Trang chủ

Quá trình hợp tác giáo dục và đào tạo Hàn Quốc - Việt Nam (2001-2017)

Đăng ngày: 20-03-2023, 11:15 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 12

Hoàng Văn Hiển1, Trần Thị Hợi2

 

Tóm tắt: Sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao kể từ năm 1992, quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam không ngừng được duy trì, củng cố và phát triển, đi từ đối tác toàn diện (2001) đến đối tác chiến lược (2009) và thể hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở khái quát tiến trình hợp tác giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2001-2017* giữa Hàn Quốc và Việt Nam, bài viết tập trung phân tích, luận giải các nhân tố tác động đến sự hợp tác, các khía cạnh hợp tác chủ yếu với những thành tựu và vấn đề đặt ra, đồng thời đề cập các giải pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

 

Từ khóa: Hàn Quốc, hợp tác giáo dục và đào tạo, Việt Nam


1. Các nhân tố tác động đến quan hệ hợp tác giáo dục và đào tạo Hàn Quốc - Việt Nam (2001-2017)[1][2]

1.1. Bối cảnh quốc tế và khu vực

Với sự kết thúc Chiến tranh Lạnh và trật tự hai cực do Liên Xô, Mỹ đứng đầu (1991) cùng tác động của các nhân tố khác, một trật tự thế giới mới đang từng bước hình thành, trong đó, “các nước đang và sẽ chuyển từ đối đầu sang đối thoại, hòa hoãn, bình thường hóa, đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế phù hợp với xu thế hòa dịu trên quy mô thế giới”[3] nhằm “nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, đảm bảo lợi ích quốc gia - dân tộc”[4]. Điều này tác động thuận lợi đến các mối quan hệ hợp tác, trong đó có giáo dục và đào tạo.

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại phát triển mạnh mẽ, cùng với giáo dục và các nhân tố khác (kết cấu hạ tầng, hệ thống quản lý, nền kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền...) hình thành nền kinh tế tri thức đã tác động đến mọi quốc gia, lãnh thổ trên nhiều phương diện. Kinh tế tri thức đòi hỏi giáo dục phải nhằm mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững con người trong thời đại thông tin, muốn vậy cần phải tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này. Vấn đề hội nhập về giáo dục trở thành một xu thế khách quan, thiết yếu, sống còn trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Mặt khác, “chất lượng nguồn nhân lực và khoa học công nghệ quyết định sự phồn thịnh của quốc gia và sự thành công trong cạnh tranh”[5].

Đối với Đông Á, từ khá sớm, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) luôn chú trọng tăng cường hoạt động hợp tác giáo dục và đào tạo trong, ngoài hiệp hội. Sau Chiến tranh Lạnh, khi ASEAN cố gắng xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC), nhu cầu đẩy mạnh hoạt động hợp tác giáo dục và đào tạo càng trở nên bức thiết, trong đó Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và hai bên đã tiến hành ký kết các hiệp định. Mặt khác, Việt Nam, Hàn Quốc đều nỗ lực tham gia các diễn đàn đối thoại, thể chế đa phương liên quan đến giáo dục và đào tạo như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO); Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)… Các hoạt động này đã góp phần thuận lợi cho hợp tác giữa hai nước.

1.2.  Nhu cầu hợp tác với Việt Nam của Hàn Quốc trong công cuộc cải cách

Giai đoạn thiết lập quan hệ chính thức với Việt Nam (1992) là thời điểm đặc biệt trong sự phát triển của Hàn Quốc. Đó là mốc kết thúc công nghiệp hóa đất nước để chuyển sang giai đoạn xây dựng một “Hàn Quốc mới” bằng chiến lược toàn cầu hóa (Segyehwa), đưa Hàn Quốc gia nhập vào hàng ngũ các nước phát triển. Về đối ngoại, “Hàn Quốc đã đề ra chính sách ngoại giao mới, mềm dẻo và linh hoạt hơn...”[6], đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Công cuộc cải cách “là trọng tâm trong chính sách quốc gia của Hàn Quốc”[7], thể hiện trên nhiều lĩnh vực.

Riêng về giáo dục và đào tạo, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Hàn Quốc đã xếp thứ hạng cao với thành tựu đầy ấn tượng, để rồi “trên bảng xếp hạng top 20 nền giáo dục tốt nhất thế giới năm 2017 của NJMED, Hàn Quốc đứng thứ nhất năm thứ tư liên tiếp, trên cả Nhật Bản...”[8]. Sự bứt phá về khoa học và công nghệ dẫn đến sự tăng tốc thần kỳ của Hàn Quốc khiến các cường quốc ngỡ ngàng, thán phục. Các tập đoàn Samsung, LG, Hyundai, SK... đứng hàng đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực[9]...

Trong bối cảnh đó, việc tăng cường hợp tác với Việt Nam sẽ giúp cho Hàn Quốc đẩy mạnh công cuộc cải cách và phát triển đất nước vì đây là “một thị trường của đất nước trên 70 triệu dân (đầu thập niên 1990) và diện tích lãnh thổ gấp 1,5 lần diện tích lãnh thổ của Hàn Quốc (kể cả phần phía Bắc) với tài nguyên phong phú”[10], lao động giá tương đối rẻ, lại cần cù, chịu khó; có nhu cầu về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực và kinh nghiệm quản lý...; sẽ tạo khả năng đẩy mạnh hợp tác song phương lên tầm cao mới. Tình hình chính trị, an ninh ổn định và chính sách thu hút đầu tư ngày càng cởi mở thông thoáng của Việt Nam là yếu tố đảm bảo cho các nhà đầu tư Hàn Quốc yên tâm bỏ vốn đầu tư tại Việt Nam. Mặt khác, tính đến tháng 5/2016, cộng đồng người Việt Nam ở Hàn Quốc chiếm 7,1% tổng số người nước ngoài cư trú tại quốc gia này. Người Hàn Quốc “đã sớm nhận thấy Việt Nam là một đối tác quan trọng, có nhiều tiềm năng để bổ sung cho sự phát triển của đất nước mình”[11].

1.3. Nhu cầu hợp tác với Hàn Quốc của Việt Nam trong công cuộc đổi mới, hội nhập

Sau hơn 30 năm tiến hành đổi mới kể từ năm 1986, kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững, chính trị - xã hội ổn định, phát triển và đã từng bước phá thế bị bao vây, cấm vận, cô lập để có những bước đột phá trong quan hệ quốc tế. Tính đến ngày 31/12/2017, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 160 nước và lãnh thổ ở các châu lục. Ngoài ra, Việt Nam còn đẩy mạnh quan hệ đa phương với nhiều tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng như UN, Phong trào Không liên kết, Ngân hàng Thế giới (WB); thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) (01/2007); chính thức ký kết Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU tháng 6/2012...

Với tư duy đối ngoại mới nhạy bén và bản lĩnh, Việt Nam sớm nhận thấy Hàn Quốc - một nước có nhiều điểm tương đồng, “là một đối tác quan trọng, có nhiều tiềm năng để Việt Nam thiết lập và mở rộng quan hệ ra nhiều lĩnh vực”[12], “sẽ mang lại nhiều điểm lợi cho Việt Nam, tạo điều kiện để Việt Nam thu hút vốn đầu tư, tiếp cận công nghệ tiên tiến, cách thức quản lý khoa học và kinh nghiệm của Hàn Quốc...” và với thành tựu cùng kinh nghiệm trong phát triển, Hàn Quốc “là một mô hình tham khảo cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam”[13]. Mặt khác, Việt Nam là nơi được nhiều người Hàn Quốc lựa chọn sinh sống, làm việc (khoảng 150.000 người cuối năm 2016[14]) và dự báo tiếp tục gia tăng.

2. Thực trạng hợp tác giáo dục và đào tạo Hàn Quốc - Việt Nam (2001-2017)

Tháng 3/2000, Hàn Quốc đã ký với Việt Nam Hiệp định Hợp tác giáo dục và đến tháng 5/2005, ký Hiệp định Hợp tác giáo dục và đào tạo (5/2005). Đây là “cơ sở pháp lý nhằm tăng cường hơn nữa về hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước”[15].

2.1. Đẩy mạnh đầu tư và tăng cường, nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật cho Việt Nam

Trong những năm gần đây, giáo dục được coi là một trong các ưu tiên trong chiến lược đối tác phát triển của Hàn Quốc với Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 10/2017, đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam về giáo dục và đào tạo đạt gần 66 triệu USD với 62 dự án, chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này của Việt Nam[16]. Từ năm 1994-2004, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Hàn Quốc đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam trên 50 triệu USD.

Trong những năm qua, Hàn Quốc đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng 40 trường tiểu học tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; nâng cấp Trường Trung học Công nghiệp Hà Nội, xây dựng Trường Kỹ thuật công nghiệp Việt - Hàn và Trường Kỹ thuật cơ điện Quy Nhơn. Hàn Quốc cũng hỗ trợ xây dựng mạng lưới máy tính tại Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Hợp tác Công nghệ Việt - Hàn, Phòng thí nghiệm an toàn điện… Chính phủ và nhiều trường đại học, tổ chức Hàn Quốc tài trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng giáo dục Việt Nam như dự án xây dựng trường tiểu học, dạy nghề ở miền Trung. Các quỹ học bổng như Korea Foundation, Samsung... cung cấp nhiều học bổng hỗ trợ học sinh vượt khó, đào tạo nâng cao trình độ ngôn ngữ và chuyên môn tại Hàn Quốc[17].

Qua hợp tác, Hàn Quốc chuyển giao công nghệ và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào giáo dục. Hội Hữu nghị Văn hóa Thanh thiếu niên Hàn - Việt (KOVEX) đã hỗ trợ giúp đào tạo nghề chủ yếu là con lai Hàn Quốc. Quỹ Phúc lợi Jung Hae Hàn Quốc và Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề Thủ Đức có chương trình hợp tác xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ đào tạo nghề cho con lai Hàn Quốc, trẻ em nghèo Việt Nam...

2.2. Thiết lập các quỹ học bổng, trao đổi học giả

Về học bổng, Quỹ Học bổng và Văn hóa Việt Nam của Viện Phát triển Giáo dục Quốc tế Hàn Quốc đóng góp quan trọng vào việc duy trì và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia. Từ năm 1994, Quỹ Giao lưu Hàn Quốc (KF) hàng năm đều có chương trình cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam đi nghiên cứu và học tiếng Hàn Quốc. Năm 1997-1998, chương trình này bị gián đoạn nhưng nhanh chóng khôi phục vào năm 1999-2000.

Không chỉ có chính phủ, các tổ chức hữu nghị giúp đỡ giáo dục Việt Nam, trong việc trao đổi học bổng, còn có các tập đoàn lớn như các công ty điện tử Samsung, xây dựng Booyoung. Nhiều giáo sư Hàn Quốc đã dành những suất học bổng riêng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nên số sinh viên đến du học Hàn Quốc ngày một tăng, bên cạnh sinh viên du học tự túc.

Về phía Chính phủ Việt Nam, năm 2002 là năm đầu tiên đào tạo cho 3 sinh viên Hàn Quốc tại Hà Nội và 20 sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ Busan tại Thành phố Hồ Chí Minh bằng học bổng nhà nước. Đầu năm 2002, một số trường đại học hai nước đã thực hiện “Quy chế công nhận điểm lẫn nhau” (Double Degree) điển hình là Trường Đại học Ngoại ngữ Busan với Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong trao đổi chuyên gia, chuyên viên, sinh viên, KOICA đóng vai trò quan trọng. Từ năm 1994 đến 2004, KOICA đã cử 157 tình nguyện viên sang Việt Nam dạy tiếng Hàn, dạy Taekwondo và y tế... Từ 1991-2007, KOICA mời tổng số 2.100 người Việt Nam sang Hàn Quốc, chia sẻ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc, đào tạo nguồn nhân lực giỏi cho Việt Nam. Hằng năm, KOICA còn cử 6 đến 10 chuyên gia tình nguyện sang công tác Việt Nam, đáng lưu ý là các chuyên gia dạy tiếng Hàn hay ngành Hàn Quốc học[18]. Ngoài ra, chương trình trao đổi học giả còn được thực hiện bởi Quỹ Nghiên cứu nâng cao Hàn Quốc (KFAS) dưới sự tài trợ của SK và một số nhà tài trợ khác, mỗi năm dành cho Việt Nam 4 suất.

2.3. Tăng cường giao lưu hợp tác giữa các trường đại học

Từ năm 1990-1991, Đại học Ngoại Ngữ Hàn Quốc đã kết nghĩa với hai trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Từ 2001-2017, nhiều trường đại học Việt Nam tiếp tục xúc tiến việc kết nghĩa và tăng cường giao lưu, hợp tác với các trường đại học Hàn Quốc như: Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế với Đại học Inha từ năm 2008; Trường Đại học Lạc Hồng với Đại học Gachon từ năm 2013; Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu và Đại học Quốc gia Hankyong từ năm 2015; Trường Đại học Nguyễn Trãi với Đại học Deajin, Đại học KyungIL, Đại học Kyungdong, Đại học Sunmoon… từ năm 2017.

2.4. Đẩy mạnh phát triển ngành Việt Nam học và Hàn Quốc học

Sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam nên nhu cầu phiên dịch viên tiếng Việt ngày càng gia tăng. Tại Hàn Quốc, hàng loạt cơ sở giáo dục như Đại học Ngoại ngữ Busan, Đại học Công nghiệp Chung Nam, Đại học chuyên ngữ Sung Sim, Đại học Liên hiệp châu Á… thành lập khoa đào tạo tiếng Việt, hằng năm tuyển sinh từ 40-80 sinh viên[19]. Một số trường, viện, trung tâm cũng có bộ phận nghiên cứu, giảng dạy về Việt Nam như Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc, Đại học Quốc gia Seoul, Viện Nghiên cứu Chính sách Kinh tế Đối ngoại Hàn Quốc (KIEP)...

Sau sự ra đời hai chuyên ngành Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Hàn Quốc học thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội; Trung tâm Văn hóa và Đào tạo tiếng Hàn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong thập niên 1990, một số trường cũng tiếp tục thành lập các trung tâm, Khoa  về Hàn Quốc như Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc của hai trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội (2006) và Thành phố Hồ Chí Minh (2008)[20], khoa Hàn Quốc (nâng cấp từ bộ môn Hàn Quốc học vào năm 2015) của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, có thể kể đến ngành Hàn Quốc học, Trường Đại học Lạc Hồng (2003); Chuyên ngành Hàn Quốc học Trường Đại học Đà Lạt (2005); khoa Hàn Quốc học, Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (2006); ngành Hàn Quốc học, Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn (2007); khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ Huế (2009)[21]

Từ năm 2008, các Trung tâm Hàn ngữ Sejong liên tiếp được thành lập tại hai trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Đà Lạt, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội. Đây là những cơ sở dạy tiếng Hàn ở Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc gia Hàn Quốc và do Đại học Chosun đảm nhận. Những địa chỉ này sẵn sàng đón nhận những người yêu mến tiếng Hàn mà chưa có cơ hội học tập ở các trường đại học có bộ môn tiếng Hàn[22].

Việc phát triển ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam có sự hỗ trợ lớn từ phía bạn, trong đó KOICA, KF đóng vai trò quan trọng. Ngoài ra, các tập đoàn như Samsung, Kum Ho, LG, Ngân hàng Han II… cũng tham gia tài trợ cho việc phát triển Hàn Quốc học tại Việt Nam.

2.5. Hợp tác khoa học và công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu

Hợp tác khoa học và công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu Hàn - Việt cũng có bước phát triển nhanh kể từ khi Hiệp định Hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai chính phủ được ký kết (1995). Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Vật lý - Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam là những cơ sở hợp tác về khoa học và công nghệ khá sớm với các trường đại học, viện nghiên cứu Hàn Quốc.

Để xúc tiến các hoạt động khoa học và công nghệ, các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu đã ra đời, tiêu biểu là Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc thành lập năm 1998, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (từ tháng 1/2004). Trung tâm đóng góp quan trọng cho sự phát triển ngành Hàn Quốc học, tăng cường sự hiểu biết về Hàn Quốc, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Ngoài ra, những đóng góp của trung tâm về phương diện đào tạo, tư vấn chính sách cũng rất đáng kể.

Các cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm  khoa học thường xuyên tổ chức ở nhiều cơ sở hai nước, tiêu biểu là Hội thảo khoa học sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (ACVYS) do Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK) tổ chức định kỳ (đến 2017 đã tổ chức 4 lần); các hội thảo, hội nghị, tọa đàm  tổ chức tại hai trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội vào các năm 2008 (phối hợp với Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á), 2012 và Thành phố Hồ Chí Minh (2001, 2017), Viện Vật lý Việt Nam (2009), Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (2014); Trường Đại học Hà Nội (2017)... Ngoài ra, còn phải kể đến hội thảo khoa học thường niên do Hiệp hội Nghiên cứu Hàn Quốc khu vực Đông Nam Á (KoSASA) phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội và một số đối tác Hàn Quốc, Đông Nam Á tổ chức (đến 2016 đã tổ chức 7 lần), thu hút nhiều đối tượng tham gia...

3. Thành tựu, vấn đề đặt ra và giải pháp nâng cao quan hệ hợp tác

3.1. Thành tựu

Về phía Hàn Quốc, việc hợp tác giúp Hàn Quốc có một đội ngũ chuyên gia, chuyên viên am hiểu về nhiều mặt từ lịch sử, văn hóa đến kinh tế, xã hội, luật pháp, thể chế... là nguồn lực quan trọng, cần thiết trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước. Ngoài ra, hợp tác tạo điều kiện để Hàn Quốc khẳng định vị thế, vai trò của một nước tiên tiến về giáo dục thông qua việc giúp đỡ nhiều mặt cho Việt Nam trong lĩnh vực này, qua đó góp phần lan tỏa, quảng bá “thương hiệu” Hàn Quốc - đối tác tin cậy đến các nước Đông Nam Á.

Về phía Việt Nam, việc hợp tác góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở một số trường học, trung tâm, viện nghiên cứu của Việt Nam thông qua việc tăng cường, nâng cấp các cơ sở vật chất - kỹ thuật; các quỹ học bổng mang tính hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực từ chuyên gia, chuyên viên đến lao động tay nghề cao... Mặt khác, thông qua các việc trao đổi tài liệu thông tin, trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy, tổ chức tọa đàm, hội nghị, hội thảo,  hợp tác Hàn - Việt giúp Việt Nam hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo, tham khảo, vận dụng kinh nghiệm phát triển bởi Hàn Quốc hiện là nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới. Hợp tác tạo cơ hội để Việt Nam nâng cao hoạt động khoa học và công nghệ, đẩy mạnh R&D, phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

3.2. Vấn đề đặt ra

Mặc dù đã có nhiều chính sách tích cực dành cho Việt Nam, song Hàn Quốc vẫn chưa phải là “điểm đến” lý tưởng cho học sinh, sinh viên Việt Nam, nhất là du học tự túc. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, do đa phần người Việt Nam thu nhập còn thấp nên việc cho con em đi học ở nước ngoài là một điều khó khăn vì áp lực lớn từ học phí, tiền ký túc xá, nhà trọ. Đặc biệt, để theo học ở Hàn Quốc, cho đến nay, lưu học sinh khi làm thủ tục xuất nhập cảnh “phải xuất trình bản sao giấy chứng nhận tài khoản 10.000 đô la gửi ngân hàng, nhưng đấy là gánh nặng đối với học sinh Việt Nam”[23]. Hai là, vấn đề mở rộng quỹ học bổng của nhà nước cũng còn khá hạn chế. Ba là, ở Hàn Quốc, do trường đại học tư nhân chiếm số lượng áp đảo so với công lập và để vận hành hoạt động, nhà trường phải dùng tiền học phí của sinh viên làm nguồn chính, vì vậy việc cấp học bổng cho sinh viên nước ngoài chưa được nhiều. Bốn là, tìm được việc làm thêm của lưu học sinh ở Hàn Quốc rất khó khăn, nếu có phải vừa học vừa làm vô cùng vất vả. Sinh viên còn phải đối diện với số lượng bài tập nhiều và vì bất cứ lý do gì cũng không nên nghỉ quá hai buổi...

Một thách thức phải giải quyết là sự bất đồng ngôn ngữ - trở ngại không nhỏ trong các cuộc tiếp xúc, làm việc, dạy học hay tổ chức hội nghị, hội thảo giữa hai bên cho dù có thông dịch viên. Chính vì vậy, việc bồi dưỡng cho các chuyên gia và cả lưu học sinh hai nước tiếng Anh, tiếng Hàn (phía Việt Nam) cùng tiếng Anh, tiếng Việt (phía Hàn Quốc) là vấn đề thực sự cấp thiết.

3.3. Một số giải pháp nâng cao quan hệ hợp tác

- Về phía Hàn Quốc, cần có những chính sách cụ thể như: tiếp tục hỗ trợ đào tạo tiếng Hàn và nghiên cứu Hàn Quốc tại các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu ở Việt Nam. Thúc đẩy hợp tác biên soạn, số hóa sách giáo khoa, xây dựng tài liệu điện tử và hỗ trợ hiệu quả giáo viên tiếng Hàn hệ 10 năm tại Việt Nam, qua đó giúp cho rào cản ngôn ngữ giảm bớt, góp phần tăng số lượng du học sinh Việt Nam trong các chuyên ngành[24]. Tăng cường tổ chức hội nghị, hội thảo tại Hàn Quốc về các chủ đề liên quan đến sự phát triển hợp tác Hàn - Việt. Có cơ chế ưu đãi hơn với lưu học sinh Việt Nam như tăng số lượng học bổng chính phủ; tham gia các buổi đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; tăng tiền học bổng, giảm kinh phí du học tự túc, được làm thêm ngoài giờ học để trang trải thêm kinh phí học tập.

- Về phía Việt Nam, cần đàm phán ký kết hiệp định tương đương văn bằng giáo dục hai nước. Thúc đẩy mối quan hệ, sự ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, cá nhân người Hàn dành cho ngành, các cơ sở giáo dục và đào tạo của Việt Nam, bên cạnh việc tiếp tục mở rộng quan hệ với Chính phủ Hàn Quốc. Triển khai mạnh mẽ việc thực hiện dự án cử công dân đi đào tạo tại Hàn Quốc theo đề án đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ bằng ngân sách nhà nước; phê duyệt thực hiện giữa các cơ sở đào tạo đại học hai nước về việc đào tạo cán bộ, sinh viên Việt Nam với kinh phí Việt Nam cấp; cho phép các cơ sở giáo dục Hàn Quốc có đủ điều kiện mở văn phòng đại diện, cơ sở liên kết đào tạo.

Cần hướng các hợp tác song phương đi vào chiều rộng lẫn chiều sâu, tránh hỗ trợ một chiều từ phía bạn. Chú trọng đưa lưu học sinh theo học các ngành thế mạnh của Hàn Quốc, rất cần cho sự phát triển của Việt Nam và tăng số trường đào tạo lưu học sinh Việt Nam.

Tăng cường việc học tiếng Hàn và tiếng Anh để thuận tiện hơn trong hợp tác giữa hai nước. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị hữu trách cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi cho các lưu học sinh, các chuyên gia, chuyên viên Hàn Quốc sang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam. Tăng cường trao đổi thông tin giáo dục qua nhiều kênh hợp tác. Thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm phát triển giáo dục của Hàn Quốc về thống kê, quản lý thông tin, dự báo nguồn nhân lực... Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cần tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý, quản lý số lưu học sinh tại Hàn Quốc.

- Về giáo dục nghề nghiệp, hai bên cần tăng cường hợp tác thiết thực, hiệu quả ở các cấp độ, với nhiều hoạt động, tiến tới công nhận lẫn nhau ở một số môn, một số nghề…

 

Sau hơn 15 năm (2001-2017), hợp tác giáo dục và đào tạo Hàn Quốc - Việt Nam có những bước phát triển nhanh chóng về chiều rộng lẫn chiều sâu. Tuy còn những hạn chế mà hai bên cần sớm có giải pháp khắc phục, song những thành quả đạt được đã góp phần quan trọng vào sự phát triển quan hệ hai nước, sự xích lại gần nhau hơn giữa hai dân tộc. Có được điều này là do Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm gần gũi, tương đồng lại cùng chia sẻ nhu cầu hợp tác giáo dục và đào tạo hiện tại và cả tương lai, đồng thời do tác động tích cực của các nhân tố khách quan, chủ quan sau Chiến tranh Lạnh mà cả hai nước đã biết tận dụng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lý Xuân Chung (2013), “Những chính sách của Hàn Quốc làm gia tăng quyền lực mềm”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 10 (152).

2. Nguyễn Văn Dương (2009), “Quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục từ năm 1992 đến nay”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 12.

3. Hà Hồng Hải (2003), “Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Một thập niên phát triển đầy ý nghĩa”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 1 (50).

4. Nguyễn Cảnh Huệ (2016), “Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc từ 1992 đến nay thành tựu và vấn đề đặt ra”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5.

5. Lâm Quỳnh Anh (2020), “Những thành tựu trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam”, https://vietnamhoinhap.vn/article/ nhung-thanh-tuu-trong-tien-trinh-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-cua-viet-nam---n-27339.

6. Lê Đình Chỉnh (2015), “Quyền lực mềm của văn hóa Hàn Quốc - Hallyu ở Việt Nam và những ảnh hưởng của nó”, http://dong phuonghoc.org/article/245/quyen-luc-mem-cua-van-hoa-han-quoc-hanllyu-o-viet-nam-va-anh-huong-cua-no.html.

7. Đặng Hoàng Linh - Vũ Thị Kim Oanh (2021), “Đẩy mạnh kết nối, hợp tác giáo dục và đào tạo Việt Nam - Hàn Quốc”, https://www. quanlynhanuoc.vn/2021/04/20/day-manh-ket-noi-hop-tac-giao-duc-va-dao-tao-viet-nam-han-quoc/.

8. Higher Education in Vietnam and Asia: Similarities and Possibilities of Cooperation (2020), The University of Danang - University of Science and Education - Social Science Publishing House, Hanoi.

9. Young Sun Lee (1991), Vietnam - Korea Economic Cooperation, Yonsei University Press, R.O.K.

 

 


[1] PGS.TS., Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

[2] Th.S., Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế

* Nhóm tác giả chọn năm 2001 làm năm mở đầu giai đoạn nghiên cứu vì đây là năm Hàn Quốc và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên “Đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI” và chọn năm 2017 làm năm kết thúc giai đoạn nghiên cứu vì đây là năm kỷ niệm 25 năm thành lập quan hệ ngoại giao Hàn Quốc – Việt Nam (1992-2017).

[3] Hoàng Văn Hiển (Chủ biên), Nguyễn Viết Thảo (2006), Lịch sử quan hệ quốc tế 1945-1995, Nxb Đà Nẵng, tr. 175.

[4] Nguyễn Văn Lan (Chủ biên, 2019), Việt Nam - Hàn Quốc 25 năm hợp tác, phát triển (1992 - 2017) và triển vọng đến năm 2022, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 15.

[5] Phạm Bình Minh (2020), “Hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước và những yêu cầu mới đặt ra đối với công tác giáo dục đại học”, https://baoquocte.vn/hoi-nhap-quoc-te-sau-rong-cua-dat-nuoc-va-nhung-yeu-cau-moi-dat-ra-doi-voi-cong-tac-giao-duc-dai-hoc-125244.html.

[6] Hà Hồng Hải (2003), “Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Một thập niên phát triển đầy ý nghĩa”, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Số 1 (50), tr. 5.

[7] Nguyễn Văn Lan (Chủ biên, 2019), Việt Nam - Hàn Quốc 25 năm hợp tác, phát triển (1992-2017) và triển vọng đến năm 2022, Sđd, Hà Nội, tr. 40.

[8] Higher Education in Vietnam and Asia: Similarities and Possibilities of Cooperation (2020), The University of Danang - University of Science and Education – Social Science Publishing House, Hanoi, pp. 221.

[9] Duy Anh (2021), “Kỳ tích sông Hàn: Khởi điểm khó tin của những chaebol 30 năm trước”, https://vietnamnet. Vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/han-quoc-su-than-ky-cua-nen-cong-nghe-709407.html.

[10] Young Sun Lee (1991), Vietnam – Korea Economic Cooperation, Yonsei University Press, R.O.K, p. 235.

[11] Đại học Quốc gia Hà Nội (2004), Đông Á - Đông Nam Á: Những vấn đề lịch sử và hiện tại, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 290.

[12] Hà Hồng Hải (2003), “Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Một thập niên phát triển đầy ý nghĩa”, Tlđd, tr.6.

[13] Nguyễn Văn Lan (Chủ biên, 2019), Việt Nam - Hàn Quốc 25 năm hợp tác, phát triển (1992-2017) và triển vọng đến năm 2022, Sđd, Hà Nội, tr. 46.

[14] Quyền Lưu (2016), “Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 4,6 tỷ USD”, http://testcong.moit.gov.vn/web/ guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/%C4%91au-tu-cua-han-quoc-vao-viet-nam-%C4%91at-4-6-ty-usd-108587-22.html.

[15] Nguyễn Văn Dương (2009), “Quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục từ năm 1992 đến nay”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 12 (106), tr. 45.

[16] “Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục đào tạo tại Việt Nam” (2017), https://bnews.vn/han-quoc-day-manh-dau-tu-vao-giao-duc-dao-tao-tai-viet-nam/67386.html.

[17] Nguyễn Cảnh Huệ (2016), “Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc từ 1992 đến nay thành tựu và vấn đề đặt ra”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 5, tr. 76.

[18] Đặng Hoàng Linh - Vũ Thị Kim Oanh (2021), “Đẩy mạnh kết nối, hợp tác giáo dục và đào tạo Việt Nam - Hàn Quốc”, https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/04/20/day-manh-ket-noi-hop-tac-giao-duc-va-dao-tao-viet-nam-han-quoc/.

[19] Đặng Hoàng Linh - Vũ Thị Kim Oanh, “Đẩy mạnh kết nối, hợp tác giáo dục và đào tạo Việt Nam - Hàn Quốc”, Tlđd.

[20] Nguyễn Văn Dương (2009), “Quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục từ năm 1992 đến nay”, Tlđd, tr. 46.

[21] Lê Đình Chỉnh (2015), “Quyền lực mềm của văn hóa Hàn Quốc - Hallyu ở Việt Nam và những ảnh hưởng của nó”, http://dongphuonghoc.org/article/245/quyen-luc-mem-cua-van-hoa-han-quoc-hanllyu-o-viet-nam-va-anh-huong-cua-no.html.

[22] Lý Xuân Chung (2013), “Những chính sách của Hàn Quốc làm gia tăng quyền lực mềm”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 10 (152), tr. 22.

[23] “Điều kiện và lộ trình mới nhất du học Hàn Quốc năm 2021” (2021), https://aki.edu.vn/du-hoc-han-quoc-aki/2021-dieu-kien-va-lo-trinh-moi-nhat-du-hoc-han-quoc-nam-2021.html.

[24] Đặng Hoàng Linh - Vũ Thị Kim Oanh “Đẩy mạnh kết nối, hợp tác giáo dục và đào tạo Việt Nam - Hàn Quốc”, Tlđd.

 

0thảo luận