Trang chủ

Liên minh Nhật - Mỹ giai đoạn 2000-2021 và những tác động đối với Nhật Bản

Đăng ngày: 3-04-2023, 09:56 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2022, Số 1

Nguyễn Ngọc Nghiệp1

 

Tóm tắt: Liên minh Nhật - Mỹ được hình thành từ năm 1951. Sau khi thành lập, liên minh đã mang lại lợi ích cho cả hai phía Nhật Bản và Mỹ. Với Mỹ, Nhật Bản như cánh tay nối dài ở khu vực châu Á. Sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ ở Nhật Bản tạo điều kiện cho Mỹ có thể can thiệp kịp thời vào các vấn đề trong khu vực. Với Nhật Bản đó là một sự đảm bảo an ninh vững chắc, đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều bất ổn trong khu vực trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đi sâu phân tích về sự hình thành và những chuyển biến của liên minh Nhật - Mỹ từ năm 2000 đến hết nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, đồng thời đánh giá những tác động của liên minh này đối với Nhật Bản trên cả hai phương diện tích cực và tiêu cực.

Từ khóa: Nhật Bản, Mỹ, liên minh, Đông Bắc Á

 


1. Sự ra đời  của liên minh Nhật- Mỹ[1]

Liên minh Nhật- Mỹ được hình thành thông qua việc ký kết Hiệp ước an ninh Nhật- Mỹ lần đầu tiên năm 1951 xuất phát từ lợi ích của cả hai bên Mỹ và Nhật Bản. Phía Mỹ cần có một đối tác vững chắc ở châu Á -Thái Bình Dương để duy trì sự hiện diện của mình, còn phía Nhật Bản muốn dựa vào ô hạt nhân của Mỹ để chống lại các cuộc xâm lược nhằm vào Nhật Bản (lúc đó, Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ hai bị tàn phá nặng nề, bị giải giáp vũ trang và phải thực hiện theo tuyên bố Potsdam là không được phát triển quân đội, do vậy, Nhật Bản phải đối mặt với những mối nguy hiểm xung quanh và có nhu cầu đảm bảo an ninh trong bối cảnh không có quân đội). Dựa vào ô hạt nhân của Mỹ, Nhật Bản có thể yên tâm phục hồi nền kinh tế bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh. Đồng thời, Nhật Bản liên minh với Mỹ như là một cách để xây dựng lại nền kinh tế và xã hội đang tan vỡ của Nhật Bản. Liên minh Nhật - Mỹ được đánh dấu bởi việc hai nước ký kết hiệp ước an ninh. Hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ (The Security Treaty between the United States and Japan, tiếng Nhật là 日本国とアメリカ合衆国との間の安全保障条約] được ký kết ngày 8/9/1951 tại San Francisco giữa đại diện của Mỹ và Nhật Bản. Nội dung hiệp ước có 5 điều ghi nhận sự chấp nhận của Nhật Bản với việc quân Mỹ hiện diện trên lãnh thổ của mình và lực lượng quân sự ấy được sử dụng để giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế ở vùng Viễn Đông và an ninh Nhật Bản trước sự tấn công bởi lực lượng có vũ trang từ bên ngoài và trợ giúp Chính phủ Nhật Bản dẹp loạn bên trong lãnh thổ do các thế lực bên ngoài xúi giục và can thiệp (Điều 1 của hiệp ước). Hiệp ước được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 20/3/1952, sau đó được Tổng thống Mỹ thông qua vào ngày 15/4/1952 và chính thức có hiệu lực vào ngày 28/4/1952.

Năm 1960 Nhật Bản và Mỹ ký lại Hiệp ước an ninh sửa đổi giữa hai nước. Hiệp ước mới này có tên tiếng Anh là Treaty of Mutual Cooperation and Security between the United States and Japan (tiếng Nhật là 日本国とアメリカ合衆国との間の相互協力及び安全保障条約) gọi là Hiệp ước an ninh và hợp tác giữa Mỹ và Nhật Bản. Hiệp ước sửa đổi lần này được ký kết giữa Nhật Bản và Mỹ tại Washington vào ngày 19/1/1960, chính thức có hiệu lực vào ngày 23/6/1960 sau khi được các cơ quan hữu quan ở hai nước Nhật Bản và Mỹ thông qua. Hiệu lực của hiệp ước quy định tối thiểu là 10 năm. Sau 10 năm nếu một trong hai bên Nhật Bản hoặc Mỹ muốn chấm dứt hiệp ước thì khi đó hiệu lực của hiệp ước sẽ chấm dứt. Thời điểm chấm dứt hiệp ước là sau một năm kể từ khi một trong hai bên Mỹ hoặc Nhật Bản tuyên bố muốn chấm dứt hiệp ước này (Điều 10). Sau tháng 10/1969 Nhật Bản và Mỹ thỏa thuận rằng hiệp ước sẽ mặc nhiên được gia hạn sau một khoảng thời gian nhất định là 10 năm nếu như một trong hai bên không chủ động chấm dứt hiệp ước.

Trong khoảng thời gian ba thập kỷ đầu tiên sau Chiến tranh thế giới thứ hai, an ninh Nhật Bản dựa hoàn toàn vào sự bảo trợ của Mỹ thông qua hiệp ước an ninh đã ký kết giữa hai nước. Điều này cũng phù hợp với mục tiêu của Nhật Bản lúc đó là tập trung toàn lực dưới ô an ninh của Mỹ để phục hồi nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá. Do bị hạn chế bởi các điều ước quốc tế vì thua cuộc trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã chọn cho mình con đường đi phù hợp đó là dựa vào sự bảo trợ an ninh của Mỹ để phục hồi kinh tế.

Với sự thay đổi của tình hình quốc tế và  khu vực, Nhật Bản và Mỹ đã cùng nhau thảo luận và điều chỉnh lại nội dung hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong các giai đoạn tiếp theo.

2. Những chuyển biến của liên minh Nhật - Mỹ giai đoạn 2000-2021

* Liên minh Nhật - Mỹ trước thời Tổng thống Donald Trump

Trong giai đoạn này, hai bên Nhật Bản và Mỹ đồng quan điểm trên nhiều vấn đề và hợp tác với nhau, cùng nhau giải quyết những vấn đề an ninh khu vực và thế giới. Cả hai phía Nhật Bản và Mỹ cùng nhất trí điều chỉnh bổ sung một số vấn đề hợp tác song phương liên quan đến hợp tác quốc phòng, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau cũng như gia tăng vai trò của Nhật Bản trong liên minh dựa trên cơ sở luật pháp của mỗi nước để phù hợp với điều kiện hoàn cảnh mới của khu vực và thế giới.

Bước vào thế kỷ XXI, hai phía Nhật Bản và Mỹ đã có một số thỏa thuận liên quan đến việc hợp tác quân sự giữa hai nước. Trước hết là thỏa thuận liên quan đến việc tái bố trí căn cứ quân sự Mỹ trên đất Nhật Bản để giảm gánh nặng cho Chính phủ Nhật Bản cũng như người dân ở Okinawa. Theo đó, năm 2006 hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc di dời căn cứ Futenma ở Okinawa đến một địa điểm ít dân cư hơn ở phía Bắc của Okinawa, đồng thời 8.000 quân nhân Mỹ sẽ được chuyển về căn cứ Mỹ ở Guam. Nhật Bản và Mỹ cùng chia sẻ chi phí của việc di dời này (phía Nhật Bản là 60%). Thỏa thuận này đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của người dân Okinawa vì họ muốn di dời căn cứ Futenma ra khỏi Okinawa. Năm 2009, sau khi trở thành thủ tướng Nhật Bản, với quan điểm xích lại gần châu Á và hạn chế sự phụ thuộc vào Mỹ, ông Hatoyama đã chủ trương xét lại thỏa thuận năm 2006, đồng thời đánh giá lại toàn bộ sự hiện diện của quân đội Mỹ trên đất Nhật Bản theo hướng thu hẹp phạm vi so với hiện tại. Ông Hatoyama muốn chuyển căn cứ Futenma ra khỏi Okinawa nhưng phía Mỹ muốn Nhật Bản thực hiện đúng thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước năm 2006 về việc di chuyển căn cứ Futenma từ thành phố đông dân cư Ginowan sang thành phố ít dân hơn là thành phố Nago cũng thuộc Okinawa vào năm 2014. Lúc đầu hai bên đã hội đàm nhưng không đi đến được thống nhất, sau đó phía Nhật Bản đã phải chấp thuận theo thỏa thuận cũ.

Thỏa thuận tiếp theo mà hai phía Mỹ và Nhật Bản đạt được liên quan đến việc gia tăng vai trò của Nhật Bản và mở rộng phạm vi hoạt động của liên minh. Hai nước đã tiến hành xem xét lại hợp tác về an ninh giữa hai nước vào ngày 8/10/2014 trên cở sở những thay đổi về an ninh trong khu vực cũng như một số điều chỉnh chính sách đến từ cả hai phía Mỹ và Nhật Bản (Mỹ thực thi chính sách trở lại châu Á còn Nhật Bản thì giải thích lại hiến pháp cho phép Lực lượng phòng vệ của nước này có thể tham gia phòng vệ tập thể với các đồng minh khi có chiến sự nổ ra). Mỹ, Nhật Bản đã thỏa thuận để xác định lại vai trò và trách nhiệm của mỗi bên trong liên minh. Phía Mỹ muốn Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn để giảm gánh nặng cho quân đội Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Còn phía Nhật Bản cũng muốn xác định rõ vai trò của Mỹ khi có sự cố xảy ra ở Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản muốn đề cập đến những đe dọa cụ thể, đặc biệt là tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Theo dự kiến ban đầu thì Nhật Bản và Mỹ hoàn thành hiệp ước sửa đổi vào cuối năm 2014, tuy nhiên, do tình hình mỗi nước có những thay đổi trong thời gian đó (phía Nhật Bản là việc Thủ tướng Shinzo Abe giải tán Hạ viện còn phía Mỹ là việc đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội) nên hai bên đã thống nhất hoãn việc sửa đổi hiệp ước an ninh song phương sang đầu năm 2015.

Tiếp theo những dự định sửa đổi năm 2014, năm 2015 Nhật Bản và Mỹ đã có một sửa đổi lớn về hướng dẫn hợp tác quốc phòng năm 1997. Ngày 27/4/2015, Nhật Bản và Mỹ đã thông qua sửa đổi bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng năm 1997 để đáp ứng những yêu cầu mới đặt ra trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều thay đổi. Điểm nổi bật nhất trong sửa đổi lần này là việc xác định hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ không hạn chế về mặt địa lý, tức là hai bên không chỉ hợp tác, hỗ trợ nhau về quân sự ở xung quanh Nhật Bản mà mở rộng ra toàn cầu. Việc mở rộng không gian hợp tác quân sự Nhật - Mỹ kết hợp với quyền phòng vệ tập thể mà Nhật Bản có được thông qua việc giải thích lại hiến pháp của nước này đã làm gia tăng vai trò của Nhật Bản trong liên minh cũng như khả năng răn đe của liên minh Nhật - Mỹ. Việc sửa đổi bản hướng dẫn hợp tác quốc phòng lần này cũng khẳng định sự thắt chặt hơn nữa mối quan hệ Nhật - Mỹ trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều thay đổi, đặc biệt là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc cùng với những yêu sách đòi hỏi về chủ quyền của nước này cả ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Liên quan đến việc sửa đổi nội dung Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ lần này, một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản khi đó là ông Koji Kano cho rằng những gì mà Mỹ và Nhật Bản cần hướng tới trong giai đoạn này khác xa so với thời điểm năm 1997. Ông nhấn mạnh rằng điều cốt yếu là làm sao Mỹ và Nhật có thể phản ứng tốt hơn với môi trường hiện tại.

* Liên minh Nhật - Mỹ dưới thời Tổng tống Donald Trump (2017-2021)

Có thể nói đây là giai đoạn liên minh Nhật - Mỹ không được nồng ấm mặc dù trên phương diện ngoại giao chính thức giữa hai nước, quan hệ Nhật - Mỹ dường như vẫn bền chặt thể hiện qua những tuyên bố của cả hai phía Mỹ và Nhật Bản. Cụ thể, chính quyền Trump tái khẳng định việc công nhận sự quản lý của Nhật Bản đối với các đảo Senkaku/Điếu Ngư và nêu rõ Điều 5 của Hiệp ước phòng thủ chung áp dụng cho các đảo này đồng thời phản đối "bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm làm suy yếu" sự quản lý của Nhật Bản đối với các đảo. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày hai nước ký hiệp ước an ninh song phương (1/2020), cả Nhật Bản và Mỹ đều khẳng định cam kết củng cố liên minh để ứng phó với môi trường an ninh đang diễn biến phức tạp tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Phía Nhật Bản, Thủ tướng Abe Shinzo nhấn mạnh: “Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ là một trụ cột không thể lay chuyển, bảo vệ hòa bình ở châu Á, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới đồng thời bảo đảm sự thịnh vượng ở những khu vực đó”. Theo đó, ông Abe khẳng định liên minh giữa hai nước Mỹ và Nhật Bản cần phải mạnh mẽ hơn nữa. Còn phía Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định liên minh giữa hai nước rất vững chắc và rất cần thiết đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng của hai nước cũng như khu vực trong sáu thập kỷ qua. Ông Trump nhấn mạnh "tin tưởng trong những tháng năm tới sự đóng góp của Nhật Bản đối với an ninh chung sẽ tiếp tục tăng và liên minh giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển".

Tuy nhiên, đằng sau những tuyên bố có vẻ thiện chí và nồng ấm về mặt ngoại giao thì trên thực tế mối quan hệ Nhật - Mỹ thời kỳ này còn tồn tại một số vấn đề. Chẳng hạn việc ông Donald Trump đưa ra những tuyên bố chỉ trích Nhật Bản và phê phán liên minh Nhật - Mỹ là không công bằng (một phía)[2] trong chiến dịch tranh cử của mình, nhiều lần ông Trump hối thúc Tokyo tăng mức đóng góp chi phí cho lực lượng Mỹ đồn trú tại Nhật Bản. Với quan điểm “nước Mỹ trên hết”, sau khi đắc cử tổng thống, ông Donald Trump đã có những động thái khiến cho phía Nhật Bản phải thận trọng và lo ngại. Đó là việc Mỹ rút khỏi TPP hay Mỹ đơn phương tiếp cận cách giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thông qua việc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên (điều này làm cho Nhật Bản cảm thấy lo ngại vì Nhật Bản có vẻ bị gạt ra ngoài) hoặc Mỹ đã phản ứng một cách nhẹ nhàng, thậm chí đôi khi không có phản ứng gì trước việc Triều Tiên thử tên lửa tầm ngắn đe dọa đến an ninh Nhật Bản. Không những vậy, Mỹ còn giảm về số lượng cũng như quy mô các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc (những cuộc tập trận này được Nhật Bản coi như lá chắn chống lại mối đe dọa do Triều Tiên gây ra vì nó có tính răn đe Triều Tiên). Ngoài ra, với cách tiếp cận "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Mỹ đã làm cho Mỹ xa rời vai trò an ninh truyền thống của mình, mất đi vai trò là người bảo đảm cho sự ổn định khu vực. Điều này đặt ra những câu hỏi lớn cho Nhật Bản, làm cho Nhật Bản cảm thấy giữa hai nước có vẻ như không cùng quan điểm và cách tiếp cận trên một số vấn đề quốc tế và khu vực. Một số thành viên nội các Nhật Bản bày tỏ sự thất vọng về các quyết định trong chính sách đối ngoại của Mỹ cũng như hoài nghi về giá trị của liên minh Nhật - Mỹ. Chẳng hạn như việc một số thành viên nội các Nhật Bản thất vọng trước quyết định của chính quyền Trump rút khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris hoặc tỏ ra nghi ngờ và lo lắng về việc Mỹ đàm phán trực tiếp với Triều Tiên về vấn đề tên lửa và hạt nhân tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều mà không đề cập đến an ninh của Nhật Bản. Liên quan đến vấn đề này, cố vấn của Thủ tướng Nhật Bản về các vấn đề đối ngoại - nhà lập pháp Katsuyuki Kawai của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền khi đó đã phát biểu rằng: “Tôi nghĩ hội nghị thượng đỉnh vừa rồi đã lay tỉnh người dân Nhật Bản để họ nhận ra rằng phó mặc số phận của đất nước mình cho một quốc gia khác là điều nguy hiểm” và ông này đã tỏ ra hoài nghi về bản chất của liên minh Nhật - Mỹ đã có sự thay đổi khi trả lời phỏng vấn Reuters. Ông cho rằng: “Liên minh Nhật - Mỹ đã thay đổi từ một liên minh dựa trên các giá trị chung thành một liên minh dựa trên những sự trao đổi”. Từ đó dẫn đến việc Nhật Bản quyết định mở rộng quan hệ với các đối tác khác cùng chí hướng và điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình sao cho linh hoạt hơn để theo đuổi lợi ích quốc gia một cách độc lập. Thực tế cũng đã cho thấy, để tránh việc Nhật Bản phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thúc đẩy các thỏa thuận thương mại đa phương, ổn định quan hệ với Trung Quốc và tiếp cận với các đối tác khác như Nga, Ấn Độ, Australia và Liên minh châu Âu.

Có thể nói rằng với quan điểm “nước Mỹ trên hết” dẫn đến chính sách đối ngoại có chút khác biệt so với các đời tổng thống trước, chính quyền Donald Trump đã làm cho Nhật Bản có chút hoài nghi xen lẫn lo ngại. Hai bên đã có những bất đồng về vấn đề thương mại và khác biệt quan điểm về các vụ thử tên lửa của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên cũng như vấn đề đóng góp của Nhật Bản cho những chi phí của quân đội Mỹ đồn trú ở nước này. Tất cả những điều đó đã có ảnh hưởng không tốt đến quan hệ Nhật - Mỹ trong giai đoạn này. Tuy có một số bất đồng và nghi ngại nhưng về cơ bản, lợi ích của hai nước Mỹ và Nhật Bản trong liên minh trong giai đoạn này vẫn được đảm bảo. Phía Nhật Bản vẫn được hưởng lợi nhiều từ chiếc ô hạt nhân của Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh khu vực Đông Bắc Á có những mối đe dọa về an ninh đến từ chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc với những hành động khó lường, bất chấp luật pháp quốc tế.

Về phía Mỹ, liên minh với Nhật Bản vẫn mang lại lợi ích lớn cho nước này không chỉ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn mở rộng trên phạm vi toàn cầu. Với sức mạnh về kinh tế và sự trợ giúp về quân sự sau khi Nhật Bản diễn giải lại hiến pháp để thực hiện quyền phòng vệ tập thể với các đồng minh thì Nhật Bản vẫn là một điểm tựa vững chắc cho Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi mà Mỹ đang phải đối mặt với những vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh cũng như vai trò và vị thế của của mình. Từ trước đến nay, Nhật Bản vẫn như cánh tay nối dài của Mỹ ở khu vực châu Á, giúp Mỹ dễ dàng triển khai các chính sách đối ngoại cũng như có thể phản ứng nhanh với các vấn đề xảy ra trong khu vực. Chính yếu tố lợi ích đã chi phối và thúc đẩy hai nước Mỹ, Nhật Bản tiếp tục gắn bó với nhau trong giai đoạn này mặc dù có đôi chút khác biệt về quan điểm cũng như sự nghi ngại từ hai phía. Sự tiếp tục gắn bó với nhau của hai quốc gia này thể hiện ở việc cả hai nước đều lấy liên minh Nhật - Mỹ làm nền tảng khi điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình trước những biến động của khu vực. Phía Nhật Bản coi liên minh Nhật - Mỹ là nền tảng cho chính sách đối ngoại cũng như đảm bảo an ninh của mình. Trong khi đó Mỹ coi liên minh Nhật - Mỹ là liên minh quan trọng nhất trong các liên minh với các đối tác ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.

3. Tác động của liên minh Nhật-Mỹ đối với Nhật Bản

Thứ nhất, liên minh Nhật - Mỹ tạo ra sự an toàn cho Nhật Bản.

Có thể nói rằng liên minh Nhật - Mỹ từ khi hình thành đến nay luôn là căn cứ vững chắc đảm bảo an toàn cho Nhật Bản. Sự an toàn đến từ những cam kết được đưa ra từ phía Mỹ trong việc đảm bảo an ninh cho Nhật Bản. Trong những năm gần đây, tranh chấp biển đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc trở thành điểm nóng trong khu vực và trở thành mối đe dọa về an ninh đối với Nhật Bản. Bên cạnh sự đe dọa an ninh đến từ Trung Quốc thì không thể không kể đến mối đe dọa đến từ CHDCND Triều Tiên. Triều Tiên trở thành mối nguy hiểm thường trực đối với Nhật Bản kể từ lần đầu tiên nước này thử tên lửa bắn qua lãnh thổ Nhật Bản năm 1998. Từ đó đến nay Nhật Bản luôn phải cảnh giác đề phòng kho vũ khí của CHDCND Triều Tiên. Trong môi trường chứa đựng nhiều nguy hiểm rình rập, đe dọa an ninh của mình, Nhật Bản luôn có Mỹ sát cánh, đồng hành trong việc chống lại những mối nguy hiểm đe dọa an ninh. Có thể nói rằng Mỹ luôn luôn đóng vai trò bảo trợ về an ninh cho Nhật Bản kể cả trong quá khứ (thời kỳ chiến tranh lạnh) và trong bối cảnh khu vực và quốc tế mới ngày nay (Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ và Triều Tiên liên tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa).

Thứ hai, tạo ra uy thế và sự tự tin cho Nhật Bản trong quan hệ với các nước trong khu vực đặc biệt là các nước có khả năng xung đột với Nhật Bản.

Sự bảo trợ và hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ giúp Nhật Bản trở nên tự tin hơn khi đứng đằng sau mình là một nước Mỹ hùng mạnh luôn sẵn sàng thực hiện cam kết bảo vệ lãnh thổ của mình khi bị tấn công. Yếu tố Mỹ trong liên minh có vai trò củng cố sức mạnh, tăng thêm quyết tâm và sự kiên định cho Nhật Bản trong các tranh chấp mà Nhật Bản là một bên tham gia, cụ thể là trong tranh chấp với Trung Quốc ở Senkaku/Điếu Ngư hay với Nga tại quần đảo mà Nhật Bản gọi là “lãnh thổ phương Bắc”. Có thể khẳng định rằng sự hậu thuẫn của Mỹ trên cơ sở Điều 5 Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ đã làm cho Nhật Bản tự tin hơn trong các tranh chấp với nước khác.

Thứ ba, làm giảm tính độc lập tự chủ của  Nhật Bản (phụ thuộc Mỹ).

Bên cạnh những mặt tích cực mà liên minh Nhật - Mỹ mang lại cho Nhật Bản thì liên minh cũng mang lại những mặt tiêu cực đối với nước này thể hiện ở sự phụ thuộc quá nhiều của Nhật Bản vào Mỹ. Có thể nói chính sách ngoại giao của Nhật Bản chịu tác động của yếu tố Mỹ cả trong lịch sử và hiện tại. Đây được coi như một cái giá mà Nhật Bản phải trả cho sự đảm bảo an ninh từ phía Mỹ. Với quan hệ đồng minh không bình đẳng giữa Nhật Bản và Mỹ, chính sách đối ngoại và đối nội của Nhật Bản đều phải điều chỉnh theo quan điểm của Mỹ cả  trong thời kỳ chiến tranh lạnh và hiện nay. Với chính trị đối ngoại, Nhật Bản phải nhìn vào thái độ và hành động của Mỹ để điều chỉnh các quan hệ đối ngoại của mình. Thực tế cho thấy, dưới sức ép của Mỹ, đôi khi Nhật Bản buộc phải đưa ra quyết định ngược lại dự định của mình cho dù những quyết định đó ảnh hưởng đến quan hệ giữa Nhật Bản và các nước trong khu vực. Rõ ràng, việc phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ là một điều rất bất lợi đối với Nhật Bản, đặc biệt là trong quan hệ quốc tế xét trên hai khía cạnh đó là sự độc lập tự chủ và uy tín quốc tế. Về khía cạnh độc lập, tự chủ, việc giảm độc lập, tự chủ[3] làm cho Nhật Bản khó thực hiện các ý đồ chiến lược quốc gia của mình vì luôn chịu tác động của Mỹ. Về khía cạnh uy tín quốc tế thì Nhật Bản trở nên ít được tin tưởng hơn, phát biểu của Nhật Bản ít có trọng lượng hơn trong các diễn đàn quốc tế và khu vực. Điều này ảnh hưởng mạnh mẽ đến tham vọng của Nhật Bản về việc xây dựng một hình ảnh mạnh mẽ hơn, đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực và quốc tế.

Sự phụ thuộc quá mức vào Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến chính trị đối ngoại của nước này mà còn ảnh hưởng đến cả chính trị đối nội. Đó là việc gây chia rẽ trong nội bộ Nhật Bản giữa các đảng, giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, giữa thủ tướng và người dân. Như vậy, có thể khẳng định lại rằng để có được sự đảm bảo an ninh, Nhật Bản đã phải trả giá bằng việc giảm đi rất nhiều sự tự chủ của mình cả trong đối nội và đối ngoại. Điều này cũng được chính ông Hatoyama một cựu Thủ tướng Nhật Bản, người đã từng có tư tưởng xa rời Mỹ xác nhận. Ông nói: “Việc Nhật Bản luôn theo dõi lập trường của Mỹ trong chính sách ngoại giao của mình là điều gây tai họa cho đất nước và sẽ dẫn tới tình trạng mất tự chủ”[4]. Tại cuộc hội đàm với chủ tịch Duma quốc gia Nga tại Tokyo, ông Hatoyama cho biết tình trạng tương tự đã từng có khi ông làm Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản. Từ chính phủ đến Bộ Ngoại giao của nước này luôn phải chú ý đến lập trường của Mỹ. Ông Hatoyama mặc dù muốn rời xa sự ảnh hưởng của Mỹ song vẫn chưa đủ sức cưỡng lại sức ép từ phía Mỹ nên đã phải hy sinh sự nghiệp chính trị của mình cho lợi ích đất nước. Bằng việc chấp nhận mất uy tín với cử tri và sự rạn vỡ liên minh cầm quyền, ông đã giữ lại được cái ô hạt nhân cho Nhật Bản. Có lẽ đây là sự lựa chọn tốt nhất cho Nhật Bản trong bối cảnh khu vực có nhiều thay đổi, đặc biệt là để đối phó với các hành động khó lường của Trung Quốc và chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.

Thứ tư, gây ra một số vấn đề xã hội cho Nhật Bản.

Bên cạnh những tác động tiêu cực về đối nội và đối ngoại thì liên minh Nhật - Mỹ còn gây ra các vấn đề xã hội cho Nhật Bản. Đó là việc lính Mỹ gây ra các vụ hãm hiếp phụ nữ Nhật Bản, thậm chí là cả học sinh. Sự việc này xảy ra ở nhiều nơi trên lãnh thổ Nhật Bản là những nơi có căn cứ quân sự Mỹ và được tái diễn nhiều lần. Đây không chỉ là vấn đề về xâm hại tình dục đơn thuần mà nó còn gây ra các vấn đề xã hội, đó là sự bức xúc của người dân đối với chính quyền địa phương cũng như chính quyền trung ương của Nhật Bản, đồng thời cũng gây ra sự mâu thuẫn và chia rẽ giữa trung ương và địa phương. Từ sự bức xúc này dẫn đến các phong trào biểu tình của người dân Nhật Bản tại các nơi có căn cứ quân sự Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản đặc biệt là ở Okinawa (là nơi có nhiều vụ cưỡng bức phụ nữ xảy ra từ trước đến nay) để phản đối sự hiện diện quân đội Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản và phản đối những quyết định của chính quyền trung ương và chính quyền địa phương liên quan đến việc bố trí sắp xếp lại quân Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản.

Như vậy, các căn cứ quân sự Mỹ đóng trên lãnh thổ Nhật Bản bên cạnh những mặt tích cực như đảm bảo an ninh cho Nhật Bản cũng như mang lại cho Nhật Bản sự tự tin hơn trong các tranh chấp lãnh thổ với các nước khác trong khu vực thì cũng gây ra các vấn đề bức xúc đối với cư dân địa phương sống xung quanh căn cứ đó. Các sự việc phát sinh từ các căn cứ Mỹ đã, đang và sẽ đặt ra các vấn đề mang tính xã hội cho Chính phủ Nhật Bản. Những vấn đề này đòi hỏi chính phủ trung ương Nhật Bản phải có sự xem xét và cân nhắc để kết hợp hài hòa giữa lợi ích  quốc gia và lợi ích của người dân nhằm giảm thiểu các bức xúc trong xã hội. Muốn giải quyết vấn đề này Chính phủ Nhật Bản cần đàm phán với Chính phủ Mỹ để tìm ra biện pháp thích hợp vừa có thể duy trì được liên minh Nhật - Mỹ, vừa làm tổn hại ít nhất đối với người dân Nhật Bản nói chung và cư dân Nhật Bản sống xung quanh các căn cứ quân sự Mỹ nói riêng.

Liên minh Nhật - Mỹ từ khi hình thành đến nay đã tác động đến cả hai phía. Nhật Bản với tư cách là một bên tham gia chịu tác động của liên minh này trên cả hai phương diện tích cực và tiêu cực. Trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI, liên minh này đã có những chuyển biến do tác động của môi trường an ninh trong khu vực cũng như tình hình nội bộ mỗi nước. Sự chuyển biến này là nhằm thích ứng với những yêu cầu đòi hỏi của bối cảnh mới trong khu vực và quốc tế. Trong thời kỳ Donald Trump cầm quyền, mặc dù có một số bất đồng nhưng lợi ích và mục đích của cả hai nước khi tham gia liên minh vẫn đạt được nên Mỹ, Nhật Bản tiếp tục gắn bó với nhau và quan hệ trở nên nồng ấm hơn vào thời kỳ đầu của chính quyền Joe Biden, khi những khúc mắc trong thời kỳ Donald Trump được tháo gỡ, cụ thể là vấn đề thương mại, quan điểm về hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên cũng như việc đóng góp của Nhật Bản trong liên minh. Liên minh Nhật - Mỹ dường như trở lại quỹ đạo quen thuộc trước kia. Hai bên đã tìm được tiếng nói chung, cùng quan điểm, cùng chí hướng, hợp tác cùng nhau giải quyết các vấn đề của khu vực và quốc tế.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Ngô Xuân Bình (2000), Chính sách đối ngoại của Nhật Bản thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Trần Anh Phương (2007), Chính trị khu vực Đông Bắc Á từ sau Chiến tranh Lạnh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

3. Ngô Di Lân, “Chính sách liên minh của Mỹ: Quá khứ, hiện tại và tương lai”,  http://nghiencuuquocte.org/2019/02/19/chinh-sach-lien-minh-cua-my/.

4. Takeo Matsuda (1996), The Japan - US Security Treaty and Japanese Laws, The International Law Association of Japan.

5. Tanaka Hitoshi (1997), The Japan - US Security Arrangements in a new era, Toppan Printing Co. Ltd.

6. Georger Packard (2010), The United States- Japan Security Treaty 50, The Council on Foreign Relations.

7. Treaty of Mutual Cooperation and Security between the United States of America and Japan (January 19, 1960), http://afe.easia.columbia. edu/ps/japan/mutual_cooperation_treaty.pdf.

8. BruceStoke, “How strong is The U.S.-Japan Relationship”, https://foreignpolicy.com/ 2015/04/14/united-states-japan-relationship-poll-washington-tokyo/

9. Michael Fuchs, “5 Priorities for the U.S.-Japan Alliance in 2021”, https://www.americanp rogress.org/article/5-priorities-u-s-japan-alliance -2021/.

 

 



[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Ông Trump cho rằng nếu Nhật Bản bị tấn công thì Mỹ ngay lập tức phải giúp đỡ nhưng nếu Mỹ bị tấn công thì Nhật Bản không cần phải giúp Mỹ nên Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ là một hiệp ước không công bằng và ông muốn sửa đổi hiệp ước này.

[3] Đôi khi mất đi sự độc lập, tự chủ.

[4] Hồng Chi, “Dõi theo lập trường Mỹ, Nhật Bản sẽ mất tự chủ về ngoại giao”, http://www.anninhthudo.vn/su-kien/doi-theo-lap-truong-my-nhat-ban-se-mat-tu-chu-ve-ngoai-giao/575592.antd.

 

0thảo luận