trị quyết định thay thế Gakusei bằng những sắc lệnh giáo dục khác phù hợp hơn với bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội Nhật Bản thời điểm đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Văn Hồng (1994), Lịch sử giáo dục Nhật Bản thời Minh Trị duy tân, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2. Nguyễn Thị Huyền (2019), “Quan niệm về sứ mệnh mục tiêu giáo dục thời kỳ Minh trị duy tân và ý nghĩa của nó đối với việc đổi mới tư duy ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Khoa học Chính trị, số 9+10.

3. Đặng Xuân Kháng (1991), “Fukuzama Yukichi nhà cải cách lừng danh thời Minh Trị Duy tân”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 5(258).

4. Đặng Xuân Kháng (2003), “Cải cách giáo dục và những tác động chủ yếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Nhật Bản (từ Minh Trị duy tân đến thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai)”, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

5. Nguyễn Văn Kim (1997), “Chế độ giáo dục ở Nhật Bản thời kỳ Tokugawa - những đặc điểm tiêu biểu”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, 5 (294).

6.  Nguyễn Tiến Lực (2010), Minh Trị duy tân và Việt Nam, Nxb Giáo dục, TP Hồ Chí Minh.

7. Đào Trinh Nhất (1936), Nước Nhựt Bổn 30 năm Duy tân, Huế (bản ebook), https://nhatban.net.vn/wp-content/uploads/Nhat-Ban-Duy-Tan-30-nam-DAO-TRINH-NHAT.pdf1.

8. Benjamin C. Duke (2009), The History of Modern Japanese Education: Constructing the National School System, 1872-1890, Rutgers University press, New Brunswick, New Jersey, and London.

9. Brian J. McVeigh (2013), The Nature of the Japanese State: Rationality and Rituality, Routledge, NY.

10. Jia Liu  (2019), “On the Education Reform of the Meiji Japan”, International Journal of New Developments in Engineering and Society, Vol. 3, Issue 4: 21-27, DOI: 10.25236/I IJNDES.030404.

11. Fukuzawa Yukichi (Phạm Hữu Lợi dịch, 2017), Khuyến học, Nxb Thế giới, Hà Nội (bản ebook), https://chiasemoi.com/khuyen-hoc-fukuzawa-yukichi.html.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] TS., Trường Đại học Quảng Nam

[2] Gakusei được dịch sang tiếng Việt bằng nhiều tên gọi khác nhau như: Học chế, Luật giáo dục cơ bản, Trật tự giáo dục chính phủ, Chế độ giáo dục... Trong bài viết chúng tôi dùng thống nhất là Gakusei nhằm bảo đảm giữ nguyên nghĩa của từ này.

[3] Brian J. McVeigh (2013), The Nature of the Japanese State: Rationality and Rituality, Routledge, NY, tr. 131.

[4] Mituskuri Rinshō sinh ra ở Edo (Tokyo ngày nay) trong một gia đình samurai phục vụ gia tộc Tsuyama. Do thông thạo nhiều ngoại ngữ (Hà Lan, Hán, Anh, Pháp,…),  ông được chính quyền Mạc phủ cử tham gia Hội chợ triển lãm quốc tế tại Paris (1867). Tận dụng cơ hội này, ông dành phần lớn thời gian để dịch các tài liệu tại Triển lãm Paris sang tiếng Nhật. Bất ngờ thay, cũng trong thời gian này, chính quyền Tokugawa tiếp tục cử Mitsukuri đi sứ sang châu Âu vào năm 1868. Vào năm 1870, ông nhận được phân công nhiệm vụ từ Gakkō Torishirabe Goyōgakari - Chủ tịch của Bộ điều tra trường học (tiền thân của Bộ Giáo dục Nhật Bản) cho việc cùng biên soạn Gakusei. Benjamin C. Duke (2009), The History of Modern Japanese Education: Constructing the National School System, 1872-1890, Rutgers University Press, New Brunswick, New Jersey, and London, tr. 66-67.

[5] “Han” là lãnh địa tự trị của một samurai (võ sĩ) từ sau thế kỷ XII hoặc của một lãnh chúa phong kiến (daimyo) thời kỳ Edo (1603-1868) và đầu thời kỳ Minh Trị (1868-1912).

[6] Benjamin C. Duke (2009), The History of Modern Japanese Education: Constructing the National School System, 1872-1890, Rutgers University Press, New Brunswick, New Jersey, and London, tr. 70.

 

[7] Trong cuốn sách này, Fukuzawa Yukichi nhấn mạnh, giáo dục là phương tiện để Nhật Bản có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa đất nước như các cường quốc phương Tây. Theo ông, nền độc lập của quốc gia phụ thuộc vào sự phát triển của tinh thần quật cường của mỗi người dân đất nước. Quan điểm mà ông đưa ra là: “Trời không tạo ra người đúng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người” (Fukuzawa Yukichi (Phạm Hữu Lợi dịch, 2017), Khuyến học, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 12, https://chiasemoi.com/khuyen-hoc-fukuzawa-yukichi. html.

[8] Benjamin C. Duke (2009), The History of Modern Japanese Education: Constructing the National School System, 1872-1890, Tlđd, tr. 73.

 

[9] Benjamin C. Duke (2009), The History of Modern Japanese Education: Constructing the National School System, 1872-1890, Tlđd, tr. 73.

 

[10] Benjamin C. Duke (2009), The History of Modern Japanese Education: Constructing the National School System, 1872-1890, Tlđd, tr. 75.

[11] Mạc phủ là chính quyền của tầng lớp võ sĩ, còn Thiên hoàng chỉ làm vì, tồn tại từ năm 1192 đến năm 1867.

[12] Đặng Xuân Kháng (2003), “Cải cách giáo dục và những tác động chủ yếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Nhật Bản (từ Minh Trị duy tân đến thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai)”, Tlđd, tr. 47.

[13] Đặng Xuân Kháng (2003), “Cải cách giáo dục và những tác động chủ yếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Nhật Bản (từ Minh Trị duy tân đến thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ hai)”, Tlđd, tr. 92.

[14] Jia Liu  (2019), “On the Education Reform of the Meiji Japan”, International Journal of New Developments in Engineering and Society, Vol. 3, Issue 4: 21-27, DOI: 10.25236/I IJNDES.030404, tr.26

 

0thảo luận