Trang chủ

Sáng tác của Banana Yoshimoto từ góc nhìn văn học đại chúng

Đăng ngày: 12-05-2023, 09:44 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 2

Nguyễn Thị Mai Liên1, Đỗ Phương Anh2

 

Tóm tắt: Từ góc nhìn văn học đại chúng, bài viết tìm ra những đặc điểm của dòng văn học đại chúng cũng như những nỗ lực tiếp cận văn học tinh hoa/thuần túy của Banana Yoshimoto thể hiện trong ba sáng tác là Kitchen, TsugumiN.P, từ đó đi đến nhận định Banana là tác giả tiêu biểu cho “văn học trung gian” – một dòng văn học xuất hiện và phát triển ở Nhật Bản đặc biệt là từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Xu hướng dung hòa kết tinh những ưu điểm của văn học đại chúng và văn học tinh hoa/thuần túy là đặc điểm tất yếu của văn học ngày nay, tạo nên những tác phẩm vừa có sức sống lâu bền, vừa tiếp cận được đông đảo tầng lớp bạn đọc. Bài viết đặt ra vấn đề cần suy ngẫm cho những người cầm bút trẻ, cho những nhà quản lí văn hóa và đông đảo độc giả.

Từ khóa: Văn học Nhật Bản, Banana Yoshimoto, văn học đại chúng

 

B

anana Yoshimoto là một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng nhất hiện nay ở Nhật Bản. Cùng với Haruki Murakami và Ryu Murakami, Yoshimoto Banana tạo nên sức hấp dẫn bùng nổ cho văn học[1]Nhật Bản[2]đương đại. Phong cách của Banana luôn có sự kết hợp giữa truyền thống- những rung cảm tinh tế của tâm hồn con người và mĩ cảm Nhật Bản, với tinh thần hiện đại - văn hóa đại chúng, sự ảnh hưởng của truyện tranh đến đề tài, tình huống và cách xây dựng nhân vật… Đặc trưng này giúp ta hiểu hơn bộ mặt của tiểu thuyết hiện đại Nhật Bản cũng như quy luật chuyển mình của văn chương trong từng thời kì phát triển của nó.

Banana Yoshimoto (ばなな吉本) sinh ngày 24 tháng 7 năm 1964 tại Tokyo trong một gia đình trí thức. Bà tốt nghiệp khoa Văn học, Đại học Nihon và đã giành được giải thưởng của trường cho tác phẩm tốt nghiệp Bóng trăng (Moonlight Shadow). Sau đó, Kitchen được xuất bản trên tạp chí Kaien, một tạp chí thương mại và trở thành một hiện tượng tại Nhật Bản với hơn 2,5 triệu bản sách được bán ra và được tái bản tới 60 lần. Kể từ đó, các tiểu thuyết sau này của bà đều được đón nhận, khẳng định tài năng của bà trên văn đàn Nhật Bản. Bà trở thành một trong những nhà văn có sách bán chạy nhất hiện nay bên cạnh Haruki Murakami. Ở Việt Nam, đến nay đã có 8 tác phẩm của Banana Yoshimoto đã được dịch: Kitchen (2000), N.P (2006), Vĩnh biệt Tsugumi (2007), Amrita (2008), Say ngủ (2008), Thằn lằn (2008), Hồ (2014), Nắp biển (2018).

Hiroyoshi Sone, người phụ trách hội thảo khi Banana Yoshimoto đang đi học, đánh giá rằng: “Cuốn tiểu thuyết của Banana Yoshimoto (ý nói Kitchen) vượt trội về mọi mặt so với những tiểu thuyết từ trước đến nay”[3]. Nhận xét của Hiroyoshi Sone thể hiện sự công nhận những giá trị khác biệt nổi bật của văn chương Banana Yoshimoto. Cũng khó để xác định minh bạch, đầy đủ những giá trị nổi bật đó là gì. Tuy nhiên, có thể nhận thấy mặc dù được giới nghiên cứu xếp vào dòng văn học đại chúng nhưng sáng tác của Yoshimoto Banana không thuần túy mang tính giải trí mà còn chứa đựng nhiều giá trị dài lâu của văn học tinh hoa/thuần túy mà chúng tôi đề cập dưới đây.

1. Giới thuyết về văn học đại chúng

Văn học đại chúng (tiếng Pháp: litterature populaire, tiếng Nga: massovaya literature), còn gọi là văn học thông tục, là “bộ phận văn học và giải trí được in với số lượng lớn, phổ biến từ thế kỉ XIX và nhất là thế kỉ XX. Đại chúng (từ tiếng La-tinh: massa) mang hai nghĩa: sự sản xuất hàng loạt (giống như “sản phẩm” văn hóa) và nhằm để tiêu dùng rộng rãi. Bởi vậy các phương tiện thông tin đại chúng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tiêu thụ văn học đại chúng. Trong không ít trường hợp, văn học đại chúng có thể được sử dụng như một phương thức công tác tư tưởng nhằm mê hoặc ý thức quần chúng, lôi kéo quần chúng”[4].

Ở Nhật Bản, văn học đại chúng gọi là 大衆文学 (đại chúng văn học/taishuu bungaku), theo Nguyễn Nam Trân trích dẫn từ điển Kojien là một hình thức văn học đối lập với văn học thuần túy và hướng tới quần chúng độc giả bình dân. Thuật ngữ này ra đời năm 1920 cùng với sự phổ cập của báo chí và phương tiện truyền thông. Đầu năm 1926, tạp chí Taishuu Bungei (大衆文芸/ Đại chúng văn nghệ) ra đời, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của văn học đại chúng. Do tính chất giải trí, văn học đại chúng đề cao sự vị của nội dung, đề tài đơn giản, gần gũi, thường được viết với cốt truyện dễ hiểu, hấp dẫn, ngôn ngữ đơn giản để người đọc tập trung vào câu chuyện. Độc giả của văn học đại chúng chủ yếu là tầng lớp trung lưu chiếm đa số trong xã hội. Ranpo Edogawa, Keigo Higashino, Ryotaro Shiba, Eiji Yoshikawa, Haruki Murakami, Banana Yoshimoto... được coi là những tác giả đại diện cho dòng văn học này. Giải thưởng Naoki[5] là giải thưởng dành cho việc lựa chọn các tác phẩm văn học đại chúng.

Văn học thuần túy và văn học đại chúng từ xưa đến nay luôn được coi là đối lập. Ở Nhật Bản, khái niệm văn học thuần túy (純文学/thuần văn học, jun bungaku) xuất hiện đầu tiên vào thời kì Minh Trị (1868-1912). Tokoku Kitamura (1868-1894) định nghĩa văn học thuần túy: “những tác phẩm văn học chú trọng đến cái đẹp chứ không phải thứ văn chương học vấn”[6]. Hiểu đơn giản, những tác phẩm văn học thuần túy là một nghệ thuật được tạo ra nhằm nhấn mạnh sự thể hiện của cái đẹp. Văn học thuần túy đề cao vẻ đẹp của chính văn bản, các nhà văn ra sức dụng công để phô bày vẻ đẹp của ngôn ngữ, tạo ra những cách kết hợp từ lạ. Bởi thế, văn học thuần túy hướng đến đối tượng độc giả là lớp người tinh hoa, kén người đọc, nó đòi hỏi ở người thưởng thức vốn văn hóa sâu sắc và thị hiếu thẩm mĩ tinh tế. Soseki Natsume, Osamu Dazai, Ryunosuke Akutagawa, Yasunari Kawabata, Yukio Mishima, Kenzaburo Oe... là những tác giả sáng tác văn học thuần túy tiêu biểu. Akutagawa[7] là giải thưởng dành riêng cho những cây bút thuần túy.

Tuy vậy, văn học thuần túy và văn học đại chúng từ đầu thời kì Heisei (Bình Thành) (1989-2019) đến nay ngày càng khó phân biệt, chúng dần trở thành không ranh giới, thậm chí có những tác phẩm như bộ manga (truyện tranh) 響~小説家になる方法~ (Hibiki: Shousetsu ni naru houhou – Hibiki: làm thế nào để trở thành tiểu thuyết gia) đã được đề cử cùng lúc giải Akutagawa và giải Naoki. Dòng “văn học trung gian” (中間小説/trung gian tiểu thuyết, chuukan shosetsu) xuất hiện từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã nối kết văn học thuần túy và đại chúng.

2. Đặc điểm của văn học đại chúng trong sáng tác của Banana Yoshimoto

Banana hướng sáng tác của mình vào đối tượng đại chúng, trong phỏng vấn kỉ niệm 30 năm sáng tác, bà chia sẻ: “Khi đọc, những điều khiến người đam mê tiểu thuyết và người bình thường cảm thấy hài lòng hoàn toàn khác nhau nên tôi luôn muốn hướng đến đa số độc giả đại chúng. Đương nhiên nếu có thể thì tôi cũng muốn người mê tiểu thuyết phấn khích nhưng điều đầu tiên là tôi không muốn nó khó đến mức mà người bình thường không thể đọc được”[8]. Dưới đây, chúng tôi chỉ ra một số biểu hiện của văn học đại chúng trong ba cuốn tiểu thuyết tiêu biểu của Banana Yoshimoto là Kitchen, Tsugumi N.P.

2.1. Đề tài từ đời thường của giới trẻ hiện đại

Đề tài trong tiểu thuyết của Banana Yoshimoto là những người trẻ tuổi trong cuộc sống thường ngày đang rạn nứt và tan vỡ, những mối quan hệ như tình yêu, tình bạn, gia đình và đặc biệt là cái chết. Banana thường khéo léo xây dựng những nhân vật nữ mang bi kịch tinh thần. Mikage của Kitchen đột nhiên mất đi người thân duy nhất trên cõi đời là người bà thân yêu, cô độc trong ngôi nhà, đêm đêm co ro bên cái tủ lạnh trong căn bếp cô dùng để neo đậu hồn mình. Tsugumi – nhân vật chính trong tác phẩm cùng tên là cô gái xinh đẹp, thể trạng ốm yếu bẩm sinh hành hạ khiến cô bẳn tính, trái nết nhưng linh hồn cô “sâu thẳm hơn bất kì ai và mạnh mẽ như thể bốc cháy đến tận vũ trụ”[9]. N.P kể về Sui, cô gái với ba mối tình kì lạ: bố, anh trai và tình yêu đồng tính. Dù đã bỏ ngoài tai mọi thứ để ở bên người anh trai, Sui đột nhiên phát hiện mình mang thai và sự bế tắc cứ luôn dẫn lối cô đến cái chết. Giới trẻ Nhật Bản trong cuộc sống đô thị nhàm chán bị tắc nghẽn giữa tưởng tượng và thực tế, họ kiệt quệ bởi những trải nghiệm đau khổ, dằn vặt: “… bóng tối đen ngòm khiến tôi khó thở. Cái bóng đêm trong đó mỗi người chúng tôi phải vật lộn theo cách riêng của mình với giấc ngủ nặng nề như đang nhấn chìm chúng tôi xuống đáy vực”[10]. Họ gặm nhấm cô đơn, cố gắng vượt qua nỗi cô đơn hòng tìm ý nghĩa sự sống.

2.2. Tình huống truyện giàu chất ngôn tình

Tiểu thuyết của Banana Yoshimoto thường tập trung vào những vấn đề người trẻ Nhật Bản phải đối mặt: cuộc sống nơi đô thị ngập tràn cô đơn và dự cảm đau khổ. Nếu có một thứ có thể được coi là mang tính chất cố định và bất di bất dịch trong tiểu thuyết của Yoshimoto, đó là sự tồn tại của một số mối quan hệ lãng mạn. Tình huống truyện mang đặc điểm của tiểu thuyết ngôn tình: oan gia ngõ hẹp. Trong Kitchen, cô gái mồ côi Mikage đang bất lực, bơ vơ không nơi nương tựa thì bỗng nhiên “hoàng tử” Yuichi xuất hiện và mời cô về sống cùng mình. Hai người nhanh chóng hiểu nhau, san sẻ với nhau nỗi đau mất mát. Ở tiểu thuyết Tsugumi, cô bé Maria trong chuyến nghỉ hè ở vùng biển thơ mộng quê mẹ. Tại đây, Maria đoàn tụ với hai chị em họ của mình là Tsugumi và Yoko. Yoko là cô bé hiền lành, dịu dàng nhưng Tsugumi ngược lại, ốm yếu từ nhỏ, cáu kỉnh và “đáng ghét”. Ba cô gái tình cờ gặp Kyouchi, tình yêu nảy nở giữa Tsugumi và Kyouchi từ đó. Kazami của N.P lần đầu nhìn thấy Otohiko tại một bữa tiệc, và vô tình gặp lại nhau “trên con dốc không một bóng người, giáp mặt nhau như một định mệnh”[11]. Đây là những tình huống của shoujo manga (少女 漫画/thiếu nữ mạn họa), một thể loại truyện tranh Nhật Bản hướng về độc giả là những cô gái trẻ. Shoujo manga khai thác đề tài tình yêu lãng mạn với đủ cung bậc cảm xúc, các nhân vật gặp nhau như sự sắp đặt của định mệnh và nảy nở tình yêu. Kết truyện thường dễ đoán trước, song điều đó không làm tác phẩm của Banana mất đi sức hấp dẫn, bởi những tiểu thuyết của bà hướng đến khai thác những rung động sâu sắc trong những tình huống quen thuộc ấy.

2.3. Nhân vật đậm tính manga shoujo (mạn họa thiếu nữ)

Shoujo manga cũng tác động lên cách xây dựng nhân vật của Banana Yoshimoto. Trong truyện tranh dành cho thiếu nữ, nhân vật luôn có ngoại hình ưa nhìn, thu hút người khác phái. Chẳng hạn, Yuichi của Kitchen được Banana miêu tả: “Đó là một chàng trai có khuôn mặt đẹp, đôi chân và cánh tay khá dài... Cử chỉ và giọng nói rất dịu dàng”[12]. Tsugumi hiện ra qua ấn tượng: “Tsugumi xinh đẹp lắm. Mái tóc đen, dài, làn da trắng sáng, hàng mi dài, rậm, cánh tay và chân dài, mảnh mai, nổi cả mạch máu, thân hình nhỏ nhắn, với vẻ bề ngoài thanh nhã như con búp bê do thần thánh tạo ra”[13]. Nhân vật Kyoichi (Tsugumi) có vóc dáng mảnh khảnh nhưng rắn rỏi, ẩn chứa sức mạnh tinh thần, có thể che chở cho người con gái mà cậu yêu thương: “Cậu ta là một người gây ấn tượng lạ lùng. Cậu trạc tuổi chúng tôi. Trên thân hình mảnh khảnh là đôi vai và cái cổ rắn chắc tạo cảm giác mạnh mẽ, điềm tĩnh. Tóc ngắn, vai săn, thoáng nhìn thì đó là một thanh niên trẻ trung với chiếc áo phông thể thao màu trắng rất hợp với cậu, nhưng con mắt lại có chút khác lạ. Con mắt sâu thẳm, sáng ánh lên như thể cậu biết được một điều gì đó rất trọng đại. Dường như chỉ có con mắt cho thấy sự từng trải”[14]. Trong N.P, nhân vật xưng tôi, Kazami Kano thấy hai chị em Takase Otohiko và Takase Saki: “Cả hai đều cao, đều có mái tóc màu nâu. Người con gái trông yểu điệu nhưng làn da thật đẹp, mượt mà và phong mãn. Trên đôi guốc cao gót màu đen là một đôi chân thon thả và khuôn mặt còn ngây thơ trong bộ áo váy hở vai rất rộng. Một vẻ hấp dẫn tươi tắn lạ kì. Người con trai cũng có khuôn mặt khá đẹp. Trừ đôi mắt thoáng nét u buồn, toàn thân anh ta chứa đựng một sự khỏe khoắn toát lên niềm hi vọng. Và đâu đó trong đôi mắt, ánh lên sự cuồng dại, sự cuồng dại làm người ta cảm thấy ở đó có bóng dáng của sự di truyền”[15]. Banana Yoshimoto thường dùng tín hiệu đôi mắt và nụ cười để làm bật lên thần thái của nhân vật. Họ là những chàng trai, cô gái độ tuổi 20 với vẻ bề ngoài mang đậm thẩm mĩ hiện đại Nhật Bản.

3. Tiếp cận những giá trị của văn học thuần túy/tinh hoa

Nếu chỉ sáng tác văn học đại chúng nhằm mục đích câu khách bằng những nội dung quen thuộc, phù hợp thị hiếu số đông, văn chương của Banana Yoshimoto sẽ nhanh chóng bị đào thải và quên lãng. Điều làm nên những giá trị lâu bền cho sáng tác của bà là yếu tố của văn chương thuần túy Nhật Bản, thể hiện qua “vẻ đẹp mơ mộng, chiều sâu ý tưởng, cảm xúc, giọng điệu đầy ám ảnh, cay đắng, đôi khi giễu nhại, sự dung hòa giữa giá trị tư tưởng truyền thống Nhật Bản và hơi thở của cuộc sống hiện đại”[16]. Ở đây, chúng tôi chủ yếu đề cập đến những giá trị mĩ học cổ điển Nhật Bản như mono no aware (nỗi buồn sự vật), mĩ cảm kawaii (khả ái, đáng yêu), sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên và cuối cùng là thủ pháp thường thấy trong những sáng tác của các nhà văn thuần túy Nhật Bản: thủ pháp khai thác vô thức.

3.1. Mĩ cảm mono no aware (物の哀れ)

Cảm thức aware bao gồm trong nó những cảm xúc hạnh phúc, bi ai, niềm cô đơn của vạn vật giữa vũ trụ vô thủy vô chung, nỗi buồn về sự ngắn ngủi của kiếp nhân sinh… Trong Kitchen, mĩ cảm mono no aware thể hiện qua những triết lí về sự cô đơn khủng khiếp mà các nhân vật đang chịu đựng. Mikage và Yuichi đến với nhau bởi họ đều cô đơn: “Chắc chắn rồi một ngày nào đó, tất cả mọi người đều sẽ tan biến vào giữa bóng tối của thời gian” – Cậu ta sống với ánh mắt như thể ý nghĩ đó đã thấm sâu vào trong con người mình vậy. Có thể vì thế mà Yuichi đã để ý tới tôi, như một lẽ thường tình”[17]. Cảm giác về nỗi buồn tê tái phủ đầy các trang truyện: “Tại sao con người lại không thể tự mình lựa chọn được điều gì cả? Giống hệt loài sâu bọ, bị đánh cho tơi bời nhưng vẫn phải nấu cơm, vẫn phải ăn và vẫn phải ngủ. Những người mình yêu rồi sẽ ra đi hết. Vậy mà vẫn phải sống”[18]. Từ đầu đến cuối tiểu thuyết, Mikage vật lộn trong nỗi cô đơn cùng quẫn: “Tôi bất chợt nghĩ ra, rằng gia đình tôi, một thứ đã tồn tại thật trên cõi đời này, cứ mất dần đi từng người, từng người theo năm tháng, và rốt cuộc chỉ còn lại mình tôi nơi đây, tôi bỗng thấy mọi thứ trước mắt đều giống như một lời nói dối. Trong căn phòng nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi sững sờ vì thời gian qua đi đã để lại những vết chân hằn sâu đến thế và chẳng còn ai khác nữa ngoài tôi”[19], bóng tối nhấn chìm cả cô và Yuichi xuống đáy vực.

Cô bé Tsugumi có thể trạng ốm yếu từ nhỏ, thường xuyên bệnh tật nên luôn dự cảm về cái chết cận kề. Khi nhìn thấy bức thư của người ông đã khuất, Tsugumi thì thầm như tự khẳng định: “Vì tao gần cái chết hơn tất thảy bọn mày nên tao hiểu. Chuyện là thế này: lúc nãy khi đang ngủ, ông đã hiện về trong giấc mơ. Dù tỉnh dậy nhưng tao không thể quên được. Ông có vẻ như muốn nói điều gì đó”[20]. Dự cảm về cái chết thường trực mạnh mẽ đến mức cuốn cả những người xung quanh vào thế giới bí ẩn mơ hồ: “Tiếng mưa vẫn rả rích trong đêm khuya, tâm trí tôi cũng nhanh chóng rời bỏ thực tại, bị cuốn vào đêm tối của Tsugumi. Sự tĩnh lặng bất an lơ lửng như thể tất cả mọi chuyện từ trước đến giờ, cả sự sống và cái chết đang dần dịch chuyển đến một nơi có thực trong vòng xoáy thần bí”[21]. Dù khao khát yêu đương, sống hết năng lượng song Tsugumi không thoát khỏi ám ảnh tăm tối “chờ đợi cái chết đến”.

N.P là một tiểu thuyết buồn xoay quanh cuộc đời ba chị em Saki, Otohiko, Sui và cô gái Kazami. Trong N.P, các nhân vật đều gắng sức đi tìm lối thoát cho thế giới bị ám ảnh bởi tự sát và cái chết. Các nhân vật đều liên quan tới cuốn sách của nhà văn quá cố Takase Sarao. Kazami là bạn gái Shoji – một dịch giả đã tự tử sau khi dịch cuốn sách sang tiếng Nhật. Otohiko và Sui tuy là anh em cùng cha khác mẹ, song họ bất chấp yêu thương nhau đầy đam mê và tội lỗi. Cuộc đời đau khổ của Sui dần được Kazami khám phá, khi Sui từng yêu chính cha ruột và giờ đây bất ngờ mang thai với Otohiko. Giữa những giằng xé và bi kịch không lối thoát, họ luôn cảm thấy khao khát tự sát thường trực bên mình, sau khi đã cố vùng vẫy mà sống những ngày đằng đẵng. Tất cả họ đều bế tắc như Sui tự bộc bạch: “Từ hồi nhỏ, tôi đã thực sự tin rằng, mình sẽ chết yểu. Nỗi ám ảnh ấy chính là lời nguyền lên tôi. Tôi không biết những người khác thì sao. Có thể mạnh, có thể yếu, những chắc chắn ai cũng mang trong mình một lời nguyền như thế. Nó giống như là nỗi bất hạnh, vì lẽ, họ chính là họ”[22].

3.2. Mĩ cảm kawaii (可愛い)

Kawaii (可愛い/khả ái) là từ vựng chỉ sự duyên dáng, xinh xắn, dễ thương, đáng yêu... Thẩm mĩ kawaii là đặc trưng của nền văn hóa đại chúng Nhật Bản hiện đại vốn là quê hương của mèo Hello Kitty hay Pikachu. Người Nhật ngày nay chuộng phong cách ngây thơ, các cô gái trang điểm thường nhấn nhá đôi mắt to tròn, đôi má ửng hồng. Dấu ấn thẩm mĩ kawaii khá đậm nét trong sáng tác của Banana Yoshimoto. Hình tượng nhân vật trong hai tác phẩm có ngoại hình, tính cách dễ thương giống như các nhân vật trong các shoujo manga. Banana thường đặc tả “điểm”: thần thái, ánh mắt, nụ cười tạo nên cái hồn cho nhân vật. Vẻ đẹp tươi tắn như đóa hoa bung nở của Saki trong tác phẩm N.P mang tinh thần kawaii: “Thật xứng với cái tên Saki, lúc nào cũng tràn đầy vẻ tươi tắn dịu nhẹ, như một đóa hoa. Cô gây cho người ta cảm giác như lúc nào cũng mở hết cỡ con ngươi mình ra, nhìn đời với một niềm hi vọng rực sáng, mặc cho gió đang làm cho nghiêng ngả”[23]. Và khi Saki cười thì: “… như một đóa hướng dương thật lớn. Khuôn mặt cười rạng rỡ chói chang và đẹp đẽ trong ánh nắng khiến tôi phải nheo mắt”[24].

Mĩ cảm kawaii cũng thể hiện qua những biến động tinh vi của hồn người trước những sự thay đổi tưởng chừng vô cùng nhỏ bé. Chương trình truyền hình yêu thích kết thúc, Maria cảm thấy: “Trong đêm; một mình trong chăn; tâm hồn bé con của tôi ngập tràn nỗi buồn đau như thể mình đã phải chia tay một cái gì đó. Một mình nhìn chằm chằm lên trần nhà; cuộn mình trong cảm giác tiếp xúc với chiếc khăn trải giường cứng sột soạt. Đó là hạt mầm đầu tiên của sự chia li. Nếu so sánh với những lần chia li nặng nề mà tôi sẽ biết trong những năm sau này, nó là một lằn ranh lấp lánh; là chồi non của sự li biệt”[25]. Người Nhật còn có khuynh hướng thu nhỏ, ý thức thẩm mỹ đặc biệt ưa chuộng những cái nhỏ bé, xinh xắn. Những vật nhỏ xinh nhưng có ý nghĩa lớn lao được nhân vật tặng cho nhau cũng xuất phát từ mĩ cảm kawaii. Đó là chiếc cốc có in hình quả chuối mà Eriko mua tặng Mikage. Một món quà giản dị và bé nhỏ song đối với Mikage, đó là “một chiếc cốc quan trọng, vô cùng quan trọng”[26]. Cái đẹp nhỏ nhắn, mộc mạc, nữ tính từ nhiên nhiên đến lòng người khiến nghệ thuật Nhật Bản đậm vẻ mềm mại, thiên về trữ tình nội tâm, coi trọng khắc họa góc độ tâm lí thẩm mĩ.

3.3. Sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên

Không gian trong tiểu thuyết của Banana Yoshimoto thường gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng. Thiên nhiên chứa đựng tâm hồn con người và trên hết, nó là nơi chữa lành, cứu rỗi những linh hồn bơ vơ chực chờ tự vẫn. Trong Kitchen, ngôi nhà của mẹ con Yuichi đem đến cho Mikage sự thoải mái cũng nhờ cách bài trí hòa hợp tự nhiên nơi đây: “Phía trước ô cửa sổ lớn nhìn ra ngoài ban công là đám cây cối được trồng trong những chiếc bầu và chậu nhiều như một khu rừng rậm, còn trong nhà, nếu nhìn kỹ sẽ thấy toàn là hoa. Hoa theo mùa được cắm trong vô số những chiếc bình đặt ở khắp mọi nơi”[27].

Tsugumi lại diễn ra nơi biển cả bất tận, khi con người gắn bó với biển như tri kỉ: “Tôi đã không thể tin được rằng mình sẽ chuyển đến một nơi không có biển. Không đột ngột nhưng lạ lùng đến bất an. Khi vui hay khi buồn; khi nóng nực hay dưới bầu trời sao đêm đông lạnh giá; khi hướng về phía đền thờ Thần đạo đón năm mới; cứ nhìn sang bên là thấy biển ở đó như muôn đời vẫn thế. Dù tôi còn nhỏ hay đã lớn; dù bà hàng xóm qua đời hay bác sĩ vừa đỡ cho một đứa trẻ chào đời; dù là lần hẹn hò đầu tiên hay khi thất tình; biển vẫn lặng lẽ ôm trọn lấy thị trấn; thủy triều vẫn đều đặn dâng lên rồi lại rút đi. Vào những ngày trời trong xanh; có thể thấy rõ bờ vịnh phía bên kia. Dù không cố ý đan xen cảm xúc vào những gì đang nhìn; nhưng dường như biển đang chỉ dạy cho tôi điều gì đó. Chính bởi thế; cho đến bây giờ; tôi chưa từng nghi ngờ về sự tồn tại của biển; về âm vọng của tiếng sóng không ngừng vỗ bờ; nhưng tôi thường tự hỏi không biết ở thành phố; người ta hướng tới cái gì để suy nghĩ về “sự cân bằng”. Quả nhiên; trăng ư? Nhưng so với biển; trăng quá xa; quá nhỏ; có cái gì đó như vô vọng”[28].

N.P, biển cũng là nơi giải thoát cho Otohiko và Kazami nỗi ám ảnh về cái chết của Sui: “- Mỗi khi đứng trước biển, người ta đều mở rộng lòng mình ra phải không? - Và mọi chuyện chán phèo đều trở nên tuyệt diệu. - Sóng sẽ cuốn mọi điều chúng ta nói ra khơi xa”[29]. Họ tự do giải thoát hồn mình khỏi suy tư về lẽ sống - chết, đau đớn vì luân lí đạo đức đã trót vượt qua, rũ bỏ những bóng đen hiện hình quanh sự tồn tại của người bạn lúc nào cũng nhuốm vẻ tang tóc. Nhân vật Otohiko yêu Nhật Bản bởi ở đây có hoa anh đào: “Trong sự thần bí của một đất nước gọi là Nhật Bản, có những đóa anh đào nở rộ như cuồng dại ở nơi ấy, giữa mùa xuân”[30].

Trong cách nghĩ của người Nhật, thiên nhiên không xa lạ như khách thể, nó là tấm gương phản chiếu tâm hồn con người. Họ nhìn vào sự sống và cái chết diễn ra trong thiên nhiên (như bông hoa anh đào rơi rụng khi nó đương đẹp nhất) để nhận thức về kiếp người phù du, hữu hạn. Sống hòa mình với thiên nhiên, cảm nhận nhịp điệu thiên nhiên là truyền thống Nhật Bản. Trong diễn từ nhận giải Nobel, Kawabata Yasunari (1899-1972) cũng đề cập đến sự gắn bó với thiên nhiên như điểm chung của tâm hồn Nhật Bản từ cổ chí kim. Banana Yoshimoto cũng vậy.

3.4. Thủ pháp khai thác vô thức

Cách sử dụng vô thức như giấc mơ, dự cảm hay điềm báo là lối viết dễ bắt gặp trong văn học thuần túy Nhật Bản. Giấc mơ tạo nên sự mơ hồ, đa nghĩa, nó đem đến thế giới giải tỏa ẩn ức trong lòng người. Banana thường dùng giấc mơ để giải quyết những ngưỡng cửa khó bước qua, làm vơi đi nỗi đau mất mát của nhân vật. Mikage trong Kitchen mơ “thấy mình đang kì cọ bồn rửa bát trên cái bệ bếp”[31], nhìn thấy “cái màu ô liu của sàn nhà”[32], cái màu quen thuộc trong ngôi nhà cũ khi bà Mikage còn sống. Giấc mơ ấy được cô san sẻ với Yuichi (hai người chung một giấc mơ) như minh chứng cho sự đồng điệu tâm hồn và khát khao có được mái ấm gia đình thực sự.

Cõi tâm linh thẳm sâu nơi những nhân vật mang tâm hồn nhạy cảm của Banana được bà khai thác bằng những dự cảm chết chóc. Gần như ám ảnh người trẻ đương đại trong nhịp sống xoay vần là suy nghĩ như Sui trong N.P: “Từ hồi sống với bố, cho tới khi sống với Shoji, rồi cả khi gặp Otohiko, lúc nào tôi cũng cảm thấy nó. Cái cảm giác bất lực tựa như mình đang biến thành một thứ công cụ gì đó. Lúc nào cũng cảm thấy mình yếu hơn nó. - Sui nói với đôi mắt mở to. - Tôi chẳng biết sợ cái gì bao giờ, chỉ có mỗi điều đó là ngoại lệ. Lúc nào tôi cũng thấy nó. Tôi đã ở trong phòng bố tôi trước lúc ông ấy chết. Có dấu hiệu báo trước. Cái gì đó như một sức mạnh của số phận ác nghiệt đang thấm ra từ quyển sách ấy. Bố tôi đã chết vì nó. Và tôi thấy sợ khi nghĩ rằng, có thể mình đang sống cũng là nhờ nó. Và cả việc được gặp cậu, cả việc chúng ta đang ở đây, uống và trò truyện với nhau cũng là vì nó”[33].

Các nhân vật của Banana đến với nhau bằng sự đồng điệu tâm hồn, họ hiểu nhau từ trong tâm tưởng. Sự kết nối linh hồn là định mệnh, số phận giúp họ nâng đỡ nhau thoát khỏi cái chết. Banana, ngay kể cả trong những cuốn sách táo bạo nhất như N.P cũng không đề cập đến những khoái cảm xác thịt. Nhân vật của bà nhạy cảm với sự sống xung quanh, tinh tế trước mọi biến đổi của tình yêu và cuộc đời. Vô thức là cõi đắc địa san sẻ sự nồng thắm, rung động mãnh liệt thẳm sâu đòi hỏi sự khai thác tuyệt đối cẩn thận của người cầm bút.

4. Kết luận

Sự ra đời của internet và những đột phá công nghệ tạo ra những hình thức xuất bản văn học phong phú và đơn giản, nhanh chóng đến tay độc giả. Nhà văn thế hệ trẻ tiếp cận độc giả thông qua các trang mạng xã hội như blog, facebook, twitter… Điều này khiến những quan niệm về giá trị văn học và mĩ học trong xã hội đương đại cần được suy nghĩ lại. Tính chất đại chúng vì thế quyết định nội dung và hình thức tác phẩm. Song, nếu chỉ dừng ở tính đại chúng, không mang những giá trị sâu sắc và lâu bền, thời gian sẽ đào thải những giá trị nhất thời. Tác phẩm của Banana không mang giá trị nhất thời, ẩn sâu trong đó là phong vị Nhật Bản tinh tế, chứa đựng tính nhân văn. Viết về những mảnh đời cô độc trong sự bất thường của đời sống đầy tai ương và thảm họa, tiềm ẩn những mất mát chia lìa, Banana đã chạm đến những vấn đề của người trẻ đương đại. Dẫu chính Banana tự nhận định quan điểm của những nhà văn học thuần túy là khác so với mình, song những giá trị đẹp đẽ của truyền thống vẫn được bảo lưu nguyên vẹn, tâm hồn Nhật Bản ánh lên trong sáng tác của bà tạo được dấu ấn không phai mờ trong lòng người đọc.

Hiện tượng giao thoa văn học đại chúng và văn học thuần túy trong sáng tác của Banana Yoshimoto đã chỉ ra một con đường thích hợp cho sáng tác trong thời kì đương đại. Dung hòa hai dòng văn học là điều kiện để nhà văn vừa tiếp cận công chúng, vừa tạo nên những tác phẩm không dễ dãi, “ăn liền” mà chứa đựng giá trị lâu bền. Điều này cũng góp phần nhắc nhở độc giả phải ý thức nâng cao vị thế về tri thức của mình để tiếp cận những tác phẩm có giá trị sâu sắc, yêu thích những giá trị của văn học thuần túy. Cùng với đó, những nhà quản lí giáo dục phải rút ra bài học rằng trong bối cảnh hiện tại, không thể chỉ cấm đoán cứng nhắc mà cần tạo điều kiện cho nhà văn phát triển, hướng độc giả đại chúng bồi dưỡng tư chất, trau dồi thị hiếu thẩm mĩ, tạo nên cộng đồng – đại chúng chất lượng cho văn học, văn hóa và xã hội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Banana Yoshimoto (2012), Kitchen, Nxb Hội nhà văn.
  2. Banana Yoshimoto (2012), Vĩnh biệt Tugumi, Nxb Hội nhà văn.
  3. Banana Yoshimoto (2015), N.P, Nxb Hội nhà văn.
  4. Đào Thị Thu Hằng (2018), Nhà văn Nhật Bản thế kỉ XX, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
  5. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục.
  6. Nguyễn Thị Huỳnh Trang (2012), Tìm hiểu đặc điểm nghệ thuật trong tác phẩm của Yoshimoto Banana, Luận văn thạc sĩ văn học.
  7. Hoàng Lan (2006), “Yoshimoto Banana - nhà văn của những thương tổn tinh thần”, https://vnexpress.net/yoshimoto-banana-nha-van-cua-nhung-thuong-ton-tinh-than-2140839.html
  8. Hoàng Long (2019), “Văn học thuần túy và văn học đại chúng Nhật Bản”, https://kilala.vn/van-hoa-nhat.
  9. Nguyễn Nam Trân, “Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản”, https://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/VanHoc_Daichung-2.htm
  10. Phỏng vấn đặc biệt nhân kỉ niệm 30 năm cầm bút, “Vanity Press: Trang chủ Danh sách phỏng vấn loạt đặc biệt” (自費出版:HOME特別連載インタビュー一覧) https://www.gentosha-book.com/special_ interview/yoshimoto/.
  11. Yuka, 【吉本ばなな】『うたかた』のあらすじと内容解説・感想 (Yoshimoto Banana, Tóm tắt và giải thích nội dung, ấn tượng về “Utakata”), https://jun-bungaku.jp/ utakata/.

 

 


[1] PGS.TS., Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

[2] Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

[3] Yuka, 【吉本ばなな】『うたかた』のあらすじと内容解説・感想 (Yoshimoto Banana, Tóm tắt và giải thích nội dung, ấn tượng về “Utakata”), https://jun-bungaku.jp/utakata/.

[4] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2004), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, tr. 407.

[5] Giải Naoki với tên chính thức là Naoki Sanjugo Prize là một giải thưởng văn học Nhật Bản được trao định kì 6 tháng. Giải Naoki ra đời năm 1935 do Kikuchi Kan (biên tập viên tạp chí Bungei Shunju) sáng lập để tưởng nhớ tiểu thuyết gia Naoki Sanjugo (1891-1934).

[6] Hoàng Long (2019), “Văn học thuần túy và văn học đại chúng Nhật Bản”, https://kilala.vn/van-hoa-nhat.

[7] Giải Akutagawa là giải thưởng văn học lớn nhất và có giá trị nhất ở Nhật Bản (phần thưởng gồm 1 triệu yên và đồng hồ bỏ túi) được thành lập năm 1935 bởi Kikuchi Kan để vinh danh nhà văn tài ba Ryunosuke Akutagawa (1892-1927).

[8] Phỏng vấn đặc biệt nhân kỉ niệm 30 năm cầm bút, “Vanity Press: Trang chủ Danh sách phỏng vấn loạt đặc biệt” (自費出版:HOME特別連載インタビュー一覧) https://www.gentosha-book.com/special_interview/ yoshimoto/.

[9] Banana Yoshimoto (2014), Vĩnh biệt Tugumi, Nxb Hội nhà văn, 2014, tr. 108.

[10] Banana Yoshimoto (2012), Kitchen, Nxb Hội nhà văn, tr. 138.

[11] Banana Yoshimoto (2015), N.P, Nxb Hội nhà văn, 2015, tr. 54.

[12] Banana Yoshimoto (2012), Kitchen, Sđd, tr. 19, 20.

[13] Banana Yoshimoto (2014), Vĩnh biệt Tugumi, Sđd, tr. 12.

[14] Banana Yoshimoto (2014), Vĩnh biệt Tugumi, Sđd, tr. 73.

[15] Banana Yoshimoto (2015), N.P, Sđd, tr. 11.

[16] Hoàng Lan, “Yoshimoto Banana - nhà văn của những thương tổn tinh thần”, https://vnexpress.net/yoshimoto-banana-nha-van-cua-nhung-thuong-ton-tinh-than-2140839.html.

[17] Banana Yoshimoto (2012), Kitchen, Sđd, tr. 40.

[18] Banana Yoshimoto (2012), Kitchen, Sđd, tr. 138.

[19] Banana Yoshimoto (2012), Kitchen, Sđd, tr. 15.

[20] Banana Yoshimoto (2014), Vĩnh biệt Tugumi, Sđd, tr. 18.

[21] Banana Yoshimoto (2014), Vĩnh biệt Tugumi, Sđd, tr. 19.

[22] Banana Yoshimoto (2015), N.P, Sđd, tr. 217.

[23] Banana Yoshimoto (2015), N.P, Sđd, tr. 52.

[24] Banana Yoshimoto (2015), N.P, Sđd, tr. 62.

[25] Banana Yoshimoto (2014), Vĩnh biệt Tugumi, Sđd, tr. 78.

[26] Banana Yoshimoto (2012), Kitchen, Sđd, tr. 56.

[27] Banana Yoshimoto (2012), Kitchen, Nxb Hội nhà văn, tr. 21, 22.

[28] Banana Yoshimoto (2014), Vĩnh biệt Tugumi, Nxb Hội nhà văn, tr. 31.

[29] Banana Yoshimoto (2015), N.P, Nxb Hội nhà văn, tr. 244.

[30] Banana Yoshimoto (2015), N.P, Nxb Hội nhà văn, tr. 71, 72.

[31] Banana Yoshimoto (2012), Kitchen, Sđd, tr. 63.

[32] Banana Yoshimoto (2012), Kitchen, Sđd, tr. 63.

[33] Banana Yoshimoto (2015), N.P, Sđd, tr. 174.

 

0thảo luận