Trang chủ

Du lịch thông minh ở Hàn Quốc hiện nay

Đăng ngày: 6-03-2023, 10:36 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 11

Phan Thị Oanh1

Tóm tắt: Trong thời đại khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng mạnh mẽ vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu. Là một trong những nước tiên phong sử dụng công nghệ thông tin tiên tiến vào ngành du lịch, thúc đẩy du lịch thông minh phát triển và gặt hái được nhiều thành công, Hàn Quốc đã trở thành một trong những điểm đến du lịch thông minh trên thế giới. Bài viết khái quát tiến trình phát triển du lịch thông minh tại Hàn Quốc hiện nay, từ đó liên hệ với việc phát triển du lịch thông minh của Việt Nam.

Từ khóa: Du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng công nghệ

1. Khái niệm “du lịch thông minh”[1]

Sự xuất hiện của du lịch thông minh (smart tourism) gắn với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ thì xu hướng du lịch này càng được quan tâm hơn. Tuy nhiên, cho đến nay khái niệm du lịch thông minh vẫn còn nhiều cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau. Gretzel và cộng sự (2015) cho rằng, du lịch thông minh được hỗ trợ bởi các nỗ lực tích hợp tại một điểm đến để thu thập và tổng hợp/khai thác dữ liệu có được từ cơ sở hạ tầng vật chất, liên kết xã hội, nguồn lực chính phủ/tổ chức và cơ thể/tâm trí con người kết hợp với việc sử dụng các công nghệ tiên tiến để chuyển đổi dữ liệu thành trải nghiệm tại chỗ và đề xuất giá trị kinh doanh với sự tập trung rõ ràng vào hiệu quả, tính bền vững và làm giàu trải nghiệm[2]. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nền tảng phát triển của du lịch thông minh là du lịch điện tử (e-tourism) và di động, trong đó nhấn mạnh đến khả năng mở rộng của du lịch thông minh, tức là du lịch thông minh là bước phát triển tất yếu từ du lịch truyền thống sang du lịch điện tử dựa trên nền tảng đổi mới, định hướng công nghệ của các ngành công nghiệp và người tiêu dùng. Cách hiểu này theo quan điểm của một số học giả vẫn chưa đầy đủ, quá chú trọng vào công nghệ thông tin mà thiếu đi yếu tố môi trường[3], thậm chí còn khó phân biệt giữa du lịch thông minh và du lịch điện tử vì các yếu tố quan trọng đối với du lịch thông minh cũng quan trọng đối với du lịch điện tử như công nghệ thông tin và truyền thông, hệ thống thông tin[4]

Tại Hàn Quốc, mặc dù du lịch thông minh được quan tâm, chú trọng từ khá sớm, nhưng khái niệm du lịch thông minh hiện vẫn chưa được sử dụng thống nhất. Lee Jung-hee và cộng sự (2012) cho rằng, du lịch thông minh là việc cung cấp các dịch vụ phù hợp theo thời gian thực cho khách du lịch trong và ngoài nước, dựa trên hệ thống định vị và giám sát vị trí (LBS) theo thời gian thực nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vào du lịch, là du lịch thế hệ sau tạo ra giá trị gia tăng cao thông qua hệ sinh thái nội dung du lịch và đổi mới cơ cấu công nghiệp[5]. Theo Viện Du lịch Văn hóa, du lịch thông minh được định nghĩa là một khái niệm bao hàm ý nghĩa của du lịch số (u-tourism) và du lịch kỹ thuật số (digital tourism), cung cấp dịch vụ thông tin du lịch được tùy chỉnh cho khách du lịch theo thời gian thực thông qua các dịch vụ dựa trên vị trí và liên lạc của một nhóm trên nền tảng công nghệ thông tin[6]. Koo Chul-mo (2014) định nghĩa du lịch thông minh là một hiện tượng xảy ra khi khách du lịch sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông dựa trên sự hội tụ của internet và các yếu tố du lịch truyền thống[7]. Du lịch là một hiện tượng xã hội, văn hóa và kinh tế kéo theo sự di chuyển của con người đến các quốc gia hoặc địa điểm bên ngoài môi trường thông thường của họ vì mục đích cá nhân hoặc kinh doanh/nghề nghiệp[8]. Hiện ngày càng có nhiều du khách thích tự lập kế hoạch, tổ chức tour bằng cách sử dụng internet dựa trên sở thích, khả năng tài chính cá nhân hơn là tuân theo các kế hoạch, chương trình của các công ty lữ hành[9]. Như vậy, có thể thấy rằng dù chưa có khái niệm chung, nhưng cơ bản du lịch thông minh là một xu hướng du lịch mới xuất hiện, khác với du lịch truyền thống, có sự kết hợp của công nghệ, công nghệ được ứng dụng để tạo ra các phương tiện, công cụ thông minh hỗ trợ cho các hoạt động du lịch, đáp ứng được các yêu cầu của du khách mọi lúc, mọi nơi, theo thời gian thực như thu thập thông tin, ra quyết định, tất cả các dịch vụ, điều kiện an ninh…

2. Sự phát triển du lịch thông minh tại Hàn Quốc

2.1. Chính sách phát triển du lịch thông minh

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc là hai cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng các kế hoạch, chiến lược, dự án phát triển du lịch thông minh. Đối với một hệ sinh thái du lịch thông minh, bên cạnh việc cung cấp dịch vụ tích hợp các chính sách du lịch, chính sách công nghiệp, chính sách văn hóa, tích hợp mạng lưới chính phủ - địa phương, chính phủ phải đóng vai trò trung tâm, chủ đạo, thể hiện ở việc điều hòa sự khác biệt về quan điểm giữa các bên liên quan, hỗ trợ hoàn thiện về mặt thể chế chính sách, ngoài ra còn phải xây dựng mạng lưới toàn cầu thông qua việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia[10]. Đồng thời, để xây dựng đội ngũ chuyên gia về du lịch thông minh, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng hoạt động trong lĩnh vực du lịch thông minh và nâng cao nhận thức của toàn xã hội về loại hình du lịch này, Chính phủ Hàn Quốc đã xúc tiến các hoạt động giảng dạy và đào tạo bộ môn du lịch thông minh tại một số trường đại học trên cả nước, tài trợ nghiên cứu về du lịch thông minh cho cá nhân và tổ chức, thành lập Viện Nghiên cứu du lịch thông minh, Hiệp hội du lịch thông minh Hàn Quốc, phòng du lịch thông minh trực thuộc Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, tổ chức các hội nghị hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch thông minh...

Bên cạnh các chính sách chung nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch, Chính phủ Hàn Quốc cũng xây dựng, ban hành các chính sách ưu tiên phát triển du lịch thông minh. Chiến lược phát triển du lịch thông minh dài hạn đầu tiên của Hàn Quốc là Kế hoạch phát triển du lịch thông minh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc xây dựng năm 2011, nằm trong Kế hoạch cơ bản phát triển du lịch lần thứ 3 (2012-2021). Kế hoạch này tập trung phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ thông tin du lịch thông minh gồm 4 nhiệm vụ: (1) nâng cấp dịch vụ hướng dẫn thông minh đến mọi nơi trên đất nước Hàn Quốc bằng cách phát triển các trang web, ứng dụng thông tin du lịch tổng hợp và cung cấp dịch vụ hướng dẫn theo hình thức cảm nhận thực tế như lập kế hoạch du lịch, dịch vụ đặt phòng, công nghệ 4D...; (2) cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch trên điện thoại thông minh giúp tìm kiếm tổng hợp các trang tin điện tử về du lịch văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc và các địa phương dựa trên hệ thống hỗ trợ thông tin du lịch quốc gia; (3) xây dựng mạng kết nối giữa người sử dụng và cung cấp thông tin theo thời gian thực qua việc vận hành dịch vụ mạng xã hội; (4) phát triển dịch vụ tìm kiếm và cung cấp thông tin về địa điểm du lịch, ẩm thực, nơi lưu trú, hệ thống giao thông bằng cách sử dụng thông tin vị trí của người dùng làm hướng dẫn thông tin tùy chỉnh cho từng cá nhân[11].

Để mở đường cho du lịch thông minh phát triển, gia tăng năng lực cạnh tranh của du lịch thông minh trong ngành công nghiệp du lịch, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành nhiều chính sách từng bước hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh trong nước. Theo đó, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và Tổng cục Du lịch Hàn Quốc chủ trì triển khai, thực hiện các kế hoạch, dự án liên quan đến du lịch thông minh như dự án xây dựng các thành phố du lịch thông minh; đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến về du lịch; lựa chọn và hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch thông minh; xây dựng môi trường du lịch thông minh theo mô hình đặc thù Hàn Quốc phục vụ phát triển môi trường du lịch thông minh tại các địa phương... Năm 2016, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc ban hành Kế hoạch 5 năm phát triển du lịch, trong đó nhấn mạnh khả năng kết hợp và phát triển giữa ngành công nghiệp du lịch với công nghệ thông tin và truyền thông, lựa chọn “Dịch vụ du lịch K-ICT phù hợp với từng du khách” thuộc 8 dự án trọng tâm[12].

Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển du lịch thông minh cũng được mở rộng. Quy mô đầu tư cho nghiên cứu và phát triển du lịch thông minh của Hàn Quốc năm 2013 chiếm 4,15% GDP, xếp thứ nhất trong 34 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)[13]. Năm 2020, Tổng cục du lịch Hàn Quốc có kế hoạch đầu tư 15 tỷ won vào các dự án liên quan đến du lịch thông minh như dịch vụ hướng dẫn du lịch dựa trên mạng 5G (4,2 tỷ won), dịch vụ dự báo du lịch tùy chỉnh sử dụng dữ liệu lớn du lịch (5 tỷ won) và xây dựng đường phố du lịch thông minh (5,7 tỷ won). Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch Hàn Quốc lên kế hoạch hỗ trợ 3,5 tỷ won cho các địa phương đã được lựa chọn để thực hiện dự án xây dựng thí điểm thành phố du lịch thông minh để xây dựng khu du lịch với đầy đủ các điều kiện du lịch thông minh[14]. Đặc biệt, tháng 6/2021, Chính phủ Hàn Quốc đã bổ sung vào Luật phát triển du lịch điều khoản 47 về phát triển ngành du lịch thông minh nhằm đảm bảo về mặt thể chế cho sự phát triển ổn định của ngành du lịch thông minh trong thời đại mới[15].

2.2. Thực trạng phát triển du lịch thông minh ở Hàn Quốc

Du lịch thông minh xuất hiện dường như là một bước tiến hợp lý từ du lịch truyền thống sang một cách tiếp cận sáng tạo, nơi người tiêu dùng đang dựa vào việc áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong du lịch[16]. Thực tế cho thấy, khách du lịch trong thời gian qua đã dần quen với việc sử dụng các công nghệ hiện đại để hỗ trợ cho các chuyến đi của mình. Điều đó đặt ra yêu cầu cho các điểm đến cũng phải phát triển hạ tầng công nghệ theo hướng đáp ứng thật tốt những mong muốn của du khách có sử dụng công nghệ.

Hàn Quốc hiện đã trở thành một trong những điểm đến du lịch thông minh đề cao sự trải nghiệm du lịch của du khách qua nhiều dịch vụ ứng dụng di động được cá nhân hóa. Điều này đã được thực hiện nhờ vào nỗ lực phối hợp của Chính phủ Hàn Quốc và các sáng kiến ​​tài trợ về việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ du lịch thông minh[17]. Để xây dựng môi trường du lịch thông minh, một trong những vấn đề cơ bản cần hoàn thiện trước hết là hạ tầng công nghệ kỹ thuật. Cơ sở hạ tầng công nghệ nền tảng như công nghệ định vị Beacon, hệ thống mạng wifi công cộng là điều kiện tiên quyết để phát triển các ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh nhằm mục đích thu thập thông tin vị trí, thông tin về hành vi tiêu dùng, thời gian lưu trú... được tạo ra thông qua các thiết bị thông minh mà du khách sử dụng tại các điểm du lịch, từ đó hiện thực hóa dịch vụ du lịch với trọng tâm là dữ liệu lớn (big data). Tại các thành phố lớn, các địa điểm du lịch trọng điểm ở Hàn Quốc, mạng wifi, thiết bị định vị Beacon đã được phủ sóng trên phạm vi lớn, cho phép khách du lịch, các cơ quan công quyền, người dân có thể sử dụng dữ liệu lớn đã được thu thập theo thời gian thực tế. Năm 2016 Jeju đã triển khai xây dựng “nền tảng thông minh mở” (Open flatform), lắp đặt wifi công cộng tại 600 điểm du lịch chính và các khu vực đông khách du lịch, đồng thời lắp đặt 720 thiết bị công nghệ định vị tại sân bay Jeju và chợ truyền thống Dongmun. Mục đích của việc này là để thu thập quốc tịch, giới tính, độ tuổi mà khách du lịch đăng nhập khi kết nối mạng wifi công cộng, sau đó phân tích mô hình, thời gian lưu trú, tuyến đường di chuyển, hành vi tiêu dùng để hiện thực hóa dịch vụ du lịch trọng tâm của dữ liệu lớn[18].

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã và đang triển khai xây dựng nhiều dự án đô thị du lịch thông minh, trong đó tất cả các mối quan hệ giữa sự vật với sự vật, sự vật với con người hay con người với con người được kết nối với nhau, từ đó thông tin được hình thành, thu thập và chia sẻ nên các dịch vụ du lịch thông minh được thực hiện một cách thuận tiện[19]. Tại Busan, năm 2015 chính quyền thành phố đã công bố chiến lược phát triển thành phố thông minh toàn cầu. Trong năm 2016, có tới 26 dịch vụ ứng dụng Internet vạn vật (IoT), bao gồm bãi đậu xe thông minh, hệ thống đèn đường thông minh và tòa nhà thông minh được giới thiệu. Năm 2017, Cục Xúc tiến du lịch Busan thành lập thành phố du lịch thông minh với chiến lược mở rộng các khu vực wifi công cộng, phát triển bản đồ, xây dựng nội dung ứng dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR), công nghệ thực tế ảo (VR) tùy chỉnh cho các điểm du lịch, bản địa hóa khu vực trình diễn du lịch thông minh. Ngoài ra, Busan đang hợp tác với SKT, một trong ba công ty viễn thông lớn của Hàn Quốc xây dựng một hệ sinh thái thông minh[20].

Sự phát triển của công nghệ thông tin đã làm thay đổi hoàn toàn phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin của khách du lịch. Đặc biệt, sự bùng nổ của mạng xã hội và các ứng dụng trên điện thoại di động tác động lớn đến việc lựa chọn điểm đến, nơi lưu trú, địa điểm ăn uống, các dịch vụ khác phục vụ chuyến đi của du khách. Do vậy, để tạo nên điểm nhấn và lợi thế cạnh tranh trong du lịch, Hàn Quốc đã nghiên cứu, sản xuất các phần mềm, ứng dụng, tiện ích phục vụ phát triển  du lịch thông minh đầy đủ và có hệ thống, từ dịch vụ cung cấp thông tin, hướng dẫn du lịch, ứng dụng thanh toán di động, giải trí, mua sắm, giảm giá, an ninh, khẩn cấp đến cả các ứng dụng hẹn hò. Bên cạnh đó, chính phủ và các chính quyền địa phương cũng triển khai nhiều hình thức phát triển du lịch thông minh khác nhau như tích hợp các trang web (home page), dịch vụ mạng xã hội (SNS), ứng dụng trên thiết bị di động (mobile application), sử dụng máy ảnh, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) kết hợp với AR và VR, hay quét mã QR, cấp thị thực điện tử... nhằm giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin, lựa chọn, sử dụng các dịch vụ du lịch nhanh chóng, thuận tiện và đa dạng nhất.

Hiện tại, một số ứng dụng di động như Daehanminguk Guseokguseok, Visit Korea, Tour API 3.0, Myrealtrip giữ vai trò là ứng dụng hướng dẫn du lịch nền tảng, cung cấp thông tin về bản đồ, giao thông, chuyến đi và bản ghi tất cả những điều du khách đã trải nghiệm về nhà hàng, nơi lưu trú, giới thiệu các địa điểm du lịch trên cả nước. Đặc biệt, ứng dụng Visit Korea hỗ trợ đa ngôn ngữ, cung cấp thông tin về các điểm tham quan trước chuyến đi, bản đồ và các điểm tham quan lân cận dựa trên GPS trong chuyến đi và chia sẻ sau chuyến đi, giúp cho hành trình đến Hàn Quốc của du khách dễ dàng hơn bao giờ hết. Một trong những lợi thế lớn nhất của việc sử dụng ứng dụng di động Visit Korea là nhận được các đề xuất được cá nhân hóa dựa trên cài đặt cá nhân của du khách. Sử dụng phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng chọn ra các điểm thu hút và thông tin có thể được quan tâm, dựa trên sở thích, quốc tịch, giới tính và độ tuổi mà người dùng đã chọn. Trong khi đó, các ứng dụng như du lịch lịch sử Shilla, bảo tàng quốc gia, Bukhansan Dullegil... lại sử dụng công nghệ âm thanh (audio) và công nghệ thực tế tăng cường cung cấp thông tin theo thời gian thực, dựa trên vị trí của người dùng và nội dung họ đang xem. Như vậy, những ứng dụng này không chỉ cung cấp thông tin đơn giản cho khách du lịch mà còn cung cấp thông tin phù hợp đến từng cá nhân. Ngoài ra, thông qua kết nối với các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter những ứng dụng này còn thực hiện thêm chức năng cho phép người dùng tham gia vào các sự kiện khác nhau, chia sẻ thông tin và giao tiếp hai chiều giữa người dùng với nhau[21]. Tour API 3.0 là dịch vụ thông tin du lịch đa ngôn ngữ theo thời gian thực duy nhất tại Hàn Quốc, hỗ trợ tới 9 ngôn ngữ, cung cấp thông tin địa điểm du lịch, thông tin hình ảnh theo thời gian thực tế. Sử dụng ứng dụng này, du khách không những có thể thu thập được các thông tin qua ứng dụng điện thoại thông minh như địa điểm du lịch, cơ sở văn hóa, cơ sở lưu trú, lễ hội, ẩm thực mà còn khám phá và tận dụng được các thông tin qua hệ thống trung gian đa dạng như dịch vụ web, máy tính bảng, sản phẩm quảng bá, tạp chí... và cung cấp cả thông tin cơ bản về vị trí.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của du lịch thông minh cùng nhu cầu của du khách, Chính phủ Hàn Quốc lên kế hoạch nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kết hợp công nghệ di động với công nghệ thông tin nhằm mục tiêu nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn dịch vụ du lịch, đồng thời xúc tiến xây dựng môi trường du lịch thông minh tại các địa phương trên cả nước.

2.3. Tác động của du lịch thông minh

Du lịch thông minh được coi là một bước tiến khác biệt trong sự phát triển của công nghệ thông tin trong du lịch. Sự xuất hiện của nó được coi là sạch, xanh, đạo đức và cung cấp dịch vụ chất lượng cao ở tất cả các cấp của chuỗi dịch vụ[22]. Năm 2020, lần đầu tiên Chính phủ Hàn Quốc công bố nghiên cứu về hiệu quả kinh tế của du lịch thông minh do Viện Nghiên cứu du lịch thông minh thực hiện dựa trên các dự án và các khoản đầu tư do Tổng cục Du lịch Hàn Quốc triển khai. Theo kết quả nghiên cứu, du lịch thông minh được coi là lĩnh vực có thu nhập cao, mang lại giá trị gia tăng cao và được chứng minh là có đóng góp quan trọng vào việc tạo ra việc làm và doanh thu thuế... Nghiên cứu phân tích trường hợp, khi cùng đầu tư 15 tỷ won ngân sách du lịch vào du lịch thông thường và du lịch thông minh thì hiệu quả kinh tế mà du lịch thông minh tạo ra là khoảng 885 tỷ won, còn du lịch thông thường là 182,3 tỷ won[23]. Như vậy, có thể thấy du lịch thông minh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 4 lần so với du lịch thông thường. Nếu tính theo từng lĩnh vực thì tổng số 885 tỷ won do du lịch thông minh tạo ra bao gồm hiệu quả sản xuất khoảng 508,8 tỷ won, thu nhập khoảng 114,4 tỷ won, giá trị gia tăng 246,5 tỷ won, thuế gián tiếp 152 tỷ won, tạo ra 3.015 việc làm[24]. Du lịch thông minh còn thu hút một số lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin, quản lý vận hành đô thị thông minh. Bên cạnh đó, du lịch thông minh cũng được cho là một trong những giải pháp có thể giúp phục hồi nền kinh tế ở các vùng kém phát triển và giải quyết hiện tượng tập trung khách du lịch vào những khu vực đô thị. Du lịch thông minh không chỉ có thể sử dụng tối đa tài nguyên du lịch mà còn quản lý các thành phố du lịch, duy trì các điểm thu hút khách du lịch, cải thiện chất lượng cuộc sống và giao tiếp giữa khách du lịch và người dân[25].

Các ứng dụng di động phục vụ du lịch thông minh như Daehanminguk Gusuk Gusuk, Visit Korea, Smart Tour Guide… ra đời không chỉ đơn thuần nhằm cung cấp thông tin, dịch vụ du lịch, mà còn thể hiện vai trò vô cùng quan trọng là quảng bá lịch sử, văn hóa, đất nước con người Hàn Quốc qua những hình ảnh, nội dung thông tin du lịch, những câu chuyện văn hóa hay những thước phim truyền hình, những bản nhạc K- pop, thậm chí là qua những lời chia sẻ của du khách sau khi trải nghiệm tại đất nước này. “Smart Tour Guide” là ứng dụng di động hướng dẫn du lịch bằng âm thanh, giới thiệu lịch sử, văn hóa của các điểm du lịch hàng đầu của Hàn Quốc. Ứng dụng này cung cấp các câu chuyện văn hóa, xã hội của các danh lam thắng cảnh và di tích văn hóa với trên 5 nghìn câu chuyện liên quan đến di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận bằng 4 ngôn ngữ chính là tiếng Hàn, tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung. Kể từ khi ra mắt tháng 1/2014, số lượt tải tích lũy ứng dụng này tính đến tháng 5/2017 đã vượt quá 2 triệu lượt[26]. Hơn nữa, theo một nghiên cứu về du lịch thông minh (2016), có thể thấy các dịch vụ được cung cấp bởi hơn 30 ứng dụng du lịch của chính quyền địa phương chủ yếu là các điểm du lịch, di sản văn hóa, lễ hội, bảo tàng, phòng triển lãm, ẩm thực, mua sắm và vận chuyển[27], cho thấy các ứng dụng này cũng đang đóng vai trò là kênh giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống, di sản văn hóa Hàn Quốc khá hiệu quả. Đặc biệt, khi làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hàn lưu) xuất hiện, trở thành một hiện tượng văn hóa mang tính toàn cầu, Hàn Quốc đã nhanh chóng sử dụng hiện tượng văn hóa này làm công cụ tiếp thị, quảng bá du lịch. Kết quả là Hàn lưu không những đóng vai trò trong việc cải thiện, nâng cao hình ảnh quốc gia mà còn là động cơ quyết định đến thăm Hàn Quốc của du khách nước ngoài[28]. Việc sử dụng Hàn lưu làm công cụ quảng bá, tiếp thị du lịch qua các nền tảng công nghệ thông minh như SNS, internet, ứng dụng di động đã cho thấy hiệu quả lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa của Hàn Quốc, sự yêu mến của du khách nước ngoài đối với văn hóa Hàn Quốc hay sự tiêu thụ của các sản phẩm văn hóa Hàn lưu như điện ảnh, âm nhạc, thời trang, ẩm thực... Như vậy, có thể nói rằng, văn hóa và du lịch thông minh cũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động tương hỗ giống như văn hóa và du lịch nói chung. Văn hóa là tài nguyên để du lịch thông minh sử dụng làm công cụ quảng bá, tiếp thị, ngược lại, thông qua các ứng dụng di động du lịch thông minh văn hóa cũng được “đi xa” hơn, phạm vi lan tỏa rộng hơn, tiếp cận với nhiều đối tượng hơn. Du lịch thông minh cũng góp phần không nhỏ trong việc đưa văn hóa Hàn Quốc vượt biên giới quốc gia đến với thế giới trong thời gian qua.

3. Một số liên hệ với Việt Nam trong phát triển du lịch thông minh

Đảng và Chính phủ Việt Nam đã mở ra đường lối chiến lược quan trọng về mặt thể chế, chính sách để triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin phát triển ngành du lịch nói chung và lĩnh vực du lịch thông minh nói riêng trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW, khẳng định “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước”. Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, tất yếu phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại. Luật Du lịch năm 2017 cũng khẳng định: “Nhà nước có chính sách trong việc khuyến khích hỗ trợ các hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại phục vụ quản lý và phát triển du lịch”[29]. Đặc biệt, lần đầu tiên thuật ngữ “du lịch thông minh” được nhắc đến trong một văn bản pháp quy của Việt Nam là Chỉ thị số 16/2017/CT-TTg với nội dung: “… ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh”.

Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam đã có website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch. Các khách sạn, nhà hàng, điểm du lịch đã có wifi miễn phí và dịch vụ này đang được nhiều địa phương triển khai. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã phối hợp với các tập đoàn viễn thông nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng nhiều phần mềm, tiện ích thông minh như tiện ích về bản đồ, tìm đường, trạm xe buýt, Travel Guide, đặc biệt là các tỉnh, thành phố lớn được coi là trung tâm du lịch của cả nước. Năm 2018, Hà Nội đã đưa vào sử dụng hai phần mềm tiện ích thông minh hỗ trợ du khách gồm hệ thống thuyết minh tự động tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám và phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng thành Thăng Long. Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào sử dụng một số trạm thông tin du lịch thông minh, sử dụng phần mềm du lịch thông minh “Vibrant Ho Chi Minh city”, “Sai Gon Bus”, “Ho Chi Minh City Travel Guide”, “Ho Chi Minh City Guide and Map” nhằm hướng tới mục tiêu đưa thành phố trở thành đô thị du lịch thông minh. Đà Nẵng cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào phát triển du lịch, đặc biệt năm 2018 đã đưa vào sử dụng ứng dụng Chatbot “Da Nang Fantasticity”, công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á[30]. Tuy nhiên, sự phát triển mới chỉ là tự phát, thiếu đồng bộ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực, sự nhận thức còn hạn chế...

Để góp phần khắc phục thực trạng này tại Việt Nam, có thể nghiên cứu áp dụng các chính sách và bước đi của Hàn Quốc trong phát triển du lịch thông minh. Thứ nhất, cần xây dựng chính sách đặc thù phát triển du lịch thông minh, cụ thể hóa bằng các văn bản quy định, hướng dẫn, các chiến lược hoặc kế hoạch làm cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý để triển khai phát triển du lịch thông minh đồng bộ giữa trung ương và địa phương, các ban ngành, doanh nghiệp. Thứ hai, du lịch thông minh là du lịch được phát triển trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin truyền thông, đây là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch thông minh. Ngành công nghệ thông tin của Việt Nam được đánh giá là tương đương với nhiều quốc gia phát triển, tuy nhiên, mức độ sẵn sàng về công nghệ để phát triển du lịch thông minh ở Việt Nam chưa cao, trong khi đó, trình độ về công nghệ thông tin cũng còn hạn chế, chưa có nhiều nhân lực chất lượng cao để nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm ưu việt ứng dụng vào du lịch, ngành du lịch cũng chưa có các chính sách thu hút nhân lực có trình độ cao về công nghệ vào làm việc trong ngành du lịch. Thứ ba, cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch thông minh.

Cũng như nhiều quốc gia khác phát triển về du lịch, Hàn Quốc đã triển khai du lịch thông minh dưới nhiều hình thức khác nhau với mục tiêu tạo điểm nhấn và lợi thế cạnh tranh. Với lợi thế là nước có ngành công nghệ thông tin và truyền thông phát triển, là một trong những nước tiên phong sử dụng công nghệ thông tin tiên tiến vào phát triển du lịch, đặc biệt, sự thay đổi trong nhận thức của chính phủ đối với du lịch thông minh, sự kết hợp giữa các bên liên quan trước những thay đổi, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hàn Quốc đã gặt hái được nhiều thành công trong phát triển du lịch thông minh. Do đó, những kinh nghiệm từ Hàn Quốc sẽ giúp Việt Nam trong việc học hỏi, khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông tiên tiến để phát triển du lịch thông minh, tạo ra diện mạo mới cho ngành du lịch của Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Gretzel, U. (2011), “Intelligent systems in tourism: a social science perspective”, Annals of Tourism Research, 38 (3).
  2. Gretzel, U. et al. (2015), “Smart tourism: foundations and developments”, Electron Markets, 25, 3.
  3. Li, Y., Hu, C., Huang, C., & Duan, L. (2017), “The concept of smart tourism in the context of tourism information services”, Tourism Management, Vol. No. 58.
  4. J. Hwang, H. Y. Park, and W. C. Hunter (2015), “Constructivism in smart tourism research: Seoul destination image”, Asia Pacific Journal of Information Systems, Vol.25, No.1.
  5. Taehyee Um, Namho Chung (2019), “Does smart tourism technology matter? Lessons from three smart tourism cities in South Korea”, https://www.tandfonline.com/loi/ra pt20.
  6. 최자은 (2013), 스마트관광의 추진현황 및 향후과제, 한국문화관광연구원 (Choi Ja-eun, Thực trạng xúc tiến du lịch thông minh và các nhiệm vụ trong tương lai, Viện Nghiên cứu du lịch văn hóa Hàn Quốc).
  7. 구철모,김정현, 정남호(2014), “스마트 관광 생태계의 이론화와 활용”, Information Systems Review, 16(3), 69-87 (Koo Chul-mo, Kim Jung-huyn, Chung Nam-ho,  “Lý thuyết hóa và sử dụng hệ sinh thái du lịch thông minh”, Information Systems Review).
  8. 최은희 (2017), 국내 스마트관광 사례분석과 시사점, K I E T 산 업 경 제 (Choi Eun Hee, Phân tích trường hợp du lịch thông minh trong nước và hàm ý, Kinh tế công nghiệp KIET).
  9. 정병옥 (2015), ICT 신기술을 활용한 스마트관광의 추진사례 분석 및 활성화 방안 연구, 한국콘텐츠학회논문지, 15 Vol. 15 No. 11 (Byeong-Ok Jeong, Nghiên cứu phương án phát triển du lịch thông minh thông qua phân tích trường hợp về du lịch thông minh sử dụng công nghệ thông tin mới).

 



[1] ThS., Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

[2] Gretzel, U. et al. (2015), “Smart tourism: foundations and developments”, Electron Markets, 25, 3, pp. 179–188.

[3] Yalcınkaya, P., Atay, L., & Korkmaz, H. (2018), “An Evaluation on Smart Tourism”, China - USA Business Review, Vol. No. 17(6), p. 308-315, https://doi.org/10. 17265/ 1537-1514/2018.06.004.

[4] Li, Y., Hu, C., Huang, C., & Duan, L. (2017), “The concept of smart tourism in the context of tourism information services”, Tourism Management, Vol. No. 58, p. 293- 300.

[5] 이정희 외 (2012), 스마트관광을 중심으로 관광정보론, 새로미 (Lee Jung-hee và cộng sự (2012), Lý thuyết thông tin du lịch với trọng tâm là du lịch thông minh, Nxb Seromi).

[6] 최자은 (2013), 스마트관광의 추진현황 및 향후과제, 한국문화관광연구원 (Choi Ja-eun, Thực trạng xúc tiến du lịch thông minh và các nhiệm vụ trong tương lai, Viện Nghiên cứu du lịch văn hóa Hàn Quốc).

[7] 구철모,김정현,정남호 (2014), 스마트 관광 생태계의 이론화와 활용 (Koo Chul-mo, Kim Jung-huyn, Chung Nam-ho,  “Lý thuyết hóa và sử dụng hệ sinh thái du lịch thông minh”, Information Systems Review, 16 (3), 69-87).

[8] UNWTO (2015), “Understanding Tourism: Basic Glossary”, http://media.unwto.org/en/content/understan ding-tourism-basic-glossary.

[9] Buhalis, D.; Amaranggana (2013), “A smart tourism destinations”, in Information and Communication Technologies in Tourism 2014, Springer: Cham, Switzerland, pp. 553-564.

[10] Koo Chul-mo, Kim Jung-huyn, Chung Nam-ho, “Lý thuyết hóa và sử dụng hệ sinh thái du lịch thông minh”, Tlđd.

[11] 문화체육관광부 (2011), 제3차 관광개발기본계획 (2012-2021) (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch cơ bản phát triển du lịch lần thứ 3), http:// www.mcst.go.kr/kor/s_policy/dept/deptView.jsp?pSeq=620&pDataCD=0417000000&pType=05.

[12] 한국관광공사 (2016), 관광진흥 5개년 계획 (2016~2020) (Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, Kế hoạch 5 năm phát triển du lịch (2016-2020), http://archives.go.kr/ next/search/listSubjectDescription.do?id=005684&sitePage=1-2-1.

[13] 미래창조과학부 (2014), 2013년도 연구개발활동조사보 고서 (Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Kế hoạch tương lai, Báo cáo hoạt động nghiên cứu và phát triển năm 2013).

[14] 문화체육관광부, 한국관광공사 (2020), 스마트관광도시 시범조성 사업 - 스마트관광거리 조성- 공모안내서 (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, Dự án xây dựng thí điểm đô thị thông minh-xây dựng khu phố thông minh).

[15] 한국관광진흥법 (Luật chấn hưng du lịch Hàn Quốc), cập nhật ngày 15/6/2021.

[16] Ulrike Gretzel, Marianna Sigala, Zheng Xiang, and Chulmo Koo (2015), “Smart tourism: foundations and developments”, Electron Markets Vol. 25, No.179.

[17] J. Hwang, H. Y. Park, and W. C. Hunter (2015), “Constructivism in smart tourism research: Seoul destination image”, Asia Pacific Journal of Information Systems, Vol.25, No.1, pp.163-178.

[18] 제주특별자치도 (2017), 제주특별자치도 스마트관광 생태계 구축 전략 (Tỉnh tự trị đặc biệt Jeju, Chiến lược xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tỉnh tự trị đặc biệt Jeju).

[19] 최은희 (2017), 국내 스마트관광 사례분석과 시사점, K I E T 산 업 경 제 (Choi Eun Hee, Phân tích trường hợp du lịch thông minh trong nước và hàm ý, Kinh tế công nghiệp KIET).

[20] Busan Metropolitan City (2017), The 6th Busan tourism development plan summary report 2017.

[21] 구철모, 신승훈, 김기헌, 정남호 (2015), 스마트 관광 발전을 위한 사례 분석 연구: 한국관광공사 사례, 한국콘텐츠학회논문지, 15 Vol. 15 No. 8 (Koo Chul-mo, Shin Seung-hun, Kim Kee-hun, Chung Nam-ho, “Phân tích nghiên cứu điển hình về du lịch thông minh: Trường hợp du lịch thông minh của Tổng cục du lịch Hàn Quốc”, Tạp chí Hiệp hội nội dung Hàn Quốc, Tập 15, số 8).

[22] Dẫn theo Trịnh Thị Thu, Bùi Đức Hùng (2017), “Xu hướng lựa chọn mô hình du lịch thông minh ở Việt Nam dưới tác động của cuộc các mạng công nghiệp 4.0”, Tạp chí Khoa học xã hội miền Trung, số 6 (50)-2017.

[24] 이현애,구철모, 정남호 (2020), 스마트관광의 경제적 파급효과: 산업연관모델을 활용하여, 한국호텔관광 학회, 호텔관광연구 2020 제22권 제2호 (통권83호) pp.1-12 (Lee Hyun-ae, Koo Chul-mo, Chung Nam-ho, “Tác động kinh tế của du lịch thông minh: Phân tích sử dụng mô hình đầu vào-đầu ra”, Hiệp hội du lịch khách sạn Hàn Quốc, Nghiên cứu du lịch khách sạn, số 2 quyển 2 năm 2020).

[25] Gretzel, Werthner, Koo, & Lamsfus (2015), Conceptual Foundations for Understanding Smart Tourism Ecosystems. Computers in Human Behavior, forthcoming

[26] 한국관광공사 보도자료 (2017), “한국관광공사 스마트투어가이드, 앱 200만건 다운로드 기념 이벤트 실시”, 2017.5.9 (Tổng cục Du lịch Hàn Quốc, tài liệu công bố, Lễ kỷ niệm 2 triệu lượt tải xuống ứng dụng Smart Tour Guide, ngày 9/5/2017).

[27] 정남호 (2016), “지역경제를 활성화시키는 스마트관광”, 지역정보화지, 제99호, pp.18~21, 한국지역정보개발원 (Chung Nam-ho, “Du lịch thông minh thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực”, Tạp chí Thông tin hóa khu vực, Số 99, tr. 18-21, Viện Nghiên cứu và phát triển thông tin khu vực Hàn Quốc).

[28] 채예병 (2006), “한류가 한국관광이미지에 미치는 영향 연구-일본인 관광자들을 대상으로”, 관광정책학 연구, 제12권, pp.63-77 (Chae Ye-byung, “Nghiên cứu về tác động của Hàn lưu đối với hình ảnh du lịch Hàn Quốc, trọng tâm nghiên cứu là khách du lịch Nhật Bản”, Nghiên cứu chính sách du lịch học, quyển 12, tr. 63-77).

[29] Khoản 4, Điều 5, Luật Du lịch 2017, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành năm 2017.

[30] “Du lịch thông minh là xu thế tất yếu”, Thời báo Ngân hàng, https://thoibaonganhang.vn/ du-lich-thong-minh-la-xu-the-tat-yeu-84484.html.

 

0thảo luận