Trang chủ

Ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc từ năm 2012 đến nay

Đăng ngày: 8-05-2023, 09:42 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 2

Nguyễn Đức Tâm1

Tóm tắt: Bài viết đề cập đến những vấn đề về chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc, đồng thời phân tích ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với Nhật Bản, Đài Loan và vấn đề biển Đông từ năm 2012 đến nay. Trong phần cuối của bài viết, tác giả đưa ra những đánh giá khái quát về ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc trong chính sách đối ngoại đối với từng đối tượng kể trên.

Từ khóa: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Biển Đông, chủ nghĩa dân tộc

T

ình hình thế giới nói chung và khu vực châu Á[1]– Thái Bình Dương nói riêng trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2012 đến nay có nhiều biến chuyển nhanh chóng và phức tạp. Trong đó nổi bật nhất là chính sách tái cân bằng và xoay trục của Mỹ sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa dân tộc trở thành một yếu tố có ảnh hưởng và tác động lớn đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Điều này thể hiện rõ qua các chính sách đối ngoại tương đối cứng rắn và quyết đoán của Trung Quốc trong những năm gần đây. Đặc biệt, chủ nghĩa dân tộc đã trở thành một công cụ được chính quyền Bắc Kinh sử dụng nhằm gây sức ép với các nước khác trong tranh chấp chủ quyền và cạnh tranh về kinh tế, chính trị. Những vấn đề này được thể hiện tương đối rõ nét sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012.

1.   Chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc

Chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc hiện nay là một trào lưu tư tưởng xã hội và được phân chia theo những cấp độ khác nhau, bao gồm: chủ nghĩa yêu nước, sự đòi hỏi phải bảo vệ lợi ích và văn hóa dân tộc, tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cấp tiến. Trong đó, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cấp tiến có ảnh hưởng ở một mức độ nhất định đến các giai tầng khác trong xã hội và dễ trở thành công cụ được sử dụng bởi giới cầm quyền và giới tinh hoa chính trị[2].

Chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc có nguồn gốc tương đối phức tạp, được hiểu theo nhiều khía cạnh khác nhau, tùy thuộc vào đối tượng và mục đích chính trị ẩn chứa bên trong. Cho dù có cách tiếp cận khác nhau nhưng chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc hiện nay phần nhiều liên quan đến nỗi nhục trăm năm của Trung Quốc, thường gọi là “bách niên quốc sỉ” (百年国耻). Trong đó, chính quyền nhà Thanh đã ký rất nhiều hiệp ước không bình đẳng với các nước phương Tây, Trung Quốc trở thành một quốc gia nửa phong kiến nửa thực dân từ nửa cuối thế kỷ XIX. Tiếp đó, do tình hình chính trị trong nước hủ bại, quản lý nhà nước yếu kém và nhiều nguyên nhân khác, quân đội nhà Thanh đã thất bại trước quân đội Nhật Bản trong chiến tranh Giáp Ngọ 1894-1895 (甲午戰爭)[3]. Trong cuộc chiến này, mặc dù quân đội nhà Thanh sở hữu những hạm đội được coi là trang bị tốt thời đó nhưng vẫn bị khuất phục trước một quân đội Nhật Bản tinh nhuệ và hiện đại, được hậu thuẫn mạnh mẽ nhờ nỗ lực công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước trong khoảng hai thập kỷ sau Minh Trị duy tân. Sau sự kiện này, Nhật Bản và các nước phương Tây tiếp tục xâu xé và chia sẻ những quyền lợi trên lãnh thổ Trung Quốc.

Sau khi nhà Thanh tan rã, Trung Quốc còn tiếp tục chịu đựng những hậu quả nặng nề do việc đô hộ của phát xít Nhật mang lại, đặc biệt là vụ thảm sát ở Nam Kinh vào tháng 12 năm 1937. Ngoài ra, quân đội của liên quân 8 nước phương Tây đã đốt phá vườn Viên Minh ở Bắc Kinh vào năm 1860 và lấy đi rất nhiều di sản văn hóa quý giá đại diện cho tinh hoa và niềm tự hào của dân tộc Trung Hoa. Đây là những sự kiện vô cùng quan trọng, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người Trung Quốc nói chung, khiến dân tộc họ phải chịu những nỗi hổ thẹn to lớn. Đồng thời là một đả kích lớn đối với nền văn minh Trung Hoa, bởi trong lịch sử quốc gia này luôn tự nhận là quốc gia trung tâm với tư tưởng bành trướng Đại Hán và nhìn nhận các quốc gia khác là các quốc gia thuộc vùng ngoại vi, văn hóa kém phát triển.

Từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012 đến nay, Trung Quốc đã thể hiện một cách rõ ràng về việc từ bỏ chiến lược “ẩn mình chờ thời” (韬光养晦) trong thời kỳ tập trung phát triển kinh tế và củng cố nội lực quốc gia dưới thời Đặng Tiểu Bình sang việc thực hiện giấc mộng Trung Hoa, quyết đoán hơn trong xử lý các vấn đề trong quan hệ quốc tế, các tranh chấp về kinh tế, chủ quyền lãnh thổ[4]. Điều này cũng được thể hiện rõ nét qua “ngoại giao chiến lang” của Trung Quốc trong những năm gần đây, trong đó các nhà ngoại giao Trung Quốc không ngừng có những động thái mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của nước này ở nước ngoài và đe dọa các nước khác. Theo tác giả Minxin Pei, “ngoại giao chiến lang” của chính quyền Bắc Kinh hiện nay là kết quả của sự kết hợp giữa sự kiêu ngạo về thành tích phát triển kinh tế và sức mạnh quốc gia không ngừng gia tăng từ những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, qua đó đòi hỏi sự tôn trọng cao hơn từ cộng đồng quốc tế và tâm thế bất an trong lịch sử với nguồn gốc sâu xa là “bách niên quốc sỉ” đã đề cập ở trên[5].

Chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc có hai cách tiếp cận chính là từ dưới lên, do các lực lượng quần chúng và nhân dân lao động làm nòng cốt và từ trên xuống do giới lãnh đạo và tinh hoa chính trị khởi xướng. Đối với cách tiếp cận từ dưới lên, chủ nghĩa dân tộc mang tính khách quan, phản ánh nguyện vọng và mong muốn của người dân hơn là thể hiện ý chí chính trị của Chính phủ Trung Quốc. Đồng thời, chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc cũng thể hiện sự gắn kết sâu sắc với những bản sắc và văn hóa cốt lõi của văn hóa Trung Quốc. Nhờ những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế những năm qua, người Trung Quốc ngày càng tự tin về vị thế của đất nước họ trên thế giới và hy vọng các nước khác tôn trọng và đánh giá cao sức ảnh hưởng ngày một tăng của Trung Quốc. Đồng thời, dư luận Trung Quốc mong muốn chính phủ có những chính sách và động thái cứng rắn đối với những vấn đề liên quan đến Nhật Bản, các quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông, vấn đề Đài Loan. Những vấn đề này gợi nhắc đến nỗi nhục trăm năm của người Trung Quốc và tính chưa toàn vẹn về mặt lãnh thổ, chủ quyền của dân tộc Trung Hoa ngày nay[6].

Ngược lại, đối với cách tiếp cận từ trên xuống, Bắc Kinh sử dụng chủ nghĩa dân tộc như một công cụ nhằm đạt được những mục đích chính trị của mình. Cụ thể, từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012 đến nay, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra tầm nhìn về “giấc mộng Trung Hoa”, trong đó nhấn mạnh việc phục hưng dân tộc Trung Hoa, đưa Trung Quốc trỗi dậy và cạnh tranh với các nước lớn khác trên thế giới. Thông qua việc nhắc lại những trải nghiệm đáng hổ thẹn của người Trung Quốc trong giai đoạn “bách niên quốc sỉ”, Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn cổ vũ tinh thần dân tộc Trung Quốc trong dân chúng, định hướng sự chú ý của truyền thông và nhân dân Trung Quốc vào những mục tiêu của Đảng, nhằm tăng cường sự gắn kết và củng cố quyền lực lãnh đạo của Đảng. Đồng thời chính quyền Bắc Kinh cũng lợi dụng chủ nghĩa dân tộc là một công cụ kích động dân chúng, gây sức ép với các nước có tranh chấp về chủ quyền và lợi ích với Trung Quốc[7]. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc với cách tiếp cận từ trên xuống này ở Trung Quốc đôi khi vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Bắc Kinh bởi sự xuất hiện của nhiều nhân tố phức tạp và khác biệt như tham nhũng, bất bình đẳng trong xã hội.

Dưới đây bài viết đi sâu phân tích ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với các đối tượng bao gồm: Nhật Bản, vấn đề Đài Loan và vấn đề Biển Đông.

2.   Ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc trong chính sách đối ngoại với Nhật Bản

Nhật Bản là đối tượng và là quốc gia tương đối phù hợp trong việc thể hiện rõ nét ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Nhật Bản là quốc gia từng có thời gian dài chịu ảnh hưởng của Trung Quốc trong lịch sử. Chính quốc gia này đã chiến thắng một Trung Quốc to lớn về quy mô nhưng vô cùng yếu đuối về thực lực trong Chiến tranh Giáp Ngọ, sau đó Nhật Bản lần lượt chiếm lĩnh bán đảo Triều Tiên, Mãn Châu và đại bộ phận Trung Quốc trong nhiều thập niên đầu thế kỷ XX. Ngày nay, Nhật Bản vẫn là quốc gia đứng thứ ba về kinh tế trên thế giới, có ưu thế lớn về khoa học và kỹ thuật. Tuy sức mạnh của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bị hạn chế do Hiến pháp Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai quy định, song không thể phủ nhận sức mạnh quân sự, khả năng tác chiến và năng lực chuyển hóa sức mạnh công nghiệp sang sức mạnh công nghiệp quốc phòng của quốc gia này[8]. Có thể nói, Nhật Bản là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Trung Quốc trong khu vực. Chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc đối với Nhật Bản từ năm 2012 đến nay thể hiện rõ trên cả hai cách tiếp cận: từ dưới lên và từ trên xuống.

Thứ nhất, chủ nghĩa dân tộc đối với Nhật Bản hay tâm lý bài Nhật của người dân Trung Quốc thúc đẩy những chính sách cứng rắn của chính quyền đối với Nhật Bản. Trong những năm gần đây, hàng ngàn người Trung Quốc đã xuống đường biểu tình, đập phá các nhà máy, công xưởng của doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc và kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Điều này được thể hiện rõ nét qua những cuộc biểu tình lớn diễn ra tại nhiều thành phố của Trung Quốc vào tháng 8 năm 2012. Nguyên nhân của những cuộc biểu tình này là việc Nhật Bản mua lại một số hòn đảo có tranh chấp với Trung Quốc thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong bối cảnh này, chính quyền Bắc Kinh đã có những phản đối mạnh mẽ trên phương diện ngoại giao, nhằm lên án hành động phi pháp của Nhật Bản. Ngoài ra, việc các lãnh đạo Nhật Bản thăm đền Yasukuni, ngôi đền có thờ một số tội phạm chiến tranh hạng A trong Chiến tranh thế giới thứ hai và là biểu tượng của phát xít Nhật đã thổi bùng lên làn sóng bài Nhật ở Trung Quốc. Vì vậy trong giải quyết các vấn đề có liên quan đến Nhật Bản, chính quyền Trung Quốc bắt buộc phải thể hiện lập trường cứng rắn nhằm xoa dịu áp lực của đại bộ phận người dân trong nước, đặc biệt trong việc phản đối trên phương diện ngoại giao các chuyến thăm của lãnh đạo Nhật Bản đến ngôi đền Yasukuni[9] hoặc những động thái liên quan đến những khu vực có tranh chấp trên biển Hoa Đông.

Thứ hai, chính quyền Bắc Kinh sử dụng chủ nghĩa dân tộc là con bài chính trị, chuyển dịch những vấn đề nội bộ ra bên ngoài và kích động người dân, gây sức ép trong nhiều vấn đề thuộc quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Điều này được minh chứng rõ nét qua chính sách của từng nhà lãnh đạo Trung Quốc trong những giai đoạn và thời điểm lịch sử khác nhau. Cụ thể, những căng thẳng trong quan hệ Trung Nhật tạm thời lắng xuống dưới thời Mao Trạch Đông do những chính sách kiềm chế của nhà lãnh đạo này. Đến khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, Trung Quốc bắt đầu công cuộc cải cách và mở cửa nhưng vấp phải hoài nghi trong giới lãnh đạo và công chúng nước này. Vì vậy, Đặng Tiểu Bình lựa chọn Nhật Bản là đối tượng phù hợp nhất cho việc chuyển dịch những mâu thuẫn nội bộ và bất đồng quan điểm ra bên ngoài, giảm bớt những ý kiến trái chiều về công cuộc cải cách kinh tế. Nhật Bản giai đoạn này trở nên vô cùng xấu xa và tàn bạo với những tội ác đã gây ra cho Trung Quốc trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Sau giai đoạn tăng trưởng nóng về kinh tế, Trung Quốc bước vào thời kỳ phải chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế từ thâm dụng lao động sang phát triển khoa học công nghệ và dịch vụ, kéo theo những bất bình đẳng trong phân chia thành quả kinh tế tăng lên, điều này thể hiện qua chỉ số Gini của Trung Quốc trong những năm gần đây là 0,438 cao hơn mức cho phép của Liên Hợp Quốc là 0,4. Ngoài ra, số người giàu Trung Quốc hiện nay chiếm khoảng 10% dân số đang nắm giữ 45% tài sản toàn xã hội trong khi những người nghèo nhất chiếm khoảng 10% dân số chỉ nắm giữ 1,45% tài sản chung toàn xã hội[10]. Nạn tham nhũng trong bộ máy nhà nước Trung Quốc ngày càng trầm trọng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của nền chính trị và xã hội Trung Quốc. Chính trong thời điểm này, Nhật Bản lại một lần nữa là lựa chọn tối ưu của lãnh đạo Trung Quốc trong việc chuyển mâu thuẫn nội bộ ra bên ngoài. Vì vậy, từ năm 2012 đến nay, chính quyền Bắc Kinh lợi dụng vấn đề tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư để kích động tư tưởng bài Nhật trong dân chúng, thể hiện lập trường mạnh mẽ trong xử lý vấn đề tranh chấp này cùng các vấn đề khác trên biển Hoa Đông. Qua đó, kìm hãm những mâu thuẫn trong nội bộ, đồng thời gây sức ép lớn đến Nhật Bản, khiến nước này phải xem xét lại việc sửa đổi Điều 9 Hiến pháp, hạn chế sự mở rộng và nâng cao năng lực quốc phòng và các vấn đề khác liên quan đến liên minh Mỹ - Nhật, cũng như những ràng buộc trong quan hệ Nhật Bản – Đài Loan.

3.   Ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc trong chính sách đối ngoại về vấn đề Biển Đông

Biển Đông là khu vực có vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược biển/đại dương của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh đã nghiên cứu rất kỹ học thuyết biển của các nước phương Tây, trong đó có Mỹ và nhận định chỉ có vươn ra đại dương là con đường đi hợp lý nhằm phát triển kinh tế, củng cố an ninh và gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và quốc tế. Lịch sử đã chứng minh, Trung Quốc đã thừa nhận những thất bại cay đắng trước các cường quốc biển trên thế giới trong quá khứ do quá chú trọng vào phát triển trên lục địa, chính sách “bế quan tỏa cảng” kéo dài và sự đánh giá thấp tầm quan trọng, những nguy cơ về an ninh quốc gia đến từ đại dương[11].

Khu vực Biển Đông có vị trí địa chiến lược quan trọng và sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như năng lượng và thủy hải sản[12]. Vì vậy, đối với Biển Đông, chủ nghĩa dân tộc biểu hiện theo cách tiếp cận từ dưới lên không đóng vai trò chủ chốt trong viêc hoạch định chính sách và các hoạt động từ quân sự, khai thác dầu mỏ đến bồi đắp đảo nhân tạo tại khu vực này. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc lợi dụng chủ nghĩa dân tộc là công cụ răn đe hiệu quả trong việc ngăn chặn các nước khác cản trở tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông. Điều này thể hiện rõ cách tiếp cận từ trên xuống trong việc kích động dân chúng về chủ nghĩa dân tộc, nhằm đạt được các mục đích định sẵn của chính quyền tại khu vực này.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc tăng cường tuyên truyền đến công chúng rằng quốc gia này có chủ quyền với toàn bộ biển Đông, cho dù không đưa ra được những căn cứ pháp lý phù hợp[13]. Đồng thời đưa những nội dung khẳng định chủ quyền về biển Đông vào sách giáo khoa, giáo dục học sinh về những chủ quyền lãnh thổ phi lý của quốc gia này. Nhằm tạo ra một thế hệ mới, với những tư tưởng mang tính bành trướng và việc chiếm lĩnh biển Đông là mục tiêu chiến lược, để xoa dịu những nỗi hổ thẹn bị xâm lược trong quá khứ.

Trước năm 2012, Trung Quốc ít khi lợi dụng vấn đề chủ nghĩa dân tộc để kích động dư luận về vấn đề biển Đông. Đến năm 2012, Trung Quốc dùng dư luận để gây sức ép lên Philipines về vấn đề tranh chấp trên bãi cạn Scarborough. Cùng với sự nóng lên của dư luận trong nước về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về bãi cạn này, các quan chức ngoại giao Trung Quốc đưa ra những tuyên bố cứng rắn và những phương án đối phó tiếp theo đối với chính quyền Manila, khiến cho phía Manila phải chủ động hạ nhiệt căng thẳng. Ngay sau những động thái này, chính quyền Bắc Kinh chuyển hướng dư luận và tuyên bố vấn đề Scarborough không còn đáng lo ngại. Ngược lại trong vấn đề giàn khoan HD 981 năm 2014, Trung Quốc hạn chế kích động dư luận vì lo ngại chủ nghĩa dân tộc và dư luận ở Việt Nam. Trung Quốc lựa chọn việc bồi đắp và xây dựng các công trình trên đảo nhân tạo như giải pháp giảm bớt sự nhạy cảm. Hai tính huống này thể hiện rõ nét việc chính quyền Bắc Kinh đã cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng việc định hướng và kích động chủ nghĩa dân tộc một cách hợp lý, nhằm đạt được những mục đích chính trị mà họ đặt ra[14].

4.   Ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc trong chính sách đối ngoại về vấn đề Đài Loan

Đảo Đài Loan nằm ở phía nam của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Sau thất bại trước Nhật Bản trong chiến tranh Giáp Ngọ, nhà Thanh đã nhượng quyền kiểm soát Đài Loan cho Nhật Bản. Sau khi Nhật Bản thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hòn đảo này trở thành một tỉnh của Trung Hoa Dân quốc, kết thúc nửa thế kỷ dưới quyền quản lý của Nhật Bản. Sau đó, quân đội của Quốc dân Đảng (KMT) đã thất bại trước quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong nội chiến Quốc dân Đảng - Đảng Cộng sản vào năm 1949. Toàn bộ chính quyền của Tưởng Giới Thạch đã rút lui và xây dựng lại tổ chức chính quyền ở Đài Loan. Từ đó đến nay, chính quyền Bắc Kinh ngày càng thể hiện rõ ý chí và kế hoạch thống nhất Đài Loan, nhưng chưa thể thực hiện được. Có thể thấy, Đài Loan là minh chứng rõ ràng về việc Trung Quốc là quốc gia chưa toàn vẹn về mặt chủ quyền, lãnh thổ. Hòn đảo này gợi nhớ đến quá khứ bị sỉ nhục của người Trung Quốc đại lục và sự can thiệp của Mỹ vào vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tương tự đối với trường hợp Nhật Bản, chủ nghĩa dân tộc có ảnh hưởng lớn đến các chính sách của đại lục đối với Đài Loan trên cả hai khía cạnh từ dưới lên và từ trên xuống.

Thứ nhất, chủ nghĩa dân tộc ở đại lục thúc đẩy các chính sách cứng rắn của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Như đã trình bày trên đây, việc người dân Trung Quốc đại lục coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời đã khiến việc thống nhất Đài Loan trở thành một nhiệm vụ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc phải hoàn thành. Việc công nhận Đài Loan độc lập hoặc mềm mỏng trong chính sách đối với Đài Loan có thể tạo ra dư luận phản đối trong nội bộ chính quyền và nhân dân, đe dọa tính chính danh của đảng cầm quyền. Trong đó, những người ủng hộ thống nhất Đài Loan ở Trung Quốc đại lục cho rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân Quốc chỉ là hai phe trong cuộc nội chiến giai đoạn 1945-1949. Họ nhận định rằng Đài Loan thuộc về chủ quyền của Trung Quốc và việc Đài Loan đòi độc lập khỏi Trung Quốc là không thể chấp nhận được[15].

Thứ hai, chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan là công cụ củng cố quyền lực của chính quyền Bắc Kinh. Tuy Hoa Kỳ đã hủy bỏ Hiệp ước phòng thủ với Đài Loan vào năm 1979 và công nhận chính sách một Trung Quốc của Bắc Kinh để củng cố quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc đại lục, song Đài Loan vẫn là nơi có vị trí quan trọng chiến lược trong chiến lược xoay trục của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như đối với các đồng minh của Mỹ tại khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài ra, Đài Loan có ưu thế vượt trội trong công nghệ sản xuất linh kiện bán dẫn khiến Mỹ và các đồng minh không thể để Đài Loan rơi vào vòng kiểm tỏa của Trung Quốc. Nhìn từ góc độ Trung Quốc đại lục, sự suy yếu của chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông đã khiến giới cầm quyền Bắc Kinh mất đi một phương cách để củng cố quyền lực, vì vậy việc chọn Đài Loan là đối tượng để gợi nhắc về nỗi nhục của người Trung Quốc trong quá khứ trở thành một phương án thay thế phù hợp[16]. Trung Quốc qua đó tăng cường sức mạnh quân sự, tăng cường sức mạnh hải quân, tần suất tập trận ở eo biển Đài Loan nhằm thể hiện quyết tâm thống nhất Đài Loan và thể hiện thái độ cứng rắn đối với liên minh Mỹ - Nhật xoay quanh vấn đề của hòn đảo này cũng như chính sách xoay trục của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đồng thời những thành phần thuộc tầng lớp tinh hoa như giới lãnh đạo, học giả và tướng lĩnh cấp cao trong quân đội Trung Quốc mong muốn đẩy nhanh việc thống nhất Đài Loan, trong đó không loại trừ khả năng dùng vũ lực và can thiệp quân sự. Điều này được thể hiện rõ nét trong nội dung bài phát biểu trước Quốc hội Trung Quốc vào tháng 3 năm 2018 của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong đó nhấn mạnh ý chí chung của người Trung Quốc, mong muốn Đài Loan trở về đại lục và quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền và thực hiện việc thống nhất Trung Quốc.

Nhìn từ một khía cạnh khác, Đài Loan là hòn đảo đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế từ năm 1949 đến nay. Sau một thời gian dài dưới sự cầm quyền chuyên chế của gia đình họ Tưởng, hiện nay hòn đảo này đã có nhiều cải cách thành công và đi theo chiều hướng dân chủ. Vì vậy, người dân và giới chức hòn đảo này nhìn nhận Đài Loan có bản sắc riêng, khác biệt hoàn toàn với Trung Quốc đại lục[17]. Thế hệ trẻ được sinh ra trên hòn đảo này có cái nhìn khác biệt thiên về các giá trị con người và lợi ích kinh tế, khác hẳn với các thế hệ trước di cư từ đại lục đến Đài Loan năm 1949. Do đó, làn sóng ủng hộ Đài Loan độc lập hoàn toàn khỏi đại lục trong những năm gần đây đã phát triển vô cùng mạnh mẽ. Người dân Đài Loan tự tin về những thành quả về phát triển kinh tế và cải cách dân chủ, khiến họ không muốn xích lại gần đại lục, nơi được coi là vẫn tồn tại chế độ chuyên chế và mức độ dân trí thấp hơn. Điều này còn kéo theo các phong trào dân chủ ở Hồng Kông và các khu vực khác ở Trung Quốc. Sự khẳng định về mặt bản sắc riêng của Đài Loan và Hồng Kông là một sự phản đối mạnh mẽ lý luận của Bắc Kinh về “nỗi nhục thế kỷ”, về việc thống nhất Đài Loan và giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình từ năm 2012 đến nay. Vì vậy, chủ nghĩa dân tộc là cái cớ quan trọng cho phép Bắc Kinh có những chính sách cứng rắn hơn nữa nhằm kiềm chế Đài Loan, qua đó kiểm soát các phong trào dân chủ tại hòn đảo này cũng như tại Hồng Kông và các vùng lãnh thổ tự trị khác của Trung Quốc.

5.   Kết luận

Thông qua việc phân tích ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong các trường hợp trên, có thể thấy chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc từ năm 2012 đến nay có những cách tiếp cận khác nhau đối với những đối tượng khác nhau. Đối với Nhật Bản và Đài Loan, chủ nghĩa dân tộc vừa là động lực cũng vừa là công cụ thúc đẩy chính quyền Bắc Kinh triển khai các chính sách đối ngoại phù hợp với tình hình thực tế. Đối với Biển Đông, chủ nghĩa dân tộc về cơ bản là công cụ của chính quyền Bắc Kinh nhằm gây sức ép với các nước được coi là có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông và các nước khác như Mỹ, Nhật Bản. Nhìn chung, chủ nghĩa dân tộc có ảnh hưởng tương đối phức tạp đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc từ năm 2012 đến nay. Việc phân chia cách tiếp cận từ dưới lên và từ trên xuống như trên chỉ mang tính tương đối, nhằm phân tích cụ thể và sâu sắc hơn ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc đến từng đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Sự ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc đến chính sách đối ngoại là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, không chỉ bao gồm nhận thức của dân chúng, tầng lớp tinh hoa mà còn là nhiều vấn đề quan trọng và phức tạp khác tồn tại trong xã hội Trung Quốc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Lam Anh, “Nhật Bản đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội”, Quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/nhat-ban-day-manh-hien-dai-hoa-quan-doi-654374.
  2. Quách Quang Hồng, “Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và tác động của nó đối với quan hệ Trung – Nhật”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, 8(2014): 71-80.
  3. Nguyễn Thị Linh. “Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và vấn đề Biển Đông”, Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/7128-chu-nghia-dan-toc-trung-quoc-va-van-de-bien-dong.
  4. Trần Quang, “Sự phát triển chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc và Nhật Bản”, Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/tin-quoc-te-tong-hop/3651-su-phat-trien-chu-nghia-dan-toc-tai-trung-quoc-va-nhat-ban.
  5. Nguyễn Hùng Sơn, “Bàn về chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc sau Đại hội XVIII”, Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/5965-ban-ve-chien-luoc-cuong-quoc-bien-cua-trung-quoc-sau-dai-hoi-18.
  6. Đỗ Thị Thủy (2020), Những vận động mới của trật tự thế giới và cục diện khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Nxb Thế giới, Hà Nội.
  7. Đỗ Thị Thủy, Phùng Thị Hồng Nhung, “Yếu tố bản sắc trong quan hệ Trung - Nhật - Hàn và tác động đến hợp tác khu vực Đông Bắc Á từ năm 2010 đến nay”, Nghiên cứu Quốc tế, 4 (2020).
  8. Alastair, Iain Johnston, “Is Chinese Nationalism Rising? Evidence from Beijing”, International Security 41, 3 (2017): 7–43.
  9. Hughes, Chirstopher (2013), Taiwan and Chinese nationalism: National identity and status in international society, Routledge.
  10. Malik, Mohan, “Historical Fiction: China’s South China Sea Claims”, World Affairs 176, 1 (2013): 83–90.
  11. Paine, S. C. M (2002), The Sino-Japanese War of 1894–1895: Perceptions, Power, and Primacy, Cambridge University Press, Cambridge.
  12. Pei, Minxin, “Chinese Diplomats Behaving Badly”, Project Syndicate, https://www.project-syndicate.org/commentary/ china-reputation-wolf-warrior-diplomacy-covid19-by-minxin-pei-2020-06.
  13. Shambaugh, David (2005), Power Shift: China and Asia’s New Dynamics, University of California Press.
  14. Shameer, Modongal, “Development of Nationalism in China”, Cogent Social Sciences 2, 1(2016), https://doi.org/10.1080/23311886. 2016.1235749.
  15. Stephen, M. Walt, “Nationalism Rules”, Foreign Policy, https://foreignpolicy.com/ 2011/07/15/nationalism rules/.
  16. Wang, T. Y, I-Chou Liu. “Contending Identities in Taiwan: Implications for Cross-Strait Relations”, Asian Survey 44, 4 (2004): 568–90, https://doi.org/10.1525/as.2004.44.4. 568.

 

 



[1] ThS., Học viện Ngoại giao

[2] Quách Quang Hồng, “Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và tác động của nó đối với quan hệ Trung – Nhật”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, 8(2014): 71-80.

[3] Paine, S. C. M (2002), The Sino-Japanese War of 1894–1895: Perceptions, Power, and Primacy, Cambridge University Press, Cambridge, pp 3-20.

[4] Shambaugh, David (2005), Power Shift: China and Asia’s New Dynamics, University of California Press.

[5] Pei, Minxin, “Chinese Diplomats Behaving Badly”, Project Syndicate, https://www.project-syndicate.org/ commentary/china-reputation-wolf-warrior-diplomacy-covid19-by-minxin-pei-2020-06.

[6] Đỗ Thị Thủy (2020), Những vận động mới của trật tự thế giới và cục diện khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 270.

[7] Shameer, Modongal, “Development of Nationalism in China”, Cogent Social Sciences 2, 1(2016), https://doi.org/10.1080/23311886.2016.1235749.

[8] Lam Anh, “Nhật Bản đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội”, Quân đội nhân dân, https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/nhat-ban-day-manh-hien-dai-hoa-quan-doi-654374.

[9] Đỗ Thị Thủy, Phùng Thị Hồng Nhung, “Yếu tố bản sắc trong quan hệ Trung - Nhật - Hàn và tác động đến hợp tác khu vực Đông Bắc Á từ năm 2010 đến nay”, Nghiên cứu Quốc tế, 4 (2020).

[10] Trần Quang, “Sự phát triển chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc và Nhật Bản”, Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/tin-quoc-te-tong-hop/3651-su-phat-trien-chu-nghia-dan-toc-tai-trung-quoc-va-nhat-ban.

[11] Nguyễn Hùng Sơn, “Bàn về chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc sau Đại hội XVIII”, Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/5965-ban-ve-chien-luoc-cuong-quoc-bien-cua-trung-quoc-sau-dai-hoi-18.

[12] Alastair, Iain Johnston, “Is Chinese Nationalism Rising? Evidence from Beijing”, International Security 41, 3 (2017): 7–43.

[13] Mohan, Malik, “Historical Fiction: China’s South China Sea Claims,” World Affairs 176, 1 (2013): 83–90.

[14] Nguyễn Thị Linh, “Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc và vấn đề Biển Đông”, Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-vietnam/7128-chu-nghia-dan-toc-trung-quoc-va-van-de-bien-dong.

[15] Đỗ Thị Thủy (2020), Những vận động mới của trật tự thế giới và cục diện khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 262.

[16] Hughes, Chirstopher (2013), Taiwan and Chinese nationalism: National identity and status in international society, Routledge.

[17] T. Y. Wang, I-Chou Liu, “Contending Identities in Taiwan: Implications for Cross-Strait Relations,” Asian Survey 44, 4 (2004): 568–90, https://doi.org/ 10.1525/as.2004.44.4.568.

0thảo luận