Trang chủ

Tam quan của người Hàn Quốc qua tục ngữ có yếu tố chỉ con trâu/bò

Đăng ngày: 27-08-2022, 13:01 | Danh mục: Bài viết tạp chí, Năm 2021, Số 1

Tóm tắt: Nhân sinh quan đầy tính nhân văn với triết lí sinh lão bệnh tử của Phật giáo, đạo hiếu của Nho giáo, cái nhìn tích cực về một thế giới rộng lớn và quan niệm đúng đắn về giá trị cho thấy vẻ đẹp tâm hồn, phương thức tư duy và cách tri nhận độc đáo của người Hàn Quốc. Nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan của người Hàn Quốc được thể hiện khá rõ trong kho tàng văn hóa dân gian như thành ngữ, tục ngữ. Qua bức tranh về cuộc sống và tam quan của người Hàn Quốc được phác họa trong ngữ liệu tục ngữ có yếu tố chỉ con trâu/bò*, chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự gần gũi, những nét tương đồng khi liên hệ với cuộc sống của người Việt và văn hóa  Việt Nam.

Từ khóa: nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan, tục ngữ trâu/bò, tiếng Hàn


1. Đặt vấn đề[1]

Trâu/bò là động vật xuất hiện trong hệ đếm các đơn vị thời gian của người xưa được gọi là can chi xuất hiện vào khoảng đầu công nguyên. Thập nhị chi gồm có: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Mỗi chi ứng với một con vật, lần lượt là: chuột, trâu/bò, hổ, mèo/thỏ, rồng, rắn, ngựa, dê/cừu, khỉ, gà, chó, lợn (An Chi, 2018[2]; Phạm Thanh Tịnh, 2013[3]). Thập nhị địa chi được dùng để phối với 10 can hay thập thiên can (gồm có: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý) tạo thành hệ thống đánh số chu kỳ thời gian được dùng phổ biến ở các nước Đông Bắc Á, Việt Nam và một số quốc gia khác trên thế giới.

Thập nhị chi của Hàn Quốc khá đồng nhất với Thập nhị chi của Trung Quốc. Ở Việt Nam, do đặc trưng môi trường và vật nuôi, Trâu được thay cho Bò, Mèo thay cho Thỏ, Dê thay cho Cừu... Trường hợp chi Sửu, trong tiếng Trung là ngưu 牛 (우), trong tiếng Hàn có sự phân biệt 소 bò và 물소 bò nước (tức trâu). Theo học giả An Chi (2018)[4], về sự khác biệt này, có ý kiến cho rằng, người Trung Hoa phải vay mượn của phương Nam danh từ chỉ "con trâu" vì ngộ nhận rằng trâu không sống được ở lưu vực sông Hoàng Hà. Tuy nhiên, người ta tìm thấy những chứng cứ cho thấy từ thời xa xưa, con trâu từng sống ở khu vực này. Trong tiếng Việt và cảm quan của người Việt, Sửu thường tương ứng với trâu (nói tuổi Sửu hoặc tuổi con trâu, chứ không nói tuổi con bò). Mặc dù trâu bò được nhắc tới như một khái niệm chung trong ca dao, tục ngữ, nhưng người Việt Nam cũng có sự phân biệt giữa trâu và bò như yếu trâu hơn khỏe bò; trâu ho hơn bò rống; trâu dắt ra, bò dắt vào…

Nghiên cứu đối chiếu tục ngữ động vật 12 con giáp trong tiếng Hàn - Việt ở Việt Nam bước đầu thu được những thành tựu đáng khích lệ. Có thể kể tới các công trình tiêu biểu sau: Son Sun Yeong (2015)[5] so sánh biểu trưng của 12 con giáp trong tục ngữ tiếng Việt và tiếng Hàn... Gần đây có nghiên cứu của Hoàng Thị Yến, Hoàng Thị Hải Anh (2019)[6] phân tích đặc điểm thẩm mĩ của tục ngữ tiếng Hàn có yếu tố chỉ con giáp, Hoàng Thị Yến, Lâm Thị Hòa Bình, Bae Yang Soo (2020)[7] nghiên cứu về thành tố văn hóa dân tộc Hàn qua ngữ liệu tục ngữ có yếu tố chỉ con chó (trong mối liên hệ với tiếng Việt và tiếng Anh)...

Bài viết hướng tới nhóm tục ngữ tiếng Hàn có yếu tố chỉ con trâu/bò, qua đó, phân tích rõ tam quan, cụ thể là: thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị quan của người Hàn Quốc. Chúng tôi lựa chọn áp dụng phương pháp miêu tả, phân tích thành tố nghĩa theo hướng tiếp cận định tính nhằm giải quyết các nhiệm vụ nêu trên một cách hiệu quả nhất. Thủ pháp so sánh liên hệ với tiếng Việt nhằm làm rõ các điểm tương đồng và khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa giữa hai dân tộc. Nguồn ngữ liệu tục ngữ tiếng Hàn gồm 573 đơn vị tục ngữ có yếu tố chỉ con trâu/bò trong công trình của Song Jae Seun (1997)[8]. Do thuật ngữ tục đàm/tục ngữ (속담 sokdam) trong tiếng Hàn có thể tương ứng với một số đơn vị thành ngữ trong tiếng Việt nên khi liên hệ, chúng tôi viện dẫn cả một số đơn vị thành ngữ (thậm chí một vài đơn vị ca dao) nhằm làm rõ hơn đặc trưng về cách cảm, cách nghĩ của người Việt. Nguồn tư liệu tiếng Việt chủ yếu dựa vào các công trình của Mã Giang Lân (1999)[9], Hoàng Văn Hành (2003)[10], Vũ Ngọc Phan (2008)[11], Nguyễn Lân (2016)[12]...

2. Nhân sinh quan của người Hàn Quốc

Nhân sinh quan được hiểu là "quan niệm thành hệ thống về cuộc đời, về ý nghĩa, mục đích cuộc sống của con người"[13]. Trong tục ngữ tiếng Hàn, nhân sinh quan thể hiện ở quan niệm về đời người với sinh lão bệnh tử, về yếu tố di truyền; quan niệm về cách sống và ứng xử trong quan hệ giữa người với người trong xã hội...

2.1. Quan niệm về đời người

Chịu ảnh hưởng của Phật giáo, tục ngữ tiếng Hàn cho thấy quan niệm về đời người là sinh lão bệnh tử. Con người lúc mới sinh còn yếu đuối, cũng như con bê/nghé mới sinh: 사릅 송아지는 이도 들어보지 말랬다 bê 3 tuổi cũng đừng xem răng. Vì quá nhỏ, nên thường không nhận thức được mối nguy hiểm: 갓난 송아지 범 무서운 줄 모른다 bê mới sinh không biết sợ hổ. Khi mới sinh ra, con người là đứa trẻ. Khi trưởng thành, lớn lên được cha mẹ dựng vợ gả chồng mới thành dâu/rể: 날 적 송아지, 들 적 며느리라 sinh ra mới là bê, lấy chồng mới là dâu; sinh con mới thành cha mẹ...

Trong nguồn ngữ liệu tiếng Hàn xuất hiện không nhiều các đơn vị nói về bệnh tật, chúng tôi chỉ tách ra được hai biểu hiện là: (i) ốm xanh xao: 파린 소에게 파리 끓는다  bò ốm xanh xao thì hấp dẫn ruồi muỗi; (ii) sừng gãy: 오뉴월 더위에 암소 뿔이 물러빠진다 sừng bò gãy rụng bởi cái nóng tháng 5 tháng 6... Tuy nhiên, chúng tôi lại thu thập được khoảng trên 10 đơn vị nói về cái chết với ba nội dung sau:

(1) cảnh báo con người không nên làm việc quá sức trong thời gian dài: 쇠털같이 많은 날에 일만 하다 죽는다 làm việc nhiều ngày như lông bò thì chết: chết do suy kiệt;

(2) con người sống chết vô thường, không thể biết trước: 백장집 소는 저 죽을 날 모른다 bò nhà đồ tể không biết ngày chết của mình: đồ tể giết mổ gia súc nên vật nuôi trong nhà luôn sống trong lo sợ, cận kề nguy hiểm...;

(3) con người đều bình đẳng với nhau trước cái chết, dù chăm chỉ hay lười biếng: 놀다가 죽은 암소나 밭갈이 하다 죽은 황소나, 죽기는 마찬가지다 bò cái chơi rồi chết, bò mộng cày ruộng rồi chết đều là chết cả; dù sang hay hèn, lúc đang ăn/chơi hay khi làm việc chăm chỉ, vất vả: 먹다가 죽은 대장부나 밭갈이하다 죽은 소나 죽기는 마찬가지다 đại trượng phu chết lúc ăn hay bò chết khi cày ruộng cũng như nhau. Tất cả đều trở về với cát bụi: 밭갈이하다 죽은 소나, 놀다 죽은 염소나, 죽으면 저승가기는 일반이다 bò cày ruộng chết, dê chơi đùa chết cũng đều về thế giới bên kia. Người Việt cũng nói: Khi chết không mang theo được gì, dù mộ có xây to cũng không ai gọi là ông lớn mả!

Yếu tố di truyền cũng được thể hiện rõ trong tục ngữ. Tục ngữ Hàn Quốc có câu: 동네 송아지는 이웃집 황소를 닮고, 자식은 아비를 닮는다 bê trong xóm giống bò mộng hàng xóm, con cái giống bố; 송아지만 보아도 소 큰 줄 안다 dù chỉ nhìn bê cũng biết bò lớn. Tuy nhiên, đôi khi cũng có một vài trường hợp đặc biệt, ví dụ như: (i) 검정 소도 흰 송아지를 낳는다 bò đen cũng sinh ra bê trắng; (ii) 못난 소도 좋은 송아지를 낳는다 bò xấu cũng sinh bê đẹp. Người Việt có câu: họ nhà tông không giống lông thì giống cánh, giỏ nhà ai quai nhà nấy, đặc biệt: cẩu phụ sinh hổ tử... Người Hàn Quốc khuyên nên an phận, biết rõ mình đang ở vị trí nào: 우마가 기린 되랴? trâu ngựa thành hươu cao cổ được sao?

2.2. Quan niệm về cách sống và ứng xử, quan hệ

Quan điểm sống của người Hàn Quốc thể hiện trong tục ngữ khá thú vị, đặc biệt trong mối quan hệ giữa việc kiếm tiền và việc tiêu tiền, giữa lao động kiếm sống và hưởng thụ. Người Hàn Quốc khuyên: 소같이 벌어서 쥐 같이 먹어라 hãy kiếm như bò, ăn như chuột: làm việc chăm chỉ nhưng tiêu pha cần tiết kiệm... Cũng giống như vậy, người Việt cho rằng cần phải sống tiết kiệm: thắt lưng buộc bụng... vì năng nhặt mới chặt bị.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: 큰 소만큼 벌면, 큰 소만큼 쓴다 kiếm tiền như bò lớn, tiêu pha như bò lớn: ý nói con người ta không nên sống quá tằn tiện, nên biết hưởng thụ cuộc sống. Quan điểm này cho thấy cái nhìn khá hiện đại, con người sáng suốt không chỉ dừng lại ở nhu cầu đủ ăn, đủ mặc mà còn hướng tới một cuộc sống tốt hơn, có thể ăn ngon mặc đẹp. Ngoài ra, người Hàn Quốc cho rằng ngày tháng còn dài rộng: 쇠 털 같은 세월이다 ngày nhiều như lông bò. Vì vậy, cứ thư thả, nghỉ ngơi đúng mức, đừng nên chỉ biết dốc sức làm việc. Bởi vì, sức người có hạn nên 쇠 털 같이 많은 날에 일만 한다 죽는다 chỉ làm việc nhiều ngày như lông bò sẽ chết... Trong giao tiếp hàng ngày, người Việt cũng có câu nói vui: đừng có cố quá, sẽ quá cố... Hồ Chủ tịch cũng dặn thiếu niên nhi đồng: tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình...

Người Hàn Quốc có cái nhìn rất lạc quan trước những khó khăn, bế tắc: 하늘이 꺼져도 소 도망칠 구멍은 있다 cho dù trời sập thì cũng có lỗ để bò chạy. Người Việt cũng có niềm tin như vậy: Trời không tuyệt đường sống của ai; sông có khúc, người có lúc... Đặc biệt, quan niệm ở hiền gặp lành của người Việt thể hiện rõ tư tưởng luật nhân quả của Phật giáo. Chính vì vậy, người Việt luôn khuyên con cháu nên sống thiện lương, biết tu nhân tích đức...

Chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo với giáo lí: tam cương (quân thần cương, phụ tử cương, phu thê cương), ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), đối với người thân trong gia đình, người Hàn Quốc đề cao đạo hiếu: 소 잡아 제사 지내려고 말고, 살아서 닭 잡아 봉양하랬다 đừng mổ bò cúng giỗ, hãy mổ gà phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống. Người Việt cũng luôn răn dạy con cháu phải biết ơn, giữ tròn đạo hiếu đối với cha mẹ: uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới tròn đạo con...

Trong các mối quan hệ xã hội, để có cách ứng xử phù hợp, người Hàn Quốc khuyên: cần phải cân nhắc mức độ thân sơ, vai vế... của đối tượng: 소 잡아 대접할 손님 있고, 닭 잡아 대접할 손님이 있다 có khách giết bò đãi, có khách thịt gà tiếp. Đặc biệt, nên tránh những trường hợp sau: (i) lãng phí: 개 잡아 할 잔치 소 잡아 한다 bắt bò cho tiệc chỉ cần giết chó; hoặc: (ii) tiết kiệm không đúng chỗ: 소 잡아 잔치할 것을 새 잡아 잔치한다 bắt chim cho tiệc phải mổ bò. Nếu không cẩn thận, có thể mang tiếng là keo kiệt hoặc bị chê trách vì tiếp đãi không chu đáo...

Nhân sinh quan của người Hàn Quốc chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo với triết lí nhân văn, cuộc đời là bể khổ với sinh lão bệnh tử, tinh thần lạc quan với ý thức về luật nhân quả. Ảnh hưởng của Nho giáo thể hiện rõ nhất trong tục ngữ ở bài học giáo huấn về giữ tròn đạo hiếu. Cũng có thể thấy rõ nhận thức đúng đắn của người Hàn cũng như người Việt về lao động và tiêu dùng, hưởng thụ cuộc sống.

3. Thế giới quan của người Hàn

Thế giới quan được hiểu là "quan niệm thành hệ thống về thế giới, về các hiện tượng tự nhiên và xã hội"[14]. Người Hàn Quốc nhìn nhận xã hội chính là trường học cuộc sống mà con người muốn trưởng thành cần phải thâm nhập vào để rèn luyện.

Người Hàn Quốc cho rằng, thế giới rộng lớn và đa dạng. Trong ngữ liệu tục ngữ xuất hiện các hình ảnh sau: (i) 가다보면 중도 보고 소도 본다 đi (ra ngoài) thì sư cũng gặp, bò cũng gặp; (ii) 하루 가다보면 소도 보고, 말도 본다 nếu đi một ngày, thấy bò và thấy cả ngựa... Ngoài ra, các đơn vị tục ngữ cũng bao hàm ý nghĩa: thế giới rộng lớn, xã hội phức tạp. Con người sống trên đời sẽ gặp nhiều chuyện, khi trưởng thành, bước ra đời sống xã hội càng nhiều quan hệ thì sẽ gặp nhiều hạng người... Tương tự như vậy, người Việt nói về trường đời như sau: đi một ngày đàng học một sàng khôn... Trong giao tiếp hàng ngày, các bậc tiền bối thường khuyên: nên đi cho biết đây biết đó; cần phải vươn ra biển lớn...; đừng chỉ ru rú trong nhà, bệnh bại xó bếp...

Mặt khác, người Hàn Quốc châm biếm những người còn ít tuổi hay những người ít tiếp xúc, va chạm xã hội nên tầm nhìn hạn hẹp, ít hiểu biết. Vì thế, nhận thức của họ về thế giới sẽ không chính xác: 큰 소를 못 본 사람은 송아지도 크다고 한다 người không thấy bò lớn thì nói bê cũng to. Hình ảnh này có ý nghĩa tương đương với câu của người Việt: chỉ thấy cây mà không thấy rừng, như ếch ngồi đáy giếng... Cũng chính vì thế mà họ thường không nhận biết được mối nguy hiểm, giống như: 갓난 송아지 범 무서운 줄 모른다 bê mới sinh không biết sợ hổ. Người Việt dùng hình ảnh: điếc không sợ súng, ngựa non háu đá...

Trong phạm vi hạn chế của ngữ liệu tục ngữ có yếu tố chỉ con trâu/bò, tuy chưa đầy đủ nhưng cũng có thế thấy, cũng giống như người Việt, người Hàn Quốc có cái nhìn hướng ra thế giới bên ngoài rộng lớn, coi cuộc đời là trường học để con người mở mang tầm nhìn và các mối quan hệ.

4. Giá trị quan của người Hàn

Trong công trình Từ điển tiếng Việt (2006, tr. 386)[15], các tác giả không đưa vào giải thích khái niệm "giá trị quan" nhưng xuất hiện từ đầu mục "giá trị", ta có thể lược trích 4 nét nghĩa của từ này như sau: "1. Cái làm cho một vật có ích lợi, có ý nghĩa, là đáng quý về một mặt nào đó. Giá trị tinh thần. 2. Tác dụng, hiệu lực. Hợp đồng có giá trị từ ngày kí. 3. Lao động xã hội của những người sản xuất hàng hóa kết tinh trong sản phẩm hàng hóa. 4. Số đo của một đại lượng, hay số được thay thế bằng một kí hiệu. Giá trị của hàm số".

Có thể thấy, nét nghĩa thứ nhất của từ đầu mục phù hợp với nội hàm của khái niệm "giá trị quan", áp vào khuôn định nghĩa của từ đầu mục "nhân sinh quan" đã đề cập ở trên, ta có thể tạm giải thích khái niệm "giá trị quan" như sau: là "quan niệm thành hệ thống về giá trị của sự vật hiện tượng có ích lợi, có ý nghĩa, đáng quí về một mặt nào đó". Ví dụ: Giá trị quan của người Hàn Quốc... Trong nội dung phân tích về giá trị quan của người Hàn trong tục ngữ, trên cơ sở ngữ liệu tục ngữ, chúng tôi đề cập đến: (i) các giá trị được đề cao, (ii) các giá trị bị đánh giá thấp và (iii) các yếu tố ảnh hưởng đến việc xác định giá trị...

4.1. Các giá trị được đề cao

Con trâu/bò là sức kéo, là phương tiện vận chuyển hoặc đi lại của người dân. Vì thế, người Hàn đề cao vai trò "con trâu là đầu cơ nghiệp" - theo cách nói của người Việt - qua câu tục ngữ có phần cường điệu hóa: 농사꾼은 아비 없이는 살아도 소 없이는 못 산다 nhà nông/người làm nông thiếu bố vẫn sống được nhưng không có trâu bò không thể sống được, thậm chí là đề cao trâu/bò đến mức coi 소는 농가의 조상이다 trâu/bò là tổ tiên của nhà nông...

Bò đen 검정 소 được người Hàn yêu thích bởi chất lượng thịt ngon. Không chỉ là khẳng định 검정 소가 맛은 있다 bò đen ngon thịt, trong tục ngữ, người Hàn còn so sánh: 소는 검정 소고기가 맛이 있고, 개는 흰 개고기가 맛이 있다 bò thì thịt bò đen ngon, chó thì thịt chó trắng ngon, hay: 누런 소는 힘이 세고, 검은 소는 고기가 맛이 좋다 bò vàng sức khỏe, bò đen thịt ngon. Vì thế, nếu được chọn, thì bao giờ cũng nên chọn bò đen: (i) 기왕이면 검정 소를 잡아 먹으랬다 đã bắt thì bắt thịt bò đen, (ii) 같은 값이면 검정 소를 잡아먹으랬다 nếu cùng giá nên giết thịt bò đen/같은 값이면 검정 송아지다 nếu đồng giá chọn bê đen; (iii) thiếu tiền phải mua chịu, cũng mua đồ ngon: 같은 외상이면 검정 소를 잡아 먹는다 nếu cùng là mua chịu thì giết thịt bò đen..

Bên cạnh đó, so với bò đực, thịt bò cái cũng được người Hàn đánh giá cao: 암소 고기가 맛있다 thịt bò cái ngon. Vị và chất lượng của thịt bò ở các mùa cũng khác nhau: 소고기는 겨울이 돼어야 제 맛이 난다 thịt bò mùa đông mới ngon...

Vì thịt trâu/bò ngon và bổ nên không cần lo lắng về khâu tiêu thụ: 소 좋은 것하고 과부 좋은 것은 동네에서 나가지 않는다 bò tốt hay góa phụ tốt không ra khỏi làng: Trâu/bò tốt, người phụ nữ (dù đã một đời chồng) tốt thì không cần đi đâu xa, cứ ở nguyên một chỗ cũng có thể bán được hay gả được.

Trâu/bò là động vật có nhiều ưu điểm trong tâm thức người Hàn:

(1) ít nói: 소가 말을 못해도 열두 가지 덕은 있다 dù bò không nói được nhưng có 12 đức (người có đức ít nói);

(2) chậm rãi: 성깔 있는 머슴이 일은 잘 하고, 뜨는 소가 부리기 좋다 tá điền thô kệch làm việc giỏi, bò chậm dễ dạy bảo;

(3) khỏe mạnh: 소 힘도 힘이요, 새 힘도 힘이다 sức là sức, sức chim cũng là sức. Người Việt có câu: khỏe như trâu...

Trong ngữ liệu tục ngữ tiếng Hàn có yếu tố chỉ trâu/bò, xuất hiện các cặp so sánh về giá trị giữa trâu/bò và các loài động vật khác như dưới đây:

(1) cáo và bò: 여우가 소만 못한다 cáo không thể bằng bò, 소가 여우보다 낫다 bò tốt hơn cáo;

(2) chó và bò: 쇠꼬리보다 개 대가리가 낫다 đầu chó tốt hơn đuôi bò;

(3) gà và bò: 쇠꼬리보다 닭 대가리가 낫다 đầu gà tốt hơn đuôi bò;

(4) chim và bò: 소고기 열 점이 새고기 한 점만 못한다 thịt bò mười điểm không bằng thịt chim 1 điểm;

(5) ngựa và bò: 소 값을 물어서 말 값을 안다 hỏi giá bò biết giá ngựa.

Có thể thấy, trong tương quan với cáo, bò chiếm ưu thế. Trong so sánh với chó và gà, vì các bộ phận được mang ra đối chiếu không đồng nhất, đặc biệt lại là hai bộ phận được biểu trưng hóa thành hai cấp bậc cao (đầu) và thấp (đuôi) khác nhau nên vế thuộc bò ở cấp so sánh kém hơn. Trong sự đối chiếu với chim, người Hàn nhấn mạnh yếu tố chất lượng quan trọng hơn hơn số lượng, khi đối chiếu với ngựa, có thể đoán biết được giá trị của nó dựa vào giá bò - yếu tố được coi như giá sàn. Ngựa thường dành cho giai cấp quí tộc cưỡi, người dân chỉ cưỡi bò, hoặc dùng bò để chở hàng, kéo cày...

4.2. Các giá trị bị đánh giá thấp

Giá trị thấp thường tương ứng với giá thấp. Chất lượng thấp của sản phẩm dẫn đến giá trị của nó ở mức độ thấp, không được ưa thích và lựa chọn. Trong tục ngữ tiếng Hàn đề cập đến hai nhóm giá trị sau:

(1) sản phẩm ít giá trị: 쇠똥은 개도 안 먹는다 phân bò đến chó cũng không ăn,

(2) sản phẩm giá thấp: 서 푼짜리 소는 이빨도 들쳐보지 말랬다 bò giá ba xu thì đừng nhìn răng: đồ giá rẻ chớ để mắt.

Người Việt quan niệm: của rẻ là của ôi, tiền nào của ấy...

4.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc đánh giá, nhìn nhận giá trị

4.3.1. Tính chắc chắn, hiện sinh

Đôi khi, lựa chọn của chúng ta không phải là những thứ tốt nhất, đắt nhất mà là những thứ phù hợp với điều kiện kinh tế, sở thích... Trong tục ngữ, có thể thấy người Hàn Quốc coi trọng độ cần thiết, tính thời sự... khi muốn sở hữu một vật nào đó. Sự cân nhắc, so sánh thể hiện ở các cặp đối tượng sau:

(1) chân châu chấu - chân bò: 내일 쇠다리보다 오늘 메뚜기 다리가 낫다 chân châu chấu hôm nay tốt hơn chân bò ngày mai;

(2) chân chó - chân bò: 내일 쇠다리보다 오늘 개다리가 낫다 chân chó hôm nay tốt hơn chân bò ngày mai, 훗장 쇠다리가 이 장 개 다리만 못하다 chân bò chợ sau không bằng chân chó chợ này...

Có thể thấy sự chênh lệch về giá trị của các cặp tương ứng trên. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng khiến người Hàn Quốc quyết định lựa chọn đồ nhỏ, ít giá trị hơn (chân châu chấu, chân chó) chính là việc có hay không một sự đảm bảo chắc chắn khả năng có thể sở hữu, nắm giữ trong tay: hôm nay hơn ngày mai, phiên chợ này hơn phiên chợ sau...

4.3.2. Cái nhìn tích cực về thế mạnh của mỗi cá thể

Trong xã hội, mỗi con người đều có ưu nhược điểm, sở trường và sở đoản khác nhau. Trong tục ngữ, có thể thấy khá rõ cách nhìn nhận, đánh giá tích cực về thế mạnh của mỗi cá nhân của người Hàn Quốc: 뜨는 소가 부리기 좋고, 성깔 있는 머슴이 일 잘 한다 bò chậm dễ dạy, tá điền thô kệch làm giỏi. Cũng như vậy, đồ vật nào cũng có chỗ dùng của nó: 쇠똥도 마르면  땔감으로 쓰인다 nếu phân bò khô thì được dùng làm chất đốt. Đó phải chăng cũng là minh chứng cho lời giải thích thuyết phục về lí do tồn tại của mỗi con người, mỗi hiện tượng sự vật trên thế gian này?

4.3.3. Tùy thuộc vào thời điểm

Giá trị của con người cũng như của các sản phẩm thương mại có thể ít nhiều có sự biến động, sự lên xuống tùy thuộc vào từng thời điểm, ví dụ: 겨울 소 값은 떨어지고 봄 소 값은 오른다 mùa đông giá bò giảm, mùa xuân giá bò tăng. Vì thế, lợi nhuận thu về ở mỗi thời điểm cũng khác nhau tùy theo đối tượng là người mua hay người bán: 여름 소는 파는 사람이 이롭고 , 겨울 소는 잡는 사람이 이롭다 bò mùa hè thì người bán lợi, bò mùa đông thì người bắt lợi. Bên cạnh đó, giá cả cũng chịu ảnh hưởng của các yếu tố như:

(1) tình hình thay đổi của thị trường, của nền kinh tế: 살림이 거덜나게 되면 봄에 소 판다 nếu kinh tế cạn kiệt thì bán bò vào mùa xuân (được giá);

(2) chịu tác động của mùa màng, thời tiết: 흉년이 들면 소값이 내린다 mất mùa thì giá bò sẽ hạ..

4.3.4. Phán đoán chủ quan

Việc xác định giá trị không chính xác, không đúng so với giá trị thực của nó có thể do hạn chế về nhận thức hoặc quan niệm, cách nghĩ chủ quan của con người. Do đánh giá tình hình thực tế không chính xác mà sản phẩm hoặc con người bị đặt không đúng chỗ, dùng không đúng việc. Trong tục ngữ có yếu tố chỉ trâu/bò, xuất hiện các cặp đối lập không cân xứng (sự đầu tư) - chó/gà/chim (nhu cầu thực tế), biểu đạt ý nghĩa sử dụng người/vật không đúng giá trị, không hợp sở trường, vì thế dẫn đến sự lãng phí hay chịu thiệt hại không đáng có. Tục ngữ có yếu tố chỉ con trâu/bò tiếng Hàn xuất hiện ba mức độ chênh lệch giữa nhu cầu thực tế và sự đầu tư, tiêu phí, xếp theo mức độ lãng phí, thiệt hại từ thấp đến cao như sau:

(1) bò - tiệc chó: 개 잡아 할 잔치 소 잡아 한다 bắt bò cho tiệc chỉ cần giết chó;

(2) bò - tiệc gà: 닭 잡아 잔치할 것 소 잡아 잔치한다 bắt bò cho tiệc chỉ cần giết gà;

(3) bò - tiệc chim: 새 잡아 할 잔치를 소 잡아 한다 bắt bò cho tiệc chỉ cần giết chim...

Có thể thấy, nhu cầu càng nhỏ (chó - gà - chim) thì sự đầu tư ban đầu (bò) càng lãng phí, dẫn đến thiệt hại càng lớn.

Quan niệm về giá trị của người Hàn Quốc thể hiện trong tục ngữ mang tính chất thực dụng, đề cao chất lượng cuộc sống. Có thể thấy, người Hàn từ xưa đã biết coi trọng giá trị sử dụng, tính chắc chắn của khả năng chiếm hữu. Cũng như người Việt, họ biết phát hiện, khai thác và tận dụng giá trị của mỗi cá thể hay sự vật hiện tượng.

Kết luận

Quan niệm về giá trị, về thế giới và nhân sinh của dân tộc Hàn chịu ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo và phương thức tư duy, lối sống của một cộng đồng dân tộc có nền văn hóa lúa nước. Có thể thấy, cũng giống như người Việt, người Hàn Quốc đề cao giá trị nhân văn, coi trọng các giá trị thực và có cách nhìn nhận bao dung, rộng mở đối với con người và thế giới xung quanh. Người Hàn Quốc có cái nhìn hướng ngoại, đề cao vai trò của trường học cuộc sống. Trong tục ngữ có yếu tố chỉ con trâu/bò, các giá trị được đánh giá cao thường có chất lượng tốt, có giá trị sử dụng và ngược lại, các giá trị bị đánh giá thấp thường không có giá trị sử dụng. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc xác định giá trị là: tính chắc chắn, cái nhìn tích cực, thời điểm và phán đoán chủ quan. Có thể thấy nhiều nét tương đồng trong tâm thức của người Hàn Quốc và người Việt về quan niệm nhân sinh, tri nhận thế giới và giá trị.

 

Hoàng Thị Yến1

Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

1. An Chi (2018), Từ thập nhị chi đến 12 con giáp, Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

2. Hoàng Văn Hành (2003), Thành ngữ học tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

3. Mã Giang Lân (1999), Tục ngữ và ca dao Việt Nam, Nxb Giáo dục.

4. Nguyễn Lân (2016), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb Đà Nẵng.

5. Vũ Ngọc Phan (2008), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Văn học.

6. Son Sun Yeong (2015), So sánh biểu trưng của 12 con giáp trong tục ngữ Việt Nam và Hàn Quốc, luận văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

7. Phạm Thanh Tịnh (2013), 12 con giáp trong văn hóa của người Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin.

8. Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên (2006), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học.

9. Hoàng Thị Yến, Hoàng Thị Hải Anh (2019), “Đặc điểm tín hiệu thẩm mĩ của tục ngữ tiếng Hàn có yếu tố chỉ con giáp”, Nghiên cứu Nước ngoài, 35(2), 103-115.

10. Hoàng Thị Yến, Lâm Thị Hòa Bình, Bae Yang Soo (2020), “Cultural components in Korean sokdam (속담 俗談) using the lexical element of “dog” in comparison with Vietnamese and English equivalents”, 베트남연구 (Nghiên cứu Việt Nam) 한국 베트남 학회, số 1 (18), 6/2020, tr. 55-108.

Tiếng Hàn

11.  송재선(1997), 동물 속담 사전. 東文選. (Song Jae Seun (1997), Từ điển tục ngữ động vật, Dongmunseon).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



[1] Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội

* Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Hà Nội trong đề tài mã số QG.18.21.

[2] An Chi (2018), Từ thập nhị chi đến 12 con giáp, Nxb Tổng hợp tp Hồ Chí Minh

[3] Phạm Thanh Tịnh (2013), 12 con giáp trong văn hóa của người Việt, Nxb Văn hóa - Thông tin

[4] An Chi (2018), Từ thập nhị chi đến 12 con giáp, Nxb Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, tr. 45.

[5] Son Sun Yeong (2015), So sánh biểu trưng của 12 con giáp trong tục ngữ Việt Nam và Hàn Quốc, luận văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[6] Hoàng Thị Yến, Hoàng Thị Hải Anh (2019), Đặc điểm tín hiệu thẩm mĩ của tục ngữ tiếng Hàn có yếu tố chỉ con giáp, Nghiên cứu Nước ngoài, 35(2), 103-115.

[7] Hoàng Thị Yến, Lâm Thị Hòa Bình, Bae Yang Soo (2020), “Cultural components in Korean sokdam (속담 俗談) using the lexical element of “dog” in comparison with Vietnamese and English equivalents”, 베트남연구 (Nghiên cứu Việt Nam) 한국 베트남 학회, số 1 (18), 6/2020, tr. 55-108.

[8] 송재선(1997), 동물 속담 사전. 東文選. (Song Jae Seun (1997), Từ điển tục ngữ động vật. Dongmunseon).

[9] Mã Giang Lân (1999), Tục ngữ và ca dao Việt Nam, Nxb Giáo dục.

[10] Hoàng Văn Hành (2003), Thành ngữ học tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nộ.

[11] Vũ Ngọc Phan (2008), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Nxb Văn học.

[12] Nguyễn Lân (2016), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb Đà Nẵng.

[13] Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên (2006), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, tr. 711.

[14] Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên (2006), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học, tr. 934.

[15] Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên (2006), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học.

0thảo luận