Trang chủ

Thực tiễn quá trình xây dựng chính phủ số ở Trung Quốc hiện nay

Đăng ngày: 5-05-2023, 08:52 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 2

Nguyễn Diệu Hương1

Tóm tắt: Chính phủ số ở Trung Quốc là mô hình vận hành chính phủ mới, dựa trên thành tựu của khoa học công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết các nhu cầu hành chính, hướng đến hiện đại hóa quản trị nhà nước. Trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp tích cực để thúc đẩy xây dựng chính phủ số ở ba phương diện chính: xây dựng cơ sở hạ tầng số, xây dựng và quản trị dữ liệu chính phủ, xây dựng các ứng dụng chính phủ số. Trong quá trình đó, Trung Quốc đã thu được nhiều bước tiến nhưng cũng còn nhiều khó khăn cần khắc phục để tiếp tục thực hiện xây dựng chính phủ số một cách hiệu quả.

Từ khóa: Chính phủ số, cơ sở hạ tầng số, Trung Quốc

 


1. Nội hàm về chính phủ số tại Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay[1]

Trung Quốc đã thực hiện xây dựng chính phủ số từ những năm 2000. Trong những năm đầu, Trung Quốc hướng đến xây dựng chính phủ điện tử và cho đến nay được xác định rõ là xây dựng chính phủ số.

Về nội hàm của chính phủ số, nhiều học giả Trung Quốc xuất phát từ nhiều góc độ khác nhau để đưa ra những định nghĩa theo quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, theo định nghĩa mới nhất về chính phủ số tại Sách trắng về Xây dựng chính phủ số ở Trung Quốc 2020, đất nước này đã nêu rõ được những nội hàm cơ bản của chính phủ số. Cụ thể: chính phủ số là một mô hình vận hành chính phủ hoàn toàn mới, nhằm hướng đến tiện lợi hóa cho các dịch vụ công, tinh chuẩn hóa trong việc quản trị xã hội, khoa học hóa trong việc quyết sách kinh tế[2]. Trong đó, Trung Quốc đã xác định bảy trụ cột chính cho chính phủ số nước này, bao gồm:

(1) Tư tưởng chỉ đạo là lấy dân làm gốc;

(2) Có cơ sở hạ tầng số như: hệ thống mạng internet, trung tâm dữ liệu;

(3) Có trụ cột chính là kĩ thuật số như công nghệ 5G, Big Data, trí tuệ nhân tạo, công nghệ liên kết chuỗi;

(4) Động lực thúc đẩy phát triển là sự chia sẻ và quản trị dữ liệu chính phủ;

(5) Các biểu hiện chính của chính phủ số là một loạt dịch vụ ứng dụng của chính phủ;

(6) Sự bảo đảm cho quá trình phát triển chính phủ số là an ninh dữ liệu và an toàn thông tin;

(7) Mục tiêu hướng tới là nâng cao năng lực dịch vụ công, năng lực quản trị xã hội, năng lực điều tiết kinh tế của chính phủ.

Như vậy, nhìn vào bảy trụ cột chính như trên, ta có thể xác định được những phương diện chính mà Trung Quốc cần thúc đẩy để thực hiện xây dựng chính phủ số trong giai đoạn hiện nay. Quan trọng nhất có thể khái quát thành ba phương diện: xây dựng cơ sở hạ tầng số, xây dựng và quản trị dữ liệu chính phủ, triển khai xây dựng các ứng dụng chính phủ số.

2. Quá trình xây dựng chính phủ số ở Trung Quốc

Thứ nhất, quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng số.

Trong phương diện xây dựng cơ sở hạ tầng số, Trung Quốc đã thực hiện xây dựng được một hệ thống cơ sở hạ tầng rất rộng lớn. Theo Báo cáo phát triển Trung Quốc số (2020) được công bố trong Hội nghị thượng đỉnh Xây dựng Trung Quốc số lần thứ 4 (5/2021), tính đến cuối năm 2020, Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống mạng cáp quang và mạng 4G với quy mô lớn nhất thế giới, mức độ phổ cập mạng internet đến người dân là 70,4%. Đối với hệ thống mạng 5G, Trung Quốc đã xây dựng được 718.000 trạm thu phát sóng, kết nối đầu cuối 5G với số lượng hơn 200 triệu lần. Đặc biệt, Trung Quốc đã sử dụng giao thức liên mạng thế hệ 6 (IPv6), là giao thức liên mạng phiên bản mới nhất hiện nay, số lượng người sử dụng lên đến 462 triệu người[3].

So sánh với số liệu mới nhất được công bố, tính đến tháng 6/2021, những con số trên đã tăng lên đáng kể. Cụ thể: số lượng tài khoản được đấu nối cáp quang là 899 triệu tài khoản, trong đó bao gồm 467 triệu khách hàng. Đối với hệ thống mạng 5G, số lượng trạm thu phát sóng đã lên đến 961.000 trạm, chiếm tỷ lệ hơn 70% của thế giới, thực hiện bao phủ các thành phố cấp địa trở lên ở Trung Quốc[4].

Về quy mô cư dân mạng và mức độ phổ cập internet đến với người dân, có thể thấy, trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, số lượng cư dân mạng của Trung Quốc ngày càng phát triển, mức độ phổ cập mạng ngày càng tăng. Trung tâm Thông tin mạng internet Trung Quốc (CNNIC) đã công bố Báo cáo thống kê tình hình phát triển mạng internet của Trung Quốc lần thứ 48. Theo số liệu này, tính đến tháng 6/2021, quy mô cư dân mạng của Trung Quốc đạt 1,01 tỷ người, mức độ phổ cập mạng internet đạt 71,6%[5].

Thứ hai, xây dựng và quản trị dữ liệu chính phủ.

Về mặt chính sách ở tầm quốc gia, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đưa ra một loạt chính sách nhằm mục đích đẩy mạnh việc xây dựng và quản trị dữ liệu chính phủ. Trước hết là các chính sách mang tính chất quy hoạch việc xây dựng dữ liệu chính phủ trong một khoảng thời gian ngắn hạn.


Biểu đồ 1: Quy mô cư dân mạng và mức độ phổ cập mạng ở Trung Quốc 2016 – 6/2021

Thực tiễn quá trình xây dựng chính phủ số ở Trung Quốc hiện nay

Nguồn: 中国互联网络信息中心, “2021年上半年中国互联网网民结构状况分析:网民规模达10.11亿”, 知乎 (Trung tâm Thông tin mạng internet Trung Quốc, “Phân tích tình hình kết cấu cư dân mạng của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2021: Quy mô cư dân mạng đạt 1,01 tỷ người”, ZhiHu), https://zhuanlan.zhihu.com/p/404161679.


Điển hình là tháng 11/2021, Quốc vụ viện Trung Quốc đã thông qua Quy hoạch Thúc đẩy thông tin hóa thông tin chính phủ quốc gia 5 năm lần thứ 14. Bản quy hoạch này ra đời được đánh giá là sẽ khiến cho việc xây dựng chính phủ số của Trung Quốc được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Trong đó, bản quy hoạch đã đưa ra các biện pháp tập trung vào các phương diện như: xóa bỏ việc phong tỏa thông tin ở một số bộ ngành địa phương, nâng cao vị trí xếp hạng về chất lượng dịch vụ điện tử trên thế giới, quy hoạch lại việc xây dựng chính phủ số và nâng cao chất lượng dịch vụ chính phủ[6].

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã ban hành một loạt các chính sách tập trung vào việc bảo vệ an ninh dữ liệu quốc gia. Năm 2020, Trung Quốc ban hành một loạt các văn bản như: “Luật An ninh dữ liệu nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (dự thảo)”, “Luật Bảo vệ thông tin cá nhân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (dự thảo)”, nêu lên “Sáng kiến An ninh Dữ liệu toàn cầu”. Những văn bản này đều tập trung vào việc xác định rõ trách nhiệm pháp luật cho việc bảo đảm an ninh dữ liệu, hoàn thiện hệ thống quản lý giám sát, bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm quyền bảo mật thông tin cá nhân công dân và bảo đảm ổn định xã hội.

Về mặt xây dựng hệ thống và các kênh dữ liệu chính phủ, trong những năm gần đây, các địa phương của Trung Quốc đã đưa ra các dự án xây dựng và quản trị dữ liệu chính phủ. Tính trung bình từ năm 2017 đến 2019, các địa phương trên toàn Trung Quốc mỗi năm đưa ra khoảng 600 dự án. Riêng năm 2020 đưa ra 572 dự án[7].

Về mặt đầu tư nguồn vốn để xây dựng kênh dữ liệu chính phủ, trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục gia tăng nguồn vốn vào công việc này. Hàng năm, số tiền để đầu tư xây dựng các kênh dữ liệu chính phủ ngày càng tăng. Tuy nhiên, năm 2020 đầu tư có xu hướng giảm xuống. Năm 2019, cả năm Trung Quốc đã chi 3,36 tỷ nhân dân tệ, nếu tính đến tháng 11/2019, Trung Quốc đã chi 3,01 tỷ nhân dân tệ, tính đến tháng 11/2020, Trung Quốc chi ra 2,87 tỷ nhân dân tệ[8].

Thứ ba, triển khai xây dựng các ứng dụng chính phủ số

Trước hết, Trung Quốc tiến hành xây dựng các cổng thông tin chính phủ bằng các trang web. Các trang web này giúp người dân và doanh nghiệp có thể giải quyết tất cả sự việc hành chính, hoặc muốn tìm hiểu thông tin chính phủ ở mọi lĩnh vực. Người dân chỉ cần đăng nhập vào trang web cổng thông tin điện tử của địa phương là có thể xử lí được mọi yêu cầu của mình về thủ tục hành chính, không cần đến tận nơi các cơ quan thẩm quyền để xin đóng dấu. Như vậy đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho công dân và doanh nghiệp. Năm 2018, Thượng Hải là nơi đầu tiên xây dựng cổng thông tin điện tử và bắt đầu thử nghiệm vận hành trên trang web “Thượng Hải – Trung Quốc”9. Đến giai đoạn sau này, tháng 11/2019, Trung Quốc nâng cấp và xây dựng thành công hệ thống cổng thông tin điện tử thống nhất toàn quốc, địa chỉ là www.gov.cn10. Trang web này đã giúp người dân và doanh nghiệp giải quyết được rất nhiều nhu cầu về thủ tục hành chính hoặc tra cứu thông tin.


Biểu đồ 2: Tổng số dự án xây dựng và quản trị dữ liệu chính phủ Trung Quốc

2017 -11/2020 (đơn vị: dự án)

Thực tiễn quá trình xây dựng chính phủ số ở Trung Quốc hiện nay

Nguồn: 中商产业研究院, “2020年政务数据治理行业市场现状及竞争格局大数据分析(图)”, Askci, https://www.askci.com/news/chanye/20210716/1010321519541_2.shtml (Viện Nghiên cứu Ngành nghề Trung Quốc, “Phân tích số liệu hiện trạng thị trường ngành nghề quản trị dữ liệu chính phủ và tình hình cạnh tranh năm 2020”, Askci, https://www.askci.com/news/chanye/20210716/1010321519541_2.shtml).

 

Biểu đồ 3: Thống kê nguồn vốn đầu tư vào việc xây dựng các kênh dữ liệu chính phủ tại các tỉnh Trung Quốc

tính đến tháng 11 từ 2017-2020 (đơn vị: tỷ nhân dân tệ)

Thực tiễn quá trình xây dựng chính phủ số ở Trung Quốc hiện nay

Nguồn: 中商产业研究院, “2020年政务数据治理行业市场现状及竞争格局大数据分析(图)”, Askci, https://www.askci.com/news/chanye/20210716/1010321519541_2.shtml (Viện Nghiên cứu Ngành nghề Trung Quốc, “Phân tích số liệu hiện trạng thị trường ngành nghề quản trị dữ liệu chính phủ và tình hình cạnh tranh năm 2020”, Askci, https://www.askci.com/news/chanye/20210716/ 1010321519541_2.shtml).


Ngoài ra, Trung Quốc đã xây dựng các ứng dụng chính phủ di động. Theo thông tin của trang web chuyên phân tích và tư vấn thông tin cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc (chyxx.com), trong năm 2020, 31 tỉnh thành của Trung Quốc đã xây dựng và phát triển các ứng dụng dịch vụ chính phủ trên nhiều nền tảng khác nhau. Cụ thể: có 2 tỉnh xây dựng app dịch vụ chính phủ di động (bao gồm 27 phiên bản trên phần mềm IOS, 33 phiên bản trên phần mền Android), 24 tỉnh xây dựng các dịch vụ chính phủ di động thông qua chương trình ứng dụng nhỏ Alipay, 25 tỉnh xây dựng dịch vụ chính phủ di động thông qua chương trình ứng dụng nhỏ của Wechat11.

3. Đánh giá

Nhìn chung, quá trình xây dựng chính phủ số ở Trung Quốc hiện nay đang được thúc đẩy khá mạnh mẽ. Đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang hướng đến thực hiện hiện đại hóa quản trị nhà nước, kết hợp với thành tựu về khoa học công nghệ đang lớn mạnh như hiện nay, việc thúc đẩy xây dựng Chính phủ số là điều tất yếu. Trong vài năm trở lại đây, quá trình xây dựng chính phủ số của Trung Quốc đã thu được một số tiến triển.

Thứ nhất, hiện nay các địa phương ở Trung Quốc đang đẩy nhanh xây dựng đám mây chính phủ, tiếp tục thực hiện quản lý tiết kiệm nguồn lực, đưa những dữ liệu chính phủ lên cơ sở hệ thống đám mây chính phủ. Bên cạnh đó, các địa phương đang bắt đầu nâng cấp và cải tạo hệ thống mạng, đẩy mạnh ứng dụng IPv6, dựa vào đó để nâng cao chất lượng dịch vụ mạng của chính phủ. Ngoài ra, thông qua số liệu phân tích như trên, ta thấy hệ thống cơ sở hạ tầng chính phủ số của Trung Quốc đang được xây dựng rất rộng lớn.

Thứ hai, các trang web Chính phủ Trung Quốc được đánh giá khá tốt về các phương diện như: công khai thông tin, giải đáp chính sách, phục vụ trực tuyến, giám sát quản lý, ứng dụng truyền thông,... Theo Báo cáo đánh giá về các trang web Chính phủ Trung Quốc năm 2021 được Viện Nghiên cứu Quản trị quốc gia – Đại học Thanh Hoa Trung Quốc công bố vào tháng 12/2021, các trang web của các bộ ngành trong Quốc vụ viện Trung Quốc được đánh giá khá cao. Trong đó trang web của Tổng cục Thuế (đạt 86,5 điểm) và Bộ Thương mại (đạt 84,3 điểm) là hai trang web được đánh giá cao nhất. Đối với trang web của các tỉnh thành, có 4 tỉnh được đánh giá cao nhất là Quảng Đông (87,5 điểm), Quý Châu (87,5 điểm), Tứ Xuyên (85,8 điểm) và Hải Nam (85,8 điểm)12.


Biểu đồ 4: Số lượng dịch vụ chính phủ di động trên các nền tảng khác nhau

ở Trung Quốc năm 2020 (Đơn vị: phiên bản)

Thực tiễn quá trình xây dựng chính phủ số ở Trung Quốc hiện nay

Nguồn: 智研咨询, “2020年中国移动政务服务总体发展概况及未来发展趋势分析[图]”, 产业信息网, https://www.chyxx.com/industry/202108/971369.html (Intelligence Research Gruop, “Tình hình phát triển App Dịch vụ Chính phủ Trung Quốc năm 2020 và xu thế phát triển”, Mạng Thông tin ngành nghề, https://www.chyxx.com/industry/202108/971369.html)

 

Thứ ba, có thể thấy, Trung Quốc đã thực hiện xây dựng chính phủ số với vai trò là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược tổng thể xây dựng Trung Quốc số. Đồng thời, Trung Quốc đã đưa ra những biện pháp mang tính khuyến khích, thúc đẩy với quy mô lớn cho các địa phương thực hiện xây dựng chính phủ số. Ví dụ như việc Trung Quốc tổ chức “Đường đua Chính phủ số” năm 2021. Đường đua này nằm trong khuôn khổ của Cuộc thi sáng tạo trong quá trình xây dựng Trung Quốc số năm 2021, là một trong tám đường đua chính của cả cuộc thi với quy mô lớn trên toàn quốc. Ban tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Xây dựng Trung Quốc số kết hợp với Tiểu tổ lãnh đạo Xây dựng tỉnh Phúc Kiến số biên soạn “Tuyển tập những công trình mẫu tiêu biểu trong việc ứng dụng những sáng tạo của chính phủ số năm 2021”. Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là 500.000 nhân dân tệ, các địa phương thắng cuộc sẽ được nhận giải thưởng và trình bày mẫu sáng tạo của mình13. Có thể thấy, đây là những biện pháp khuyến khích các địa phương xây dựng chính phủ số rất hiệu quả. Bởi lẽ nó mang tầm quy mô quốc gia, thường niên, tạo ra sức cạnh tranh lớn.

Tuy nhiên, công tác xây dựng chính phủ số của Trung Quốc vẫn gặp nhiều hạn chế. Đặc biệt là việc xây dựng và quản lý nguồn dữ liệu chính phủ. Có thể thấy, xây dựng và quản lý nguồn dữ liệu là khâu phức tạp, đòi hỏi có sự đồng bộ, thống nhất giữa các bộ ngành và địa phương, bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác cho công dân và doanh nghiệp.

Trong khâu quan trọng này, Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhìn chung, công tác chia sẻ dữ liệu chính phủ ở Trung Quốc hiện nay chưa được thuận lợi. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Một là, do mâu thuẫn giữa nguồn cung và nhu cầu về chia sẻ thông tin chính phủ. Hai là, tồn tại hiện tượng các địa phương và bộ ngành chưa xây dựng được hệ thống thông tin chính phủ hoàn thiện, còn nhiều thiếu sót. Ba là, các app và cổng thông tin chính phủ chưa kịp thời cập nhật thông tin, gây ra hiện tượng thông tin sai lệch hoặc lỗi thời. Bốn là, thiếu căn cứ về việc chia sẻ dữ liệu chính phủ. Năm là, công tác bảo đảm an ninh mạng chưa tốt. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác nữa, nhưng chủ yếu là do công tác xây dựng và quản lý dữ liệu chính phủ chưa được thực hiện tốt.

Tóm lại, quá trình xây dựng chính phủ số của Trung Quốc đang trong quá trình thực hiện và xây dựng bằng nhiều biện pháp khá tích cực. Tuy nhiên, rào cản về mặt chia sẻ dữ liệu chính phủ là một trong những khó khăn mà Trung Quốc cần đưa ra nhiều biện pháp giải quyết hiệu quả hơn để có thể thúc đẩy xây dựng chính phủ số được nhanh hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. “2021数字中国创新大赛·数字政府赛道火热进行中!”, 福建省互 (“Cuộc thi Sáng tạo Trung Quốc số năm 2021: Đường đua chính phủ số đang được triển khai rất náo nhiệt”, Hiệp hội internet tỉnh Phúc Kiến), http://www. fjis.cn/home/posts/7828.

2. “清华大学国家治理研究院、公共管理学院发布《2021年中国政府网站绩效评估报告》”, 四川 (“Viện Nghiên cứu Quản trị Nhà nước – Đại học Thanh Hoa, Học viện Quản lý công cùng công bố Báo cáo Đánh giá Thành tích các trang web Chính phủ Trung Quốc năm 2021”, Tứ Xuyên Công bố), http://www. scpublic.cn/news/getNewsDatail?id=640071.

3. “全国一体化政务服务平台整体上线试运行”, 中国政府网 (“Cổng Thông tin dịch vụ Chính phủ trực tuyến nhất thể hóa toàn quốc chính thức vận hành”, Mạng Chính phủ Trung Quốc), http://www.gov.cn/xinwen/2019-11/08/content_ 450249.htm.

4. 赛迪顾问股份有限公司 (2020年6月), 2020中国数字政府建白皮 (Công ty Tư vấn CCID (6/2020), Sách trắng về Xây dựng chính phủ số ở Trung Quốc năm 2020).

5.  “上海“一网通办”移动端试运行 预计年底前纳入400项服务”, 中国经济 (“Phần mềm di động cổng thông tin điện tử của Thượng Hải thử vận hành - Dự kiến dẫn nhập 400 dịch vụ vào cuối năm”, Mạng Kinh tế Trung Quốc), http://www.ce.cn/xwzx/gnsz/gdxw/201809/11/t20180911_30275011.shtml.

6. 时婷婷, “​2021世界互联网大会 | 中国网民规模达10.11亿人,5G已覆盖所有地级市”, (Thời Đình Đình, “Đại hội Mạng Internet Thế giới năm 2021: Quy mô cư dân mạng của Trung Quốc đạt 1,01 tỷ người, công nghệ 5G đã phổ cập các thành phố cấp địa”), The Paperhttps://m.thepaper.cn/baijiahao_14674 817.

7. 网信中国, “数说“十三五”时期数字中国建设亮眼成绩单” (CAC, “Thành tích quá trình xây dựng Trung Quốc số thời kỳ 5 năm lần thứ 13 qua các con số”), The Paper,  https://www. thepaper.cn/ newsDetail_forward_12517040.

8. 袁炯贤, ““十四五”推进国家政务信息化规划审议通过,数字政府建设提速”, 中国政府网 (Viên Huỳnh Hiền, “Thông qua Quy hoạch Thông tin hóa các dịch vụ chính phủ của quốc gia giai đoạn 5 năm lần thứ 14, công tác xây dựng chính phủ số được đẩy nhanh”, Mạng Chính phủ Trung Quốc), http://www. gov.cn/zhengce/2021-11/18/content_565 1620.htm.

9. 智研咨询, “2020年中国移动政务服务总体发展概况及未来发展趋势分析[图]”, 产业信息网 (Intelligence Research Group, “Tình hình phát triển app dịch vụ Chính phủ Trung Quốc năm 2020 và xu thế phát triển”, Mạng Thông tin ngành nghề), https://www. chyxx.com/industry/202108/9713 69.html.

10. 中国互联网络信息中心, “2021年上半年中国互联网网民结构状况分析:网民规模达10.11亿”, 知乎 (Trung tâm Thông tin mạng internet Trung Quốc, “Phân tích tình hình kết cấu cư dân mạng của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2021: Quy mô cư dân mạng đạt 1,01 tỷ người”, ZhiHu), https://zhuanlan.zhihu.com/p/ 404161679.

11. 中商产业研究院, “2020年政务数据治理行业市场现状及竞争格局大数据分析(图)” (Viện Nghiên cứu Ngành nghề Trung Quốc, “Phân tích số liệu hiện trạng thị trường ngành nghề quản trị dữ liệu chính phủ và tình hình cạnh tranh năm 2020”), Askci, https://www.askci.com/news/chanye/20210716/10103215195412. shtml.

 

 



[1] ThS., Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] 赛迪顾问股份有限公司 (2020年6月), 2020中国数字政府建白皮 (Công ty tư vấn CCID (6/2020), Sách trắng về Xây dựng chính phủ số ở Trung Quốc năm 2020).

[3] 网信中国, “数说“十三五”时期数字中国建设亮眼成绩单” (CAC, “Thành tích quá trình xây dựng Trung Quốc số thời kỳ 5 năm lần thứ 13 qua các con số”), The Paper, https://www.thepaper.cn/newsDetail_ forward_12517040.

[4] 时婷婷, “​2021世界互联网大会 | 中国网民规模达10.11亿人,5G已覆盖所有地级市” (Thời Đình Đình, “Đại hội Mạng internet thế giới năm 2021: Quy mô cư dân mạng của Trung Quốc đạt 1,01 tỷ người, công nghệ 5G đã phổ cập các thành phố cấp địa”), The Paperhttps://m.thepaper.cn/baijiahao_14674817.

[5] 中国互联网络信息中心, “2021年上半年中国互联网网民结构状况分析:网民规模达10.11亿”, 知乎 (Trung tâm Thông tin mạng internet Trung Quốc, “Phân tích tình hình kết cấu cư dân mạng của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2021: Quy mô cư dân mạng đạt 1,01 tỷ người”, ZhiHu), https://zhuanlan.zhihu.com/p/404161679.

[6] Viên Huỳnh Hiền, “Thông qua Quy hoạch Thông tin hóa các dịch vụ chính phủ của quốc gia giai đoạn 5 năm lần thứ 14, công tác xây dựng chính phủ số được đẩy nhanh”, Tlđd.

[7] 中商产业研究院, “2020年政务数据治理行业市场现状及竞争格局大数据分析(图)” (Viện Nghiên cứu Ngành nghề Trung Quốc, “Phân tích số liệu hiện trạng thị trường ngành nghề quản trị dữ liệu chính phủ và tình hình cạnh tranh năm 2020”), Askci, https://www.askci.com/news/chanye/20210716/1010321519541_2.shtml.

[8] 中商产业研究院, “2020年政务数据治理行业市场现状及竞争格局大数据分析(图)” (Viện Nghiên cứu Ngành nghề Trung Quốc, “Phân tích số liệu hiện trạng thị trường ngành nghề quản trị dữ liệu chính phủ và tình hình cạnh tranh năm 2020”), Askci, https://www.askci.com/news/chanye/20210716/1010321519541_2.shtml.

9 “上海“一网通办”移动端试运行 预计年底前纳入400项服务”, 中国经济 (“Phần mềm di động cổng thông tin điện tử của Thượng Hải thử vận hành - Dự kiến dẫn nhập 400 dịch vụ vào cuối năm”, Mạng Kinh tế Trung Quốc), http://www.ce.cn/xwzx/gnsz/gdxw/201809/11/ t20180911_30275011.shtml.

10 “全国一体化政务服务平台整体上线试运行”, 中国政府网 (“Cổng Thông tin dịch vụ Chính phủ trực tuyến nhất thể hóa toàn quốc chính thức vận hành”, Mạng Chính phủ Trung Quốc), http://www.gov.cn/xinwen/2019-11/08/content_5450249.htm.

11 智研咨询, “2020年中国移动政务服务总体发展概况及未来发展趋势分析[图]”, 产业信息网 (Intelligence Research Group, “Tình hình phát triển App dịch vụ chính phủ Trung Quốc năm 2020 và xu thế phát triển”, Mạng Thông tin ngành nghề), https://www. chyxx.com/industry/202108/971369.html.

12 “清华大学国家治理研究院、公共管理学院发布《2021年中国政府网站绩效评估报告》”, 四川, (“Viện Nghiên cứu Quản trị Nhà nước - Đại học Thanh Hoa, Học viện Quản lý công cùng công bố Báo cáo đánh giá thành tích các trang web Chính phủ Trung Quốc năm 2021”, Tứ Xuyên Công bố), http://www.scpublic.cn/news/ getNewsDatail?id=640071.

13 “2021数字中国创新大赛·数字政府赛道火热进行中!”, 福建省互 (“Cuộc thi Sáng tạo Trung Quốc số năm 2021: Đường đua chính phủ số đang được triển khai rất náo nhiệt”, Hiệp hội internet tỉnh Phúc Kiến), http://www.fjis.cn/home/posts/7828.

 

0thảo luận