Trang chủ

Chính sách “Ngoại giao vaccine” của Trung Quốc và sự tác động của nó đến Đài Loan

Đăng ngày: 6-03-2023, 22:50 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 11

Phan Thị Diễm Huyền1


Tóm tắt: Cuối năm 2019, “cơn địa chấn” mang tên Covid-19 đã khiến Trung Quốc cũng như cả thế giới chao đảo. Mặc dù không phải là quốc gia đầu tiên thử nghiệm thành công vaccine Covid-19, nhưng Trung Quốc đã và đang đẩy nhanh tốc độ sản xuất vaccine, cung cấp số lượng lớn vaccine cho các nước đang phát triển thông qua chính sách “ngoại giao vaccine”. Chính sách ấy trên thực tế đã mang lại nhiều lợi ích cho các nước khác cũng như nâng cao vị thế của Trung Quốc trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, trong quan hệ với Đài Loan, việc Trung Quốc thúc đẩy “ngoại giao vaccine” đã phần nào tác động đến tình hình chính trị và ngoại giao của vùng lãnh thổ này.

Từ khóa: Ngoại giao vaccine, Trung Quốc, Đài Loan

1. Mở đầu

Trước mối đe dọa của đại dịch Covid-19, ngày 24 tháng 2 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ủy ban châu Âu, Pháp và Quỹ Bill Gates đã phối hợp khởi động “Sáng kiến ACT – Accelerator.[1]Đây là một chương trình hợp tác toàn cầu mang tính đột phá nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển và phân phối công bằng vaccine, cung cấp các phương pháp chẩn đoán và trị liệu nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 ở tất cả các quốc gia, đồng thời đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng cho các quốc gia trên thế giới. Trong số đó, đối với việc sản xuất vaccine, WHO, Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) cũng đã hợp tác thành lập “Cơ chế Tiếp cận toàn cầu (COVAX)”. Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc, đất nước tỷ dân đã nhanh chóng bắt tay vào quá trình nghiên cứu và phát triển vaccine. Trung Quốc là nước đầu tiên chia sẻ trình tự gen đầy đủ của virus corona mới với thế giới, giúp các nước nhanh chóng bắt đầu nghiên cứu và phát triển vaccine, từ đó đẩy mạnh chính sách “ngoại giao vaccine” trên toàn cầu. Bài viết phân tích, đánh giá chính sách “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc; nêu lên những tác động từ chính sách “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc đến vùng lãnh thổ Đài Loan.

2. Chính sách “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc

2.1. Mục tiêu của chính sách

Chính sách “ngoại giao vaccine” được Trung Quốc đưa ra thể hiện vai trò và trách nhiệm của một “cường quốc hào phóng”. Trung Quốc coi đây là công cụ để thực hiện các hoạt động mang tính chất ngoại giao có tính toán, là động lực quan trọng góp phần gia tăng vị thế quốc tế của Trung Quốc[2]. Mục tiêu của Trung Quốc là đưa vaccine trở thành sản phẩm công cộng toàn cầu, thực sự trở thành vaccine cho người dân trên thế giới và giúp thế giới vượt qua đại dịch trong thời gian sớm nhất. Trong buổi họp báo ngày 29 tháng 7 năm 2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh: “vaccine là vũ khí để đánh bại dịch bệnh, không phải là công cụ để đạt được lợi ích chính trị, cũng không phải là cái cớ để tấn công và làm mất uy tín của các quốc gia khác. Từ đầu năm 2021, trước nhu cầu tiêm chủng quy mô lớn ở trong nước, Trung Quốc đã đề cao khái niệm cộng đồng vì tương lai chung cho nhân loại và đã nỗ lực hết sức để cung cấp vaccine cho thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển với tổng số hơn 700 triệu liều. Các hành động của Trung Quốc đã kịp thời giúp hơn 100 quốc gia chống lại dịch bệnh mà không có ràng buộc chính trị nào. Nếu coi đây là ngoại giao vaccine, thì chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc rất phổ biến và vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế”[3].

2.2 Nội dung của chính sách

Thứ nhất, về phạm vi “ngoại giao vaccine”, Trung Quốc bắt đầu triển khai thực hiện chính sách với hình thức mở rộng đối tượng tiêm vaccine cho người nước ngoài tại Trung Quốc. Cả hai Cơ quan đối ngoại Bắc Kinh và Thượng Hải đều đưa ra thông báo rằng, người nước ngoài trên 18 tuổi ở Bắc Kinh và Thượng Hải có thể được tiêm vaccine do Trung Quốc sản xuất với yêu cầu là “có đơn xin tự nguyện tiêm chủng, được sự đồng ý và tự chịu rủi ro”[4]. Sau đó, từ tháng 9/2020, Trung Quốc đã cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển có nhu cầu. Vào ngày 9 tháng 10 năm 2020, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo đã ký thỏa thuận với GAVI để chính thức gia nhập cơ chế COVAX, cam kết rằng sau khi việc phát triển vaccine của Trung Quốc hoàn thành thì sẽ ưu tiên đưa vào sử dụng cho chiến dịch tiêm chủng mở rộng của các nước, vaccine sẽ được phân phối công bằng và hợp lý trên phạm vi toàn cầu, không bỏ rơi mọi quốc gia hay cá nhân và thực sự trở thành vaccine cho người dân. Ngay sau khi vaccine Sinopharm của Trung Quốc được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp thì vào ngày 31 tháng 5 năm 2021, Công ty dược phẩm Sinopharm đã bắt đầu cung cấp vaccine cho chương trình COVAX, tạo cơ hội và điều kiện cho các nước được tiếp cận vaccine một cách công bằng. Phạm vi “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc đã được mở rộng từ châu Á, châu Phi sang cả Nam Mỹ, thậm chí là cả châu Âu.

Thứ hai, về cách thức triển khai “ngoại giao vaccine”, ngoài việc cung cấp vaccine, Trung Quốc còn tuyên bố sẽ hỗ trợ kinh phí để các nước trên thế giới có thể tiếp cận được với nguồn vaccine toàn cầu. Tại Lễ khai mạc hội nghị truyền hình Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 73, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc sẽ cung cấp 2 tỷ USD viện trợ quốc tế trong vòng hai năm để hỗ trợ cuộc chiến chống lại dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế và xã hội ở các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt là các nước đang phát triển[5]. Ngoài ra, đối với các nước nghèo ở khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc đã cung cấp khoản vay 1 tỷ đô la Mỹ để giúp các nước Mỹ Latinh có được vaccine. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tăng cường hợp tác quốc tế trong sản xuất vaccine. Trung Quốc là nước đầu tiên hợp tác với các nước đang phát triển trong sản xuất vaccine. UAE, Ai Cập, Indonesia và Brazil đều đã trở thành những quốc gia đầu tiên trong khu vực có năng lực sản xuất vaccine mới. Indonesia đang sản xuất Sinovac’s CoronaVac thông qua công ty BioFarma. UAE đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III đối với vaccine Sinopharm và đã xây dựng năng lực sản xuất vaccine nội địa với tên Hayat-Vax, một sự hợp tác chung giữa Tập đoàn Sinopharm và Abu Dhabi’s G42. Hay như Pakistan có kế hoạch sản xuất vaccine CanSino thông qua chuyển giao công nghệ. Brazil đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với Sinovac và bắt đầu sản xuất vaccine này. Tuy nhiên, việc sản xuất đã bị tạm dừng vào tháng 5/2021 do nguồn nguyên liệu thô từ Trung Quốc bị gián đoạn[6].

2.2. Kết quả của chính sách

Với chính sách “ngoại giao vaccine” mở rộng, phạm vi triển khai trải dài từ châu Á, châu Phi sang cả Nam Mỹ và châu Âu, vaccine Covid-19 của Trung Quốc đã được chuyển đến hơn 60 quốc gia để sử dụng khẩn cấp, bao gồm 5 quốc gia ở khu vực lân cận của Ấn Độ, 27 quốc gia châu Phi, 12 quốc gia ở Tây và Trung Á, 12 quốc gia ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương, 15 quốc gia ở Mỹ Latinh và đã ký các thỏa thuận cung cấp vaccine cho hơn 20 quốc gia nữa. Trong số đó, châu Á - Thái Bình Dương nhận được số lượng vaccine Trung Quốc nhiều nhất, với 38 quốc gia mua hoặc nhận tài trợ từ Trung Quốc. Mỹ Latinh nhận được số lượng vaccine Trung Quốc nhiều thứ hai với 19 quốc gia. Đứng thứ ba là châu Phi có tới 33 quốc gia mua hoặc nhận tài trợ vaccine từ Trung Quốc. Đặc biệt, Trung Quốc đã tài trợ một số lượng lớn vaccine cho các nước Đông Nam Á là Brunei, Campuchia, Lào, Philippines và Myanmar và đã bán vaccine cho Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Indonesia là khách hàng lớn nhất của vaccine Trung Quốc ở Đông Nam Á và nước này đã mua 125 triệu liều vaccine từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ sinh học Kexing Holdings. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết, nước này đã nhận được 2.500 liều vaccine của Kexing. Campuchia đã nhận được hơn 2,2 triệu liều vắc xin do Tập đoàn Sinopharm Trung Quốc sản xuất. Khoảng 41% dân số Campuchia đã được tiêm phòng, và tỷ lệ tiêm phòng chỉ đứng sau Singapore ở Đông Nam Á[7].  Ở các nước như Sri Lanka, Nepal và Bangladesh, Trung Quốc đã phải cạnh tranh với Ấn Độ, bởi vì những nước này ưa chuộng vaccine của Ấn Độ hơn. Tuy nhiên, nhiều nước trong khu vực đang chuyển sang vaccine Trung Quốc khi Ấn Độ đã tạm dừng cung cấp vaccine toàn cầu do tình trạng thiếu hụt nguồn vaccine phục vụ nhu cầu tiêm chủng trong nước. Trung Quốc còn tập trung nỗ lực vào việc cung cấp vaccine cho các nước châu Phi, chủ yếu thông qua cơ chế ​​COVAX. Trung Quốc cũng đã tài trợ vaccine Sinopharm cho các nước Zimbabwe, Mozambique và Namibia thông qua thỏa thuận song phương. Đối với các nước châu Âu không mua được vaccine ở châu Âu và Mỹ cũng đã chuyển sang đặt mua vaccine của Trung Quốc. Hungary cũng đã ký hợp đồng với Tập đoàn Sinopharm để mua 1 triệu liều vaccine, các quan chức Hungary thậm chí còn tuyên bố các vaccine của châu Âu sản xuất và phân phối quá chậm[8]. Một số quốc gia ở Trung và Đông Âu như Belarus, Bosnia và Herzegovina, Montenegro, Bắc Macedonia và Ukraine đã đưa ra đề nghị với Trung Quốc về việc cung cấp nguồn vaccine cho các nước này.

Về việc thúc đẩy hợp tác sản xuất vaccine, vào tháng 6/2021, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chủ trì Hội nghị cấp cao “Vành đai và Con đường” về hợp tác quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại Hội nghị này, Trung Quốc và 28 quốc gia cùng đưa ra sáng kiến ​​hợp tác vaccine “Vành đai và Con đường”, ủng hộ việc tăng cường hợp tác hỗ trợ, xuất khẩu và sản xuất chung vaccine phòng Covid-19. Trước đó vào cuối năm 2020, Trung Quốc đã cam kết sẽ cung cấp vaccine cho hơn 80 quốc gia theo sáng kiến “Con đường tơ lụa y tế” – một sáng kiến ngoại giao mới nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Và thực tế, theo một báo cáo vào tháng 4/2021 của Think Global Health, trong số 56 quốc gia mà Trung Quốc cam kết cung cấp vaccine thì có 55 quốc gia là tham gia BRI. Đó dường như là một phương thức để Trung Quốc đảm bảo rằng các quốc gia đó sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ và cho phép các dự án kết nối và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc được hoạt động trên lãnh thổ của họ. Không chỉ có vậy, chính sách “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc còn được nhấn mạnh trong Diễn đàn quốc tế về hợp tác vaccine phòng Covid-19 đã được tổ chức dưới hình thức trực tuyến vào ngày 5 tháng 8 năm 2021. Chủ đề của hội nghị lần này là “Tăng cường hợp tác quốc tế về vaccine và thúc đẩy phân phối vaccine công bằng và hợp lý trên toàn cầu”. Ngoại trưởng Vương Nghị chủ trì cuộc họp và ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc không tìm kiếm bất kỳ mục tiêu chính trị nào trong hợp tác vaccine quốc tế, không có bất kỳ tính toán kinh tế nào và không bao giờ đưa ra bất kỳ điều kiện chính trị nào. Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác sâu rộng trong chuyển giao công nghệ và năng lực sản xuất với các nước đang phát triển, hỗ trợ WHO đưa ra quyết định sớm về việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng Covid-19 mới và tài trợ 100 triệu USD cho “Kế hoạch triển khai vaccine phòng Covid-19”[9]. Đây là một động thái lớn của Trung Quốc nhằm thực hiện chính sách “ngoại giao vaccine” mở rộng, đồng thời nó cũng sẽ tạo ra đóng góp mới của Trung Quốc trong hợp tác chống dịch toàn cầu.

  1. 3. Tác động từ chính sách “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc đến Đài Loan

Trong thời gian đầu khi thế giới chứng kiến sự lây lan nhanh của virus corona mới thì Đài Loan vẫn kiểm soát được số ca mắc dưới 100 ca mỗi ngày. Đài Loan được coi là hình mẫu chống dịch thành công bậc nhất thế giới nhờ vào chiến lược truy vết, cách ly hiệu quả. Tuy nhiên, chính việc thành công trong giai đoạn đầu chống dịch đã khiến người dân và chính quyền Đài Loan có tâm lý chủ quan, nới lỏng các biện pháp kiểm dịch, thêm vào đó là tỷ lệ tiêm chủng toàn dân rất thấp[10]. Chính bởi lẽ đó, sau 8 tháng không Covid-19, từ tháng 4/2021, một đợt lây nhiễm lớn nhất so với trước đây ở Đài Loan đã buộc chính quyền hòn đảo này phải có những hành động nhanh chóng và kịp thời, trước hết là tìm nguồn cung vaccine để tiêm cho người dân. Kể từ giữa tháng 5/2021, Đài Loan đã cố gắng đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tuy nhiên, hòn đảo này phải đối mặt với một trở ngại lớn do thiếu nguồn vaccine sẵn có. Mặc dù Đài Loan đã đặt hàng khoảng 20 triệu liều từ nước ngoài, nhưng cho đến tháng 6/2021, họ mới chỉ nhận được 726.600 liều từ AstraZeneca và 150.000 liều từ Moderna[11]. Trước diễn biến mới về tình hình chống dịch tại Đài Loan, Trung Quốc cũng đã thúc đẩy triển khai “ngoại giao vaccine” dưới nhiều hình thức, từ đó tác động không nhỏ đến hòn đảo này.

Thứ nhất, tác động đến nguồn cung vaccine của Đài Loan. Chính quyền bà Thái Anh Văn cho rằng, Bắc Kinh phải chịu một phần trách nhiệm về những khó khăn trong việc mua vaccine của hòn đảo này, khiến vaccine Covid-19 trở thành điểm nóng chính trị mới nhất giữa hai bên. Thay vì phải đàm phán với Bắc Kinh, chính quyền Đài Loan muốn giao dịch trực tiếp với các nhà sản xuất, đặc biệt là các công ty của Mỹ và Đức đứng sau Pfizer-BioNTech. Nhưng những nỗ lực này đã thất bại, mặc dù các cuộc đàm phán dường như đang tiến triển tốt. Pfizer đã ký hợp đồng phân phối vaccine với Trung Quốc đại lục, bao gồm cả Đài Loan. Vì vậy, rất có thể các cuộc đàm phán mới của Đài Loan sẽ gặp trở ngại bởi Trung Quốc. Đài Loan dường như đang rơi vào tình trạng bế tắc, đứng giữa “ngã ba đường”. Bởi lẽ, nếu chấp nhận các vaccine có trong hợp đồng của Trung Quốc đại lục với Pfizer vô hình chung công nhận rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc, mặt khác không chấp nhận thỏa thuận vaccine đó thì tình trạng thiếu hụt vaccine của hòn đảo này càng trở nên nghiêm trọng hơn. Sau khi các cuộc đàm phán với nhà sản xuất BioNTech của Đức thất bại vào tháng 5/2021, phát ngôn viên của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã phát biểu: “Khả năng tiếp cận vaccine của Đài Loan tiếp tục bị chậm lại do sự can thiệp của Trung Quốc”[12]. Thêm vào đó, việc Mỹ và Nhật Bản viện trợ vaccine cho Đài Loan lại vấp phải sự phản đối và chỉ trích từ phía Bắc Kinh. Vào ngày 4 tháng 6 năm 2021, Nhật Bản thông báo rằng họ đã gửi khoảng 1,24 triệu liều vaccine AstraZeneca để đáp ứng nhu cầu cấp bách của hòn đảo này. Tiếp ngay sau đó, vào ngày 6 tháng 6, trong chuyến thăm tới Đài Loan, ba thượng nghị sĩ Mỹ đã thông báo Chính phủ Hoa Kỳ sẽ phân phối 750.000 liều vaccine cho Đài Loan. Không lâu sau, số tiền quyên góp thực tế đã tăng lên 2,5 triệu liều và được chuyển đến Đài Loan vào ngày 21 tháng 6 năm 2021.

Thứ hai, tác động đến sự bất ổn trong nội bộ xã hội và chính trị Đài Loan. Vào ngày 24 tháng 5 năm 2021, Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc cho biết, Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng cung cấp cho Đài Loan vaccine như một công cụ để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế hiện nay tại hòn đảo này. Đặc biệt vào ngày 11 tháng 6, Trung Quốc còn tuyên bố sẽ mời người dân Đài Loan đến đại lục để họ có thể được tiêm chủng. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã dứt khoát từ chối lời đề nghị, vì tin rằng lời đề nghị đó sẽ đi kèm với những ràng buộc và là một cách để Bắc Kinh thiết lập ưu thế của mình đối với hòn đảo này. Ngoài những khác biệt về chính trị giữa hai bờ eo biển, Đài Loan còn đặt câu hỏi về tính hiệu quả và an toàn của vaccine Trung Quốc. Vào cuối tháng 5/2021, Đài Loan đã tiến hành một cuộc thăm dò dư luận cho thấy 86% người Đài Loan từ chối tiêm vaccine của Trung Quốc[13]. Tuy nhiên, nếu như chính quyền bà Thái Anh Văn kiên quyết không chấp nhận vaccine của Trung Quốc, cũng như vaccine theo thỏa thuận của Trung Quốc với công ty Pfizer thì một số nhân vật chính thuộc đảng đối lập đã lên tiếng yêu cầu bà phải chấp nhận lời đề nghị của Trung Quốc. Thậm chí Quốc dân Đảng sau đó còn phát động một chiến dịch trên mạng xã hội với thông điệp rõ ràng đó là “Đài Loan cần vaccine” và liên tục gây áp lực lên chính quyền bà Thái Anh Văn. Theo điều tra tỷ lệ ủng hộ bà Thái Anh Văn đã giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn khoảng 40% trong 12 tháng kể từ khi bà tái đắc cử vào tháng 5/2020[14] và chính quyền của bà đang phải hứng chịu sức nóng chính trị vì dịch bệnh bùng phát và tình trạng thiếu hụt vaccine. Chính những bất ổn trong nội bộ đó đòi hỏi chính quyền bà Thái Anh Văn phải ngay lập tức đưa ra những kế hoạch và chiến lược mới nhằm trấn an lòng dân và giúp hòn đảo vượt qua cuộc khủng hoảng y tế này. Trước tình hình đó, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã thúc đẩy việc sản xuất và đưa vào sử dụng hai loại vaccine nội địa bắt đầu từ tháng 7/2021. Đồng thời, Đài Loan đang nỗ lực mua thêm vaccine từ các quốc gia khác.

Thứ ba, tác động đến hệ chính trị - ngoại giao của Đài Loan với các nước đồng minh. Đài Loan hiện có quan hệ ngoại giao với 14 quốc gia và Tòa thánh Vatican, trong đó bao gồm 4 nước ở Thái Bình Dương (Marshall Islands, Palau, Republic of  Nauru, Tuvalu), 1 nước ở châu Phi (Eswatini), 9 nước ở Mỹ Latinh và vùng Caribbean (Belize, Republic of Guatemala, Haiti, Republic of Honduras, Nicaragua, Republic of Paraguay, St. Kitts and Nevis, Saint Lucia, St. Vincent & the Grenadines). Ngay khi thế giới chứng kiến nhu cầu vaccine ngày càng tăng, với việc COVAX và các nước phương Tây không thể đáp ứng đủ nhu cầu vaccine của khu vực Mỹ Latinh, Trung Quốc ngay lập tức viện trợ 1 triệu liều vaccine, bán gần 280 triệu liều và giao gần 66 triệu liều cho khu vực này[15]. Vào tháng 4/2021, Paraguay là quốc gia duy nhất có quan hệ ngoại giao với Đài Loan ở Nam Mỹ có kế hoạch mua vaccine từ Trung Quốc vì dịch bệnh trong nước ngày càng trầm trọng và việc tìm kiếm vaccine ở nước ngoài không có kết quả, điều này đã gây ra một cuộc xáo trộn ngoại giao lớn. Ngoại trưởng Paraguay đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng, Mỹ và Đài Loan “phải” đáp ứng nhu cầu về vaccine của Paraguay và ông cũng tuyên bố rằng Trung Quốc đang “rất quan tâm” đến việc hợp tác với Paraguay. Trước sức ép từ Paraguay cũng như mối đe dọa từ “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc, sau nhiều cuộc đàm phán, vào ngày 22 tháng 4, Bộ Ngoại giao Paraguay thông báo Đài Loan sẽ cung cấp 16,5 triệu USD để hỗ trợ Paraguay mua vaccine từ Ấn Độ. Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng tuyên bố rằng một khi vaccine nội địa của Đài Loan bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ ba trên người và được cấp phép sử dụng khẩn cấp thì Đài Loan sẵn sàng xuất khẩu vaccine cho Paraguay. Không chỉ có Paraguay, vào tháng 5/2021 Honduras cũng đã tuyên bố rằng, họ có ý định sử dụng vaccine Covid-19 của Trung Quốc và có thể mở Văn phòng thương mại tại Trung Quốc. Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernandez tuyên bố rằng, Chính phủ Honduras sẵn sàng làm mọi thứ có thể để giúp đỡ công dân của mình, và nếu cần thiết, sẵn sàng mở một Văn phòng thương mại ở Trung Quốc, bởi vì điều này mang lại lợi ích thực tiễn tốt nhất cho người dân Honduras”. Hernandez tuyên bố rằng, Honduras sẵn sàng xây dựng một “cầu nối ngoại giao” để mua vaccine của Trung Quốc theo đề nghị từ phía Trung Quốc và đề xuất rằng Mexico, Chile, Argentina hoặc El Salvador có thể giúp Honduras có được vaccine của Trung Quốc.

Qua hai trường hợp của Paraguay và Honduras có thể thấy, trong quá trình Trung Quốc đẩy mạnh “ngoại giao vaccine”, những khó khăn mà ngoại giao Đài Loan phải đối mặt ngày càng rõ ràng. Mặc dù các vấn đề về thiếu hụt vaccine của hai quốc gia đồng minh là Paraguay và Honduras đã được giải quyết và quan hệ ngoại giao song phương cũng không bị ảnh hưởng nhưng rủi ro ngoại giao mà Đài Loan phải đối mặt vẫn tiếp tục tiềm ẩn và căng thẳng chính trị giữa hai bờ eo biển chưa được tháo gỡ.

4. Kết luận

Nhìn nhận năm 2020 là năm của “ngoại giao khẩu trang”, khi các quốc gia chạy đua để đối phó với sự lây lan của virus corona mới thông qua việc cung cấp và hỗ trợ các trang thiết bị, vật tư y tế, thì năm 2021 có thể được ghi nhớ là năm của “ngoại giao vaccine”. Trung Quốc là nơi đầu tiên chứng kiến sự bùng phát của đại dịch Covid-19 và cũng là quốc gia đầu tiên thúc đẩy mạnh mẽ “ngoại giao vaccine”. Cộng đồng thế giới đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong hợp tác chống dịch quốc tế, đặc biệt là hợp tác trong việc phát triển sản xuất vaccine, cam kết đưa vaccine trở thành sản phẩm công cộng toàn cầu, cung cấp vaccine cho thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển. Tuy nhiên, trong quan hệ với vùng lãnh thổ Đài Loan, chính sách “ngoại giao vaccine” Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối gay gắt của hòn đào này. Nhìn chung, vaccine đã trở thành một công cụ ngoại giao để Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng toàn cầu, giành vị trí dẫn đầu về y tế công cộng trên thế giới. Nhưng để chính sách “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc thật sự mang lại lợi ích cho toàn cầu thì mọi toan tính chính trị cần phải được gạt sang một bên, mọi cạnh tranh ảnh hưởng vị thế cần phải bỏ qua. Hay nói cách khác, tất cả các nước đã và đang sản xuất được vaccine cần đoàn kết và tăng cường hợp tác để cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển. Điều đó sẽ góp phần hỗ trợ WHO trong việc thúc đẩy “Kế hoạch triển khai vaccine Covid-19”, tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế trong năng lực sản xuất vaccine, thúc đẩy việc phân phối vaccine toàn cầu một cách công bằng, hợp lý và cùng nhau khắc phục hậu quả của dịch bệnh đem lại, sớm đưa thế giới trở về cuộc sống bình thường mới./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   BBC News (2021), “台灣邦交國面臨中國「疫苗外交」誘惑 中台外交角力不停” (Các nước có quan hệ ngoại giao với Đài Loan đối mặt với sự cám dỗ của “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc), https://www.bbc.com/ zhongwen/trad/chinese-news-57114748.

2.   Helen Davidson (2021), “How Taiwan’s struggle for Covid vaccines is inflaming tensions with China”, https://www.theguardian.com/ world/2021/jun/14/how-taiwan-struggle-for-covid-vaccines-is-inflaming-tensions-with-china.

3.   Purvaja Modak (2021),“China’s Vaccine Diplomacy, the “Health Silk Road” and a Global Pledge”, https://www.futuredire ctions.org.au/publication/chinas-vaccine-diplomacy-the-health-silk-road-and-a-global-pledge/.

4.   Yang Chun-hui and William Hetherington (2021), “COVID-19: Majority against vaccines made in China, DPP polls find” https://www. taipeitimes.com/News/taiwan/archives/ 2021/05/25/2003758012.

5. Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, https://www.mfa.gov.cn/.

 


[1] ThS. Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

[2] Trần Thị Hải Yến (2021), Đối ngoại Trung Quốc năm 2020: nhiều thách thức và trở ngại, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 2/2021, tr. 5.

[3] 中国外交部 (2021), “2021年7月29日外交部发言人赵立坚主持例行记者会” (Bộ Ngoại giao Trung Quốc (2021), “Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên họp báo thường kỳ ngày 29 tháng 7 năm 2021”), https://www.fmprc.gov.cn/web/fyrbt_673021/ t1896050.shtml.

[4]雨涵 (2021), “中国推进疫苗外交阿联酋设厂生产国药疫苗” (Vũ Hàm (2021), “Trung Quốc thúc đẩy ngoại giao vaccine, UAE đẩy mạnh sản xuất vaccine Sinopharm”), https://www.dw.com/zh/中国推进疫苗外交-阿联酋设厂生产国药疫苗/a-57038959

[5] 新华网 (2020), 习近平在第73届世界卫生大会视频会议开幕式上的致辞(全文)(Mạng Tân Hoa (2020), Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Lễ khai mạc Hội nghị truyền hình Đại hội Đồng Y tế Thế giới lần thứ 73 (toàn văn)) http://ww.xinhuanet.com/2020 -05/18/c_1126001593.htm.

[6] Purvaja Modak (2021), “China’s Vaccine Diplomacy, the “Health Silk Road” and a Global Pledge”, https://www. futuredirections.org.au/publication/chinas-vaccine-diplomacy-the-health-silk-road-and-a-global-pledge/.

[7] 黄瑞黎 (2021),“中国疫苗外交受挫,美国或在亚洲打开新局面“ (Hoàng Thụy Lê (2021), “Ngoại giao vaccine của Trung Quốc gây thất vọng, Mỹ có thể mở ra một cục diện mới ở châu Á”)https://cn.nytimes.com/ business/20210820/china-vaccine-us-covid-diplomacy/

[8] 陈仲志 (2021), “全球疫苗竞赛进行式” (Trần Trọng Chí (2021), “Cách thức tiến hành cuộc chạy đua vaccine toàn cầu”), https://www.sef.org.tw/article-2-129-12791.

[9] 中国外交部 (2021), “王毅主持新冠疫苗合作国际论坛首次会议” (Bộ Ngoại giao Trung Quốc (2021), “Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chủ trì cuộc họp đầu tiên của Diễn đàn quốc tế về hợp tác vaccine phòng Covid-19”), https://www.mfa.gov.cn/web/wjbzhd/t1897720. shtml.

[10] Tính đến tháng 6/2021 mới chỉ có hơn 0,1% trong tổng số 23,5 triệu dân Đài Loan được tiêm đủ hai liều vaccine phòng Covid-19.

[11] “Covid-19: Despite a surge in cases, Taiwan resists China’s vaccine diplomacy”, https://www.france24.com/ en/asia-pacific/20210613-covid-19-despite-a-surge-in-cases-taiwan-resists-china-s-vaccine-diplomacy.

[12] “Covid-19: Despite a surge in cases, Taiwan resists China’s vaccine diplomacy”, https://www.france24. com/en/asia-pacific/20210613-covid-19-despite-a-surge-in-cases-taiwan-resists-china-s-vaccine-diplomacy.

[13] Yang Chun-hui and William Hetherington (2021), “COVID-19: Majority against vaccines made in China, DPP polls find”, https://www.taipeitimes.com/ News/taiwan/archives/2021/05/25/2003758012.

[14] Helen Davidson (2021), “How Taiwan’s struggle for Covid vaccines is inflaming tensions with China”, https://www.theguardian.com/world/2021/jun/14/how-taiwan-struggle-for-covid-vaccines-is-inflaming-tensions-with-china.

[15] Bridge (2021), “China COVID-19 Vaccine Tracker”, https://bridgebeijing.com/our-publications/our-publica tions-1/china-covid-19-vaccines-tracker/#China8217s_ Vaccines_Across_Regionsé.

0thảo luận