Trang chủ

VĂN HÓA VĂN MINH VÀ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG HÀN

Đăng ngày: 11-11-2020, 07:16 | Danh mục: Giới thiệu sách

Tác giả: Lê Quang Thiêm

Nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2019, 311 trang

Kí hiệu: Vv2930

Cho đến ngày nay, sự khẳng định bốn nền văn hóa - văn minh Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam không còn là vấn đề tranh cãi. Khi đề cập đến các nước này chúng ta thường nhắc đến khái niệm “đồng văn”. Do đặc điểm lịch sử và mối quan hệ, tác động ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, chúng ta biết tới nền văn hóa - văn minh này nhiều hơn là nền văn hóa Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong quan hệ với các nước này, khái niệm “đồng văn” dường như chỉ được hình dung chung chung qua một vài tiếp xúc, giới thiệu, xướng họa của sứ thần và như là những nước có chịu ảnh hưởng, thiên di văn hóa Trung Hoa trong lịch sử. Còn những hiểu biết cụ thể ở từng nước Hàn Quốc, Nhật Bản, sự tồn tại và đặc điểm của các thực thể văn hóa thì chúng ta chưa có điều kiện tìm hiểu dưới góc độ là những đối tượng nghiên cứu sâu. Chính vì vậy, việc bắt đầu làm quen, nhận diện với các yếu tố, hiện tượng có tính chất loại hình cùng tồn tại ở các nước này là một yêu cầu không thể thiếu được để hiểu văn hóa các nước đó và từ đấy cũng hiểu sâu hơn văn hóa Việt Nam. Nền văn hóa Hàn, nền văn minh bán đảo Hàn thống nhất là một trọng điểm, một mắt xích quan trọng trong sự hiểu biết sâu sắc đó. Đây cũng chính là lí do cuốn sách “Văn hóa văn minh và văn hóa truyền thống Hàn” ra đời. Cuốn sách gồm hai phần và được chia thành các chương với những nội dung chính như sau:

Phần một: Khái niệm văn hóa, văn minh, bản sắc văn hóa. Phần này gồm 6 chương. Trong đó, tác giả phân tích tầm quan trọng của vấn đề, cội nguồn của khái niệm văn hóa, văn minh, yếu tố từ nguyên các từ “văn hóa”, “văn minh” trong truyền thống phương Đông xưa; tác giả nhấn mạnh sự cần thiết phân biệt cách hiểu văn hóa với văn minh, giải phẫu hiện thực văn minh và khái niệm văn minh, dấu hiệu của khái niệm văn minh, các loại hình, các nền văn minh, xã hội văn minh; phân tích phạm vi bao quát của văn hóa, một số cách hiểu văn hóa hiện nay, dấu hiệu đặc trưng của khái niệm văn hóa, hằng số văn hóa, thuộc tính của văn hóa, các loại hình tồn tại của văn hóa; định vị bản sắc văn hóa, các bình diện của bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài ra, tác giả cũng phân tích cơ chế vận hành - động thái văn hóa và quan hệ chuyển hóa văn hóa và văn minh.

Phần 2: Văn hóa truyền thống Hàn, gồm 10 chương. Tác giả đi sâu phân tích địa bàn văn hóa với các nền văn hóa tiền sử; dấu hiệu văn hóa tinh thần trong buổi đầu lập quốc; đặc điểm tiếng Hàn và chữ viết Hangul; loại hình lễ hội truyền thống - lễ và hội làng ở Hàn Quốc; lược khảo văn hóa Phật giáo Hàn; khái lược nho giáo Hàn từ góc nhìn văn hóa; khảo sát về Lão giáo Hàn. Bên cạnh đó, tác giả đã đưa ra một số nhận xét về đặc điểm người Hàn truyền thống, văn hóa tinh thần truyền thống và văn hóa truyền thống Hàn trong quan hệ khu vực.

Cuốn sách chỉ ra một số yếu tố tạo thành văn hóa tinh thần truyền thống để từ đó giúp bạn đọc tìm hiểu đặc điểm và bản sắc, tinh hoa văn hóa Hàn. Cuốn sách là tài liệu tham khảo thực sự hữu ích cho bạn đọc khi nghiên cứu vấn đề này.

Thực hiện: Hà Hậu, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

0thảo luận