Trang chủ

Phát triển thành phố thông minh bền vững: Nghiên cứu trường hợp một số thành phố ở Nhật Bản

Đăng ngày: 8-03-2023, 10:39 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 11

Trần Ngọc Diễm1

Tóm tắt: Vai trò quan trọng của các thành phố trong lĩnh vực kinh tế và sự cấp thiết phải giải quyết các vấn đề môi trường đã thúc đẩy sự phát triển nhanh và mạnh của các thành phố thông minh trong giai đoạn hiện nay. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu trường hợp để phân tích sự phát triển của thành phố thông minh bền vững ở một số thành phố của Nhật Bản. Các thành phố này đều đang triển khai các biện pháp nhằm hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn về đánh giá đô thị thông minh dựa trên các trụ cột bền vững. Các thành phố thông minh ở Nhật Bản gắn yếu tố “tính bền vững” vào những mục tiêu phát triển trong nước và ở khu vực. Tác giả đưa ra khung phân tích đô thị thông minh và lựa chọn những tiêu chí nổi bật để đánh giá và đưa ra kết luận rằng, hiện nay một số thành phố của Nhật Bản đã triển khai một số hoạt động nhằm đóng góp vào quá trình phát triển đô thị thông minh theo hướng bền vững.

Từ khóa: Thành phố thông minh, phát triển, Nhật Bản

 


1. Mở đầu [1]

Tỷ lệ dân số sống ở các đô thị Nhật Bản hiện chiếm đến 91,7% (năm 2019), tăng so với mức 78,5% giai đoạn cuối thế kỷ XX (năm 1999)[2]. Với số dân đô thị lớn, các thành phố của Nhật Bản không chỉ là các trung tâm sản xuất, mà còn trở thành các trung tâm tiêu dùng.

Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản tập trung vào các chương trình nghị sự hướng tới sự phục hồi vị thế ở khu vực châu Á. Yếu tố quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách khu vực của Nhật Bản là “tính bền vững” vì yếu tố này sẽ giúp giải quyết những vấn đề xã hội ở Nhật Bản như già hóa dân số, sự hạn chế về tài nguyên thiên nhiên. Do đó, khái niệm Các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDGs) của Liên Hợp Quốc có tác động to lớn đối với xã hội và chính quyền Nhật Bản. Ngoài ra, các chính sách SDGs phù hợp với các chính sách khu vực của chính phủ. SDGs thiết lập mục tiêu trên nhiều lĩnh vực cụ thể, trong đó mục tiêu 11 xác định rõ đối tượng là “thành phố và cộng đồng bền vững”.

Khái niệm đô thị thông minh đã liên tục biến đổi kể từ khi được đề cập đến lần đầu vào những năm 1990[3]. Vào thời điểm ban đầu, các nghiên cứu xác định hai yếu tố quan trọng để xây dựng đô thị thông minh là (1) công nghệ thông tin và truyền thông; (2) cơ sở hạ tầng hiện đại[4].


Bảng 1: Một số định nghĩa về đô thị thông minh

Tác giả

Định nghĩa

Giffinger và cộng sự (2007)

Đô thị thông minh là đô thị có nền kinh tế, con người, cách quản trị, giao thông, môi trường và cuộc sống được xây dựng dựa trên sự kết hợp thông minh giữa các nguồn lực. Đô thị thông minh thường đề cập đến các nghiên cứu và giải pháp thông minh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp cho cư dân đô thị.

Caragliu và cộng sự (2011)

Đô thị thông minh là đô thị đầu tư chủ yếu vào vốn con người và vốn xã hội, có hệ thống giao thông và kết nối với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông có nền kinh tế phát triển bền vững, chất lượng cuộc sống cao, tài nguyên môi trường được quản lý tốt thông qua bộ máy chính quyền mà người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến

Lazaroiu và Roscia (2012)

Đô thị thông minh là một cộng đồng có kết nối, bền vững, thoải mái, thu hút và an toàn

Bakici và cộng sự (2012)

Đô thị thông minh là đô thị áp dụng công nghệ cao để kết nối con người, thông tin và các yếu tố trong đô thị nhằm tạo ra một đô thị xanh, bền vững, với nền kinh tế cạnh tranh, đổi mới và chất lượng sống ngày càng được nâng cao.

Neckermann (2017)

Thành phố thông minh liên quan đến sự kết hợp của các chính sách đô thị tập trung ưu tiên chất lượng cuộc sống. Thành phố thông minh là thành phố sử dụng kết hợp các yếu tố dữ liệu, tài nguyên, cơ sở hạ tầng và con người để thực hiện mục tiêu cải thiện chất lượng sống.

Nguồn: Tác giả tổng hợp


Đến nay, theo định nghĩa của Neckermann (2017), thành phố thông minh là thành phố sử dụng kết hợp các yếu tố dữ liệu, tài nguyên, cơ sở hạ tầng và con người để thực hiện mục tiêu cải thiện chất lượng sống[5]. Tóm lại, các định nghĩa về đô thị thông minh trong giai đoạn hiện nay đã được mở rộng với sự tham gia của nhiều yếu tố hơn so với trước đây. Nghiên cứu đưa ra bảng tóm tắt một số định nghĩa phố biến về đô thị thông minh như Bảng 1.

Dựa trên định nghĩa các yếu tố liên quan đến thiết lập đô thị thông minh kể trên, các nghiên cứu hiện nay đã nêu ra 6 tiêu chí đánh giá đô thị thông minh gồm: (1) quản trị thông minh; (2) nền kinh tế thông minh; (3) giao thông thông minh; (4) môi trường thông minh; (5) công dân thông minh; (6) cuộc sống thông minh[6]. Nhật Bản cũng gắn các mục tiêu phát triển quốc gia với SDGs (mục tiêu 11 như đề cập ở trên), do đó cụm từ “thành phố thông minh” còn được dùng thay thế bằng “cộng đồng thông minh”. Trong nghiên cứu này, chúng tôi cũng xác định các “thành phố thông minh” ở Nhật Bản tương ứng với các “cộng đồng thông minh”. Tại Nhật Bản, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) đã tăng cường đầu tư cho các dự án thành phố thông minh kể từ năm 2010. Sau hơn 10 năm, một số thành phố ở Nhật Bản đã đạt được các thành tựu đáng kể, đóng góp vào quá trình phát triển đô thị thông minh theo hướng bền vững. Liên minh cộng đồng thông minh Nhật Bản (JSCA) xác định các thành phố thông minh sẽ phát triển đồng bộ và hiệu quả cả công nghệ và hệ thống xã hội tiên tiến. Các đặc điểm của một thành phố thông minh bao gồm: (1) sử dụng năng lượng hiệu quả trong đó tận dụng cả các nguồn năng lượng không được sử dụng; (2) cải thiện hệ thống giao thông địa phương; (3) chuyển đổi cuộc sống hàng ngày của người dân.

Bài viết lựa chọn một số tiêu chí để phân tích trường hợp phát triển đô thị thông minh bền vững ở Nhật Bản, đặc biệt nhấn mạnh vào sự cải tiến các yếu tố như giao thông thông minh, con người thông minh và môi trường thông minh… ở một số thành phố của Nhật Bản. Các tiêu chí này cũng tương ứng với cách JSCA xác định trong chính sách phát triển một thành phố thông minh nêu trên.

2. Một số thành phố Nhật Bản đang phát triển theo hướng thông minh bền vững

2.1. Thành phố Kyoto – Dự án diesel sinh học

Đảm bảo an ninh năng lượng, tăng cường hiệu quả sử dụng và giảm tiêu thụ năng lượng để bảo tồn tài nguyên là mục tiêu cơ bản của các thành phố thông minh theo hướng bền vững ở Nhật Bản[7]. Trong bối cảnh đó, các thành phố thông minh của Nhật Bản hiện nay đang nỗ lực thực hiện theo hai cách: giảm mức tiêu thụ năng lượng và đồng thời đề xuất các giải pháp sản xuất năng lượng sạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và thay thế một phần nhỏ điện năng tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch và hạt nhân. An ninh năng lượng cũng được tăng cường khi xảy ra trường hợp mất điện do thiên tai, do đó, các hộ gia đình có thể sinh hoạt ngay cả khi bị cô lập nhờ năng lượng sản xuất trong nước và pin dự trữ.

Để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu và tạo ra một xã hội tái chế, thành phố Kyoto đang thu hồi dầu ăn thải từ các hộ gia đình và tinh chế để sản xuất nhiên liệu diesel sinh học thân thiện với môi trường trên cơ sở tái chế dầu ăn thải, lọc khí thải ô tô, giảm lượng phát thải carbon dioxide, thông qua đó tạo hiệu quả giáo dục trực tiếp cho người dân địa phương về các vấn đề môi trường[8]. Cụ thể, ứng dụng nhiên liệu diesel sinh học có nguồn gốc từ sinh vật giúp loại bỏ khí thải carbon dioxide do đốt cháy nhiên liệu hóa thạch và góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu bằng cách sử dụng nhiên liệu thay thế cho dầu nhẹ, một loại nhiên liệu hóa thạch. Các biện pháp tái chế dầu thải ở Kyoto sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa người dân với các công ty và tăng cường liên kết của người dân với thành phố góp phần tạo ra một cộng đồng tái chế hướng tới những mục tiêu bền vững. Ủy ban xúc tiến giảm thiểu chất thải khu vực được thành lập ở mỗi quận hợp tác với các hiệp hội phụ nữ hoặc nhóm tình nguyện viên tiến hành thu hồi dầu ăn thải từ các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn ở thành phố Kyoto. Nhiên liệu diesel sinh học tái chế này hiện đang được sử dụng cho các phương tiện và hệ thống xe buýt ở thành phố Kyoto. Biện pháp này đã góp phần giảm lượng khí thải carbon dioxide khoảng 4.000 tấn mỗi năm[9].

Từ những năm 2000 đến nay, thành phố Kyoto đã bắt đầu vận hành một số tuyến xe buýt chạy bằng 100% nhiên liệu diesel sinh học. Lượng nhiên liệu diesel sinh học được sử dụng hàng năm ở thành phố Kyoto vào khoảng 1.500.000 lít[10]. Thành phố Kyoto đã phát triển tiêu chuẩn sơ bộ (Tiêu chuẩn Kyoto) để đảm bảo tái chế dầu thải thành nhiên liệu diesel sinh học chất lượng cao áp dụng cho các loại xe đa dạng khác nhau phù hợp với tiến trình cải tiến, nâng cấp của các loại xe và các tiêu chuẩn điển hình cho nhiên liệu chất lượng cao áp dụng cho các loại xe được thiết lập ở châu Âu và Hoa Kỳ.

2.2. Thành phố Aomori – Cải tạo mạng lưới giao thông đô thị

Trong bối cảnh gia tăng dân số già và tỷ lệ sinh ngày càng giảm, Nhật Bản đối mặt với sự thu hẹp kinh doanh và suy thoái dịch vụ giao thông công cộng do số lượng khách giảm. Cụ thể ở thành phố Aomori trước đây, tiến độ cơ giới hóa và sự gia tăng số lượng cơ sở thương mại ở vùng ngoại ô khiến phạm vi đô thị được mở rộng và gây ra tình trạng “rỗng” (hollowing-out) ở khu vực trung tâm thành phố. Thành phố Aomori đã thông qua “Quy hoạch tổng thể đô thị thành phố Aomori”, từ năm 1999 đến nay tập trung vào các giải pháp hạn chế sự mở rộng không trật tự của các khu đô thị và hồi sinh trung tâm thành phố theo hướng hình thành một thành phố nhỏ gọn.

Năm 2007, chính phủ chính thức ban hành đạo luật nhằm phục hồi hệ thống giao thông công cộng ở địa phương, trong đó gồm các thành phố ở Nhật Bản. Trên cơ sở đạo luật này, các thành phố có thể chuẩn bị một kế hoạch hợp tác toàn diện cho các hệ thống giao thông công cộng địa phương sau khi tham vấn với các hội đồng bao gồm các chuyên gia điều hành giao thông công cộng, quản lý đường bộ, ủy ban an toàn công cộng và người dân. Đạo luật tiếp tục được sửa đổi vào năm 2014 trong đó liên kết hệ thống giao thông công cộng gắn với chính sách phát triển đô thị và cộng đồng[11]. Việc đảm bảo hệ thống phương tiện giao thông công cộng có thể trở nên khó khăn ở những vùng có diện tích nhỏ và mật độ dân số giảm. Mật độ dân số giảm làm tăng chi phí duy trì và nâng cấp đô thị, nên việc thu nhỏ quy mô các đô thị là bắt buộc[12]. Do đó, các thành phố khác nhau đang nỗ lực phát triển các cộng đồng nhỏ gọn, tiêu biểu là nỗ lực của thành phố Aomori.


Bảng 2: Phát triển mạng lưới giao thông ở Thành phố Aomori

Khu vực

Chính sách

Trung tâm thành phố

-    Phát triển hệ thống giao thông, tập trung vào hệ thống giao thông công cộng.

  • Nâng cao sự tiện lợi của việc sử dụng xe buýt thông qua việc cải thiện các tuyến đường hiện có và đưa vào sử dụng xe buýt tuyến loại nhỏ.
  • Nâng cao sự thuận tiện khi sử dụng đường sắt thông qua việc cải tiến lịch trình và cải thiện các cơ sở nhà ga.
  • Nâng cao sự thuận tiện trong quá trình đi bộ đến các cơ sở giao thông công cộng cũng như sự thuận tiện của phương tiện xe đạp và phương tiện giao thông.

-    Nâng cao sự thuận tiện trong quá trình di chuyển tới và trong trung tâm thành phố thông qua các phương tiện giao thông khác nhau và phát triển môi trường giao thông dành cho người đi bộ và xe đạp để di chuyển giữa các quận.

Nội thành

-    Phát triển các hệ thống giao thông nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch từ phương tiện giao thông cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng.

  • Nâng cao sự thuận tiện trong việc sử dụng xe buýt ở các quận bằng cách phát triển các tuyến xe buýt nhánh bên cạnh các tuyến đi qua các trục đường chính.
  • Phát triển “hệ thống kết hợp xe đạp và xe bus” (cycle & bus ride system) bằng cách tăng cường sự thuận tiện của việc di chuyển tới các điểm xe buýt bằng xe đạp.
  • Ở các khu vực xung quanh ga tàu, phát triển “hệ thống kết hợp xe buýt và tàu” (bus & ride system) bằng cách vận hành các tuyến xe buýt phối hợp với các dịch vụ đường sắt.
  • Phát triển các tuyến đường bộ để xe buýt hoạt động hiệu quả.

Ngoại thành

-    Phát triển hệ thống giao thông nhằm nâng cao sự thuận tiện trong việc chuyển đổi từ các phương tiện giao thông sang giao thông công cộng và ngược lại

  • Kết nối các tuyến xe bus chạy qua trục đường chính ở trung tâm tới các quận, huyện vùng ngoại ô.
  • Tận dụng “hệ thống đỗ xe và đi phương tiện công cộng” (park & ride system) bằng cách tận dụng tốt các bãi đỗ xe hiện có và phát triển các tuyến xe buýt mới cho các quận hiện khó sử dụng xe buýt.
  • Tiến hành phát triển các đường vành đai nối về trung tâm để thúc đẩy sự phát triển của các phương tiện và hệ thống giao thông công cộng

Nguồn: Shunsuke Kimura (2019), Sustainable City Policies in Japan: Perceptional Changes to Facilitate Achieving SDGs, Conference May 22, 2019.

 

Ở các thành phố nhỏ như Aomori việc xây dựng kế hoạch duy trì một cấu trúc đô thị phù hợp với mật độ dân cư và triển khai các tiện ích đô thị như chăm sóc y tế, phúc lợi, các cơ sở giáo dục và thương mại đã trở thành một vấn đề cấp bách để cung cấp cho cư dân cuộc sống lành mạnh và thoải mái, duy trì các hoạt động kinh tế, và đảm bảo quản lý thành phố bền vững. Tổng thể đô thị thành phố Aomori được chia ra thành ba cấp độ là “Trung tâm thành phố – Inner City”; “Nội thành – Mid City”; “Ngoại thành – Outer City”. Chính sách phát triển mạng lưới giao thông được ban hành cho từng khu vực cụ thể như trình bày trong Bảng 2.

2.3. Thành phố Iida – Phát triển cộng đồng bền vững

Liên minh cộng đồng thông minh Nhật Bản (JSCA) xác định một trong những đặc điểm của cộng đồng thông minh bao gồm chuyển đổi cuộc sống hàng ngày của người dân. Do đó, thông qua việc thiết lập các cơ sở hạ tầng xã hội cơ bản hiệu quả, cộng đồng thông minh sẽ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ mới cho cuộc sống hàng ngày, cũng như phát triển một xã hội bền vững sẵn sàng ứng phó với thiên tai, các vấn đề về năng lượng và môi trường. Kế hoạch phát triển đô thị của thành phố Iida nhằm truyền cảm hứng cho cư dân và đưa Iida trở thành một thành phố lý tưởng. Thành phố Iida phấn đấu duy trì các hoạt động tình nguyện của cư dân, một cộng đồng sôi động khiến người dân hạnh phúc và tự hào. Ngoài ra, thành phố cũng sáng tạo giải thưởng “Mutosu” hàng năm nhằm tuyên dương những tổ chức có đóng góp lớn cho sự phát triển của cộng đồng. Thông qua hình thức khen thưởng này, thành phố Iida thúc đẩy sự hợp tác với người dân và các chính sách của Chính phủ Nhật Bản. Những thành tựu nổi bật trong sự phát triển cộng đồng có thể kể đến trường Tatsuoka, được thành lập bởi một nhóm cư dân mong muốn đóng góp cho cộng đồng bằng chuyên môn của họ. Trường tổ chức một chương trình ngoài trời cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở để trồng lúa và rau trên cánh đồng. Hoặc có thể kể đến các nhóm đào tạo chuyên môn phát triển cộng đồng, những nhóm sản xuất các sản phẩm địa phương bằng cách sử dụng nguyên liệu địa phương.

Thứ nhất, Iida đã tiến hành tái phát triển khu vực trung tâm thành phố để thu hút nhiều người đến sống và tham quan, từ năm 1949 do phần lớn thành phố bị phá hủy do một đám cháy lớn. Trước khi xảy ra hỏa hoạn, Iida là một thị trấn lâu đài xinh đẹp, được mệnh danh là “tiểu Kyoto” (cố đô của Nhật Bản). Trong quá trình tái thiết, Iida trở thành một thành phố kiểu mẫu trong việc cải thiện khả năng ứng phó với thiên tai. Thành phố đã cho trồng 47 cây táo ở hai bên đường phố chính và ngày nay con đường rợp bóng cây táo đã trở thành biểu tượng của thành phố[13]. Để tăng dân số đô thị, thành phố hiện đang cam kết thực hiện một dự án tái phát triển đô thị tổng hợp, bao gồm xây dựng nhà ở và các cơ sở khác. Để thực hiện các dự án tái phát triển này, công ty Phát triển đô thị Iida (Iida Urban Development Company) được thành lập do nguồn đóng góp vốn từ người dân, doanh nghiệp, tổ chức tài chính và chính quyền thành phố. Ngoài việc thực hiện dự án tái phát triển, công ty cam kết cung cấp các dịch vụ khác nhau như vận hành các cửa hàng và nhà hàng, tổ chức các sự kiện, hỗ trợ các hoạt động văn hóa và cung cấp các dịch vụ phúc lợi.

Thứ hai, thành phố Iida cũng thực hiện các chiến dịch môi trường có sự tham gia của cộng đồng cư dân thành phố. Kế hoạch tổng thể về bảo tồn môi trường của thành phố quy định một mục tiêu là giảm 10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Để đạt được mục tiêu này, thành phố đã thông qua “Kế hoạch khu vực về thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và tiết kiệm”. Thành phố xúc tiến việc lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà riêng và đến nay, đã có tổng cộng 775 ngôi nhà được lắp đặt các tấm pin mặt trời[14]. Ngoài ra, thành phố cam kết cung cấp dịch vụ tiện ích thân thiện với môi trường thông qua quan hệ đối tác giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền thành phố. Các công ty kinh doanh trong lĩnh vực điện quang cũng tham gia vào sản xuất điện quang và quản lý trung tâm mua sắm vận hành bằng năng lượng mặt trời[15]. Ở Iida, bộ phận doanh nghiệp cũng tham gia vào quá trình thúc đẩy hiệu quả giáo dục môi trường bằng cách triển khai các dự án giáo dục về năng lượng xanh cho trẻ em. Bằng phương thức liên kết này, chiến dịch môi trường của thành phố Iida có sự kết hợp giữa nền kinh tế địa phương với lực lượng sản xuất tại địa phương.

3. Kết luận và khuyến nghị

Hiện nay, các thành phố thông minh ở Nhật Bản đang phát triển trong bối cảnh đạt đến mức giảm dân số trên quy mô toàn diện và thiết lập các mục tiêu phát triển cộng đồng bền vững. Các chính sách thành phố thông minh cũng là các chính sách thành phố bền vững điển hình[16]. Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực công nghệ và dịch vụ bền vững, do đó có thể hưởng lợi khi nâng cao công tác quản lý, cải thiện và phát triển các mô hình của đô thị thông minh. Cuối cùng, hiện nay một số thành phố của Nhật Bản đã triển khai một số hoạt động cụ thể nhằm hướng tới phát triển đô thị thông minh theo hướng bền vững.

Ở Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong việc phê duyệt đề án xây dựng hướng tới mục tiêu trở thành đô thị thông minh vào năm 2017. Đề án xác định “Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị”[17]. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành Quyết định triển khai Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Tính đến tháng 4/2020, gần 40 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã tiến hành xây dựng các đề án về thành phố thông minh[18]. Triển vọng phát triển các thành phố theo hướng đô thị thông minh của Việt Nam được đánh giá cao, tuy nhiên để phát huy những triển vọng này thì cần phải có những giải pháp phù hợp. Dựa trên những kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc phát triển thành phố thông minh bền vững, bài viết đề xuất những hướng đi tiềm năng cho Việt Nam khai thác trong thời gian tới. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, chuẩn mực chung trên thế giới về “thành phố thông minh” tuy chưa được chấp nhận rộng rãi, nhưng khi xây dựng quy chuẩn về thành phố thông minh, Việt Nam cần cân nhắc dựa trên 6 trụ cột chính là: quản trị thông minh; nền kinh tế thông minh; giao thông thông minh; môi trường thông minh; người dân thông minh; cuộc sống thông minh để thiết kế riêng bộ chỉ tiêu của mình như hướng Nhật Bản đã xác định đối với các cộng đồng thông minh của nước này.

Thứ hai, Việt Nam nên xác định rõ đầu tư xây dựng thành phố thông minh là đầu tư cho phát triển, chính vì thế, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành thành phố thông minh phải lấy lợi ích của người dân làm trung tâm, lấy người dân là chủ thể và mục tiêu cải thiện chất lượng sống của cư dân thành phố là mục tiêu cao nhất. Như đã nêu, Neckermann (2017) đã chỉ ra rằng một thành phố thông minh không chỉ kết hợp dữ liệu, tài nguyên và cơ sở hạ tầng mà còn cả con người để liên tục tập trung vào việc cải thiện chất lượng sống. Một trong những vận dụng thực tế của lý thuyết này yếu tố người dân trong các chính sách đô thị. Những thay đổi về nhận thức của người dân có thể là triển vọng cho giải pháp cho các thách thức phát triển thành phố thông minh bền vững như thành phố Iida đang triển khai hay “đưa người dân trở thành trung tâm” như Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định trong đề án xây dựng thành phố thông minh vào năm 2017.

Thứ ba, quá trình phát triển thành phố thông minh ở Việt Nam cần đồng thời huy động được sự tham gia, đồng hành với chính quyền của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cư dân của mỗi thành phố. Nhật Bản đã thu hút được các khoản đầu tư vào phát triển đô thị từ nhóm các doanh nghiệp, hay sự tham gia của các tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng đô thị theo hướng bền vững. Tương tự, chính quyền thành phố của Việt Nam cần tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức trong cộng đồng về vai trò, trách nhiệm của từng cư dân trong quá trình chuyển đổi, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về cơ hội và vai trò trong quá trình phát triển thành phố thông minh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Albino, V., Berardi, U., & Dangelico, R. M. (2015), “Smart cities: Definitions, dimensions, performance, and initiatives”, Journal of Urban Technology, 22(1), pp. 3–21.
  2. Bakıcı, T., Almirall, E., & Wareham, J. (2013), “A smart city initiative: The case of Barcelona”. Journal of the Knowledge Economy, 4(2), pp. 135–148.
  3. Caragliu, A., Del Bo, C., & Nijkamp, P. (2011), “Smart cities in Europe”, Journal of Urban Technology, 18(2), pp. 65–82.
  4. City of Kyoto (2017), “Becoming a net-zero emissions city through transformative changes in lifestyle, work-style and urban infrastructure”, UNFCCC, https://unfccc.int/ sites/default/files/resource/352_%E3%80%90City%20of%20KYOTO%E3%80%91.pdf
  5. Giffinger, R., Fertner, C., Kramar, H., Kalasek, R., Pichler-Milanović, N., & Meijers, E. (2007), Smart cities Ranking of European medium-sized cities. Vienna University of Technology, Austria.
  6. Japan Smart Community Alliance (2021), “Smart Community Development”, https://www.smart-japan.org/english/
  7. Lazaroiu, G. C., & Roscia, M. (2012), “Definition methodology for the smart cities model”, Energy, 47(1), pp. 326–332.
  8. Manville, C., Cochrane, G., Cave, J., Millard, J., Pederson, J. K., Thaarup, R. K., & Kotterink, B. (2014). Mapping smart cities in the EU. European Union, Brussels.
  9. Ministry of Environment (2015), “Low-carbon and and Resilient cities: Local Government in Japan”, https://japanoffice. iclei.org/wp-content/uploads/2021/04/catalog_ en_20151222_0.pdf
  10. Ministry of Land, Infrastructure and Transport, Government of Japan (2021), “Sustainable Cities in Japan”, https://www. mlit.go.jp/kokudokeikaku/international/JAPAN_WUF3.pdf
  11. Neckermann, Lukas (2017). Smart Cities, Smart Mobility: Transforming the way we live and work. Matador, UK.
  12. Nguyễn Trọng Hoài, Nguyễn Văn Dũng, Trần Thị Phú Duyên, Nguyễn Văn Viên (2018). “Khung phân tích đô thị thông minh: Nghiên cứu tình huống các tỉnh/thành Đông Nam Bộ”, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á, 29(6), pp. 5 – 26.
  13. Shunsuke Kimura (2019), Sustainable City Policies in Japan: Perceptional Changes to Facilitate Achieving SDGs, Conference May 22, 2019.
  14. The Government Summit (2015), “Smart cities: Regional perspectives. The Government Summit Thought Leadership Series”, https://www.worldgovernmentsummit.org/api/publications/document/d1d75ec4-e97c-6578- b2f8-ff0000a7ddb6
  15. Trần Quang Phú (2020), “Xây dựng thành phố thông minh: Kinh nghiệm quốc tế và những gợi mở cho Việt Nam”, Tạp chí Lý luận, Số 1/2020.
  16. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2017), Quyết định về Phê duyệt đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
  17. World Bank (2021), “Urban Population (% of total population) – Japan”, United Nations Population Division, https://data.worldbank.org/ indicator/SP.URB.TOTL.IN.ZS?locations=JP.

 


[1] ThS., Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] World Bank (2021), “Urban Population (% of total population) – Japan”, United Nations Population Division, https://data.worldbank.org/indicator/SP.URB.TOTL.IN.ZS?locations=JP.

[3] Nguyễn Trọng Hoài, Nguyễn Văn Dũng, Trần Thị Phú Duyên, Nguyễn Văn Viên (2018), “Khung phân tích đô thị thông minh: Nghiên cứu tình huống các tỉnh/thành Đông Nam Bộ”, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh châu Á, 29 (6), pp. 5 – 26.

[4] Albino, V., Berardi, U., & Dangelico, R. M. (2015), “Smart cities: Definitions, dimensions, performance, and initiatives”, Journal of Urban Technology, 22(1), pp. 3–21.

[5] Neckermann, Lukas (2017), Smart Cities, Smart Mobility: Transforming the way we live and work. Matador, UK.

[6] Giffinger, R., Fertner, C., Kramar, H., Kalasek, R., Pichler-Milanović, N., & Meijers, E. (2007), Smart cities Ranking of European medium-sized cities. Vienna University of Technology, Austria; Manville, C., Cochrane, G., Cave, J., Millard, J., Pederson, J. K., Thaarup, R. K., & Kotterink, B. (2014). Mapping smart cities in the EU. European Union, Brussels; The Government Summit (2015), “Smart cities: Regional perspectives. The Government Summit Thought Leadership Series”, https://www.worldgovernmentsu mmit.org/api/publications/document/d1d75ec4-e97c-6578- b2f8-ff0000a7ddb6.

[7] Japan Smart Community Alliance (2021), “Smart Community Development”, https://www.smart-japan.org/english/.

[8] City of Kyoto (2017), “Becoming a net-zero emissions city through transformative changes in lifestyle, work-style and urban infrastructure”, UNFCCC, https://unfccc. int/sites/default/files/resource/352_%E3%80%90City%20of%20KYOTO%E3%80%91.pdf.

[9] Ministry of Land, Infrastructure and Transport, Government of Japan (2021), “Sustainable Cities in Japan”, https://www.mlit.go.jp/kokudokeikaku/internati onal/JAPAN_WUF3.pdf.

[10] Ministry of Land, Infrastructure and Transport, Government of Japan (2021), “Sustainable Cities in Japan”, https://www.mlit.go.jp/kokudokeikaku/internati onal/JAPAN_WUF3.pdf.

[11] Shunsuke Kimura (2019), Sustainable City Policies in Japan: Perceptional Changes to Facilitate Achieving SDGs, Conference May 22, 2019.

[12] Shunsuke Kimura (2019), Sustainable City Policies in Japan: Perceptional Changes to Facilitate Achieving SDGs, Conference May 22, 2019.

[13] Ministry of Land, Infrastructure and Transport, Government of Japan (2021), “Sustainable Cities in Japan”, https://www.mlit.go.jp/kokudokeikaku/interna tional/JAPAN_WUF3.pdf.

[14] Ministry of Land, Infrastructure and Transport, Government of Japan (2021), “Sustainable Cities in Japan”, https://www.mlit.go.jp/kokudokeikaku/internati onal/JAPAN_WUF3.pdf.

[15] Ministry of Environment (2015), “Low-carbon and and Resilient cities: Local Government in Japan”, https://japanoffice.iclei.org/wp-content/uploads/2021/04/ catalog_en_20151222_0.pdf.

[16] Shunsuke Kimura (2019), Sustainable City Policies in Japan: Perceptional Changes to Facilitate Achieving SDGs, Conference May 22, 2019.

[17] Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2017), Quyết định về Phê duyệt đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

[18] Trần Quang Phú (2020), “Xây dựng thành phố thông minh: Kinh nghiệm quốc tế và những gợi mở cho Việt Nam”, Tạp chí Lý luận, Số 1/2020.

 

0thảo luận