Trang chủ

Nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc giai đoạn hiện nay

Đăng ngày: 5-04-2023, 10:06 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 1

Trần Thị Hải Yến1, Hoàng Minh Hồng2

 

Tóm tắt: Trong những năm qua, cùng với sự phát triển vượt bậc về kinh tế, gia tăng vị thế về ngoại giao, Trung Quốc đang nổi lên là một trong những quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng hiện đại trên thế giới và đang thách thức vị trí của các siêu cường quân sự. Bài viết tìm hiểu thực trạng phát triển của nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc hiện nay. Nhóm tác giả cũng phân tích nhân tố hợp tác của Trung Quốc với Nga trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và bước đầu đưa ra những khuyến nghị cho Việt Nam trong phát triển công nghiệp quốc phòng.

Từ khóa: Công nghiệp quốc phòng, Trung Quốc, hợp tác quốc phòng

 

 

N

ền công nghiệp quốc phòng hiện đại được coi là điều kiện tiên quyết giúp một quốc gia trở thành cường quốc hàng đầu về quân sự. Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất vũ khí lớn thứ hai thế giới, và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia này là rất lớn. Nếu Trung Quốc thực sự có thể bứt phá trong ngành công nghiệp này, họ có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào các công nghệ nước ngoài và trở thành một trong những nhà lãnh đạo toàn cầu về năng lực quân sự tiên tiến.

1. Thực trạng phát triển nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc[1][2]

Sự trỗi dậy của Trung Quốc từ đầu thế kỉ XXI cho phép nước này củng cố và gia tăng sức mạnh quốc phòng. Chi tiêu cho quốc phòng của Trung Quốc đã tăng từ 26,1 tỷ USD vào năm 1995 lên 209 tỷ USD năm 2021[3], cho thấy sự chú trọng của Trung Quốc với quốc phòng nói chung và công nghiệp quốc phòng nói riêng. Về tư tưởng chỉ đạo, tại Đại hội Đảng lần thứ XIX, Chủ tịch Tập Cận Bình đã vạch ra mục tiêu “hoàn thành quốc phòng và hiện đại hóa quân đội vào năm 2035”, biến quân đội Trung Quốc thành “quân đội đẳng cấp thế giới vào giữa thế kỷ XXI”[4]. Riêng đối với ngành công nghiệp quốc phòng, Chính phủ Trung Quốc xác định lấy chiến lược phát triển kết hợp quân sự và dân sự làm chủ đạo, trong đó tập trung vào các lĩnh vực then chốt, thực hiện các biện pháp cải cách, thúc đẩy xây dựng hệ thống nghiên cứu và sản xuất vũ khí quân sự- dân sự. Chính phủ Trung Quốc kì vọng sự kết hợp này sẽ thúc đẩy chia sẻ và hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi có hiệu quả của nền công nghiệp quốc phòng nhằm xây dựng hệ thống quốc phòng tiên tiến, đặc sắc Trung Quốc, nâng cao năng lực để dẫn đầu các công nghệ then chốt quan trọng[5].

Thuật ngữ “Quân - dân dung hợp” (Military-Civil Fusion - MCF), với ý nghĩa ban đầu nghe có vẻ tương ứng với “Quân – dân kết hợp” (Military-Civil Integration-MCI) - một khái niệm của Mỹ song trên thực tế, MCI của Mỹ là “sự hợp tác giữa chính phủ và các cơ sở thương mại trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất, bảo trì”, trong khi MCF của Trung Quốc là chiến lược do nhà nước lãnh đạo, nhằm tận dụng mọi đòn bẩy của quyền lực nhà nước và sức mạnh của thương mại để củng cố và hỗ trợ quân đội. Được nâng lên thành chiến lược quốc gia vào năm 2014, MCF như một công cụ quản lý nhà nước để cân bằng giữa các mục tiêu an ninh và phát triển, hỗ trợ trực tiếp cho khả năng chiếm ưu thế của Trung Quốc trong các cuộc cạnh tranh chiến lược[6].

Về tổ chức quản lý, Chủ tịch Tập Cận Bình đã xây dựng một hệ thống tổ chức và quản lý có sự lãnh đạo thống nhất, giám sát, điều phối chiến lược MCF. Tháng 1/2017, Trung Quốc đã thành lập Ủy ban Phát triển Hợp nhất Quân sự - Dân sự Trung ương, đóng vai trò là cơ chế phối hợp và ra quyết định cấp cao nhất đối với các vấn đề lớn trong phát triển MCF, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Tập Cận Bình[7]. Điểm khác biệt trong giai đoạn này là Đảng thể hiện rõ sự kiểm soát và lãnh đạo đối với nền công nghiệp quốc phòng, cụ thể là chiến lược MCF. Sự lãnh đạo của Đảng được thực hiện thông qua ba chức năng: (1) xây dựng và ban hành chiến lược, kế hoạch, chính sách; (2) cân nhắc và đưa ra quyết định về các vấn đề chính liên quan đến định hướng dài hạn và tổng thể của chiến lược; (3) tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương[8]. Tính đến cuối năm 2018, các tổ chức quản lý MCF do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo đã được thành lập tại 31 đơn vị cấp tỉnh, trực thuộc tỉnh ủy[9].

Về kế hoạch thực hiện, những nỗ lực trong việc nâng cấp cơ sở công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc được hướng dẫn bởi Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 về phát triển khoa học, công nghệ và công nghiệp quốc phòng năm 2016. Trong đó, Trung Quốc đặt ưu tiên cho việc đổi mới và phát triển công nghệ cao. Ngành công nghiệp quốc phòng cần đạt một số nhiệm vụ chính, gồm: nâng cao hiệu quả của ngành công nghiệp quốc phòng, tăng cường khả năng đổi mới, thúc đẩy MCF và thúc đẩy xuất khẩu vũ khí[10].

 

Ngành

Công ty

Không gian vũ trụ

Tập đoàn động cơ hàng không của Trung Quốc (AECC)

Tổng công ty Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC)

Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC)

Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC)

Thiết bị điện tử

Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC)

Hệ thống đất liền

 

Tổng công ty Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc (NORINCO)

Tổng công ty Tập đoàn Công nghiệp Nam Trung Quốc (CSGC)

Hạt nhân

 

Học viện Vật lý Kỹ thuật Trung Quốc (CAEP)

Tổng công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC)

Đóng tàu

Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC)

Nguồn: 国家国防科技工业局, http://www.sastind.gov.cn/n448154/index.html

 

Hiện nay, phần lớn thiết bị và công nghệ mà PLA mua, được cung cấp bởi các công ty theo cơ cấu phân ngành như bảng trên.

Các công ty này với tư cách là doanh nghiệp nhà nước hoặc viện nghiên cứu, có sự thống nhất từ trên xuống dưới và nhận được chỉ đạo của Đảng, quân đội. Các công ty quốc phòng của Trung Quốc có xu hướng cung cấp phạm vi sản phẩm vũ khí hẹp, nhưng khách hàng lại khá đa dạng. Nguyên nhân là bởi bên cạnh việc sản xuất thiết bị quân sự, các công ty này cũng sản xuất các sản phẩm và dịch vụ phi quân sự cho các thực thể dân sự. NORINCO là một ví dụ điển hình, tổng doanh thu của tập đoàn này năm 2017 lên tới 427,6 tỷ nhân dân tệ (64,3 tỷ USD). Trong đó, doanh thu từ bán vũ khí chỉ chiếm khoảng 27%, 40% từ thăm dò, sản xuất và kinh doanh tài nguyên dầu khí, 13% từ hóa dầu, 15% từ máy móc và thiết bị hạng nặng và 5% từ quang điện[11]. Điều này giúp các công ty quốc phòng của Trung Quốc ở một mức độ nhất định không bị chi phối hoàn toàn bởi những biến động về nhu cầu hàng hóa quân sự.

Về những thành tựu của ngành công nghiệp quốc phòng, sau một quá trình liên tục cải cách và nâng cấp, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã đạt những bước tiến lớn.

Thứ nhất là, ngành công nghiệp đóng tàu, Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất tàu hàng đầu thế giới về trọng tải, đang tăng cường năng lực và khả năng đóng tàu cho tất cả các lớp hải quân, bao gồm tàu ngầm, tàu chiến mặt nước, tàu vận tải và tàu đổ bộ. Quốc gia này cũng tự sản xuất động cơ tua bin khí và động cơ diesel và hầu hết các hệ thống vũ khí và điện tử trên tàu. Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc là công ty có năng lực sản xuất lớn nhất thế giới trong ngành công nghiệp đóng tàu. Trung Quốc hiện có khoảng 360 tàu và tàu ngầm, trong đó có hơn 130 tàu chủ lực tác chiến mặt nước, vượt qua con số của Mỹ là 300 tàu ở thời điểm cuối năm 2020 và dự kiến sẽ có 400 tàu vào năm 2025[12].

Thứ hai là, ngành công nghiệp tên lửa và vũ trụ. Hầu hết các chương trình tên lửa của Trung Quốc, bao gồm cả hệ thống tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, đều có chất lượng tương đương với các nhà sản xuất hàng đầu quốc tế khác. Trung Quốc sản xuất nhiều loại tên lửa đạn đạo, hành trình, không đối không và đất đối không, đồng thời nước này tiếp tục mở rộng các cơ sở thử nghiệm tên lửa của mình. Trung Quốc đã có hơn 1.250 tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất (GLBM) và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất (GLCM) với tầm bắn từ 500 đến 5.500 km[13]. Năm 2019, trong lễ kỉ niệm 70 năm thành lập nước, Trung Quốc đã ra mắt tên lửa hành trình siêu thanh mới và phương tiện bay siêu thanh. Nổi bật là DF-41, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn 15.000 km - vũ khí tầm xa nhất của Trung Quốc có thể tới Mỹ trong 30 phút[14]. Các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di động (ICBM) và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) này xuất hiện chủ yếu nhằm mục đích nâng cao khả năng sống sót và thâm nhập của lực lượng hạt nhân Trung Quốc[15].

Đối với ngành công nghiệp vũ trụ, Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát (ISR) các chòm sao vệ tinh dẫn đường và đạt được những bước tiến đáng kể trong khả năng bay và khám phá không gian. Lực lượng hỗ trợ chiến lược PLA đã phóng một loạt vệ tinh nâng cao đáng kể khả năng ISR, cung cấp các vệ tinh thông tin liên lạc tiên tiến có thể truyền một lượng lớn dữ liệu, các hệ thống vũ trụ có thể cung cấp các dịch vụ PNT chính xác, các vệ tinh thời tiết và hải dương học[16]. Trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc đã phát triển phương tiện phóng “phản ứng nhanh” (Satellites Launch Vehicle) để tăng sức hấp dẫn của mình với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh nhỏ thương mại bao gồm viễn thám, phóng và liên lạc. Tính đến tháng 3/2020, có 2.666 vệ tinh được biết đến trên quỹ đạo, trong đó 13,6% (363 vệ tinh) do các đơn vị Trung Quốc sở hữu hoặc vận hành[17]. Trong đó một phần là của Hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu, được thiết kế để cạnh tranh, thậm chí là thay thế cho Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của châu Âu. Đối với lĩnh vực quốc phòng, Bắc Đẩu giúp giải quyết những lo ngại về an ninh bằng cách cung cấp cho PLA quyền truy cập đáng tin cậy vào thông tin liên lạc, nhắm mục tiêu vũ khí và các chức năng quan trọng khác.

Thứ ba là, trí tuệ nhân tạo (AI). Trung Quốc coi AI là yếu tố quan trọng đối với sức mạnh quân sự và công nghiệp trong tương lai. Kế hoạch AI thế hệ mới vạch ra các mục tiêu của Trung Quốc trong việc sử dụng các thực thể thương mại và quân sự để đạt được vị thế ngang hàng với các nhà lãnh đạo thế giới về AI vào năm 2020, đạt được những đột phá lớn về AI vào năm 2025 và đưa Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về AI vào năm 2030[18]. Năm 2019, công ty tư nhân Ziyan UAV của Trung Quốc đã trưng bày các máy bay không người lái có vũ trang, sử dụng AI để thực hiện hướng dẫn tự động, thu nhận mục tiêu và thực hiện cuộc tấn công[19]. Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã sáng chế thành công tàu mặt nước không người lái sử dụng AI. Loại tàu được Trung Quốc lên kế hoạch sử dụng cho việc tuần tra và củng cố các tuyên bố lãnh thổ bất hợp pháp của mình ở Biển Đông[20]. Mức độ tự chủ mà nền công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đạt được khiến nước này có khả năng phục hồi cao khi đối mặt với các lệnh trừng phạt vũ khí có thể đến từ các xung đột chính trị.

Về hạn chế, ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc có những hạn chế lớn. Thứ nhất, sự thiếu hụt chất lượng trong các sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, Trung Quốc có thể sản xuất các hệ thống vũ khí mặt đất ở mức gần tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới. Tuy nhiên, chất lượng vẫn còn là nghi ngại lớn của các nước trong việc sử dụng vũ khí chế tạo từ Trung Quốc. Điều này vô hình chung kìm hãm khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc. Những người mua vũ khí hàng đầu có xu hướng quan tâm đến các sản phẩm cấp thấp, giá thành rẻ từ Trung Quốc nhưng lại tin tưởng và muốn mua các thiết bị tiên tiến hơn từ Mỹ hoặc Nga. Do đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục dựa vào tiêu chuẩn phát triển của nước ngoài và phải đối mặt với những mối quan ngại lâu dài về chất lượng của các loại vũ khí do ngành công nghiệp Trung Quốc sản xuất. Thứ hai, công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vẫn đang đối mặt với các thách thức hiện nay bao gồm cơ cấu quy hoạch chồng chéo, bộ máy hành chính phân tán. Về dài hạn, các câu hỏi đặt ra xoay quanh: (i) khả năng xoay xở của Trung Quốc trong việc chuyển đổi các ngành công nghiệp quốc phòng của mình thành những nhà đổi mới công nghệ quan trọng hàng đầu của các nền tảng công nghệ toàn cầu và (ii) mức độ tinh vi của hệ thống vũ khí lớn của Trung Quốc so với các cường quốc công nghiệp quốc phòng toàn cầu hiện nay. Điều này khó có thể được Trung Quốc giải quyết trong thời gian ngắn hạn. Ngoài ra, sự phát triển không đồng đều giữa các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc cũng khiến cho nền công nghiệp gặp hạn chế.

2. Nhân tố Nga trong nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc

Nga vốn là một trong những đối tác chính của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Tuy nhiên, mức độ hợp tác giữa hai nước chỉ thực sự chuyển biến lớn từ năm 2015 trở lại đây, do lãnh đạo hai nước đã có những điều chỉnh nhằm khôi phục hoạt động hợp tác quốc phòng như một trụ cột trong mối quan hệ song phương. Sau cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga đã nới lỏng các quy định nghiêm ngặt đối với việc chuyển giao các công nghệ quân sự tiên tiến. Nguyên nhân là bởi nước ngày cần sự hỗ trợ về ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc để chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như tìm cách duy trì vị thế ưu việt của mình trong thị trường nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, số lượng lớn các giao dịch gần đây khẳng định rằng các hệ thống và công nghệ quân sự của Nga vẫn hấp dẫn đối với Bắc Kinh bất chấp những tiến bộ gần đây trong khả năng sản xuất quốc phòng của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc tiếp tục chuyển đổi từ mua hoàn toàn thiết bị của Nga sang mua theo phần thiết bị nhằm đạt được khả năng tự cung tự cấp nhiều hơn trong sản xuất quốc phòng. Doanh số bán hàng gần đây cho thấy Trung Quốc vẫn sẵn sàng mua sản phẩm từ Nga đối với các lĩnh vực mà Trung Quốc không có thế mạnh. Trung Quốc đã mua hệ thống phòng không S-400 của Nga năm 2014 để lấp đầy những lỗ hổng trong lĩnh vực phòng không tầm xa. Đây là hệ thống tên lửa phòng thủ đất đối không hiện đại nhất của Nga, có thể phát hiện và bắn hạ các mục tiêu gồm tên lửa đạn đạo, máy bay phản lực, máy bay không người lái[21]. Quyết định của Trung Quốc mua thêm trực thăng vận tải Mi-171 của Nga năm 2019 cũng phản ánh một trong số ít lĩnh vực mà Trung Quốc vẫn đang gặp khó để phát triển các hệ thống phù hợp của riêng mình[22]. Thực tế hiện nay, một số hệ thống tiên tiến nhất của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào công nghệ của Nga. Ví dụ, nhiều máy bay chiến đấu tàng hình Chengdu J-20 của AVIC sử dụng động cơ Saturn AL-31 của Nga[23]. Các phiên bản của máy bay chiến đấu phản lực Shenyang FC-31, cũng sử dụng động cơ RD-93 của Nga[24]. Bên cạnh đó, xu hướng chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh do Trung Quốc mong muốn nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng của mình. Dự án máy bay trực thăng hạng nặng “liên doanh” Nga – Trung gần đây là một ví dụ điển hình. Trong dự án này, vai trò của Nga đã được chuyển sang hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp một số thiết bị quan trọng, mặc dù đã chuyển giao công nghệ cốt lõi thiết kế Mi-26 cho Trung Quốc[25].

Mặc dù vậy, hợp tác công nghiệp quốc phòng Trung – Nga vẫn còn những hạn chế lớn. Thứ nhất là những lo ngại của Nga về các hoạt động sao chép của Trung Quốc không có sự cải thiện. Phía Nga gần đây đã báo cáo về hơn 500 trường hợp Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ từ Nga trong 17 năm qua[26]. Điều này khiến phía Nga càng thận trọng hơn trong việc chuyển giao các công nghệ quân sự nhạy cảm cao cho Trung Quốc. Thứ hai là việc Nga lo ngại về nguy cơ Trung Quốc có thể trở thành một đối thủ trong tương lai. Điều này giải thích xu hướng của Nga thích chuyển giao các hệ thống phòng thủ, như hệ thống phòng không S-400 và công nghệ hệ thống cảnh báo sớm và hạn chế bán, chuyển giao các sản phẩm liên quan đến hệ thống tác chiến mặt đất, máy bay ném bom chiến lược và tên lửa tấn công đất liền. Bởi đây được coi là những vũ khí tấn công có thể đe dọa tới an ninh của Nga. Tuy vậy, tháng 3/2020, sau khi một nhà khoa học người Nga bị bắt với cáo buộc chuyển giao bí mật về công nghệ phát hiện tàu ngầm cho Trung Quốc, Nga đã chính thức tạm ngừng cung cấp hệ thống phòng không S-400 cho Trung Quốc[27]. Thứ ba là sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nga trên thị trường công nghiệp quốc phòng toàn cầu cũng ngày một tăng. Hiện Trung Quốc cũng đang mở rộng thị trường bán thiết bị quân sự của mình dựa trên công nghệ của Nga cho chính các quốc gia mà Nga đang có thị phần. Ví dụ việc bán các SAM HQ-9 gần đây cho Turkmenistan và tàu ngầm lớp Yuan cho Pakistan, đây đều là những sản phẩm dựa trên công nghệ và thiết kế của Nga. Tuy nhiên, việc xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc chủ yếu hướng vào thị trường cấp thấp, số lượng sản phẩm cũng có sự hạn chế do Trung Quốc còn phụ thuộc khá lớn vào động cơ và công nghệ tiên tiến của Nga. Về phía Nga, nước này cũng tích cực sử dụng con đường thương mại sức mạnh mềm để củng cố mối quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc hay Đông Nam Á. Năm 2017, Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 7% xuất khẩu vũ khí của Nga (so với 11% sang Trung Quốc)[28].

Thực tế, hai nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc và Nga chủ yếu vẫn mang tính chuyên chế, do vậy các cơ hội cùng phát triển và hợp tác sâu rộng sẽ không thực sự nhiều. Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng giữa hai nước sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực mà Mỹ quan tâm nhất với tư cách là một cường quốc hàng hải và hàng không vũ trụ. Trung Quốc có thể cùng Nga thực hiện các dự án quân sự hoặc công nghệ lưỡng dụng quan trọng, tiếp cận các công nghệ tiên tiến của Nga. Nhân tố Nga trong sự phát triển của công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc thực chất nên được nhìn như một hành động thách thức Mỹ hơn là chất lượng và mục đích phát triển.

3. Khuyến nghị cho nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam

Công nghiệp quốc phòng là bộ phận không thể thiếu, phục vụ quá trình hiện đại hóa quân đội. Hiện nay, chủ trương phát triển công nghiệp quốc phòng của Đảng Cộng sản Việt Nam tập trung vào một số điểm như: phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng, hiện đại; phát triển công nghiệp quốc phòng trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Như vậy, công nghiệp quốc phòng phải vừa bảo đảm phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, vừa góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước[29]. Từ đó, có thể thấy, tự chủ về công nghiệp quốc phòng được coi là một trong những yếu tố then chốt để thực hiện được các mục tiêu trên. Sự tự chủ trong công nghiệp quốc phòng sẽ nâng cao tính chủ động trong sản xuất các thiết bị cho quân đội, từng bước hạn chế mua sắm vũ khí và giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài; giữ được yếu tố bí mật cho công nghiệp quốc phòng. Tự chủ phát triển công nghiệp quốc phòng cũng sẽ góp phần xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay, công nghiệp quốc phòng của Việt Nam còn khá nhiều hạn chế: quá trình xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng theo hướng lưỡng dụng chưa tốt; chất lượng một số sản phẩm thiếu ổn định, độ tin cậy chưa cao; sự kết hợp sản xuất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng với phát triển kinh tế chưa có hiệu quả cao. Điều này dẫn đến nhu cầu về hợp tác với các quốc gia khác là điều cần thiết. Do công nghiệp quốc phòng là một trong những lĩnh vực có sự nhạy cảm cao. Việc lựa chọn đối tác hợp tác trong lĩnh vực này cần có sự cẩn trọng và xem xét kĩ lưỡng. Đối với Trung Quốc, đây là quốc gia láng giềng, là nước lớn, luôn được xác định vừa là đối tác, vừa là đối tượng của Việt Nam. Do vậy, việc hợp tác với Trung Quốc trong nền công nghiệp quốc phòng cũng sẽ mang tính nhạy cảm cao.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam thực chất có khá nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm đối tác của công nghiệp quốc phòng và có thể tập trung chủ yếu dưới ba hình thức: mua toàn bộ hệ thống; mua thiết bị cho một hệ thống và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh Nga là đối tác truyền thống, có thể kể đến các đối tác đã và đang nổi lên là những nhà cung cấp triển vọng cho công nghiệp quốc phòng Việt Nam như Israel, Cộng hòa Czech và Nhật Bản. Đây là các đối tác có vị trí địa lý an toàn đối với Việt Nam bởi về mặt địa chính trị, rất khó để nước láng giềng Trung Quốc chấp nhận việc Việt Nam mua vũ khí phòng thủ vô cùng nhạy cảm từ Mỹ; đồng thời những lo ngại từ chính phía Mỹ về việc Việt Nam có thể không kiểm soát được quá trình trao đổi công nghệ với Nga và Trung Quốc nếu Mỹ bán cho Việt Nam những thiết bị quân sự nhạy cảm cũng không xảy ra. Từ năm 2019, Israel trở thành quốc gia bán vũ khí lớn thứ hai cho Việt Nam. Đặc biệt, công nghệ của Israel cũng vô cùng tiên tiến. Đây là một trong số ít các quốc gia chấp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí hiện đại cho Việt Nam như dây chuyền sản xuất súng bộ binh Galil ACE 31/32 tại Nhà máy Z-111 thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng[30]. Điều này chỉ ra rằng, việc đa dạng hóa các nguồn lực hợp tác từ nước ngoài sẽ giúp Việt Nam không chỉ xóa bỏ được sự nhạy cảm mà còn có cơ hội hấp thụ nhiều nền công nghệ tiên tiến, phục vụ cho quá trình hiện đại hóa và tự chủ công nghiệp quốc phòng.

Có thể thấy, với những thành tựu đạt được trong ngành công nghiệp quốc phòng, Trung Quốc ngày càng có khả năng định hình hướng đi và tạo ra một cuộc cạnh tranh về công nghệ quân sự. Trên thực tế, về tầm nhìn ngắn hạn, Trung Quốc chưa thể trở thành một trong những đối trọng của các cường quốc quân sự. Nhưng trong tương lai, với tiềm lực kinh tế cùng sự quyết tâm trong việc hiện đại hóa quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc, quốc gia này có khả năng trở thành một trong những cường quốc quân sự, một trong những lực lượng chi phối cán cân sức mạnh quân đội của khu vực và toàn cầu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Anh (2021), “Xây dựng và phát triển nền công nghiệp quốc phòng theo hướng hiện đại, lưỡng dụng”, Báo điện tử Đảng Cộng sản, https://dangcongsan.vn/quoc-phong-an-ninh/ xay -dung-va-phat-trien-nen-công nghiệp quốc phòng-theo-huong-hien-dai-luong-dung-585 542.html.
  2. Alex Stone, Peter W. Singer (2021), “China’s Military-Civil Fusion Strategy: What to Expect in the Next Five Years”, Defense One, https://www.defenseone.com/ideas/2021/02/china-military-civil-fusion-strategy-next-five-years/172143/.
  3. “How is China Advancing its Space Launch Capabilities?”, China Power, https://chinapower.csis.org/china-space-launch/ #easy-footnote-bottom-4-5590.
  4. Christopher Bodeen (2019), “China parades its latest missiles in challenge to US”, others, Taiwan News, https://www.taiwannews. com.tw/en/news/3788154.
  5. Dimitri Sime (2019), “Russia up in arms over Chinese theft of military technology”, Nikkei Asia, https://asia.nikkei.com/Politics/ International-relations/Russia-up-in-arms-over-Chinese-theft-of-military-technology.
  6. Ian Williams (2019), “More Than Missiles: China Previews its New Way of War”, CSIS, https://www.csis.org/analysis/more-missiles-china-previews-its-new-way-war.
  7. John S. Van Oudenaren (2020), “Why Are Russian Military Planes Flying Around Taiwan?”, The Diplomat, https://the diplomat. com/2020/01/why-are-russian-military-planes-flying-around-taiwan/.
  8. Mark Stokes, Gabriel Alvarado, Emily Weinstein, Ian Easton (2020), “China’s Space and Counterspace Capabilities and Activities”, Project 2019 Institute, https://www.uscc.gov/ sites/default/files/2020-05/ChinaSpaceandCoun terspaceActivities.pdf.
  9. Probal Dasgupta (2020), “Why Russia really stopped its S-400 supply to China”, The Print, https://theprint.in/opinion/why-russia-really-stopped-its-s-400-supply-to-china/ 542583/.
  10. Sebastian Heilmann and Lea Shih (2017), “Central Leading Small Groups: Top-level decision-making under Xi Jinping” in Sebastian Heilmann (Ed), China’s Political System, (Lanham, Maryland: Rowman & Littlefeld).
  11. 中国政府网 (2009), 四个现代化宏伟目标的提出 (Mạng chính phủ Trung Quốc, Bốn mục tiêu lớn của hiện đại hóa), http://www.gov.cn/jrzg/2009-09/16/content_1 418909.htm.
  12. 国务院 (2017), 国务院关于印发新一代人工智能发展规划的通知 (Quốc Vụ Viện, Thông báo của Quốc Vụ Viện về  Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới), http://www. gov.cn/zhengce/content/2017-07/20/content_ 5211996.htm.
  13. 中国政府网(2017), 习近平:决胜全面建成小康社会 夺取新时代中国特色社会主义伟大胜利——在中国共产党第十九次全国代表大会上的报告 (Mạng chính phủ Trung Quốc, Tập Cận Bình: Quyết thắng xây dựng xã hội khá giả toàn diện và giành thắng lợi to lớn của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới - Báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19), http://www.gov.cn/zhuanti/2017-10/27/ content5234876.htm.
  14. 中国政府网 (2017), 国务院办公厅关于推动国防科技工业军民融合深度发展的意见, (Mạng chính phủ Trung Quốc, Ý kiến ​​của Quốc Vụ Viện về đẩy mạnh phát triển sâu rộng kết hợp quân dân trong ngành công nghệ quốc phòng), http://www.gov.cn/zhengce/content /2017-12/04/content_5244373.htm.
  15. 姜鲁鸣,王伟海,刘祖辰 (2017), 军民融合发展战略探论, 北京人民出版社,第146页 (Khương Lỗ Minh, Vương Vĩ Hải, Lưu Cư Thần, Về Chiến lược phát triển kết hợp quân – dân, Nxb Nhân dân Bắc Kinh, tr.146).
  16. 人民日报 (2017), 习近平:向军民融合发展重点领域聚焦用力 (Nhân dân nhật báo, Tập Cận Bình: Tập trung vào các lĩnh vực chính của phát triển hội nhập quân - dân sự) http://cpc.people.com.cn/n1/2017/0922/c64094-29553679.html.

 



[1] TS., Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] ThS., Trường Đại học Ngoại thương

[3] Liu Xuanzun (2021), “China hikes defense budget by 6.8 % in 2021, faster than 6.6% growth last year”, Global Times, https://www.globaltimes.cn/page/202103/1217416. shtml.

[4] 中国政府网 (2017), 习近平:决胜全面建成小康社会 夺取新时代中国特色社会主义伟大胜利——在中国共产党第十九次全国代表大会上的报告 (Mạng chính phủ Trung Quốc, Tập Cận Bình: Quyết thắng xây dựng xã hội khá giả toàn diện và giành thắng lợi to lớn của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới - Báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19), http://www.gov.cn/zhuanti/2017-10/27/ content_5234876.htm.

[5] 中国政府网 (2017), 国务院办公厅关于推动国防科技工业军民融合深度发展的意见 (Mạng chính phủ Trung Quốc, Ý kiến của Quốc Vụ Viện về đẩy mạnh phát triển sâu rộng kết hợp quân dân trong ngành công nghệ quốc phòng), http://www.gov.cn/zhengce/content/2017-12/04/ content_5244373.htm.

[6] Alex Stone, Peter W.Singer (2021), “China’s Military-Civil Fusion Strategy: What to Expect in the Next Five Years”, Defense One, https://www.defenseone.com/ ideas/2021/02/china-military-civil-fusion-strategy-next-five-years/172143/.

[7] Sebastian Heilmann and Lea Shih (2017), “Central Leading Small Groups: Top-level decision-making under
Xi Jinping,” in Sebastian Heilmann, Ed. China’s Political System, (Lanham, Maryland: Rowman &
Littlefeld), pp. 169.

[8] 姜鲁鸣,王伟海,刘祖辰 (2017), 军民融合发展战略探论, 北京人民出版社,第146页 (Khương Lỗ Minh, Vương Vĩ Hải, Lưu Cư Thần, Về Chiến lược phát triển kết hợp quân – dân, Nxb Nhân dân Bắc Kinh, tr. 146).

[9] CCID Think Tank (2019), “Prospects for the Development of Military-Civil Fusion in 2019”, pp. 3.

[10]人民日报 (2017), 习近平:向军民融合发展重点领域聚焦用力 (Nhân dân nhật báo, Tập Cận Bình: Tập trung vào các lĩnh vực chính của phát triển hội nhập quân-dân sự) http://cpc.people.com.cn/n1/2017/0922/c64094-29553679.html.

[11] Nan Tian, Fei Su (2020), “Estimating Arms sale of Chinese Companies”, SIPRI Insight on Peace and Security, No. 2020/2 January 2020, pp. 8, https://www. sipri.org/sites/default/files/2020-01/sipriinsight2002_1.pdf.

[12] Brad Lendon (2021), “China has built the world's largest navy. Now what's Beijing going to do with it?”, CNN, https://edition.cnn.com/2021/03/05/china/china-world-biggest-navy-intl-hnk-ml-dst/index.html.

[13] Trong khi đó, Mỹ hiện chỉ trang bị loại GLBM với tầm bắn từ 70 đến 300 km và không có GLCM. Department of Defense (2020), Military and Security Developments involving The People’s Republic of China, pp.ii.

[14] Christopher Bodeen (2019), “China parades its latest missiles in challenge to US”, others, Taiwan News, https://www.taiwannews.com.tw/en/news/3788154.

[15] Ian Williams (2019), “More Than Missiles: China Previews its New Way of War”, CSIS, https://www. csis.org/analysis/more-missiles-china-previews-its-new-way-war.

[16] Mark Stokes, Gabriel Alvarado, Emily Weinstein, Ian Easton (2020), “China’s Space and Counterspace Capabilities and Activities”, Project 2019 Institute, https://www.uscc.gov/sites/default/files/2020-05/China_Space_and_Counterspace_Activities.pdf.

[17] "How is China Advancing its Space Launch Capabilities?”, https://chinapower.csis.org/china-space-launch/#easy-footnote-bottom-4-5590.

[18] 国务院 (2017), 国务院关于印发新一代人工智能发展规划的通知 (Quốc Vụ Viện, Thông báo của Quốc Vụ Viện về  Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới) http://www.gov.cn/zhengce/content/2017-07/20/content_ 5211996.htm.

[19] Liu Xuanzun (2019), “Chinese helicopter drones capable of intelligent swarm attacks”, Global Times, https://www.globaltimes.cn/content/1149168.shtml.

[20] Yasmin Tadjdeh (2020), “China Threatens U.S. Primacy in Artificial Intelligence”, National Defense, https://www.nationaldefensemagazine.org/articles/2020/10/30/china-threatens-us-primacy-in-artificial-intelligence.

[22] “Russia delivers to China first Mi-171 helicopter with VK-2500 engines”, https://tass.com/economy/1082858.

[23] Sebastien Roblin (2020), “China’s J-20B Stealth Jet, Upgraded With Thrust Vector Controls, Reportedly Enters Mass Production”, Forbes, https://www.forbes.com/ sites/sebastienroblin/2020/07/13/agile-j-20b-stealth-jets-with-thrust-vector-controls-enter-production-according-to-chinese-media/?sh=378a75d51fbc.

[24] Thomas New Dick (2021), “Mockup Of China’s Stealthy FC-31 Fighter Appears On Full-Size Aircraft Carrier Testing Rig”, The Drive, https://www.thedrive. com/the-war-zone/40992/mockup-of-chinas-stealthy-fc-31-fighter-appears-on-full-size-aircraft-carrier-testing-rig.

[25] Russian News Agency (2016), “Work on Russian-Chinese heavy helicopter autonomous from 3rd countries- deputy PM”, https://tass.com/economy/883574.

[26] Dimitri Sime (2019), “Russia up in arms over Chinese theft of military technology”, Nikkei Asia, https://asia. nikkei.com/Politics/International-relations/Russia-up-in-arms-over-Chinese-theft-of-military-technology.

[27] Probal Dasgupta (2020), “Why Russia really stopped its S-400 supply to China”, The Print, https:// theprint.in/opinion/why-russia-really-stopped-its-s-400-supply-to-china/542583/.

[28] John S. Van Oudenaren (2020), “Why Are Russian Military Planes Flying Around Taiwan?”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2020/01/why-are-russian-military-planes-flying-around-taiwan/.

[29] Lê Anh (2021), “Xây dựng và phát triển nền công nghiệp quốc phòng theo hướng hiện đại, lưỡng dụng”, Báo điện tử Đảng Cộng sản, https://dangcongsan.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-va-phat-trien-nen-côngnghiệp quốcphòng-theo-huong-hien-dai-luong-dung-585542. html.

[30] “Nhà máy Z111 nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng, kinh tế”, Tạp chí Quốc phòng Toàn dân, http://tapchiqptd.vn/vi/tong-ket-thuc-tien-va-kinh-nghiem/nha-may-z111-nang-cao-nang-luc-san-xuat-quoc-phong-kinh-te/15143.html.

0thảo luận